Phạm
Lê Huy
Sáng
nay, quán cà phê Cứt Chồn trong xóm nhỏ gần cư xá Thanh Đa sao đông khách hơn
thường lệ. Bên bàn trong, chị Ba đang lui cui với mấy cái phin cà phê, pha pha
chế chế cho khách thì nghe có tiếng gõ nhè nhẹ lên bàn. Chị ngẩn lên nhìn, một
thiếu nữ vẻ là lạ khẽ chào:
- Chào chị Ba… Em nè !
Chị
Ba đang còn ngờ ngợ thì thiếu nữ ấy gỡ kính râm ra, chị sửng sốt reo lên :
- Trời Thu… Thu… Em dzề hồi nào ?
- Hôm qua chị à… Chị khỏe không ?
Mừng
quá, chị Ba đáp lia lịa :
- Khỏe… Khỏe… ! Mà… Cái con khỉ… Sao đi lút một hơi dzậy ?
Cầm
tay Thu kéo ra chiếc bàn khách kế bàn tính tiền, chị vồn vã :
- Ngồi đi em… Ngồi đi ! Chờ chị chút nghen !
Rồi
chị đon đả lo cho khách. Một khách quen hỏi :
- Ai dzậy chị ?
- Úi… Con Thu… quen,
quen lắm… Ở Mỹ mới dzề hôm qua. Xin lỗi nhen, cho tui nói chiện dzí nó một
chút.
Chị
Ba kéo ghế xề xuống ngồi kế Thu :
- Sao… Dzề chơi lâu không em ?
- Thăm nhà ít hôm rồi em vô lại Sài Gòn.
- Ít dzậy sao ?
- Chỗ làm cho nghỉ phép có ba tuần thôi. Em phải về lại bển
để “cày” tiếp chị à !
- Ờ… ờ… Uống gì đi nghen ! – Chị Ba tỏ vẻ thông cảm.
- Cám ơn chị. Thăm chị chút rồi em đi.
- Làm gì như nước sôi dzậy em ?
- Trưa mai em trở lại nữa mà. À, chị nhớ nhắn thằng Tư giùm
là có người quen cần gặp… ảnh. Nhưng đừng cho ảnh… đừng cho nó… biết là em về.
Nhớ nghen
!
Chị
Ba lầm bầm trong bụng: “Nhỏ này thiệt… “Thằng”, “ảnh” rồi “nó”…Hiểu chết liền…
!”.
Dựng
chiếc xe ôm ngoài hiên, Tư nôn nóng và tò mò không biết người quen nào hẹn mình
trưa nay. Tư cứ đoán già đoán non người nọ người kia trong số bạn cũ của mình.
Mà Tư thì bạn nhiều lắm – trai có gái có – từ hồi đi học cho đến khi ra đời ba
chìm bảy nổi, bởi nhờ cái dễ tính vui vui xởi lởi của mình.
Tư
sốt ruột nhìn đồng hồ, trưa trật rồi sao chưa thấy bóng dáng người hẹn đâu hết.
Hỏi thì chị Ba nói: “Chờ xíu nữa đi ! Biết đâu người ta bị kẹt xe” – “Ờ… Thì
chờ… Nhưng lâu quá thì tui dông đi kiếm gạo đó !”. Tư lại sốt ruột chờ… Chợt
có tiếng gọi ngoài hiên:
- Xe ôm ai đây… Có ra Bình Quới không ?
- Dạ… Tui đây cô… Đi chớ. Nhưng chờ tui một chút được không,
vì tui có người quen hẹn ?
Cô
gái đội mũ rộng vành phủ khuất trán, đeo tấm vải màu che bụi tỏ vẻ sốt ruột :
- Tui có hẹn với mấy người bạn cũ tại quán Sông Trăng. Chạy
cho tui đi !
