Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

CÂU CHUYỆN LỬA TÀN


Của ông Hiệu Trưởng trường Sư Phạm Quy Nhơn nói với các giáo sinh khóa 11 trong ĐÊM MÃN KHÓA hạ tuần tháng 6 năm 1974.

Anh chị em giáo sinh khóa 11 thân mến.

Đêm đã  khuya, lửa cũng gần tắt, trước khi chia tay, tôi muốn nói với anh chị em đôi lời trong câu chuyện lửa tàn đêm nay.
Nhìn khu trường với những hàng thông trầm lặng, từng chứng kiến bao bước chân anh chị em đi về. Những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè, dẫn vào những căn phòng nội trú, rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê. Nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi. Những hình ảnh và âm thanh đó như thì thầm nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn Anh Chị Em đã có nơi đây, gợi lại bao sinh hoạt đã cùng nhau tham dự: nào những tối cuối tuần ngồi bên chén trà “hội hữu” hay “bạn đường” nghe thơ nhạc hay nghe nhau kể lễ chuyện đời. Nào những ngày đi công tác xã hội hay thực tập giáo dục cộng đồng bận rộn với dân quê, những buổi du ngoạn tươi mát ý đời, những đêm văn nghệ rộn ràng niềm vui, cũng như nghững sáng chiều thường xuyên thảo luận, học tập về chuyên môn…tất cả đều nói lên những tâm tình Anh Chị Em đã có với nhau, với ngôi trường này.
Sau đêm nay, Anh Chị Em sẽ rời ghế nhà trường chia tay về hè để sau đó vào đờichứ không còn trở lại trường cũ như mùa thu năm trước. Chúng tôi cầu cúc Anh Chị em gặp nhiều niềm vui trong đời, những niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có hơn là từ bên ngoài mà nên.
Tục ngữ ta có câu: “Câu chuyện nên quen, chuyến đò nên nghĩa”. Anh Chị Em đã cùng nhau đi chung một chuyến đò dài. Nay tuy chưa đến bến cùng của sông nước nhưng mỗi người phải chia tay sang những con thuyền khác để lại tiếp tục hành trình dẫn tới quê hương xa.
Giây phút phân ly nào chẳng đượm buồn và đó cũng là thân phận con người trên cõi thế. Nhưng như trăng khuyết rồi tròn, ly hợp cũng là lẽ thường của cuộc sống, miễn sao trong cách xa mà vẫn không xa cách, và miễn sao mỗi đổi thay đều mang mãi một chiều hướng. Anh Chị Em hãy chấp nhận nỗi buồncách xa trong tim, vẫn còn những niềm vui gặp gỡ đây đó trên bước đường nghề nghiệp, ở một nẻo nào trên dải đất quê hương này.
Đời Anh Chị Em còn dài, dài đủ để không uổng công thắp sáng niềm tin trong đêm tối thiếu những ánh trăng sao soi dẫn bước chân Anh Chị Em đi.
Tuổi Anh chị em còn trẻ, quá trẻ để có đủ thời gian tự làm lấy cho mình những gì mình mơ ước. Với tuổi đôi mươi, chẳng có gì là muộn. Tất cả đang chờ đón Anh Chị Em: Tình yêu để yêu, tình bạn để thương, tình quê hương để nhớ, những nguyện vọng để thực hiện, nghề nghiệp để phụng sự…nghĩa là cả một cuộc đời để sống, để xây lên hoặc nếu cần để dựng lại.
