Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Xiên Ngã Bước Chân Em. (Nguyễn Mỹ Nữ)



Tiếp tục mạch Văn của Weblog, SPQN xin giới thiệu đến các bạn một tùy bút của Nguyễn Mỹ Nữ, cô đã từng là một giáo viên, nay thì cô đã nghỉ để tập trung vào việc cầm bút. Cô hiên là hội viên của Hội Nhà Văn VN, nay cô đang sinh sống và làm việc tại Qui Nhơn. Đoản văn của cô nhắc đến một kỷ niệm ngày còn đi dạy... những kỷ niệm mà mỗi một trong chúng ta ai cũng đã từng có... hy vọng mọi người sẽ chia xẻ cảm xúc của mình bằng bài viết hoặc phản hồi qua entry này.
                                                 
Thương tặng hương hồn em Nguyễn thị Ý

Nguyễn Mỹ Nữ
        
Sau khi rời bỏ mái trường, vĩnh viễn chia tay cùng lớp học. Tôi thật sự nhập cuộc cùng dòng sống khắc nghiệt ở bên ngoài. Làm dăm bảy nghề, di chuyển dăm ba nơi. Kể ra thì cũng chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ - quá đủ cho tôi cảm thấy mỏi mệt. Những đổi thay ban đầu còn thấy háo hức, sau thấy thường, chả có gì rồi sau nữa đâm ra ngại ngần, chán nản. Và tôi thường nhớ về trường, lớp ở những thời điểm ấy. Như ngay lúc này đây: tôi vừa chấm dứt một công việc, phân vân chưa biết làm gì, đang ở không và thành phố đang bước vào mùa mưa. Cái mùa dễ làm chùng lòng với những chiều sẫm tối, đầy u ám.
Mười mấy năm đi học, bảy tám năm đi dạy. Những kỷ niệm và mái trường ăm ắp trong “ngăn kéo kỷ niệm” của tôi mỗi lần được mở ra, lục lọi và sắp sếp trở lại và đến là kỳ. Vẫn vậy: một đôi mắt to đen, thật buồn. Đôi mắt hụt nghiêng, chới với… Vương rãi lên hết thảy những dấu tích ngổn  ngang. Một đôi mắt đọng lại qua bao tháng năm. Một đôi mắt dõi theo tôi hoài. Dù thời gian chúng ta được cận kề nhau đâu nhiều và những tháng năm em có mặt ở thế gian này thật là ngắn ngủi.
Hồi ấy, tôi ở tập thể với một số thầy, cô trong khuôn đất của Ủy ban xã. Căn nhà được làm  nhờ các em học sinh lớp năm, tuy không lớn nhưng cũng đủ các phòng. Em cũng học lớp năm nhưng em được miễn ngày lao động hàng tuần vì một chân bị tật nặng. Cũng bởi vậy, trong khi các bạn bằng tuổi em, ngoài giờ học đã phải đi cắt lúa, đúc mạ, làm cỏ, gánh phân… thì em làm bạn với một chú nghé và một con bò sau buổi sáng đến trường. Khuôn đất của Ủy ban vừa rộng lại vừa lắm cỏ nên sau khi thả mấy con bò ở phía sau trụ sở, em thường ghé lại phòng tôi chơi. Chiều, mấy cô thầy lên lớp nên cũng chỉ có mình tôi ở nhà. Em đến, cũng vẫn cái kiểu như vậy, như ở lớp học: trầm trầm - im im - buồn buồn. Và nếu như trong những tiết học, sự thông minh của em làm tôi thích thú thì ở ngoài lớp học, tâm hồn sâu sắc và tính nhạy cảm của em luôn làm tôi thấy gần. Có những ý nghĩ của em, tôi không ngờ đã có và ấp ủ từ một cô bé mới mười lăm tuổi và đang học lớp năm. Tôi đã đọc được ở đâu đó, câu này: “Sự trưởng thành không cần tuổi tác” và với em, thì điều này mới đúng làm sao! Cũng như tôi, em rất mê văn học. Tôi cho em mượn khá nhiều sách và em đã ngấu nghiến rất nhanh trong những buổi chiều đi thả bò như thế. Chúng tôi đã có những lần nói chuyện đầy ngẫu hứng về đủ thứ chuyện đến nỗi quên cả giờ giấc, để rồi sau đó, tôi phải cùng em cuống cuồng đi tìm chú nghé và con bò, bắt nhoài cả người.
Lòng tôi ấm áp hẳn, từ khi có em không những như một đứa học trò mà còn như một người bạn.
Tôi luôn có cảm giác lâng lâng vui mừng, khi mở sổ dò tên học sinh từ vần A và dừng lại ở tên em, vần cuối. Như tôi luôn bồi hồi ngóng từng bước chân em, mỗi chiều. Những bước chân không bình thường nên nghe được cả tiếng đi khập khểnh. Tôi luôn thấy sung sướng, khi khuôn mặt em ló vào phòng cho ánh nhìn tôi lại được bắt gặp đôi mắt em quen thân, gần gụi, Thỉnh thoảng tôi ra chỗ em thả bò, ngồi với em cả buổi. Nhìn chiều xuống chậm, từ bên kia con đồi trắng cát trắng xóa. Đẹp quá, cái khung cảnh ấy. Và hạnh phúc quá, bởi có em.
Tôi hay có thói quen ngồi trước hiên nhà khi trời vừa tối. Cái khoảnh khắc mong manh giữa ngày đã hết và đêm đang đi đến, thật là diệu kỳ nhất là khi ở nhà quê. Mùa lạnh, đêm sập xuống nhanh đến bàng hoàng. Mùa nóng, đêm đi những bước khoan thai và thư thả. Những bước chân đêm đều đều theo mùa, theo tháng. Còn những bước chân em, bất kể tháng đâu kể mùa hoài hoài là những bước hụt hẩng, chao nghiêng, ngã chúi theo sau những con vật thiết thân, trên lối về, khi hoàng hôn dần sẫm lại. Những bước chân em qua chỗ tôi ở, từ khi nào, sao nỗi đau về em hãy còn để lại, đầy ứ cả lòng? Những bước chân em đánh thức trong tôi bao điều u uẩn , hoang mang , lo lắng… Tôi nào dám nhìn vào đôi mắt em những buổi chiều như vậy. Đã đủ lắm rồi: Những - bước - chân - một - đời - người và bao bất trắc mà tôi mơ hồ dự cảm được về em, những chiều sẫm tối.

