Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

CUỐI NĂM NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN - Và Tháng Ngày Lận Đận…

Tạp Bút
Mang Viên Long


          Ở quê, khi nghe tin Trịnh Công Sơn mất tại Saigon vì bệnh tiểu đường vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 01 tháng 4 năm 2001 ( nhằm ngày mồng 8 tháng 3 Tân Tỵ) – tôi không có diều kiện vào Saigon ngay để được tiễn đưa anh lần cuối. Một năm trước, tôi cũng được bạn văn thông báo một ít tin tức về anh-nhất là về tình trạng sức khỏe ngày mỗi suy kém mà anh không giữ được sự điều độ, hay giới hạn trong sinh hoạt thường nhật. Tôi cũng được biết anh bị bệnh gan và thận khá lâu-nhưng lại mất vỉ bệnh tiểu dường.
          Không vào Saigon được trong ngày linh cửu anh được quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm là một niềm ân hận với tôi-nhưng tôi lại nghĩ-sẽ viết “ đôi điều về anh”-để tỏ lòng thương tiếc anh,  như thắp một nén tâm hương gởi theo anh-cho lòng vơi bớt  phần nào sự ân hận, băn khoăn vì nghịch cảnh hiện tại của mình!
          Nghĩ là vậy-mà không viết được gì! Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình-nhà văn-thơ-nhạc sĩ lớn, thân hữu của anh mọi miền  ( trong và ngoài nước ) viết  khá nhiều về anh-một thiên tài âm nhạc Việt Nam-nhin chung, toàn là những bài ngợi ca tài năng anh đã cống hiến cho nền âm nhạc qua hơn 600 ca khúc trong suốt chặng đường sáng tác ( hơn 40 năm ) khởi đầu từ năm 17 tuổi ( 1956 ) với hai ca khúc “ Sương Đêm, “ , “ Sao Chiều “ và “ Ướt Mi “ ( được nhà An Phú XB năm 1959). Trong không khí  “ vàng son của tài năng Trịnh Công Sơn khi đã thành danh“, tôi không thể viết “lùii lại” về chặng đời – có thể gọi là “ lận đận” của anh như tôi đã từng biết về anh những năm đầu thập niên 60.
            Tôi lại tự nghĩ-viết về cái quá khứ gian khó, những tháng ngày lận đận của tài năng TCS cũng là một điều nên làm. Viết về một thiên tài-không hẳn chỉ nói đến các thành công, sự vinh quang- mà cũng cần biết đến chặng ngày truởng thành vươn lên trong gian khó của tài năng ấy. Như một kỷ niệm vui. Một bài học cần thiết để học hỏi.. Những ngày cuối năm-ngồi buồn-lại nhớ đến anh và chặng đời tuổi trẻ của mình-tôi viết những dòng tuởng nhớ này để ghi lại vài kỷ niệm một thời…

 
           Trịnh Công Sơn đến Qui Nhơn học khóa đầu tiên của truờng Quốc Gia Sư Phạm  ( khoá 1-năm 1961-1963) khi tôi còn học năm cuối của trường Trung học Cường Đễ. Cũng xin nói thêm đôi điều về ngôi trường Sư phạm đặc biệt này: Trường nhận đào tạo giáo sinh cho 14 tình miền Trung và Cao nguyên ( Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Phú Yên, Bình Định, Quàng Tín, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Kom Tum, Pleiku, Daklak, Phú Bổn). Điều kiện văn bằng chỉ cần Tú Tài một-nhưng trên thực tế-hơn 50 phần trăm đã có văn bằng Tú Tài 2. 20 phần trăm đã học qua 1, hay 2 chứng chỉ đại học. Quy định sau khi ra trường sẽ phân bổ phục vụ ở các trưởng tiểu học  khu vực 14 tỉnh trong thời gian hai năm tập sự. Sau 2 năm. qua kỳ thi dành cho những người có Tú tài 2, giáo viên trúng tuyển sẽ dược nâng bậc “ giáo sư trung học đệ  nhất cấp”. Khi hoàn tất đủ các chứng chỉ đại học- có văn bằng cử nhân- sẽ được nâng bậc tiếp theo “ giáo sư trung học đệ nhị cấp”. Như vậy-người có chí tiến thủ mà  có hoàn cảnh khó khăn ( nhất là đang bị ” kẹt “ tuổi quân dịch) có thể vừa đi dạy để có thể tự nuôi sống lại vừa  có tiền chi phí cho chuyện học tiếp theo của mình!
