Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

NHỚ MÃI CUỘC THI VĂN NGHỆ KHÓA 11.

                                                                                                                                     Irene.        
Vũ Khúc Hoa Hồng Nhất niên 1
             

Tháng năm về! Thỉnh thoảng có một vài cơn mưa đầu mùa xua bớt đi cái nóng nực vốn có của thành phố này. Buổi sáng, trời mát mẻ, tôi thường ra sân, ngồi xuống chiếc xích đu ngắm nhìn cây cối. Mấy chậu lan mua hôm tết, bây giờ vẫn tiếp tục nở những chùm hoa tím, vàng, trắng…Xóm nhỏ yên tĩnh. Trên cành cây xoài, cây mận… vang vang tiếng một vài con chim hót ríu rít. Tiếng gió thổi ngang qua chiếc chuông gió của ngôi nhà đối diện phát lên tiếng kêu lanh canh hòa cùng tiếng hát ngọt ngào của một ca sĩ nào đó qua bài Ngày trở về của Phạm Duy. Sao lạ ghê! Cứ mỗi lần nghe bài hát này tôi lại nhớ đến những cuộc thi văn nghệ của trường Sư phạm Qui Nhơn.  
Thật sự mà nói, tôi biết đến các cuộc hội diễn văn nghệ của trường sư phạm khi tôi còn là một học sinh trung học. Dạo đó, chị tôi thường dẫn tôi đi xem một vài lần thi văn nghệ tại trường hoặc cũng đã đến xem chị biểu diễn tại Quân y Viện…Vì thế, tôi rất thích không khí âm nhạc rộn ràng của các anh chị giáo sinh với biết bao bài hát, câu hò… êm đềm, vui tươi. 
Vào những năm 60-70 khi truyền thông chưa được phát triển, tôi chỉ biết thơ, nhạc qua những lần đi xem một vài cuộc hội diễn văn nghệ ngoài trời của ban nhạc Qui Nhơn như Bảo Tố, Xuân Điềm, Xuân Lạ, Kim Liên…hoặc qua máy đĩa, qua radio. Sau này qua các cuốn băng casette hay có khi lại nghe các điệu nhạc trong một vài bộ phim ở rạp ciné. Xem Văn nghệ là niềm khát khao của tất cả những ai yêu thích âm nhạc. 
Đến lúc học trường Sư phạm Qui Nhơn, tôi càng thấy thích các cuộc thi văn nghệ của trường.  Phong trào văn nghệ thật là sôi động, mạnh mẽ, cuốn hút tất cả mọi người cùng tham gia. Hai năm học với hai lần tham gia nhưng đã để lại trong lòng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ.
Vào năm nhất niên lúc mới bước chân vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Sau những ngày mưa qua đi, mùa đông bắt đầu đến. Bầu trời mây nhiều, nắng nhẹ. Không khí se mát, thỉnh thoảng chỉ còn lại một vài cơn mưa rây bụi…quang cảnh ngôi trường lúc đó thật là thơ mộng. Cũng vào thời gian này, cuộc thì văn nghệ của trường bắt đầu. 
Không khí văn nghệ lan tỏa rộn ràng khắp nơi. Từ lớp học ra đến công viên. Từ sân trường tỏa về hai khu nội trú. Từ hành lang lớp học dẫn đến phòng ăn ra tận ngoài cổng, ra tới trên những chuyến xe Lam…đi đến đâu cũng đều nghe bàn tán xôn xao về tiết mục của các lớp. Hình như phong trào văn nghệ chiếm lĩnh hầu hết mọi sinh hoạt của trường, len lõi vào trong suy nghĩ của tất cả giáo sinh.         
Các lớp trưởng lo phổ biến thông báo về điều lệ cuộc thi văn nghệ của trường đến lớp của mình. Trưởng ban văn nghệ của các lớp thì bận rộn chuyện dàn dựng các tiết mục dự thi cho lớp …Lúc bấy giờ, các tiết mục văn nghệ dự thi đều là “tự biên tự diễn”, xuất phát từ thực lực của lớp, tự sáng tạo, tự dàn dựng, tự suy nghĩ… chứ không nhờ cậy vào ai khác.
Một buổi sáng trên chuyến xe Lam đến trường, Lệ Thủy nhất 7 tâm sự với tôi:
-Không biết lớp mình thi văn nghệ ra sao? Sắp thi rồi mà chưa nghe động tĩnh gì cả? Chán thật!
Tôi cười:
-Không sao đâu! Lớp của mình cũng đã tập được tiết mục nào đâu?
Hầu như tâm trạng chung của chúng tôi lúc bấy giờ là lo lắng cho lớp mình về cuộc thi, rồi đi nghe ngóng xem tình hình của các lớp khác tập dợt như thế nào?.
Ban Hợp ca Nhất 5 Khóa 11

