Tôi đến thăm chị Diễm vào một ngày cuối năm. Buổi sáng trời miền Trung rét buốt, sương mù giăng thấp phủ khắp phố phường…Gọi cửa, có tiếng trả lời nhưng cũng khoảng năm, mười phút sau, chị mới ra mở cổng. Thấy tôi, chị ngạc nhiên:
-Ủa! Em về hồi nào?
-Dạ, em mới về!
Chờ chị đóng cổng, tôi theo chị vào bên trong. Chưa kịp ngồi xuống chiếc ghế thì bóng chị đã khuất vào nhà sau, tôi đoán là chị đi lấy nước.
Tôi nhìn căn phòng, giữa nhà là bàn thờ với tấm hình chân dung người đàn ông…ba cây nhang mới thắp, mùi nhang khói làm cho căn phòng ấm cúng hẳn lên.
-Em về ăn Tết hả? Vừa nói chị vừa đặt bình trà lên bàn rồi chậm rãi chờ trà ra…mở tách rót nước…
-Dạ không, em về thăm mộ, ngày mốt em vào lại Sài Gòn.
Lúc này tôi mới nhìn kỹ chị. Mái tóc bạc đã gần hết chị không buồn nhuộm. Đôi mắt quầng thâm, nước da xanh tái, khuôn mặt ốm quắt lại. Bình thường chị đã thấp người nay gầy nên càng nhỏ con.
Chị vốn dĩ là người ít nói nay lại càng kiệm lời. Cho nên hỏi thăm tôi vài ba câu. Sau đó, chị đắm chìm trong im lặng. Tự nhiên tôi thích không gian yên ắng nên cũng không nói thêm gì, miên man hồi tưởng những ngày đã qua…
Chị Diễm dạy cùng trường với tôi, chị hơn tôi khoảng một con giáp nhưng ít ai đoán được tuổi của chị bởi vì người chị nhỏ nhắn, khi chị mặc áo dài vóc người chị rất gọn. Mỗi khi chị nở nụ cười, khuôn mặt chị tươi vui, rạng rỡ nên trông chị rất trẻ. Dạo đó, do trường thường họp hành nên chúng tôi thường xuyên gặp gỡ nhau. Chúng tôi chơi một nhóm hầu hết là khối trưởng chuyên môn. Thân đến nỗi chẳng phân biệt tuổi tác, đi đâu cũng có nhau. Hàng tuần, lại tổ chức đi chơi hay nấu nướng ăn uống ở nhà một người nào đó…Tính tình chị Diễm dịu dàng. Chị nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng chậm rãi, ăn uống từ tốn khoan thai…Nói chung chị là mẫu người con gái “công dung ngôn hạnh” của thập kỷ năm mươi, sáu mươi ngày trước. Mọi người và ngay cả chúng tôi đều thắc mắc là không biết sao chị xinh và khéo như vậy mà đến tuổi tứ tuần chị vẫn thờ “chủ nghĩa độc thân”? Nhiều lần có người trong chúng tôi tò mò tra gạn hỏi, chị chỉ cười cười thôi chứ chẳng trả lời.
Trong trường có nhiều người mến chị nhất là giáo viên nam nhưng ai cũng đã có gia đình. Vì vậy các thầy lớn tuổi, giới thiệu chị cho những người thân hay người quen biết của họ nhưng rồi tất cả lặng lẽ đến và nhẹ nhàng đi lúc nào không biết?
