Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

TÂM SỰ NGÀY XUÂN.

   Thanh Cảm
        Hôm nay đã là mồng mười,những ngày Tết ấm cúng cũng đã đi qua.Các con tôi sau những ngày về sum họp,ăn Tết cùng gia đình cũng lần lượt chia tay chúng tôi để trở về với công việc thường ngày.Cậu con trai lớn trở ra Hà Nội,cậu con thứ hai quay về Qui Nhơn,riêng chú út công tác tại Sài Gòn nên vẫn ở lại với chúng tôi.Năm nay,gia đình chúng tôi có một cái Tết đông vui,ấm cúng và ý nghĩa.Gia đình tôi vừa có thêm một thành viên mới,một chú Rồng nhỏ đáng yêu mới chào đời và như thế tôi lại có thêm một đứa cháu xinh xắn nữa bổ sung vào đại gia đình nhỏ bé của chúng tôi.
       Những ngày giáp Tết,lòng tôi cứ nôn nao một cảm giác khó tả.Tôi mong đợi từng ngày, từng ngày qua mau để các con tôi trở về cùng đón Tết với gia đình sau những tháng ngày tất bật với công việc.Ấm áp biết bao nhiêu khi đêm Giao thừa cả nhà cùng quây quần bên bàn thờ ông bà nghi ngút khói hương để cùng nhau cầu nguyện một năm mới an lành, cùng nhau mừng tuổi mới khi ngoài kia,trên bầu trời cao pháo hoa đang đạch đùng nổ.Từ trên tầng cao này tôi có thể nhìn rõ những bông hoa pháo đủ màu sắc thi nhau nở kín những góc trời,những bông hoa lấp lánh muôn ngàn tia sáng điểm tô cho thành phố  lộng lẫy hơn, đáng yêu hơn và làm cho những người con đón Tết xa quê như chúng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng,ấm áp hơn.

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN.

                                          Irene.

          Mùa xuân đã về với đất trời, đến với những phố phường, những hàng cây, tràn ngập khắp các chợ hoa, trên những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ  của mọi người… Tết đến rồi! Tuy đã vào sống hẳn ở Sài Gòn nhưng năm nào tôi và các con cũng về Qui Nhơn ăn Tết. Năm nay, cô con gái lớn của tôi sinh em bé nên cả nhà không thể về quê ăn Tết được.
          Sài Gòn, một thành phố sôi động. Người đông, xe cộ nhộn nhịp, nhà cửa chi chít. Sài Gòn bây giờ cũng như là “Một ngôi nhà chung”. Dân tứ xứ, người ở khắp mọi nơi trong nước từ Bắc vào Trung  đổ xô vào đây tụ hội. Học sinh các tỉnh về đây học hành, tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt nên ở lại không về quê nữa. Có người vào Sài Gòn tìm kiếm công việc hoặc làm ăn thuận lợi nên quyết định lập nghiệp ở cái nơi “ Đất lành chim đậu”này. Thế nhưng cứ đến Tết theo phong tục, mọi người lại kéo nhau về quê mình sum họp bên gia đình.
          Ở đây, mỗi người có một lối sống riêng. Ai biết nhà nấy, suốt ngày đi làm, tối về cơm nước, nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục công việc, không quan tâm đến mọi người xung quanh. Thỉnh thoảng, trong xóm mọi người gặp nhau quen mặt thì gật đầu chào, hỏi thăm vài câu xã giao… hình như cũng không có thời gian nhiều để qua lại ngồi chơi tâm sự…
          Ngày Tết lại càng buồn! Đường phố thưa thớt người hơn. Xóm vắng vẻ. Nhà ai cũng đóng cửa rồi kéo nhau đi về quê hay đi chơi xa không có tục lệ thăm viếng chúc Tết hàng xóm láng giềng như ở miền Trung mình.

SÀI GÒN MÙA XUÂN.

                                      Phương Uyên.
         
