Irene.
Chưa bao giờ tôi nghĩ có một ngày tôi sẽ rời xa mảnh đất mà mình yêu dấu! Mảnh đất tôi đã sống và lớn lên gần như suốt cuộc đời mình. Thế mà tôi đành phải rời Qui Nhơn vào Sài Gòn bỏ lại sau lưng cả một trời kỉ niệm. Cho đến bây giờ tôi mới tin vào số mệnh. Cuộc đời mỗi con người, đến một lúc nào đó có những ngả rẽ mà không ai có thể ngờ trước được…
Vào đây, cuộc sống của tôi suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Lạ cảnh, lạ người nên chẳng đi đâu, chỉ có sáng chủ nhật, con gái tôi mới chở tôi qua siêu thị mua một số thực phẩm cho cả tuần. Thời đại ngày nay, xã hội phát triển nên việc mua bán càng ngày càng dễ dàng nhất là ở các thành phố lớn. Kinh tế phát triển ào ạt sinh ra nhiều siêu thị, nhiều trung tâm mua bán…Hàng hóa ê hề. Người mua kẻ bán như những cái máy và tôi cũng ở trong cái guồng quay ấy!
Sài Gòn, sáng nắng chiều mưa, những lúc giao mùa, những khi trời chơm chớm lạnh như mấy hôm nay, ngồi nhìn ra ngõ tôi lại chạnh lòng nhớ tới quê nhà. Nỗi nhớ về miền đất, nhà cửa, con đường, phố chợ lại bùng cháy trong tôi.
Khi còn ở quê nhà, mỗi lần đi ngang qua một vùng quê nào đó? Dừng lại ngắm cảnh trời mây, núi non, đồng ruộng hay quang cảnh sinh hoạt của chợ quê sao mà nó mộc mạc, giản dị và gần gũi thân thương .
Bình Định có nhiều chợ. Qui Nhơn có Chợ Lớn, chợ cá Khu Hai, Khu Một, chợ Khu Sáu, chợ Bến Xe… Tuy Phước có chợ Dinh, chợ Huyện ( nổi tiếng nem chợ Huyện ), chợ Phú Đa, chợ Bồ Đề, Chợ Gò Bồi… An Nhơn có chợ Bình Định chợ Gò Găng( nổi tiếng nón Gò Găng). Tây Sơn có chợ Phú Phong, chợ Bình Tường, Kiên Mỹ, Kiên ngãi… ra Phù Cát có chợ Phù Cát, chợ Cát Thắng, chợ Cát Tài, chợ Cát Tiến… Phù Mỹ có chợ Mỹ Thắng, Hoài Nhơn ta đến chợ Bồng Sơn, Chợ Bộng, Chợ Đỗ, Chợ Đồng dài… Tam Quan…Đi về các vùng nông thôn ta thường thấy ở mỗi xã, mỗi làng nhóm họp chợ. Chợ ở đâu thì thường lấy tên làng xã ấy. Hình như nơi đâu có người thì nơi ấy có chợ. Chợ là nơi mọi người xung quanh vùng đó họp nhau mỗi ngày để mua bán trao đổi những hàng hóa cần trong sinh hoạt hàng ngày.
Ngày còn bé, ba tôi thường chở tôi đến một vài chợ quê ở Tuy Phước. Ba tôi nói: “…Muốn biết đời sống ở một vùng quê nào đó ra sao thì hãy ngắm chợ là biết…”
Mà đúng thế! Nơi nào sầm uất thì chợ nơi ấy đông vui, hàng hóa nhiều. Vùng quê nào hẻo lánh, dân cư thưa thớt thì chợ nơi ấy lưa thưa vài ba hàng quán…Chợ phản ánh một phần nào đời sống của người dân nơi đó. Chợ bộc lộ được tính cách của người dân qua cách ứng xử, lời nói, biểu lộ cảm xúc mà không hề che dấu hoặc tô vẽ…
Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
Dù thế nào đi nữa chợ vẫn là cái hồn của quê hương. Chợ quê có từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, từ miền núi xuống miền đồng bằng. Chợ có thể nhóm họp trên bến hay dưới thuyền. Giữa lưng núi hoặc giữa dòng sông. Ờ vùng đông đúc hay vùng sâu vùng xa…Ở đâu thì chợ quê vẫn mang cái nét đặc trưng như nhau. Đó là đậm chất tình quê.