Trên hành lang giờ ra chơi, Kim Loan nhất 5 kể với tôi về việc tập văn nghệ của lớp bạn ấy:
-Mấy hôm nay, Nguyên(lớp trưởng) và Nhàn(trưởng ban văn nghệ) lo tất bật việc tập dợt văn nghệ của lớp mình.
-Lớp Loan dự thi mấy tiết mục?
-Hình như hai, ba tiết mục gì đó, thì phải?
Rồi đến Thanh Cảm cũng kể cho tôi về các tiết mục như hoạt cảnh, vũ khúc…Ngọc Hiền nhất 2 cũng cho tôi biết lớp bạn ấy đang tập hai tiết mục hợp xướng và nhạc cảnh…Tôi thấy lớp nào cũng rầm rộ chuẩn bị cho cuộc thi văn nghệ toàn trường…
Trước ngày thi, lớp trưởng các lớp đi bốc thăm để biết ngày, giờ, thứ tự các tiết mục dự thi của lớp mình. Thế rồi ngày thi đã đến!
Cuộc thi Văn nghệ hai khóa 10 và 11, do vì có quá nhiều tiết mục nên trường phải tổ chức diễn hai đêm liền.
Tôi nhớ mãi ngày hôm đó như là một ngày hội lớn của toàn trường. Tất cả các bạn đều lo lắng, chuẩn bị cho lớp của mình. Suốt cả ngày, mỗi lớp lo việc tập dợt lại, lo trang phục, phông cảnh…
Khi màn đêm vừa buông xuống, mọi người đều tập trung tại Hội trường. Tiếng đàn, tiếng trống của ban nhạc được đánh lên càng làm không khí thêm sôi động. Từ loa phát vang bài Nắng Chiều, Ngậm ngùi…càng làm cho mọi người rộn ràng hòa vào cùng âm nhạc. 
*Cuộc thi Văn nghệ đêm 16/12/1972 – Hai khóa 10 và 11.
Mở đầu buổi hội thi, thầy Hiệu Trưởng tuyên bố khai mạc cuộc thi. Sau đó vài lời của Ban tổ chức…giới thiệu chương trình…
Chưa đến tiết mục của lớp nên tôi cùng các bạn chen vào hội trường xem…
Mở màn là Hợp xướng: Trường ca Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe của La Hữu Vang do lớp nhất 2 trình bày. Tấm màn nhung được kéo ra, các bạn đứng bên nhau, nữ trong tà áo dài trắng, nam áo chemise thắt caravate…cất giọng hát vang. Bài hát lúc trầm, lúc bổng, khi hùng hồn… “Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi. Trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời. từng giây nghe quê hương xót xa đầy trong cơn thê lương…” Bài hợp xướng chấm dứt trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người.
Các bạn nhất 2 vội vàng vào bên trong chuẩn bị cho tiết mục tiếp theo trong tiếng hát ấm áp của anh Nguyễn Tăng Tri với bài Trở về mái nhà xưa nhạc ngoại, lời Việt của Phạm Duy.
Lớp nhất 2 trở lại với nhạc cảnh Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn. Tiết mục gây xúc động với giọng hát truyền cảm của bạn Phương Dung và cảnh người mẹ đưa con: “…mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn…” Một bạn nào đó thốt lên:
