Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG

                                                                   ĐAN THANH
                        
      
Sau  khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, dạy được vài năm Lê thi vào Văn khoa Sài gòn để thực hiện ước mơ đại học mà anh đã bỏ dở vì hoàn cảnh gia đình.
          Xong đại học anh về lại Quy Nhơn, tiếp tục nghề dạy học.Trường Cường Để, trường Nữ Trung Học… đã từng in dấu chân anh. Lê cưới vợ, cưới được người mình yêu, vợ Lê trước đây là học trò của anh,xinh xắn đẹp đẽ mà Lê đã yêu và theo đuổi suốt bao năm. Lê cần mẫn chăm lo cho cái tổ ấm của mình,nhưng “niềm vui ngắn chửa tày gang” những ngày hạnh phúc vụt qua nhanh. Chiến tranh, thời cuộc và nhất là lòng người đã làm đổi thay tất cả.
          Theo đoàn người di tản, cả nhà dắt diu nhau vào Sài Gòn. Đúng là họa vô đơn chí, trong một đêm ngủ lại quán trọ ven đường anh đã mất tất cả : chút vàng bạc dành dụm, giấy tờ tùy thân ,những thứ quan trọng nhất của anh và gia đình đã không còn nữa…Không nhà cửa, không tiền bạc,thế là vợ con anh phải về lại Đà Nẵng để sống nhờ người bà con, còn anh bám lại Sài gòn để mưu sinh.
          Bằng tất cả sức lao động của mình ,Lê ngược xuôi tìm miếng cơm manh áo,thôi thì gầm cầu ,xó chợ, bến xe ,nhà ga .. nơi đâu cũng có anh và những người cơ hàn như anh. Ăn nhờ ở tạm trong sự lo âu buồn tủi.
          Có lần trong túi chỉ còn 6 đồng bạc, không đủ để mua một tô cơm, Lê ngồi cạnh một gốc cây với sự tuyệt vọng vô cùng. Đói quá, anh mua 2 trái ổi với giá 3 đồng để thay bữa cơm trưa. Nhớ lại lúc nhỏ mẹ anh thường bảo,ăn ổi nặng bụng và rất khó tiêu. Bây giờ Lê nghĩ nếu có một thứ gì khó tiêu và nặng bụng hơn ổi thì tốt biết bao .
          Bất chợt Lê nhìn lên. Trời ơi! Trường Đại học Văn Khoa, bây giờ anh mới biết, thì ra là mình đang ngồi cạnh hồ Con Rùa.Đói khổ lo sợ đã làm cho những tế bào não của anh thoái hóa. Nhớ lại những ngày cùng bạn thong dong trên hành lang trường Đại học, anh vội kéo sụp chiếc mũ xuống để mặc cho dòng nước mắt hối hả lăn dài trên má…
          Những ngày kiếm được chút tiền anh ăn đủ no nhưng những ngày mưa thì Lê nhịn đói thường xuyên. Đầu con hẽm nhỏ, nơi anh ở trọ có một quán cơm vĩa hè, những lần đầu khi  thấy anh chỉ ăn mỗi bữa 10 đồng ,bà bán cơm nhìn anh như nhìn một con người keo kiệt. Nhưng có lẽ sau đó bà hiểu ra, nên thường chan thêm cho anh một chút nước cá kho hay nước thịt còn lại trong chiếc hộp nhựa. Cái chất mằn mặn đó làm cho bữa cơm ngon hơn nhiều.
