Giang Lam
Buổi sáng, tôi thường được mẹ tôi đánh thức
bằng một nụ cười. Ngày xa xưa ấy còn bé quá đôi lúc buồn ngủ, nên tôi vẫn
thường mè nheo để được ngủ nướng thêm tí nữa. Nhưng mẹ tôi không nói gì chỉ
cười và dỗ dành để tôi dậy. Khi lớn hơn, tự biết lo giờ giấc cho mình thì mỗi
buổi sáng thức dậy, mẹ tôi thường đón tôi bắt đầu một ngày mới với nụ cười hiền hậu, như thành thói quen, sáng ra nhìn thấy là mẹ tôi
thường cười cười khuôn mặt bà vui vẻ và nói: Con dậy rồi à…Cứ như thế mỗi buổi
sáng, không thể hiện nét buồn rầu mẹ tôi thường nói: Cuộc sống có lúc vui, lúc
buồn, vui nhiều thì buồn nhiều, đừng để chuyện
buồn của mình lây sang người khác là phải tội .
Đều đặn như thế và hình ảnh ấy đã lớn dần trong tôi theo ngày tháng, in đậm
trong trí nhớ của tôi, khuôn mặt mẹ tôi cười cười để lộ hàm răng nhuộm màu đen
đều đặn mà người xưa thường gọi là răng đen hạt huyền. Khuôn mặt mẹ tôi vui vẻ
và ít khi bà cau có với chị em chúng tôi, mặc dù trong cuộc đời mẹ tôi vẫn gặp
rất nhiều khó khăn. Bà không biết hoa hòe trong từng câu nói, mà chỉ muốn tạo
cho không khí trong nhà luôn vui vẻ.
Mẹ tôi
là một người phụ nữ thuần nông chất phác, không được đến trường lớp để học hành. Theo
lời mẹ tôi kể thì ngày xưa ông ngoại tôi là một cụ đồ nho, nhưng chỉ dạy cho
các cậu tôi học, còn mẹ tôi là con gái lớn trong nhà phải theo bà ngoại tôi đi
chợ học buôn, học bán để lo cho gia đình. Những gì mẹ tôi học được thì chỉ là
học lóm, khi ông ngoại dạy các cậu vào những ngày mưa gió rảnh rỗi mà mẹ tôi
được bà ngoại cho ở nhà không phải đi chợ .
Lập gia đình với ba tôi, thì ba tôi lại
là người theo Tây học, ông thường đi làm xa từ Thượng Hải (Trung Quốc) rồi sang
Pháp. Dù có con nhỏ nhưng sau một ngày vất vả buôn bán nuôi con một mình, đêm
đến khi đã xong công việc nhà và ru các con ngủ, mẹ tôi bên ngọn đèn dầu vẫn
học chữ Quốc Ngữ để có thể tự đọc và viết thư cho ba tôi mà không phải nhờ đến
người khác .
Mẹ tôi thích đọc truyện viết
theo lối văn vần của dân gian như: Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương lễ và
thích đọc nhất là truyện Lục Vân Tiên và Truyện Kiều, bà thường để ở đầu giường
đọc đi, đọc lại không biết chán đến nổi thuộc lòng cả hai cuốn. Ngày Tết mẹ tôi
thường hay bói Kiều rồi kể lại cho chúng tôi nghe, những năm về sau mắt mẹ tôi
bị mờ không đọc được, hai cô con gái tôi lúc rảnh rỗi thường thay nhau đọc
truyện cho ngoại nghe, đọc đến đâu thì được ngoại giải thích những điển tích và
điển cố cho cháu một cách rõ ràng mạch lạc, bà đã truyền niềm đam mê của mình
đến cho hai cô con gái nhỏ của tôi lúc nào không biết …
Nhà tôi có bốn chị em gái, lại thêm một
cô cháu gái con của chú tôi và một chị bà con phía ba tôi từ Pleiku xuống trọ học, vì nhà tôi rộng lắm tới hai căn
nhà liền kề nhau, tôi lại chỉ có một anh trai mà anh tôi thì theo học nội trú một trường
Dòng ở Huế, nên Tết hoặc nghỉ hè anh tôi mới về nhà, mẹ tôi muốn nhà thêm đông,
thêm vui nên gọi con cháu đến ở. Chị em
chúng tôi chỉ hơn kém nhau từ hai đến ba tuổi, cái tuổi ăn, tuổi lớn nhiệm vụ
của bà càng khó khăn hơn để rồi bà phải thốt lên: Có con gái lớn trong nhà hồi
hộp thật… Sự chỉ dạy của mẹ tôi giành cho chị em tôi và hai người cháu thật cẩn
thận, ngoài kiến thức văn hóa được học ở trường về nhà từ cách ăn, nói,đi, đứng, may vá
thêu thùa, nấu nướng… Chúng tôi đều nhận được sự chỉ dạy tận tình của mẹ tôi.
