Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

MỐI TÌNH SƯ PHẠM




       -Lại Đình Bạch-
      K4 SPQN
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”.
                                                                             (Thế Lữ)



Thật vậy, thời gian đã qua lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, nhớ về mối tình sư phạm cách nay đã mấy chục năm….
Năm 1965, sau khi đỗ tú tài, tôi thi vào trường Sư Phạm Quy Nhơn. Kết quả trúng tuyển và tôi rời Huế vào Quy Nhơn nhập học. Vào một ngày mùa thu, chiếc máy bay DC3 đưa tôi từ phi trường Phú Bài vào Quy Nhơn. Sau khoảng một giờ, máy bay đáp xuống sân bay nằm trong thành phố. Tôi may mắn có một người chú đem ôtô đến đón tại sân bay mặc dù từ sân bay về nhà chỉ một đoạn đường ngắn. Quy Nhơn sau cơn mưa bầu trời xám đục, con đường đất đỏ loang lổ những ổ gà đọng nước. Lần đầu tiên xa nhà lòng tôi buồn mênh mang. 

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

ĐÀ LẠT BÂY GIỜ


                            Irene


Năm năm rồi, bây giờ tôi mới trở lại Đà Lạt.
          Trước đây, tôi đã đến Đà Lạt nhiều lần, nhưng những lần trước, tôi đi từ Qui Nhơn đến Phan Rang-Tháp Chàm rẽ vào Quốc lộ 27 vượt đèo Sông Pha đến Đơn Dương qua đèo Prenn là đến Đà Lạt.
Lần này tôi đi từ hướng Sài Gòn lên Đà Lạt. Quãng đường dài khoảng 300km theo đường xe hơi, đi khoảng 6-7 tiếng đồng hồ. Qua hết đèo Lao Bảo là đã bắt đầu thấy không khí dìu dịu, trời nhiều mây, đất đỏ, đồi thông, hoa dã quỳ…đến đèo Prenn quanh co uốn lượn. Hai bên đường, trước mặt là những rừng thông xanh mướt tạo nên khí hậu mát mẻ. Mỗi lần đi qua lưng chừng đèo là tôi lại ngước nhìn ngôi biệt thự oan khốc nằm khuất sau những hàng thông trên đồi rồi tưởng tượng đến những cái chết trong ngôi nhà ma…và Thành Phố Đà Lạt xuất hiện trước mắt với những ngôi biệt thự, những ngôi nhà trên đồi, dưới đồi hay sau những hàng cây . Con đường vào Thành Phố hai bên những khóm tường vi, những hàng hoa hồng đủ màu tươi tắn. Con đường hoa hồng kéo dài từ đường 3 Tháng 4 chạy dài đến đường Hồ Tùng Mậu dẫn vào trung tâm Thành Phố.

Một số hình ảnh vui và ấm áp Tạ Hồng K12 gặp mặt bạn bè SPQN sáng ngày thứ Hai 9/10/2012 tại NH Trầu Cau Bình Thạnh, TP HCM
















Hình Ảnh : Phan Quang Đán.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

HẠNH NGỘ - Thơ - Vũ Hoa


 BBT: Trong buổi gặp gỡ với Tạ Hồng sáng nay ở NH Trầu Cau Gia Định, trước khi cô trở lại Mỹ; Bạn Vũ Hoa đã có một bài thơ tặng cho bạn mình, tình bạn sau bao nhiêu năm vẫn như tươi mới và đầy cảm xúc... BBT mong sẽ nhận được nhiều hơn những sáng tác của Vũ Hoa, và nhân đây cũng xin chúc cho chuyến về của Tạ Hồng được bình an, có nhiều niềm vui và sức khỏe trong cuộc sống ở nơi xa...