          Hơn một năm ở Sàigòn, tất bật lo cơm áo và nỗi lo sợ ám ảnh, không đêm nào anh ngủ yên giấc. Nhớ con, thương vợ và những vất vả tủi nhục trong cuộc sống đã làm anh già đi.Những nếp nhăn tàn nhẫn đã xua đuổi sự tráng kiện mạnh mẽ của người đàn ông tuổi 40 …
          Anh quyết định về lại Đà Nẵng may ra…
          Các con anh,ở lứa tuổi mới lớn phải ăn uống kham khổ, chúng gầy nhom,nhìn con, lòng anh quặn thắt, cũng may nhờ sức trẻ ,chúng không tiều tụy héo rủ như anh. Vợ anh có gầy hơn nhưng vẫn giữ được vẻ thanh xuân, chỉ có đôi mắt Hồng nhìn anh không dịu dàng như xưa nữa. Cũng phải thôi, lúc đói khổ mọi cái đều đổi thay…
          Rồi một hôm anh về muộn, cuốc xe thồ cuối ngày này Lê phải đi mãi tận Sơn Trà, nên khi anh đến nhà thì đã hơn 10 giờ, anh định tắm qua quít rồi ăm cơm, bụng anh đói cồn cào, vừa bước ra sau nhà thì Hồng gọi giật lại
-         Anh Lê, tôi muốn nói chuyện với anh
-         Đợi anh ăn xong đã,được chứ ?
-         Không, tôi đợi anh cả buổi tối nay rồi
      Giọng Hồng sắc và nhọn đã làm anh ngạc nhiên, anh quay lại ngồi xuống ghế
-Đến nước này rồi, thôi tôi nói luôn để khỏi mất thì giờ, chúng ta chia tay đi, tôi không còn chịu đựng anh được nữa, phần ai nấy đi.
Hồng nói rõ ràng không một chút ngần ngại như đã được chuẩn bị kỹ càng
-Em…
-Tôi đã nghĩ kỹ rồi, không thể sống với nhau được nữa.
Nói xong Hồng cầm chiếc túi đã để sẵn cạnh chân bàn rồi quay ngoắt ra cửa.
Thằng Út không biết nãy giờ đứng đâu bước theo mẹ mấy bước, môi nó mấp máy định nói gì đó nhưng lại thôi.
Lê ngồi lặng trên ghế, một nỗi cay đắng tủi nhục như cơn bão tràn qua. Chịu đựng . Hồng phải chịu đựng tôi sao? Lê chỉ nghĩ được có thế…
-         Ba, ba.
        Thằng Út lay lay cánh tay Lê, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt bé nhỏ. Lê ôm chặt nó vào lòng. Hai cha con khóc lặng
Không ăn uống ,cả người lại nhễ nhại mồ hôi,nhưng không hiểu sao đêm đó Lê ngủ mê mệt. Hình như những tế bào não khi trương hết mức, nếu không vỡ ra được thì nó tự xẹp xuống trong tình trạng vô thức.
 Hai đứa con lớn tỏ ra không ngạc nhiên lắm khi mẹ nó bỏ đi. Lê chỉ biết vậy mà không hỏi tại sao
Lê như một con tàu bị bủa vây bởi một khối sương mù dày đặt, không tìm thấy một chút ánh sáng, không có một đường ranh nào để định hướng. Anh quờ tay mong gặp một cái gì đó để bám víu nhưng tất cả chỉ là một khoảng tối đen ngòm như cái chảo đen úp chụp xuống
Như con chim mất tổ, như con cá bị bỏ trên cạn, Lê nghĩ đến cái chết, đó là cái duy nhất mà anh có thể làm được trong tình cảnh này.
                                                            - oOo -

