Hồ Đình Nghiêm
Trong cuốn niên giám điện thoại ở Montréal và vùng phụ cận nặng ngàn
trang có tờ mỏng tang in tên mười vị nữ lưu trùng tên: Đan Thanh.
Lê Lý Trần Nguyễn Phạm Hồ nằm trước mỗi danh xưng. Có thể thêm khác
biệt ở khoảng già trẻ lớn bé, Đan Thanh có thể học trò, Đan Thanh có thể
công chức, Đan Thanh có thể chúi mũi chúi lái cày bừa ở hãng xưởng, Đan
Thanh có thể kiếm được job thơm, Đan Thanh có thể nghỉ hưu vui thú điền
viên trông cháu nội nom cháu ngoại. Đan Thanh có thể làm bà chủ một
quán ăn luôn thu hút người đồng hương…
Dài dòng quá, anh làm thầy
bói cho ra mười nhân vật kia xong thì không khéo mà trăng khuyết nó
tròn hồi nào chẳng hay. Ừ, thì không đoán non đoán già, nhưng bạn phải
đồng ý điều này. Đan Thanh là một mỹ từ. Nếu chẳng đẹp, sao có lắm người
ẩn mình dưới tên gọi tròn trịa kia. Một tháng có ba mươi đêm rằm. Anh
cường điệu quá lắm, vậy thì có ai trong số họ làm nhà văn nhà thơ không
hè? Hải ngoại thương ca thì không, nhưng khúc ruột ngàn dặm trong nước
thì mình biết có một.
“Xa nhau chừng đó cũng vừa
Gió trần gian lạnh có chừa ai đâu”.
Cớ sao mình nhớ tới hai câu của cố thi sĩ Bùi Giáng? Vì mình đồ rằng
người sở hữu cái tên đẹp đẽ kia hình như cũng cùng quê với Bùi tiên
sinh. Do đâu lại chủ quan? Bởi trên “Vuông Chiếu Luân Hoán”, mình vẫn
thường ngó ra Đan Thanh. Nhà thơ Luân Hoán là dân Đà Nẵng chính hiệu, hồ
đồ để ngôn rằng: Ta với người vốn cùng đất chôn nhau cắt rốn, ta giao
con ta ăn nhờ ở đậu trên vuông chiếu người ắt do nguồn cơn liên hệ kia?
“Hỏi người quê ở nơi đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”.
Quê nhà. Mông lung, hư ảo và mênh mông. “Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
ngoảnh mặt tha hồ mây trắng bay”. Ừ thì thôi, không Đà Nẵng phồn hoa vậy
thì xuôi Quy Nhơn dặm ngãi. Chẳng Quảng Nam ngũ phụng tề phi thì Bình
Định múa roi đi quyền. Nôm na là chị ấy không ở quanh đây, một hải ngoại
thất tán. Chẳng thể cận kề để sớm tối hàn huyên nơi quán cà phê lộng
gió chướng lạ mặt. Ôi, một người viết văn làm thơ thì họ có khối chuyện
để nhỏ to, nhỉ? Họ khiến cho phong thổ này trở nên ấm áp, thỏ thẻ cung
bậc nhiều nhạc tính của Việt ngữ riêng cho nhau nghe.
Hơn ba mươi
năm biệt xứ, thảng hoặc đêm về mình vẫn mộng mị một giấc xét ra rất đỗi
trần tục, đó là có khi thoáng hiện chân dung phai nhạt hương sắc một tô
Mì Quảng “hoành tráng” diễu cợt vụt qua. Theo các nhà phân tâm học giải
thích, khi bạn thiếu thốn thứ gì, cái vấn nạn trầm trọng ấy sẽ hiện về
trong tâm tưởng. Thiếu món ăn nức tiếng của Quảng Nam, mình tìm tới
những cây viết được sinh ra ở vùng “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm” để
đọc họ, để “ăn ké” những gia vị họ cất công biến chế dưới dạng văn thơ.
