Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Cô Giáo Làng


Buổi chọn nhiệm sở hôm ấy Thơ mặc áo dài màu xanh da trời. (Màu Cha Thơ rất thích)! Hình như số Giáo sinh tham dự không được đông lắm. Nhiều người đã ủy quyền cho các bạn sống ở Quy Nhơn chọn giùm. Phần Thơ, cũng nhận chọn thay cho 3 người bạn. Một người nữa nhờ giúp. Thơ từ chối vì đã đủ số. Bị bạn ấy giận. (Sao Ph không nói trước)? Sau 42 năm, gặp lại, Ph vẫn còn “thù dai” nhắc:
       - Nếu ngày đó, Thơ đã nhận giúp, Ph sẽ đi Lâm Đồng, thay cho Quảng Trị, là nơi bà Cô muốn chọn để về gần Bà. Có lẽ đời Ph đã khác?
       Thơ cười: - Chắc chắn là khác rồi! Chỉ sợ không biết có được như ngày nay không? Nên, hãy…biết ơn vì lời từ chối của Thơ!
       Nhiều địa điểm thuộc các xã trong tỉnh Bình Định như: Phước Nghĩa, Phước Thành, Phước Hậu…, vẫn còn. Nhưng Thơ đã rắp tâm muốn đi xa, để thoát khỏi sự khó khăn, nghiêm khắc của Cha mình. (Với trí hiểu non dại lúc ấy, Thơ nghĩ vậy)! Thế là Thơ và Yến, hai đứa vị thứ liền nhau, chọn đi Bồng Sơn, một Thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn, nằm về phía Bắc của tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 100 km. Dạo ấy đường bộ không được an toàn, nên chúng tôi đến Tòa Hành Chánh để xin máy bay.
       Mấy bận đi về, mới được hẹn một ngày chính xác. Chúng tôi đã đến nhiệm sở bằng trực thăng…võ trang! Cho đến mãi bây giờ, Thơ cũng không hiểu là vô tình, hay cố ý tinh nghịch, họ đã sắp xếp cho 2 cô giáo trẻ măng, 20, 21 tuổi ấy, mỗi đứa ngồi bên một người xạ thủ Mỹ, ở hai bên cửa hông máy bay. Họ luôn ghìm súng, nhìn chăm chăm xuống mặt đất. Ghế VIP để trống, sao chẳng thương giùm 2 cô giáo về làng?
       Hai bên cửa trực thăng đều bỏ ngỏ. Gió lộng phần phật. Tiếng động cơ từ hai cánh quạt chát tai! Chẳng ai nói, ai nghe. Chỉ thỉnh thoảng gặp một ánh mắt tình cờ! Mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ riêng tư.
       Từ trên cao nhìn xuống, cảnh vật nơi nào cũng xinh xắn: Đường làng quanh co uốn khúc. Những mảnh vườn, ruộng lúa vuông vức, nhà cửa gọn gàng ẩn mình dưới lùm cây xanh ngắt. Rải rác có những “Sóng chén”, đầy những chén úp ngăn nắp, đều đặn. Thơ ngẫm nghĩ mới hay: Đó là những sân phơi lúa. Buổi sáng, người nông dân xúc lúa đổ ra sân, vẫn để nguyên từng khối nhỏ, chờ nắng lên mới cào ra phơi.
       Mải mê nhìn cảnh quê xinh đẹp, thoắt đã thấy vườn dừa bát ngát và dòng Lại Giang êm trôi! Trực thăng đáp xuống lãnh vực Trung đoàn 40 Bộ binh. Xe Jeep mui trần chở chúng tôi đi một vòng phố xá Bồng Sơn, như để “trình làng” 2 cô giáo mới ra trường!
       Nơi chúng tôi đến trọ là tiệm thuốc Nhơn Hòa Đường, do Ba của Yến, thời gian làm việc ở BS, đã giới thiệu. Nhưng nay, Thơ nhắc lại, Yến bảo:
       - Thế à? Sao Yến không nhớ?
 Ông Bố chồng cắt thuốc Bắc, người con dâu mở quán cơm. Phong cảnh nửa tỉnh, nửa quê nơi đây, làm cho chúng tôi thấy thú vị! Trước nhà: Phố xá, xe cộ, người qua kẻ lại tấp nập. Phía sau: Vườn ruộng xanh tươi, gió rì rào, không gian thoáng đãng mát mẻ!