Anh nằm liệt mấy hôm, và thấy mình như cứ rơi mãi ,rơi mãi xuống một khoảng tối mờ mịt
Thằng Út ôm cánh tay anh. Nó sờ đám râu mọc tua tủa sau mấy ngày không cạo
-Ba ơi, hết gạo rồi
“Hết gạo” đơn giản và tầm thường, nhưng đã kéo anh từ trạng thái này sang trạng thái khác, cái quyết định sống chết của anh được định đoạt bằng hai tiếng ngắn gọn: “hết gạo”.
Sáng hôm sau,chưa đến 4 giờ anh đã ra chỗ hẹn để đón chị Tám ,một khách quen bán cá ở chợ Hàn. Đứng đợi, nhưng chẳng có hy vọng gì, anh nghỉ mấy hôm rồi, chắc chị đã thuê người khác.
 Sau 1975, nghề xe thồ bỗng dưng xuất hiện như nấm sau mưa. Anh đã gặp rất nhiều những anh bạn giáo viên làm cái nghề như anh. Họ “mất dạy” hay còn đang đi dạy nhưng vẫn phải kiếm tiền bằng cách này.Một cái nghề không cần học việc, không cần bằng cấp mà lại rất lương thiện. Khi gặp nhau họ không chào hỏi gì, chỉ đưa mắt nhìn nhau một thoáng rồi quay đi thầm lặng, ánh mắt đã nói với nhau biết bao điều …
-         Chú Lê đấy hả. Sao mấy hôm nay…
        Chị hơi khựng lại. Dưới ánh đèn đường ,trông Lê khác lạ quá. Râu mọc tua tủa, đôi mắt trũng sâu má hóp lại
        Lê đợi một câu từ chối ,hoặc lời trách móc, nhưng không.
        -Chiều nay chú đến đón tôi nghe,trả tiền cho cuốc xe chiều đây.Đem về   mà cắt tóc cạo râu, trông chú cứ y như tù trốn trại. Không khéo…
        Rồi chị tất tả đón một anh xe thồ vừa trờ tới
-Về đi, chiều nhớ đón tôi nghe.
        Cái chị Tám này trông chẳng giống bà bàn cá tí nào, nói năng thì lịch sự,đi đứng thì khoan thai. Anh nghĩ vậy mà chưa dám hỏi
       Còn quá sớm, giờ này chắc chưa ai hớt tóc, nhưng anh không dám đi tìm mối khác. Tù trốn trại, anh có ở tù đâu mà trông như tù trốn trại. Bóng anh chập chờn trong tấm kính của hiệu may bên đường. Đúng thật, cứ y như tù trốn trại.
          Nhiều mối đi xe quen, qua câu chuyện trao đổi trên đường đi, bà nào cũng bảo:
          -Trông cậu không giống xe thồ chút nào, mới đổi nghề hả
          -Dạ…
         Lê chỉ dạ và người ta cũng chẳng chờ câu trả lời.
          Cứ cách một tháng hay hai tháng chị Tám lại nghỉ bàn vài ngày, có lần sau vài ngày nghỉ ,trên đường đến chợ chị nói với Lê :
          -Lần này đi thăm nuôi ảnh khổ quá chú ơi,mình gồng gánh không quen, dốc cao mà trời mưa, đường trơn quá ,suýt nữa bỏ mạng.
          À thì ra chị đã từng là phu nhân của ông nào đó đang đi học tập cãi tạo và là cô giáo Tịnh Khuê ,chứ đâu phải là bà Tám ,hèn gì…

