Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

CÒN ĐÓ NHỮNG THÂN TÌNH

                                                                                                                         Lê Thị Hoài Niệm



                             




     Người đàn bà dựng chiếc xe đạp ngay cánh cửa, đưa tay lấy cái nón lá ra khỏi đầu để lộ một mái tóc dài được kẹp lại gọn nhẹ phía sau lưng, cất tiếng cười hì hì rồi hỏi:
-Nhà ngươi có còn nhớ ta không?
Một thoáng bỡ ngỡ, nhưng tôi đã kịp thời lên tiếng hỏi:
-Phải N T Trường lớp 5 không?
-Con này giỏi, vẫn nhớ…
Không nhớ làm sao được, dù thời gian hơn 40 năm đã đi qua, mới ngày nào tôi xách va li ra khỏi cổng phi trường Qui Nhơn là hiên ngang đưa tay vẫy chiếc xe lam ngừng lại, leo vội lên làm như ta đây rành đường đi nước bước lắm lắm, mà không biết rằng mình đã đón lầm hướng xe, bác tài xế biết chuyện bèn ngừng lại, cho tôi xuống ven đường và đón dùm tôi chiếc xe khác chạy ngược vào Sư phạm, thay vì vô phố. Ngày đầu tiên đi học đã có kỷ niệm rồi.          Không hiểu tại sao hồi đó Ba má tôi lại cho tôi thượng lên máy bay từ Nha trang đi Qui Nhơn mà không cho đi xe cùng chúng bạn? dù có đứa trong bọn đã biết rõ đường đi.
Phòng nội trú số 3 của chúng tôi lúc đó chứa đến những 36 người nữ giáo sinh, đông vui không kể xiết, nhất niên và nhị niên đều ở chung với nhau, miễn là những người quen biết. Nhưng hên quá, sự “ồn ào náo nhiệt đông vui” kia đã sớm kết thúc, vì nội trú mới đã cất xong chỉ chừng một tháng sau đó, và dĩ nhiên, khóa 8 chúng tôi, là những tên học trò “Ưu tiên một”, vì đã được hân hạnh “Khánh thành” khu nội trú, nam nữ cách nhau bởi hai dãy lớp học dài và ở được những hai năm liền trong thời gian học tập với một phòng chỉ có 4 tên, có tủ riêng, giường nệm riêng và cả bàn ghế để ngồi học bài, còn có một phòng tiếp tân chung với TV, ghế ngồi sang trọng.
Hồi đó chúng tôi học lớp hai, lớp lấy Anh văn làm sinh ngữ chính, có bà cô giáo người Mỹ với sóng mũi thật cao, mà nhiều lúc Cô đã tức giận bỏ ra đứng ngoài cửa lớp không thèm dạy tiếp, vì cái đám nữ giáo sinh quỉ quái, lại làm biếng có hạng, không chịu quét gián nhện trên cửa kính dù đã phân công trực hàng ngày, để cô giáo mỗi lần đến đứng gần cửa sổ ngước mắt nhìn trời mây bên ngoài là cứ y như rằng lỗ mũi cô dính đầy mạng nhện, để lũ quỉ phá ra cười và cô thì ngơ ngơ, ngác ngác, hỏi hoài không chịu nói.