          Sài Gòn mùa xuân về dưới những hàng cây, có nhiều tiếng cười như trẻ lại, ngày vội vàng lên bình minh thay đêm tối, nắng phai từ lâu chiều vẫn dài…

          Sài Gòn vào xuân khởi sắc tươi trẻ. Những hàng cây xanh rợp mát. Những bông điệp vàng rơi nhè nhẹ trên mái đầu, trên vai áo, rải xuống hè phố…như quyến luyến như bịn rịn người qua lại trên đường.
          Thời tiết sài Gòn những ngày Tết hơi se lạnh vào những lúc sáng sớm và lúc đêm về. Ngày thì một chút nắng, một chút gió nhẹ. Bầu trời một chút mây trắng vấn vương…tạo cho mùa xuân thêm lãng mạn cũng làm cho khách tha hương một nỗi buồn man mác.
          Không khí xuân ở Sài Gòn dường như đến sớm. Khi mà các của tiệm tràn ngập hàng hóa bán từ lễ Giáng Sinh. Rộn ràng trong những bản nhạc Noel rồi đến tết Tây đi đâu cũng vang lên tiếng hát của ban nhạc Abba trong bài Happy New year. Rồi đến Tết ta thì rộ lên khắp phố phường, nhà nhà cho đến những con hẻm nhỏ các bản nhạc xuân. Các trung tâm mua bán ngày một tấp nập hơn. Các shop với các mặt hàng sale 30% rồi 50% lôi cuốn người mua tìm đến.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

MẸ ƠI, CÓ TẾT?...

 BBT: Lúc này là sáng sớm mùng một Tết, cùng với ly cafe, đảo một vòng trên mạng chợt gặp một bài viết với những hình ảnh xúc động của Bloger Mai Thanh Hải nên cóp về đây, hầu chia xẻ với tất cả những số phận còn long đong, chìm nổi trong những ngày Tết này... Những ngày đón chờ Xuân mới, chúng ta đã nghe và nói nhiều đến những hạnh phúc, no ấm... giờ xin dành một khoảng lặng để cùng nghĩ về những đồng bào của chúng ta giờ này còn đang nổi trôi trong cuộc mưu sinh...

 

MẸ ƠI, CÓ TẾT?..

Mai Thanh Hải - Hồi xưa mới đi làm báo, mình là phóng viên mới nên toàn bị sai vặt, viết những đề tài mà mọi người thường nói "khoai hơn ngô, nhục hơn trâu". Nghe nói thì vậy, nhưng mình thấy cũng bình thường.

Nhớ nhất là cứ dịp Tết, phải đi thực tế viết bài về đề tài "Những người không có Tết".

Nhân vật, rút cục cũng chỉ là Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, Công an TP. Hà Nội và Công nhân quét rác, Cty Môi trường Đô thị Hà Nội.

Vài lần mặc rằn ri, ngồi xe Zeep lượn vòng vòng các phố từ đêm đến sáng hoặc diện đồ phản quang, đi ủng ngồi xe thu gom rác lượn vòng mấy phố, xong sang bãi rác Lam Sơn, mình mới thấy là không có Tết cũng chỉ là chuyện thường, bởi hôm nay làm thì mai nghỉ và làm ngày Tết, còn nhiều tiền hơn ngày thường.

Tóm lại, nhận lương Nhà nước thì phải làm, cũng như mình, phải làm việc ngày Tết như họ, có sao đâu?.

Nói đến những người không có Tết, chính xác phải kể đến là rất nhiều thân phận, vì mưu sinh.

Entry khai bút này, không dám nói nhiều, chỉ có vài lời kèm với hình ảnh của anh em Diễn đàn OF để nhắc đến những mẹ, già yếu rồi đấy nhưng vẫn phải vật lộn với cơm áo, để tồn tại nhiều hơn là sống.

Cuộc sống đầy đủ, "đầy màu sắc và ánh sáng" (lời của Nhà văn Trần Đăng) nơi đô thị, có khi ta vô tình lướt qua các mẹ, các chị đang bươn chải một cách vô tâm.

Ta không có lỗi, bởi đó là cuộc sống.

Khi những thứ gọi là "chế độ chính sách" vẫn còn nằm nhiều trên giấy và khái niệm "người già cô đơn, không nơi nương tựa" vẫn đầy tràn trên văn bản, Hội nghị thì khó có thể tiến tới mục đích "công bằng - văn minh", để làm được chuyện gì đó xa vơi.

Chả nói chuyện xa xôi làm gì cho nặng đầu. Chỉ tự lẩn thẩn với thời điểm hiện tại: Qua giao thừa, hết ồ à vỗ tay nhìn pháo hoa, xong cười nói chúc tụng lúc giao mùa, ta tĩnh trí, ngồi lặng và xem lại, nhìn lại những hình ảnh mà ta - bạn ta đã gặp, tự dưng cứ bật ra trong đầu: "Mẹ ơi, có Tết?"...

