Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Nhớ Một Chuyến Đi


Xe chỉ dừng bánh ít phút cho du khách chụp hình, tôi cũng vội vàng ghi lại hình ảnh cây cầu lịch sử này.
Sáu mươi năm trước tôi đã được nghe nhắc nhiều  đến tên  cầu Hiền Lương. Nhớ lại thời ấy, mới từ Bắc di cư vào Nam , phương tiện trao đổi tin tức duy nhất chỉ là những tấm bưu thiếp màu trắng gửi ra, và màu vàng  gửi vào. Anh cả tôi luôn  là người viết, vì chữ anh đẹp và nhỏ , để có thể viết được nhiều điều gửi gắm nỗi lòng thương nhớ về quê xưa, nhưng chỉ có niềm thương nỗi nhớ là thật, còn lại … cái gì cũng tốt cũng đẹp.  Có như thế tấm bưu thiếp “ lộ thiên” mới an toàn đến được tay người nhận. Những cánh thư bưu thiếp gửi ra, gửi vào đều được 2 bên trao đổi giữa cầu. Một vạch sơn trắng mỏng manh chia đôi cây cầu, chia đôi đất nước, mỗi bên đươc sở hữu hơn 400 tấm ván lót cầu. Giòng sông Bến Hải nhỏ bé, hiền hòa, lúc này đang êm đềm, phẳng lặng, phản chiếu ánh nắng trưa, vậy mà cũng  đã góp  phần vào việc ngăn cách đôi bờ thương nhớ!... Thư đi, tin lại  cũng chỉ được vài tháng thì… ngưng hẳn, khiến cho bao nhiêu người  thân thích , ruột rà đành phải đau đáu nhớ thương nhau suốt mấy chục năm trời! Số bưu thiếp ít ỏi ấy chúng tôi cất giữ thật cẩn thận, lâu lâu nhớ  quê  lại lấy ra xem. Mỗi lần như thế người lớn trong nhà  đều buồn bã thẫn thờ, còn lũ nhóc thì rón ra rón rén , như sợ làm tan vỡ phút giây thiêng liêng ấy…Tiếc là sau bảy- lăm chả còn lại gì nữa!

Trong chuyến hành trình, chúng tôi cũng được ghé thăm nghĩa trang Trường Sơn. Cảm giác đầu tiên là nghẹn ngào, choáng ngợp.  Cả một vùng đồi núi  mênh mông – bạt ngàn bia mộ!!! Đến đây rồi, chả còn khái niệm bên này, bên kia chiến tuyến nữa Chỉ còn duy nhất nỗi đau ly biệt ,xa cách ngàn trùng mà thôi! Người thân của tôi cũng đã nằm xuống trong cuộc chiến này nên rất hiểu, rất xót xa… Rời nghĩa trang, rời sông Bến Hải, tôi mang theo tâm trạng thật nặng nề. Và cũng không quên được mấy câu thơ cậu hướng dẫn viên đã đọc khi xe qua cầu Thạch Hãn:
        “ Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ.
         Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”
Thôi, tạm biệt Quảng Trị, tạm biệt vùng đất kiên cường. Xin kính cẩn nghiêng mình từ biệt các anh, những người trai đã xả thân vì đất nước một thời. Đến Huế mông, Huế mơ , thăm đền đài, cung điện ngày xưa, cám cảnh câu “ đời người hữu hạn…” Cũng không quên được  cảnh sông nước Hương Giang về đêm, lung linh, huyền ảo với những câu hò, điệu hát trên thuyền rồng. Đò , thuyền ra vào tấp nập, lách mãi chả vào được bến. Đúng là” thuyền đông , giời ơi chen…”
Xe bắt đầu chui hầm Hải Vân để đến Đà Nẵng, vậy là cái mơ ước được đặt chân lên Hải Vân quan chả bao giờ có được nữa! Đà Nẵng với phố, với biển đều xanh, sạch, đẹp, Bà Nà với khí hậu tuyệt vời, tuy không còn nữa nét yên bình êm ả của mấy năm trước, nơi đây bây giờ đang dần trở thành khu vui chơi như Genting của Mã Lai rồi. Cậu hướng dẫn viên nhỏ bé, có khuôn mặt hiền lành, nói tiếng Quảng thật có duyên, và chúng tôi  tha hồ bắt chước mà không sợ bị trách là” chửi… không bằng pha tiếng”. Mỗi buổi sáng cậu luôn hỏi thăm quý khách  ngủ có ngon không, quý khách đáp rõ to:” ngủ thẻng cẻng…” lại  còn hiểu được tên  cầu Oang Hậu là “phiên âm” của An Hội mà ra!
Mỗi chuyến đi, ngoài việc thăm thú cảnh đẹp quê hương, còn là dịp để  tôi đo lại sức khỏe của mình nữa. Lần này quả có hơi  sa sút. May mà có cáp treo để lên Ngũ Hành Sơn, đỡ được một chặng leo dốc khá vất vả. Lần đi trước tôi leo phom phom lên tới đỉnh, tha hồ ngắm nhìn Đà nẵng trên cao…Lần này thì…già – thật – rồi! Kiểu này phải tranh thủ mà đi thôi . Mai kia, lỡ có “ sụm bà chè”, ngồi – một – chỗ cũng không phải tiếc ngơ, tiếc ngẩn…