                               X                                 X
                                                  X
                        
          Lê không tin bói toán, thế mà lúc cơ cực và tuyệt vọng, anh đã tìm đến một bà bói bài. Sau khi lật xếp, trải ba lần bà phán một tràng dài, anh nhớ đại khái :
        Cậu có một người đàn bà luôn theo dõi và độ trì , bây giờ vận mạt nhưng sẽ có ngày hanh thông, hiển đạt, nhưng nhất thiết ngày mồng một tháng bảy âm lịch,tức ngày mai, cậu phải lập tức rời chỗ ở, nếu không sẽ gặp  tai họa. Ra về, Lê bán tín bán nghi ,cái chuyện bây giờ nghèo khổ sau này sẽ giàu sang là câu nói cửa miệng của mấy bà thầy bói, nhưng đã đến bước đường cùng ,thôi thì cứ nhắm mắt
đưa  chân, rồi sẽ ra sao cũng mặc…
      Lúc trẻ, Lê tin ở khối óc, bàn tay của mình, bây giờ thất cơ lỡ vận thì tín ngưỡng, tâm linh là chỗ dựa tinh thần. Anh quỳ lạy trước Đức Phật rồi dắt đứa con nhỏ ra  ga ,xuôi về nam
          Thành phố biển Quy Nhơn đón Lê trong sự uể oải, mệt nhọc. Thành phố này, mới đây thôi đã ân cần bao dung với anh biết bao. Nhiều lúc đi ngang trường Cường Để hay Nữ trung học,anh tần ngần đứng lại.
          Học trò thì vẫn là học trò,cái trống vẫn ở cuối hành lang, gần lối dẫn lên cầu thang bên phải, cây bằng lăng vẫn tím ngát màu hoa, nhưng Lê thì không còn là Lê của những năm tháng đĩnh đạt bước lên bục giảng, vẫy tay chào học trò và viết những nét chữ bay bướm lên bảng đen như ngày xưa nữa. Lê thấy như có vật gi rất nặng đè lên trái tim anh, và anh thở đứt quãng nặng nhọc như vừa làm một việc quá sức mình. Cái bàn tay cầm phấn ấy đã nổi chai nhiều chỗ sau gần hai năm bỏ nghề.
          Một người bạn cũ cho anh ở cùng , cái kho nhỏ nằm trong góc khuất của ngôi trường Minh đang dạy là nơi Lê đã đi về trong những ngày anh kiếm sống ở Quy Nhơn.
          Mãi về sau Lê mới nhận được tin nhà, nếu mà hôm ấy anh ở lại thì anh không còn có mặt trên cõi đời này.Thầy bói không phải lúc nào cũng nói vu vơ để lừa thiên hạ…Lê nghĩ thầm.
           Nhiều đêm khó ngủ, Lê nhắm mắt tưởng tượng đến những năm tháng êm đềm khi anh còn đi dạy. Lê nhớ có hôm đi bộ đến trường, anh đáp lại biết bao nhiêu lần chào hỏi kính trọng của các em học sinh… Lê ngậm ngùi nghĩ đến hoàn cảnh của mình, tương lai của mấy đứa con mà rối bời tâm trí
          Mấy hôm nay đi làm về Lê thấy Minh có cái gì đó là lạ, Lê không dám hỏi nhưng dự cảm một chuyện gì đó sắp đến với anh. Quả đúng như vậy. Sau một lúc ngập ngừng , Minh bảo:
          -Mình rất buồn lòng khi phải nói với bạn, bạn ở với mình bao lâu cũng được, có tốn kém gì đâu, thế nhưng mấy hôm nay bác bảo vệ cứ dò hỏi mãi. Cậu là ai mà hôm nào cũng đi sớm về muộn, mình bảo cậu là bạn học. Ông ấy liền nói:
          - Thầy đã báo với hiệu trưởng chưa ?.Có giấy tờ hộ khẩu gì không
          - Bác để cháu hỏi lại.
          -Tôi hiểu rồi ,Minh đừng lo. Cảm ơn bạn đã cho mình tá túc .
          Thế là bắt đầu cảnh đầu đường ,xó chợ. Những đêm hè muỗi đốt, nhưng đêm đông mưa tạt, gió lùa…                 
          Những trời không thể đày đọa mãi một con người lương thiện. Nhờ sự mách bảo của mấy em học sinh cũ, Lê tìm được Lê Thanh Sơn ,một giáo viên rất có uy tín ở thành phố này, với tấm lòng nhân hậu không quản ngại khó khăn Sơn đã xin được cho Lê cái giấy chuyển trường, Sơn đã mở cho Lê một con đường sống.