Mỗi thế hệ có những vui buồn, những ưu tư riêng và mặc dầu thế hệ này có liên quan với thế hệ khác, nhưng không nên cho rằng thế hệ này không làm được gì hơn thế hệ khác. Than trách hay quy lỗi không phải là triết lý đẹp của một hướng sống cao. Mỗi người trẻ hãy tự nói với mình “dậy mà đi” dù quê hương có đang đổ nát mênh mang vì bom đạn vẫn chưa thôi trên mảnh đất nhỏ bé này, dù xã hội có đang phân hóa tàn tạ vì cảnh tương tàn thê lương đã kéo dài hơn hai mươi năm qua.
Anh Chị em hãy “dậy mà đi”, đi từ “đêm bây giờ” để đến “đêm mai”, như Trịnh Công Sơn thuộc khóa đàn anh của Anh Chị Em đã hát lên rất chân tình:
“Đêm bây giờ đêm quá hư vô
Ôi con người mang trái tim khô
Đêm bây giờ thắp sáng âu lo
Hai mươi năm buồn vui hững hờ
Đêm thôi dài cho mai này
Người Việt hái lúa ngoài đồng chín
Đêm no lành đêm thanh bình
Người Việt sống như chưa bao giờ”. 
Nói như vậy “đêm bây giờ” dù “quá hư vô” chỉ “mang trái tim khô” với những “âu lo” và “buồn vui hững hờ” cũng chẳng có thể làm cho Anh Chị Em buồn thảm, vì rằng đêm mai này mới là của Anh Chị Em để hướng tới, để xây lên, để dựng lại, để “sống như chưa bao giờ”.
Tôi nhắc lại ý vừa diễn tả: Anh Chị Em hãy dậy mà đi, lạc quan vào đời và tích cực góp phần mình vào việc xây dựng đời.
Trước khi chia tay tôi cũng muốn nói lại với Anh Chị Em một ước mong chan chứa ưu tư này của trường. Chúng tôi ước mong rằng dù hoàn cảnh đời mỗi người chúng ta như thế nào, khi đã dấn thân vào một nghề là chúng ta phải chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức. làm thân con người chẳng ai có tự do vô điều kiện, ngoài hoàn cảnh giới hạn. Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chọn hoặc chấp nhận cái mình phải chọn và như vậy giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn hay phải chọn.
Tôi tin rằng sau hai năm học ở trường này, Anh Chị Em đã thấy rõ hướng đi phải có của cuộc đời. Mai đây trên bước đường phụng sự, cầu chúc Anh Chị Em ngày càng vui, yêu nghề và làm được những gì Anh Chị Em muốn làm trong khả năng của mình.
Tôi tin rằng trong một tương lai không xa, đất nước chúng ta phải được thanh bình. Khi đó, và ngay cả khi này, cánh đồng văn hóa giáo dục cần nhiều nông phu, những người đổ mồ hôi để cày, bừa, gieo, cấy, đợi mùa gặt đến đem vui tươi, no ấm cho các xóm làng thân yêu.
Đêm đã khuya, lửa cũng gần tắt, tôi đã nói gì với Anh Chị Em trong câu chuyện lửa tàn đêm nay?