Bây giờ mỗi khi làm bánh hay nấu nướng hoặc may vá, hình ảnh của mẹ tôi ẩn hiện
đâu đó như bà đang chỉ dạy cho tôi dù bây giờ tôi cũng đã đến tuổi là mẹ, là bà
rồi… Sau mỗi giờ cơm vào buổi tối, có lúc thì vào ngày chủ nhật cả nhà tôi quây
quần bên ván cờ Domino, hoặc những hôm ngoài trời mưa rả rích cả nhà cùng nhau bên lò
lửa để nướng những trái bắp, tiếng nổ tí tách của than hồng nghe vui tai
cộng với mùi thơm của bắp đã nướng chín, mọi người ngồi bên nhau hơi ấm như lan toả cả căn nhà, chúng tôi cùng bàn
luận hoặc bày tỏ quan điểm của mình, mẹ tôi thường lấy kinh nghiệm đã trải qua để
dạy cho chị em chúng tôi và lúc nào cũng
mong ước chúng tôi trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng vẫn
có lúc cả hai thế hệ không đồng quan điểm, chị em chúng tôi thường đùa là: Phải
viết biểu ngữ, biểu tình phản đối (Chính phủ) của gia đình nhà tôi… Chỉ nói đùa
cho vui vậy thôi, chứ anh chị em tôi luôn tâm niệm một điều là: Không làm gì để mẹ tôi buồn.
Cho dù khoảng cách giữa hai thế hệ có
những điều khác nhau đi nữa: Chúng tôi
vẫn là con của mẹ…
Đôi lúc tôi cũng tự cảm nhận đã
làm khổ mẹ nhiều... Còn nhớ ngày ra trường tôi chọn nhiệm sở Quảng Ngãi, về nhà
thấy tôi cứ buồn buồn mẹ tôi an ủi:” Không sao đâu con, họ đi được mình cũng đi
được”. ý mẹ tôi trấn an để tôi mạnh mẽ hơn tuy vậy, đây là lần đầu tiên tôi xa
nhà, đến một nơi dầu sôi lửa bỏng nên nói vậy nhưng mẹ tôi vẫn lo lắng cho tôi mà bà không nói ra
và để rồi sau đó, khi tôi đến Quảng Ngãi, mới chỉ dạy được nửa tháng, thì một
hôm từ trường về nhà, tôi đã thấy bà đứng ở cổng nhà trọ cười cười đón tôi đi
dạy về, tôi ngạc nhiên đến nổi chỉ thốt được tiếng: …Mẹ …! và ùa đến ôm chầm lấy
bà, hạnh phúc ngập tràn rồi quên mất tôi đã là một cô giáo (đã lớn rồi) và cũng
quên mất những ánh mắt ngạc nhiên của những người đi đường. Sáng hôm sau, mẹ
tôi dậy sớm mặc áo dài và bảo là sẽ cùng tôi đi xuống trường. Mặc dù phải đi đoạn
đường năm cây số bằng xe Lam, rồi đi bộ một đoạn dường đất đỏ mất khoảng ba
mươi phút nữa nhưng bà vẫn nở nụ cười. Đến trường mẹ tôi đến gặp thầy Hiệu
Trưởng nói chuyện gửi gắm, giống như phụ huynh gởi con đi học, rồi về ngồi cuối
lớp( dự giờ con gái) suốt một buổi sáng hôm ấy, học sinh tôi lúc đầu thấy là lạ
nhưng rồi lát sau chúng cũng quen dần. Mẹ tôi chu đáo thế đấy, bà muốn tận mắt
nhìn thấy nơi tôi đến dạy mới yên lòng.