            Vì quy chế ưu đãi mở rộng cho con đường tiến thân, và nhất là vì có thể giúp sớm giải quyết giai đoạn khí khăn truớc mắt về kinh tế và quân dịch đang là nỗi lo lớn cho tuổi trẻ thời ấy-nên trường SP Qui nhơn đã “ chiêu tập “ được nhiều giáo sinh xin thi vào. Tuyển chọn được nhiều người tài năng trong dãi đất miền Trung-Cao nguyên nghèo khó…
            Tôi nghĩ-TCS tìm đến trường SP Quinhơn cũng có thể do 2 nguyên nhân chính ấy-bên cạnh mơ ước của tuổi trẻ là muốn “ bay nhảy/ thay đổi không khí” cho cuộc sống thêm phong phú để sáng tác của người nghệ sĩ như anh. Trường SP Qui Nhơn không có khoa  “ Tâm lí Giáo dục Trẻ em”-như trang “ Bách Khoa Toàn Thư Mở- Wikipedia “ đã viết về TCS. Tâm lí GD chỉ là một môn học của chương trình 2 năm mà thôi.
            Sau một niên khóa Sơn theo học ở trường SP / QN ( 61-62) tên anh đã được hầu hết giới sinh viên, học sinh Qui Nhơn-Bình Định biết đến như “ một thần tuợng âm nhạc”.  Qua mấy lần nhà trường tổ chức những đêm trình diễn để quyên góp quỹ cứu trợ bão lụt –TCS luôn có mặt ( bên  tay guitare Thanh Hải, Violon Văn Thanh, trống Quang Thùy…) với những bản tình ca “ mới rợi “ của anh. Các nữ giáo sinh cùng khóa cũng đã được Sơn tập luyện trình bày nhiều bản nhạc của  TCS rất thành công ( như các bài Diễm Xưa/ Nhìn Những Mùa Thu Đi/ Nắng Thủy Tinh/ Hạ Trắng…).
            Tôi dược quen  thân với TCS khi anh vào học năm thứ 2 ( 62-63). Trong cái thị xã nhỏ bé ấy-đi lòng vòng vài con đường là gặp nhau-nên chúng tôi thường gặp nhau ở Hiệu sách  báo Việt Long hay Đại Chúng ( lúc đó nằm trên đường Gia Long/ nay là Trần Hưng Đạo). Thình thoàng găp anh ở quán caffe Dung ( góc dường Phan Bội Châu). TCS rất giản dị-vui tính, và dễ gần. Mái tóc dài bồng bềnh  , đôi kính cận dày cộm và tấm áo vest màu đà nhạt của anh lúc ấy là  “ một hiện tượng lạ” cho học sinh Qui Nhơn chú ý!  Một hôm trên đường đi học về nhà trọ, tôi trông thấy anh  đang đứng tần ngần, ngơ ngác  bên lề đường ( ngã ba Võ Tánh và Mãi Xuân Thưởng/ Hiện nay là Lê Hồng Phong- Mai Xuân Thưởng), tay còn giữ guidon xe đạp. Tôi dừng lại-chào anh, cười : “ Anh đang chờ ai vậy,anh Sơn? “. Sơn đáp-giọng bất bình :” Bọn du đảng lấy mất chiếc kính của moi rồi!”. Mất  cặp kính cận rồi-TCS làm sao mà thấy đường đi ? Anh kể-chúng gồm ba bốn tên, chận xe anh lại-đưa tay gỡ cặp kính của anh-cuời: “ Cho mượn tạm chiếc kính một chút, nghe bạn? “  . Tôi không quen với đám học sinh “ cao bồi” ấy, nhưng biết mặt chúng. Hầu hết là vài hoc sinh  lêu lỏng ở các trường tư thục, con nhà giàu và quyền thế. Tôi đón mấy người bạn cùng trường, nhiều người quen  với số học sinh “ anh chị “ ấy-nhờ họ can thiệp vì uy tín chung của học sinh Qui Nhơn , và vì lòng yêu chuộng nhạc  TCS- Khoảng một giờ sau, chiếc kính gọng đồi mồi của Sơn đã dược hoàn trả! Người đem dược kính về, đã cho biết –chúng “chọc phá/ cảnh cáo TCS chơi vậy thôi-vì TCS được lòng… yêu quý của  nhiều nữ sinh..” ( ! ).
               Một dịp khác, TCS gặp tôi than thở về chuyện tìm nhà trọ, nhà thuê-và ngỏ ý nhờ tôi tìm giúp.Tôi cũng không dấu anh-cho biết tôi cũng từ “ miền quê nghèo” An Nhơn lên phố trọ học-cũng rất khổ tâm trong việc tìm nhà trọ vào đầu mỗi niên khóa. Nếu có nhiều tiền, những gia đình nhận nấu cơm tháng cho ăn ở luôn cũng không thiếu-nhưng ngặt nỗi nghèo-nên việc tìm nơi ăn ở cũng rất gay. Nhưng tôi hứa, sẽ tìm giúp anh ( và 3 người bạn cùng khóa, tất cả hình như đều ở trong ban nhạc của trường SP).