Nhìn
dáng dấp và trang phục có vẻ “tây tây”của cô gái, Tư gục gật nghĩ thầm: “Á
à… !” rồi dặn chị Ba, người quen nào đó có tới thì nói họ chờ chừng nửa tiếng
đồng hồ, Tư sẽ trở lại. Tư xoay qua cô gái:
- Ờ… Tui chạy !
Tư
sắp nổ máy xe thì cô gái chìa ra tờ một trăm đô-la :
- Tui đưa trước đây, anh cất đi !
- Dạ… Sao nhiều quá… Cám ơn cô
- Anh cứ giữ đi, tui còn đi vài nơi nữa mà.
Tư
“trúng mánh” mừng lắm, nhét tiền vô túi, rồi cám ơn cô gái lần nữa.
Chợt
cô gái cười ra tiếng, giở mũ, gỡ miếng vải che bụi :
- Tui đây… Thu… Thu Vàng đây… Mây Ngàn !
- Trời… Thu Vàng đó hả… Thu về đó hả !
Rồi
Tư nắm tay Thu kéo rượt vô quán, reo lên :
- Chị Ba… Chị Ba… Thu… Thu Vàng về nè !
- Biết rồi… Biết từ hôm qua lựn… “Ông Thần” !
*
* *
Thì
ra Tư Ngàn và Thu là đôi bạn thân từ hồi đi học. Lại thân hơn nữa là, từ năm Đệ
Tam cả hai đều ở trong ban văn nghệ đờn ca sáo thổi của trường Trung Học Cường
Để. Ban văn nghệ này nổi tiếng là nhờ tập trung được nhiều tài năng học trò, và
thường được các quận trong tỉnh, các đơn vị quân đội hoặc thỉnh thoảng các tỉnh
bạn mời giúp vui trong những dịp lễ lớn.
Kỷ
niệm về sinh hoạt văn nghệ thì đôi bạn cùng với toàn ban có nhiều lắm; vui có
buồn có, mà dỡ khóc dỡ cười cũng có…
Năm
Đệ Nhị, có lần đôi bạn song ca thật xuất sắc nhạc phẩm Trúc Đào của Anh Bằng.
Và
khi hát bài này Tư Ngàn cứ chăm chăm nhìn vào đôi mắt huyền mơ của Thu như tự
nhủ :
Tại vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
Nhìn vầng trăng sáng lung linh
Nhìn em mười sáu như cành hoa lê
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
Nhìn vầng trăng sáng lung linh
Nhìn em mười sáu như cành hoa lê
Năm
Đệ Nhất, Thu hát nhạc phẩm Thu Vàng của Cung Tiến “rất tới” nên bạn bè gắn thêm
chữ Vàng sau chữ Thu, do vậy mới có mỹ danh Thu Vàng:
Chiều hôm qua lang thang
trên đường
Hoàng hôn xuống chiều thắm
muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi
bâng khuâng
Có mùa thu về tơ vàng
vương vương
Còn
Tư Ngàn hát nhạc phẩm Mùa Thu Mây Ngàn của Từ Công Phụng cũng “rất tới”, nên mới
có mỹ danh Mây Ngàn :
Thu nay mây ngàn còn
giăng mãi bên trời
Mùa thu lưu luyến bóng dáng ai đi
Ðêm nay bên thềm cầm tay em… anh khẽ nói
Ngày mai anh đi rồi
Em có buồn gì không
Mùa thu lưu luyến bóng dáng ai đi
Ðêm nay bên thềm cầm tay em… anh khẽ nói
Ngày mai anh đi rồi
Em có buồn gì không
Trong
thâm tâm, Mây Ngàn hát bài này như khẽ nói với “ai kia” – người mang tên một
mùa thơ mộng lãng mạn nhứt trong bốn mùa, cái mùa đã từng làm hao tốn biết bao
giấy mực của bao nghệ sĩ từ đông sang tây, từ cổ chí kim. Năm Đệ Nhất này cũng
là năm Mây Ngàn “ngấp nghé” trước ngưỡng cửa… quân trường – trai thời chiến mà.