-Giọng hát hay quá!
-Bạn nào hóa trang người mẹ mà giống quá vậy?
Phương Dung là bạn học thời trung học với tôi. Tôi rất thích giọng hát của bạn ấy!  Bạn ấy mà hát nhạc Trịnh thì rất là tuyệt vời! Nhạc cảnh phù hợp với thời cuộc chiến tranh của đất nước lúc bấy giờ.
Sau đó là các tiết mục của các anh chị khóa 10. Mãi cho đến tiết mục thứ 7 với bài đồng ca Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập lớp nhất 5 trình bày. Đây chỉ là tiết mục giúp vui nhưng các bạn hát rất sôi nổi, rập ràng, vang to: “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù. Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên…” Tôi đang say sưa với giai điệu… Th. gọi: -Sắp đến tiết mục lớp nhất 6 của mình rồi!
Tôi vội bước ra hành lang một bên hậu trường, các bạn lớp tôi đã đông đủ và sẵn sàng.
Từ loa phóng thanh, tiếng giới thiệu Vũ khúc Tiếng xưa của lớp nhất niên 6. Tôi cầm micro và hát: “Hoàng hôn lá reo bên thềm, hoàng hôn tơi bời lá thu, sương mờ. Ngậm ngùi xuân xanh…” Tôi liếc nhìn ra sân khấu, các bạn đang múa nhịp nhàng. Các bạn nam áo dài khăn đóng, các bạn nữ áo gấm khăn vành tay ôm, tay gảy đàn tỳ bà…đưa mọi người trở về với những ngày xưa ở miền đất Thần Kinh của cố đô Huế. Dưới ánh đèn sân khấu, khuôn mặt bạn nào cũng rạng ngời. Bài múa chấm dứt, tiếng vỗ tay vang dội. 
Tôi nép bên cánh gà để xem lớp nhất 4 trong hài kịch Nhổ răng tại đây. Tiết mục giúp vui nên các bạn diễn thoải mái, làm cho nhiều người cất tiếng cười vui rộn rã.
Tiết mục thứ 12 là màn hợp xướng của lớp 6, đó là bài Chờ nhìn quê hương sáng chói, nhạc và lời của Trịnh Công Sơn. Bạn Ngọc Tượng solo đoạn đầu, còn chúng tôi hát đuổi theo bè… Không biết thế nào? nhưng khi màn khép lại tiếng vỗ tay vang lên. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là xong phần dự thi của lớp mình.
Tôi đứng lại xem Nhạc cảnh Tình Nghèo của Phạm Duy, lớp nhất 4 trình diễn. Tôi thấy bạn Đức Lượng trưởng ban văn nghệ lớp 4 đang nhắc nhở các bạn trước khi mở màn. Tiếng nhạc vang lên, các bạn diễn nhạc cảnh rất mộc mạc đầy tình quê hương. Một điều rất hay là các bạn vừa diễn vừa hát: “ Nhớ nhớ thuở nào, Anh(lơ) cầy thuê. Em(lơ) dắt trâu. Đôi ta cùng(lơ) gặp nhau dưới cầu. Bóng mát(ý) cầu…” Kết thúc là cảnh hai bạn Bích Liên và Trần Văn Lương hạnh phúc dưới mái nhà tranh bên ruộng đồng cùng con trâu, cái cày…
Vũ khúc Một Mẹ trăm con _ Nhất niên 5




