Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

TRỞ LẠI CHỐN XƯA


                             Irene.
       
  Khi người ta vui, sung sướng hay xúc động...và khi mà tất cả những cảm xúc trong ta tràn dâng lên tới tột đỉnh thì không còn có ngôn từ nào mà diễn tả cho hết được.
         Thật vậy, chuyến trở về Qui Nhơn gặp lại bạn bè sau 40 năm xa cách. Đối với tôi, có lẻ đây là cuộc gặp mặt tuyệt vời nhất, có một không hai của một đời người và những lời viết của tôi bây giờ cũng không làm sao mà diễn đạt được hết niềm hạnh phúc trong tôi giây phút đó .
         Khi biết ngày về của tôi thì bạn tôi ngỏ ý muốn ra đón tại phi trường... nhưng tôi lại muốn một mình. Vì khi một mình, thì mình mới có thể cảm nhận được hết tất cả những suy nghĩ, những cảm giác trong lòng một cách đầy đủ mà không bị một tác động nào ảnh hưởng đến.
         Thế nhưng nhận hành lý xong bước ra khỏi...tôi lại mong có ai đó đón mình như mỗi lần trở về...lại mâu thuẫn nữa rồi! Tâm lý con người thật phức tạp, các bạn nhỉ?
         Bình Định trời nắng nhẹ. Theo chiếc xe car dọc theo Phù Cát-Gò Găng-An Nhơn-Tháp Bánh Ít-Tuy Phước...mọi nơi, chỗ nào cũng thân thuộc, cũng gần gũi đối với tôi.
         Xe dừng, tôi lặng người khi nhận ra Kim Loan trong đoàn người ra đón. Kim Loan từ Mỹ về...ngạc nhiên chưa! Từ Mỹ về mà đi đón người bạn ở trong nước. Tôi cảm động lắm! Kim Loan học lớp 5 khóa 11, không phải lớp của tôi. Thế nhưng khi nghe tôi rộn ràng chuyện họp lớp, bạn ấy cũng thu xếp công việc để trở về Việt Nam trong dịp này chung vui cùng với tôi.
         Hai đứa ôm choàng lấy nhau, 40 năm rồi mới gặp nhau, Loan theo về nhà. Trên xe, Loan gọi cho anh Cát Bá, thế là hai đứa tíu tít chuyện trò qua phone, Loan còn đùa để cho anh ấy tiếc nuối là không về trong đợt này.
         Tôi xuống 75 Tăng Bạt Hổ. Mỗi lần đi đâu xa khi trở về, tôi đều thích ghé lại nơi đây, để nghe lòng mình man mác nhớ về những kỷ niệm, về một nơi chốn mà tuổi thơ  đã sống êm đềm.
         Tôi và Loan thi nhau ‘tám” đủ chuyện. Hai đứa còn được cô cháu cho thưởng thức tô bún cá Qui Nhơn đậm đà rồi bánh hồng dừa đặc sản Bồng Sơn, kẹo đậu phụng quê hương...ăn xong, leo lên lầu nằm bên nhau nói tiếp mà vẫn không hết chuyện. Thỉnh thoảng chúng tôi bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại, đại loại:
         -Ren về chưa? Loan về chưa? Khỏe không? Hiện ở đâu? Chừng nào lên khách sạn ?..
       
