Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

MÙA XUÂN KỶ NIỆM.


                                    Diệu Thơ.
        
         Trời ấm dần lên! Mùa Xuân đã về! Cây cối vụt rạo rực, đâm chồi nảy lộc. Chim chóc choàng tỉnh dậy hót vang rồi ríu rít gọi nhau từng đàn bay lượn trên vòm trời xanh thẳm. Cứ mỗi lần Xuân về tôi lại nhớ những cái Tết ở quê nhà rồi lại bồi hồi nhớ đến Tết khi tôi còn học ở Qui Nhơn.
Cách đây 45 năm, năm 1968, tôi đang học năm cuối Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Còn phải hơn hai tuần nữa mới đến Tết mà các giáo sinh đã lo thu xếp, mua sắm… để về quê ăn Tết. Nội trú rộn rịp hẳn lên. Đêm đêm, các bạn không ngủ nói chuyện bàn tán xôn xao về chương trình vui Tết khi trở về nhà làm cho mọi người nôn nao xao xuyến trong lòng, mong chờ từng ngày.
Trong phòng chúng tôi hầu hết các bạn đến từ Nha Trang. Một số ít đến từ Đà Nẵng và Huế. Suốt hai năm trời, chúng tôi sống với nhau rất êm đềm , gắn bó thương yêu nhau như ruột thịt.
Các bạn tôi, ai cũng may mắn hơn tôi nhiều, vì có cha, có mẹ lo lắng gửi  tiền đề về cho sớm, sum họp cùng với gia đình.
Sau đó, lần lượt, mọi người hết tốp này đến tốp khác rời phòng trọ trở về nhà. Riêng tôi vẫn còn lại trong phỏng vì đang chờ đợi anh chị gửi tiền vào để mua vé. Tôi sinh ra vốn mồ côi cha mẹ từ bé, cho nên sống trong sự đùm bọc của các anh chị em.
Cùng lúc đó, trong trường, tôi cũng thấy có một số nam sinh vẫn còn ở lại trường, có lẽ họ cũng thiếu may mắn như tôi hay là vì một lý do nào khác…chưa về với gia đình được.
Trước Tết khoảng hơn một tuần, anh Du đến phòng chúng tôi và đề nghị rằng:
-Mấy chị nào chưa về nhà ăn Tết được, thì hãy cùng theo với đoàn lên Pleiku để úy lạo các chiến sĩ.
Tôi nghĩ, ở lại nội trú cũng buồn nên đồng ý đi.
Thế là vào một buổi sáng cuối năm, đoàn chúng tôi gồm khoảng hơn 10 người cùng đi trên chuyến máy bay quân sự lên miền đất đỏ Cao Nguyên mù sương .
Mùa Đông ở Cao Nguyên rất lạnh. Trời đầy sương mù. Xung quanh toàn là núi đồi và rừng cây trập trùng. Khi đến nơi, chúng tôi được phân chia ở trong trại của Sĩ Quan. Tôi và một số bạn nữ ở chung phòng. Căn phòng này của một sĩ quan cấp tá đã nhường lại cho chúng tôi ở tạm.
Ban ngày, chúng tôi đi tham quan chỗ này, chỗ nọ. Khi đêm xuống, ở đây, thật buồn và lạnh. Đường phố hiu hắt mù mù, những con dốc vắng vẻ, đìu hiu. Chúng tôi, co ro đi bên nhau lên xuống những con dốc…Có một đêm, chúng tôi cùng nhau đến một quán ăn trong hẻm để ăn đêm. Ngoài trời lạnh, tô bún bò nóng, cay, thơm thơm mùi sả…rất đậm đà, rất ngon đã làm tôi cứ nhớ mãi... Bây giờ, nhiều khi nghĩ lại có lẽ vì hồi đó đời sống nội trú của chúng tôi quá thiếu thốn cho nên thấy ngon tuyệt cũng nên.
