Giang Lam.
Thân tặng các bạn giáo sinh nữ nhất niên 2 khóa 10.
Năm 1971, đậu Tú Tài xong, tôi chọn nghề “xoa” đầu trẻ. Thế là tôi bắt đầu học năm thứ nhất của trường Sư Phạm Qui Nhơn. Lớp tôi là lớp nhất niên 2, khóa 10 (1971-1973). Trong lớp có 54 bạn: 17 nữ còn lại là nam.
Anh Nguyễn Trí Cảnh là Trưởng Ban Xã Hội của trường kiêm luôn của lớp. Cũng nhờ làm trong Ban Xã Hội của trường, mỗi lần có công tác xã hội nào là anh thông báo kịp thời để cho chúng tôi tham gia đầy đủ.
Anh rất nhiệt tình lại thật thà và vui tính. Anh lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi (Tuổi đời, chứ trong giấy tờ các anh đều có năm sinh giống nhau là 1953). Hầu hết các bạn nữ trong lớp tôi đều có cảm tình với anh. Tôi không biết cảm tình riêng cá nhân anh hay cảm tình cái ban xã hội.
Rồi đến đợt chúng tôi phải đóng tiền cho ban xã hội lớp, ngày nào vào giờ chơi anh cũng đi đến từng bàn để thu tiền. Số tiền không nhiều nhưng nhóm nữ chúng tôi cùng nhau bấm nhỏ làm cho anh ngày nào cũng quanh quẩn:
Hằng nói: - Anh Cảnh ơi! tháng này má em chưa gởi tiền.
Khanh nói: - Anh chờ cho em vài ngày nữa vì em hết tiền rồi!
Tụng nói: - Ba em chưa lãnh lương.
Then nói: - Sáng nay đi học em quên cái ví ở nhà. Mai nộp nghe anh!
…mười bảy cô, mười bảy lý do. Chứ thực ra con gái chúng tôi lúc nào trong ví cũng có tiền. Cũng vì vậy nên ngày nào anh cũng cầm cuốn sổ đi lên đi xuống như là: “ Anh khách lạ đi lên đi xuống may mà có em đời còn dễ thương …”. Anh không giận, không nhăn nhó chỉ cười cười. Thế mới dễ thương làm sao!
Khi cái gió xuân hây hẩy lùa trong nắng, mọi người rộn rịp đón Tết, phố phường bày bán đủ các tranh ảnh, các loại thiệp lớn có, bé có. Anh trưởng ban xã hội lớp tôi bận rộn cũng không kém! Một buổi sáng anh mang thiệp mừng xuân đến lớp. Anh đi đến từng người tặng. Tấm thiệp nho nhỏ xinh xinh, anh đã chu đáo đem ra nhà in, in tên và địa chỉ. Năm mươi mấy bạn, ai cũng có trừ tôi. Các bạn hỏi, tôi trả lời một cách thờ ơ: - Chắc anh mua thiếu ngày mai sẽ anh đem tặng.
Thật tình lúc đó tôi buồn lắm! Tôi nghĩ: - Hay là anh Cảnh ghét mình. Tôi tự nghĩ lại xem thử từ trước đến giờ mình có làm điều gì khiến anh không có thiện cảm với mình? Tôi chắc chắn một điều là không! vì hôm vừa rồi, khi chúng tôi đi làm công tác xã hội ở Cô nhi viện Sao Biển, anh đã theo tôi chụp một tấm hình lúc tôi đang vui chơi với các bé đây mà!
Vừa buồn lại vừa giận anh. Cái ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt hai giờ học sau cho đến ra về.
Về đến nhà, Thanh cô bé nhà đối diện, bên kia đường hấp tấp chạy qua:
- Chị ơi! Lúc nãy có một anh đi xe Dame đến bỏ một cái thư vào thùng thư nhà chị.
- Cám ơn em!
Tôi vội vàng vào nhà lấy chìa khóa mở thùng thư, mở ra tôi mới biết, đó là tấm thiệp chúc Tết của anh trưởng ban Xã Hội. Tấm thiệp anh tặng cho tôi lớn hơn tấm thiệp các bạn ở lớp gấp ba bốn lần. Cầm tấm thiệp trên tay, tự nhiên trong lòng tôi nhẹ nhỏm và cũng xóa đi nỗi buồn về anh trong tôi. Thì ra tôi cũng có một chút gì đó trong lòng anh Trưởng ban xã Hội. Tôi không dám nói với bạn nào trong lớp chỉ kể cho cô em gái tôi nghe mà thôi.