Tôi bước ra ngoài theo các bạn về khu nội trú không xem được vũ khúc Một mẹ trăm con của lớp nhất 5. Sau này nghe các bạn kể lại thì vũ khúc hay lắm và rất có ý nghĩa khi tái hiện lại nguồn gốc dân tộc Việt Nam - Lạc long Quân và Âu Cơ…các bạn cũng ca ngợi tiết mục cuối cùng của đêm diễn thi ca vũ nhạc kịch Huyền Trân Công Chúa (chị Hương khóa 10 đóng). Tiết mục này do Nội trú nữ trình bày.
Đêm thứ nhất thi văn nghệ đã để lại trong lòng chúng tôi những cảm xúc đẹp. Mọi người phấn chấn vui vẻ hẳn lên.
Hoạt cảnh Ngày trở về   .
*Đêm hôm sau 17/12/1972                 Tôi đến trường sớm! Chúng tôi gặp nhau là bàn tán các tiết mục thi văn nghệ của các lớp đã diễn. Ai cũng mong sao lớp mình được giải thưởng. 
Hôm nay, lớp đã thi xong nên chúng tôi vào hội trường ngồi xem. 
Đúng 19giờ, mở màn là Hợp xướng Tiếng hát sông Lô của Phạm Duy, lớp nhất niên 7 dự thi. Lớp 7 là lớp học sát với lớp tôi. Thường ngày các bạn nam nghịch lắm! Thế mà nay ra sân khấu anh nào cũng nghiêm trang, chững chạc. các bạn hát đều theo nhịp và hùng mạnh nhất là đoạn: “…Khoan hỡi hò khoan. Hỡi cô con gái, giặt yếm bên bờ. Thuyền tôi đậu bến sông lô. Nửa đêm nghe tiếng quân thù…thở than…” 
Lớp nhất 7 có tiết mục đơn ca Làng tôi (Chung Quân) do bạn Trương Xuân Thuấn trình bày. Giọng của bạn nhẹ nhàng truyền cảm cất lên: “ Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lơ lững vờn quanh êm xuôi về Nam…”
Lớp 7 có thêm một tiết mục độc tấu hạ uy cầm do bạn Nguyễn Thanh Xuân trình diễn…
Tiếp sau đó là tiết mục dự thi của lớp nhất niên 1, Hoạt cảnh Ngày trở về của Phạm Duy. Nguyễn Cườm vào vai nam chính là anh thương binh chống nạng khập khễnh bước ra, rất đạt. “ Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre…”. Tôi còn nhớ là bạn ấy có khuôn mặt thông minh và đôi mắt rất đẹp. Người mẹ trong chiếc áo dài đen, xúc động ôm chầm lấy con. Người vợ là Kim Ngọc Anh rất tình cảm tha thiết: “…Ngày trở về, có anh thương binh lấy vợ hiền lành...” Màn khép lại nhưng đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem. Tôi rất thích tiết mục này!