       Chúng tôi trọ trong một căn phòng nhỏ, không có cửa! Hai đứa lần đầu tiên xa nhà, nhút nhát như hai chú thỏ con. May mà còn có đôi, nương tựa vào nhau, cũng bớt buồn, bớt lo.Tối đến, chúng tôi khiêng bàn, khuân ghế chồng trên, chèn dưới, chặn trước cửa! Còn ngọn đèn dầu, loay hoay không biết nên đặt trên, hay dưới gầm bàn?
       Tới bữa cơm, bà chủ quán đon đả mời chúng tôi dùng cơm với bà ở trước quán. Nhưng dù chúng tôi có rút vào trong phòng riêng, thực khách đi ngang qua, vẫn đưa mắt tò mò dòm ngó. Có người còn ghé vào, vồn vã bắt chuyện! Một lần, chúng tôi đang cộng sổ điểm cuối tháng, một người lính lân la ghé vào, chỉ cho 2 cô giáo “non choẹt” cách cộng sổ khá hay. Có lẽ anh lính này là một giáo chức, bị động viên?
Lệ thường, cộng điểm xong, chúng tôi ghi tên và điểm trung bình của mỗi HS vào một phiếu giấy nhỏ. Phân ra từng nhóm theo điểm số. Xếp thứ tự, từ nhóm điểm cao nhất đến nhóm điểm thấp nhất. Ghi vị thứ và viết vào sổ.
       Anh lính ấy bày cho chúng tôi, từ lúc cộng điểm:
Ví dụ, các cột điểm:    6,  8,  7,  9, 10    =   ( 5+1,  5+3,  5+2,  5+4, 5+5)
       a/ Ta sẽ cộng các số 5 trước, sau đó cộng thêm số lẻ còn dư lại.
       b/ Miệng đếm: 5,10, 15, 20, 25, 30. Cộng thêm các số dư, thành:
31, 34, 36, 40.  (Đếm số nào, chấm ngòi bút vào chữ số đó).
Chia lấy điểm trung bình. Ghi liền vào một tờ giấy lớn, không cần đề tên HS. Điểm nào, ghi vào nhóm đó. Nếu có 2 hoặc 3 điểm trùng nhau, vẫn viết đủ 2 hoặc 3 lần.  Kiểm lại các cột điểm trung bình, nếu khớp với sĩ số, ta sẽ ghi vị thứ, sát bên. Theo đó, viết vào sổ chính.
       Có lẽ đó là điều tốt đẹp nhất, chúng tôi nhận được nơi phòng trọ trống trải, bất an này. Phần nhiều chỉ là những phiền hà, mất thì giờ, hoặc phải nghe những lời trêu chọc khó chịu!
 Mỗi ngày, chúng tôi đi ngang qua VP Quận, mới tới trường. Trường nằm trên bờ Lại Giang. Anh Phụng Hiệu trưởng niềm nở đón tiếp 2 cô giáo mới ra trường, nhiệt tâm soạn bài, giảng dạy và thích dạy hát. Anh nói, lâu lắm mới nghe lại những những câu hát quen vang vang trong trường:
...“Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra, ngồi hay đứng bên thềm. Đợi chồng con mắt trông về phía trời xa. Sáo diều êm trầm lắng lời thơ, lúa vàng reo đùa muôn sóng nhấp nhô. Ôi chiều quê, chiều xao xuyến êm đềm. Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương. Trông người ra, ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên”… (Chiều quê/ Hoàng Quý).
Hoặc: …“ Học sinh đua nhau tiến tới. Ra trường học chăm học mãi. Trẻ thơ siêng năng hăng hái. Lớn lên đắp xây cuộc đời. Anh lớn làm thơ, thì em biết đọc i tờ. Mẹ mến yêu đứng chờ. Nhìn em với bạn nô đùa. Anh biết chăm ruộng nương, thì em biết chăm đến trường. Cơn gió lên cuối đường mừng em sống trẻ măng”…( Đua nhau chăm học/ Phạm Duy).
Chúng tôi quanh quẩn trong lớp với đám học sinh, ít khi lên Văn phòng. Giờ chơi, thỉnh thoảng ra đứng trên hành lang khá cao, đưa mắt nhìn vu vơ ra cảnh sông nước, trước trường…
