Irene.
Một mùa xuân nữa lại về! Ở cái đất Phương Nam này không có cái rét buốt của những ngày cuối đông, không có gió Tết hây hẩy lùa trong nắng và hình như trong không khí của những ngày cuối năm thiêu thiếu một cái gì đó? À ! phải rồi, nhà nhà, người người không có cái rộn rịp đồng loạt dọn dẹp lại nhà cửa, quét vôi, sơn cửa, làm bánh mứt…chuẩn bị Tết.Thoảng trong gió, không có mùi thơm của mứt gừng, mứt dừa… của bánh in, bánh thuẫn…và trước mỗi nhà không có nồi bánh chưng, bánh tét khói tỏa nghi ngút… Tôi nhìn xung quanh mà cảm thấy tâm hồn mình lạc lõng, chới với. Những người xa quê, Tết đến lòng lại nao nao nhớ quê. Nhớ những ngày tháng đón Tết nơi quê nhà.
Ở nơi vùng đất miền Trung ấy, năm nào cũng vậy vừa sang tháng chạp ta, khi mà mùa đông khép lại nhường chỗ cho mùa xuân bắt đầu ngự trị. Tiết trời trở nên ấm áp, cây cối vụt rạo rực đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nhau khoe sắc. Vạn vật như hồi sinh, một chu kì mới bắt đầu với bao hy vọng mùa xuân mới chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.
Tôi còn nhớ, Tết đến, những đứa trẻ như chúng tôi là người náo nức nhất khi được mẹ dẫn ra ông thợ may, đo và may áo quần mới. Rồi khi may xong đem về nhà, ngày nào chúng tôi cũng mở tủ ra xem và ướm thử vào người. Sao mà thích thế! Rồi chờ từng ngày, từng giờ mong cho mau đến tết.
Ba tôi thì ngắm nghía cây mai rồi tính toán ngày trảy lá cho kịp nở hoa vào dịp Tết.
Mẹ tôi thì nhiều việc hơn. Nào là phơi bột, nhặt đậu…để làm bánh in, bánh thuẩn…bánh chưng, bánh tét. Phơi kiệu, đu đủ…để làm dưa món. Chọn gừng, dừa, bí, me, chùm ruột…để làm mứt…
Đường phố nhộn nhịp. Phố xá tấp nập. Chợ búa đông đúc. Rồi đến hai ba tháng chạp mọi người lại chuẩn bị đưa Ông Táo về trời. Mọi người nói rằng Táo Quân lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế về những điều tai nghe mắt thấy, những hành vi, việc làm tốt, xấu của những người trong gia đình qua một năm và xin phò hộ cho mọi người được vạn sự như ý. Thường là Ông Táo lên trời bằng con cá chép vàng. Lễ cúng đưa Ông Táo được nhân dân ta chuẩn bị rất chu đáo, nào cá chép, vàng mã, xôi chè, kẹo, bánh, hoa quả…
Hình ảnh Táo Quân trở nên gần gũi thân thuộc với mọi người. Ông Táo về trời báo cáo lại mọi việc làm của gia đình trong năm qua. Điều này, khiến mọi người sống với nhau thật tốt, ăn ở với nhau thuận hòa, phải đạo hơn. Gia đình nào cũng mong muốn được Táo Quân báo cáo những điều tốt của nhà mình thì sang năm trời mới phò hộ cho được mọi điều yên vui, hạnh phúc, may mắn và thành đạt… Chiều ba mươi, mọi người lại đón Ông táo trở về tiếp tục canh giữ cho bếp luôn đỏ lửa, gia đình được êm ấm.
Cũng vào ngày hai ba tháng chạp âm lịch, những ngôi nhà ở nông thôn người ta bắt đầu dựng cây nêu. Có người quan niệm rằng khi ông Táo vắng mặt, ma quỷ nhân cơ hội này sẽ lẻn vào nhà quấy nhiễu.
