Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

CHO… ĐI LẠI TỪ ĐẦU

                       
                                                         Nguyễn Thị Hoa.

Chúng tôi “tuổi 60” bàn nhau viết một kỷ niệm gì đó để nhớ về một thời là giáo sinh trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Lạ thật, tôi đã trải qua một thời học mẫu giáo, 5 năm tiểu học, 7 năm trung học, 2 năm sư phạm, rồi mấy chục năm đi dạy, làm vợ, làm mẹ, bôn ba với cuộc đời. Biết bao nhiêu buồn vui, thăng trầm đã trải qua trong cuộc sống nhưng in đậm trong tâm trí, khắc sâu trong ký ức vẫn là hai năm học ở trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Hè năm 70, tôi vừa đậu xong tú tài, ước mơ làm cô giáo đã hình thành trong tôi từ rất lâu, từ những trò chơi con nít, chúng tôi đã lấy khăn đeo trước cổ giả làm  hai vạt áo dài để dạy học… nhưng cô giáo vẫn là một điều gì đó rất cao, rất xa. Nhớ ngày xưa khi còn cắp sách đến trường, những ngày nghỉ Tết đến thăm cô, đứng ngoài hàng rào dâm bụt thấy bóng cô thấp thoáng mà không dám thưa, dám gọi. 
Thế rồi, tôi nộp đơn thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi nhớ không hẹn mà chúng tôi là Thơ, Hoa Pháp, Đồng, T. Hoa đều cùng thi vào Sư Phạm và hội ngộ ở đây. Lần đầu tiên đến Qui Nhơn, tôi nhớ như in, sân nội trú vắng hoe vì là đầu năm học. Cảm giác bỡ ngỡ khi bước chân vào trường và càng ngỡ ngàng khi đến khu nội trú, bốn dãy nhà ba tầng, ôm lấy sân cỏ ở giữa. Nhìn vào phòng, những chiếc giường đôi vừa lạ lẫm, vừa hứa hẹn. Chúng tôi vào sớm nên nội trú chỉ mới lác đác một ít nữ giáo sinh. Năm đầu tiên, tôi ở tầng trệt, phòng 113. Làm sao tôi quên được những ngày tháng thần tiên nội trú. Những sáng chủ nhật vang vang tiếng cửa mở, tiếng nước chảy trong phòng tắm (bạn nào cũng tranh thủ tắm trước để đi chơi). Tiếng chân rộn ràng ngoài hành lang, tiếng gõ cửa, tiếng gọi nhau, tiếng í ới của các bạn trực, báo có người đến thăm…Những đêm nội trú nằm nghe tiếng gió rít qua hàng dương, qua khung cửa…xen lẫn tiếng sóng biển vỗ ầm ầm vào bãi cát xa xa vọng lại làm dâng lên nỗi nhớ nhà da diết.
Rồi những giờ học với những môn học lạ hoắc: Tâm lý giáo dục, Giao tế xã hội, Giáo dục cộng đồng…Tôi nhớ thầy Phan Thâm dạy Họa với những bức tranh lập thể mà mặc dù tôi không có năng khiếu vẫn bị lôi cuốn, vẫn say mê. Rồi thầy Trần Văn Khương dạy Thể Dục với bài “Ngựa phi dường xa” chúng tôi vừa phi vừa hát, vui ơi là vui... Giờ Tâm Lý giáo dục của thầy Trần Văn Mẫn (Hiệu trưởng), tôi nhớ hoài có lần thầy giảng về “Tự do cuối cùng” Thầy đem chuyện Tào tháo ra minh họa…và cho đến bây giờ, trong nhiều tình huống ở trong cuộc sống thường ngày, có những việc, tôi không quyết định được mà phải chờ đến “tự do cuối cùng”.
Sang đến năm nhị niên tôi ở phòng 211 lầu 2. Tôi và một cô bạn, chúng tôi chọn giường ở tầng trên. Đêm đến, khi nội trú đã tắt điện, chúng tôi thắp đèn dầu, đem gói Basto xanh ra vửa phì phà vừa tập làm thơ…vì không quen nên bị ho sặc sụa chảy cả nước mắt nước mũi…
Những buổi chiều ra bãi biển nằm nghe sóng vỗ và chuyện tình đẹp nhất đời tôi cũng xảy ra trong thời gian đó. Tôi nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Đức Sơn:
“Mênh mông buồn xuống mênh mông
Tiễn anh(em) buồn lại dâng lên cuối đường
Anh đi em cũng ngập ngừng
Tình xưa…sầu nhẹ…núi rừng bay theo”