Phòng ở của lớp chúng tôi được thống lĩnh một dãy dài ở trên lầu ba gió lộng, lại có cửa sau để…dòm ngó được dưới hành lang dẫn vào nột trú, nên những lúc rảnh rỗi, những đôi mắt nai ngơ ngác, những đôi mắt thiên thần của những ai kia, bỗng trở thành sáng trưng nhìn người không chớp mắt, và nhiều nhiều những nhân vật đi bên dưới đã được quan sát và ghi nhớ kỹ vô cùng, lẫn với đám thực khách bên “căng –tin” kia , nơi chốn gặp gỡ của những người hùng lính trận, những nam giáo sinh hay những người vào thăm “thân nhân” bên nội trú nữ đều được chúng tôi “điểm danh, ghi nhớ”, thậm chí mấy vị Giáo sư ở phòng đối diện bên kia dãy trường học, nếu hôm nào “vô tình” không kéo kín cửa sổ, thì cứ y như rằng chúng tôi mục kích được nhiều mục hấp dẫn(?)
Lớp hai chúng tôi “nổi tiếng như cồn” về nhiều mặt. Với một sĩ số năm muơi tên đủ miền đất nước từ Quảng Trị đến Phan Thiết, nên “nhân tài” vô số kể. Ngoài việc học chúng tôi còn tham gia những sinh hoạt khác của trường một cách tích cực, và cũng bởi tích cực quá độ mà có lần chúng tôi bị…ném đá tơi bời, may mà cả bọn đã học được tí võ…NÉ Bình định nên nhanh nhẹn né tránh thật hay. Chẳng qua vì lớp tôi có chị Lý Bùi Yến, tên thì mảnh mai như cánh én đang bay liệng giữa mùa Xuân, nhưng người thì thuộc “dạng thể thao” có hạng, nên được bầu làm trưởng ban thể thao của nhà trường luôn, thế là mỗi lần đội bóng tròn nhà trường đi đấu giao hữu ở đâu, là chị vận động một đám nữ giáo sinh theo…cổ võ, (Có lẽ nhờ vậy mà trường Sư phạm thắng đều đều?)
Có một lần chúng tôi được vận chuyển bằng hai chiếc xe GMC nhà binh vượt đường đèo lên tận xứ AN KHÊ, không biết có phải vì đội tuyển thủ của trường giỏi, hay đội địa phương quá dở, để chúng tôi hét mừng khan cổ vì những trái bóng lọt vào khung thành của đối phương, mà thủ môn đội nhà địa phương đứng trơ mắt ếch ra ngó, đến nỗi dân làng đi xem tức mình vì bị quê, thế là có màn… “đá bay từ muôn phía, đá văng lại nơi đây” làm chúng tôi hãi quá, bèn ngồi thụp xuống lòng xe và…im lặng là vàng. May quá, nhờ Trời thương, chẳng có ai bị thương tích gì hết, đến khi xe xổ dốc xuống đèo trở lại trường, đám tụi tôi mới dám lớn tiếng hoan hô: “Trường Sư phạm QN toàn thắng!”.
 Bộ môn văn nghệ mới là đề tài để các lớp tranh nhau biểu diễn, những tấm “bích chương quảng cáo” được dán đầy khắp hành lang nội trú, phòng học: “một đêm văn nghệ với đầy đủ thi-ca-vũ-nhạc-kịch được ra mắt tại phòng sinh hoạt do lớp nhị hai phụ trách”. Oai quá cỡ thợ mộc khi cả trường xôn xao, có người náo nức nôn nao để xem cái bọn này nó trình diễn ra sao mà …quảng cáo xôm tụ?, nhưng cũng có mấy tên trề môi, xí dài họng khi có bóng dáng chúng tôi đi qua.

