( Kính tặng anh Nguyễn Dũ - Giám thị ký túc xá SPQN một thời và trìu mến tặng các “ nàng tiên” cựu giáo sinh đã từng “ ẩn dật luyện công” ở đó).
Tùy bút: Huỳnh Vô Thường
1
Buổi chiều. Nắng dìu dịu. Biển mênh mông. Trời xanh màu ngọc bích. Những đợt sóng vỗ bờ như từ muôn đời vẫn thế. Tôi chọn một chiếc ghế xếp, đặt ở một gốc cây dương liễu, ngồi một mình và trầm tư. Trước mắt tôi. Biển vẫn vô tư vỗ sóng rạt rào, nhưng tâm hồn tôi thì lãng đãng mơ hồ quay về một cõi nào xa. Trong khoảnh khắc, tôi là khách nhàn du. Tôi muốn quên, nhưng lòng tôi ắp đầy nỗi nhớ.
2
Có thể nào quên một thời với Qui Nhơn!
Ngôi trường Sư Phạm tôi học – thuở chuẩn bị bước chân vào đời – nhìn ra biển, muôn ngàn con sóng dập dìu. Ngồi trong phòng học khuất sau hàng cây dương liễu, tôi vẫn nghe rõ tiếng sóng ì ầm, ì ầm vỗ theo nhịp 2-2 tâm cảm.
Có cô gái thướt tha hai vạt áo dài
Tóc óng mượt thoảng thơm mùi hương diễm
Trên tầng cao ký túc xá những chiều phai…
Có thể nào quên! Ôi cái thuở:
Đường Gia Long anh đếm bước bao lần
Đôi chân dẻo của chàng trai mới lớn…
Em đã đến, đã hiện ra trong cuộc đời tôi như hình sương bóng khói và em đã tan biến như giọt nước hòa tan trong lòng biển cả.
Kể từ đó anh làm biếng soi gương
Râu và tóc cứ mọc dài như cỏ
Em đi đâu con đường anh đến đó
Em làm ngơ anh hóa kẻ thất tình…
3
Qui Nhơn. Buổi chiều cuối cùng. Tôi lại đi dọc theo bờ biển. Buổi chiều cuối cùng của tôi với Qui Nhơn nặng trĩu. Ngày mai tôi đi. Ôi, chưa đi mà sao lòng nghe đã nhớ! Nhớ Bến My Lăng của Yến Lan. Nhớ những bài thơ tình da diết của Hàn Mặc Tử. Nhớ Điêu Tàn của Chế Lan Viên viết năm mưới sáu tuổi. Nhớ những giọt mưa bay bay trên tầng Thập Tháp của Trịnh Công Sơn mà cảm thấy thân phận con người sao hắt hiu quá đỗi! Mưa! Có gì đẹp đâu phải không em? Đừng vội mừng nghe em, khi có ai đó “ can đảm” sửa những ca từ bình dị, mộc mạc, đơn sơ mà vô cùng sâu lắng, đầy ẩn dụ của Trịnh Công Sơn để rồi ráng “gân cổ, uốn lưỡi” hát tặng em: “ Mưa vẫn mư bay trên tà áo D…”. Mưa, tượng trưng cho nỗi hiu hắt, lụy phiền, đau thương, cơ khổ… Tháp cổ, tượng trưng cho thân phận con người tiều tụy, xơ xác, cô đơn, lạnh giá… Thân phận con người đã bị đóng rong đóng rêu bởi cuộc tình tan vỡ. Thật nhói. Thật buốt. Vậy mà ai đó đã “ liều lĩnh múa bút vờn trăng” làm thô kệch, xấu xa đi một nhạc phẩm trong hàng trăm nhạc phẩm vượt thời gian của người cố nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa – khóa 1. SPQN. Họa tai! Họa tai!...
Nhớ ơi là nhớ những con sóng cuồng nộ tung bọt nước trắng xóa ở Ghềnh Ráng – nơi an nghỉ cuối cùng của một nhà thơ mà tên tuổi của Người được viết bằng ánh sáng huyền hoặc của một vầng trăng rỏ máu. Nhớ những nữ tu sĩ trẻ tuổi lặng lẽ quên đời mình vì nỗi đớn đau quằn quại của đồng loại ở bệnh viện Phong Qui Hòa. Và nhớ những đêm khuya trở về căn gác trọ chật hẹp tại đường Tăng Bạt Hổ một mình như một kẻ du ca rong chơi quên ngày tháng.