Ngày tiếp theo, chúng tôi lại được mời tham dự một buổi dạ vũ. Trong buổi tối hôm đó, toàn là cấp tướng, cấp tá trở lên. Khung cảnh thật là ấm cúng! Dàn nhạc đánh lên một bản với điệu nhạc du dương. Tôi thả hồn mình trong bài : Em đến thăm anh một chiều mưa của Nhạc Sĩ Tô Vũ
“…Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng, và quên đường về...”.
Trong ánh đèn màu, trong cái lạnh của Pleiku. Ôi, Thật là lãng mạn!
Nhìn xuống sàn nhảy, cô bạn gái của tôi đang nhảy cùng một anh Thiếu tá rất phong độ và đẹp trai. Hai người có vẻ tâm đắc. Thật là đẹp đôi. Tôi vốn quê mùa, không biết nhảy nhót, chỉ biết nghêu ngao những bản nhạc tình thời tiền chiến mà thôi.
Sau đêm dạ vũ trở về trại, tôi cũng háo hức cho nên cô bạn tôi đã dìu tôi những bước tập tễnh của một điệu nhảy Slow. Thật vui! Đó là lần đầu tiên tôi tập nhảy đầm. Sau đó, chúng tôi lăn ra ngủ vì quá mệt. Sáng hôm sau thức dậy, tôi không còn nhớ gì đến điệu nhảy nầy nữa.
 Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, chúng tôi vẫn đang ở đây, nhưng trong lòng rất là nôn nóng, mong sao có máy bay để sớm được về nhà. Lúc này chiến trường nóng bỏng, phương tiện chuyên chở không còn . Chúng tôi ai cũng buồn và chờ đợi. Một, hai ngày… trôi qua. Rồi 28 tết, chúng tôi đã có phương tiện trở về nhà. Máy bay hạ cánh xuống phi trường Đà nẵng. Sau đó, tôi cùng chị tôi về đến Huế vào đúng chiều 29 Tết.
Đến nhà, mọi người đang quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng khói lên nghi ngút. Nồi bánh thật lớn.
Tôi lo ủi áo dài mới để mặc trong ngày mai. Gần 10 giờ đêm tôi đã vào giường nằm, trong đầu óc tôi đang tính toán là sáng mai thức dậy , tôi sẽ đi chùa, đi thăm bà con , ăn mứt bánh, hột dưa và đi gặp người bạn trai… Giấc ngủ đến với tôi lúc nào không hay....
Vào lúc nửa đêm, tiếng mọi người gọi nhau nhốn nháo ngoài đường, thay tiếng pháo giao thừa … mọi mơ ước cho ngày Tết tiêu tan.... Xuân Mậu Thân 1968, một mùa Xuân nhiều kỷ niệm về cuộc chiến về cảnh chết chóc tang thương. Cành cây cầu Tràng Tiền gãy nhịp và…. Sau gần một tháng nằm dưới hầm, tôi đã trở lại trường bình an và tiếp tục học năm học còn lại. Tôi đã gặp lại đầy đủ bạn bè thân thương.....
Sau khi ra trường, tôi đã về dạy học ở Đà nẵng. Pleiku đã xa vời vợi trong tôi, 45 năm trôi qua tôi chưa một lần trở lại thành phố này... nhưng thành phố đó đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp của một chuyến đi… thời còn là giáo sinh Sư Phạm Qui Nhơn.
Mùa xuân lại về với quê nhà! Tôi thèm một chút hương vị của ngày Tết.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Được ngắm hoa mai nở vàng, rồi xúng xính trong bộ quần áo mới,  nghe tiếng pháo Giao Thừa vang vang rộn rã cả lòng, đi lễ chùa đầu năm và quây quần bên bà con, bạn bè ăn những món ăn ngày Tết… rồi ao ước sao cho mình trở lại thời còn bé thơ…
Năm mới đến, Diệu Thơ cầu chúc các bạn trong và ngoài nước hưởng trọn mùa Xuân vui tươi, hạnh phúc và vạn sự như ý!