Màu thơ ấu bỗng hiện về từ độ
Mộng tưởng xưa, sương khói phủ vai gầy
Người vẫn vậy hiền ngoan  như buổi ấy
Nhớ thương ai, mây khói lướt qua đời

Nồng nàn quá, tim ngây thơ vẫn trẻ
Rộn ràng say hương bát ngát quanh ai
Lòng vô cớ quắt quay như đốm nắng
Sân trường xưa, đôi lứa sóng đôi chơi

Rồi một thưở, người đi về xứ lạ
Mịt mù xa, vời vợi mãi trùng khơi
Thư có gửi, không kết tròn mơ ước
Sẽ hẹn về, nối lại khúc xanh xưa

Rồi từ đó, tình bạn xa mỗi cảnh
Nhịp trùng lai, hạnh ngộ buổi hôm nay

Vũ Hoa. 15/10
Hàng đứng: Vũ Hoa (thứ hai từ phải qua), Tạ Hồng (thứ tư từ phải qua)

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Tin Buồn

Chúng tôi vừa nhận tin buồn cụ bà Lê Thị Ngoan sinh năm 1919 là thân mẫu của anh Trần Đức Lộc (CGS SPQN - K5) vừa từ trần tại Sài Gòn lúc 14 giờ ngày 11/10/2012. Linh cửu hiện quàn tại tư gia. 
Lễ động quan lúc 8:00 giờ ngày 14 tháng 10/2012, sau đó Di quan đến Đài Hóa Thân Bình Hưng Hòa.

BLL SPQN và BBT trang SPQN xin chân thành chia buồn đến anh Trần Đức Lộc cùng toàn thể tang quyến; nguyện cầu cho hương hồn Cụ Bà sớm được siêu thoát và an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Ban Liên Lạc CGS SPQN
B. Biên Tập trang SPQN

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Đôi Mắt Pleiku. (nhạc Nguyễn Cường)

 
em đẹp thế Pleiku ơi
trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
không dám nhìn vào đôi mắt ấy
đôi mắt Pleiku biển hồ đầy

có hàng thông xanh trong đôi mắt em
có dòng Sê San trong đôi mắt em
có hương rượu cần say men say men
có ngọn lửa nào đang nhen chơi vơi

em đẹp thế Pleiku ơi
trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
không dám nhìn vào đôi mắt ấy
đôi mắt Pleiku biển hồ đầy

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

MỘT THỜI NGHỊCH NGỢM.

-->
                 ( Tặng nhóm bạn vui tính  ngày ấy )

     Nội trú hồi đó lâu lâu lại  " cấm trại ", có nghĩa là không ai được ra khỏi trường, thế là hết xi nê, hết hẹn hò bát phố... Những hôm ấy sân trường lại dập dìu tài tử đến thăm giai nhân. Thôi thì đủ mọi sắc áo binh chủng... hải, lục, không quân. Sau này một anh bạn cũ đã trách khéo các cô hồi ấy chỉ mơ " hoa mai "  thôi, có mấy ai chịu " cộng chỉ số ", nam sinh Sư Phạm ngày ấy đành lép vế...
      Chúng tôi mới vào năm thứ nhất, còn khờ khạo, ngây thơ lắm. Nhìn cảnh các chị có người đến thăm cũng thấy buồn buồn, tủi tủi, bèn rủ nhau bày trò nghịch cho đỡ... cô đơn. Thế là cả bọn kéo ra đứng ở đầu hành lang lầu 3, gọi ơi ới xuống sân, lại còn đưa tay ngoắc ngoắc nữa chứ. Một tốp 3, 4 anh chàng xông lên ...  chúng tôi cuống cuồng chạy trốn. Phòng ở hồi ấy là lớp học dùng tạm, toàn cửa kính, cả bọn chui xuống gầm giường, chỗ cạnh cửa ra vào, nơi ấy có một khoảng tường thấp, nằm đè lên nhau, run rẩy, nín thở theo dõi từng bước chân đi lại ngoài hành lang, có cả tiếng đẩy cửa, tiếng nói, tiếng cười....Đợi mãi, đến khi tất cả đều im ắng, cả lũ mới lò dò chui ra. Mặt đứa nào cũng đỏ bừng, tóc tai lòa xòa, mồ hôi,mồ kê nhễ nhại....Chúng tôi nhìn nhau...  ôm bụng cười lăn lộn ,chảy cả nước mắt... Liều thật, các chị giám thị mà biết được chắc bị đuổi học hết. Không biết mai kia thành cô giáo có chừa được cái tính nghịch ngợm này?

