Nguyễn Dũ
Tôi về trường tháng 9 năm 1966, công tác tại phòng Tổng Giám Thị rồi đến Nội trú SPQN, nơi đây tôi từng chứng kiến bao lần ra vào của giáo sinh các khóa và nhất là anh chị em về dự tu nghiệp mỗi độ hè về. Qua tiếp xúc tôi thấy tình cảm của phần nhiều anh chị em không mấy mặn nồng, gắn bó với trường cũ. Tuy công tác chính tại nội trú nhưng mọi sinh hoạt của trường đều có tôi tham gia cùng anh chị em. Nào những đêm văn nghệ đầu năm, những buổi văn nghệ giúp vui cho Quân Y Viện, những lần tập quân sự học đường, tổ chức trại Hùng Vương hay những chuyến đi Cù Lao Xanh đều có tôi sát cánh, từ đó tình cảm trong tôi với anh chị em ngày thêm gắn bó…
Phượng đầu ngõ đã nở và ve sầu đã kêu vang báo hiệu một mùa hè lại đến và cũng là lúc khóa 11 chuẩn bị ra trường. Trong một lần trò chuyện với ông Hiệu trưởng (thầy Trần Văn Mẫn) tôi đề nghị hãy tổ chức một lễ mãn khóa cho khóa 11; ông suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu, giao cho tôi chuẩn bị mọi việc…
Dấn thân vào việc, cái khó khăn ban đầu là tài chánh cùng tinh thần anh chị em vì số đông trong họ đã 2 năm xa quê, xa gia đình thân thương, giờ chỉ mong sớm kết thúc khóa học để trở về đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng mọi việc rồi cũng qua và công tác tổ chức bắt đầu với sự hỗ trợ của các thầy; thầy Bùi Thường cùng anh em lo bắt điện trang trí khu công viên (địa điểm tổ chức), thầy Hoàng Song Nhi chịu trách nhiệm về âm nhạc với sự cộng tác của một số nhạc sĩ tài danh như Ns Dương Minh Ninh, Ns Đào Địch, Ns Xuân Mộng, Ns Hai Tâm… Phần tôi cùng anh em trên chiếc xe volkswagen 2217 về Diêu Trì mua vật liệu làm cổng chào cũng như củi để dành đốt lửa trong đêm lễ hội.
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem trọn bài...)
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem trọn bài...)
Không khí hoạt động tại trường nhộn nhịp hẳn lên dưới cái nóng oi bức của mùa hè miền trung. Tâm đắc với khâu tổ chức, ông Hiệu lại cho mời tôi vào phòng trò chuyện và ông ta hỏi tôi:
- Dũ muốn tôi viết bài diễn văn với nội dung như thế nào?
Tôi đáp ngay:
- Ông Hiệu viết thế nào để xoáy sâu vào tình cảm của anh chị em để khi rời trường hãy luôn nhớ về nhau, luôn nhớ về ngôi trường xưa…
Quả thật sau đó, bài diễn văn của Thầy Hiệu trưởng đọc trong đêm mãn khóa khóa 11 đã gây nên một hiệu ứng tích cực, đi vào lòng anh chị em khóa 11 cũng như các Giáo sư ngày đó.
Giờ G đã gần kề, công viên sáng rực ánh đèn, cổng chào đã được dựng lên với pano “Đêm mãn khóa 11 SPQN”, đồ ăn thức uống đã được bày sẵn trên bàn, ở một góc công viên là ban nhạc phục vụ cho buổi lễ.
Đúng 6 giờ chiều hạ tuần tháng 6, thầy cô cùng các giáo sinh khóa 11 đã tề tựu đông đủ, bữa tiệc tối bắt đầu, những lời chúc tụng, những lời chào từ biệt đã có dịp để được nói ra, hòa lẫn vào tiếng nhạc hòa tấu du dương của các nhạc sĩ nơi góc công viên. Bữa tiệc kéo dài cùng với việc giao lưu giữa thầy trò, giữa bạn bè vẫn chưa dứt… Đến 12 giờ đêm, ánh đèn vụt tắt nhường lại cho ánh lửa bừng sáng rồi bập bùng của buổi lửa trại; từ bàn khách danh dự, ông Hiệu trưởng tiến đến máy vi âm đọc diễn văn…
"Anh Chị Em khóa 11 thân mến!
Đêm đã khuya, lửa cũng đã gần tắt, trước khi chia tay tôi muốn nói với anh chị em đôi lời trong “ câu chuyện lửa tàn” đêm nay; nhìn khu trường với những hàng thông trầm lặng từng chứng kiến bao bước chân anh chị em đi về, nhìn công viên với những cây hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang hun hút gió đông hay phơi phới gió hè dẫn vào những căn phòng nội trú, rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê, nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi…"
Với giọng đọc trầm buồn đầy xúc cảm, ông Hiệu trưởng đã gieo vào lòng người nghe nỗi xúc động mãnh liệt; cả không gian chùng xuống, yên lặng.Tôi chợt thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má các nữ giáo sinh. Diễn văn tiếp tục, anh chị em giáo sinh không nói một lời, tay siết chặt tay như cố níu giữ một vật gì quí giá sắp mất đi. Bài diễn văn kết thúc, anh chị em giáo sinh quây quần nhau từng nhóm nhỏ, họ ngồi đó với nhau đến khi vầng dương ló dạng mới rời nhau về lại nội trú chuẩn bị hành trang về quê… Họ bước đi chầm chậm, chốc chốc lại quay nhìn dãy phòng học, khu nội trú thân thương mà họ đã gần gũi suốt hai năm qua; họ đến chào từ biệt chúng tôi trong tiếng nói nghẹn ngào. Đúng, anh chị em cùng đi trên một chuyến đò dài, đò chưa cập bến nhưng mỗi người lại phải chia tay, chuyển sang con đò khác để lại tiếp tục hành trình dẫn tới quê hương xa… quê hương xa đó là nơi những đứa trẻ đang chờ những thầy , cô giáo mới đem tri thức của mình gieo vào lòng chúng, hầu mai này các em sẽ trở thành những công dân tốt của một nước Việt Nam thịnh vượng…
Sài Gòn, tháng 8/2011
Nguyễn Dũ.
Cam on Thay Du Khong ngo lan dau tien SPQN co dem man khoa la y kien cua thay
Trả lờiXóaNho ve dem do tung nhom tung nhom chuyen tro ca hat vui va cam dong -em cung con mot vai tam hinh chup cong trai rat la than thuong
Bai viet cua thay nhac cho chung em ( K 11) luon nho ve truong , thay ,co va ban be truong lop
Kinh chuc thay vui khoe
Cám ơn Dzung Nguyen đã để lại nhận xét, nếu bạn còn giữ những hình ảnh của đêm mãn khóa 11, mong bạn scan và gởi cho SPQN xin những hình ấy nhé!Hiện BBT đang rất thiếu những hình ảnh về hoạt động của trường...
Trả lờiXóaChúc bạn cùng gia đình vui.
Thân - SPQN
Dzung cung con mot vai tam chup rieng mot minh co cong trai co ve rieng tu qua co duoc khong ?than chuc SPQN luon vui khoe de sinh hoat cua truong cang phong phu hon
Trả lờiXóakhông sao! được mà...
Trả lờiXóaSPQN