Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Thông Báo : Gặp gỡ hàng tháng.



Theo sáng kiến của anh Nguyễn Dũ, trưởng ban LL cựu GS SPQN tại Sài Gòn, cùng một số anh chị em, kể từ tháng 9 năm 2012; cứ vào mỗi Chủ nhật đầu tháng… xin mời quí Thầy Cô cùng quí anh chị cựu GS SPQN dành thời giờ đến Nhà hàng Trầu Cau, số 298 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh vào buổi sáng trong khoảng từ 8 giờ đến 11 giờ để uống café hầu có thể gặp gỡ trò chuyện cùng nhau…
Hy vọng cùng với thời gian, địa điểm này sẽ là một địa chỉ quen thuộc, giúp thầy trò chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau thường xuyên hơn.
Chủ nhật đầu tiên của tháng 9 sẽ nhằm vào ngày 2/9 tới đây, kính mong quí Thầy Cô cùng các bạn hưởng ứng và tham dự…

BLL SPQN 

Nhắn Tìm Bạn Cũ.



Tôi tên Huỳnh Kim Thạch, cựu GS lớp nhị 6 / k11  SPQN
Tập thể lớp tôi có nhu cầu liên lạc với các bạn lớp 6 / k11 sau:

-Trịnh công Tùng đ/c cũ: 223 Lê Lợi, Tuy Hòa, Phú Yên
-Trần Vĩnh Tuấn (Tuấn Huế) đ/c cũ: 34 Hoàng Diệu, Qui Nhơn (ra trường Tuấn dạy học ở Tu Bông, Nha Trang)
-Trần Văn Thanh(QN) đ/c cũ: 114b Trần hưng Đạo Quảng Ngãi
-Dương Đông Thành đ/c cũ: 216 Huỳnh Thúc Kháng Tam kỳ Quảng nam

Sau 2 tháng tìm kiếm,bằng nhiều cách khác nhau đến nay chúng tôi vẫn chưa có tin về 4 bạn trên.
Nay chúng tôi kính nhờ các anh,chị đồng môn nếu có tin tức gì về 4 bạn trên, xin thông tin cho chúng tôi theo đ/c sau:
-đt (84)906863279 hoặc (84)916863278

Xin cảm ơn!

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

NỤ CƯỜI CỦA MẸ.