Sau đó là các tiết mục của các anh chị khóa 10. Tiết mục thứ 8 là Vũ khúc Hoa Hồng – Bài hát Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, lớp nhất niên 1 dự thi. Tiếng hát cất lên tôi nhận ra đó là tiếng hát của bạn Thanh Cảm: “ Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa…” Vũ khúc gồm sáu bạn: ba nam (An, Bình, Cho), ba nữ (Cúc, Bé, N.Anh) trong trang phục cổ truyền áo dài khăn đóng múa đều và nhịp nhàng. Tôi nghĩ: “Tiết mục này hay quá, thế nào cũng có giải thưởng”. 

Tiết mục Ảo thuật của bạn Đinh Công Tùng lớp nhất niên 9 giúp vui làm cho mọi người sảng khoái, vui tươi.
Tiết mục thứ 10 là màn Hợp xướng Đêm linh thiêng của lớp nhất niên 10 dự thi. Các bạn hát vang. Các bè cao, bè thấp hòa quyện vào nhau làm người nghe rất thú vị. Sau đó lớp 10 còn dự thi tiếp một Múa-Hoạt cảnh Tự Túc đồng quê. Không biết ai dàn dựng mà tiết mục rất công phu. Các bạn trở thành những anh, chị nông dân, tay vác cuốc, vác cày…Các bạn dựng trên sân khấu một cảnh nông thôn với ruộng đồng…Thế là các bạn múa nhịp nhàng theo bài hát: “Lúa khoai ta gắng trồng. Sườn non cho tới bờ sông. Áo ta chưa ấm lòng. Thay mía ta trồng bông. nhiều phân cho tốt màu…”
Tôi say sưa xem các màn trình diễn của các lớp mà thầm khen rằng lớp nào cũng diễn rất hay.
Trên sân khấu bây giờ là Thanh Cảm với chiếc áo dài màu trắng đơn ca bài Chiều làng em của Trúc Phương. Giọng hát trong trẻo vút lên: “ Quê em nắng vàng nhạt cô thôn. Vài mây trắng dật dờ về cuối trời. Bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng. Khói lam chiều như muốn ngừng thời gian…” Mãi về sau này, tôi mới biết là sau đêm hôm đó có anh lớp 10 về nội trú âm thầm hát khúc tương tư.
Sau đó là Vũ khúc Nhạc rừng khuya (Lam Phương) do lớp nhất niên 9 dự thi. Dàn nhạc được đánh lên hòa với tiếng trống bập bùng và ánh đèn sáng tối của sân khấu đưa mọi người lạc vào trong cảnh rừng khuya… “Nhạc đêm tàn hòa cùng ngàn cây trầm lắng. Nhạc reo buồn hòa cùng đường tơ rừng vắng. Sương trời khuya rơi khắp đó đây rừng ơi…” Tiết mục chấm dứt rồi mà âm vang mãi tiếng bập bùng! Bập bùng! Bập bùng…
Chờ mãi cho đến tiết mục 18 là Độc vũ Cánh hồng Trung Quốc của lớp nhất 3. Trên sân khấu bây giờ là một cô nàng Trung Hoa nhỏ nhắn. Thật ra hằng ngày tôi thường xuyên gặp bạn Đào. Bạn có mái tóc dài với “mình hạc xương mai” nhưng phải nói lên sân khấu bạn ấy thật là dễ thương và múa rất dẻo : “ Kìa một nàng Trung Hoa răng trắng tinh như là ngà. Nụ cười tươi như hoa thắm, cô em tha thướt lượt là…” Bài độc vũ thật quá tuyệt vời! mọi người vỗ tay hoan hô vang dội. rất tiếc là tiết mục này chỉ giúp vui chứ không thì bạn ấy đã đem giải thưởng về cho lớp của mình rồi! 
Lớp 3 có Vũ khúc dự thi đó là bài Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong). Các bạn múa dịu dàng theo nhạc và lời bài hát : “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu. Ai khóc ai than hờ!...” Tôi rất thích bài hát này nên xem một cách say mê.
Chương trình càng về sau càng hay! Lớp nhất niên 8 với Hoạt cảnh Tình nghèo. Có lẽ đây là tiết mục đầu tiên trùng nhau nhưng khi xem các bạn trình diễn mới thấy các bạn dàn dựng với những ý tưởng rất độc đáo và khác nhau dù vẫn được xây dựng trên một bài hát Tình nghèo của Phạm Duy. Các bạn đóng cảnh nông dân như thật! Cũng mộc mạc, cũng chân chất đậm nét chân quê. Đoạn giữa rất mạnh như kêu than vì thiên tai, vì chiến tranh: “…Hô! Nước từ ngàn trùng xa. Nước tràn về làng ta. Nước hờn cuộc tình quê. Hò lờ hò lơ. Ruộng màu(lờ) tan vỡ. Vườn nghèo(lờ) xác xơ…”
Lớp  8 đồng ca bài Quê hương ta hôm nay khai hội. Một bài đồng ca mang theo bao nhiêu niềm tin yêu vào tiền đồ dân tộc. Hy vọng một ngày mai tươi sáng cho quê hương đất nước…
Chấm dứt hai đêm thi văn nghệ là Nhạc cảnh Những ngày quê hương Việt Nam do Nội trú nam giúp vui.