Sau, chúng tôi dời chỗ ở, đến trọ nơi nhà một đôi vợ chồng cao niên. Nhà chỉ có hai ông bà và một đứa cháu họ xa, tên gọi “Thằng Mịch”. Mịch thường mặc bộ bà ba màu nâu. Nghe nói, một thời gian khá lâu, Mịch đã vào ở trong chùa. Đây là một cậu bé rất thật thà, chân chất, hơi chậm chạp! Lúc rảnh, Mịch thường bám theo chúng tôi, lân la trò chuyện. Mịch chỉ cho chúng tôi xem, dấu nước lụt năm Thìn nào đó, còn in trên vách tường. (Ở sát bờ sông, nghe vậy chúng tôi cũng hơi…ớn ớn)!
Một buổi sớm mai, chúng tôi ra lan can phía sau nhà, đứng nhìn lớp sương mù dày đặc trên mặt sông. Hai cô giáo “ngố” lo lắng:
- Sợ hôm nay trời mưa to!
Cậu bé quả quyết: - Sẽ nắng lớn, cô ạ!
Quả nhiên: Trời nắng rực rỡ, thiếu điều…muốn cháy da!
Ông bà cụ chủ nhà là người ưa yên tĩnh, nói chung là không thích đám trẻ con. Cuối tháng, ông bà chỉ bằng lòng cho một vài em đến giúp chúng tôi làm sổ sách. Ngoài ra, nếu học sinh đến chơi đông, chúng tôi phải đón tiếp các em nơi khoảng trống trong chợ, trước mặt nhà. Chúng tôi cũng không được nấu nướng gì, nên phải nhờ một phụ huynh học sinh nấu cơm giùm. Chẳng bao lâu, cũng bị từ chối, vì cô con gái đem cơm, đi qua Quận, thường bị các anh lính trẻ trêu chọc! Chúng tôi đành ăn cơm hàng…cháo chợ! Thơ làm quen với mùi chao, rất… “kinh dị” từ đó! (Giờ, đã… “ghiền”, không biết từ lúc nào)! Lạ thật!
       Dần dà, có một vài người lính cũng… “vượt rào” là qua được phòng của Ông Bà chủ nhà, ra phòng trọ phía sau để… tán gẫu với chúng tôi! Hai đứa đâu nói năng gì, ngoài… cặm cụi trả lời những câu hỏi! Thế mà, khi khách nhà binh về rồi, đã “dám” lấy mấy mẩu giấy, làm thăm. Bốc thăm… chia phần: Anh Quân nhu, Quân vận, anh Trung đoàn… là của ai?! (Thật là trẻ con)!
       Vợ chồng anh Oanh, dạy trường Tăng Bạt Hổ, mời chúng tôi vào Ca đoàn của Giáo xứ. Dù khác đạo, Yến vẫn vui lòng đi tập hát với Thơ hai buổi tối mỗi tuần. Dạo đó gần lễ Giáng sinh, ca đoàn đang tập hát các bài: Cao cung lên, Đêm đông lạnh lẽo, Đêm Thánh vô cùng…Tập hát Thánh ca, ngoài niềm tin tôn giáo, đã là một cách giải trí thanh tao, lành mạnh. Chúng tôi quen không nhiều, nhưng đã gặp những người hiền lành tử tế như hai chị em cô Thăng, cô Thúy và một số AC dạy ở Trung học Tăng Bạt Hổ…
Một lần chúng tôi đi nhờ xe của Trung úy Lâm tới Trung đoàn xin máy bay về QN. Trung tá NBT… “đùa dai”:  - Tối nay, để 2 cô giáo ở lại đây! Tr, úy Lâm mà đưa hai cô ấy về, tao bắn gãy giò”! Hai “Chú thỏ con” trước mặt “Hùm xám”, làm gì chẳng điếng hồn! Nhưng, dù sao có 2 đứa vẫn có thể: Cứ bình tĩnh mà..run!
       Ham tự do, ưa thoải mái. Nay đã gặp bao nhiêu thiếu thốn, bất toàn. Kể cả, hai đứa đã tận mắt chứng kiến 1 vụ nổ lựu đạn gần chợ, 1 vụ giựt mìn làm sập cầu. Nên dịp về Quy Nhơn ăn tết, chúng tôi liều… “nằm vạ” ở Ty Tiểu học! Không bị…phạt đòn, nhưng Ông Trưởng Ty rất thông cảm, cho Yến về Nguyễn Trường Tộ, còn Thơ về trường Ấu Triệu, gần nhà.