Cho nên Mây Ngàn phải chạy đua nước rút với… chính mình mà đích đến là… “ai
kia”.
Còn
Thu Vàng thì lúc nào cũng hồn nhiên tươi tắn, chẳng ai biết Thu Vàng có chuyện…
“tơ vương” gì không. Mây Ngàn thì thấy nơi Thu Vàng có nét nhí nhảnh dễ thương,
nên lắm khi Mây Ngàn nghe lòng mình rung động xuyến xao… Những khi rủ Thu Vàng
đi ăn kem, nhấm nháp cà phê nghe nhạc, Mây Ngàn muốn thổ lộ lòng mình nhưng lại
ngài ngại làm sao. Và, như bao cô gái trên trái đất này, ông trời đã phú cho
Thu Vàng cái tinh ý nhạy cảm, biết tỏng ngay là Mây Ngàn “tình trong như đã, mặt
ngoài còn e” rồi; nhưng Thu Vàng cứ tỉnh bơ, làm như chẳng hay biết gì, thử xem
Mây Ngàn sẽ “bước tới” thế nào.
Mùa
thu năm đó, đôi bạn vào Cà Phê Mây Mùa Thu trên đường Hai Bà Trưng nghe nhạc.
Không gian và nhạc ở đây thật thích hợp với mùa thu tuy mùa thu Qui Nhơn không
rõ nét, hình như Qui Nhơn chỉ có hai mùa mưa nắng. Dịp này Mây Ngàn tự nhủ mình
phải dạn dĩ, phải can đảm lên mới được, phải thổ lộ cho “ai kia” hiểu lòng mình
mới được. Vậy mà Mây Ngàn cứ ngập ngừng, ấp a ấp úng hoài. Bao ý bao lời soạn
trước trốn đâu mất tiêu. Đó rồi Mây Ngàn… nín thở, hít vô một hơi dài… lại nín
thở… nói một hơi :
- Thu… Thu ơi… Ngàn muốn nói… muốn nói… với Thu…
Thu
Vàng cũng… nín thở… nín thở… chờ Mây Ngàn nói cái câu mà Thu đoán là…
Mây
Ngàn lại… nín thở, lại hít vô một hơi dài… lại nín thở… lại nói một hơi :
- Thu… Thu ơi… Ngàn muốn nói… muốn nói… với Thu…
Thu
Vàng mắc cười quá nhưng thấy… “tội tội” cho Mây Ngàn nên Thu Vàng nén cười :
- Ngàn nói đi… nói đi… Thu nghe đây !
Mây
Ngàn lại nghe người mình nóng lên, tim đập phình phịch rồi nói nhanh một hơi :
- Ngàn muốn nói là… là… Ngàn… là… là… hai đứa mình làm… anh
em kết nghiã với nhau nghen.
Thấy
tội nghiệp cho Mây Ngàn quá nhưng Thu Vàng không nén được nữa, cười hi hi :
- Thì xưa nay… anh… xưa nay… Ngàn với Thu vẫn là anh em đó
mà !
Mây
Ngàn “tự cứu mình” :
- Không… không… Anh muốn nói anh… muốn nói anh…
Thu
Vàng khẽ tiếp lời :
- Em… Thu… Em hiểu anh từ… từ lâu mà !
Mây
Ngàn vui lên, cảm động :
- Cám ơn… Thu… Cám ơn… Em !
Không
gian như chùng xuống, thời gian như ngừng lại, tiếng nhạc như lắng đọng, lắng đọng
nơi quán cà phê nhạc trong một chiều thu thật ấm cúng này…
*
* *
Rồi
mùa thu ấy qua đi… Như bao chàng trai thời chiến, Mây Ngàn lao vào binh lửa
trên khắp các chiến trường duyên hải, cao nguyên. Thu Vàng vào Đại Học Văn Khoa
Sài Gòn. Những lá thư tiền tuyến – hậu phương của Mây Ngàn của Thu Vàng vẫn thường
xuyên bay đi bay về.
