Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI

                                                                                                                                                Đan Thanh
                         
                                                                                                                                                      Sáng chủ nhật, Bảo đến công ty để xem lại hồ sơ tuyển dụng sau khi phòng nhân sự đã thẫm định. Cái tên Nguyễn Lê Đoàn khiến Bảo giật mình. Bảo đọc tiếp và hiểu ra rằng, trên cõi đời này, cái tên gồm ba họ rất hiếm. Bỗng dưng cái thời học sinh như những thước phim câm lướt qua đầu anh.
        Bảo nhớ cây phượng đứng ở góc sân, những ngày đầu vào lớp một, cây gầy yếu cô đơn , tội nghiệp chẳng khác gì Bảo. Cây bồ đề từng trải ,có cái nhìn độ lượng, cây si chửng chạc buông dài những chiếc rễ từ trên cành cao xuống tận mặt đất, mấy cây phượng già ung dung nhìn đám học trò hớn hở trở lại trường như bao mùa thu trước, một vài bông hoa còn nấn ná chưa muốn lìa cành rực lên trong nắng. Còn cây phương trẻ thơ này chưa bắt nhịp được cuộc sống ồn ả của sân trường. Bảo chưa qua một trường lớp nào, còn mấy đứa kia  mới vào lớp đã cặp kè bè bạn hả hê vì chúng đã từng học mẫu giáo nhiều năm với nhau.
        Mới lên ba, Bảo được gửi về quê ở với bà ngoại, nó lớn lên giữa lúa ngô ,khoai sắn cùng với dòng sông nước lớn ,nước ròng . Nhà tầng mái đúc của ngôi trường này hãy còn xa lạ lắm. Đến tuổi đi học, ba mẹ nó đưa lên thành phố bỏ bà ngoại quạnh hiu trong căn nhà nhỏ thui thủi bên sông. 
       Mới bốn, năm tuổi, Bảo đã biết giúp bà quét sân, nhặt lá, hay nấu cơm bằng cái thứ củi chành rành, nhiều khi bị gai đâm chảy máu. Thỉnh thoảng Bảo đem cơm trưa ra đồng cho bà, nó tha hồ bắt châu chấu ,dế chuỗi, thich thú chạy nhảy trên những thửa ruộng mới gặt hay lặng ngắm từng đàn có chao nghiêng giữa bầu trời mùa thu trong trẻo.
       Bảo mạnh mẽ, tháo vát, tuy ốm nhách nhưng chiều cao chỉ kém vài đứa trong lớp. Nó ngồi bàn cuối cạnh con Kiều Loan trắng như cục bột mà hoc rất giỏi. Mới đầu năm nó đã đọc được báo, chép được những thông báo cô giáo ghi trên bảng như phần lớn các bạn trong lớp. Còn Bảo và mấy đứa ở Xóm Mía trên đường Bạch Đằng thì một chữ bẻ đôi cũng chưa biết.
       May thay, chương trình lớp một là chương trình dành cho những đứa chưa biết gì như Bảo. Mấy đứa giỏi chẳng cần học hành gì cả còn Bảo thì tất bật cặm cụi suốt ngày. Cuối năm, Bảo không những đuổi kịp, mà Bảo còn vượt một số đứa trong lớp. Khi lên lớp bốn thì Bảo học hành ra trò, được cô giáo cho nhận chức lớp phó học tập. Ở “cương vị” này, công việc của Bảo là thu, phát vở, lau bảng ,chuẩn bị phấn . Thỉnh thoảng được cô cho đi rót nước bao giờ nó cũng tranh thủ uống một cốc đầy ở phòng họp trước khi mang nước về lớp.
       Hôm nay là buổi học cuối cùng, Bảo chỉ đến để chụp hinh lưu niệm, để tạm biệt bạn bè, để từ biệt cây phượng đã từ lâu gắn bó với biết bao kỉ niệm buồn vui của nó. Cây phượng đã vượt quá tầng hai, mới hôm nào chỉ có vài bông lẻ mà nay đã hừng hực thắp đỏ cả một góc sân Liên hoan chia tay năm cuối bậc tiểu học bao giờ cũng “to” hơn những năm trước. Nào tiệc bánh kẹo ,nào chụp ảnh, nào quà tặng cho trường, quả tặng cô giáo…Học trò phải đóng một khoảng tiền mà so với Bảo thì quá lớn. Bảo định xin mẹ một chút tiền đủ để lấy một tấm ảnh, nhưng thấy mẹ vất vả quá, nó chẳng dám xin.
        Khi sắp xếp hàng ngũ để chụp ảnh, Bảo thấy Đoàn liếc xéo nó một cái,nó vội lùi ra sau, dẫm cả lên chân Nhã Văn, Văn nhìn nó mĩm cười. Mọi chuyện đều có thể bỏ qua vì sắp chia tay nhau mà.
        Bánh kẹo, nước ngọt bày la liệt trên hai dãy bàn kê ghép lại, Bảo nhìn qua một lượt rồi lẳng lặng bỏ đi
          -Em đi đâu vậy ? Vào lớp nhanh lên.
       Nó tần ngần đứng lại. Bỗng nó nghe từ đám bạn tụ tập trước cửa lớp:
          _Thưa cô, bạn Bảo không nộp tiền, cái giọng thằng Đoàn rất to
        Mặt Bảo đó lừ, nó xấu hổ quá muốn bỏ chạy nhưng không nhấc chân lên được. Một nỗi tủi nhục cay đắng như cơn bão tràn qua
        Sợ cô chưa kịp nghe, Đoàn nhắc lại, to hơn lần trước :
          _ Thưa cô, bạn Bảo không nộp tiền
          Cô cầm tay Bảo, dắt vào lớp :
          _ Mẹ Bảo đã nộp cho cô rồi, cô quên chưa nói với em chi đội trưởng
        Bảo xúc động bồi hồi, nó biết ơn cô giáo quá chừng, cô đã “cứu “nó. Bảo
biết mẹ nó chưa nộp tiền, nhà nó cơ cực lắm. Bảo nhớ có lần hưởng ứng phong trào “Giúp bạn nghèo” lớp nào cũng thi đua có 100% học sinh đóng góp tiền nhưng cô giáo đã nói trước lớp:
        _ Trong những em được giúp, có thể có em khá hơn nhiều bạn trong lớp mình, buộc những em nghèo cần được giúp đỡ phải góp tiền thì vô lý quá. Cô khuyến khích các em giúp bạn, nhưng những em nghèo thì không phải góp,
        Cái thằng Đoàn này, vẫn nhờ cậy Bảo suốt mấy năm học . Sau mỗi lần thi, Đoàn thường cho nó cái bánh, cái kẹo hoặc cây kem ăn đã ăn mất một phần. Giữa năm lớp bốn nhờ Bảo mà Đoàn làm bài tốt, giờ chơi,nó ném cho Bảo một
cái túi nylon. Cái túi được cuộn lại quấn chặt dây thun đập vào mặt khiến Bảo tóe đom đóm. Qua con mắt cay xè, Bảo thấy mớ vỏ ớt, hạt ớt,…những thứ còn sót lại của gói bò khô cứ chạy lòng vòng , lòng vòng…
        Từ đó Bảo không ăn bất cứ thứ gì của Đoàn nữa. Sợ Bảo không giúp, Đoàn cho Bảo những thứ “nguyên tem,nguyên kiện” mua ở căng tin, Bảo cũng thèm nhưng cương quyết không ăn.
           Đầu mỗi năm học Bảo thường vào lớp muộn một chút để tránh chỗ ngồi của Đoàn nhưng không năm nào “thoát”. Bảo phải ngồi cạnh Đoàn để kèm cặp Đoàn theo sự phân công của cô giáo. Vả lại ai ngồi cạnh Đoàn cũng cứ thưa kiện với cô mãi khiến cô bực mình.  Nó chọc phá không để bạn ngồi cạnh được yên. Mới tí tuổi đầu mà đã biết mình là con “ông lớn”  Nhiều lần mẹ nó bị mẹ bạn ngồi cạnh “chửi khéo”. Thế là để yên chuyện họ đến xin với cô cho Đoàn ngồi cạnh Bảo. Bảo vẫn giúp Đoàn cho đến cuối năm lớp năm.
                