Có nguôi ngoai cho thứ phân giải kia? Hãy bằng lòng thôi, như thể bị bức
xa người tình cũ, người ấy luôn hoá thân là một chứng bệnh nan y, vô
phương điều trị. Bạn ôm giữ vết thương lòng để hằng tin, rằng điều đó
thật cần thiết nhằm nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Bạn sẽ là đại gia khi chung
đụng tới quen mặt những khổ đau dịu dàng kia.
Đọc những tấc lòng
chị Đan Thanh bày biện, mình nhìn ra cách thức chị hoá giải những thứ đổ
vỡ ấy. Chị ngó xuống cuộc đời bằng một nhãn quang bao dung, một tấm
lòng nhân hậu. Chị tuyệt đối không lớn tiếng kêu gào, chẳng than thân
trách phận. Cơ hồ chị xem những tai nạn giản dị chỉ là thứ buộc phải xẩy
tới cho mỗi phận người. Một khi đã nghiệm ra đời là bể khổ, cách hay
nhất là chúng ta tự mình tìm lấy một cái phao để bơi sang bên kia bờ.
Nói điều này, mình hình dung như trước khi viết văn, chị đã là một Phật
tử thuần thành; hoặc một người yêu màu lam ưa giỏi chân tới chốn an bình
của chùa chiền. Và chắc chị có đọc qua cổ văn: Muôn thú sớm tối kề cận
cùng lời kinh tiếng mõ e chúng cũng được khai nhãn ít nhiều.
Tâm
lành và tâm ấy giữ được cái duyên dáng trong cách dụng văn. Như truyện
ngắn viết xong ở Sài Gòn năm 1998: “… tuy hơn Sương đúng một giáp nhưng
nhờ tiền bạc rủng rỉnh nên so với Sương thì không “già” mấy”. Ở một đoạn
khác: “… anh chàng này cũng mê thơ văn, có thể đọc tiếp câu “bát” khi
Sương đọc xong câu “lục”…”. Duyên dáng và sắc sảo. Ngắn gọn và thông
minh. Kẻ không có năng khiếu, hẳn sẽ viết khác, nghe nặng nề hơn, chẳng
hạn: “Vì giàu có, nên tôi chấp nhận cái hố sâu tuổi tác giữa song
phương”. Truyện mang tên “Lận Đận”, tác giả Đan Thanh đã vẽ ra nhân vật
Sương là một cô gái trẻ đẹp có việc làm ổn định, thu nhập cao, có lắm kẻ
đeo đuổi, nhưng Đan Thanh đã xúi Sương “bắt ở trần phải ở trần, cho ba
lỗ mới được phần may-dô”. (Nhại theo câu Kiều: Bắt phong trần phải phong
trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao). Không nói hồng nhan đa
truân, Đan Thanh chỉ ngầm bảo rằng: Cuộc sống là một câu 6 mà Sương đã
chẳng thể gieo đúng vần một câu 8 tròn trịa. Vô thường là ở chỗ ấy! Bi
kịch cũng nằm ở nơi nọ thôi!
Một bức tranh hiện thực khác mà do
thủ thuật của Đan Thanh, nó khiến mình chăm chú ngắm nhìn. Truyện tả một
người đàn ông có vợ mất sớm, ông ở vậy cực thân lao động để nuôi con.
Ông nghỉ hưu khi con đã trưởng thành và chúng thường có những động thái
khiến ông buồn lòng. Câm lặng, ông ra ngồi ngoài công viên gậm nhắm nỗi
đau trong cô đơn riêng mình. Ở đó ông quen người đàn bà “ve chai”. Thông
cảm hoàn cảnh của nhau để dần dà tựu thành một thứ tình. Ông quyết định
về sống chung với người đàn bà đó, ở trong lòng ống cống ngay dưới chân
cầu. Và truyện được tác giả đặt cho cái tựa rất đỗi lạc quan: “Hoàng
Hôn Ấm Áp”.