Úc Châu 20 tháng 1 năm 2013.

Ảnh tác giả gởi kèm bài viết.

29 nhận xét:

  1. Lâu rồi, từ chuyến đi nay mới được đọc mùa xuân kỉ niệm . Rất thích cách viết của chị , rất thật nhưng rất thơ giống như tên chi . Chúc chi vui tết như năm nào ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui! Vì Tịnh Võ đã đọc và nhớ những bài viết của D.Thơ . Cám ơn nhiều ! Chúc Tịnh Võ và gia đình luôn vui khỏe !

      Xóa
  2. Chị Diệu Thơ mến
    Đã 45 năm qua mà kỷ niêm chưa nhạt nhòa , chị viết rất hay và tình cảm đong đầy .
    Đọc bài của chị lại nhớ về Xuân 68 . Cảm giác của chị chắc kinh hoàng lắm phải không ?
    Quy Nhơn mùa Xuân đó cũng vậy , tưởng pháo Tết thế nhưng là tiếng đạn ầm vang trong lòng thành phố . Rồi cũng qua nhưng buồn chị nhỉ .
    Chúc chị một mùa Xuân vui và an bình ( chị ở tiểu bang nào vậy )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Diệu Thơ có hỏi thì mới biết dzungnguyên là bạn của Ren . Chị đang ở tiểu bang NSW Sydney còn P.Dung ở đâu ?
      Cám ơn em đã đọc bài viết của chị ! Chúc em và gia đình an vui !

      Xóa
  3. Bao nhiêu năm qua mà chị vẫn nhớ tưng chi tiết thì đúng là Mùa xuân kỷ niệm rồi . Thục Hiền rất thích Pleiku cho nên đọc trên trang nhà những bài viết về vùng cao nguyên đất đỏ này Hiền thích lắm . Mong được đọc thêm những bài viết khác của chi . Thân ái chào chị .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. D.Thơ chỉ đến Pleiku một lần nhưng thành phố đó đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp . D.Thơ cũng thích viết cho vui nhưng bận bịu quá . Sẽ cố gắng viết để đóng góp cho trang nhà .

      Xóa
  4. Bài viết hay quá Diệu Thơ ơi ! Nhắc đến Mùa xuân năm Mậu Thân làm mình nhớ lại , lúc đó mình và gia đình thức dậy cúng giao thừa và chuẩn bị đi lễ chùa Từ Đàm thì nghe tiếng súng nổ , mọi người xôn xao một lát sau ba mình bảo mạ dẫn anh chị em mình vào nhà trải chiếu nằm bên dưới bức ngụa gõ . Thỉnh thoảng ba ra nghe ngóng . Thế là cả nhà mình đón Tết ở đó . May sao lúc đó chuẩn bị Tết khá đầy đủ nên cứ nằm nhà mà ăn .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy H.Hoa cũng ở Huế với mình à ? Thế là Mùa Xuân năm Mậu Thân chúng mình cùng chung cảnh ngộ rồi . Bây giờ H.Hoa ở đâu ?
      Rất cám ơn H.Hoa đã nhắc lại cảnh ăn Tết trong súng đạn của cả Thành phố Huế !

      Xóa
  5. Có những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm tưởng, chị nhỉ? và có những Mùa Xuân không bao giờ quên. Em rất thích bài viết này của chị. Chị cố gắng nhớ lại và viết thêm nữa nhé! Thân ái chào chị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy, có những kỷ niệm không bao giờ quên . Chị cám ơn Irene nghen ! Chúc em luôn khỏe vui vầy bên con cháu !

      Xóa
  6. Chị Diệu Thơ ơi,như vậy là chị học trước Diệu Phương 6 khóa . Mình là đồng môn,tên cũng cùng chữ lót Diệu. Không biết sao đọc bài viết và xem hình chị em thấy quen quen và mến chị, mến lời văn nhẹ nhàng, chơn chất gợi nhiều kỷ niệm thuở giáo sinh , thuở còn sống ở QN...Trước kia em ở 31 Võ Tánh Qui nhơn,sát nhà em cũng có nhỏ bạn tên Thơ, Thọ. Còn chị quê ở đâu vậy ? Cho em làm em gái nuôi của chị được không ?...
    Mỗi lần Xuân về, Tết đến, những người con tha hương yêu quê hương như chúng mình thường có cùng một cảm xúc: Buồn, nhớ quê hương, nhớ người thân, bạn bè không sao tả xiết phải không chị ? Em cũng thích Pleiku và có vài kỷ niệm ở Pleiku trong dịp đi Ủy lạo chiến sĩ, có thời gian sẽ viết lại cho chị và các bạn xem...Cám ơn và chúc chị một Năm Mới thật nhiều sức khỏe và niềm vui ! Mến chào chị ! HDP

