Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

LỜI NHẮN NHỦ CỦA GIÁO SƯ HIỆU TRƯỞNG

Thân gởi các tân giáo sinh khóa 12 thuộc trường, nhân Lễ Khai Giảng niên khóa 1973 – 1974.

Anh Chị Em giáo sinh khóa 12,
Hôm nay là ngày khai giảng khóa học mới, mở đầu thời kỳ huấn luyện hai năm của Anh Chị Em tại trường Sư phạm này.
Nhà trường rất vui đón nhận Anh Chị Em từ nhiều tỉnh đến đây, chọn nơi này làm môi trường định hướng cho đời mình.
Nói như vậy vì tôi tin rằng dù hoàn cảnh đời mỗi Anh Chị Em như thế nào, một khi đã dấn thân vào trường này là Anh Chị Em đã chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức, một sứ mệnh để hoàn thành cũng như một nghề nghiệp để phục vụ.
Ca dao ta có những vần thơ sau đây thật đẹp cả lời lẫn ý:
  “Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Văn ảnh này đã thơ mộng hóa một công tác mà trong thực tế rất thiết dụng cho cuộc sống của một dân tộc lấy nông làm gốc.
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Lời thơ cho ta thấy hình như tình cờ ta gặp người thôn nữ đứng bên đường đang bâng khuâng múc những ánh trăng đổ vào một nơi vô định.
Thực ra cô đứng đó trong một vị trí đã chọn là ruộng nhà, với một dự phóng đầy ý hướng là tát nước cho mềm những tảng đất cứng, cho cứng những chân lúa mềm.
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Theo một nhận định mơ hồ nào đó thì có vẻ như một số Anh Chị Em đến đây như để đứng thơ thẩn ở một nẻo đường vô định để làm những công việc đổ đi cho qua ngày đoạn tháng. Thực ra, Anh Chị Em đã không bâng khuâng, lẩn thẩn như vậy, cũng với thời gian, cùng với tuổi đời, Anh Chị Em sẽ thấy rõ hơn hướng đi phải có của cuộc đời.
Làm thân con người chẳng ai có tự do vô điều kiện, ngoại hoàn cảnh hữu hạn. Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chọn, hoặc chấp nhận cái mình phải chọn như vậy giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn, hay phải chọn.
Đến đây tôi mới nhắc lại ý nhắn ban nãy-và bây giờ ý đó đã được Anh Chị Em hiểu rõ rồi. Ý đó là: Dù hoàn cảnh đời mỗi Anh Chị Em như thế nào, một khi đã dấn thân vào trường này là Anh Chị Em phải chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức, một sứ mệnh để hoàn thành cũng như một nghề nghiệp để phục vụ.
Như nông phu khiêm tốn nhẫn nại đổ từng giọt mồ hôi trên  những mảnh ruộng hoang để cày, bừa, gieo, cấy, như thôn nữ yêu hương quê múc những “ánh trăng vàng” đổ vào ruộng đã cày, đã cấy ấy. Anh Chị Em hãy hăng hái, kiên trì làm việc từng ngày giờ cho cánh đồng văn hóa – giáo dục trổ những bông lúa chín đem vui tươi no ấm cho các xóm làng thân yêu.