        Sau mấy mươi năm, Lê về tìm lại thì Sơn đã chuyển nhà , món nợ ân tình không biết bao giờ mới đền đáp …mà  nợ ân tình làm sao mà đền đáp được. ..  
       Anh cũng cố công tìm lại những người đã cưu mang giúp đỡ anh trong những ngày khốn khó,nhưng chẳng tìm được ai, cái bà bán cơm vĩa hè ngày xưa cũng đã bặt vô âm tín rồi
          Kể ra thì chỉ có chừng ấy nhưng sự nhọc nhằn của Lê thì làm sao mà nói cho hết được, hơn nữa những ngày khổ đau thì bao giờ cũng dài lê thê chứ không vụt qua như những ngày hạnh phúc.
          Sau này cũng có vài người phụ nữ yêu thương Lê thật lòng và muốn đến với anh, nhưng vết thương trong trái tim anh không bao giờ lành nên anh vẫn ở vậy, một mình nuôi con ăn học. Đến bây giờ anh vẫn chưa hiểu được vì sao Hồng lại phụ bạc anh.
          Ở cái xứ tuyết Bắc Mỹ lạnh giá Lê vẫn nhớ nhung hoài một chút nắng quê hương,nhớ người thân, bè bạn, nhớ mùa thu sân trường ,và nhớ đến “tà áo ai bay trắng cả giấc mơ” vì anh đã có lần “giữa giờ chơi mang đến lại mang về” lá thư tình viết bằng trái tim mới lớn…
     *                    *                      *
     Có dịp về Đà Nẵng lần nào Lê cũng ngồi quán café bên bờ sông,nhâm nhi ly café và nói chuyện với bạn bè.
-         Alô ! Tâm Đan xuống đây đi, High Land nhé
      Tôi đang đi chợ,tay xách tay cầm lĩnh kĩnh rau quả thịt cá nên hơi ngập ngừng một chút…
-Tôi sẽ đến, 9 giờ hả anh.
     Không thể từ chối vì có mấy khi được gặp nhau. Biết đâu rồi sẽ không còn có dịp gặp lại. Tất cả chúng tôi đều đã ở trong buổi hoàng hôn của cuộc đời.
         Sáng nay, dọc đường Hàn Thuyên, hoa xao xuyến nở rộ. Những cánh hoa nhỏ li ti rụng đầy trên mặt đường trông  xa như một tấm thảm màu vàng.
          Loại hoa này không nở để đón xuân mà nở cho mùa xuân dài thêm .Trên cành, từng chùm, từng mảng vàng ươm. Cả một xã hội hoa thi nhau khoe sắc. Suốt một năm chắt chiu dành dụm chỉ để vài tuần cho hoa đón nắng.Hoa rất chóng tàn, như hoa phù dung vậy. Có lẽ vì kiếp hoa ngắn ngủi nên nó được mang tên là xao xuyến chăng ?
          Đã cuối tháng hai âm lịch,trời vẫn còn mưa bụi, từng sợi mưa mỏng manh và nhẹ tênh đan vào nhau, nối tiếp nhau. Không hẳn là mưa,cũng không hẳn là sương mù khiến cho cả đất trời mờ mờ hư ảo..
        Quán đông khách nhưng Lê đã chọn được một bàn ngoài sân. Ở đây có thể nhìn bao quát cả một khúc sông dài và dãy nhà cao tầng đang tíu tít mọc lên ở bên bờ đông. Trời xám đục, sông Hàn xanh biếc chảy êm ả dưới những cây cầu mới phô trương và tự phụ.
          Lê muốn quên ,nhưng cái quá khứ đau đớn buồn tủi của anh khó phai mờ trong tâm trí.
          Tôi cùng anh học chung bày năm ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng , sau đó lại là đồng môn Sư Phạm Quy Nhơn, tôi cũng có biết về anh đôi chút, nhưng đâu có ngờ đời anh lại đắng cay tủi buồn đến thế.
          Nhắc lại quá khứ mắt anh đỏ hoe, những giọt nước mắt lăn dài trên má…
          Nhìn người đàn ông to cao, tóc muối tiêu ngồi khóc ,lòng tôi nhói đau.Tôi cầm tay anh siết nhẹ, bàn tay mạnh mẽ và ấm áp. Anh đặt bàn tay còn lại lên tay tôi…
          Anh và tôi đều hiểu rằng, trong lúc này, sự cảm thông , chia xẻ có thể không cần đến ngôn ngữ  ….
                                                                             Tháng 4năm 2013 