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Diệu Phương thân mến !
      Chị rất vui khi đọc những lời còm của em . Chị người Huế . Có cô em gái dễ thương , viết văn lại hay như em thì còn gì bằng .
      Tâm trạng của em cũng là của chị của những người tha hương khi Xuân về , Tết đến . Chị hiện ở Úc . Chúc em và gia đình hạnh phúc, vạn sự như ý !

      Xóa
  7. Chị Diệu Thơ ơi
    Vậy là chị em mình ở cùng tiểu bang rồi
    Số điện thoại của em la : 9649 1762
    Hy vọng được gặp chị . Chúc chị vui khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn P.Dung ! Hy vọng chị em mình sẽ được gặp nhau . Chúc em luôn vui!

      Xóa
  8. Đọc bài "Mùa xuân kỷ niệm" của chị em rât cảm thông với nỗi khổ của những người đi học xa nhà mà thiếu... vì em cũng là người như thế trong suốt 2 năm học tại SPQN. Em nhớ nhất là sau Đêm mãn khóa ( theo em biết chỉ có khóa 11 mới có) mọi người chia tay nhau về quê đến ngày thi ra trường mới vào trường đê thi. Còn em và một số bạn khác cũng không ít phải ở lại chờ ngày thi với những bao gạo sấy hay những cái bánh tráng để sống qua ngày chờ ngày thi ra trường.
    Rồi thời gian qua đi, kỷ niệm vẫn còn mãi mãi trong ta. Nhờ trang SPQN nhà mà mỗi chúng ta dần dần nhớ lại và kể cho nhau nghe. Rất bổ ích cho anh chị em đồng môn chúng ta vào cái tuổi xế chiều này phải không chị.
    Chúc chị luôn vui khỏe và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là vào thời giáo sinh , chị em mình đồng cảnh ngộ . Tất cả mọi chuyện đều đã qua rồi nhưng chị vẫn thấy khoảng thời gian đó là đẹp nhất .
      Chị cũng xin cám ơn trang SPQN giúp chị bày tỏ nỗi lòng và còn được đọc những bài viết của các anh chị em đồng môn . Chúc em và gia đình luôn vui khỏe !

      Xóa
  9. Trần Quốc Dõnglúc 11:45 26 tháng 1, 2013

    Không những đẹp mà rất là đẹp nữa chứ, Vì lúc đó chúng ta như con chim mới ra ràng mà nhìn được cảnh quang tươi đẹp với tương lai tưới sáng dù nhứng gì đã qua trên dưới 40 năm đời thường nhiều khốn khó. Chúng ta người vẫn theo nghiệp lái đò, người chuyển mình qua lĩnh vực khác. Người còn ở lại quê hương, người ra đi đến phương trời xa lạ nhận đó là quê hương. Dù ở đâu làm gì vẫn nhớ về trường xưa, vẫn nhớ những kỷ niệm một thời là giáo sinh SPQN. Cũng nhỡ trang SPQN này mà anh chị em đồng môn của chúng ta từ khóa 1 đến khóa 13 càng ngày càng đồng cảm và gần gũi nhau hơn phải không chị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ...Dù ở đâu làm gì vẫn nhớ về trường xưa, vẫn nhớ những kỷ niệm một thời giáo sinh SPQN... Thật đúng cới tâm trạng của chị . Cám ơn Trần Quốc Dõng nhiều !