       Đó là một trường Nữ tiểu học, rất gần biển. Nhiệm sở thứ hai này là  nơi Thơ đã học qua 2 năm lớp Nhì và Nhất khi mới di cư vào Nam, rồi ra miền Trung. Trường được vinh dự mang tên ẤU TRIỆU: “Cô Triệu Bé”, là chính ý nghĩa cao quý, mến thương mà Phan Bội Châu, lấy tấm gương bất khuất của Liệt nữ Triệu Thị Trinh trong sử Việt, đặt cho Cô Lê Thị Đàn, người làng Thế Lại Thượng. (Nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế, (Là người đồng chí của Phan bội Châu), đã hoạt động tích cực và đã tuẫn tiết để bảo toàn bí mật cho Phong trào Cách Mạng Duy Tân hội và Phong trào Đông Du ở nước ta, hồi đầu thế kỷ XX. Do đảm đương công tác bí mật, nên công lao và sự hy sinh của Lê Thị Đàn dưới thời Pháp thuộc ít được biết đến. Sau này, nhờ Phan Bội Châu kể lại vụ việc trong cuốn: “Việt Nam nghĩa liệt sĩ”. Tên tuổi của Bà mới được lưu truyền).
       Các cô giáo độc thân trường Ấu Triệu được ưu tiên dạy các lớp Nhì và Nhất, ngày hai buổi, nghỉ thứ tư và thứ bảy. Nhường cho các chị có gia đình dạy 1 buổi sáng hoặc chiều. (Năm sau, trường mở thêm lớp, chỉ còn dạy đồng loạt một buổi như nhau). Trường xây hình chữ U, những giây hoa Ti Gôn kết mành như…trướng phủ, rèm che ngoài hiên các lớp học, càng tăng thêm vẻ êm đềm, thơ mộng cho một ngôi trường. Trong đó, học sinh và tất cả giáo viên, toàn là nữ giới. (Trừ… anh cai trường)!
       Bà Hiệu Trưởng LCC, nhũ danh Bùi Thị Sự, (Thời ấy người phụ nữ dù đi làm việc, vẫn còn gọi bằng tên chồng) rất bao dung, thân thiện và dễ mến. Ở nhà, có món gì ngon, Bà dành bớt cho chúng tôi cùng thưởng thức! Có lần, Bà đem …khoe cả nửa tá áo Bà Ba, may đủ màu, bằng thứ hàng lụa Bà yêu thích. Chúng tôi, mỗi đứa khoác một chiếc. Xúng xính lượn qua, lượn lại. Bầu khí vui tươi, đầm ấm như trong một gia đình!
 Đến khi có chương trình viện trợ sữa và bột mì cho các em nhỏ. Các cô giáo lớp Năm đảm trách thêm việc này! Lúc nồi sữa mới nấu xong, Bà HT cho “nháy” chúng tôi tới VP, uống 1 ly sữa nóng và ăn bánh mì ngọt, trước khi các cô giáo phục vụ …đại trà  cho bầy trẻ nhỏ! (Chị Vân, chị Sử Kim Anh… còn vớt thêm cho chúng tôi chút váng sữa nổi trên mặt soong, thật thơm và béo ngậy)! (Khi Cô Bùi Thị Sự được thăng chức Thanh Tra, Cô CHTN Ngọc Lan, giáo viên lớp Nhất của Thơ ngày xưa, lên làm Hiệu trưởng).
       Dạo ấy chưa có lệ mặc đồng phục, nhưng nhóm giáo viên trường Thơ  đã rủ nhau may mấy bộ áo dài cùng màu. Một lần tới dự giờ ở trường Mai Xuân Thưởng, chúng tôi hẹn nhau, mặc một loạt màu “cổ đồng” thật độc đáo! Bị mang tiếng là…dân Ấu Triệu ưa chưng diện từ đó. Không oan! Nhưng có sao? Làm đẹp, vui bụng mình, tô thắm cõi đời, có gì là sai đâu? Miễn là chúng tôi vẫn hết lòng thương yêu và tận tình dạy dỗ đàn em nhỏ!