Trên những con đường làng quanh co, ngoằn ngoèo chạy giữa những xóm làng hay giữa những cánh đồng lúa xanh rì hoặc vàng xuộm với cái se se lạnh của sương sớm. Tôi gặp những người dân quê lũ lượt gánh gồng ra chợ. Đến chợ quê, có khi tôi chỉ thấy một số người ngồi lúp xúp bán rau củ quả, cá tôm…nhưng thực phẩm rất tươi sống. Họ trao đổi mua bán với nhau…Rồi dần dần theo năm tháng, càng ngày chợ càng đông người và hàng hóa cũng tăng dần theo.
Những hình ảnh quen thuộc của chợ đó là vài cái lều lợp lá dừa, tranh hay rơm… trên mấy cái cột tre xiêu vẹo hoặc ngồi bày hàng quán trên một bãi đất trống nào đó ? Hàng hóa bày thành những dãy trên lối đi. Hàng hóa bày bán thường là những sản phẩm đia phương nên thay đổi theo mùa. Họ tìm đến chợ để bán gánh thóc, thúng đậu, rổ khoai, rổ sắn, mớ rau, tôm cá, gia súc… cây nhà lá vườn, có gì bán nấy. Những âm thanh lao xao của cảnh mua bán… rồi chợt nhận ra rằng Chợ quê đã đi vào trong lòng mình những cảm xúc khó quên. Thật vậy, chợ quê đã đi vào tận trong tâm thức của người Việt Nam hòa vào dòng chảy văn hóa từ ngàn đời trải qua bao nhiêu biến đổi nhưng truyền thống đó thật khó phai mờ. Chợ quê ghi lại những dấu ấn đặc trưng của mỗi vùng miền chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của đất nước chứng kiến những giai đoạn mưu sinh gian khổ cơ cực hay hưng thịnh của một triều đại lịch sử nào đó…
Chợ quê là một không gian sống động là một nơi chốn gặp nhau của mọi tầng lớp trong xã hội, nơi mà mọi người bộc lộ những tình làng nghĩa xóm với nhau. Người đi làm đồng về gặp buổi chợ ngồi nghỉ lưng uống ly nước chè kể cho nhau nghe chuyện đồng áng, chuyện gia đình…hay những người ra chợ để mua thực phẩm gặp nhau trao đổi với nhau về giá cả về cuộc sống thường nhật … nơi bạn bè gặp gỡ hỏi thăm nhau hoặc có khi mẹ gặp con gái về làm dâu nhà khác giữa chợ vui mừng tâm sự. Trai gái thoáng thấy nhau rồi sinh tình…
Chàng buông vạt áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa..( Ca dao )
Chợ quê cũng xuất hiện trong văn học :
Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan :
…Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà…
Nguyễn Bính :
…Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thì cứ ở đây ngồi giữa chợ
Không say mà khóc thế nhân ơi!
Hoàng Cầm lại nhớ chợ quê Kinh Bắc bên Sông Đuống :
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng.
…
Rồi những ngày chợ phiên, tôi theo mẹ đi chợ. Mẹ mua cho gói kẹo cà, một vài cái bánh ít, vài táng đường đen ăn với cơm dừa. Có khi thì một miếng mít, gói trái trâm, trái sim, trái mùng quân hay trái chim chim, giủ giẻ… Chợ phiên đông vui, nhiều hàng hóa hơn những ngày thường. Chợ hôm ngày nào cũng họp còn chợ phiên họp vào những ngày theo chu kỳ đã định. Có khi chợ họp vào ngày ba và ngày tám có nghĩa là phiên chợ sẽ họp ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám hàng tháng theo âm lịch. Có chợ phiên vào ngày sáu tức là mùng sáu, mười sáu, hai sáu... Những năm Chiến tranh chưa leo thang, cuộc sống rất êm đềm, yên bình, người dân an vui, chợ quê lúc nào cũng mộc mạc,
hiền hòa thấm đẫm tình người.
Khi những ngày đông rét buốt qua đi. Tiết trời trở nên ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, con người kết thúc một năm bận rộn với công việc trở về sum họp với gia đình. Mọi người đều cảm nhận mùa xuân đã đến trong từng cơn gió, từng hạt mưa, trên những cành cây ngọn cỏ. Để chuẩn bị cho ngày Tết, mọi người tấp nập đi chợ Tết.