     Dĩ nhiên đêm văn nghệ chúng tôi ra quân lần đầu thành công …vượt bực, vì trưởng ban văn nghệ Sửu của chúng tôi đã…khai thác triệt để nhân tài của lớp: giới thiệu chương trình đã có Trần Tuyết với giọng nói “Bắc Kỳ” nhỏ nhẹ, ngâm thơ hay đã có Trịnh thị Vui, những giọng oanh vàng đơn ca vừa ..hùng vừa dịu đã có chị Tuyết mông-rô (chị đã qui tiên rồi), Lê thị Liên v.v.v, Vũ thì khỏi cần nói, được trưng dụng tối đa, với một bầy con gái được chọn làm thiên thần, nữ hiệp như Mỹ Linh, Trà Mi, Kim Phúc, Nguyễn t. Thuận, Hoàng Yến (còn nhiều lắm)…. Mấy tên cao cao một chút như Sương, Phan Tuyết, Lành, Vinh, Thu Mai, Sơn Thái…, thì bị “đổi giống” thành nam nhân mà không phải qua một cuộc giải phẩu nào, để vào vai những điệu vũ như “Hải quân hành khúc, Hận đồ bàn”…, được khen quá cỡ. Những màn hợp ca, tứ ca, tam ca, ngay cả…kịch nữa, do ba tên
Sửu - Phan Tuyết - Sương đảm trách, ôi thôi làm bà con cười nghiêng ngửa (GS Tháo hôm sau lên lớp đã hỏi: trò nào hôm qua đóng vai đó làm thầy cười muốn ..té ghế?). Về hoạt cảnh, đóng vai Mẹ già thì không ai qua mặt được Nguyễn Yến, còn lại những bạn không lên sân khấu được thì ở dưới…kéo màn, tiếp nước, dù rằng lớp “cộng đồng” của chúng tôi là nhị 6, với anh trường lớp…đẹp giai nhất trường, nhưng bị cha mẹ đặt cho cái tên hơi khó gọi: Phạm Lùn, (anh bảo tại hồi nhỏ anh có hơi …khó nuôi, nên cha mẹ đặt tên như vậy mới mau lớn) đã …tình nguyện giúp nhiều tay, nhưng lớp trưởng Sương của chúng tôi chỉ cảm ơn và tuyên bố để lớp làm lấy mình ên.
Cũng bởi lớp tôi …nổi quá mà mấy lớp bạn cũng trổ mòi thi đua về sau hay hết biết. Nhất là lớp 4, có cô bạn Bùi thị Thu Hằng, với giọng ca thiên phú thật truyền cảm, một giọng ca chính của trường, không thể thiếu trong bất cứ buổi văn nghệ nào. Hằng hay đến phòng tôi vào lúc nửa đêm, khi mà cả nội trú chìm vào tĩnh lặng, có người đi dần vào giấc ngủ, cửa phòng đóng kín, nhất là những đêm tối trời, điện đã cúp từ lúc mười giờ, tụi tôi ngồi trước hành lang tối thui, nơi đó những bài hát “Hoài Cảm, Suối mơ hay Thiên Thai” được giọng ca vàng của Hằng cất lên, thật khó mà diễn tả tâm trạng của người nghe lúc đó, và cũng vì chúng tôi biết có nhiều tên trong nội trú gần đó lắng nghe Hằng hát, nhưng đêm tối thùi lùi chúng chẳng thấy chi chi, thế là Hằng và tôi bèn lấy tấm ra trắng, lần mò xuống sân nội trú, phủ lên mấy cục đá có sẵn giữa sân trường, một lát sau hết hát, mò xuống lấy lên cất kỹ. Và sáng mai, có tin rỉ tai nhau: trong sân nội trú có Ma! Ha ha ha vui quá là vui!
Từ đó phong trào văn nghệ trong trường nổi lên rầm rộ hơn trước, và lớp năm, lớp của các bạn Phạm thị Yến, Nguyễn thị Trường, những cô bạn cũng ra đi từ Nha trang, đã nổi đình nổi đám với những hoạt cảnh như Hò kéo lưới…, từ đó chúng tôi quen biết nhau, thân nhau dù rằng không cùng một lớp…