Tới lượt Thơ phải dạy mẫu, cả trường cùng hội họp, góp ý xây dựng bài dạy cho Thơ. Lê Hoa lãnh việc may gấp cho Thơ chiếc áo dài mới, bằng 1 tấm  “xà rông” của Campuchia, để kịp … trình diễn, cùng với bài dạy! Thực ra, Cha của Thơ, mới là người chuẩn bị bài cho Thơ kỹ lưỡng nhất. Một bài Địa Lý, trọng tâm nói về địa thế quan trọng của nước Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Đông Nam Á. Nhưng tới buổi dạy, Cha đã không đến dự, để  Thơ được tự nhiên. (Chị Nam Trân rất thật thà nói: “Trân sợ Bác Uyên, hơn sợ… Thanh tra” cơ mà)! Cha Thơ nghiêm khắc và mẫu mực lắm! Cha không bằng lòng cho Thơ đem đồ đan, thêu…vào lớp. Cha nói: “Nếu buổi sáng hôm ấy con đã không tận tâm giảng dạy, con không xứng đáng được nghỉ trưa”! (…Chịu nổi không)?
       Nhóm độc thân như Thơ, dạy hai buổi chưa đủ, còn rủ nhau ở lại trường buổi trưa, dù nhà không lấy gì làm xa lắm! Bọn Thơ vui đùa, trò chuyện, ca hát. Hoặc cắm cúi thực hiện một mẫu thêu áo dài, hay một kiểu áo tắm trên hàng “Piquet” lập thể, rất độc đáo, theo mẫu của “Nhà thiết kế” Lê Hoa. (Cô ấy rất khéo tay)! Chuyện ăn uống không quan trọng: Chạy ào ra chợ rất gần, mua các loại bánh. Hoặc đã có sẵn quán bún bò, nem nướng… phía sau trường. Món ăn vặt cả bọn ưa thích nhất là đậu phụng nấu, chỉ no bụng, chứ không bao giờ chán! Hạt dưa, nhiệt tình cắn nguyên…bịch nửa ký! Một hôm, Thơ bảo Lê Hoa:
 - Hai bên hàm Thơ bị đau, mỏi lắm!
 - ­­­­­Hoa cười: - Bữa qua…giành ăn ­­­­­­­­khoai mật phơi khô, không nhớ sao?
 - Hèn chi! Thế mà Thơ sợ, sắp lên…quai bị chứ!
Trường ở gần mấy trại lính, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp
một khuôn mặt “Học trò…già”, là một anh lính trẻ, cố tình …ngồi nhầm chỗ ở cuối lớp! Có những buổi đi lạc quyên, Thày trò…xuống đường chặn khách bộ hành, chặn xe lớn, xe nhỏ. Cười…cầu tài để xin tiền, gây quỹ mua quà Xuân cho Chiến sĩ, hoặc giúp đồng bào vùng bị bão lụt… Khách đi đường, ai cũng vui vẻ, bằng lòng, chịu…cho móc túi! Những kỳ nghỉ hè, chúng tôi đi làm Giám thị 2, cùng phòng với Giám thị 1 là Giáo chức cấp 2 hoặc cấp 3, ở các tỉnh khác về. Nếu liên tục mấy buổi, vẫn cứ coi thi với một giám thị ấy, là hiểu rồi! “Họ” đã… thông đồng với nhau, cố ý tinh nghịch, sắp xếp như vậy! Phần Thơ đã gặp hai lần như thế. Cũng là một niềm vui…lan man sau kỳ thi! Nói chi, trong tuần lễ nhóm giáo sinh sư phạm đến trường thực tập. Một anh giáo sinh khóa 7, còn dám… “kết” với một cô giáo đàn chị, tốt nghiệp khóa 1 cơ mà! Đúng là…tình không biên giới! Chỉ tiếc, đến mùa Hè, tình cũng…tan tác như cánh phượng hồng!