Trong khi đó, các bạn Quảng Ngãi đã vào. Xe Huỳnh Kim Thạch cùng nhóm Long Khánh-Đồng Nai và xe của nhóm Phú Yên đang trên đường tiến vào Bình Định nhưng các bạn còn đi đến thắp nhang và thăm hỏi gia đình các bạn trong lớp đã vĩnh viễn ra đi. Sau này nghe các bạn kể lại rằng khi đến nhà bạn Duy Trinh thì mới biết gia cảnh bạn ấy thật đau lòng nên các bạn tự nguyện góp nhau lại để giúp đỡ cho vợ con bạn ấy. Các bạn còn ghé ra Bồng Sơn để thăm một bạn trong lớp bị bệnh nặng...Các bạn của tôi là thế đó, sống có tình có nghĩa với bạn bè nhất là những người đã khuất, những người bệnh tật, ốm đau hay những bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Ninh đến đón Loan và đem cho tôi hai cuốn truyện Quán Café Tulip và Như Những Giọt Sương của nhà văn Mang Viên Long (cũng là người anh đồng môn) gởi tặng tôi. Tôi thật cảm động trước món quà này.
         5giờ chiều các bạn đến đón tôi về khách sạn. Xe vừa dừng lại, tôi có cảm nhận rằng, từ bây giờ tôi bắt đầu được trở về lại chốn xưa, được sống lại những giây phút  mà cách đây 40 năm trước mình đã sống ở lứa tuổi hai mươi. Chúng tôi nhận phòng, ríu ra ríu rít xách hành lý vào phòng, râm ran nói chuyện, cười đùa không ngớt...Những căn phòng nam nữ chúng tôi ở sát nhau như những phòng nội trú Sư Phạm ngày nào. Phòng nào cũng rộn rã tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau...Xếp hàng tắm rửa chưa xong đã nghe tiếng gọi nhau í a í ới đi ăn tối, đi chơi, đi uống café...
         Các bạn trong phòng tôi rề rà thế nào mà khi ra khỏi phòng lại là những người cuối cùng. Bạn Trần Đình Tín đón và đưa chúng tôi đi ăn. Bản tính vẫn vậy! Rất chân chất, các bạn không chịu vào các nhà hàng sang trọng mà cứ đòi ra quán ”cóc” nhưng rồi cũng chìu theo ý người mời. Vừa ăn vừa hỏi thăm nhau... Tạo, Triên, Tú, Tượng đến rủ đi uống café Gia Nguyễn. Trong quán anh Lê Huy và Kim Loan cũng đang hội ngộ với nhóm Hương Xưa.
         Chúng tôi chọn ngồi ngoài trời. Thế là cả nhóm có một buổi tối êm đềm bên nhau...Tâm Thanh, Lệ Thu, Sen, Phước, Ánh Tuyết, Diệu Phương, Tỏi, Lan, Hiền Tuấn, Tín, Triên, Thu Tịnh, Tú, Tượng, Tình... Đêm Qui Nhơn như gần lại. Ngồi trong đêm nghe tiếng đàn, tiếng hát của Tượng sao mà nhẹ nhàng thân thương đến kỳ lạ! Bốn mươi năm trước vẫn thế! Bây giờ có phần chững hơn, điêu luyện hơn, ngọt ngào hơn, lên xuống trầm bỗng, cách nhả chữ bài bản, chuyên nghiệp hơn...  Hiệu Trưởng trường Văn hóa- Nghệ thuật có khác. Tôi có cảm giác như bạn ấy hát dành riêng cho bạn bè trong đêm nay. Tượng hát lôi cuốn đến nỗi các cô cậu tuổi teen ngồi uống café trong quán gần đó cũng im lặng lắng nghe...tiếng hát chấm dứt rồi mà vẫn còn bàng bạc đâu đây... yên lặng...rồi tiếng ai đó vói sang yêu cầu hát tiếp. Thời gian cứ trôi, và chúng tôi cứ muốn ngồi bên nhau như thế mãi. Sương đêm bắt đầu xuống lành lạnh. Không gian im ắng, quán vắng thưa người, đèn đường hiu hắt... chúng tôi mới ra về... vẫn lặng lẽ đi bên nhau, tiếng giày lạo xạo xuống mặt đường và bóng người đổ dài bên hè phố.
         Về phòng lại nói chuyện suốt đêm, giấc ngủ đến chập chờn...
Sáng sớm, Triên và Tín điện thoại rủ ăn sáng, uống café. Chúng tôi ghé đến Nhà hàng Hoàng Hậu xem sơ lại các khâu chuẩn bị lần cuối cùng và dặn dò đôi điều. Chúng tôi yên tâm, trở lại khách sạn cùng các bạn tập hát.
         Không khí tập văn nghệ chẳng khác khi xưa chút nào. Cũng bao nhiêu khuôn mặt đó, cũng chăm chú theo sự hướng dẫn của Ngọc Tượng. Bốn mươi năm trước vẫn vậy và bây giờ vẫn thế! Hát vào nhịp tùy tiện, lên xuống cao thấp tùy hứng...Thôi kệ, ngày hôm nay tất cả đã là sáu mươi thì hát là cho vui mà, đâu có thi cử gì mà lo, miễn sao tất cả chúng tôi tìm lại được cái không khí ngày nào.
         Tôi nhìn từng khuôn mặt sao mà thân thương đến thế! Chị Tỏi nông dân, Tâm Thanh thương gia, Ánh Tuyết, Sen giáo viên về hưu, Diệu Phương cô giáo, Như Tiến, Thủ Tịnh hiệu trưởng, Triên giám đốc Thủy lợi, Đình Tín chủ tiệm vàng, Thu Tịnh chuyên viên phòng Giáo dục, Sĩ Tạo chủ tiệm khung ảnh, Tự Tín giáo viên dạy nhạc, Ngọc Tượng hiệu trưởng kiêm nhạc sĩ... Thế nhưng hôm nay, không cần biết bạn làm gì trong xã hội? Chỉ biết chúng ta là bạn bè. Đến với nhau bằng tấm lòng. Và ngày hôm nay, tất cả hầu như bỏ lại sau lưng mọi công việc hằng ngày, để mà quay trở lại sống với ngày xưa, vẫn vô tư, trẻ trung, hồn nhiên đùa giỡn với nhau như một thưở nào.

         Trưa hôm đó, chẳng ai chịu đi ăn nên cùng nhau ăn cơm hộp. Chẳng ai yên ổn tâm hồn để mà nghỉ trưa...tất cả đều chờ đến giây phút họp mặt! Chưa đến giờ mà tất cả chúng tôi ra khỏi khách sạn, chỉ một khoảng đường ngắn là đến nơi ...
         Nữ thướt tha với những chiếc áo dài. Nam áo sơ mi cà vạt...Trên cổ áo mang những sợi dây đeo họ và tên mà bạn Lê tự Tín đã cất công làm cho mỗi người trong ngày về vì sợ rằng có người không nhận ra nhau.

         Tôi nhìn thật kỹ từng khuôn mặt với những nét rất gần gũi, thân thương. Ánh mắt chúng tôi nhìn nhau chan chứa thâm tình. Miệng luôn nở nụ cười thương yêu. Thoáng thấy Công Tình ngồi một mình, tôi đến gần bên, đưa tay ra :
         -Tình phải không? Mới đến hả? Ra chụp với mình một tấm hình, bốn chục năm, trông bạn vẫn vậy.
         Công Tình vui mừng đứng dậy, cầm lấy tay tôi, bên tôi, trước các máy ảnh...
         Một số các bạn nam hớn hở bước đến, đi bên cạnh là những người vợ xinh xắn...các bạn ấy muốn giới thiệu với người bạn đời niềm tự hào về bạn bè lớp 6 của mình hay chia xẻ những khoảnh khắc niềm vui đáng nhớ trong ngày hạnh ngộ...