Bốn mươi năm trôi qua, biết bao nhiêu đổi thay, biết bao nhiêu biến chuyển… Thế nhưng trong tôi vẫn giữ mãi những hoài niệm của ngày xưa cũ. Hình ảnh các bạn tôi vẫn mãi hiện hữu trong trí nhớ của tôi. Cũng có thể theo tuổi tác, theo thời gian…có những sự việc mà tôi chỉ còn nhớ lờ mờ. Không còn nhớ được một cách chính xác hay cũng có lúc có những chuyện nhớ, chuyện quên… nhưng chỉ cần ai đó khơi gợi lại thì ký ức về bạn bè, về ngôi trường lại ùa về trong tâm tưởng. Tôi yêu khoảng thời gian thơ mộng đó! Tôi yêu thầy cô và bạn bè cùng những suy nghĩ thơ ngây của tuổi mười tám, đôi mươi! 
Bây giờ, đối với tôi, những ngày cuối của cuộc đời thì tâm của tôi luôn nghĩ về bạn bè với những tình cảm chân thành, với nhiều kỷ niệm đẹp mà một thời chúng ta cùng học chung dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn.
                                                                                                   Sài Gòn, tháng năm 2014.
                                                                                                                                Irene.
                                                                         

24 nhận xét:

  1. Cam on , bai viet giup Ph. nho lai man dien van nghe cua lop . Nghi lai sao thay nho ban be , khong biet bay gio cac ban o dau . Mong mot lan gap mat

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất mong gặp lại bạn và các bạn khóa 11 vào cuối tháng 7/2014 này.

      Xóa
  2. NGUYỄN BÌNH LỚP NHỊ 1 K 11 [Ninh Thuận ]lúc 06:07 10 tháng 5, 2014

    Ren viết bài mà up hình các tiết mục văn nghệ "vũ khúc Hoa hồng"và "hoạt cảnh Ngày trở về" của Nhị 1 làm mình nhớ lại kỉ niệm 40 năm trước quá.Hẹn gặp trong tháng 7.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình các tiết mục văn nghệ "Vũ khúc Hoa hồng" và "Ngày Trở về" là của bạn T.Cảm còn giữ và đưa lên. 40 năm mà bạn ấy còn giữ kĩ. Thật là quí!

      Xóa
    2. Irene ơi, là bạn An Tran Huu đã lưu giữ bên mình suốt 40 năm đấy...Bạn ấy đã có cái duyên làm "phó nhòm" từ cái thời 72-74, và, bây giờ vẫn vậy...Cảm ơn bạn nhiều, Tran 111 nhé!

      Xóa
  3. Cảm ơn Ren đã nhắc lại kỷ niệm rất chi tiếc , làm Đài nhớ quá...ước gi đuoc diễn lại nhac j cảnh " tinh nghèo" trong đot hop mặt kỳ này....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tối 26/7 có phần văn nghệ, X.Đài có thể cùng các bạn lớp 8 diễn lại nhạc cảnh Tình Nghèo...Ôi! Sao mình nôn nao muốn xem lại các bạn diễn quá chừng.

      Xóa
  4. Bạn làm sống lại những kỷ niệm cách dây 40 năm . Cám ơn nhiều ! Đêm hôm đó mình có mặt trong vũ khúc nhac rừng khuya - lam Phương
    Lớp 9 k11

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hẹn gặp lại bạn và các bạn lớp 9/11 để cùng hát vang bài Nhạc rừng khuya.

      Xóa
  5. lớpnào còn giữ lại được mấy tấm hình văn nghệ thật là quý . Mong sao ngày về mỗi lớp diễn lại các tiết mục văn nghệ thì vui biết mấy . Mong gặp lại các bạn khóa 11

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mong gặp lại bạn và các bạn tháng 7 này nhé. Thân chào!