Kynguyen

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

THƯƠNG TÌNH CA.


                           Irene.

         Tiếng đàn guitar, tiếng hát của thằng cháu dìu dặt vang lên trong đêm :
         Dìu nhau đi trên phố vắng. Dìu nhau đi trong ánh sáng. Dắt hồn về giấc mơ vảng. Nhẹ nhàng dìu nhau đi chung một niềm thương… ( Thương Tình Ca – Phạm Duy )
         Lòng tôi như lắng đọng. Thật kỳ lạ! Cứ mỗi lần nghe giai điệu của bài hát này, tôi lại nhớ quay quắt đến những con người, đến những con đường thân quen ở Qui Nhơn : Gia Long, Võ Tánh, Phan Bội Châu, Cường Để, Tăng Bạt Hổ, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn…  vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi và rồi hình ảnh chị tôi lại hiện rõ trong tôi.
         Chị tôi hơn tôi năm tuổi. Trong ba chị em kề nhau, chị là người nhỏ con nhất. Dáng người chị mảnh khảnh, thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Chị đi nhẹ nhàng, uyển chuyển. Khi chị cất tiếng hát, đôi mắt của chị sáng long lanh thả hồn theo giai điệu làm cho giọng hát trở nên sâu lắng, mượt mà và lôi cuốn.