Nhớ ơi là nhớ quý thầy Hiệu Trưởng: Nguyễn Lương, Trần Văn Mẫn; quý thầy trong Ban Giám Thị: Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Dủ, Nguyễn Văn Liên; quý thầy trực tiếp giảng dạy: Đoàn Nhật Tấn, Nguyễn Châu, Trần Quý Tuệ, Đinh Thành Bài, Trần Văn Tôn, Nguyễn Văn Công, Lê Ngọc Linh, Đặng Văn Bồn… Và nhớ biết bao nhiêu bạn bè: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Ban Ma Thuột, Pleiku, KonTum, Phú Bổn, Quảng Đức… gặp nhau lần đầu mà tha thiết lạ lùng!...
4
Buổi chiều chấp chới trên cao. Tôi lại ngồi một mình trên ghế đá. Một mình với sóng biển. Một mình với ngọn gió ru chiều. Một mình với những khoảnh khắc mênh mang. Một mình với bóng chiều tàn tạ - tàn tạ như “ Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ” trong Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn vậy! Ngày mai tôi đi. Tôi sẽ đi âm thầm như tôi đã đến. Tôi sẽ đi mà không một lời giã biệt, bởi tôi biết Qui Nhơn luôn hiện hữu trong tôi, bởi Qui Nhơn đã dạy cho tôi biết cảm xúc, vui buồn:
Ôi cơn gió nửa đêm đầm Thị Nại
Cho tôi biết buồn, biết nhớ, biết bâng khuâng!
Ngày mai tôi đi, nhưng tôi biết một ngày kia tôi sẽ trở về. Cũng như người con gái trong nhạc Trịnh Công Sơn. “Ngày mai em đi” để rồi “ Biển nhớ tên em gọi về”. Biển gọi em về tìm lại những giấc mơ đầu đời – những giấc mơ không gặp lại hai lần, nhưng không bao giờ tan biến hẳn.
Tôi sẽ tìm về ngôi trường ngày đêm nằm nghe sóng biển. Tôi về tìm lại hình bóng tôi. Trở về tìm lại hình bóng Diễm Xưa trên tầng cao ký túc xá. Trở về sống lại với:
Thành phố đó với muôn ngàn con sóng vỗ
Trong lòng tôi sóng vỗ tự bao giờ
Tôi vẫn đến trường thầm lặng làm thơ
Về người tôi yêu mà không dám ngỏ…
Ngày mai tôi đi, nhưng tôi biết:
Mảnh hồn tôi ở đó
Bản tình ca không lời
Đã khắc thành nỗi nhớ
Trên vách đá hồn tôi…
Tội nghiệp tôi chưa?!...
( Diên Khánh, giáp Tết Nhâm Thìn 2012, nhớ Sài Gòn-Los.)
H.V.T ( K.5)
Rất cảm ơn anh HVT đã đưa TC tìm về những kỷ niệm thân yêu trên quê hương mình.
Trả lờiXóa"Tôi xa quê hương bao năm tháng qua,nhưng tâm trí tôi không bao giờ xa..."
Thân quí!
Được đọc nhiều bài Viết của anh HVT Irene rất thích. Cám ơn anh! Chúc anh sáng tác thật nhiều. Vì "...còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây..." Phải không anh?
Trả lờiXóaThân mến!
Xin cho phep duoc hoi rang co anh chi va qui Thay Co nao nao con lu giu bai viet Thay Hieu Tran Van Man "cau chuyen lua tan" khong? Theo nhieu blogs da duoc viet thi bai dien van "cau chuyen lua tan" da co mot tac dong rat manh me den cac cuu hoc sinh, thoi ay va mai den bay gio...
XóaVới tùy bút 4 đoạn của Anh , đọc xong lòng ngây ngất , nhớ về ngày xưa thật nhiều . Ngày xưa T dạy ở Thành ( trường THCĐ Phú Cốc ) . Chúc Anh khỏe , viết nhiều để dân SPQN nhớ về !
Trả lờiXóa