      Xóa
  6. 40 năm mà như mới hôm nào...Hẹn gặp lại các bạn nơi ấy, một lần nữa...rồi thôi...!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy! Cứ ngỡ như hôm qua. Hẹn gặp lại! Cố lên nhé bạn!

      Xóa
  7. Cám ơn trí nhớ tuyệt vời của Irene đã gợi cho Kim Loan cũng như các bạn khác của khóa 11 SPQN trở về một thời để nhớ qua hai đêm thi đua văn nghệ vào năm 1972. Sao mà nhớ quá đi thôi !
    À, khoe với bạn Lớp 7 K 11 là mình vẫn còn giữ được tấm hình Lớp 5 K 11 hợp ca bài Hát Cho Dân Tôi Nghe dù đã qua 40 năm rồi đó bạn ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quý nhỉ! Bạn có thể gửi tấm hình ấy về cho Admin được không? Rất cảm ơn!

      Xóa
    2. Loan còn giữ tấm hình thật quí. Nhìn tấm hình mình thầy các bạn nữ hầu hết để tóc dài dễ thương ghê. K.L để tóc dài cũng rất xinh!

      Xóa
  8. Hàn Diệu Phươnglúc 22:21 12 tháng 5, 2014

    Irene và Các bạn Lớp 6 khóa 11 thương nhớ !
    Đêm qua P nằm mơ thấy đang cùng học với Các bạn ở SPQN... Giờ ra chơi loay hoay sắp xếp sách vở, ngó lại thì mọi người đi đâu hết làm P tìm hoài mà không thấy ai , lòng buồn vô hạn và cứ trách Các bạn nữ sao không chờ mình.. bỗng dưng giật mình thức dậy, rồi nghe bài Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước trong Radio Thời Báo ở Toronto giới thiệu về nhạc sĩ tài hoa này... Mở trang nhà thì thấy bài của Irene. Thật là trùng hợp ! Cám ơn Irene .Bài viết gợi nhớ thật nhiều kỷ niệm của 40 năm trước, làm mình nhớ Irene ,nhớ Các bạn quá đi thôi ! Làm sao đây khi mình cách xa Các bạn ngàn trùng ?... HDP

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn P với những tình cảm đối với tất cả bạn bè khóa 11. Mỗi khi nhớ nhau P hãy hát bài Dây Thân ái "...Tuy sắp xa nhưng TIM không xa..." hihi
    Chúc P luôn vui khỏe và hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho mình hỏi thăm và tin tức của Tạ Bích Lệ. Mình cùng lớp 4.

      Xóa
  10. Rất ngưỡng mộ chị Irene , chị đã mang quá khứ kỷ niệm trở về với anh chị em một cách tuyệt vời và xúc động. Hẹn gặp chị nha..
    Vê Tê Anh

    Trả lờiXóa
  11. Vê Tê Anh thân mến!
    Rất vui khi nghe bạn hẹn một ngày về!
    T.C & Irene chúc bạn và một nửa của bạn luôn sức khỏe để còn gặp nhau!

    Trả lờiXóa
  12. Trí nhớ irene tuyệt vời quá ,kỉ niệm năm như hiển hiện càng rõ nét chắc chắn ngày họp mặt khóa 11 đông vui sau khi đọc 'Nhớ mãi cuộc thi văn nghệ..'

    Trả lờiXóa
  13. Ta hát ca vang vang trong giờ tạm biệt. Ta giữ trong tim ta những ngày vui đã qua...dù cách xa hưng ta vẫn nhớ nhau hoài....!

    Trả lờiXóa
  14. Đọc bài viết của bạn làm mình nhớ ngày xưa ấy quá. Bạn nhớ giỏi thật! Mình học lớp 4, vẫn theo nghề, đã nghỉ hưu . Rất muốn được nói chuyện với các bạn.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...