13 nhận xét:

  1. Một hoàn cảnh thật bi đát ! Ôi ! kiếp người ! nhưng cái hậu ,không đến nỗi tệ ! cảm ơn chị ,qua truyện kể của chị .Em tự an ủi mình ,cuộc đời mình còn hạnh phúc hơn nhân vật chị kể ...

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Tịnh Võ nhé. Đây là chuyện của anh Lê V C (khóa 2 SPQN) có khoảng 80% là sự thật .Phần hư cấu chừng 20% thôi.Đanthanh cũng vui vì kết thúc có hậu.

    Trả lờiXóa
  3. "Đời là bễ khổ" nói theo triết lý của nhà Phật.
    Cuộc sống như một món ăn, cần một chút vui, một chút buồn, một chút khó khăn,một chút sung sướng, một chút đau khổ...Tất cả đó là gia vị của cuộc sống, nó làm cho cuộc sống có nhiều hương vị. Nhưng điều cần thiết là "hậu vận" bình an và hạnh phúc là đủ rồi, phải không chị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Irene . Nhớ tặng chị Đặc san khóa 11 nghe

      Xóa
    2. Chỉ có Đặc san lớp 6 khóa 11 sắp phát hành thôi, còn Đặc san khóa 11 em chưa thấy.
      Hôm nào in xong, em xin biếu chị. Chúc chị vui!

      Xóa
  4. Trần Hiền Tuấnlúc 01:04 4 tháng 5, 2013

    Đâu phải vô tình mà ông cha ta đã để lại câu: "Ở hiền gặp lành" hay "Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai". Đọc xong câu chuyện của chị em lại nhơ đến câu: "Đời là bể khổ, tình là dây oan". Thôi thì cuộc sống mà, nó muôn hình muôn vẻ, không ai giống ai. Ta hãy tạm tin (như anh ấy tạm tin) vào số phận đã an bài. Những giọt nước mắt muộn màng của anh đã cho anh nhiều niềm hạnh phúc tuy muộn màng và cay nghiệt suốt chặng đường anh đã đi qua.
    Chúc anh Lê V C sống vui và bình thản trong những ngày còn lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ chuyển lời Tuấn đến anh Lê. Anh Lê vẫn bảo lãnh Hồng qua Canada Tuấn ạ. Tuy không nối lại tình xưa,nhưng Đanthanh nghĩ anh Lê là người tốt phải không Tuấn

      Xóa
  5. Bạn của nhị 6lúc 15:58 4 tháng 5, 2013

    "Trời màu xám đục....Phô trương và tự phụ". Đoạn này từ Đan Thanh dùng đắt quá, ai mua nổi đây???. Bài viết rất hay( nhà thơ viết văn ),chân thật và cảm động lắm ĐT ạ.
    Những chị Tám, Anh Lê trong câu chuyện này, hay anh Hoàng trong câu chuyện của Ren....bàng bạc trên trang nhà đó đây ta bắt gặp. Liệu có phải họ bất tài, họ không có tình yêu, họ chọn đường sai ư, hay số trời đã định đoạt....
    Thôi hãy tạm an ủi rằng cuối đời họ đã có chút hậu vận, vậy là may mắn lắm rồi phải không ĐT. Câu hát "Nước mắt đàn ông không trôi thành dòng...". với anh Lê là sai. Mong rằng những giọt nước mắt đó sẽ rửa trôi hết những "Bể khổ", "Dây oan" khỏi cuộc đời anh Lê. mong anh vui sống với con cháu và tình bằng hữu..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Lê đã cắt được dây oan và thoát khỏi bể khổ rồi Bạn của nhị 6 ơi
      Nếu có dịp về Đà Nẵng bạn sẽ thấy 8 cầu cây( tương lai sẽ là 9 )đều phô trương và tự phụ. Cảm ơn nhé

      Xóa
  6. Sống đến tuổi này , chúng ta chứng kiến rất nhiều người gặp nhiều hoàn cảnh éo le . Có người gặp bao phong ba bão táp của cuộc đời ... nhưng kết thúc an nhàn là mừng rồi . Câu chuyện của danthanh thật có hậu .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn H Hoa. Tất cả chúng ta đều mong muốn câu chuyên nào cũng có hậu. Điều đó thật đáng mừng vì đó là suy nghĩ của những tấm lòng nhân hậu phải không H Hoa

      Xóa
  7. Dọc cau chuyen Danthanh ke sao toi thay buon va nho lai giai doan do, toi khong duoc di day nen phai di kinh te moi, len rung di cui, trong mi, di buon thuoc la, di buon duong, dap cyclo... vuot bien bi bat hai lan va lan thu ba moi di thoat. Qua My lai lo thay lo tho di lam cong cho den bay gio .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đanthanh cũng có nhiều bạn có cùng"kịch bản" như H Hoàng vậy nhưng họ không có hậu vận như H Hoàng, bây giờ vẫn là lão nông.
      Cảm ơn và chúc H Hoàng bình an trong cuộc sống ,thanh thản trong tâm hồn

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...