Những ngày Tết, nhà giữa phố không thấy cây nêu nhưng đi ra khỏi Cầu Đôi về vùng Nhơn Bình, Nhơn phú, Tuy Phước, An Nhơn… tôi thường thấy họ dựng cây nêu trước nhà. Đó là một cây tre cao khoảng 5-6 mét, người ta tỉa sạch các nhánh và những lá tre. Trên ngọn treo một câu đối, có nơi treo bầu rượu bện bằng rơm có nơi treo nhánh xương rồng hay con cá chép bằng giấy…Lúc còn bé, tôi chưa hiểu ý nghĩa nhưng thấy hình ảnh của cây nêu tôi cũng thấy hay hay. Sau này khi biết ra tôi lại càng thấy trân trọng những phong tục cổ truyền đó.
Nhân dân mình tin rằng cây nêu là biểu tượng đấu tranh giữa cái thiện và cái ác nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người. Trồng cây tre trước cửa nhà vào năm mới đánh dấu những ngày vui hạnh phúc nhất trong năm. Những may mắn mới với ước mong trong năm được nhiều đổi mới tốt hơn năm qua, nhiều thành đạt hơn trong cuộc sống.
Đến ngày mùng bảy tháng giêng dở cây nêu xuống gọi là ngày hạ nêu. Mọi người yên tâm tiếp tục công việc.
Những ngày Tết đến gần, ai ai cũng hớn hở. Từ già đến trẻ, từ trai đến gái, từ thành thị đến nông thôn hay từ nghèo đến giàu đều có truyền thống “ Tống cựu nghênh tân”. Mọi người lo quét dọn nhà cửa sân ngõ của nhà mình, vứt bỏ những cái cũ, sắm những vật dụng mới. Ngày Tết nhà cửa khang trang, trên tường treo những tranh ảnh hay những câu đối đỏ. Giữa nhà những chậu hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ …vàng tươi. Bàn thờ tổ tiên hương trầm nghi ngút. Trẻ con xúng xính trong áo mới. Người lớn cũng mặc chiếc áo đẹp, khuôn mặt rạng rỡ niềm vui.
Đi chợ Tết |
Những ngày cận Tết là mọi người trong nhà lo gội đầu, cắt tóc… Mua sắm mọi thứ, lo thức ăn đầy đủ trong những ngày Tết. Nói chung là lo mọi thứ trong nhà cho tươm tất nên ai cũng bận rộn. Tôi thường hay nghĩ sao trong cả năm để làm gì không đi mua sắm, mà cứ để cuối năm lại tranh nhau đi mua? Cái gì cũng mua từ chiếc chiếu, cái gối…rồi đến nồi, niêu, soong, chão, chén, bát, đũa …bình, li…nói chung là sắm tất cả các vật liệu trong nhà. Từ người nghèo đến người giàu, ai ai cũng đều đi mua sắm.
Chiều ba mươi Tết trước khi cúng rước ông bà, gia đình tôi có cái thông lệ là ba mẹ cho chúng tôi mỗi đứa một ít tiền. Ba chị em tôi sẽ ra phố Gia Long, ghé tiệm bánh mua bánh kẹo Tây . Ghé vào nhà sách mua một tập nhạc hay cuốn truyện để kỉ niệm buổi chiều cuối năm.
Tôi thích nhất cái không khí của ngày ba mươi Tết. Trong cái rộn ràng của phố phường, trong cái tất bật của mọi người. Lòng mình cảm thấy lâng lâng và rồi chiều ba mươi, mọi công việc như ngừng lại, ai ai cũng trở về sum họp với gia đình. Nhà nhà như ấm áp hẳn lên, khuôn mặt mọi người vui tươi. Trong không gian của một buổi chiều cuối năm như lắng đọng. Lúc còn đi học, tôi rất thích dạo một vòng quanh phố phường để ngắm cảnh nhà nhà đang chuẩn bị đón Tết.Sau này tôi lại có thú dạo xem cảnh mua bán chợ hoa. Thật là thú khi thấy mỗi chiếc xe chở những chậu hoa rồi tản mác tỏa về khắp mọi nơi trong thành phố và lòng vui vui khi nghĩ rằng những chậu hoa kia đang đem mùa xuân đến cho mỗi nhà.