Trong lễ Khai giảng hai niên khóa trước, tôi đã có dịp nói với Anh Chị Em khóa 10 và khóa 11 rằng:
“…Qua những biến cố nhất thời, quê hương này của chúng ta, phải được trường tồn và hưng thịnh. Mỗi công dân, tùy theo cương vị của mình đều có bổn phận góp phần vào việc kiến quốc đó. Một trong những nhiệm vụ khiêm tốn nhưng lại rất thiết yếu cho sự tồn hưng của bất cứ cộng đồng quốc gia nào là việc khai hóa dân tâm, dân trí, là nghề dạy học mà Anh Chị em đang chuẩn bị hành trang để bước vào…”.
Hành trang ấy Anh Chị Em hãy tự sắm lấy cho mình qua những phận vụ, học vụ, giáo sinh vụ, cũng như các công tác hiệu đoàn mà lát nữa ông Giám học, ông Tổng Giám thị và ông Hiệu Đoàn phó sẽ nhắn nhủ Anh Chị Em.
Tôi ước mong mỗi khi nghĩ đến Anh Chị Em văn ảnh người thôn nữ tát nước bên đường múc ánh trăng vàng đổ vào ruộng vui mà tôi vừa diễn tả sẽ đem lại cho chúng tôi niềm vui phụng sự và niềm tin ở tiền đồ dân tộc.
Trong viễn tượng đó, tôi đặt tên cho khóa 12 này là khóa ÁNH TRĂNG VÀNG và chân tình cầu chúc Anh Chị Em bước vào niên khóa mới phấn khởi và kiên trì.
Thân ái và chào Anh Chị Em.
                                             Hiệu Trưởng
                                           Trần Văn Mẫn



4 nhận xét:

  1. Đọc xong lòng rất mứng . Xijn cám ơn anh chị nào còn lưu giữ những Lời nhắn nhủ của thầy Hiệu trưởng vào lễ khai giảng của khóa 12 !
    Cám ơn ban biên tập trang spqn !

    Trả lờiXóa
  2. Xin chào và cảm ơn BBT đã cho đăng lại "Lời Nhắn Nhủ " của giáo sư HT. Trần Văn Mẫn đọc trong lễ khai giảng năm học 1973-74. Nội dung bài diễn văn này làm sống lại một vấn đề đã từng nêu ra trước đây 40 năm mà then chốt của nó nằm ở chỗ: "Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chon, hoặc chấp nhận cái mình phải chon như vây giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn hay phải chọn." hay ngắn hơn là: "..giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn, hay phải chọn".
    Ý chí và sự chọn lựa của con người là một khái niệm liên quan đến các quan điểm về giá trị đạo đức của văn minh Ky Tô, trong huyền thoại nói về sự chọn lưa của Adam đã tạo nên tội nguyên thủy, và trong văn minh Ấn Độ, Phật giáo nói về hành động vô cầu, vô niệm để diệt mầm nghiệp chướng.
    Thực tế con người tuy là có trí linh nhưng vẫn còn một thân xác từ các bụi làm sao mà có sự chọn lựa tốt lành? Tôi biết nhiều anh, chị em vào nghề dạy học cũng như ra khỏi nghề dạy học không phải là tự do chọn lựa nhưng là do hoàn cảnh phải tùy duyên để bảo tồn sự sống theo đức hiếu sinh. Trong đời sống nghiệt ngã có lúc nó bắt chúng ta phải chọn lựa điều này hoặc điều kia, nhưng chọn điều nào cũng là bất hảo mà thôi. Để mở lối thoát, trong chính trị gặp trường hợp này người ta bỏ phiếu trắng, tức là chọn lựa cái không chọn lựa, nó rất gần với hành động vô cầu hay tùy duyên để tôn trọng đức hiếu sinh bảo tồn sự sống.
    Một lần nữa xin cảm ơn giáo sư Hiêu trưởng Trần Văn Mẫn đã nêu lên khái niệm giá trị của sự chọn lựa đối với tội lỗi theo St. Augustine, và Ban BT đã nhắc lạị.
    Xin tạm biệt và chúc vui khỏe.





    Trả lờiXóa
  3. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần ,đúng la bài diễn văn xúc tích mạch lạc ,ý tưởng dầy tâm huyết mang tính triết học .Chỉ có những người yêu quốc gia chân chính mới có nhưng suy nghĩ sâu sắc như thế .
    Cám ơn các bạn trong BBT nhiều .

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn các bạn trong BBT của trang SPQN đã đăng hai bài diễn văn rất hay của ông Hiệu trưởng trường Sư Phạm . Lúc H.Hoa học thì thầy Mẫn làm giám học và dạy Anh Văn .
    Mong sao thầy luôn khỏe mạnh !

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...