Thế rồi một hôm, chúng tôi nghe tin chị sắp lấy chồng!? Năm đó chị khoảng năm mươi lăm tuổi! Tôi biết đích xác như vậy là vì chỉ còn khoảng vài tháng nữa là chị về hưu. Tin chị lấy chồng làm cho cả trường xôn xao hẳn lên! Giờ chơi đi đâu cũng thấy đề cập đến chị. Có nhóm thì ủng hộ, nhất là các giáo viên trẻ và giáo viên nam. Có nhóm không ủng hộ, đó là nhóm các chị có gia đình rồi nhưng cuộc sống gia đình chẳng mấy hạnh phúc hay kinh tế gia đình khó khăn vất vả nên họ chắc lưỡi phán một câu xanh rờn – “ Tội gì mà rước họa vào thân, đã ở vậy đến tuổi đó rồi thì ở luôn cho khỏe…”. Những giáo viên nữ lớn tuổi độc thân thì giữ thái độ im lặng, không bàn ra tính vào…
Ai nói gì mặc ai? Chị đã quyết! và mùa xuân năm đó, chị chính thức kết hôn. Tuy không tổ chức đám cưới rình rang nhưng cả trường chúng tôi đều biết chị đã có chồng. Chồng chị Diễm là một Việt kiều. Anh ấy có một đời… nhưng đã ly hôn …Sỡ dĩ mọi người biết rõ như vậy là vì chồng chị là cậu ruột của một cô giáo trong trường.
Rồi chị về hưu. Tuy sống cùng trong một thành phố nhưng tôi bận bịu với công việc dạy dỗ…việc gia đình nên cũng ít khi gặp được chị…
Trường tôi sát biển, thỉnh thoảng sau giờ dạy, chúng tôi thường rủ nhau ra biển ngồi tâm sự, hít thở không khí để thư giãn…Chúng tôi gặp chị. Chị khác hẳn xưa, trẻ trung yêu đời hơn. Nói chuyện hồn nhiên, vui vẻ, liến thoắng…Khuôn mặt với nụ cười rạng rỡ. Chị hạnh phúc bên người chồng. Hai người tay trong tay đi dạo trên bờ biển. Biển chiều với nắng nhạt, với sóng vỗ, với gió mát… thật là lãng mạn cho những người đang yêu nhau…Tôi nhìn theo bóng hai người bên nhau mà mừng cho chị đã tìm được một tình yêu cho riêng mình. Tôi chợt nhận ra Xuân Diệu nói đúng,
“…Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm…”
Qua cô giáo trong trường nên thỉnh thoảng chúng tôi biết tin tức về chị Diễm. Chồng chị sáu tháng ở Mỹ, sáu tháng về Việt Nam với chị. Hôm nào chồng chị về, chồng chị đi cả trường đều hay. Chị vào Sài Gòn đón hay đưa chồng đi, cả trường cũng đều biết!
Ngày anh đi rồi, chị phòng không gối chiếc. Chị ít bước chân đi ra ngoài. Chị không màng phấn son trang điểm…Chị và anh mỗi người một phương như Ngưu Lang Chức Nữ mong sao đến ngày bắc cầu ô thước đó là chuyến bay nối liền hai bờ đại dương của ngày trùng phùng.
Ngày anh về, chị hớn hở vui mừng vào Sài Gòn đón anh. Hai người đi chơi rồi đưa nhau về Qui Nhơn. Sáu tháng bên nhau là sáu tháng ngập tràn hạnh phúc. Cả hai không còn muốn biết đến thời gian trôi. Anh chị như đôi chim sẻ ríu rít không rời. Đi đâu cũng bên nhau. Những ngày tháng đó, Qui Nhơn luôn có bóng dáng anh chị trên những con đường phố…
Rồi một ngày kia, nghe tin anh bị bệnh nặng! Không biết tin này loan ra từ đâu? Hỏi thăm cô cháu gái thì cũng chỉ nghe câu trả lời mập mờ không rõ ràng…
Tôi về hưu, rời Qui Nhơn vào Sài Gòn…và không còn biết gì về chị nữa!
Một lần tôi về Qui Nhơn, tình cờ gặp cô cháu của chồng chị Diễm…trong câu chuyện cô ấy báo tin buồn “…cậu em mất nay cũng được một năm rồi. Đáng lẽ chuyến đó cậu em về Việt Nam nhưng bệnh trở nặng phải đưa đi cấp cứu. Trước khi lên bàn mỗ, cậu yêu cầu bác sĩ cho cậu nói chuyện với chị…nói được vài câu, cậu mệt quá nên bác sĩ phải nhanh chóng tiến hành phẩu thuật…sau đó cậu ra đi…”
-Còn chị Diễm lúc đó thế nào?