       Học sinh cấp 1 luôn coi các Thầy, Cô giáo là…thần tượng của mình! Nhất là các cô giáo trẻ độc thân, luôn được các em thương mến, ríu rít vây quanh. Hơn 40 năm, Thơ tìm gặp lại hai cô học trò cũ: Mỹ Trang, Mỹ Hòa, vẫn còn… thú nhận: “Được ôm sổ sách, cầm thước, phấn, khăn chùi bảng cho Cô, là… vinh dự lắm”!
       Năm Thơ nhận lớp Nhì B, cô Ph dạy lớp Nhất A mang bầu, sẽ sinh con vào khoảng Học kỳ 2. Bà Hiệu trưởng điều động chúng tôi chuyển đổi, để khỏi xáo trộn cho các em lớp đi thi. Thơ báo tin cho học sinh lớp mình. Cô cháu đều thổn thức. Các em khóc rộ lên! Thơ cũng nghẹn ngào, không thốt nên lời, cầm phấn ghi lên bảng: -“Thôi, các em về đi! Đừng khóc nữa! Chúng ta vẫn còn gặp nhau”! Chúng càng khóc to hơn. Ra về, cả thầy trò cùng mắt đỏ! Từ đó, nhóm học sinh lớp cũ tới nhà đón Thơ. Gần đến trường, các em vội lảng xa, sợ các bạn lớp mới…chọc quê! Suốt tuần, cứ bịn rịn như thế! Cô Ph cũng bảo: Học trò mến Thơ quá, mình cũng không muốn dạy! Thế là Bà HT đồng ý, cho…trở lại vị trí cũ! Thơ thật hạnh phúc giữa đồng nghiệp thân yêu và học sinh quý mến như người ruột thịt!
 Rồi, cũng đến một lần:
       “Ngày mai, trong đám xuân xanh ấy,
       Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi”!
Năm 1970, Thơ làm dâu Bình Định, theo chồng vào Biên Hòa. Cũng đành xa đám học trò nhỏ:
“Vai mang khăn gói sang sông.
Má gọi mặc Má, theo chồng (con) cứ theo”!
 Chồng đổi đi đâu, Thơ được ưu tiên 1, theo đến đó! Đã thuyên chuyển qua nhiều nơi, nhiều trường. Nhưng không có nơi nào, thân thương, đầm ấm cho bằng mái trường ẤU TRIỆU, nơi Thơ sống thời cô giáo độc thân ngày ấy!
       Năm ngoái, nhân dịp về Quy Nhơn tham dự kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập trường SPQN. Buổi sáng, từ khách sạn Hải Âu, hai mẹ con Thơ đi dự Thánh lễ sớm ở Nhà thờ Chánh tòa. Rồi thả bộ theo con đường Lê Thánh Tôn, ra hướng biển. Gặp đường Tăng Bạt Hổ, Thơ rẽ trái, ghé thăm ngôi trường xưa: Trường nay không còn dành riêng cho nữ sinh, đã lên lầu và thay bằng tên vị anh hùng LÊ LỢI. Thơ đứng ngoài song cánh cổng sắt, nhìn vào bên trong:
 Ngày Chúa nhật, sân trường vắng hoe, không một bóng người: Cảnh cũ còn đây nhưng đồng nghiệp, học sinh năm xưa, đã tản mác khắp nơi rồi! Lòng Thơ dâng trào bao kỷ niệm mến thương. Không bao giờ còn có thể tìm gặp lại đông đủ nữa! Những ai còn, ai mất? Và đàn em thơ bé, tươi vui ngày ấy, nay cũng lớn bộn rồi! Cuộc đời các em có được vuông tròn, hạnh phúc hay không? Thơ bồi hồi cảm xúc, thấm vội đôi giọt lệ vừa trào ra khóe mắt, khi nghe tiếng cậu con út gọi:
- Mẹ ơi! Về thôi. Mặt trời đã lên cao rồi!