Bốn mươi trăm trôi qua một cái vèo, ngoảnh mặt lại tên nào cũng đà… “mất dạy”. Kẻ vượt thoát ra ngoài thì ít có ai dư thì giờ để đi học lại mà trở về bục giảng, ngoài công việc làm ăn để nuôi con, người còn ở lại đến bây giờ cũng đã quá tuổi nên phải về hưu, thôi thì cũng đã xong một kiếp làm Thầy Cô giáo!
Nhưng những người Thầy Cô giáo cũ vẫn “chứng nào tật nấy”, vẫn thấy mình còn thật trẻ sau khi một đám quây quần lại tại nhà tôi. Thật tình thì tôi không thể ngờ được, chỉ vài cú điện thoại nhắn tin do hai cô bạn Sương, Phạm Yến, mà các bạn Lê thị Tiến, cô giáo trẻ muôn đời vẫn...trẻ, Ngô Nhung, người có giọng ca truyền cảm một thời, từ Tuy Hòa đã khăn gói lên tàu hỏa chạy tuốt vào Nha Trang, cùng đi có anh bạn đẹp trai trưởng lớp Sáu ngày nào, bây giờ vẫn còn phong độ, Anh bạn mà Sương nhất định không gọi phôn, bắt tôi phải trực tiếp gặp người. Qua đầu giây điện thoại viễn liên, người bạn cũ năm nào cất tiếng cười ha hả, sảng khoái, và nhất định đi vào Nha Trang để họp mặt cùng chúng bạn. Nói làm sao được sự cảm động vô ngần, trước những tấm chân tình của các bạn tôi, nơi nhà tôi đã qui tụ sẵn sàng những khuôn mặt thân quen.
Từ bạn Nguyễn thị Trường, người đến đầu tiên, sau đó là Phạm Yến, người sốt sắng vận động để có buổi “họp mặt” thân tình, bữa ăn thì do chị Giảng viên nấu ăn trường “Thảo Sương” đảm nhận với cô học trò vừa xinh xắn, vừa khéo tay. Buổi họp đã có mặt chị em của Kim Yến, Kim Thoa, người bạn dễ thương với mái tóc dài điệu đàng một thưở, rồi Trần Tuyết, cô Bắc kỳ dịu dàng nhỏ nhẹ, Phạm Xuân (50), Rồi Bích Phụng cũng đến, Kim Phúc từ Ninh Hoà cũng không bỏ lỡ dịp vui, mà nếu cô nàng đứng gần Minh Hợp để nói chuyện, thì tụi tui phải…bắt ghế cho Phúc đứng.
Lúc đầu ngỡ rằng có Phước, giọng ca vàng một thuở, người cộng chỉ số cuả ...bé Tiến xinh xinh, và Vũ, người cộng chỉ số của Nhung cùng đi, nhưng giờ chót quí vị nam nhân bận đi …ăn cưới, nên anh bạn vàng của chúng tôi thành ra “hoa lạc giữa rừng gươm”, dù gươm đã.... rỉ sét hết rồi. May sao có anh bạn Nguyễn Mừng được …má bầy nhỏ cho theo đám bạn cùng vui, thế là người hùng đỡ cảm thấy cô đơn, mà không ngần ngại “phát biểu đôi lời” trước đám bạn …già lâu ngày mới gặp lại.
Buổi tối nổi đình nổi đám hơn khi cô bạn Ngọc Lĩnh từ Sài gòn đi qui Nhơn ghé lại Nha trang, một tình cờ lý thú, từ đó những tấm hình thật dễ thương của những bà nội, bà ngoại, ông ngoại, dù những vết nhăn của thời gian có hằn lên khuôn mặt, ghi “dấu ấn’ lên hình, nhưng “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó”, chúng tôi vẫn …ẹo qua, ẹo lại, vẫn há miệng cười thật to, vẫn vỗ tay hát hò inh ỏi, nên hình rửa ra có người nhắm tít mắt, có người hở cả mấy cái …răng giả mới gắn hôm nào, vẫn là những sự thật đáng nhớ.