Ky Nguyen

11 nhận xét:

  1. Đọc Nhớ Một Chuyến Đi của chị làm em nhớ lại. Năm 1954 em cũng theo gia đình vào Nam và quê quán của em là bên kia cầu Hiền Lương. Ra đi để lại bà ngoại và bà con thân thuộc nên mỗi khi nhận tấm bưu thiếp cả nhà mừng lắm và mạ em lại khóc và em lại khóc theo...
    Chị đi nhiều nơi như thế mệt là phải rồi. Tuổi chị em mình ai cũng ngoài lục tuần mà đòi leo lên Ngũ Hành Sơn.
    Chúc chị khỏe để có những chuyến đi thú vị!
    Thân chào!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Irene ơi.
      Lần đầu đi chơi Đà Nẵng, chân mình đang bị đau, đi cà lết, cà lết... vậy mà leo Ngũ Hành Sơn....hết đau. Từ đó, mỗi lần ốm, uống thuốc hoài không khỏi, lũ con lại ghẹo....mẹ lại muốn đi chơi rồi, mình gật đầu cái rụp.
      Cám ơn lời chúc của bạn. Xin hứa: sẽ khỏe. Sẽ đi nữa.
      Thân chào

      Xóa
  2. Chào KyNguyen.
    Bạn đã viết một bài thật cảm động ..nhất là với những người đã đi qua chiến tranh..nỗi đau..quê hương..thân phận..
    Cầu Bến hải ( Hiền lương )cái tên thật quen đau như vết cắt...Tôi đã đến đó nhiều lần...vậy mà hôm nay bài viết của bạn đã làm tôi ..phải ..hít một hơi thuốc lá thật sâu.. và ..im lặng.
    ĐÒ XUÔI THẠCH HẢN xin chèo nhẹ
    Đáy sông còn đó BẠN TÔI NẰM....
    Chào bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Bạn đã đồng cảm với Kynguyen.
      Cầu cho đất nước thôi đừng chinh chiến.
      Nước mắt thôi rơi tiễn biệt người đi...
      Mong điều này lắm bạn ạ.
      Thân chào bạn.

      Xóa
  3. " Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
    Có tuổi hai mươi thành sóng nước
    Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
    Bốn câu thơ của Nhà báo-Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Lê Bá Dương đã làm cho lòng mình lắng xuống và nghiêng mình...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, cậu hướng dẫn viên khi đọc mấy câu thơ này đã rưng rưng nước mắt, và Kynguyen cũng nghẹn ngào... một nỗi đau chung.
      Cám ơn bạn đã chia xẻ.
      Thân chào

      Xóa
  4. Chào Anh/ Chi K.N,
    Không thể ngăn chận sư đồng cảm.
    Cảm tác sau khi đọc” Nhớ một chuyến đi “
    MỘT LẦN QUA CẦU
    Cẩu nay nối nhịp tình quê.
    Bốn trăm tấm ván đôi bờ chung nhau.
    Hồn, xương núp bóng chân cầu
    Sông xưa ngăn cách, hằn sâu căm thù ???

    Máu Đào Dân Việt chảy về đâu ???
    Hiền Lương, Bến Hải có thêm sầu ???
    Đôi bờ ngăn cách bao thương nhớ !!!
    Kẻ ở, người đi khắp địa cầu.


    Trả lờiXóa
  5. " Đôi bờ ngăn cách bao thương nhớ.
    Kẻ ờ, người đi khắp địa cầu.
    Chỉ còn biết lắc đầu cảm thán thôi bạn ạ.
    Cám ơn bạn đã cùng chung ý tưởng. K.N là....lão bà bạn ạ

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn BBT đã minh họa một bức hình đẹp

    Trả lờiXóa
  7. "Tranh thủ mà đi thôi" ...tụi tôi K5 sắp tổ chức đi chơi Ninh Chữ (Bình Thuận), bạn gắn tranh thủ nhé. Địa chỉ và số phone trong kỷ yếu.

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn bạn. Ninh Chữ mình đã tới rồi, và ... nhớ suốt đời vì.... suýt chết đuối ở đó.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...