Chị Đan Thanh luôn thay đổi cảnh quang khi dựng
truyện. Chị viết về cảnh lụt lội thiên tai, đất úng thuỷ hư hại. Viết về
những cơn sóng cao đổ xuống trong mái ấm gia đình khi vợ chồng cãi lẫy
ly dị nhau. Viết về mái trường xưa chôn cất bao kỷ niệm êm đềm, dễ hư
hao vì lòng người đã đổi. Viết tới sự vô uý khi lạc bước vào chùa, bỏ
quên bao phiền não bên ngoài bậc cửa… Dẫu là đề tài gì, chị luôn sử dụng
cái giọng văn chừng mực, hiền hậu chẳng bẳn gắt. Chị sẽ là một hoa hậu
đoạt giải thân thiện hoặc một thứ gì na ná như vậy. Ứng xử chẳng hạn,
hay là người dẫn chương trình cho một kênh đài nào đó mà khi được nghe
ra giọng thuyết minh của chị, bạn sẽ rất lấy làm an tâm để theo chân cho
tới cuối đường. Chị là tấm bảng chỉ đường mà khi chạy xe vào, bạn có
quyền không đội nón bảo vệ. Bạn không đeo khẩu trang vì không khí ở vùng
đất ấy chưa từng một lần bị ô nhiễm.
Đặc biệt mình cũng yêu
thích cách chị biểu lộ trong bài thơ “Vết Cắt”. Hãy để ý những con số
chị dùng, một chiều 30 Tết, “tôi” mặc cả với người đàn bà bán hoa mai.
Vì cận tết, bà ấy bán rẻ với giá 30 ngàn. “Tôi” cò kè và người bán hoa
bằng lòng xuống giá chỉ còn 20. Nhìn người bán tất tả đạp xe qua cầu với
nón bạc màu, chiếc áo sờn cũ:
“Tôi đứng lặng giữa chiều 30 tết
10 nghìn ấy cả đời là vết cắt
đau nhói hoài chẳng lành được trong tôi”.
Mình ăn vội vàng tô mì Quảng và vô tình nhai nhầm một trái ớt cay, có
phải? Cay tới độ dễ chảy nước mắt. Mình dùng tựa đề cho bài viết này là
“Nhiên Hương”, chữ đó nhặt ra từ câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Cám ơn mùi
hương của chị Đan Thanh váng vất toả lan. Cho hay, văn chương tự nó
không hề có biên giới. Là mũi tên thoát khỏi dây cung quê nhà, bay qua
dặm dài để cắm ngập vào đích tới: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, hay Canada này
đang quờ quạng.
Có lẽ những giấc mơ sắp tới mình sẽ bị đón đường
bằng hình ảnh, được đi thuyền trên sông Thu Bồn vào đêm trăng 16, cảnh
sắc hai bờ lung linh loáng bạc và quá đỗi hạnh phúc khi trên thuyền có
mặt chị Đan Thanh. Chị sẽ trình bày cặn kẽ những thắc mắc về địa hình
cho đứa Việt kiều ngơ ngác “bấy chầy chưa tỏ chưa tường, vì sao tâm sự
như dường như không”. Mình sẽ khóc vì cảm động cho thứ duyên bèo bọt. Và
như trong câu kết thúc truyện “Nước Mắt Đàn Ông” của chị, nhà văn Đan
Thanh hạ bút: “Anh và tôi đều hiểu rằng, trong lúc này, sự cảm thông,
chia sẻ có thể không cần đến ngôn ngữ”.
Mình hy vọng chị Đan
Thanh sẽ tập hợp những sáng tác của chị lại để in thành một cuốn sách.
Nếu điều đó thành tựu mình xin được sẻ chia cùng chị một nụ cười kín
tiếng. Thứ vô ngôn viên mãn của những kẻ đồng bệnh tương lân, cùng hội
cùng thuyền.
Montreal, đầu tháng 5, 2015.
Hồ Đình Nghiêm
Cáo lỗi
Trả lờiXóaVì lý do đường truyền của mạng internet trên Máy Computer ( cả hai phần mềm Google _ Firefox ) đều chậm hẳn . Nên bài đăng có phần chậm trễ .
Mong Quý Thầy Cô , ACE cựu giáo sinh thật sự thông cảm .
TM . Ban biên tập ( người quản trị Trang ) .
Kính cáo