Cô ơi! Chính cô…


 Giang Lam
      
Buổi sáng đến trường, tôi dắt chiếc xe đạp vào cổng và mang đến dựng bên hông hội trường rồi khóa cẩn thận vì nhà trường không có nhà để xe. Tôi băng qua một cái sân rộng trước mặt, bước lên những bậc tam cấp đi vào lớp. Không đợi tôi bước vào lớp. Ba, bốn học sinh đã tíu tít giành nhau cùng nói với cô giáo của mình,  chừng như sợ bạn nói mất điều mà mình cũng biết:
        - Cô ơi! Cô Hiệu Trưởng nói: Mời cô lên văn phòng họp.
          Thói quen của tôi là lúc nào cũng đến lớp sớm quan sát, nhắc nhở các em những công việc của lớp để kịp giờ học. Mặc dù, nhà cũng ở gần chỉ cần đi bộ mười phút là đến trường, nhưng lúc nào tôi cũng trừ hao cho mình đến ba mươi phút.
          Sau khi bước vào lớp nhắc nhở các em một số công việc đầu buổi học, tôi đến phòng Hội Đồng Giáo Viên để tham dự buổi họp.
          Trong phòng lúc này đã có một số thầy, cô cũng đến sớm. Ngồi được một lát thì tiếng trống báo hiệu giờ học vang lên và buổi họp bắt đầu. Cô Hiệu Trưởng phổ biến nội dung buổi họp:
“ Sáng nay hai tiết đầu học sinh hai khối lớp Bốn và Năm được nghỉ học, giáo viên hai khối đưa các em lên đường lê Hồng Phong (Võ Tánh cũ) làm hàng rào danh dự để tiễn đoàn của Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ về thăm tỉnh ta đã mấy hôm rồi bây giờ trở về lại Hà Nội. Thôi! Các thầy, cô về lớp và đưa học sinh đến địa điểm cho kịp giờ”.
            Rời phòng họp, tôi trở về lớp mang theo nội dung vừa họp truyền lại cho học sinh. Nghe xong, các em vỗ tay rần rần làm tôi cũng buồn cười nhưng kịp chấn chỉnh học sinh ngay vì đừng làm ồn để các lớp chung quanh học. Tôi còn nhớ, ngày tôi đi học cũng vậy, dù đã lớn chúng tôi cũng từng bị Soeur Giám Thị nhắc nhở là khi nghe được nghỉ học hai tiết môn Triết vì thầy Nguyễn Mộng Giác bị ốm, tôi và cả lớp cũng vỗ tay rào rào như thế. Học sinh mà, cứ nghe nghỉ học là vui chứ không còn biết đến chuyện ốm đau của thầy cô giáo.
            Ngôi trường mà tôi đang dạy là trường Mai Xuân Thưởng. Trường nằm trên đường Nguyễn trãi, được xây trên nền cao ráo với các bậc tam cấp bước lên những dãy hành lang dẫn vào các phòng học, từ cổng chính đi vào đó là một dãy lầu, hai dãy hai bên là nhà trệt tất cả tạo thành hình chữ u, quay mặt ra hướng Nam đón ngọn gió nồm từ biển thổi vào hàng ngày quạt mát cho cô, trò chúng tôi suốt trong những buổi học, chứ thời ấy làm gì lớp học có quạt máy. Quanh năm chỉ nhờ ngọn gió trời này. Trong sân trường trồng rất nhiều loại cây: ngay trước văn phòng hai cây phượng được trồng hai bên, mùa hè hoa nở đỏ rực và những chú ve tha hồ hát hò râm ran báo hiệu mùa thi đến. Cũng là lúc cô, trò chúng tôi lại bịn rịn chia tay nhau, trong sân còn có những cây bàng xòe những tán lá như những cây dù màu xanh, ngoài ra còn có những cây me Tây to lớn tỏa bóng mát cho học sinh tha hồ nô đùa vào những giờ ra chơi.
         Ngày còn là một Giáo Sinh, tôi đã có dịp về thực tập ở trường này.Vị Hiệu Trưởng ngày đó là thầy Hồ Phú Quế, thầy cũng dạy tại trường Sư Phạm lớp chúng tôi môn Quản Trị và Thanh Tra Học Đường. Hôm lớp chúng tôi về thực tập gặp lúc trường đang chuẩn bị cho các học sinh đi thi văn nghệ, hình ảnh thầy Hiệu Trưởng ôm đàn Mandoline tập cho học sinh hát đã là một hình ảnh đẹp trong mắt tôi, để tôi còn nhớ mãi cho tới bây giờ.