Có một lần, trong khi ngồi chờ học môn Nữ công của cô Nhiên, Khanh liền đứng lên giữa lớp:
- Mình nhận thấy anh Trưởng ban xã hội lớp ta rất đáng yêu vậy bạn nào yêu mến anh thì giơ tay! Mười bảy bạn đều đồng loạt đưa tay lên không thiếu một ai.
Khanh nói tiếp:
- Một mình anh Cảnh mà mười bảy bạn mến. Theo mình để tình cảm bạn bè khỏi sứt mẻ, mình có một hiến kế là: Chúng mình mua một cái lồng gương, đầu giờ và giờ ra chơi, đặt anh vào đó để tất cả chiêm ngưỡng. Anh là của toàn xã hội,chứ không của riêng ai. Thế là cả nhóm nữ lớp tôi vỗ tay đồng ý.
Cô Nhiên bước vào lớp:
- Cái gì mà các chị cười dữ thế!
Cả lớp im phăng phắc. Cô dặn:
- Con gái cười nho nhỏ thôi!
Rồi chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi đi khắp mọi nơi dọc mảnh đất miền Trung . Tôi đổi ra dạy Quảng ngãi, anh Nguyễn Trí Cảnh dạy ở huyện Bình Sơn cũng thuộc thị xã Quảng Ngãi.
Một hôm, đi dạy về. Tôi thấy trong nhà có hai quả dưa hấu, hỏi ra thì mới biết, nhân dịp về Sở Giáo dục thị xã lãnh lương anh đã đem từ quê lên tặng tôi. Tôi nghĩ “ Thật là của một đồng công một nén ” Tôi cũng chưa có dịp gặp lại anh để nói một lời cám ơn.
…và cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ về mái trường Sư Phạm về lớp nhị niên 2 thì hình ảnh anh Trưởng Ban Xã Hội của lớp tôi lại hiện lên với cái dáng cao cao trên tay luôn cầm cuốn sổ. Khuôn mặt chân chất, nụ cười hiền hậu tươi vui. Đúng là anh Trưởng Ban Xã Hội là của toàn xã hội chứ không của riêng ai.
Qui Nhơn, 28/8/2011
Giang Lam
Anh Nguyễn Trí Cảnh ơi !
Trả lờiXóaNếu anh có đọc bài này thì anh cũng mỉm cười đừng giận GL nghe . GL chỉ kể lại những chuyện đã xảy ra sau gần 40 năm . Không kể bây giờ thì biết bao giờ mới kể cho nhau nghe . Chúc anh luôn vui cười như ngày nào .
Cám ơn ! Mình mới tâm sự với Irene là mình sợ anh NTC giận thì Irene đã nói hộ dùm mình . Mình mong rằng anh sẽ tươi cười như ngày nào .
Trả lờiXóaBài viết thật dí dỏm nhưng chứa đựng nhiều tình cảm dành cho nhau . Cám ơn bài viết vui của Giang Lam .
Trả lờiXóaĐọc bài Anh trưởng Ban Xã Hội ...Mình thấy như mới xem một cuốn phim hài . Mình có bài thơ này tặng Giang Lam nhé !
Trả lờiXóaAnh như quả bóng vàng
Giữa bao nàng cầu thủ
Bóng đến chân nàng nào
Mặc nhiên nàng ấy giữ ...
Cảm ơn Giang Lam về những tình cảm rất thật và rất con gái, có lẽ đó là nét đáng yêu và đáng trân trọng của nữ giáo sinh trường Sư Phạm. Đọc xong bài viết , tôi đã nhớ…và rồi Giang Lam biết không? Bài viết là lời động viên tôi nhiều nhất khi tôi quyết định đến gặp cô ấy. Cuộc gặp gỡ đã để lại trong tôi những cảm xúc rất nhẹ nhàng, khó quên. Chúc Giang Lam sức khỏe và có nhiều bài viết hay.
Trả lờiXóaBài viết mộc mạc thể hiện tình cảm rất chân thật. Mình đã đọc các bài viết của Giang Lam mình rất thích.
Trả lờiXóaChúc GL vui khỏe và tiếp tục sáng tác .