         Chiều Ghềnh Ráng nắng dịu, những hàng cây xanh tươi rì rào cùng với gió. Ngoài kia, biển vẫn mang một màu xanh lục hiền hòa. Trong căn phòng họp mặt, tất cả chúng tôi choáng ngợp trước sự có mặt đông đủ quây quần của các bạn, bồi hồi trong tình cảm dành cho nhau quá đỗi chân tình...có người ngồi lặng yên để nghe lòng rưng rưng... có người lại nghẹn ngào xúc động... người muốn nói... người muốn bộc bạch...có người lại muốn hét to lên...muốn hát vang...có một vài người không chịu nỗi đẩy cửa bước ra ngoài châm điếu thuốc, khói thuốc hay lòng mình đang bay bổng, chơi vơi... tôi bước đến bên bạn Đỗ Thanh Tùng người bạn sau 75 lui về quê ẩn dật tu hành:
         -Vui quá! R ơi, tất cả các bạn như trẻ lại tuổi hai mươi còn riêng Tùng như trở lại tuổi mười mấy...
         Tôi mỉm cười, bạn ấy cũng cười với nụ cười hiền hậu của một nhà tu hành.
         Bạn Trịnh Công Tùng ở Mỹ cũng thao thức không ngủ gọi phone tha thiết nói vài lời với bạn bè cả lớp.
         Tất cả chúng tôi rất tự nhiên biểu lộ cảm xúc. Bởi vì khi mà hạnh phúc đến một cách đích thực không ai có thể kềm nén lại được...
         Tôi, Sĩ Tạo, Kim Thạch, Diệu Phương, Hiền Tuấn, Ngọc Tượng, Tự Tín, Thu Tịnh, Văn Tạo, Văn Thái... Có lẻ chỉ có Ngọc Tượng là giọng ca chuyên nghiệp còn tất cả chúng tôi hát theo cảm xúc! Giọng ca sáu mươi sao bằng lúc hai mươi về âm vực hay trường độ nhưng sâu lắng, cảm xúc thì có thừa. Hát như chưa bao giờ được hát. Hát như trải lòng, hát để trút hết nỗi niềm sau gần bốn mươi năm dồn nén...
         Anh Vũ Hải Châu rất tha thiết trong bài Trả Nợ Tình Xa làm cho các bạn tôi lặng yên theo từng lời anh hát.
         Rất vui trong buổi họp mặt là sự xuất hiện Bạn của Nhị sáu đó là Huỳnh Kim Thạch, một người bạn nhiệt tình vì lớp 6 và lúc nào cũng thích vui cười.
         Thu Tịnh MC với chương trình chuẩn bị bài bản soạn trước cả tháng. Thế nhưng  điều khiển được lúc đầu còn lúc sau vui quá! Bốc quá! Phiêu quá! Như đi trên mây nên thích gì làm nấy...

         Sau này khi gặp lại anh Vũ Hải Châu, một trong những khách mời, chúng tôi hỏi cảm nhận của anh về cuộc họp mặt lớp 6. Anh cười và nói:
         -Rất ngẫu hứng! Rất tự nhiên! Và nhờ thế... nên...Rất dễ thương!
         Trong cuộc sống vô thường, trong kiếp người hữu hạn! Ta còn lại gì nhiều với nhau đâu? Gặp nhau đây rồi biết khi ”mô” gặp lại? Vì thế, trong giây phút hội ngộ này, chẳng còn nghĩ gì về quá khứ hay tương lai. Chỉ có hiện tại và hiện tại... Thấy vui cứ vui, muốn nói cứ nói, thích đùa cứ đùa...Cảm nhận thế nào thì hãy sống cho thật sự! Hãy sống hết mình! Không giữ kẻ, không ngại ngần, không lo lắng... và sống trọn vẹn cho tình bạn giây phút này...
         Qui luật vẫn là qui luật...rồi phải chia tay. Quyến luyến hay bịn rịn! Bắt tay nhau, ôm nhau hay hôn nhau...mắt nhìn nhau nhưng không muốn rời...tay sắp xa nhưng tim không xa...Cố níu kéo nhưng  cũng phải đến lúc tạm biệt nhau thôi!
         Huỳnh Kim Thạch, Lan, Anh Ninh, Kim Loan, Diệu Phương, chị Tỏi và tôi... những người rời Qui Nhơn cuối cùng. Đáng lẽ ra theo kế hoạch là sau hôm họp mặt, chúng tôi trở lại thăm trường xưa nhưng vì các bạn không nở rời nhau nên cứ bịn rịn hoài. Vì thế, không còn thời gian nữa...và rồi chỉ có nhóm tôi là trở lại thăm trường...
         Bước vào cổng trường Sư Phạm, đầu tiên là tiếng ve kêu râm ran như gợi nhớ mùa hè năm xưa...cây hoa giấy xưa nay đã thành từng vòm trên cao, những cội hoa sứ, những cội dương già...hành lang vẫn hun hút dẫn về khu nội trú hay những bậc thang bước lên các lớp học...công viên ghế đá xanh tươi hơn. Dãy phòng học vẫn vậy, cửa ra vào, khung cửa sổ vẫn thế tuy rằng bàn ghế có thay đổi một chút...chúng tôi vẫn tìm thấy được hình bóng mình và bạn bè ngày xưa thấp thoáng đâu đây

         Rồi mai này, khi trở về nhà, một lúc nào đó chợt nhớ đến nhau, thì hãy mở Kỷ Yếu Để Nhớ Một Thời hay cuốn DVD Chúc mừng Ngày Họp Mặt Lớp 6 khóa 11-Trường Sư Phạm Quy Nhơn (1972-1974)-Ngày 27/7/2013 hoặc vào Google xem trang Blog Gia Đình Nhị 6 hay cuộc họp lớp và đó cũng là một trong những niềm vui lớn nhất làm cho mình thấy gần bên bạn bè hay tâm hồn chợt nhẹ nhàng trong những ngày xế  chiều còn lại này.
         Năm 2014 sắp đến, cũng là năm kỷ niệm 40 năm ngày ra trường của khóa 11. Điều mong muốn của tất cả 10 lớp của khóa chúng tôi là sẽ trở về bên nhau, để sống lại những giây phút ngày nào như trong đêm mãn khóa 1974 tại công viên trường. Muốn được như vậy, tất cả khóa chúng tôi đang đồng lòng quyết tâm theo lời thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn dặn dò:
         ...Cuộc đời là một đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản, trút bỏ những giận ghét vẩn vơ, những bận tâm vô ích, những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.

Sài Gòn, tháng tám,2013.
Irene.

















