Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Ngôi nhà bên sông

        .  Truyện ngắn: HUỲNH VÔ THƯỜNG


 Chiếc xe đò vùn vụt lao qua bao chiếc cầu, vườn cây, bãi mía và đồng lúa chín vàng đưa tôi về quê ngoại.
 Quê ngoại! Nỗi náo nức dậy sóng trong lòng tôi. Đã bao năm xa cách, giờ đây tôi được về thăm ngoại, thăm lại mảnh vườn, dòng sông nhỏ và ngôi nhà bên ấy – nơi có người con gái chơi thân với tôi suốt quãng đời tuổi dại.
 Về đến nhà ngoại đã mịt tối. Kể từ ngày dì Út đi lấy chồng, bà ngoại một thân một mình thui thủi. Nghe tôi tốt nghiệp Sư Phạm Qui Nhơn chọn về đây làm “ ông hiệu trưởng”, ở luôn với ngoại nên ngoại vui lắm. Buổi tối tôi ngồi đong đưa trên võng, ngoại ngồi trên chiếc chõng tre vừa ngoáy trầu vừa kể tôi nghe chuyện làng trên xóm dưới. Tôi định hỏi một điều, nhưng còn e ngại. Rốt cùng ngoại cũng gỏi tôi câu:
-         Sao con cứ hỏi vòng vo mà hổng nghe con nhắc đến con Na?
Nghe ngoại nói trúng phóc tim đen, tôi cười lỏn lẻn:
-         Cô ấy bây giờ ra sao, chồng con gì chưa ngoại?
Ngoại kéo cục thuốc xỉa:
-         Chưa. Có mấy đám mang trầu cau tới dạm hỏi mà nó chưa ưng.
Nghe ngoại nói, tôi mở cờ trong bụng. Na chưa ưng ai, hay là Na chờ tôi?