 Giang Lam


            Buổi sáng, tôi thường được mẹ tôi đánh thức bằng một nụ cười. Ngày xa xưa ấy còn bé quá đôi lúc buồn ngủ, nên tôi vẫn thường mè nheo để được ngủ nướng thêm tí nữa. Nhưng mẹ tôi không nói gì chỉ cười và dỗ dành để tôi dậy. Khi lớn hơn, tự biết lo giờ giấc cho mình thì mỗi buổi sáng thức dậy, mẹ tôi thường đón tôi bắt đầu một  ngày mới với nụ cười hiền hậu, như  thành thói quen, sáng ra nhìn thấy là mẹ tôi thường cười cười khuôn mặt bà vui vẻ và nói: Con dậy rồi à…Cứ như thế mỗi buổi sáng, không thể hiện nét buồn rầu mẹ tôi thường nói: Cuộc sống có lúc vui, lúc buồn, vui nhiều thì buồn nhiều, đừng để chuyện  buồn của mình lây sang người khác là phải tội .
           Đều đặn như thế và hình ảnh ấy đã  lớn dần trong tôi theo ngày tháng, in đậm trong trí nhớ của tôi, khuôn mặt mẹ tôi cười cười để lộ hàm răng nhuộm màu đen đều đặn mà người xưa thường gọi là răng đen hạt huyền. Khuôn mặt mẹ tôi vui vẻ và ít khi bà cau có với chị em chúng tôi, mặc dù trong cuộc đời mẹ tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bà không biết hoa hòe trong từng câu nói, mà chỉ muốn tạo cho không khí trong nhà luôn vui vẻ.             
  Mẹ tôi là một người phụ nữ thuần nông chất phác, không được đến trường lớp để học hành. Theo lời mẹ tôi kể thì ngày xưa ông ngoại tôi là một cụ đồ nho, nhưng chỉ dạy cho các cậu tôi học, còn mẹ tôi là con gái lớn trong nhà phải theo bà ngoại tôi đi chợ học buôn, học bán để lo cho gia đình. Những gì mẹ tôi học được thì chỉ là học lóm, khi ông ngoại dạy các cậu vào những ngày mưa gió rảnh rỗi mà mẹ tôi được bà ngoại cho ở nhà không phải đi chợ . 
              Lập gia đình với ba tôi, thì ba tôi lại là người theo Tây học, ông thường đi làm xa từ Thượng Hải (Trung Quốc) rồi sang Pháp. Dù có con nhỏ nhưng sau một ngày vất vả buôn bán nuôi con một mình, đêm đến khi đã xong công việc nhà và ru các con ngủ, mẹ tôi bên ngọn đèn dầu vẫn học chữ Quốc Ngữ để có thể tự đọc và viết thư cho ba tôi mà không phải nhờ đến người khác .
               Mẹ tôi thích đọc truyện viết theo lối văn vần của dân gian như: Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương lễ và thích đọc nhất là truyện Lục Vân Tiên và Truyện Kiều, bà thường để ở đầu giường đọc đi, đọc lại không biết chán đến nổi thuộc lòng cả hai cuốn. Ngày Tết mẹ tôi thường hay bói Kiều rồi kể lại cho chúng tôi nghe, những năm về sau mắt mẹ tôi bị mờ không đọc được, hai cô con gái tôi lúc rảnh rỗi thường thay nhau đọc truyện cho ngoại nghe, đọc đến đâu thì được ngoại giải thích những điển tích và điển cố cho cháu một cách rõ ràng mạch lạc, bà đã truyền niềm đam mê của mình đến cho hai cô con gái nhỏ của tôi lúc nào không biết …
                Nhà tôi có bốn chị em gái, lại thêm một cô cháu gái con của chú tôi và một chị bà con phía ba tôi từ  Pleiku  xuống trọ học, vì nhà tôi rộng lắm tới hai căn nhà liền kề nhau, tôi lại chỉ có một anh trai  mà anh tôi thì theo học nội trú một trường Dòng ở Huế, nên Tết hoặc nghỉ hè anh tôi mới về nhà, mẹ tôi muốn nhà thêm đông,  thêm vui nên gọi con cháu đến ở. Chị em chúng tôi chỉ hơn kém nhau từ hai đến ba tuổi, cái tuổi ăn, tuổi lớn nhiệm vụ của bà càng khó khăn hơn để rồi bà phải thốt lên: Có con gái lớn trong nhà hồi hộp thật… Sự chỉ dạy của mẹ tôi giành cho chị em tôi và hai người cháu thật cẩn thận, ngoài kiến thức văn hóa được học ở  trường về nhà từ cách ăn, nói,đi, đứng, may vá thêu thùa, nấu nướng… Chúng tôi đều nhận được sự chỉ dạy tận tình của mẹ tôi. Bây giờ mỗi khi làm bánh hay nấu nướng