              Người bạn cùng lớp rất thân-ngồi bên cạnh tôi nhiều năm, có năng khiếu đàn hát, thường đi hát cho các chương trình đài phát thanh là Truờng Hạnh- nghe tôi kể lại truờng hơp tìm nhà trọ của TCS, liền đồng ý sẽ về xin “ bố “ cho TCS và 3 người bạn của anh đến trọ vì nhà khá rộng. Hôm sau Trường Hạnh vui vẻ báo tin lành. Tôi gặp ngay TCS chiều ấy-thông báo và giới thiệu cùng anh địa chỉ nhà của Hạnh ( sau lưng trường Cường Đễ cũ). Thế là TCS và 3 người bạn được “ bố “ của Hạnh nhiệt tình cho ” ở không” 1 phòng tươm tất.
             Chưa được 1 tháng - Hạnh báo tin ” bố “ của anh không chịu cho TCS và bạn ở đó nữa vì “ mấy ông nghệ sĩ ấy đi chơi về khuya quá, lại thường say khướt-kêu cửa làm cả nhà mất giấc ngủ!”. Tôi chỉ biết cười-vì biết rằng những người già và nghiêm tính như “ bố “ của Hạnh sẽ khó mà “quen “ được  sinh hoạt bất thường của những người…nghệ sĩ trẻ!
             Một kỷ niệm –có lẽ khó quên nhất với TCS, là vào một buổi sáng đầu xuân năm 63. anh đến nhà trọ tìm tôi rất sớm. Tôi thoáng ngạc nhiên-thì anh đã nói: “ Cậu đi với moi đến thăm ca sĩ Thanh Thúy nhé? “
-         Anh quen à?
-         Biết chứ không quen thân lắm!
-         Ở đâu?
-         Phòng ngủ Thuận An…
Ca sĩ Thanh Thúy
            Đoàn ca nhạc mà Thanh Thúy tham gia hiện đang lưu diễn tại thị xã Qui Nhơn hai hôm nay tôi biết, nhưng không nghĩ là mình sẽ có dịp đến thăm người “ nữ ca sĩ tài danh” đang được hâm mộ đông đảo này. Tôi vui vẻ đi theo TCS…
           Khi hỏi thăm người quản lý, biết dược số phòng trọ của Thanh Thúy trên tầng 2-chúng tôi lần mò lên ngay.
           Đứng trước cửa phòng dang đóng-TCS gỏ cửa gọi.
           Có tiếng Thanh Thúy đáp:
- Ai đó? Xin vui lòng chờ chút, Thúy đang thay đồ…
           Khoảng vài phút sau-cửa mở. TCS và tôi được mời vào phòng.
-         Tôi là Trịnh Công Sơn-anh tự giới thiệu- và đưa tay vào túi áo vest lấy ra mấy bản nhạc chép tay-nhờ Thanh Thúy hát cho …
Thanh Thúy cầm lấy mấy tờ nhạc-xòe ra xem-tôi thoáng thấy đó ;là bản nhạc Diễm Xưa, Nhìn Những Mùa Thu Đi và Hạ Trắng..
-         Được rồi, anh Sơn để em tập đã nhé?.
            Sau đó, Thanh Thúy hỏi thăm nhà bưu điện Qui Nhơn, và mời chúng tôi cùng đi bộ đến đó cho nàng gọi về nhà…
           Khi đã đưa Thanh Thúy trở lại phòng ngủ Thuận An-tôi và TCS ra về. Tôi thắc mắc : “ Sao anh không cho xuất bản những bài hát hay ấy đi mà nhờ Thanh Thúy hát làm gì, cho mệt? “. TCS giải thích: “ Nhạc không như thơ  văn - mà cần phải được hát, thu băng, phát thanh nhiều lần trước-nhà xuất bản họ mới “ đánh hơi “ mà xin xuất bản ! “.
-         Anh tự xuất bản không được sao?-tôi hồn nhiên hỏi.