THƯ MỜI HỌP MẶT


THƯ MỜI HỌP MẶT
( lần thứ 14 )
CGS KHOÁ 8
SƯ PHẠM QUY NHƠN
BAN LIÊN LẠC K8 SƯ PHẠM QUY NHƠN
Tại thành phố Hồ Chí Minh 
KÍNH MỜI
- Quý thầy cô
 
- Bạn bè đồng môn
 
- Anh Chị Em K8 SPQN
Vui lòng đến tham dự buổi họp mặt K8 tại
NHÀ HÀNG TRẦU CAU
Số 298 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, Quận Bình Thạnh, tp Hồ Chí Minh
Đt : 08 3806 0139
Vào lúc 15 giờ 00 ngày 18 tháng 8 năm 2013
Tm BLL K8

Nguyễn Quang Vinh : 0903922770
Nguyễn Chí Hải : 0905 924 689

Nội Dung
15h – 16h30 : Giao lưu (cafe)
16h30 – 18h00: Họp mặt
-  Thông qua nội dung buổi họp mặt
-  Giới thiệu thành phần tham dự
-  Tặng hoa thầy cô
-  Trao đổi vui buồn cùng nhau
-  Dự tiệc theo thực đơn nhà hàng
-  Văn nghệ , chụp hình lưu niệm
-  Bầu BLL mới, công khai tài chánh
-  Dây thân ái

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Chùm Thơ Nguyên Vũ VNL K4


                 NHỚ BẠN
Viễn xứ mười năm nhớ bạn nhà,
Đôi bờ trắc trở dặm đường xa.
Quê hương ngóng đợi tan giông tố,
Bằng hữu chờ mong chuốc chén ngà.
Sóng gió ngập tràn vùng hải đảo,
Khói sương che khuất dải sơn hà.
Đẹp trời tái ngộ mừng Xuân mới,
Rạng rỡ cùng vui rực pháo hoa.
                Nguyên Vũ VNL

 XUÂN NHỚ QUÊ
 Vườn cây điểm tuyết tựa đơm hoa,
 Giá lạnh canh khuya chạnh nhớ nhà.
 Buồn cảnh tan thương vùng hải đảo,
 Xót cơn khốn khó chốn quê ta.
 Câu thơ ngẫu hứng vươn sầu mộng,
 Cốc rượu nồng cay khiến nhạt nhoà.
 Xuân đến trông chờ luồng gió mới,
 Xoá nhanh oan ức thỏa thân già.
                 Nguyên Vũ VNL

NHỚ TẾT SÀI GÒN
Xa cách Sài Gòn đã mấy Xuân,
Tha hương trăn trở bước phong trần.
Nhớ đường Nguyễn Huệ hương hoa ngát,
Mơ hội Tao Đàn tiếng phím ngân.
Viễn xứ trông chờ hồi chuyển thế,
Quê nhà ngóng đợi cuôc xoay vần.
Mai vàng, pháo nổ mừng năm mới,
Ánh nắng hồng tươi nhạt áng vân.
                    
Nguyên Vũ VNL

MONG NGÀY HỘI NGỘ
Bao thu lưu lạc chốn quê người,
Nghĩ đến năm xưa cuộc đổi dời.
Buồn nỗi tang thương khi biến loạn,
Khổ niềm cay đắng lúc chia phôi.
Người đi mòn mỏi trông tin nhạn,
Kẻ ở lao đao nhóng vận trời.
Một thuở chung trường lưu luyến mãi,
Mong ngày hội ngộ cố nhân ơi!