Thương mẹ tôi nhất là sau ngày
ba tôi mất, lúc này các anh chị em tôi đã có gia đình ra ở riêng, mẹ tôi chỉ ở
một mình, căn nhà rộng rãi, đông vui ngày nào giờ lại trở nên trống vắng, thế
là tôi về ở với mẹ cho vui cửa, vui nhà và hôm sớm với bà. Có hôm đi dạy về
thấy bà mái tóc bạc phơ mang kính, ngồi chẻ mía cho các cháu hình ảnh ấy in đậm
mãi trong tôi, thương con lo cho con rồi giờ đến cháu. Tuy nhiên cũng có lúc mẹ tôi quặn đau với những nổi buồn
ập đến, khi chị kề tôi mất, chị tôi mất vì bệnh lúc mới chỉ hơn bốn mươi tuổi,
lúc này mẹ tôi bị bệnh huyết áp cao nên không thể cho mẹ tôi biết hung tin ngay
liền được mà phải đợi ma chay cho chị tôi xong và lựa lúc để nói, lúc nghe tin
dữ mẹ tôi im lặng lát sau bà nói: “Trời Sao không để mẹ chết thế thay con vì mẹ
già rồi, con còn trẻ sống mà nuôi các
con cho đến nơi đến chốn”. Tôi lặng đi sau câu nói ấy, cứ thế mẹ tôi ngồi im trong
bóng tối và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thương con bà đau buồn trong
im lặng, để rồi sau đó mẹ tôi lại bị ốm nặng không ngồi dậy được. Thương mẹ tôi
chỉ muốn làm những điều tốt nhất, hay ho nhất để mẹ tôi vui là mãn nguyện lắm
rồi .
Hai cô
con gái tôi quí bà ngoại lắm, cho dù đến nay mẹ tôi mất đã lâu, nhưng mỗi khi nói về ngoại, các con tôi vẫn nhắc đến
kỉ niệm về những năm tháng sống bên bà
với những lời yêu thương và trân trọng. Bây giờ mỗi khi nhớ đến mẹ tôi, tôi
vẫn nhớ nhiều đến nụ cười mà theo tôi là đẹp nhất, trên khuôn mặt bà với làn da
nhăn nheo. Tôi cũng không thể có lời nào
để nói hết hoặc diễn tả hết, hình ảnh
mẹ tôi với nụ cười đã thấm đẫm vào tâm hồn tôi .
… Ước gì và ước gì có một khoảnh khắc nào đó,
thời gian quay ngược trở lại để tôi biến
thành cô bé ngày xưa ấy có mẹ ở bên cạnh… Được âu yếm nép đầu vào lòng mẹ, mẹ
tôi nở nụ cười trên môi, tôi sẽ nũng nịu nói với mẹ rằng: Mẹ ơi!
Con thương mẹ nhất trên đời !!!
Sang Vu Lan doc bai Nu Cuoi Cua Me that co y nghia . Tinh me da hun duc nen tam hon con . " ...Con da lon van la con cua me..."
Trả lờiXóaChị viết tự nhiên , chân chất ,đọc rất cảm động , Các chị em đã thừa hưởng niềm yêu văn học của Mẹ , để , giờ nầy , cống hiến cho các bạn đồng môn nhiều bài viết sâu sắc , giá trị , mang nhiều tình bạn chân thành ...Chúc chị khỏe ...năng viết ...để đàn em noi gương ...
XóaBan biên tập đã cho đăng bài, kèm những hình ảnh minh họa thật đẹp tạo cho Giang lam có cơ hội để viết như là một niềm vui,cám ơn.chúc ban biên tập luôn khỏe.
Trả lờiXóaGiang Lam ơi ! Đọc bài viết của bạn tôi thấy câu văn rất mộc mạc bình dị . Tôi rất thích ! Đoạn mẹ GL ngồi "dự giờ" con dạy không biết lúc đó GL có "run" như khi bị thanh tra dự không nhỉ ? GL à , mỗi người mẹ thương con đều thể hiện một cách riêng để dành cho con của mình . Tình cảm ấy thật đáng trân trọng .