Dù ở xa quê nhà đến nửa vòng trái đất, dù tôi phải trở lại cuộc sống thường nhật nơi đây, nhưng trong tôi hình ảnh buổi gặp gỡ với những người bạn học cũ năm nào, luôn dâng lên niềm xúc động, khó có bút mực nào có thể diễn tả được hết tâm trạng trong tôi, nó dào dạt niềm vui, nó rứt ray nỗi nhớ, nó bàng bạc những cái nhìn, những lời nói chân tình. Nơi đó, dù những bạn tôi có cuộc sống khó khăn trong những tháng ngày qua như Trường chẳng hạn, người có hai cuộc sống tương phản, từ một cô giáo hiền hoà, vì sự ra đi đột ngột về bên kia thế giới của người chồng thân yêu khi trở về nhà từ trại tù  được hai tháng. Sau khi chồng chết, lại mất chỗ đứng trên bục giảng, Tường đã phải ra làm “quản lý” cho một cái chợ với đầy đủ những thành phần “đá cá lăn dưa” để có tiền nuôi đứa con độc nhất, kỷ niệm còn sót lại của người chồng vắn số, mãi đến gần đây cuộc sống mới nhẹ nhàng, dễ thở.
     Nơi đó, người may mắn nhất vẫn là…bé Yến, cô giáo nhỏ người nhưng ...não bộ không nhỏ, bao nhiêu năm qua vẫn là cô giáo dạy giỏi của thành phố. Không biết có bao nhiêu “học sinh giỏi” đã thành người từ lớp học của cô giáo Yến?. Nơi đó vẫn còn cô giáo Sương luôn bương chải để vươn lên trong cuộc sống mới dù gặp nhiều khó khăn, đã thành một …chuyên viên dạy nấu ăn nổi tiếng trong thành phố. Vẫn còn đó một Kim Phúc xinh xắn hôm nào, trở thành một “cô giáo làng quê”, sau khi bị cho về vườn, đã không quản ngại đi làm công tác từ thiện, giúp đỡ những em học sinh quá nghèo mà muốn có chút chữ nghĩa để làm vốn vào đời.
Thật vui mừng khi thấy bạn Lĩnh còn giữ được nụ cười duyên dáng, dù duyên tình đã chia hai lối, người được “cộng chỉ số” năm nào, nổi tiếng là một nhạc sĩ tài ba trong trường Sư phạm, là “Thầy” dạy những bài hợp xướng nhiều “bè” cho cả đám chúng tôi, đã …bỏ quên cây đàn tại nhà một người đẹp khác. Thôi thì “không phải tại em cũng không phải tại anh, tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau..” buồn mà làm gì phải không quí bạn cùng cảnh ngộ?
Dù sao , những tháng ngày gần cuối đời, các bạn tôi lỡ có ghi tên vào hội…chờ chết, có “bản doanh” qui tụ thành viên dưới bờ biển mỗi chiều, tên gọi đúng y boong dành cho những người đã đến tuổi…ngồi chơi, hổng có việc chi để làm, chờ ngày …dzià dưới., nhưng các bạn tôi vẫn luôn giữ được nụ cười, giữ được niềm vui, và nhất là luôn giữ lại những thân tình từ những ngày xa xưa cũ.     Xin cảm ơn tấm chân tình của các bạn!
     Lê Thị Hoài Niệm.(hình của các bạn khóa 8

1 nhận xét:

  1. Xin chào tất cả các bạn , những người bạn quá dễ thương của k8..
    trước hết là vui,. mừng thiệt tình khi nhìn thất các bạn trên hình ..Đẹp quá " cuộc đời dễ có mấy khi " tuyệt vời .
    Đọc xong bài viết , qua thật tình ..gần gủi quá ..như thuồ nào nào thuổ đó .Lê thi Tiến cô nầy tui nhớ, Sương thì chỉ thoang thoáng , MH lâu quá ko gặp nhưng chắc là nhìn ra ,ngô Nhung g8ạp ở BMT,Phạm Lùn..chú này khó quên ..cò tác giả bài viết là ai ..." xin lỗi " ko nhơ chút nào.. ( trong hai hình trên chỉ cho biết với ,,thích bài viết nên thích thấy cả tác giả )...Trong dội bóng đi An khê có tui..văn nghệ tui cũng có tham gia chút chút ...nhưng trưởng lop Nhi 6 thí ko phải PL mô..., Thu Hằng ở gần và rất thân với tui ..vẫn hát rất hay ....Chúc mừng và hoan n hênh các bạn .

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...