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Xuân Kỳ - Thơ - Đàm Khánh Hỷ

 
Đất trời kết dải tâm đồng,
Con người giao cảm nối dòng thời gian
Chập chờn cánh én xuân sang,
Cành mai rày đã nở vàng bên song.
Cỏ hoa dưới ánh nắng hồng,
Nghe đàn đổi nhịp, nghe lòng xôn xao.
Thời gian hờ khép cánh sầu,
Mở vùng hoa mộng nhuộm màu tái sinh.
Đất trời vẽ nét đan thanh,
Xuân kỳ con mắt ngó mình ngẩn ngơ!

Khánh Hỷ

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Đốt Pháo Mừng Xuân

Ngày Tết đến, xin mời quí Thầy Cô cùng các anh chị đốt vài phong pháo lấy hên đầu năm. Cầu chúc một năm mới An Lành, Thịnh Vượng và mọi điều như ý đến với chúng ta.


Xin Click vào đây để bắt đầu: Đốt Pháo Mừng Xuân

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

NÍU MỘT NHÀNH XUÂN - Thơ - Nhàn Du


 
Em mang mùa xuân
Tình yêu đi xa
Em mang nụ xuân
Vùi trong giông bão.

Lặng lẽ góc trời
Một bóng mây xa
Khắc khoải từng đêm
Một vầng trăng khuyết.

Bao nhiêu xuân qua
Hỏi em có biết
Đón xuân riêng một
Nỗi nhớ khơi xa.

Hỡi em xưa cũ
Bấy nhiêu xuân rồi
Đợi người trắng tóc
Nhớ người hắt hiu.

Xuân nay lại về
Mai đào khoe sắc
Bàn tay hờ hững
Níu một nhành xuân…!

                   Tuy Hòa 15-01-2012
                             Nhàn Du

Tân cổ giao duyên: Cánh thiệp đầu xuân - Hương Lan

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Nhỏ không học, lớn đi dạy

BBT: Không nhằm đả kích hoặc phê phán, song SPQN muốn chia xẻ với các bạn về thực trạng của nền giáo dục trong một thời mà hệ lụy của nó vẫn còn kéo dài đến ngày nay... Bài tạp ghi này của thầy giáo Phùng Hi, đang dạy trường Trần Quốc Tuấn ở huyện Phú Hòa, Phú Yên; được đăng trên Blog Lưu Văn  _ Phú Yên



1. Nhỏ không học
Nói chuyện “nhỏ không học, lớn đi dạy” nghe vô lí, nhưng việc học hành của tôi nó đặc biệt lắm. Học xong lớp 12, tôi rành đốt than hơn hiểu về cơ thể, giỏi làm ruộng hơn hiểu định luật III Newton. Lên rừng đẽo cây về làm cột kèo hay đánh tranh lợp nhà, tôi làm tốt hơn viết một bài văn…   
Trước 1975, tôi học nửa chừng lớp 5. Mọi môn học đều được dồn trong bộ sách Tám môn yếu lược. Tôi chỉ nhớ rằng, nếu hồi đó không được học nữa thì bao nhiêu kiến thức đã tiếp thu, đủ “ra đời” làm một công dân tốt cho đất nước vào thời điểm đó và hình như cho cả bây giờ. Tôi biết viết một lá đơn đúng cách, viết một tờ thư bày tỏ được tình cảm. Tôi rành các phép toán cộng trừ nhân chia, nắm bắt được khoa học thường thức phục vụ đời sống. Biết qui tắc xã giao, biết tôn trọng nhân phẩm v.v… Tôi liên tưởng thế này: Trong cái dự án “Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” (PEDC) hiện nay, do Bộ Giáo dục và các tổ chức nước ngoài triển khai, nếu được phép dùng bộ sách Tám môn yếu lược cho người học, chắc chắn hiệu quả và đỡ tốn kém biết bao!
Sau 1975 tôi học lớp 6, gọi là lên cấp 2, rồi đến cấp 3, tôi gần như làm nhiều hơn học. Cắp vở (không có sách, hoặc rất ít sách) đến trường “bữa đực bữa cái”, tức là nghỉ học thường xuyên và chưa khi nào mở vở xem bài cũ ở nhà. Không có thời gian làm việc đó. Cứ đến môn học nào, tranh thủ giờ ra chơi, tôi liếc qua một cái đủ đối phó “kiểm tra miệng”, sau đó quên tuốt ngay.
Bây giờ tôi không nhớ lắm kiến thức các môn học, thầy dạy thế nào, sách viết ra sao, nhưng những chuyện tréo ngoe, thiệt thòi cho học sinh, tôi nhớ như in. Cả bốn năm học cấp 2 (lớp 6, 7, 8, 9), bỗng nhiên riêng lớp 8 được học tiếng Anh, mà lại là tiếng Anh lớp 6. Vậy rõ ràng tiếng Anh được học từ cấp 2, tại sao chúng tôi không được học?
Trường cấp 2 tôi học ở đồng bằng, cách thị xã Tuy Hòa, nay là thành phố Tuy Hòa có 3 cây số, đâu phải núi non hiểm trở gì. Lên lớp 9, ông thầy dạy tiếng Anh  chuyển đi đâu mất. Lên cấp 3 (lớp 10, 11, 12), đó là quãng năm 1980 – 1982, tôi nhớ một chuyện lạ thế này: cả ba năm cấp 3, môn Sinh vật chỉ học độc quyển Sinh vật lớp 12, học duy nhất phần nguồn gốc loài người. Môn Hóa bỏ luôn phần “hóa vô cơ” vì thiếu thầy dạy. Môn tiếng Anh mất tiêu luôn. Các bạn thấy phần nào là đúng, khi tôi nói “nhỏ không học” cả khách quan lẫn chủ quan rồi.