                       Nguyên Vũ VNL
                       Mississauga - Canada

Cô Giáo Làng


Buổi chọn nhiệm sở hôm ấy Thơ mặc áo dài màu xanh da trời. (Màu Cha Thơ rất thích)! Hình như số Giáo sinh tham dự không được đông lắm. Nhiều người đã ủy quyền cho các bạn sống ở Quy Nhơn chọn giùm. Phần Thơ, cũng nhận chọn thay cho 3 người bạn. Một người nữa nhờ giúp. Thơ từ chối vì đã đủ số. Bị bạn ấy giận. (Sao Ph không nói trước)? Sau 42 năm, gặp lại, Ph vẫn còn “thù dai” nhắc:
       - Nếu ngày đó, Thơ đã nhận giúp, Ph sẽ đi Lâm Đồng, thay cho Quảng Trị, là nơi bà Cô muốn chọn để về gần Bà. Có lẽ đời Ph đã khác?
       Thơ cười: - Chắc chắn là khác rồi! Chỉ sợ không biết có được như ngày nay không? Nên, hãy…biết ơn vì lời từ chối của Thơ!
       Nhiều địa điểm thuộc các xã trong tỉnh Bình Định như: Phước Nghĩa, Phước Thành, Phước Hậu…, vẫn còn. Nhưng Thơ đã rắp tâm muốn đi xa, để thoát khỏi sự khó khăn, nghiêm khắc của Cha mình. (Với trí hiểu non dại lúc ấy, Thơ nghĩ vậy)! Thế là Thơ và Yến, hai đứa vị thứ liền nhau, chọn đi Bồng Sơn, một Thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn, nằm về phía Bắc của tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 100 km. Dạo ấy đường bộ không được an toàn, nên chúng tôi đến Tòa Hành Chánh để xin máy bay.
       Mấy bận đi về, mới được hẹn một ngày chính xác. Chúng tôi đã đến nhiệm sở bằng trực thăng…võ trang! Cho đến mãi bây giờ, Thơ cũng không hiểu là vô tình, hay cố ý tinh nghịch, họ đã sắp xếp cho 2 cô giáo trẻ măng, 20, 21 tuổi ấy, mỗi đứa ngồi bên một người xạ thủ Mỹ, ở hai bên cửa hông máy bay. Họ luôn ghìm súng, nhìn chăm chăm xuống mặt đất. Ghế VIP để trống, sao chẳng thương giùm 2 cô giáo về làng?
       Hai bên cửa trực thăng đều bỏ ngỏ. Gió lộng phần phật. Tiếng động cơ từ hai cánh quạt chát tai! Chẳng ai nói, ai nghe. Chỉ thỉnh thoảng gặp một ánh mắt tình cờ! Mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ riêng tư.
       Từ trên cao nhìn xuống, cảnh vật nơi nào cũng xinh xắn: Đường làng quanh co uốn khúc. Những mảnh vườn, ruộng lúa vuông vức, nhà cửa gọn gàng ẩn mình dưới lùm cây xanh ngắt. Rải rác có những “Sóng chén”, đầy những chén úp ngăn nắp, đều đặn. Thơ ngẫm nghĩ mới hay: Đó là những sân phơi lúa. Buổi sáng, người nông dân xúc lúa đổ ra sân, vẫn để nguyên từng khối nhỏ, chờ nắng lên mới cào ra phơi.
       Mải mê nhìn cảnh quê xinh đẹp, thoắt đã thấy vườn dừa bát ngát và dòng Lại Giang êm trôi! Trực thăng đáp xuống lãnh vực Trung đoàn 40 Bộ binh. Xe Jeep mui trần chở chúng tôi đi một vòng phố xá Bồng Sơn, như để “trình làng” 2 cô giáo mới ra trường!
       Nơi chúng tôi đến trọ là tiệm thuốc Nhơn Hòa Đường, do Ba của Yến, thời gian làm việc ở BS, đã giới thiệu. Nhưng nay, Thơ nhắc lại, Yến bảo:
       - Thế à? Sao Yến không nhớ?
 Ông Bố chồng cắt thuốc Bắc, người con dâu mở quán cơm. Phong cảnh nửa tỉnh, nửa quê nơi đây, làm cho chúng tôi thấy thú vị! Trước nhà: Phố xá, xe cộ, người qua kẻ lại tấp nập. Phía sau: Vườn ruộng xanh tươi, gió rì rào, không gian thoáng đãng mát mẻ!
       Chúng tôi trọ trong một căn phòng nhỏ, không có cửa! Hai đứa lần đầu tiên xa nhà, nhút nhát như hai chú thỏ con. May mà còn có đôi, nương tựa vào nhau, cũng bớt buồn, bớt lo.Tối đến, chúng tôi khiêng bàn, khuân ghế chồng trên, chèn dưới, chặn trước cửa! Còn ngọn đèn dầu, loay hoay không biết nên đặt trên, hay dưới gầm bàn?
       Tới bữa cơm, bà chủ quán đon đả mời chúng tôi dùng cơm với bà ở trước quán. Nhưng dù chúng tôi có rút vào trong phòng riêng, thực khách đi ngang qua, vẫn đưa mắt tò mò dòm ngó. Có người còn ghé vào, vồn vã bắt chuyện! Một lần, chúng tôi đang cộng sổ điểm cuối tháng, một người lính lân la ghé vào, chỉ cho 2 cô giáo “non choẹt” cách cộng sổ khá hay. Có lẽ anh lính này là một giáo chức, bị động viên?
Lệ thường, cộng điểm xong, chúng tôi ghi tên và điểm trung bình của mỗi HS vào một phiếu giấy nhỏ. Phân ra từng nhóm theo điểm số. Xếp thứ tự, từ nhóm điểm cao nhất đến nhóm điểm thấp nhất. Ghi vị thứ và viết vào sổ.
       Anh lính ấy bày cho chúng tôi, từ lúc cộng điểm:
Ví dụ, các cột điểm:    6,  8,  7,  9, 10    =   ( 5+1,  5+3,  5+2,  5+4, 5+5)
       a/ Ta sẽ cộng các số 5 trước, sau đó cộng thêm số lẻ còn dư lại.
       b/ Miệng đếm: 5,10, 15, 20, 25, 30. Cộng thêm các số dư, thành:
31, 34, 36, 40.  (Đếm số nào, chấm ngòi bút vào chữ số đó).
