Ky thinguyen
Hai thằng con đến tuổi ngỗ nghịch, khó dạy, khó bảo, thỉnh thoảng bực quá tôi hay nói lẫy: biết thế tao đi lấy chồng khác, trả hai đứa về cho bà nội cho rồi…Thằng anh 4 tuổi hơi khựng người, còn thằng em nhỏ hơn 1 tuổi ra cái điều hùng hổ, nó vớ lấy con dao chẻ củi cao gần bằng đầu của mình, nói rõ to: Ông nào vào đây con chém….Cả nhà phì cười, bà ngoại ngồi nhìn ba mẹ con rồi thủng thẳng nói : chợ sớm đã chẳng ra gì, nói chi đến chợ chiều…Tôi nhìn mẹ và hiểu rõ lời nhắn nhủ ý nhị ấy…Bực quá thì dọa thế thôi, chứ lòng dạ nào để con mồ côi thêm một lần nữa! Tôi nhớ lại cuốn truyện đã đọc từ lâu của Mark Twain nói về tình cảnh của người mẹ đi bước nữa, gặp phải ông chồng sau quá vũ phu, đẩy thằng con vào cảnh bi đát, phải bỏ nhà ra đi…Đọc rồi nghĩ đến con mình, rơi nước mắt. Có chết cũng chẳng để con tuột khỏi tay mẹ đâu. Rồi…ngày tháng cứ trôi, sức chịu đựng của con người cũng thật bền bỉ, thỉnh thoảng nghĩ lại mình – cũng – phục – mình - sao - giỏi thế!
Dâu, biển cuộc đời đã nếm đủ. Bây giờ ngồi thương con vất vả chợ đời. Mẹ già đã mỏi mòn sức lực, cố giúp con những lúc khỏe, vui, cố không để ốm đau khiến con cái phải bận lòng…Phiên Chợ Chiều của mẹ giờ chỉ là những lần họp mặt bạn bè xưa, ôn lại kỷ niệm cũ, vui chơi đây đó cùng nhau…Cũng thật may, lứa bạn học cũ từ thời Trung học, tản mát khắp bốn phương trời nay dần tìm lại được, cũng là nhờ công nghệ thông tin thời hiện đại, tuy chưa gặp được nhau nhưng chỉ vài phút gửi email là biết tin nhau đầy đủ, rồi hình ảnh trao qua, gửi về tới tấp, nhận ra nhau sau mấy chục năm trời, niềm vui này khiến mẹ như trẻ lại. Thú vị hơn nữa là những lần họp mặt bạn bè Sư Phạm, cùng khóa, cùng trường…Hội hè nào cũng không bằng hội đồng môn. Bao nhiêu là kỷ niệm được ôn lại, bao nhiêu ước mơ của một thời thanh xuân hoa mộng được nhắc đến…Tìm đến nhau để nhớ ngày xưa, mẹ đôi lúc đã quên mất tuổi già…Tuy chỉ học cùng nhau có 2 năm ngắn ngủi mà đã có biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương, có lẽ ở cái tuổi sắp sửa vào đời đó, ai cũng có nhiều bâng khuâng, suy tính, nhiều mộng mơ tươi đẹp sắp trở thành hiện thực khiến cho mọi người càng thêm thân thiết, gắn bó với nhau vì cùng chung lý tưởng: Yêu trẻ, Yêu nghề…Mỗi lần họp bạn Sư Phạm về tôi cứ thấy tiếc cho mình, sao quá rụt dè, chả dám hòa vào cuộc vui hát hò, khiêu vũ với mọi người để niềm vui được trọn vẹn! Cứ nghe điện thoại reo là lũ con tôi cười ghẹo: Mẹ lại “Có Độ” nữa rồi. Ừ nhỉ, hình như dạo này tôi đi – họp – mặt hơi nhiều. Cũng phải thôi, càng già, người ta càng thích gặp lại bạn cũ, ôn chuyện xưa…bởi ai cũng biết tháng ngày còn lại chả được bao…rồi sức khỏe, rồi đủ thứ chuyện linh tinh khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thế nên ai cũng cố níu kéo, cố hưởng thụ…
Rất may là mình còn có được những phiên “ Chợ chiều” như thế này. Nhìn quanh, nhiều người ở tuổi mình còn phải vất vả mưu sinh…Các con tôi cũng luôn “ủng hộ” mẹ chuyện đi họp mặt bạn bè. Hạnh phúc thay, cuối đời còn có được một – cái – hậu đẹp như thế.
Cảm ơn Chị Ky thinguyen với Chợ Chiều , thật lắng đọng và nhẹ nhàng .
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã ghé đọc và cảm thông
XóaCảm ơn Ký với chợ chiều đầy sâu lắng đầy cung bậc. Chúc Ký và các con các cháu vui khoẻ
Trả lờiXóaRa trường độ ấy mình xa
Bao nhiêu năm tháng tưởng là mây bay
Nhờ trang Sư Phạm mừng thay
Ký..Phương nối lại vòng tay thuở nào
Nhớ xưa nội trú cùng vào
Lầu ba phòng sáu biết bao nhiêu tình .....
Thân ái .....Nam .Phương
Phương ơi.
Trả lờiXóaĐi đâu mất hút mất tăm vậy? Vẫn yêu đời đấy chứ? Thăm Phương và Bình. Chúc hai bạn và gia đình luôn bình an, hạnh phúc.
Thân mến.
Bài viết ngắn nhưng gói ghém nhiều cảm xúc thật đáng quý
Trả lờiXóaThích nhất là câu "Chợ sớm đã chẳng ra gì , nói chi chợ chiều "
Vâng bạn ạ. Lời mẹ dạy thật chí lí, nhờ thế...bây giờ mình mới được "thong dong" gặp gỡ bạn bè.
Trả lờiXóaCám ơn H.Hoa.
Thân chào.
Những tâm tư ý nghĩ trong bài viết sao mà giống với những suy nghĩ của em. Bây giờ mình còn có gì vui đâu ngoài các cuộc gặp mặt cùng với bạn bè, chị nhỉ?
Trả lờiXóaMong đọc thêm những bài viết mới của chị!
Vâng, bi chừ...ngoài gia đình, tụi mình chỉ còn có bạn. Bạn càng xưa càng quý.
Trả lờiXóaCám ơn Giang Lam