        Lẫn chia tay ấy đến nay đã mười mấy năm.Bảo có học bổng du học và không biết tin tức gì về Đoàn nữa.  Mười mấy năm nhọc nhằn vất và nhưng Bảo biết, chỉ có học mới thay đổi cuộc sống, mới thoát nghèo. Những năm đầu Bảo làm thuê cho công ty nước ngoài, khi đã có kinh nghiệm, Bảo mở công ty riêng. Công ty nhỏ nhưng rất có uy tín với khách hàng
      Bảo đọc lại hồ sơ rồi quyết định nhận Đoàn vào công ty. Không biết cái “ông lớn” ngày xưa bây giờ ra sao mà Bảo không nhận cú phone gửi gắm như khi nhận những hồ sơ khác, Chuyện này khiến Bảo bực mình nhưng nhờ có chút kinh nghiệm nên Bảo cũng khéo léo từ chối được cái đám “con ông cháu cha” không có thực lực mà lúc nào cũng được “ăn trên ngồi tróc”
       Biết Đoàn có còn nhận ra Bảo ? Thôi thì mình cứ giới thiệu trước với sự chân thành nhất có thể. Thú thật mãi đến giờ phút này, cái cảm giác tủi nhục ngày xưa mới hoàn toàn biến mất.
       Bảo mỉm cười nhìn ra bầu trời thoáng đãng mênh mông, lòng anh thanh thản để gió cuốn đi
                                                                Đà lạt những ngày giáp tết  năm 2015