Chùm thơ của Huỳnh Vô Thường và Nguyễn Sỹ Hứa


Nhớ Qui Nhơn- Thơ- Huỳnh Vô Thường

Đã lâu không đến Qui Nhơn
Ngôi trường Sư Phạm vẫn còn dáng yêu?
Nhớ em ký túc diễm kiều
Nhớ ta lặng lẽ đăm chiêu không ngờ!

Đèn xanh đèn đỏ bao giờ?
Đường trơn phố chật mịt mờ khói xe?
Vẫn còn lối hẹn hàng me?
Tháng ngày Sư Phạm bạn bè sắt son?

Đã lâu không ngủ Qui Nhơn
Nhớ xe Lam nổ vang dòn phố sương
Nhớ Khu Hai biển ru buồn
Nhớ Ghềnh Ráng, nhớ mộ Hàn thi nhân…

Đã lâu không ở Qui Nhơn
Ngày Xuân chật ních trăm dòng người, xe?
Trường xưa lạ lẫm không ngờ
Qui Nhơn đến tận bây giờ vẫn… xa!
                               H.V.T ( K.5)

Tình bay qua bốn mùa – Thơ- Huỳnh Vô Thường

Em giờ qua xứ ấy
Xuân có còn én bay
Mai thẹn cười cánh mỏng
Nắng giêng bờ má hây
Em giờ qua xứ ấy
Hạ có buồn ve ngân
Trời như say quả gấc
Ươm hồng đôi gót chân

Giờ em qua xứ ấy
Ai chờ đò sang sông
Thuở nào còn hai đứa
Cùng nhặt lá vườn hoang

Giờ em qua xứ ấy
Quạnh hiu tôi chốn này
Đếm tháng ngày xa cách
Phai những nụ tầm xuân

Em giờ qua xứ ấy
Có lá phượng rớt rơi
Trong chiều thu tan học
Nghe thương khoảng đường dài

Em giờ qua xứ ấy
Đông có lạnh lắm không
Quê mình ngày gió bấc
Cúc muộn màng đơm bông.
          H.V.T ( K. 5 )

Quê xa – Thơ – Nguyễn Sĩ Hứa

Thuyền sang chở nắng Xuân về
Bờ sông chênh chếch bến quê cũ mòn
Gió tràn ngập bãi ngô non
Hơi  Xuân thấm đẫm trong hồn cỏ xanh

Về nơi cội rễ sinh thành
Bâng khuâng con sóng vô danh ngàn đời
Vẫn phù sa đỏ đầy vơi
Sông quê vẫn trẻ như thời tôi xa

Tháng năm thì cứ nhạt nhòa
Đò giang vẫn vậy ,hình ta nơi nào?
Thuyền đưa mát mái nghiêng chao
Nỗi niềm gió thổi rối vào cỏ may

Cánh buồm phiêu dạt chân mây
Còn sông vẫn chẳng đổi thay bến bờ
Dòng trôi ngút ngát xa mờ
Bến sông vẫn đợi vẫn chờ người sang
Ven đê hoa cải vẫn vàng
Chiếc chèo vẫn ngọt Hội Làng ai ơi!
Dẫu đi cuối đất cùng trời
Qua đò Xuân Cảnh là nơi tôi về.
           N.S.H ( K.2)

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...