 
Đêm. Tôi vào giường nằm. Hình như gió từ ngoài sông thổi lên mát dịu. Gió mang hương đồng nội sực  nức mũi tôi. Dòng sông ký ức lại hiện lên, êm đềm trôi, đưa tôi về thời thơ ấu…
 Hồi đó, chiều nào tôi cũng ra bến sông tập lội. Tôi bơi cóc nhái, chó mèo, đập chân loạn xạ, sặc nước liên miên, vậy mà có con nhỏ ngồi chồm hổm bên kia sông cứ nhìn sang với ánh mắt đầy thán phục. Rồi một ngày chẳng nhớ tội gì, tôi bị mẹ quất vào mông mấy roi đau điếng. Tuổi thơ nông nổi, tôi đã phóng ùm lội một mạch qua sông, lủi vào bụi cóc kèn ngồi khóc. Con nhỏ “chồm hổm” đã dỗ tôi bằng mấy múi bưởi thật ngon. Tôi hỏi bưởi gì mà ngon vậy? Con nhỏ đáp:
-         Bưởi năm roi!
Lúc đó tôi đã há mồm tròn mắt nhìn nó. Mẹ đánh đòn tôi trong nhà làm sao nó biết rõ là tôi lãnh đủ năm roi? Sau, tôi mới biết là có giống bưởi “ năm roi” này thật.
Rồi tôi thường chống xuồng sang chơi nhà con nhỏ. Chúng tôi bày rất nhiều trò chơi. Tôi cất chòi cho nó bán quán, rồi lấy tiền lá mít mua ăn. Quán treo đầy thứ trái cây theo mùa. Biết tôi thích bưởi năm roi nên nó treo bán miết. Con nhỏ thiệt mắc cười. Hễ bán cho tôi thứ gì là nó cũng xơi luôn thứ ấy. Khi sạch quán thì bụng chúng tôi cũng căng ních, nằm ì ra chòi ngủ một giấc ngon lành.
Có một sáng tôi đứng cạnh lu nước ở bến sông vừa rửa mặt vừa nhìn phù sa váng đầy bờ bãi thì nghe tiếng nó:
-         Uổng quá bạn ơi!
Tôi hỏi: “ Uổng gì?”, nó mếu máo:
-         Chòi sập tiêu rồi!
Thì ra con nước rong đêm qua đã cuốn mái chòi
trôi mất. Thấy nó cứ tiếc hùi hụi, tôi nói:
-         Để tui làm lại cái chòi khác. Cất chòi dễ ợt mà!
Rồi không hiểu sao, cao hứng thế nào, tôi lại hứa:
-         Sau này lớn lên tui sẽ cất nhà lầu cho Na ở.
Nó hỏi lại:
-         Thiệt hay xạo đó?
Tôi ngửa mặt lên trời cố tìm cái gì đó để thề, bỗng thấy chiếc máy bay. Thế là tôi nói ngay:
-         Đứa nào dóc cho máy bay nó cán!
Sông còn lại thì thầm kể lại thời chúng tôi chớm lớn học ở trường xa. Mỗi ngày bọn tôi bơi xuồng lên Bến Sạn gởi ở một nhà quen rồi cùng đạp xe đến trường. Một trưa học về bụng đói meo, vậy mà Na cứ bắt tôi tấp xuồng vô hái bông bần. Người Na thấp cố với tay hái bông, tôi phát nòng nên hái dùm. Lúc ấy, bỗng dưng tôi nghe có mùi hương rất lạ. Ngó dáo dác, tôi mới phát hiện mùi này tỏa ra từ cơ thể của Na. Chắng biết ma xui quỷ khiến hay sao mà tự lúc nào tôi đã ghếch cằm lên vai Na hít lấy hít để. Trong giây phút không gian gần như lắng đọng đó thì bỗng nhiên… “ Ùm”! Na đã xô tôi lộn cổ xuống sông, nàng bơi xuồng xa tôi một khúc. Nếu lúc đó tôi không sáng ý giả bộ chết đuối la làng chắc Na đã bỏ tôi luôn.
Sông lại còn thì thầm kể bao nhiêu chuyện nữa. Có chuyện cười ra nước mắt và cũng có chuyện méo xệch cái mặt luôn. Nói chung, thường là tôi bị Na hành. Mà sao lúc nhỏ tôi hiền khô như cục bột vậy không biết. Cứ mặc cho Na muốn nắn sao thì nắn. Duy có một lần, Na làm tôi cảm động đến khóc, là lúc tôi khăn gói theo gia đình chuyển xuống Nha Trang. Bên kia sông, Na đứng bên gốc dừa nhìn theo quẹt nước mắt mãi không thôi.
Sông lại ru tôi ngủ. Trong mơ tôi lại tìm thấy Na. Sẽ là một giấc mơ êm đềm thơ mộng nếu như không có cái kết cục phủ phàng. Tôi thấy tôi và Na bơi thuyền hái bông điên điển. Tôi ngồi cạnh Na, quàng tay qua vai nàng và mặc tình hít thở. Hồn tôi đang đê mê tận hưởng làn hương dịu dàng thì bỗng đâu nàng đưa tay véo mạnh vào mũi tôi. Cảm giác nóng rát tràn dâng nơi mũi. Tôi vừa kịp kêu lên một tiếng thì giật mình thức giấc…Trưa trờ trưa trật. Mặt trời đã lên cao nghệu. Nắng giọi qua cửa sổ chiếu thẳng vào mũi nóng bỏng. Bất giác tôi đưa tay lên sờ mũi và muốn bật cười…
Thấy tôi thức dậy, ngoại nói:
-         Đường sá xa xôi mệt nhọc ngủ dữ hả con?
Rồi ngoại thêm:
-         Trưa nay con chịu khó chống xuồng qua thăm
Con Na để  nó cứ hỏi thăm hoài. Tội nghiệp con nhỏ tốt nết, hiền lành, dễ thương.
Nghe ngoại nói, tôi biết ngoại “ ưng” Na từ đầu đến chân. Ngoại đâu biết trong giấc mơ tôi, Na có hung dữ như thế nào?
Trưa. Tôi ngồi dưới bóng cây nhìn sang nhà Na. Bên kia dòng sông nhỏ, nàng đang phơi lúa. Cái bồ cào trên tay, nàng đưa tới đưa lui trên một khoảng sân vàng ánh. Dáng Na giờ đã cao hơn xưa nhiều. Thỉnh thoảng nàng ngưng tay quẹt mồ hôi trán rồi kéo nón lá phe phảy quạt. Nhờ vậy tôi nhìn rõ gương mặt Na hơn. Không thay đổi! Khuân mặt Na vẫn tròn và phinh phính như cái… bánh bao  mới ra lò. Hồi nhỏ, tôi được véo cái “ bánh bao” đó mấy lần, là khi Na làm toán không được, cậy tôi làm “ thầy”. Và cái bánh bao mới ra lò đôi khi giận tôi cũng chuyển sang cái… bánh bao chiều!
Lúc này Na đã ra đứng ở lu nước cạnh bến sông. Lạ! Na nhìn gì sang nhà ngoại tôi dữ vậy? Tìm tôi? Tự dưng thấy thương Na quá, tôi bước ra gọi:
-         Na!
Bị bắt quả tang, Na luýnh qua luýnh quýnh. Tôi cười, còn nàng thì đưa tay bẻ ngón.
-         Na đang làm gì đó?
-         Ư… ơ…Na nhìn nước chảy dưới sông.
Đúng là dóc tổ! Hồi xưa, Na nói gì tôi tin đó, chứ bây giờ đi năm sông bảy núi đã đủ hiểu biết của thằng con trai rồi, tôi đâu dễ tin như vậy.
-         Nhớ Na đâu có bị… lé. Sông gì nằm trên nhà ngoại tui?
Điệu bộ bẽn lẽn, lúng ta lúng túng của cô nàng sao mà dễ thương quá. Tôi kêu lên:
-         Tui sang chơi vơi Na nhé!
-         Thôi, thôi. Ông qua làm gì?
-         Thì cất chòi cho Na bán bưởi năm roi!
-         Ông này!...Nhắc chuyện hồi nhỏ. Quê òm!
-         Quê gì quê! Tui còn cất nhà lầu cho Na ở nữa,
chịu hông?
Chẳng chờ Na có phản ứng, tôi phóng vội xuống xuồng, nhắm hướng ngôi nhà bên sông, bơi miết…
                                   