Rồi
biến cố Bảy - Lăm… Thu Vàng ra đi, ra đi thật xa, ra đi biền biệt… Mây Ngàn kẹt
lại, kẹt lại với thân phận một-thân-một-mình lao đao lận đận theo tháng năm dài
đằng đẵng. Thời gian đã hằn lên hình hài, lên khuôn mặt Mây Ngàn những nét khắc
khổ, cằn cỗi, đen điu trên chiếc xe ôm kiếm sống qua ngày. Thỉnh thoảng Mây
Ngàn nhận được thư và quà của Thu Vàng gởi về, gieo niềm vui với chút ấm lòng
nơi chàng.
Hôm
nay – mười mấy năm sau – Thu Vàng về thăm quê nhà, thăm bà con chòm xóm và bạn
bè. Thu Vàng cầm tay Mây Ngàn lắc lắc, khẩn khoản :
- Mây Ngàn đi Sông Trăng với Thu Vàng nghen. Đến đó mình sẽ
gặp lại đám bạn cũ của mình.
- Nhưng…
- Không nhưn nhị gì hết. Đi đi… Vui lắm ! Chắc tụi nó vẫn
còn nhớ giọng ca vàng Mây Ngàn lắm đó. À, mà Mây Ngàn có kẹt chuyện gia đình gì
không ?
- Không… Tui vẫn…solo mà ! – Mây Ngàn khẽ đáp.
- Vậy thì đi đi !
- Ờ… Thì đi. Nhưng chờ tui thay “bộ đồ bay” này cái đã.
Rồi
Mây Ngàn mặc vào bộ đồ “chiến nhứt” của mình là chiếc áo pull trắng cổ bẻ với
quần jean xanh Levi’ s là quà tặng của Thu Vàng gởi về từ mấy năm trước.
Chiếc
xe ôm lướt nhẹ trong dòng xe hướng về quán Sông Trăng. Chợt Thu Vàng tựa đầu
vào lưng, quàng tay siết nhẹ hông Mây Ngàn. Một thoáng hạnh phúc chợt về quanh
đây, Mây Ngàn khe khẽ huýt sáo :
Chiều nay có mùa thu đi
về
Buồn vương mây ngàn
giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn hong gió thu buồn
…
… …
Phạm
Lê Huy
(Los
Angeles)
Anh Huy ơi!
Trả lờiXóaChiều và Mùa Thu luôn là lúc gợi cho ta nhung nhớ. Bài viết mang nhiều hoài niệm. Em nhớ hình như cafe Mây Mùa Thu ở đường Hai Bà Trưng với anh cũng có nhiều kỷ niệm lắm phải không? Hôm nào gặp, nhớ tâm sự cho em biết với nghen!
Thân chào!
Hi... Irene...
XóaỜ... Sao Chiều và Mùa Thu lại gợi nhớ quá !
Thuở ấy với quán Mây Mùa Thu thì Lê Huy không có nhiều kỷ niệm mấy, Lê Huy lại có nhiều kỷ niệm vui rộn rã hoặc buồn nẫu ruột ở những nơi chẳng yên tĩnh mấy. Với lại Lê Huy chỉ nghe tên các quán cà phê ở Qui Nhơn mình thôi chứ ít có dịp lui tới những nơi này lắm.
Anh Huy ơi!
XóaHình như quán Mây Mùa Thu ở Qui Nhơn và quán Sông Trăng ở Thanh Đa-Sài Gòn nó có gì quen quen phải không anh Huy? Nói giỡn cho vui vậy thôi chứ nhắc đến Mây Mùa Thu em lại nhớ đó là quán cafe trang trí hay hay và lãng mạn nhất vào thời bấy giờ, không biết em nhớ như vậy có đúng không?
H.Hoa rấtt thích bài viết về mùa thu và những bài hát về mùa thu . Mùa thu buồn luôn gợi cho nhớ những kỷ niệm đẹp của thời còn đi học .
