-Tản mạn- Nguyên Đạt K5 - SPQN Bắc Cali
Hồi còn ở Việt Nam, nhân một lần cùng anh bạn đồng nghiệp vào Sài Gòn lo công chuyện. Sau khi hoàn tất, anh rủ tôi cùng đi thăm thú mấy người bạn đồng hương đang sinh sống và làm việc tại đây. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cả bọn kéo nhau ra làng nướng miền Tây thưởng thức các món đặc sản Nam Bộ gọi là để mừng ngày gặp gỡ...
Xa ngái lâu ngày, nay được dịp “tha hương ngộ cố tri” ai cũng háo hức muốn hỏi han trò chuyện để biết chuyện quê hương, làng nước, bầu bạn nên chỉ sau mấy tuần rượu “rô-đa”, mọi người đã bắt đầu hưng phấn, nói cười rôm rả, có lúc mải mê đến độ giành nhau nói chẳng ai thèm nghe ai nhưng mọi người vẫn thấy sướng. Ngồi bên cạnh tôi ở bàn tiệc buổi ấy có một anh bạn ăn mặc khá sang trọng, khuy cài măng-sết miệng cứ ngậm tăm không dự vào câu chuyện, dáng bộ phấp phỏng đứng ngồi không yên, hình như trong bụng anh ta có gì đó không ổn. Rồi... sau cùng, có lẽ chịu đựng hết nổi, anh bực bội huơ tay ra hiệu:
-“Suỵt” Các bạn nói nho nhỏ chút chứ?
-Ủa! Đây là quán nhậu, người đông, nói nhỏ làm sao nghe đặng? Vả lại, rượu vào thì lời ra, gì đâu phải áy náy?
Câu chuyện đang vui vẻ hào hứng đột nhiên bị tắt ngang khiến mọi người hụt hẫng.
-Nhưng... “Giời ạ!”. Anh bạn “măng sết” điệu bộ khổ sở khoát tay thì thầm: -Thì cũng phải để ý canh canh nhỏ giọng chút chứ! Cái tiếng Nẫu đặc sệt như mấy người mà cứ oang oang không sợ người ta cười cho à?
-Giọng Nẫu, giọng nẫu thì đã sao hả? Tiếng quê mình thế nào ta nói zdậy, mắc mớ gì mà sợ?
Tuy mạnh miệng vậy, nhưng kể từ lúc đó dường như mọi cười đều cụt hứng, chẳng ai còn thiết chuyện trò nữa. Cuộc vui đang rộ lập tức bị chững lại bởi một quãng lặng kéo dài...
... Ngồi chứng kiến cuộc tranh cãi từ đầu tới cuối, tự nhiên tôi bỗng cảm thấy chạnh lòng khi liên tưởng tới tình huống tương tự của mình trong một lần gặp gỡ, bù khú với đám bạn bầu thời trai trẻ khi về lại quê xưa:
-Nì!... Mi nói giọng chi mô mà lạ rứa? Tau nghe dị dị khó lọt tai lắm!
-Thì tiếng Huế rặt ròng chứ Tây u gì đâu?!
-Huế mô mà Huế! - Mấy đứa bạn nhíu mày hùa nhau “vặt” tôi:
-Không phải! Mi giả giọng! Mi bán Huế mất rồi! Tiếng nớ là tiếng Huế lai! Huế lai…
Rồi có đứa bày đặt ví von:
-Một thằng Huế lai bằng mười hai thằng Huế thiệt mà lị! (Dĩ nhiên, rõ đây là một lời khen... ngược).
Những lời trách cứ không mấy nhẹ nhàng của đám bạn hữu quả có làm tôi bẽ bàng chốc lát nhưng không đến nỗi buồn lòng bởi tôi biết nhất thời họ không thể hiểu và thông cảm đó thôi. “Nhập gia thì phải tuỳ tục chứ!”. Nhớ buổi đầu tiên vào Phú Yên dạy học, tôi đem hết khả năng ra sức giảng bài, thấy học trò đứa nào cũng ngoác miệng chăm chú lắng nghe. Ngỡ sự truyền đạt của mình có hiệu quả, tôi càng khoái chí thao thao bất tuyệt, không ngờ khi hỏi lại: “Các em hiểu rõ chưa?” thì đứa này đưa mắt nhìn đứa kia vừa ngơ ngác vừa sợ sệt, rồi một đứa mạnh dạn đứng lên: -Dạ thưa thầy, thầy nói tiếng trọ trẹ gì ấy em nghe không rõ ạ!