Dải mây trắng đổ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…( Đoàn Văn Cừ )
Tôi rất thích đi chợ Tết hay nói đúng ra là tôi thích dạo chợ. Nhà tôi ở gần chợ Lớn Qui Nhơn. Khoảng tháng chạp chợ đã bắt đầu đông dần lên. Hàng hóa bày la liệt từ trong chợ ra đến tận bên ngoài kéo dài cả một đoạn đường Tăng Bạt Hổ. Cái không khí của chợ Tết trong những ngày cuối năm rất nhộn nhịp và đông đúc. Ngoài mua thực phẩm để dùng vào ba ngày xuân. Người dân mình lại có tục lệ cuối năm thường sắm mới những vật dụng ở trong nhà từ cái chổi quét nhà, chiếc chiếu, chén bát, đũa, muỗng …thay thế những cái cũ và hơn nữa ra giêng, ai cũng cử không đi mua sắm. Mọi người quan niệm Tết đến cần xua tan đi bao nỗi sầu của năm cũ đem lại niềm hy vọng cho năm mới may mắn hạnh phúc hơn.
Vì thế, ai ai cũng lo đi cho kịp phiên chợ cuối năm để còn trở về nhà sửa soạn trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bàn thờ, nấu nướng đón rước tổ tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu. Rồi khi chiều về, phiên chợ cũng dần tan. Không gì buồn hơn cảnh chợ chiều cuối năm :
…Trên con đường đi các làng hẻo lánh
Những người quê lũ lượt kéo nhau về
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ…(Đoàn Văn Cừ)
Giao thừa, trên bàn thờ khói hương trầm lan tỏa. Trong thời khắc thiêng liêng đó. Mọi người như tìm lại chính mình rồi cùng người thân tiễn biệt năm cũ để đón năm mới nhiều may mắn nhiều niềm vui và tràn đầy thắng lợi.
Sáng mồng một, nhiều người ở Qui Nhơn và nhất là Tuy Phước đi Hội Xuân Chợ Gò ở xã Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước. Chợ họp trên một gò đất dưới chân núi Hàm Long, bên bờ sông Hà Thanh đổ ra Đầm Thị Nại. Hội xuân chợ Gò nhóm họp một năm một lần vào sáng mồng một Tết. Trời vừa rạng sáng, chợ bắt đầu nhóm họp. Người dân từ các làng xã lân cận mang hàng hóa, sản vật của địa phương mình đến.
Theo truyền thuyết thì Hội Xuân Chợ Gò có từ thời Tây Sơn. Dưới thời Cảnh Thịnh(1799), quân Nguyễn Ánh tấn công Qui Nhơn đe dọa đến thành Hoàng Đế. Quân Tây Sơn đang đóng quân chống giữ ở đây. Ngày Tết sợ quân lính buồn nhớ nhà nên vua cho mở hội Chợ Gò để nhân dân và quân sĩ vui chơi.
Sáng mồng một Tết, chị tôi dẫn tôi đi Chợ Gò. Không khí ở đây rất vui. Trẻ con xúng xính khoe áo mới. Thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài. Người lớn tươi cười hỏi chào nhau. Hàng bày bán nhiều nhất là trầu cau, người đi chợ mua trầu cau còn gọi là “lộc bà”. Pháo thăng thiên, các tò he gồm gà, lợn, trâu…( mười hai con giáp). Nãi chuối, trái cam…các vật làm bằng bột nhiều màu sắc…Có một điều đặc biệt là trong khi hầu hết các chợ quê nơi khác vắng bóng hình ảnh ông đồ già viết câu đối trên giấy đỏ thắm thì nơi đây vẫn còn duy trì. Nhìn các cụ râu tóc bạc phơ khăn đóng áo dài ngồi trên chiếc chiếu hoa làm tôi nhớ đến Ông Đồ của Vũ Đình Liên :
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
…
Tôi rất thích ngắm những câu đối :
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Rồi tưởng tượng ngày Tết nhà nhà đều treo câu đối đỏ.
Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà.
Đi chợ Gò đầu xuân tôi thường mua những cái pháo thăng thiên gắn trên những cây vót nhỏ và dài làm bằng tre. Tối mồng một đốt lên, vui sướng khi thấy một nhúm lửa bay vút lên trời rồi tỏa sáng thật đẹp mắt.