      Xóa
  10. Mến chào Diệu Thơ,
    Mùa Xuân Kỷ Niệm của Diệu Thơ đã khiến tôi nhớ đến Pleiku, nhớ thật nhiều... Trong một bài viết cũ của tôi có đoạn thế này :

    “…Nhớ thời chinh chiến, gót chinh nhân anh cứ vụt đến vụt đi vội vội vàng vàng với Phố Núi nên nơi ấy đã không kịp ban cho anh một chút gì để nhớ. Có nhớ chăng là nhớ cái triền miên nắng bụi mưa bùn, đỏ cả giày xô áo trận, đỏ cả tóc cả râu. Có nhớ chăng là nhớ cái mùi chiến tranh khét lẹt thuốc súng phủ trùm Phố Núi bé nhỏ tội nghiệp kia, cùng với chết chóc chia lìa luôn rình rập con-người-quá-cơ-cực-suốt-đời từng lúc từng nơi… ”

    Cám ơn Diệu Thơ

    Trả lờiXóa
  11. Đoạn viết của anh Phạm Lê Huy, D.Thơ rất thích vì nó nói lên Pleiku của một thời chiến tranh. Tự dưng anh Huy làm D.Th nhớ lại một bài thơ của Kim Tuấn( cũng là tác giả bài thơ Anh Cho Em Mùa Xuân- Nguyễn Hiền phổ nhạc) :
    Buổi chiều ở Pleiku;
    ...
    Buổi chiều ở Pleiku
    Buổi chiều nghe mưa bay trên đầu ngọn núi
    Buổi chiều như mọi buổi chiều
    Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
    Anh còn tiếng nào để nói yêu em...

    Cám ơn anh Lê Huy ! Chúc anh và gia đình năm mới an vui !

    Trả lờiXóa
  12. Chị DT ơi ! em là dân Pleiku đây , đọc đến đoạn chị viết về phố núi em thích lắm nhưng rất tiếc là chị viết ít quá . Tuổi thanh xuân của em gắn liền với phố núi đầy sương nên ai viết về nơi ấy em đọc cũng cảm thấy bồi hồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em là ai ? Nhưng nghe em nói , em là dân phố núi là chị đã thiện cảm với em rồi . Chị chỉ lên Pleiku một lần và chị rất thích nhưng văn chương cụt ngủn nên không diễn tả hết vẻ đẹp dễ thương của vùng cao nguyên mù sương được . Chúc em luôn an vui nhé !

      Xóa
    2. chị DT ơi ! em là Bảo Anh , khi comment cho chị em lại để tên của chị vào , em lộn í mà . Nếu có viết về Pleiku nữa chị nhớ viết nhiều nhiều lên nhé . Em chờ đọc bài viết tiếp theo của chị

      Xóa
  13. Có 2 emails gởi đến Diệu Thơ,
    Mời đọc.
    PLH

    Trả lờiXóa
  14. Chị Diệu Thơ thân mến
    Được nói chuyện với chị vui ghê lắm , đã vậy 2 chị em lại có cuộc hẹn hò tình nghĩa vào ngày chủ nhật này .
    Em đã liên lạc được với chị Nở ( K5 ) và chị Lan ( K8 ) sau chủ nhật này mình mới bật mí chị nhé .
    Mong gặp chị

    Trả lờiXóa
  15. Mời các bạn yêu Pleiku nghe một sáng tác của Ns Ngọc Tường (Huỳnh Ngọc Tượng, Nhị 6 - K11) qua tiếng hát Thanh Hà: Pleiku Chưa Xa Đã Nhớ.

    [nct]http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=xc3qJ5ZL3I[/nct]

    Trả lờiXóa
  16. Cám ơn SPQN đã cho nghe Pleiku Chưa Xa Đã Nhớ của Ngọc Tường, một bài hát mang đậm chất Tây Nguyên!

    Trả lờiXóa
  17. Huỳnh ngọc tượng ơi! Ông giám đốc sáng tác về Pleiku hay quá ! T. cũng sống ở Pleiku 3 năm ,nên tình yêu phố núi cũng hơi bị đậm đà ,da diết ...nếu Tương đọc được hãy "còm" tâm sự về đứa con " Pleiku chưa xa đã nhớ " nhé ,,,người bạn tài hoa nhị 6 ...

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...