Mấy người bạn thời Trung học ở quê có lẽ không để ý; hơn mấy chục năm ăn ở, tiếp xúc sinh hoạt chung đụng với bà con địa phương làm sao tôi không ít nhiều ảnh hưởng tới âm giọng, lời ăn tiếng nói cùng phong cách, lối sống của họ cơ chứ! Anh bạn Huế của tôi tuy có hơi khắt khe, hơi cực đoan trong nhận xét, nhưng nói cho cùng còn dễ thương hơn cái anh chàng khuy cài măng-sết sợ nói giọng Nẫu quê mình kia nhiều.
Bước chân lên nước Mỹ chưa được bao lâu mà đã cảm thấy nhớ thương quê nhà da diết. Mấy câu thơ của ai đó đã lãng quên nay bất chợt hiện về trong trí tưởng:
Khi ra đi ta mang cả hồn quê
Nơi đất khách bao đêm dài nhung nhớ
Để câu thơ trầm buồn như hơi thở
Mãi dọc dài theo năm tháng chia xa…
Hằng ngày, con cái đi làm hãng, về nhà ăn cơm, chuyện trò dăm câu ba chuyện rồi vội nhảy vào phòng nghỉ sớm, lấy sức mai làm việc tiếp; hai vợ chồng già suốt ngày quanh quẩn trong mấy bức tường tận lầu 3, nói với nhau hoài cũng hết chuyện. Ngôi nhà thuê lại nằm lọt thỏm giữa mấy gia đình người Mễ, mỗi lần ra cửa gặp, thấy họ lich sự lên tiếng “Hai! Hai”, tôi đoán ra là lời chào cũng vui vẻ đáp lại “hai” chứ nào đã kịp tra Tự điễn để biết nghĩa sao đâu.
Ôi! Thèm giọng nói quê nhà.
Đang cảm thấy bức bối và e sợ cái nguy cơ dẫn tới bệnh trầm cảm thì hôm chủ nhật rồi bỗng một anh bạn gọi điện mời cả gia đình đi dự cuộc họp mặt đồng hương mùa hè do hội Ái hữu tổ chức; và chính nhờ gặp lại mấy người bà quen, những đồng môn, đồng nghiệp và bạn bầu ngày cũ, thời còn mài đũng quần ở băng ghế trường Trung học mà tình cảm thăng hoa khiến cho mọi vấn vương hầu như tạm thời giải toả.
Gặp nhau chỗ đất khách quê người, dù lạ hay quen, thân tình hay sơ ngộ, ai cũng tay bắt mặt mừng, xoắn xuýt, tới tấp thăm hỏi, nào là chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làng chuyện nước, ai còn, ai mất… thôi thì đủ thứ làm mình không kịp thở. Bãi bờ ký ức được dịp khơi gợi khiến lắm lúc có người chợt lặng buồn, len lén đưa tay… quệt mấy giọt nước mắt rỉ rả rơi rớt chơi vơi theo giòng tâm sự.
-Cám ơn chị. Chị vẫn còn đặc sệt giọng Phú Yên.
Một người bạn vừa thút thít, vừa nắm riết bàn tay bà xã bịn rịn trước giờ từ giã:
-Lâu… lâu lắm rồi em mới nghe lại giọng “Nẫu” thân thương quê mình đấy chị ạ!
Những người Huế xa quê như chúng tôi có cái thông lệ mỗi lần gặp nhau là bày trò thi nói giọng Huế bằng thổ ngữ cho đỡ nhớ rồi sướt mướt đọc thơ Tô Kiều Ngân:
Nếu được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chưa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành chẳng nuối tiếc chi mô…
Người xa quê dẫu bất cứ lý do gì đi nữa, bao giờ cũng luyến nhớ cội nguồn, quê hương bản quán, và nếu như bất chợt ta bắt gặp đâu đó ai nói tiếng xứ mình lập tức mừng rỡ và cảm thấy thân tình ngay. Giọng Nẫu cũng dịu dàng, cũng ngọt lịm như ai miễn là lời nói của ta gói ghém đầy tình cảm làng nước xóm giềng trong đó.
Bài “Nẫu ca” Than thân trách phận đặc sệt chất giọng Phú Yên nổi tiếng khắp miền ai cũng thích, người xứ khác tập hoài mà đâu có hát hay và đúng giọng bằng những người bạn Nẫu.