-Tội mợ lắm, mợ ngồi suốt ngày lẫn đêm bên điện thoại chờ nói chuyện với cậu. Chờ hoài không thấy? Khi em báo tin cậu mất, mợ không tin…cho đến lúc má em đến báo, mợ mới khóc òa lên…
Những ngày sau đó mợ tự đi rửa tấm ảnh, tự lập bàn thờ, một mình cúng giỗ…để tang cho chồng.
Từ đó đến nay, ngày nào mợ cũng cúng cơm, nói chuyện với cậu…suốt ngày mợ ra vào thui thủi một mình bên bàn thờ khói nhang …
-Em à, em có tin khi người ta mất đi là vĩnh viễn không trở về nữa không?
Tôi giật mình, ngước lên nhìn chị. Đôi mắt chị nhìn tôi thiết tha mong đợi câu trả lời. Lòng tôi chùng hẳn xuống một nỗi buồn mênh mang đồng cảm…nhưng tôi không biết phải giải thích ra sao? Cuối cùng tôi nói như nói với chính mình:
-Không, đối với em không có chết và sống mà chỉ là có biểu hiện hay không biểu hiện…
Chị ngồi thẳng như bật dậy :
-Chị không hiểu? Em có thể nói rõ hơn không?
-Như que diêm, khi chị bật que diêm, nếu có điều kiện thì nó sáng, khi hết điều kiện thì tắt. Và nếu như có điều kiện nó sẽ sáng trở lại. Con người cũng vậy, ra đi nhưng nếu hội đủ điều kiện thì sẽ quay trở lại…
Thật ra tôi đưa ra lời giải đáp của câu hỏi “Khi người ta chết, người ta đi về đâu?” của một vị thiền sư nào đó với mong muốn để cho tôi và chị cảm thấy bớt đau khổ khi mất đi người thân…
-Ừ, em nói đúng đó! Đêm nào chị cũng thấy anh ấy trở về bên chị. Nên chị tin anh vẫn còn đâu đây…Có một lần anh hẹn chị mùa xuân anh về, biết đâu Tết năm nay anh ấy sẽ về em nhỉ?
Tôi mỉm cười với chị. Hai chị em cùng nâng tách trà âm ấm, thơm thơm mùi hương sen với tâm trạng nhẹ nhàng, thênh thang...
Ngoài kia, nắng vàng ấm áp trải xuống cảnh vật. Gió xuân mơn man trên những chồi non lộc biếc. Mùa xuân đến thường mang theo bao điều hy vọng. Mong rằng trong lòng chị mùa xuân vẫn còn để chị có thêm niềm tin…và để chị luôn an vui trong những năm tháng còn lại này.
Sài Gòn, cuối năm.
Irene.
Ngày cuối của một năm...một chút tiếc nuối và bâng quơ buồn...Khép lại một năm với những buồn vui và thời khắc giao mùa này đọc "Mùa xuân còn đó" bỗng nghe lòng nhẹ hẫng.
Trả lờiXóaCảm ơn trang nhà, cảm ơn Irene và nhất là cảm ơn bạn Admin đã làm mình chợt ngỡ ngàng nhìn lại...Chiều cuối năm và đôi mắt ấy, khuôn mặt ấy đẹp tựa thiên thần...
Chút hương vị cho cuộc đời,thật là buồn cho chị, nhưng biêt đâu nếu suông
Trả lờiXóasẽ qua đến bên này chị sẽ còn nhiều nổi buồn hơn nữa.
Hôm nay là những ngày cuôi cùng của năm Giap Ngọ.Sang năm mới Kính chúc Thầy Cô ,Ban biên tập cùng các bạn chung mái trừơng SP dồi dào sức khỏe và hưởng một mùa Xuân như ý.Phan,Phuc.
Cau chuyen mang mot noi buon mang mac trong ngay dau nam. Cam on, chuc ban mot nam van su nhu y!
Trả lờiXóaCam on em da hieu tam tu . Mong em luon khoe , van su nhu y
Trả lờiXóa