Chia lấy điểm trung bình. Ghi liền vào một tờ giấy lớn, không cần đề tên HS. Điểm nào, ghi vào nhóm đó. Nếu có 2 hoặc 3 điểm trùng nhau, vẫn viết đủ 2 hoặc 3 lần.  Kiểm lại các cột điểm trung bình, nếu khớp với sĩ số, ta sẽ ghi vị thứ, sát bên. Theo đó, viết vào sổ chính.
       Có lẽ đó là điều tốt đẹp nhất, chúng tôi nhận được nơi phòng trọ trống trải, bất an này. Phần nhiều chỉ là những phiền hà, mất thì giờ, hoặc phải nghe những lời trêu chọc khó chịu!
 Mỗi ngày, chúng tôi đi ngang qua VP Quận, mới tới trường. Trường nằm trên bờ Lại Giang. Anh Phụng Hiệu trưởng niềm nở đón tiếp 2 cô giáo mới ra trường, nhiệt tâm soạn bài, giảng dạy và thích dạy hát. Anh nói, lâu lắm mới nghe lại những những câu hát quen vang vang trong trường:
...“Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra, ngồi hay đứng bên thềm. Đợi chồng con mắt trông về phía trời xa. Sáo diều êm trầm lắng lời thơ, lúa vàng reo đùa muôn sóng nhấp nhô. Ôi chiều quê, chiều xao xuyến êm đềm. Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương. Trông người ra, ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên”… (Chiều quê/ Hoàng Quý).
Hoặc: …“ Học sinh đua nhau tiến tới. Ra trường học chăm học mãi. Trẻ thơ siêng năng hăng hái. Lớn lên đắp xây cuộc đời. Anh lớn làm thơ, thì em biết đọc i tờ. Mẹ mến yêu đứng chờ. Nhìn em với bạn nô đùa. Anh biết chăm ruộng nương, thì em biết chăm đến trường. Cơn gió lên cuối đường mừng em sống trẻ măng”…( Đua nhau chăm học/ Phạm Duy).
Chúng tôi quanh quẩn trong lớp với đám học sinh, ít khi lên Văn phòng. Giờ chơi, thỉnh thoảng ra đứng trên hành lang khá cao, đưa mắt nhìn vu vơ ra cảnh sông nước, trước trường…
Sau, chúng tôi dời chỗ ở, đến trọ nơi nhà một đôi vợ chồng cao niên. Nhà chỉ có hai ông bà và một đứa cháu họ xa, tên gọi “Thằng Mịch”. Mịch thường mặc bộ bà ba màu nâu. Nghe nói, một thời gian khá lâu, Mịch đã vào ở trong chùa. Đây là một cậu bé rất thật thà, chân chất, hơi chậm chạp! Lúc rảnh, Mịch thường bám theo chúng tôi, lân la trò chuyện. Mịch chỉ cho chúng tôi xem, dấu nước lụt năm Thìn nào đó, còn in trên vách tường. (Ở sát bờ sông, nghe vậy chúng tôi cũng hơi…ớn ớn)!
Một buổi sớm mai, chúng tôi ra lan can phía sau nhà, đứng nhìn lớp sương mù dày đặc trên mặt sông. Hai cô giáo “ngố” lo lắng:
- Sợ hôm nay trời mưa to!
Cậu bé quả quyết: - Sẽ nắng lớn, cô ạ!
Quả nhiên: Trời nắng rực rỡ, thiếu điều…muốn cháy da!
Ông bà cụ chủ nhà là người ưa yên tĩnh, nói chung là không thích đám trẻ con. Cuối tháng, ông bà chỉ bằng lòng cho một vài em đến giúp chúng tôi làm sổ sách. Ngoài ra, nếu học sinh đến chơi đông, chúng tôi phải đón tiếp các em nơi khoảng trống trong chợ, trước mặt nhà. Chúng tôi cũng không được nấu nướng gì, nên phải nhờ một phụ huynh học sinh nấu cơm giùm. Chẳng bao lâu, cũng bị từ chối, vì cô con gái đem cơm, đi qua Quận, thường bị các anh lính trẻ trêu chọc! Chúng tôi đành ăn cơm hàng…cháo chợ! Thơ làm quen với mùi chao, rất… “kinh dị” từ đó! (Giờ, đã… “ghiền”, không biết từ lúc nào)! Lạ thật!
       Dần dà, có một vài người lính cũng… “vượt rào” là qua được phòng của Ông Bà chủ nhà, ra phòng trọ phía sau để… tán gẫu với chúng tôi! Hai đứa đâu nói năng gì, ngoài… cặm cụi trả lời những câu hỏi! Thế mà, khi khách nhà binh về rồi, đã “dám” lấy mấy mẩu giấy, làm thăm. Bốc thăm… chia phần: Anh Quân nhu, Quân vận, anh Trung đoàn… là của ai?! (Thật là trẻ con)!
       Vợ chồng anh Oanh, dạy trường Tăng Bạt Hổ, mời chúng tôi vào Ca đoàn của Giáo xứ. Dù khác đạo, Yến vẫn vui lòng đi tập hát với Thơ hai buổi tối mỗi tuần. Dạo đó gần lễ Giáng sinh, ca đoàn đang tập hát các bài: Cao cung lên, Đêm đông lạnh lẽo, Đêm Thánh vô cùng…Tập hát Thánh ca, ngoài niềm tin tôn giáo, đã là một cách giải trí thanh tao, lành mạnh. Chúng tôi quen không nhiều, nhưng đã gặp những người hiền lành tử tế như hai chị em cô Thăng, cô Thúy và một số AC dạy ở Trung học Tăng Bạt Hổ…
Một lần chúng tôi đi nhờ xe của Trung úy Lâm tới Trung đoàn xin máy bay về QN. Trung tá NBT… “đùa dai”:  - Tối nay, để 2 cô giáo ở lại đây! Tr, úy Lâm mà đưa hai cô ấy về, tao bắn gãy giò”! Hai “Chú thỏ con” trước mặt “Hùm xám”, làm gì chẳng điếng hồn! Nhưng, dù sao có 2 đứa vẫn có thể: Cứ bình tĩnh mà..run!
       Ham tự do, ưa thoải mái. Nay đã gặp bao nhiêu thiếu thốn, bất toàn. Kể cả, hai đứa đã tận mắt chứng kiến 1 vụ nổ lựu đạn gần chợ, 1 vụ giựt mìn làm sập cầu. Nên dịp về Quy Nhơn ăn tết, chúng tôi liều… “nằm vạ” ở Ty Tiểu học! Không bị…phạt đòn, nhưng Ông Trưởng Ty rất thông cảm, cho Yến về Nguyễn Trường Tộ, còn Thơ về trường Ấu Triệu, gần nhà.