Ở nước Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng gặp một vài người Việt mình hoặc là vì thói quen, hoặc là do muốn “thể hiện”, khi trò chuyện với nhau thường nói rặt tiếng nước ngoài, thậm chí ở thang máy hoặc ngay trong gia đình cũng dùng tiếng Anh đối thoại với con trẻ. Có lúc, cảm nhận ít nhiều sự bực bỏ của bạn bè khách khứa, họ thanh minh thanh nga: “Biết sao được anh. Phải “luyện” cho chúng nhuần nhuyễn chứ? Tương lai, sự nghiệp và cuộc sống của con cái đều tùy thuộc cả vào vốn liếng tiếng Anh đấy mà”. Điều đó cũng đúng nhưng nếu như các cháu biết sử dụng lưu loát cả hai ngôn ngữ thì “tuyệt vời” biết mấy? Nhiều lúc theo dõi những cuộc phỏng vấn, trò chuyện trên Đài truyền hình, một số các cháu thanh-thiếu niên đang nói tiếng Việt ngon lành, gặp chỗ “bí” bèn tiếp luôn một tràng tiếng Anh khiến các cụ nhà ta ngơ ngác, chẳng hiểu trời trăng mây nước. Nhớ hôm nào mới qua, hai đứa cháu ngoại suốt ngày líu lo hỏi han đủ thứ chuyện bằng tiếng mẹ đẻ khiến chúng tôi đôi lúc choáng tai nhức óc nhưng trong bụng thì lại rất vui, còn thấy khoái chí nữa. Thiệt tình, nếu như không “được” bận cãi cọ, giải đáp thắc mắc liên tu bất tận với mấy đứa nhỏ, chắc là chúng tôi buồn chán và nhớ quê nhà lắm lắm. Từ khi hai cháu tới tuổi đến trường, ngày càng ít được nghe chúng nói tiếng Việt, và thay vào đó bằng thứ tiếng Anh (Yes, No, You, Not) lạ lẫm khiến chúng tôi chẳng hiểu chúng nói gì và cũng chẳng biết nói gì cho nó hiểu nữa; dần dà hai đứa xa lạ với cả ông bà. Không còn được gần gũi các cháu như xưa, thâm tâm chúng tôi cảm thấy ít nhiều buồn lòng và hụt hẫng...
Ôi! Thèm sao giọng nói quê mình!
*
“Tất cả chúng ta, ai cũng có một tình yêu đầu đời để ôm ấp, mọi người đều có một góc trời quê để nhớ, để thương; có thể đó là cây đa, bến nước ven sông. Có thể quê hương là con đò nhỏ đưa khách sang sông mỗi sớm mỗi chiều đã để lại vô vàn ký ức thật êm đềm những khi ta chui vào hoài niệm”, nhưng khi nói tới hồn quê, ngoài những điều nhắc nhở trên, rõ ràng, tiếng nói với cái âm sắc, âm giọng rất riêng không lẫn vào đâu được của mỗi miền quê xứ khiến ta dễ dàng nhận ra là đồng hương của nhau. Ấy chẳng phải chính là hồn quê đó sao?
Thung lũng hoa vàng những ngày đầu xa xứ
Tháng 9/2009
Chào Nguyên Đạt,
Trả lờiXóaCảm nghĩ sau khi đọc bài xin ghi lại:
Đây là một hiện tượng thực tế xảy ra đối với phần đông các thế hệ thứ 2, thứ 3...của các gia
người Việt định cư nước ngoài.Chúng tôi cũng trải qua kinh nghiệm này . Để giúp đỡ nó thông thường phải:
1) Vận dụng thời gian rảnh của nó chỉ nó cách viết và đọc tiếng Việt. Nghĩa từ thì mình phải biết một ít tiếng ngoại quốc. Phương pháp như dạy mẫu giáo chứ không phải dạy người lớn mù chữ, nếu nó chưa nói và nghe được tiếng Việt.
2) Tạo cơ hội cho nó tiếp xúc nhiều với bạn bè cộng đồng người Việt,giao tiếp chỉ nói tiếng Việt để chúng tập nói và tập nghe.
3) Mở chương trình văn nghệ,ca nhạc tiếng Việt (thiếu nhi) cho chúng nghe, để kích thích tình cảm .
Chú ý đây chỉ là giáo dục ngoại chương trình nên không bắt buộc chúng, vì sẽ gây khó khăn cho việc học hai, ba ngôn ngữ cùng lúc. Kinh nghiệm cho thấy dạy cách quãng tốt hơn ngày nào cũng dạy.
Ngôn ngữ là thực thể phi vật chất nên nó là thông tin giữa các tâm hồn. Một tâm hồn quảng đại đương nhiên phải trao đổi và xử lý được nguồn thông tin rộng lớn.Tuy nhiên bắt trẻ con học nhiều ngôn ngữ mà không học ngôn ngữ gắn bó với huyết thống của nó là thiệt thòi lớn của đứa trẻ, chứ không phải là quyền lợi của nó.
Cảm ơn Nguyên Đạt đã ghé thăm và đăng bài lên website.
Chúc sức khỏe và hẹn gặp lại.