Việc mua bán ở chợ Gò không nặng tính kinh doanh vì người bán thì không nói thách, người mua không trả giá.Nói chung đến với chợ Gò chỉ là để cầu lộc tìm cho mình sự may mắn và niềm vui trong ngày đầu năm.
Chúng tôi đi hội chợ Gò còn được chứng kiến các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Bình Định như hô bài chòi, lô tô, đua ghe, đi cà kheo, đi quyền, múa võ, đánh cờ, múa lân, nhảy bao bố…
Chợ Gò còn là nơi gặp gỡ bạn bè các vùng lân cận trong vùng vì quanh năm bận rộn với công việc không đi thăm nhau được. Đầu xuân họ gặp nhau, hỏi thăm nhau rồi cùng nhau lai rai vài gói nem Chợ Huyện bên ly rượu Bàu Đá tình bạn càng gắn bó, thân thiết vô cùng.
Khi mặt trời lên trên đỉnh đầu thì chợ tan. Hội xuân chợ Gò tuy diễn ra ngắn ngủi nhưng tạo cho mọi người đến đây một không khí thoải mái, vui vẻ không vướng bận những lo toan. Đến với chợ Gò ta thấy đậm tình quê hương dân tộc để lại trong lòng mỗi người những kỉ niệm khó quên.
Xã hội càng ngày càng văn minh tiến bộ, chúng ta đang sống với những tiện nghi vật chất bên cạnh những công trình kiến trúc đồ sộ nguy nga thì hình ảnh cánh đồng, con trâu, cái cày, lũy tre, đình làng, chợ quê …càng lùi xa ngoài tầm mắt của người dân thành phố. Không biết rồi đây thời gian có phủ lấp tất cả hay không? Nhưng những truyền thống tốt đẹp về văn hóa của dân tộc quê hương cần phải được trân trọng và lưu giữ để vẫn mãi mãi tồn tại trong tâm thức của mọi người. Đừng đánh mất để rồi ngậm ngùi:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
(Vũ Đình Liên)
Sài Gòn, cuối năm Tân Mão.
Irene.
CHỢ QUÊ TÔI làm cho tôi nhớ chợ quê mình quá. Xin góp một chút về phiên chợ đêm trong bài NGÀY XỬA NGÀY XƯA CỦA TÔI của LH.
Trả lờiXóaCám ơn Irene.
“… Tôi không nhớ là cứ bao lâu lại có phiên chợ đêm họp giữa đường gần xóm tôi, với mấy ngọn đèn hột vịt leo loét trong đêm tối; khi nghe tiếng kẻng báo động có tàu bay Pháp là phải thổi tắt đèn ngay... ”.
Phiên chợ đêm họp với mấy ngọn đèn dầu hay quá ! Cám ơn anh Lê Huy ! Hôm trước em thấy truyền hình có nói đến phiên chợ đêm ở Gò Găng( Bình Định ), người bán những cái lá,tre,cước ...những vật liệu dùng để làm nón hay những cái nón Gò Găng. Sự mua bán trao đổi âm thầm lặng lẽ diễn ra trong đêm dưới những ngọn đèn dầu...dễ thương và bình yên ghê anh Lê Huy ơi !
Trả lờiXóaIrene làm mình nhớ về những phiên chợ quê ở quê chồng mình,ở đó một thời mình đã vật lộn với bao khó khăn vất vả,vợ chồng mình đã từng có nhiều hôm mới hai giờ sáng phải thức dậy để cắt từng bó rau muống,từng quả mướp nho nhỏ rồi năm giờ anh ấy phải gánh ra chợ quê để mình ngồi bán..mà R biết đấy,chuyện này mình tệ lắm nhưng vì cuộc sống,vì các con mà mình vượt qua tất cả...Giờ,mỗi lúc nhớ về những phiên chợ quê ngày xưa ấy mình lại thấy buồn buồn pha lẫn chút xót xa...Nhưng giờ thì ơn đời mọi thứ đã qua,âu đó cũng là một trong những kỷ niệm mà mình không thể nào quên trong cuộc sống,có vui buồn và có sướng đau!
Trả lờiXóaCảm ơn R đã nhắc mình nhớ lại nổi đau ngọt ngào này! Thân ái.
Những lời tâm sự của TC đã làm mình rất xúc động và Yêu thương bạn nhiều lắm ! TC cũng giúp mình gợi nhớ da diết về những tháng ngày xưa cũ...Cuộc sống thì có nhiều sóng gió nhiều thăng trầm nhưng điều đáng nói là mình có nghị lực để vượt qua hay không ? "...Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối..." Hãy nhìn cuộc đời này bằng đôi mắt yêu thương, lạc quan. Mình cảm ơn rất nhiều !