*Yth. Nguyen.
     (L6 / K3)

11 nhận xét:

  1. Đã bao năm rồi mà kỷ niệm không phai nhạt phải không chị Thơ . Bài viết thật hay đã nói lên cảm xúc của một thời sư phạm , một thời đi dạy và một thời nhớ nhung . Cảm ơn chị Thơ và chờ đọc bài mới của chị .

    Trả lờiXóa
  2. ...Ôi chi Thơ ơi. Chi viet bài này đọc xong thích quá.
    Xin chào Chị..Chi Thơ biết ko ..Bồng Sơn noi mà quá nhiều ngày tôi đạp xe lên An Lảo, Lại giang thì thì nhớ cả từng khúc sông , vườn dừa có lần cắm trại, nuoc lụt lên tận cổ phải di tản vào Tăng Bạt Hổ,buổi sáng ăn bánh dây lá hẹ.khó quên..Thể lại thượng cũng chính là quê nôi...chiến tranh đã đi qua..có thời áo lính.
    Một bài viết làm cho tôi sống lại cái thời mới ra trường đi dạy...chi viết rấtthật , dễ thương , tình cảm quá..có cả cái nhìn thật sâu.sâu lắng. và.. có tất cả cái đẹp của người mang nghiep giáo. Chúc Chi găp nhieu may mắn và mỉm cười thật tươi với những kỷ niệm của một thời đi day.. ( Chào Chi )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc bài của chị chắc nhiều bạn đồng môn ngày ấy sống lại một thời thanh xuân của những năm mới vào đời.
      Đt đọc lại mấy lần,lối kể trong sáng chân thật,nhẹ nhàng .ĐT rất thích. Hồi đó, nhiều lần ĐT cũng di chuyển bằng trực thăng vũ trang, có lần đi C 130 từ QNhơn về ĐN,cũng hơi sợ nhưng rất vui
      Mong được gặp chị trên trang SPQN thường xuyên. ĐanThanh

      Xóa
    2. Dzungnguyen, BienK8 & Đan Thanh thân mến,
      Yth rất vui, khi nhận được phản hồi của các bạn. Cũng xin có lời xin lỗi về lời hồi âm muộn màng này! Năm ngoái Yth về thăm quê hương, dự Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Mẹ. Gặp được một số băng hữu ngày xưa, sau 47 năm, từ ngày ra trường! Thật vui và hạnh phúc! Đến nỗi các con Yth hỏi: "Ngày trước có thân không, sao nay thắm thiết vậy"? Quả là ngày đó, không ai nói... riêng với ai câu nào!!! Nhưng: Càng đi xa càng nhớ! Mái tóc điểm sương càng luyến tiếc tuổi hoa niên dưới mái trường SP thân yêu!
      Và tình thân ái bây giờ, không chỉ giới hạn trong cùng một lớp,một khóa, mà chỉ nghe 4 tiếng SPQN, đã thây vui mừng vì gặp được "Phe ta" rồi!
      Cầu chúc Dzungnguyen, BienK8 và Đan Thanh tràn đầy sức khỏe và niềm vui! Hẹn gặp nhau trên trang Spqn1972 này.
      Thân ái, Ythnguyen.

      Xóa
    3. Cao thị Mỹ Hòalúc 20:09 15 tháng 8, 2013

      Thưa cô. Bài cô viết dễ thương quá, em như được sống lại thời thơ ấu dưới mái trường Ấu Triệu. Được cô dạy, mỗi giờ học là một giờ vui! Em đã mong được học với cô, từ lúc em đang học lớp dưới! Thật háo hức khi được đứng gần cô, được đi cùng đường, được cô nhờ phát tập cho các bạn và thật hạnh phúc khi được cô để ý. Bây giờ em đã lớn, nhưng hình ảnh của cô vẫn đẹp và không bao giờ em quên cô giáo cũ của em! Mỹ Hòa.