Trả lờiXóaCám Ơn anh Phạm Lê Huy với lối viết chân thật đi vào lòng người !
Đúng vậy... H.Hoa ! Xưa nay thật là nhiều nhiều lắm Thơ Văn Nhạc Họa luôn ca ngợi mùa thu. Thu và hè là hai mùa mà học trò có nhiều kỷ niệm nhất, vì thế "khi có tuổi" bạn bè cũ gặp nhau thường hay nhắc lại những mẫu chuyện "vui có buồn có" không sao quên được thuở ấy.
XóaCám ơn H.Hoa nhiều nha !
Tui thich loi to tinh ap a ap ung cua May ngan trong quan May mua thu . . thay vui vui ngo ngo hinh nhu giong minh hoi xua sao ma nhat qua , noi khong nen loi .
Trả lờiXóaRat thich loi viet cua anh !
M. Dũng ơi... Té ra bạn cũng đã từng ấp a ấp úng như vậy sao... Nghe "tôi tội" quá !
Trả lờiXóaMà thật... thiếu gì những chàng trai anh hùng hào kiệt xem chuyện vào sinh ra tử như pha nhưng lại khớp trước "người ta".
Cám ơn M. Dũng.
Chỉ mấy ngày bận bịu không vào trang nhà ...mà không hiểu tại sao "mùa thu" lại rủ nhau về sớm thế ...và nhiều thế ...
Trả lờiXóaBài viết "háp pi en đing" làm mình lại ...tủi thân.
Chúc hai cụ tháng bảy này vui...
Cát ui...
XóaTui biết Cát bận bịu lắm mà.
Tui cũng biết mùa thu chưa tới, sắp tới... nhưng "ngừ ta" cứ nói "Thu về rồi đó anh... !" làm tui bị rối lên đó.
"Háp pi en đing" là của Tư Xe Ôm và Thu Vàng mà, mắc mớ gì Cát lại... tủi thân hè ?
Anh Huy ơi,
Trả lờiXóaĐã đọc được nhiều bài của Anh và đây là một trong những bài P rất thích. Thích các bài hát trong bài ,thích lối tỏ tình vụng dại ngây ngô của Mây Vàng và thích nhất là các từ ngữ xứ NẪU của tụi mình mà Anh dùng trong bài... Hẹn gặp Kim Loan và Anh 27/7 sẽ tâm sự nhiều . DP
Hihi... DP đọc thêm đoạn NẪU này nghen
Xóa"… Vừa bước vô nhà, Hy thoáng thấy bóng dáng của Bích -- vẫn nhỏ nhắn như “Mùa Noel Đó” – đang khum lưng trốn sau lưng cái sofa, Hy bật cười
- Trốn gì mà trốn ! Trốn sao được nữa mà trốn !
Bích đứng dậy cười vui, nói
- Tui thua ông rầu đó !
Hy cười hì hì
- Thì tui cũng đã thua Bích từ… “Mùa Noel Đó” rầu đó !
Cả bốn người bạn cũ cùng cười rân lên. Bích nhắc lại
- Sao hầu đó ông hẹn tui mà hổng cho biết mấy giờ, tại góc nào ?
Hy giựt mình, vỗ vỗ cái trán sói sọi của mình
- Trời… Dzậy hả… !?
- Hầu đó ông dziết ngắn chũn “Xin cho tui gặp Bích đêm Noel này nghen”, rầu ký tên, chữ Hy ký nhìn giúng như chữ… Khỷ.
- Á cái mà bi giờ tui ăn… xì dầu rành lắm à nghen… ! – Hy cười vả lả, nói chẳng đâu vào đâu hết.
Bích “phang” cho một câu cụt ngủn
- Ăn được… Kợ ông... !"
(trích trong Mùa Noel Đó - PLH)
Những từ xứ "nẫu" này thật dễ thương.Cám ơn và gởi lời thăm "cỏn"nghe"thẳng"
Xóa