 H.V.T ( K.5)
( Trích trong “ Phảng Phất Hương Xuân – 1”)

2 nhận xét:

  1. Ngôi Nhà Bên Sông của Huỳnh Vô Thường gợi cho tôi nhớ đến chuyện hồi nhỏ của tôi ở quê nhà quá!
    Cám ơn bạn.

    “… … …

    Một hôm Múp Míp rủ tôi chơi trò… “dzợ chồng”. Hai đứa chun xuống cái hầm lớn có ngách có nóc dùng để trốn tàu bay của nhà nó. Nó làm “dzợ” ở nhà ru “con” búp bê; còn tôi thì làm “chồng” đi chợ mua thức ăn. Nhỏ dặn vói theo “Nhớ mua cái mền để đắp nữa, nghen… ba… !”. Đi chợ một lát tôi tha về một ít gạo (cát), thịt (vỏ bưởi), cá (vỏ cam), rau (lá mì) và dĩ nhiên là… không dám quên cái mền (tàu lá chuối). Tôi hí hửng chìa mấy món này cho nhỏ coi, nhỏ khen “Ba giỏi quá… !”. Đó rồi Múp Míp lăng xăng lo “nấu cơm”; còn tôi thì “chơi với con”. “Cơm nước" xong hai đứa lăng đùng ra ngủ, “đứa con” nằm giữa nhắm mắt lại, cái mền đắp ngang bụng ba đứa tôi. Đến khi Cu Anh kéo mạnh chân thì tôi mới thức dậy. Thì ra hai đứa tôi đã thiếp đi, ngủ thiệt, ngủ ngon lành hồi nào không hay. Khi trồi lên miệng hầm thì thấy hai ông ba với hai bà má đứng ở đó rồi. Má Múp Míp giơ hai tay lên than “Trời… Ba má tìm muốn chết… !”; còn má tôi thì cười nắc nẻ “Mời… ông bà đi tắm rửa rồi ăn cơm”.
    … … … ”.

    (trích Ngày Xửa ngày Xưa Của Tôi – Lê Huy
    Los Angeles, Mar. 2010)

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết đưa mọi người về lại những tháng ngày tuổi thơ với tâm hồn ngây ngô, mộc mạc...thật êm đềm, nên thơ nơi quê nhà. Cám ơn anh Huỳnh Vô Thường !

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...