…mà chàng hải quân của tôi đã mang đi… không một lần gặp lại.
Tôi nhớ những chiều ngồi ở quán cà phê Gió Khơi, trước mặt mỗi chúng tôi là một ly coca, im lặng mà như nói rất nhiều và quên sao được đêm chia tay. Khi đi ngang qua quán cà phê, lần đầu tiên nghe “Chiếc lá cuối cùng” 



…Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng
Đường thênh thang gió lộng  một mình ta
Rượu cạn ly uống say lòng còn giá
Lá trên cành một chiếc cuốn bay xa… (Tuấn Khanh).
Lời bài hát như nói hộ tâm trạng của tôi lúc đó.
Còn một kỷ niệm đáng nhớ nữa là chuyến đi cộng đồng ở Cù Lao Xanh, nhưng thôi…chuyện này bí mật chẳng dám kể ra “sống để dạ, chết mang theo” kẻo cháu nội, cháu ngoại đọc được, chúng sẽ nói rằng bà của mình sao mà lãng mạn quá!
Kể cũng lạ quá, lúc đầu thì lười, lại nghĩ rằng không biết viết gì?? Thế mà bây giờ thì bao nhiêu chuyện cứ theo nhau cứ tuôn trào…nhưng thôi để lần sau có dịp sẽ tâm sự tiếp với các bạn.
Xin mượn lời trong bài “Kỷ Niệm” của Phạm Duy để diễn tả tâm trạng của tôi lúc này:
…Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương…
…Cho tôi thời niên thiếu
Cho đi lại từ đầu
Không đi vội về sau…

                                               Nguyễn Thị Hoa.
                                               K9. SPQN

6 nhận xét:

  1. Một tâm hồn trẻ trung tuy bây giờ đã ngoài "sáu mươi" . Vào thời đó giáo sinh chúng mình thật hồn nhiên nhưng tình cảm thì thật là lãng mạn quá bạn nhỉ ? Bài viết đã làm cho H.Hoa vui và nhớ nhiều ngày xưa ấy ..

    Trả lờiXóa
  2. "Cho đi lại từ đầu
    Không đi vội về sau..." Nhưng mà có được đâu, chị nhỉ?
    Cảm ơn chị với một bài viết gợi nhớ...!

    Trả lờiXóa
  3. Chị làm cho em nhớ quá thời GSSP và em cũng thích bài Kỷ niệm .
    Mong đọc thêm bài viết mới của chị !

    Trả lờiXóa
  4. Cảm xúc chân thật , rất "mộc" mà quá đổi thân thương và..ĐT cứ nghĩ "tôi" trong bài viết cũng chính là "tôi của ngày xưa ấy"
    Hẹn Hoa Coffee "Huế Xưa" nhé. ĐanThanh

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn các chị H Hoa ,TC, Giang Lam và ĐT
    Lần đầu có mặt trong vườn SP cũng bỡ ngỡ như lần đầu đến khu nội trú thân thương của chúng mình, vì vậy lời cảm ơn hơi muộn . Mong lượng xá . Rất vui vì các chị đã ghé qua.

    Trả lờiXóa
  6. Hoa ơi ...đọc bài bạn viết..làm minh nhớ ...và ..xúc động quá đi thôi ..

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...