Sân trường lúc nào cũng sạch sẽ, từ hành lang của các lớp cho đến những lối đi dẫn từ cổng vào. Sát cổng trường thường có những người bán quà cho học sinh. Những năm 79-80 quà vặt cũng chả có gì ngoài me, cốc, ổi, xoài, mía…Thỉnh thoảng có cà rem hoặc kẹo cà…Nhưng có mấy học sinh có tiền để mua? Vì ngay cả việc ăn sáng thì cũng đã là một vấn đề xa xỉ rồi, chứ nói gì đến quà vặt.
        Hai bên cổng trường và sát tường là những đám đất chưa được láng xi-măng, đây cũng là nơi mà những nhà dân trong xóm thường mang rác và chất thải ném ra bãi đất này để xe rác đến lấy, đây cũng là bãi vệ sinh của những chú chó thường loăng quăng dạo chơi. Khi đêm đến đèn đường không có, nơi đây biến thành địa điểm phóng uế của những khách bộ hành lỡ đường, nên lúc nào cũng nhớp nháp, hôi hám nhà trường đã nhờ Tổ dân phố nhưng được ít bữa rồi đâu lại vào đấy! Khổ thân cho cô, trò chúng tôi lâu lâu lại phải lao động vệ sinh một bửa bở hơi tai nhưng cảnh cũ vẫn tái diễn hàng ngày như thế! Còn học sinh thì vô ý cứ dẫm những chất thải tha vào lớp học và hình như sự vô ý của các em cứ tăng dần vài ba hôm lại bị như thế. Đến nỗi tôi thấy đã đến lúc phải đưa ra một biện pháp cứng rắn hơn tí nửa để đảm bảo giờ học và vệ sinh lớp. Tôi dặn cả lớp:”Từ nay khi xếp hàng vào lớp Tổ trưởng các tổ sẽ kiểm tra dép, em nào lỡ thì cho đi rửa để khỏi mang vào lớp mất vệ sinh, tổ nào có học sinh vi phạm sẽ bị mất điểm thi đua của tuần.”
         Tôi giao hai học sinh trực ở lại trông lớp rồi đưa tất cả học sinh ra sân. Chỉ một loáng những chú lính tí hon của tôi đã hàng ngũ chỉnh tề và đợi lệnh của cô giáo.Tôi tuần tự đưa các em di chuyển đến địa điểm. Thông thường khi đi cùng học sinh ra khỏi trường dù là đưa các em đi cổ động hay xem phim hoặc coi văn nghệ lúc nào người dân hai bên đường cũng đổ ra xem nên tôi ngại và thường có thói quen hay đi vào phía trong lề để tránh bị mọi người nhìn. Thời đó, chưa có xe cộ nhiều chủ yếu là xe đạp và họ sẵn sàng nhường đường cho học sinh nên cũng không sợ học sinh mình bị tai nạn, gặp như thời bây giờ thì cô giáo phải đi ngoài để bảo vệ học sinh.
          Chỉ cần năm phút là đến nơi vì trường ở gần và học sinh lúc nào cũng đi nhanh nên giáo viên phải đi theo cho kịp các em lớp của mình. Chia các em đứng hai bên đường cùng với học sinh các lớp khác và khoảng hai mươi phút sau thì phái đoàn xuất hiện. Từ xa mấy chiếc xe màu nhà binh, xe chạy ngang qua, cửa đóng nên  không thấy được ai cả? Xe chạy qua, thế là công việc đưa tiễn xong. Giáo viên lại đưa học sinh về và tôi cũng đi vào phía bên trong  như vậy.
        Về đến trường, chưa đến giờ ra chơi mà nãy giờ cô, trò đứng ngoài nắng nên cũng khát nước. Thế là tôi cho học sinh đi uống nước. Trưởng lớp điều khiển cho từng bàn các em đi vệ sinh và uống nước, lần lượt cứ hết bàn này đến bàn khác, vì lớp đông, sĩ số trên năm mươi học sinh nên không thể cho các em ra cùng một lần, nếu ra như thế các em nô đùa làm ảnh hưởng lớp khác đang học.                            
      Thời đó thì tất cả học sinh đều uống nước ở một cái giếng sát nhà Bác Cai trong khuôn viên của trường. Cứ múc một gàu lên là các em cùng nhau uống những ngụm nước trong và mát thế thôi! Chứ chẳng có thứ nước nào khác nữa.