       Đó là một trường Nữ tiểu học, rất gần biển. Nhiệm sở thứ hai này là  nơi Thơ đã học qua 2 năm lớp Nhì và Nhất khi mới di cư vào Nam, rồi ra miền Trung. Trường được vinh dự mang tên ẤU TRIỆU: “Cô Triệu Bé”, là chính ý nghĩa cao quý, mến thương mà Phan Bội Châu, lấy tấm gương bất khuất của Liệt nữ Triệu Thị Trinh trong sử Việt, đặt cho Cô Lê Thị Đàn, người làng Thế Lại Thượng. (Nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế, (Là người đồng chí của Phan bội Châu), đã hoạt động tích cực và đã tuẫn tiết để bảo toàn bí mật cho Phong trào Cách Mạng Duy Tân hội và Phong trào Đông Du ở nước ta, hồi đầu thế kỷ XX. Do đảm đương công tác bí mật, nên công lao và sự hy sinh của Lê Thị Đàn dưới thời Pháp thuộc ít được biết đến. Sau này, nhờ Phan Bội Châu kể lại vụ việc trong cuốn: “Việt Nam nghĩa liệt sĩ”. Tên tuổi của Bà mới được lưu truyền).
       Các cô giáo độc thân trường Ấu Triệu được ưu tiên dạy các lớp Nhì và Nhất, ngày hai buổi, nghỉ thứ tư và thứ bảy. Nhường cho các chị có gia đình dạy 1 buổi sáng hoặc chiều. (Năm sau, trường mở thêm lớp, chỉ còn dạy đồng loạt một buổi như nhau). Trường xây hình chữ U, những giây hoa Ti Gôn kết mành như…trướng phủ, rèm che ngoài hiên các lớp học, càng tăng thêm vẻ êm đềm, thơ mộng cho một ngôi trường. Trong đó, học sinh và tất cả giáo viên, toàn là nữ giới. (Trừ… anh cai trường)!
       Bà Hiệu Trưởng LCC, nhũ danh Bùi Thị Sự, (Thời ấy người phụ nữ dù đi làm việc, vẫn còn gọi bằng tên chồng) rất bao dung, thân thiện và dễ mến. Ở nhà, có món gì ngon, Bà dành bớt cho chúng tôi cùng thưởng thức! Có lần, Bà đem …khoe cả nửa tá áo Bà Ba, may đủ màu, bằng thứ hàng lụa Bà yêu thích. Chúng tôi, mỗi đứa khoác một chiếc. Xúng xính lượn qua, lượn lại. Bầu khí vui tươi, đầm ấm như trong một gia đình!
 Đến khi có chương trình viện trợ sữa và bột mì cho các em nhỏ. Các cô giáo lớp Năm đảm trách thêm việc này! Lúc nồi sữa mới nấu xong, Bà HT cho “nháy” chúng tôi tới VP, uống 1 ly sữa nóng và ăn bánh mì ngọt, trước khi các cô giáo phục vụ …đại trà  cho bầy trẻ nhỏ! (Chị Vân, chị Sử Kim Anh… còn vớt thêm cho chúng tôi chút váng sữa nổi trên mặt soong, thật thơm và béo ngậy)! (Khi Cô Bùi Thị Sự được thăng chức Thanh Tra, Cô CHTN Ngọc Lan, giáo viên lớp Nhất của Thơ ngày xưa, lên làm Hiệu trưởng).
       Dạo ấy chưa có lệ mặc đồng phục, nhưng nhóm giáo viên trường Thơ  đã rủ nhau may mấy bộ áo dài cùng màu. Một lần tới dự giờ ở trường Mai Xuân Thưởng, chúng tôi hẹn nhau, mặc một loạt màu “cổ đồng” thật độc đáo! Bị mang tiếng là…dân Ấu Triệu ưa chưng diện từ đó. Không oan! Nhưng có sao? Làm đẹp, vui bụng mình, tô thắm cõi đời, có gì là sai đâu? Miễn là chúng tôi vẫn hết lòng thương yêu và tận tình dạy dỗ đàn em nhỏ!
Tới lượt Thơ phải dạy mẫu, cả trường cùng hội họp, góp ý xây dựng bài dạy cho Thơ. Lê Hoa lãnh việc may gấp cho Thơ chiếc áo dài mới, bằng 1 tấm  “xà rông” của Campuchia, để kịp … trình diễn, cùng với bài dạy! Thực ra, Cha của Thơ, mới là người chuẩn bị bài cho Thơ kỹ lưỡng nhất. Một bài Địa Lý, trọng tâm nói về địa thế quan trọng của nước Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Đông Nam Á. Nhưng tới buổi dạy, Cha đã không đến dự, để  Thơ được tự nhiên. (Chị Nam Trân rất thật thà nói: “Trân sợ Bác Uyên, hơn sợ… Thanh tra” cơ mà)! Cha Thơ nghiêm khắc và mẫu mực lắm! Cha không bằng lòng cho Thơ đem đồ đan, thêu…vào lớp. Cha nói: “Nếu buổi sáng hôm ấy con đã không tận tâm giảng dạy, con không xứng đáng được nghỉ trưa”! (…Chịu nổi không)?
       Nhóm độc thân như Thơ, dạy hai buổi chưa đủ, còn rủ nhau ở lại trường buổi trưa, dù nhà không lấy gì làm xa lắm! Bọn Thơ vui đùa, trò chuyện, ca hát. Hoặc cắm cúi thực hiện một mẫu thêu áo dài, hay một kiểu áo tắm trên hàng “Piquet” lập thể, rất độc đáo, theo mẫu của “Nhà thiết kế” Lê Hoa. (Cô ấy rất khéo tay)! Chuyện ăn uống không quan trọng: Chạy ào ra chợ rất gần, mua các loại bánh. Hoặc đã có sẵn quán bún bò, nem nướng… phía sau trường. Món ăn vặt cả bọn ưa thích nhất là đậu phụng nấu, chỉ no bụng, chứ không bao giờ chán! Hạt dưa, nhiệt tình cắn nguyên…bịch nửa ký! Một hôm, Thơ bảo Lê Hoa:
 - Hai bên hàm Thơ bị đau, mỏi lắm!
 - ­­­­­Hoa cười: - Bữa qua…giành ăn ­­­­­­­­khoai mật phơi khô, không nhớ sao?
 - Hèn chi! Thế mà Thơ sợ, sắp lên…quai bị chứ!
Trường ở gần mấy trại lính, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp
một khuôn mặt “Học trò…già”, là một anh lính trẻ, cố tình …ngồi nhầm chỗ ở cuối lớp! Có những buổi đi lạc quyên, Thày trò…xuống đường chặn khách bộ hành, chặn xe lớn, xe nhỏ. Cười…cầu tài để xin tiền, gây quỹ mua quà Xuân cho Chiến sĩ, hoặc giúp đồng bào vùng bị bão lụt… Khách đi đường, ai cũng vui vẻ, bằng lòng, chịu…cho móc túi! Những kỳ nghỉ hè, chúng tôi đi làm Giám thị 2, cùng phòng với Giám thị 1 là Giáo chức cấp 2 hoặc cấp 3, ở các tỉnh khác về. Nếu liên tục mấy buổi, vẫn cứ coi thi với một giám thị ấy, là hiểu rồi! “Họ” đã… thông đồng với nhau, cố ý tinh nghịch, sắp xếp như vậy! Phần Thơ đã gặp hai lần như thế. Cũng là một niềm vui…lan man sau kỳ thi! Nói chi, trong tuần lễ nhóm giáo sinh sư phạm đến trường thực tập. Một anh giáo sinh khóa 7, còn dám… “kết” với một cô giáo đàn chị, tốt nghiệp khóa 1 cơ mà! Đúng là…tình không biên giới! Chỉ tiếc, đến mùa Hè, tình cũng…tan tác như cánh phượng hồng!
       Học sinh cấp 1 luôn coi các Thầy, Cô giáo là…thần tượng của mình! Nhất là các cô giáo trẻ độc thân, luôn được các em thương mến, ríu rít vây quanh. Hơn 40 năm, Thơ tìm gặp lại hai cô học trò cũ: Mỹ Trang, Mỹ Hòa, vẫn còn… thú nhận: “Được ôm sổ sách, cầm thước, phấn, khăn chùi bảng cho Cô, là… vinh dự lắm”!
       Năm Thơ nhận lớp Nhì B, cô Ph dạy lớp Nhất A mang bầu, sẽ sinh con vào khoảng Học kỳ 2. Bà Hiệu trưởng điều động chúng tôi chuyển đổi, để khỏi xáo trộn cho các em lớp đi thi. Thơ báo tin cho học sinh lớp mình. Cô cháu đều thổn thức. Các em khóc rộ lên! Thơ cũng nghẹn ngào, không thốt nên lời, cầm phấn ghi lên bảng: -“Thôi, các em về đi! Đừng khóc nữa! Chúng ta vẫn còn gặp nhau”! Chúng càng khóc to hơn. Ra về, cả thầy trò cùng mắt đỏ! Từ đó, nhóm học sinh lớp cũ tới nhà đón Thơ. Gần đến trường, các em vội lảng xa, sợ các bạn lớp mới…chọc quê! Suốt tuần, cứ bịn rịn như thế! Cô Ph cũng bảo: Học trò mến Thơ quá, mình cũng không muốn dạy! Thế là Bà HT đồng ý, cho…trở lại vị trí cũ! Thơ thật hạnh phúc giữa đồng nghiệp thân yêu và học sinh quý mến như người ruột thịt!
 Rồi, cũng đến một lần:
       “Ngày mai, trong đám xuân xanh ấy,
       Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi”!
Năm 1970, Thơ làm dâu Bình Định, theo chồng vào Biên Hòa. Cũng đành xa đám học trò nhỏ:
“Vai mang khăn gói sang sông.
Má gọi mặc Má, theo chồng (con) cứ theo”!
 Chồng đổi đi đâu, Thơ được ưu tiên 1, theo đến đó! Đã thuyên chuyển qua nhiều nơi, nhiều trường. Nhưng không có nơi nào, thân thương, đầm ấm cho bằng mái trường ẤU TRIỆU, nơi Thơ sống thời cô giáo độc thân ngày ấy!
       Năm ngoái, nhân dịp về Quy Nhơn tham dự kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập trường SPQN. Buổi sáng, từ khách sạn Hải Âu, hai mẹ con Thơ đi dự Thánh lễ sớm ở Nhà thờ Chánh tòa. Rồi thả bộ theo con đường Lê Thánh Tôn, ra hướng biển. Gặp đường Tăng Bạt Hổ, Thơ rẽ trái, ghé thăm ngôi trường xưa: Trường nay không còn dành riêng cho nữ sinh, đã lên lầu và thay bằng tên vị anh hùng LÊ LỢI. Thơ đứng ngoài song cánh cổng sắt, nhìn vào bên trong:
 Ngày Chúa nhật, sân trường vắng hoe, không một bóng người: Cảnh cũ còn đây nhưng đồng nghiệp, học sinh năm xưa, đã tản mác khắp nơi rồi! Lòng Thơ dâng trào bao kỷ niệm mến thương. Không bao giờ còn có thể tìm gặp lại đông đủ nữa! Những ai còn, ai mất? Và đàn em thơ bé, tươi vui ngày ấy, nay cũng lớn bộn rồi! Cuộc đời các em có được vuông tròn, hạnh phúc hay không? Thơ bồi hồi cảm xúc, thấm vội đôi giọt lệ vừa trào ra khóe mắt, khi nghe tiếng cậu con út gọi:
- Mẹ ơi! Về thôi. Mặt trời đã lên cao rồi!