Tiếng pháo nổ lúc đầu thưa thớt rồi mỗi lúc nhiều hơn , sau rộ lên ! cả thị xã ầm vang “Đùng! Đùng! Đùng!” hòa vào đó là tiếng chuông chùa và tiếng chuông Nhà Thờ ngân vang báo hiệu GiaoThừa ! Giờ khắc tiễn biệt năm cũ đón chào năm mới! Ai cũng thêm một tuổi, ai cũng hy vọng sang năm mới mình có nhiều sức khỏe gia đình an khang hạnh phúc :
Tân niên hạnh phúc bình an đến!
Xuân nhật vinh hoa phú quí về.
Trong giờ khắc thiêng liêng ấy ! Điều mọi người nghĩ đến đầu tiên là Tổ tiên. Trên bàn thờ đèn sáng rực, khói hương nghi ngút. Bàn thờ những nghi thức xếp đặt cũng theo cấp bậc hẳn hoi : Bát hương, Đại tự, câu đối…đông bình , tây quả… Mọi người thắp nén nhang lòng thành kính hướng về cội nguồn dòng họ !
Sau giao thừa, cả nhà tôi thường tụ họp ở phòng khách chúc Tết ông bà, cha mẹ…Mấy đứa cháu trong bộ áo quần mới, trịnh trọng vòng tay trước ngực giọng ngập ngừng chúc …cứ sau khi chúc xong là sẽ được người lớn trao cho một bao lì xì. Niềm hân hoan lộ rõ trên từng khuôn mặt của mỗi người. Ba mẹ tôi thường dặn, sau giao thừa không được đến nhà ai…vì sợ họ kiêng cử. Cho nên ngày mồng một thường là chỉ đến nhà cha mẹ hay bà con mà thôi.
Đầu năm, ba tôi thường xem hướng để cả nhà xuất hành đầu năm. Có năm thuận hướng bước ra khỏi nhà là đi nhưng có năm phải đi vòng. Lúc bé, tôi chỉ biết đi theo ba mẹ nhưng sau khi có gia đình, tôi thường xem sách hay bạn bè truyền cho nhau. Như bây giờ tôi đang viết thì một anh bạn gởi e-mail đến cho biết : Theo lịch năm nay ngày mồng một Tết Nhâm Thìn là ngày Quí Mùi.
Ngày Hoàng Đạo : Sao Ngọc Đường ( Nói chung là tốt )
Xuất hành hướng tốt : - Hỷ thần : Đông Nam.
- Tài thần : Tây.
Xuất hành giờ tốt : Giờ Hoàng Đạo : Mão ( từ 5h-7h )
Tỵ ( từ 9h-11h )
Tuất ( từ 19h-21h )
Hợi ( từ 21h-23h )
Cũng có người nói : Nếu như ta không biết hướng thì cứ xuất hành theo hướng đi lễ Chùa ( nếu theo Phật ) hoặc theo hướng Nhà Thờ ( nếu theo Công Giáo )…thế là tốt.
“Linh tại ngã, bất linh tại ngã.”
Đi Lễ Chùa |
Thường đi lễ chùa, ba mẹ tôi áo dài đi trước, ba chị em tôi cũng áo dài thướt tha đi sau, vừa đi vừa lẩm nhẩm hát.
“Trên đường đi lễ xuân đầu năm, qua một năm ruột rối tơ tằm. Năm mới nhiều ước vọng chờ mong, may nhiều rủi ít ngóng trông…”
Trong khi lễ đầu năm, tôi thường cầu nguyện sự an lành cho mọi người trong gia đình và chuyện học hành, thi cử của mình được thuận lợi.
Lễ chùa hái lộc, mọi người chỉ hái một cành non ở đình chùa mang về như là mang một cái lộc đến với mình trong năm mới. Chuyện hái lộc cũng gây nhiều phiền toái. Cây cối trong chùa ít mà người hái lại đông cho nên có nhiều chậu mai đang ra hoa thật đẹp, thế mà trong thoáng chốc cây trở nên trơ trọi.
Ngày Tết có tục lệ đi thăm nhau. Đầu tiên thăm và chúc Tết những người lớn trong dòng tộc, bà con, họ hàng, sui gia…sau đó đến bạn bè, hàng xóm…Quanh năm, bận rộn làm ăn ít có dịp đến thăm nhau. Nhân ngày Tết đến chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Nâng ly rượu…tình cảm càng thêm gắn bó.
“ Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian nan nghèo khó…”
Những ngày Tết, đến nhà nào thức ăn cũng đầy đủ : Mứt, bánh. Bánh chưng, bánh tét… Thịt đông, thịt kho trứng, kho tàu…
Nem, chả…tùy theo vùng. Miền nào có thức ăn đó, tùy theo sở thích…Nhân dân mình quan niệm đến nhà mà đầy đủ thì trong năm sẽ hứa hẹn một năm làm ăn khấm khá, thịnh vượng, phát tài.
Nói chung, phần đông tất cả các phong tục trong ngày Tết là thể hiện những niềm mong ước khát khao của nhân dân ta về một cuộc sống vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc và sung túc.
Ngày Tết Nguyên Đán là ngày Tết cổ truyền dân tộc còn mang hình thái tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân ta truyền từ đời này sang đời khác. Nó phản ánh đời sống tinh thần khá phong phú, lòng khát khao một năm mới với “ Thiên thời, địa lợi, nhân hòa ” gia đình hạnh phúc, ấm no. Ngày Tết còn là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bây giờ cuộc sống quá phát triển. Muốn ăn Tết thì cứ đến các siêu thị, các chợ có đủ các loại bánh mứt…bày bán đầy đủ không thiếu một cái gì. Nhưng theo tôi vẫn còn thiếu !!! Đó là cái không khí ấm áp của gia đình. Con cháu xúm xít để làm mứt, làm bánh hay quây quần bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng, bánh tét nói chuyện thâu đêm… Điều đó, không chỉ là tình cảm của những người trong gia đình mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau nữa. Thỉnh thoảng có những cái Tết về lại quê nhà, tôi cũng thấy đâu đó có nhiều gia đình còn giữ lại cái không khí ngày Tết năm cũ. Rất đáng quí ! Riêng tôi, tôi thường gặp lại “cái Tết ngày xưa ấy” trong những giấc mơ của mình.
Giá như ta cứ gìn giữ và phát huy những thuần phong mỹ tục đó, từ trong mỗi gia đình ra tới ngoài xã hội. Mọi người đối xử với nhau trên thuận dưới hòa, kính già, yêu trẻ… thì cuộc sống này càng ngày càng êm đềm, an vui. Đất nước ta càng ngày càng phát triển và phồn thịnh hơn lên.
Sài Gòn, những ngày cuối năm.
( 10/01/2012 )
Irene.
Bài viết làm mình nhớ Tết quá ! Mình nhớ Tết năm đó đi Lễ Chùa có mình đi sau lưng mà.
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã đọc bài viết ! Tiếc quá nhỉ ! nếu biết có người đi sau lưng, mình đã quay lại nhìn...
XóaDoc bai viet cua ban minh nhu duoc ngam lai toan canh ve Tet cua que nha . Bay gio long minh cung nao nao vi khong khi Tet da qua gan ke . Bai viet da dua minh tro ve voi tuoi tho hon nhien , minh rat thich . Cam on ban rat nhieu .
Trả lờiXóaTết đã gần kề, xin chúc Ngo Huong 67 năm mới tràn ngập niềm vui, vạn sự như ý !
XóaBài viết thắm đượm nỗi nhớ quê nhà .
Trả lờiXóaMÌnh tặng bạn bài " Bức tranh xuân " nơi quê nhà nhé :
BỨC TRANH XUÂN
Trả lờiXóaMuôn hoa đua nở đón xuân tươi
Ríu rít chim ca rộn đất trời
Nắng mới tươi màu gieo khắp chốn
Tầng không én liệng đón mùa vui
*
Người người tấp nập đón xuân sang
Phố Tết xe đông , chạy hàng hàng
Hớn hở trẻ con theo chân mẹ
Trong manh áo mới , miệng cười vang
*
Nhà nhà , bàn thờ nến sáng trưng
Nào hoa , nào quả , nào bánh chưng ...
