Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

NHỚ VỀ THẦY HIỆU TRƯỞNG



                                                                                                     Irene.

  Cho đến bây giờ, sau bao năm tháng đã trôi qua, mỗi khi bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đèn sách là tôi lại thấy dấy lên trong lòng một nỗi êm đềm như một bức tranh đẹp với vô số sắc màu tươi sáng hài hòa kèm theo những giai điệu dịu dàng .
Trong đó khoảng thời gian học Sư Phạm là khoảng thời gian khắc ghi trong tôi dấu ấn sâu đậm nhất. Tôi không thể nào quên được những người thầy, người cô lần lượt đi qua, đi qua để lại trong tôi những mảng kiến thức bổ ích và hữu dụng. Nó như những đóa hoa tươi tắn khoe sắc trong vườn hoa tri thức của tôi. Để rồi tôi ôm ấp, mang nó theo bên người áp dụng suốt cuộc đời này.
Ngôi trường đẹp. Không gian yên bình. Không khí mô phạm. Các thầy giáo, cô giáo hiền hòa đức độ bên cạnh một thầy Hiệu trưởng chuẩn mực, đầy tâm huyết.
Mùa thu năm 1972, khi mới bỡ ngỡ bước chân vào trường Sư phạm, tôi đã gặp và nghe thầy Hiệu trưởng ân cần nói với khóa chúng tôi trong ngày khai trường:
…Mỗi công dân, tùy theo cương vị của mình đều có bổn phận góp phần vào việc kiến quốc đó. Một trong những nhiệm vụ khiêm tốn nhưng lại rất thiết yếu cho sự tồn hưng của bất cứ cộng đồng quốc gia nào là việc khai hóa dân tâm, dân trí, là nghề dạy học mà Anh Chị Em đang chuẩn bị hành trang để bước vào…
Vào những khóa tôi theo học, có nhiều giáo sinh vì hoàn cảnh bắt buộc phải thi vào sư phạm. Biết được vậy, thầy đã nhắn nhủ rất chân tình.
…Khi đã vào trường Sư Phạm là các anh chị phải xác định là nghề mình chọn. Khi đã chọn thì phải cố gắng theo nghề còn nếu không thích thì ngay bây giờ có thể dừng lại cũng còn kịp. Chứ đừng mang những điều bực bội ở đâu đó vào trường này…
 Sau đó thỉnh thoảng tôi gặp lại thầy trong sân trường. Thầy Hiệu Trưởng Trần văn Mẫn với khuôn mặt nghiêm nghị nhưng vui tươi, ánh mắt hiền từ thân thiện, giọng nói trầm ấm…Tuy tôi không được học thầy nhưng niềm kính trọng đã có trong tôi từ trước khi tôi chưa bước chân vào trường. Qua những câu chuyện kể của các chị tôi học ở những khóa trước. Và cũng trong những câu chuyện đó tôi được biết nhiều về thầy với niềm kính trọng vô cùng.
Theo lời chị tôi nói thì sau chuyến tu nghiệp ở Hoa Kỳ về, thầy Mẫn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Sư phạm vào niên khóa 1967-1968 cùng thời điểm với khóa 6, khóa 7. Trước đó thầy đã làm giám học của trường Sư phạm.
Những câu chuyện về thầy Hiệu trưởng thì  nhiều nhưng một vài câu chuyện đã ghi dấu trong tôi cho đến tận bây giờ.
Thầy kể cho các giáo sinh trong những giờ dạy:
“…Vào những chiều thứ bảy hay chủ nhật tôi thường lái xe đi Lễ. Trên đường về, gặp các cô giáo sinh đi phố hay chợ về. Các cô tay xách, tay mang đồ đạc lỉnh kỉnh rất nặng. Tôi thường dừng xe lại để chở dùm…có cô đi nhưng phần nhiều là các cô ngại nên từ chối…Theo tôi các cô không việc gì phải e  ngại vì chuyện giúp nhau là chuyện bình thường cần phải có trong cuộc sống này…”
“…Trường mình trồng rất nhiều hoa sứ. Các chị  nhất là các chị ở nội trú cứ đồn nhau rằng mấy cây sứ đó có “ma” nên ai cũng sợ... Nhiều hôm tôi rời phòng họp về nhà vào khoảng một, hai giờ khuya. Khi đi ngang qua vườn sứ, tôi cố gắng nhìn thật kỹ nhưng có thấy gì đâu? Cho nên không có ma đâu các chị  đừng sợ…”
Mỗi lần có dịp vào thăm hai khu nội trú nam và nữ, thầy Hiệu Trưởng luôn khuyên :
…các anh chị nên cố gắng rèn luyện kiến thức, cần phải học thêm nữa. Kiến thức không bao giờ thừa lúc nào cũng rất cần cho mỗi chúng ta sau này khi ra xã hội…
Thầy thường nói với các nam giáo sinh:
…Người ta thường nói rằng: Nam mà vào sư phạm thì “yếu”. Chúng ta chấp nhận cho các chị giáo sinh vì họ là phái yếu. Các chị thường mơ mộng yếu mềm vì các chị có người yêu ở xa, nên trong những đêm mưa, một mình trong nội trú thao thức nhớ đến người yêu giờ này đang đóng quân ở một tiền đồn heo hút nào đó? Nhưng các anh nam thì không thể có những tư tưởng yếu đuối, không được ủy mị mà phải có ý chí, mạnh mẽ lên!...
Thầy Hiệu trưởng rất yêu thích văn nghệ, nhất là những bản nhạc về dân ca, những bản nhạc tiền chiến hay những bản nhạc ca tụng quê hương đất nước. Trong đó đặc biệt thầy thích nhất là bài hát Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn. Vì biết thầy thích nên cứ vào mỗi đêm thi văn nghệ của trường Sư phạm, ban nhạc thường đánh lên giai điệu của bản nhạc này để dạo nhạc mở đầu cho buổi biễu diễn.
 Bài hát viết theo điệu Rumba, giai điệu rộn rã phối hợp giữa ngũ cung và thất cung nhưng nội dung thì phảng phất nét buồn.
“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến  cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em mầu ngà tóc thề nhẹ vương…”
Ai đó đã nói: “Nhìn sở thích âm nhạc của một người ta sẽ biết được tâm hồn của họ”. Thật thế, qua đó tôi được biết thêm về thầy Hiệu Trưởng trường tôi có một tâm hồn nhẹ nhàng, dạt dào văn thơ đầy chất trữ tình lãng mạn, thầy còn là một người yêu quê hương đất nước tha thiết.