Trả lờiXóaWow Irene ...rành về chợ búa quá...chắc ngày xưa còn bé hay ăn quà...ngoài chợ lắm phải không! Đọc bài này làm mình nhớ da diết cáI chợ Huyện và ...chợ Bồng Sơn. Chợ Huyện thì nhớ tới...nem và cà phê Ngọc. Chợ BS ...cũng hay ra ngồi tán gẫu với cô bạn có sạp vải và quần áo may sẵn ..."những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ"
Trả lờiXóaCó ai còn nhớ chợ Xổm ở ngả tư Phan Đình Phùng / Bạch Đằng không ? Chợ Xổm chỉ họp từ sáng tới trưa thôi, họp ngay giữa đường Bạch Đằng. Khi cần món chi lặt vặt thì anh em tui chỉ việc đi te te tới đó là có ngay, giá cả cũng phải chăng.
Trả lờiXóaCó ai còn nhớ chợ Cây Me ở Ấp Lò Vôi (ranh giới giữa Khu Tư và Khu Năm) không ? Chợ Cây Me thì họp gần đường xe lửa, họp cả ngày, tiện chân cho bà con ở quanh xóm Ga Xe Lửa.
Có ai còn nhớ chợ Tháp Đôi không ? Chợ Tháp Đôi thì họp ngay chân Tháp Đôi, tiện chân cho bà con Khu Năm (từ Cầu Đôi đến Trụ Đèn Đỏ).
Miên... Miên...
Trả lờiXóaCô chủ Cà Phê Ngọc ngày xưa ấy (ở Kỳ Sơn / Tuy Phước) đang ở Sè Ghềnh nhỏ đó, Miên... !
ren ơi bài viết nhắc lại nhiều kỉ niệm đi chợ ,thật dễ thương. cám ơn .bbt đã đưa những tranh ảnh đẹp.
Trả lờiXóaCám ơn anh LêDuMiên ! Em không rành chợ búa nhưng lại thích dạo chợ. Em cũng thích ăn quà nhưng hồi xưa con gái không dám ngồi ăn giữa chợ vì sợ mọi người nói mà mua về nhà ăn ...
Trả lờiXóaAnh Lê Huy nhắc các chợ ở Qui Nhơn làm em nhớ quang cảnh các chợ đó quá. Bái phục trí nhớ của anh ! Nếu biết như vầy thì trước khi viết em gọi điện thoại cho "sư phụ" xin giúp "đệ tử" vài chiêu thì bài viết Chợ quê tôi sẽ phong phú ý tưởng hơn.
Trả lờiXóaCám ơn chị Giang lam thật nhiều !
Trả lờiXóaIrene cũng cám ơn BBT minh họa các hình về chợ rất đẹp !
Cám ơn Le Huy...Saigon nhỏ ...mênh mông....
Trả lờiXóaVề đây đi Miên... Huy dẫn đường cho...
Trả lờiXóaLại vừa chợt nhớ tới chợ Ghềnh Ráng. Chợ nhỏ thôi, chỉ dựng tạm chừng mươi cái sạp bán hàng.
Trả lờiXóaChợ này có mặt sau '75 ngay ngả ba, đầu con đường đất dẫn ra biển. Đặc biệt chợ chỉ bán toàn trái cây, chủ yếu là bán cho du khách trong và ngoài nước.
Có lần vợ chồng chú em tôi từ Đức về, ghé chợ mua một ít trái cây. Vợ chồng chú ấy hỏi giá, cô hàng trái cây không nói giá mà hỏi cô em dâu tôi: "Cô này là người Nhật phải không?". "Dạ không, tui là người Việt mà!". Anh em tui xúm nhau tủm tỉm cười. Chuyện có vậy mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Irene ui ! Chợ quê cũng xuất hiện trong văn học qua bài
Trả lờiXóaQua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan :
…Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông "RỢ " mấy nhà…
chứ !
Rất cám ơn Dinh Thuc K13 rất nhiều!
XóaIrene đưa tôi đi dạo các chợ quê Việt Nam thật là thú vị . Tôi cũng thích thơ của Đoàn Van Cừ . Cám ơn bài viết mang đậm tình quê .
Trả lờiXóa