*Yth. Nguyen.
     (L6 / K3)

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Lời Xin Lỗi Muộn Màng - Thơ - Ky Nguyen


Sao lại nhờ tôi đan áo len.
Khi chúng mình vừa mới quen quen.
Giậm chân, phụng phịu – tôi từ chối.
Thế là hai đứa…hết… thân – quen…
Khóa  học cứ trôi, rồi kết thúc.
Ra trường, mỗi đứa  mỗi  nơi xa
Bặt tin từ đó… Nay chợt nhớ…
Thấy mình tệ quá… Thuở xa xôi.
Muốn tìm Người ấy để xin lỗi.
Có muộn quá không… Người hỡi Người ?

Viết ra nỗi lòng trên trang giấy.
Mong sao… bất  ngờ …“ Ai “ đọc được.
Bỏ lỗi cho “Ai “ – thuở dại khờ.
Ngây thơ… chưa biết quý tình bạn.
Nay thấm lẽ đời… Muộn quá chăng ???

Ky Nguyen

Video Nhị 6/k11 họp lớp.

Video: Vũ Hải Châu

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Tin Buồn

BLL SPQN và BBT trang SPQN vừa được tin:

Cô Nguyễn Thị Hoa, hiền thê của thầy Phan Thâm đã từ trần lúc 9 giờ sáng ngày 27/7 tại Qui Nhơn..., Trước tin buồn này, toàn thể cựu Giáo sư, cựu NV và cựu GS SPQN xin chân thành chia buồn cùng Thầy Phan Thâm và toàn gia quyến... Nguyện cầu cho hương hồn của Cô được sớm siêu sinh nơi miền Tịnh Độ.

Thành Kính Phân Ưu

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...