 Trong những cuộc thi văn nghệ của trường, thầy Hiệu trưởng thổi vào tâm hồn chúng tôi lòng yêu quê hương đất nước, tình thương mến đồng bào dân tộc, bảo vệ truyền thống văn hóa, bản sắc của giống nòi…Vì vậy những tiết mục nào được giàn dựng tương đối công phu, chủ đích hướng về tình yêu dân tộc, đất nước, con người Việt Nam đều được giải thưởng.
Với tôi, mỗi khi nghĩ đến thầy thì hình ảnh của thầy hiện ra trong trí nhớ của tôi, dưới cặp kính cận là đôi mắt hiền từ, khuôn mặt đức độ, dáng đi quen thuộc và cả ngôi nhà yên ắng nơi thầy ở như vẫn thấp thoáng đâu đó sau những hàng dương và thoang thoảng hương thơm của hoa sứ trong một không gian khoáng đãng yên bình.
Vừa rồi, tôi được đọc một số bài viết về thầy Hiệu Trưởng trong đó có bài viết cùa anh Trần Quý Cảnh nói về bài diễn văn thầy đọc trong buổi  lễ khai giảng Sư Phạm khóa 12 niên khóa 1973-1974. “…bài diễn văn rất hay, rất lôi cuốn…thầy lấy ý từ câu hò đầy tình tứ trong dân gian “Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” để triển khai thành bài diễn văn mang tính bác học của một nhà sư phạm, kêu gọi giáo sinh khi tốt nghiệp đem hết lòng phục vụ, vun bồi cho học sinh mình. Bài diễn văn xuất sắc đến nỗi ông Giám Đốc Nha Sư Phạm thời bấy giờ là Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quý Bỗng xin được phổ biến bài diễn văn này đến tất cả các trường Sư phạm trên toàn quốc…”
Để tri ân và nhớ về vị thầy Hiệu Trưởng kính yêu, tôi xin  đăng hai bài diễn văn của thầy nhắn nhủ các giáo sinh trong ngày đầu tiên bước vào trường và trong ngày tốt nghiệp ra trường mà tôi còn lưu giữ:
1/ Bài diễn văn trong Lễ Khai Giảng (Khóa 12, tháng 9 năm 1973).
2/ Bài diễn văn trong Lễ Mãn Khóa (Khóa 11, tháng 6 năm 1974).
                                                                Sài Gòn, tháng ba 2014.
                                                                                Irene.


7 nhận xét:

  1. Trời ui , chị có một trí nhớ tuyệt vời về người thầy hiệu trưởng ! tôi nhớ thầy dạy tôi môn Anh Văn , thỉnh thoang thầy kể chuyện rất hay . Thầy đúng là một người rất tâm huyết với ngành giáo dục .

    Trả lờiXóa
  2. IC tuyệt vời quá nghe. Nhớ đầy đủ và tình cảm cũng đủ đầy
    IC ĐanThanh hơi bị ẩm không nhớ nhiều như Irene. "May mà có em đời còn" ..nhiều kí ức tốt đẹp
    Cảm ơn em với một vùng kỉ niệm đáng nhớ

    Trả lờiXóa
  3. Một người Thầy suốt đời chúng ta noi theo ! Một số cống hiến của chúng ta mang rất nặng ơn Thầy ! SPQN sống mãi trong Tôi !

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn em đã ghi lại những ký ức về Thầy Hiệu Trưởng quí mến và hai bài diễn văn thật tuyệt vời. Bài Đêm Mãn Khóa nói với khóa 11 thật là thâm sâu vô cùng dù ở hoàn cảnh nào vẫn thực dụng.
    Chỉ có những người tâm huyết, yêu cuộc sống mới có những bài diễn văn hay đến vậy!

    Trả lờiXóa
  5. Chị viết như chạm vào trái tim yêu thương - Những kỷ niệm của chị là những kỷ niệm thật đẹp - Có lẽ vì yêu quá khoảng thời gian đó nên chị nhớ rất rõ - cũng như chị tôi yêu những tháng năm học sư phạm Quy Nhơn vì lúc đó tâm hồn tôi nhẹ nhàng phơi phới vui tươi

    Trả lờiXóa
  6. Thầy là một trong những người Thầy mà mình quý mến. Tuy ở rất xa và sức khỏe cũng không được tốt nhưng Thầy vẫn luôn quan tâm và thường xuyên gửi cho mình những bức thư với dòng chữ tuy đã có phần nguệch ngoạc mà đáng quý vô cùng. Sẽ không bao giờ quên những lời Thầy dặn, người Thầy của tôi!

    Trả lờiXóa
  7. Huân Thị Nguyễnlúc 08:08 13 tháng 4, 2014

    Mình rất nhớ về thầy cùng các thầy cô ở trường sư phạm QN

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...