      Xóa
    4. Cảm ơn cô đã chia sẻ một bài viết thật cảm động! Đọc mà nhớ tuổi thơ ở Quy Nhơn. Xem đến đoạn cuối, em bồi hồi muốn khóc! Năm 2009, em và Hòa cùng mấy người bạn có về thăm trường Ấu Triệu. Đi lang thang trong trường để tìm lại những dấu tích năm xưa. Lòng cũng thầm hỏi: Cảnh cũ còn đây mà người xưa đâu cả? Chẳng bao giờ còn tìm lại được đông đủ! Em cầu chúc cô luôn được an vui! Trang C.

      Xóa
    5. Mỹ Trang, Mỹ Hòa thương mến,
      Thật hạnh phúc, khi cô cháu mình được gặp lại nhau, sau hơn 40 năm cách biệt! Không chỉ trên "thế giới ảo", mà còn được "Tay bắt, mặt mừng" ở Cali & ở Saigon nữa!
      Tạ ơn Trời và cám ơn bài thơ họa: "Khi vợ vắng nhà" của MT trên "cuongde.org". Một bài thơ đẹp lời, đẹp cả ý tình! Đã như 1 dấu mật mã để cô lần tìm ra dấu vết của hai cô học trò nhỏ ngày xưa! Nay các em đã trưởng thành."Học trò hơn cô...xã hội có phúc"! Cầu chúc hai em luôn an vui, hạnh phúc bên chồng con thương mến. Đừng để bị thất lạc nhau lần nữa, MT&MH nhé!
      Ythnguyen.

      Xóa
  3. Hàn Diệu Phươnglúc 01:55 16 tháng 8, 2013

    Chị Thơ ơi, P cũng có dạy ở Hoài Nhơn, Bồng Sơn năm 1974 và có nhiều kỷ niệm ở nơi này...P ở trọ ở tiệm thuốc Bắc Nghĩa Hưng và thường bị các anh lính chọc nên sợ quá trốn về Qui Nhơn và sau tháng 4 năm 75 về dạy cấp 2 Trần Hưng Đạo QN ( trường Tàu Sùng Nhơn , Triều Thuận)... Bài viết mộc mạc, nhẹ nhàng của chị gợi nhiều kỷ niệm trong em thời đi dạy ở quê nhà nên P rất thích.
    Mong được đọc thêm các bài viết mới cũa chị. Mến, DP

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Diệu Phương! Đúng là "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"! Có một tâm hồn "Đồng điệu", để cùng ôn lại kỷ niệm thời..."Hoàng kim" thật là vui, DP nhỉ?
      Hồi nhỏ, Cha của Yth đã tập cho Yth đi xe đạp trong khuôn viên trường Sùng Nhơn đó! Yth và cô bạn, ra trường, chọn nhiệm sở BS vào năm 1966. Nếu mà DP...lớn nhanh chút nữa, thì "Chúng mình 3 đứa", cùng dạy ở BS, sẽ chẳng sợ ai bắt nạt đâu nhỉ? Cám ơn sự đồng cảm của DP. Chúc DP vui khỏe! Thân mến, Ythnguyen.

      Xóa
    2. Chị Tứ ơi, đôc bài này của chị....nhơ thương quá...cả bầu trời hoa mộng tràn ngap hồn em....hết bài rồi ư ,,,,!,,!,,!thẩn thờ,trở về thực tai....chỉ mình em nằm cheo queo nghĩ về...thầy...về chị...buồn vui lẫn lộn.

      Xóa
    3. Xuân Đài ơi!
      Chỗi dạy, đánh vũ cầu đi em! Đừng..."nằm chèo queo" như vậy! Thư thả, hai chị em mình lại gọi điện thoại cho vui nhé. Thân ái, Yth. Nguyễn Thy Tứ.

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...