Một lần nữa, nhìn lại khu trường với những hàng thông trầm lặng, từng chứng kiến bao bước chân Anh Chị Em đi về, những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè dẫn vào những căn phòng nội trú rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê, nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi.
  Những hình ảnh và âm thanh đó như vẫn thì thầm nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn Anh Chị Em đã có với nhau ở ngôi trường này. 
Mai đây trên vạn nẻo đường đời có khi nào tưởng lại quãng thời gian cuối cùng của những ngày đèn sách, có lẽ những hình ảnh và âm thanh trên sẽ còn đậm ít nhiều nét sống vấn vương bên lòng Anh Chị Em chứ không đến nỗi tàn phai như những vang bóng một thời bị chìm quên vào dĩ vãng.



Anh Chị em hãy thỉnh thoảng nhớ đến trường cũ và nhất là luôn luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau, nâng đỡ nhau trên những bước đường đời.
Trong những ngày Anh Chị Em sống nơi đây, chúng tôi không nghĩ là đã làm được tất cả cho Anh Chị Em nhưng chúng tôi đã hết lòng với Anh chị Em.
Phần Anh Chị em trong hai năm qua đã cùng nhau đi trên một chuyến đò mà trong hành trình có những chiều xuống đêm về, cắm sào dừng nghỉ ở nhiều bến nước, ngắm trăng thanh gió mát cho vui trên bước giang hồ mà vẫn nhắn nhủ nhau rằng những bến nước ấy chưa phải là bến cùng của quê hương xa.
Nay chuyến đò chung đã đến lúc rẽ bến. Mỗi lữ khách phải rời đò để đi tiếp lộ trình còn dài. Chặng đường sẽ vắng vẻ hơn và lữ khách sẽ cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn trên đường đời. Nhưng Anh Chị Em nên nhớ thân phận con người là cô đơn, trong cô đơn ta gặp được mình, ta gặp được người, ta gặp được trời. Nhưng cô đơn mà đừng cô độc. Muốn vậy Anh Chị em hãy luôn luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau, nâng đỡ nhau trên những bước đường đời.
Trải qua nhiều năm sống rồi Anh Chị Em sẽ học được kinh nghiệm sâu đậm này là chẳng có gì quan trọng trong đời người ngoài tình thương mến nhau.
Tình thương mến ấy như “trăng sáng trên môi hoa” “xua bóng tối trong hồn ta” để ta “tìm về bên nhau” và để “tình người nở đêm sâu” như Đăng Lan hát trong “Thương Quá Việt vNam”:
“Trăng sáng ngời trên muôn hoa
Trăng lên tiếng hát vui đêm già
Trăng sáng ngời trên non xa
Trăng xua bóng tối trong hồn ta
Sáng lên trăng, sáng lên trăng
Sáng cho người tìm về bên nhau
Sáng lên trăng, sáng lên trăng
Sáng cho tình người nở đêm sâu
Trăng muôn đời, trăng muôn nơi
Trăng đem bóng mát cho muôn đời
Trăng thanh bình trăng yên vui
Ôi thương quá ánh trăng Việt nam”
Trên đường đời sẽ có nhiều đêm không có ánh trăng sao, nhưng trong lòng chúng ta ánh trăng chẳng bao giờ tàn, vì mãi mãi chúng ta vẫn có lòng thương mến nhau.

Anh Chị Em thương mến,
Trên con đường nghề nghiệp đã chọn, Anh Chị Em hãy can đảm bước lên, niềm tin của Anh Chị em ấy là niềm tin của chúng tôi và cũng là ý đợi của quê hương này.
Cuộc đời là một cuộc đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản. Trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.
Thương mến từ biệt Anh Chị Em
       Hiệu Trưởng trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Trần Văn Mẫn.


9 nhận xét:

  1. Lời nói với các giáo sinh sắp lên đường nhận nhiệm sở sao mà tha thiết đến tê lòng ,như là lời của người anh đi trước nói với người em chứ không giống lối nói của người thây hay người hiệu trưởng .
    ...anh chị em hãy luôn nhớ đến nhau ,thương mến nhau ,nâng đỡ nhau trên buóc đường đời...
    Thán phục vị Hiệu trưởng đáng kính .

    Trả lờiXóa
  2. Đọc lại bài diễn văn của thầy Hiệu trưởng , nhớ lại đêm không ngủ tại công viên trường . Hôm đó cảm thấy buồn vì nghỉ rằng sắp phải chia tay nhau ....thấm thoát thế mà đã bốn mươi năm rồi , tuổi giờ đã chồng chất mình đã già thật rồi ! Các bạn khóa 11 ơi

    Trả lờiXóa
  3. "Anh Chị em hãy thỉnh thoảng nhớ đến trường cũ và nhất là luôn luôn nhớ đến nhau, thương mến nhau, nâng đỡ nhau trên những bước đường đời."
    Nhớ lắm các bạn Khóa 11 ơi! Hãy thương nhau như anh em một nhà....

    Trả lờiXóa
  4. Đây là một trong số bài nói chuyện hay nhất, giá trị nhất trong lịch sử giáo dục nước nhà. Tôi tin như vậy. Nó hoàn toàn khác biệt với các bài nói chuyện của các thấy HT bây giờ đầy tính xu thời @ !

    Trả lờiXóa
  5. Đây là một trong số bài nói chuyện hay nhất, giá trị nhất trong lịch sử giáo dục nước nhà. Tôi tin như vậy. Nó hoàn toàn khác biệt với các bài nói chuyện của các thấy HT bây giờ đầy tính xu thời @ !

    Trả lờiXóa
  6. Đọc lại bài nói chuyện này gợi nhớ đên những ngày còn học ở mái trường SPQN. Nhớ lắm, nhớ lắm!!!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi đã đọc bài này nhiều lần và lần nào cũng cảm xúc nhố về người thầy đáng kính, tài hoa và nhân hậu . Thật là một áng vân tuyệt tác Rẳt nhớ ơn và tự hào về Thằy !

    Trả lờiXóa
  8. Doc bai nay.Rieng toi xem day la mot tac pham dan duong cho tat ca cac the he.Nhat la nen giao duc

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...