Ngày xưa, trong các môn thi tuyển vào SPQN có một môn đặc biệt, đó là “ Bài luận ngắn “ chỉ cho phép người thi viết nhiều nhất 25 hàng trên giấy thi mà thôi. Với trình độ ít ra cũng là Tú tài mà phải viết bài nghị luận về đề tài giáo dục chỉ với 25 hàng chữ, thực ra cũng hơi ép người thi. Rõ ràng mục đích ở đây là muốn phát hiện khả năng tinh giản ngôn ngữ của thí sinh để chọn người vào ngành dạy học.Tại sao dạy học phải có khả năng tinh giản ngôn ngữ?
- Ngôn ngữ viết hoặc nói đều diễn ra dưới các dạng: tường thuật, cảm thán, hỏi, đáp, và im lặng, tức là để giấy trắng. Nếu âm thanh khởi nguồn từ sự im lặng thì chữ viết bắt đầu từ chỗ rổng rang. Giả sử trong bài luận ngắn nói trên có một người có thể rút gọn từ 25 hàng xuống 24, 23, 22, ….. cho đến tự tay mình không viết ra chữ nào mà vẫn thông tri được nội dung cần khảo nghiệm thì đó quả là một sư tổ! Ta thấy các kinh sách quí giá đều là những quyển sách rất mỏng, chẳng hạn, “Trung Dung “ của Khổng Tử, “ Đạo Đức Kinh “ của Lão Tử, cho đến tinh giản chỉ còn một bài đọc ngắn như “ Bát Nhã Tâm Kinh “ của Phật giáo, hay “Bài Giảng Trên Núi “ trong Thánh kinh. Tinh giản ngôn ngữ là trở về nguồn của nó.
Từ ấy đến nay, hơn bốn mươi năm, biết bao “ vật đổi sao dời “! Nhưng, trong cuộc sống thường ngày, tôi vẫn còn cảm thấy tinh thần tinh giản của “ Bài luận ngắn “ thuở xưa như luôn nhắc nhớ chúng ta, “ Đừng dùng của cải thế gian nhiều lắm! “ . Nó như là sứ mệnh thiêng liêng buộc chặt vào số phận của người làm thầy: “Nghèo nàn về của cải vật chất nhưng rất giàu có về tinh thần và lòng yêu thương. “
Người thầy là kẻ mang trong mình lượng thông tin phi vật thể nhiều hơn người học. Muốn chuyển tải nó đi không phải chỉ dùng ký hiệu ngôn ngữ nhưng phải dùng tình yêu. Chỉ có tình yêu thương mới giúp chúng ta đến được các bến bờ mới lạ. Đây là lý do tại sao một trong các nguyên tắc sư phạm chỉ rõ, người thầy phải thương yêu bảo vệ học trò của mình.
Bỡi sự sống là cái “bây giờ và ở đây”, tôi nghĩ, chúng ta nên hiện tại hoá quá khứ để cuộc sống thêm phong phú trọn đầy , hơn là bắt cái hiện tại của mình trở về quá khứ xa xưa, không còn có ở đó nữa. Và tôi xin ghi lại ý này ở đây:
Ngôn Ngữ Chướng
Khi chưa cất tiếng nói
Như chim bay ngang trời,
Như cọp trong rừng sâu,
Như cá nằm đáy nước.
*
Khi đã cất tiếng nói
Như chim ca trong lồng,
Như cọp gầm trong cũi,
Như cá lội trong lưới.
*
Khi thét tiếng, “Im đi! “
Như chim chui ra lồng,
Như cọp tung sổ cũi,
Như cá vùng khỏi lưới.
*
Khi hoa nở trên môi
Quăng đi chim và lồng,
Tháo bỏ cọp và cũi,
Ném luôn cá và lưới.
*
Người xưa đã bảo,
“ Lời nói làm mất Đạo,
Tâm động giác ngộ tiêu.
Người nói thì không biết,
Người biết thì không nói.”
Đã là bạn thân,
Xin đừng có hỏi!
Đ. Khánh Hỷ
Kính Bái Phục THẦY!
Trả lờiXóa(Có ai đó bảo rằng:" Từ lúc sinh ra mãi tới hai năm sau CON NGƯỜI mới học nói, nhưng suốt một đời người còn lại học im lặng lại rất khó khăn").
Kính Chúc THẦY CÔ vui khỏe, sống lâu!
Bài viết của thầy thật có ý nghĩa và là một bài học cho chúng em . Đúng là trong cuộc đời này , ta thường gặp :
Trả lờiXóaNgười nói thì không biết
Người biết thì không nói
Cám ơn thầy ! Chúc thầy nhiều sức khỏe.
Đọc bài viết của thầy em chợt nhìn lại mình , hình như thầy muốn dặn dò bọn em , không phải mà là một lời khuyên , thầy khuyên : Chúng ta nên hiện tại hóa quá khứ để cuộc sống thêm phong phú trọn đầy , hơn là bắt cái hiện tại của mình trở về quá khứ xa xưa , khong còn có ở đó nữa .
Trả lờiXóaEm cám ơn thầy thật nhiều , em sẽ luôn nghĩ đến câu nói này .
Thưa Thầy,
Trả lờiXóaNếu hiểu đèn là ngọn lửa
Thì cơm đã chín từ lâu
Bởi vo gạo mới tìm dầu
Nên cơm sượng là điều dễ hiểu
(Kính chúc Thầy khỏe!)
Cảm ơn Đoàn Ngọc Thành đã nhắc tôi, nhiều lúc quên tôi cứ "bưng đèn đi xin lửa". Hy vọng trước sau gì cũng có cơm ăn, lỡ gạo sống một chút cũng chẳng đau bụng cho bằng đói bụng đâu.
Trả lờiXóaBài kệ thi rất súc tich.Mong được đọc như vậy nũa.