Tôi không tin em chết vì tự tử. Em can đảm lắm mà. Em đã uống thuốc trừ sâu. Tôi đang học chính trị ở thị trấn và được một người bạn báo tin. Buổi chiều hôm ấy, tôi một mình băng qua Đồi Mười toàn cỏ cháy và đầy hoa dại, mấy cánh đồng, những con đồi cát, bao đường làng quê để về thăm em, thắp cho em mấy cây nhang. Nghe mắt mình cay xè vì khói tỏa và lòng điếng câm, không làm sao khóc được. Khi tôi trở về cũng hoàng hôn. Một mảnh trăng non, nhú lên vội vàng, ló mình ra khỏi ngọn tre. Tôi nghe được trong không gian biết bao là âm thanh: tiếng gọi nhau í ới từ cánh đồng lúa ngoài kia. Tiếng gàu chạm vào thành giếng. Những chú heo đói ăn lồng lộn. Những nhánh lá xao xác… Tôi nhìn lên bầu trời: trăng non. Trăng thì hiu hắt và tôi sao quạnh quẽ đến dường này! Khi không còn có em, như một đứa học trò như một người bạn, tôi mới cảm ra nơi đây lạ lẫm đến rợn người và nỗi hoang trống trong tôi sao mà khủng khiếp. Giá mà tôi khóc được, Ý ơi! Ngang qua căn nhà tập thể, tôi ghé vào, ngồi nơi mái hiên và dõi ra con đường phía trước. Những người dân quê vác cuốc, quang gánh trên vai, tất tả trở về nhà. Có bao nhiêu đứa trẻ dắt trâu, bò đi ngang nơi tôi ở, chiều ấy với những bước thẳng thớm, đàng hoàng, làm chạnh đến những bước em ngã chúi, chao nghiêng, hụt hẫng… làm dội lại trong tôi từng cơn đau.

Tôi rời vùng quê đó đem theo tình bạn của em, đôi mắt em chới với buồn vương cùng những bước chân em lệch nghiêng, xiêu đổ. Tôi đem theo cái chết của em và hết thảy những gì thuộc về em. Để rồi từng niên khóa mới đi tới cho bao năm học bước qua cuộc đời của mình, tôi vẫn không có được một em học sinh nào thông minh như em, hay như em, xuất sắc như em… Tôi rất yêu học trò của mình nhưng cũng chưa thương một ai. Thương đến quặn thắt như là đã thương em. Rồi cũng đến lúc tôi rời bỏ mái trường, lớp học và một công việc mà mình rất yêu thích. Khi quyết định, đau quá và nhớ em quá! Giá như còn em, biết đâu tôi đã có thể tiếp tục…
Chẳng còn một bục giảng nào cho mình. Để rồi giữa mông mênh cuộc đời. Khi thành công, lúc thất bại, khi sướng, lúc khổ. Khi buồn, lúc vui…vẫn mãi  canh cánh bên lòng tôi: Em. Những kỷ niệm ngập tràn thương yêu và đớn đau, nơi mái trường ngày ấy.

1 nhận xét:

  1. Một kỉ niệm thật buồn và cảm đông!
    Cám ơn Mỹ Nữ! Một bài viết thật hay!

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...