-          Không được đâu cậu-anh quay lại nhìn tôi cười hiền-thứ nhất là mình không có tiền. Thứ hai, in ra ít ai biết mà mua…
Vài hôm sau-TCS đem “tặng “ tôi 2 bản nhạc “ Diễm Xưa”  và “ Nhìn Những Mùa Thu Đi “ do anh chép tay trên trang vở học trò -rất đẹp! Tôi đã giữ chúng như một kỷ niệm khó quên trong đời …
Một lần khác, tình cờ gặp anh ở café Dung. Chúng tôi có dịp trò chuyện lâu. TCS có nói với tôi: “ Cậu theo moi đi! Moi sẽ dạy cậu viết nhạc? “. Biết anh thành thật-nhưng tôi biết rõ tôi hơn. Tôi cười-hơi ngạc nhiên trước đề nghj đột ngột mà tôi chưa hề nghĩ đến: “ Tôi chỉ “ yêu nhạc “ thôi, không  đủ điều kiện, khả năng  để “ theo nhạc “ được đâu! ”.
           Tháng 4 năm ấy-TCS ra trường. Anh được phân bổ về  tỉnh Lâm Đồng. rồi đưa về dạy ở một trường tiều học thuộc huyên Bảo Lộc. Xa anh, tôi không có dịp biết thêm về cuộc sống  mới của anh ở đó-chỉ biết anh vẫn sáng tác đều-thường lên Đà lạt tham gia sinh hoạt ca nhạc ở quán café Văn. Về Saigon tham gia ca hát cùng sinh viên tranh đấu ở Vạn Hạnh, trường Luật, Văn Khoa, rồi Khoa hoc .Nghe nhạc của anh đã được thu băng, xuất bản, trình diễn trong những tụ điểm Saigon, trong giới sinh viên-học sinh-và nhất là được nghe Khánh Ly hát nhạc anh mỗi ngày ở những quán café  nơi tôi đang dạy học…
            Rồi nghe tin anh bỏ dạy về Saigon. Ra Huế. Đi lang bạt nhiều nơi. Vì tự ý bỏ nhiệm sở, nên giấy “ hợp lệ quân dịch “ của anh cũng bị hủy bỏ. TCS thường bị quân cảnh “ hỏi thăm sức khỏe” bất ngờ trên dường di chuyển. Có một “ giai thoại vui” về  chuyện này : TCS đang ngồi trên xe đò ra Trung.-xe bị chặn lại đột ngột để quân cảnh “ kiếm soát giấy tờ”. TCS tỉnh bơ chìa ra tấm thẻ căn cước duy nhất còn lại bên mình cho người quân cảnh xét hỏi.  Sau khi đọc thẻ căn cước rất kỹ, dù biết tuổi của anh vẫn còn trong  thời hạn phải thi hành quân dịch- nhưng người  lính quân cảnh đã vui vẻ hỏi : “ Anh là Trịnh Công Sơn à? “ – “ Phải! “ – “ Nghe anh dang ở Saigon cơ mà? “- “ Tôi về thăm quê…”-  “Vậy anh Sơn đi nhé? “.
           Khoàng cuôi năm 69-70, tôi dược gặp Ông Cao Huy Thuận vừa được Bộ bổ nhiệm về làm Trưởng Ty GD Phú Yên. Ông cho biết từ Ty GD Lâm Đồng về. Ông là người Huế. Đã biết TCS từ ngày anh về dạy ở Bảo Lộc. Cũng rất biết tài năng âm nhạc của TCS…
          Ông Cao Huy Thuận kể lại : “  Sơn  thường bỏ dạy không có lý do báo trước, hiệu trưởng cứ trình báo vể Ty hoài! Một lần, tôi xuống trường để “ xem thử” thực hư thế nào? TCS vắng mặt, Tôi dò hỏi nhà trọ của Sơn-lặng lẽ tìm đến. Sơn đang ở trên gác trọ một mình. Tôi xin phép chủ nhà lên gác khẽ khàng. Tôi thoáng trông thấy Sơn đang mãi mê ôm đàn,ghi  ghi chép chép ,  nơi chiếc bàn nhỏ hướng ra cửa sổ …Tôi lại lặng lẽ xuống gác , lên xe ra về. Tôi đã “ nói nhỏ “ với gã hiệu trưởng-từ nay, không nên trình báo gì về Sơn nữa. Hãy phân công người dạy thay anh các buổi vắng, nhé? “.
           Tôi nghĩ : “ TCS vào trường Sư Phạm, cũng rất yêu quý nghề dạy học-nhưng ở trong anh-nỗi đam mê âm nhạc lớn hơn gấp bội. Ở đời-cuộc sống không dài, cần có sự chọn lựa , nếu không thì cả đời sẽ không làm gì được cho những mơ ước lớn lao của mình! “.
           Hôm nay-những ngày cuối năm, ngồi một mình bên tách café buổi sớm, đón nghe từng dòng nhạc của anh-tôi càng hiểu và thương anh hơn bao giờ…


Quê nhà, những ngày cuối tháng 12/ 2010.
MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...