Trả lờiXóaGiang Lam chung ta đều co nhũng nguoi mẹ tuyệt vồi,,,trên cả tuyệt vồi?minh cũng co diêm phuc com me tren đôi để ma yêu thuong....nhưng qua nhưng bài chúng ta nói về mẹ...làm mình nhớ cha , một người cha cung tuyệt voi đối vối minh...cac ban oi ! Hãy viêt về Cha nhé,,,
Trả lờiXóaCảm ơn chị G.L với những tâm sự về Mẹ mộc mạc, chân thành! Cũng như chị, TC yêu Mẹ mình vô cùng nhưng TC may mắn hơn chị là Mẹ TC vẫn còn bên mình, xin được sẻ chia cùng chị nhé!
XóaÀ này X.Đ, TC cũng có một người cha vô cùng tuyệt vời đấy.Mời X.Đ vào trang và tìm lại khoảng thời gian đầu tháng 11/2011 để xem bài " Nghĩ về cha" của TC nhé! Có thể qua bài viết này X.Đ sẽ tìm được sự đồng cảm cùng mình! Vậy nhé!
Ok.cam on .TC Đ sẽ đoc...
XóaT.cam oi cho Đ đia chi email của Cam nhe.
XóaX.Đ ơi, địa chỉ email của mình nè..." thanhcamspqnk11@gmail.com". Khi nào thấy buồn, X.Đ thư cho mình nhé!
XóaThân ái!
Chị Giang Lam thân mến
Trả lờiXóaLòng Mẹ bao la như biển thái bình dạt dào
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào...
Nhạc sĩ Y Vân đã nói dùm cho mọi người rất cảm động và bài văn về nụ cười của Mẹ của chị cũng gây cho chúng ta một nỗi niềm thương mến vô biên đến với Mẹ , cảm ơn chị
Chị Giang Lam thân mến
Trả lờiXóalúc trưa có tâm tình cùng chị nhưng bây giờ xem lại sao chẳng thấy có lẽ anh Admin đã gởi gió cho mây ngàn bay ....rồi . Cảm ơn chị đã gợi cho tất cả nhớ về những nồng nàn nhất của tình Mẹ
Giang Lam ơi, mình cũng thương mẹ nhất trên đời !!! Mẹ mình cũng có nụ cười đẹp và tốt với con như Mẹ của GL, nên khi đọc bài này mình xúc động lắm và rất đồng cảm với GL
Trả lờiXóa" Mẹ như trăng sáng tuyệt vời
Cho đàn con dại một đời yêu thương"
Cám ơn và chúc GL luôn dồi dào sức khỏe "để nuôi các cháu cho đến nơi đến chốn" như Bà ngoại mong muốn...
Rất vui khi các bạn đã ghé vào đọc bài và để lại nhận xét, cám ơn. Về chuyện bạn Phú Nguyễn nói về việc mẹ GL dự giờ, hôm đó về nhà trọ, các cô trong nhà có phỏng vấn mẹ mình :Bác thấy con gái dạy thế nào? Bà nói: Cô giáo nghiêm quá không cười học trò sợ nên im lặng.Các cô trong nhà nói:_Bác ơi cười con nít nó lờn khó dạy lắm, thú thật ngày đó mới ra trường còn trẻ quá lại dạy lớp Năm học trò nông thôn nó lớn lắm mà mình chưa có kinh nghiệm, đôi lúc làm gì cũng sợ học trò, nên nghiêm để dằn bớt sợ nó lờn, chỉ những giờ như HĐTN mới cười tí tí... thôi, thế đấy cũng bị mẹ mình phê bình, góp ý rồi và cô giáo có hứa trước bà là: Con sẽ sửa chửa nhưng may mắn là không bị xếp loại: Yếu...
Trả lờiXóaChị Giang Lam ơi! Mùa vu lan ai cũng viết về mẹ thật cảm động . BA không còn mẹ , những kỷ niệm về mẹ đầy ắp trong lòng . Cứ hẹn mãi với lòng là sẽ viết về mẹ , nhất là về đám tang của Người nhưng mỗi lần ngồi vào máy định viết , lòng lại thấy buồn rười rượi nên thôi . Hôm nay đọc bài chị viết , nỗi nhớ mẹ lại trào dâng . Mẹ của BA một đời cơ cực , con đến lúc báo đáp được công ơn thì mẹ lại không còn
Xóa