7 nhận xét:

  1. Chaò ĐanThanh..
    Lâu lắm rồi mới dc đọc, mới được trở về với tuổi học trò, mới được làm lại ông thầy giáo..Dễ thương vô cùng....Tôi yêu thằng Bảo,tôi thích thằng Đoàn...tuổi học trò , ngoan hiền , nhỏ mọn ,giận hờn ,láu cá ...rứa mới là con nít....và lại yêu luôn cô giáo ( có lẻ yêu mình thì đ1ung hơn )..cái tình thương dành cho học trò là bằng cả trái tim ,,,có những lúc giận đứa học trò mà cả đêm ko ngủ dc....
    Bảo nhận Đoàn vào công ty mình và thở phào nhẹ nhõm....tình bạn vẫn là.....
    Cám ơn ĐanThanh đã cho đọc một bài vừa ý ..với lời văn đúng là ĐT..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắng có một chữ hay, chữ giỏi nào mà là khen hết lời luôn/ Toàn là ẩn dụ, hàm ngôn Chí Hải ơi
      Cảm ơn nhiều nhé
      Vào FB chỉ nhìn ảnh thôi mà như nghe cả cung thương cung trầm của Hải Tuyền đấy
      Thân mến . Đanthanh

      Xóa
  2. Để làm gì em biết không...? Để gió cuốn đi...để gió cuốn đi...và để đêm về thấy lòng hân hoan và nhẹ nhõm, chị Đan Thanh nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em, TC đã bận rộn với FB lại chu toàn được trang nhà/ Giỏi quá nghe
      Chúc em an vui khỏe mạnh

      Xóa
  3. Không ai nói trước được điều gì, chị nhỉ? Que sera sera...
    Chúc chị một mùa xuân an vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu mà biết trước thì cuộc đời đã có một tên gọi khác rồi
      ( Như tiền là tên gọi khác của tình vậy)
      Mong Irene khỏe mạnh an vui

      Xóa
  4. Hàn Diệu Phươnglúc 08:53 24 tháng 2, 2015

    Chuyện của học trò Bảo mà sao cô giáo rành tâm sự của nó như chính mẹ của B vậy ?
    Mẹ và Cô là hai cô Giáo,
    Cô và Mẹ ấy hai Mẹ Hiền...
    Chắc chắn cô giáo Đan Thanh cũng tận tâm và thương học trò như Mẹ Hiền phải không ? Mấy chục năm dạy ở quê nhà và xứ người em cũng có nhiều chuyện về học trò lắm, hi vọng khi về hưu rảnh sẽ viết lại cho vui.
    Rất mừng được gặp lại chị trong trang nhà. Em lại bận túi bụi trong Học kỳ 2 của các trường nên ít vào đây hôm nay mới thấy bài chị. Một lần nữa ,Năm mới chúc chị, dồi dào sức khỏe và nhiều niềm vui.
    Thương mến.DP

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...