       Trong khi đó, tôi ngồi ở bàn của giáo viên vừa nghỉ mệt và cũng vừa trông lớp. Bàn của giáo viên thì thường được đặt trên một cái bục cao khoảng ba mươi cm làm bằng xi-măng, để ở đây chúng tôi có thể quan sát cả lớp dễ dàng hơn. Lật Giáo Án ra để xem, hôm nay tôi chỉ dạy ba tiết chính là Tập Đọc, Toán, Chính Tả, còn hai tiết Thể Dục, Tập Viết tôi sẽ hướng dẫn cho các em rồi về nhà các em làm. Nhìn xuống lớp, lúc này các em đã thay phiên nhau đi cũng được khoảng hơn nửa lớp. Tôi nghỉ cho học sinh uống nước xong trước. Sau đó, tôi cũng lên văn phòng để uống nước sau. Bỗng nhiên tôi thấy những học sinh ngồi dãy bàn phía trước mặt tôi lấy tay bịt mũi, một số em thì nói nhỏ với nhau là: Hôi lắm!
         Lúc này tôi cũng đã xem xong bài nên lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ và nói:
        - Em nào dẫm phải thì Trưởng lớp cho ra ngoài đi!
        Cả lớp im lặng không em nào nói gì cả.Thấy vậy tôi ra lệnh tiếp, lần này thì có vẻ bức bách hơn, kẻo sợ những hậu quả xấu xảy ra như những lần trước.
        - Các em tự kiểm tra dép mình xem, em nào dẫm thì đi rửa nhanh!
        Cả lớp cũng im lặng, tuy nhiên các em ngồi các bàn đầu vẫn đưa tay lên bịt mũi. Lúc này tôi bắt đầu thúc giục với giọng gay gắt hơn:
       - Em nào lỡ thì ra khỏi lớp ngay!
       Cả lớp cũng vẫn lặng thinh, cái không khí im lặng bao trùm lớp học. Tôi chẳng hiểu chuyện gì? Rồi các em thầm thì to nhỏ gì đó với nhau. Em Trưởng Lớp đứng dậy nói:
      - Thưa cô! Đã kiểm tra rồi, không có bạn nào cả.
      - Không có bạn nào sao các em bịt mũi?
        Lúc này thấy bực nên tôi hỏi lại Trưởng Lớp với giọng không vui. Học sinh lại xầm xì gì đó với nhau. Cuối cùng trưởng lớp đến bên bàn cô giáo và lấy hết can đảm nói nhỏ vào tai:
        -Thưa cô! … Dép cô…
       Tôi nhìn xuống dép của mình thì ra chính là … Mặt tôi đỏ bừng, nóng ran lên... Không nói nên lời tôi đi thật nhanh ra khỏi lớp…
         Khắc phục sự cố xong tôi đến Văn Phòng. Đầu óc miên man bần thần, tự trách mình sao vô ý thế, hết giờ chơi tôi lại về lớp dạy cho kịp những tiết học.
         Từ tai nạn ấy! Tôi giữ kín trong lòng không dám nói với đồng nghiệp vì xấu hổ. Mãi đến mấy năm sau nhân một hôm sau giờ dạy vào Thư Viện trường tìm sách đọc, tình cờ tôi đọc được tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, trong đó có câu chuyện của một thầy giáo dạy lớp Đồng Ấu ở trường làng cũng gặp sự cố như tôi. Câu chuyện được tác giả viết thật vui và dễ thương đến nỗi tôi đọc say sưa, đọc đến đâu tôi tự cười một mình và nghỉ thầm may quá thế là từ nay tôi cũng có đồng minh rồi.
         Cũng từ hôm đó trở đi tôi thấy vui, mới dám đem câu chuyện gặp sự cố của mình kể cho các đồng nghiệp nghe. Nghe xong ai cũng òa lên cười vui vẻ.
         Nhiều năm trôi qua, bây giờ đôi lúc ngồi nhớ lại. Tôi vẫn thấy xấu hổ và đâu đó hiện lên hình ảnh ngô nghê dễ thương của học sinh tôi. Cô cũng có lỗi vậy, không phải lúc nào trong mắt các em cô giáo cũng là thần tượng, không bao giờ mắc sai lầm. Nhưng các em có biết không ? “ Cô cũng là người và là người thì không tránh khỏi những khuyết điểm. Cô sẽ sửa chữa.” Từ hôm đó trở đi mỗi lúc ngang qua đám đất trước trường, tôi tự nhủ phải cẩn thận hơn để tôi không rơi vào tình huống khó khăn trước học sinh tôi một lần nữa...


                                                         Qui Nhơn tháng 10/2012
                                                                 Giang Lam

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...