Áo dài , khăn đóng , ông quỳ lạy
Con cháu cùng ông , dâng nén hương
*
Ngoài kia , nam nữ sánh từng đôi
Tíu tít vừa đi vừa nói cười
Ông lão vuốt râu , miệng tủm tỉm
Bà đi bên cạnh , trông cũng tươi
*
Vườn xưa vàng rực mấy nhành mai
Khách qua ngơ ngẫn trước hiên ngoài
Bâng khuâng nhớ lại mùa xuân trước
Dáng hoa xao xuyến cả hồn ai
Tháng 1/2012
Bài thơ BỨC TRANH XUÂN rất hay ! Cám ơn anh Vũ Hải Châu. Lúc còn dạy ở Qui Nhơn Irene đã nghe tiếng về tài làm thơ của anh. Sao anh không gởi SPQN đăng vài bài ? Để "hậu sinh" này còn "thọ giáo" nữa chứ ! Chúc anh và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc.
Trả lờiXóaGửi Irene bài thơ "Chiều qua lối cũ" của mình để chúng ta cùng nhớ về những ngày tháng thật đẹp của Giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn nhé . Thân mến
Trả lờiXóaCHIỀU QUA LỐI CŨ
Chiều qua lối cũ , trường xưa
Nhớ bao bè bạn nắng mưa phương nào
Gió đùa quanh rặng phi lao
Ngỡ đâu đây tiếng cười chào thân thương
Trò xưa giờ tóc điểm sương
Thầy xưa giờ biết tơ vương có còn
Nỗi trôi theo vận nước non
Lời thầy năm ấy vẫn còn đâu đây
" Khó khăn là nghiệp làm thầy ,
Hình ngay để giữ bóng ngay cho trò "
Sông đời lắm khúc quanh co
Thầy ơi em vẫn đưa đò tháng năm ...
Cám ơn anh Vũ Hải Châu với bài thơ CHIỀU QUA LỐI CŨ ! Hy vọng đọc thêm nhiều bài thơ nữa của anh. Thân mến !
XóaThương lắm Tết xưa ơi!
Trả lờiXóaCám ơn thật nhiều, cô bạn thân của tôi!
XóaKim Loan nói:
Trả lờiXóaCám ơn Irene đã đưa mình về với không khí và ý nghiã Tết ở quê mình xưa kia và những cái “vẫn còn thiếu” của ngày Tết hiện nay, “Đó là cái không khí ấm áp của gia đình” và “Điều đó, không chỉ là tình cảm của những người trong gia đình mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau nữa”.
Ở xứ người này, năm nay mùng Một Tềt lại nhằm vào thứ Hai nên “người mình” vẫn phải đi làm, mọi chuyện vui Tết, thăm Xuân đều phải dồn vào cuối tuần.
Và, ở ngoài này những cái “vẫn còn thiếu” thì nhiều gấp bội đó Irene à !
Kim Loan thân thương !
XóaĐọc những lời của Loan lòng mình dâng lên những cảm xúc khó tả. Mình xa quê nhưng vẫn còn ở trong nước. Còn các bạn đang ở trên đất khách quê người thì nỗi nhớ gấp lên bội phần. Sáng nay mình đọc mấy câu đối thấy thật hay mình viết lên đây gởi KL đọc :
Tết tha hương có bánh chưng, bánh tét sao không thấy Tết.
Xuân viễn xứ cũng cành đào, cành mai mà chẳng gặp xuân.
hay
Xuân tha hương, sầu thương về quê mẹ.
Tết xa nhà, buồn bã nhớ quê cha.
Chúc KL và gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc.
Tinh Vo: Đọc xuân về , nhớ tết của Ren chắc hẳn mọi người con xa quê đều thầm cảm ơn tác giả đã trải bày thay cho tâm trạng của mình . Nhân dịp xuân về chúc gia đình hưởng một mùa xuân hạnh phúc , riêng chúc bạn viết nhiều , nhiều để trang SPQN thêm phong phú , một cây viết như bạn cũng hơi bị khó tìm ...
Trả lờiXóaCám ơn Tịnh thật nhiều ! Năm mới đã gần kề mình xin chúc Tịnh và gia đình một năm an khang hạnh phúc. Riêng thầy Hiệu Trưởng Tịnh luôn sức khỏe để đưa nhà trường ngày một phát triển có nhiều thành tích trong việc dạy và học. Hẹn gặp lại nhau trong ngày kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN.
Trả lờiXóa