hoặc may vá, hình ảnh của mẹ tôi ẩn hiện đâu đó như bà đang chỉ dạy cho tôi dù bây giờ tôi cũng đã đến tuổi là mẹ, là bà rồi… Sau mỗi giờ cơm vào buổi tối, có lúc thì vào ngày chủ nhật cả nhà tôi quây quần bên ván cờ Domino, hoặc những hôm  ngoài trời mưa rả rích cả nhà cùng nhau bên lò lửa để nướng những trái bắp, tiếng nổ tí tách của than hồng nghe vui tai cộng với mùi thơm của bắp đã nướng chín, mọi người ngồi bên nhau hơi  ấm như lan toả cả căn nhà, chúng tôi cùng bàn luận hoặc bày tỏ quan điểm của mình, mẹ tôi thường lấy kinh nghiệm đã trải qua để dạy cho chị em chúng tôi và lúc nào cũng mong ước chúng tôi trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng vẫn có lúc cả hai thế hệ không đồng quan điểm, chị em chúng tôi thường đùa là: Phải viết biểu ngữ, biểu tình phản đối (Chính phủ) của gia đình nhà tôi… Chỉ nói đùa cho vui vậy thôi, chứ anh chị em tôi luôn  tâm niệm một điều là: Không làm gì để mẹ tôi buồn. Cho dù khoảng cách giữa  hai thế hệ có những điều khác nhau đi nữa: Chúng tôi vẫn là con của mẹ…                                                                                  
              Đôi lúc tôi cũng tự cảm nhận đã làm khổ mẹ nhiều... Còn nhớ ngày ra trường tôi chọn nhiệm sở Quảng Ngãi, về nhà thấy tôi cứ buồn buồn mẹ tôi an ủi:” Không sao đâu con, họ đi được mình cũng đi được”. ý mẹ tôi trấn an để tôi mạnh mẽ hơn tuy vậy, đây là lần đầu tiên tôi xa nhà, đến một nơi dầu sôi lửa bỏng nên nói vậy nhưng  mẹ tôi vẫn lo lắng cho tôi mà bà không nói ra và để rồi sau đó, khi tôi đến Quảng Ngãi, mới chỉ dạy được nửa tháng, thì một hôm từ trường về nhà, tôi đã thấy bà đứng ở cổng nhà trọ cười cười đón tôi đi dạy về, tôi ngạc nhiên đến nổi chỉ thốt được tiếng: …Mẹ …! và ùa đến ôm chầm lấy bà, hạnh phúc ngập tràn rồi quên mất tôi đã là một cô giáo (đã lớn rồi) và cũng quên mất những ánh mắt ngạc nhiên của những người đi đường. Sáng hôm sau, mẹ tôi dậy sớm mặc áo dài và bảo là sẽ cùng tôi đi xuống trường. Mặc dù phải đi đoạn đường năm cây số bằng xe Lam, rồi đi bộ một đoạn dường đất đỏ mất khoảng ba mươi phút nữa nhưng bà vẫn nở nụ cười. Đến trường mẹ tôi đến gặp thầy Hiệu Trưởng nói chuyện gửi gắm, giống như phụ huynh gởi con đi học, rồi về ngồi cuối lớp( dự giờ con gái) suốt một buổi sáng hôm ấy, học sinh tôi lúc đầu thấy là lạ nhưng rồi lát sau chúng cũng quen dần. Mẹ tôi chu đáo thế đấy, bà muốn tận mắt nhìn thấy nơi tôi đến dạy mới yên lòng.                      
                 Thương mẹ tôi nhất là sau ngày ba tôi mất, lúc này các anh chị em tôi đã có gia đình ra ở riêng, mẹ tôi chỉ ở một mình, căn nhà rộng rãi, đông vui ngày nào giờ lại trở nên trống vắng, thế là tôi về ở với mẹ cho vui cửa, vui nhà và hôm sớm với bà. Có hôm đi dạy về thấy bà mái tóc bạc phơ mang kính, ngồi chẻ mía cho các cháu hình ảnh ấy in đậm mãi trong tôi, thương con lo cho con rồi giờ đến cháu. Tuy nhiên  cũng có lúc mẹ tôi quặn đau với những nổi buồn ập đến, khi chị kề tôi mất, chị tôi mất vì bệnh lúc mới chỉ hơn bốn mươi tuổi, lúc này mẹ tôi bị bệnh huyết áp cao nên không thể cho mẹ tôi biết hung tin ngay liền được mà phải đợi ma chay cho chị tôi xong và lựa lúc để nói, lúc nghe tin dữ mẹ tôi im lặng lát sau bà nói: “Trời Sao không để mẹ chết thế thay con vì mẹ già rồi, con còn trẻ  sống mà nuôi các con cho đến nơi đến chốn”. Tôi lặng đi sau câu nói ấy, cứ thế mẹ tôi ngồi im trong bóng tối và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thương con bà đau buồn trong im lặng, để rồi sau đó mẹ tôi lại bị ốm nặng không ngồi dậy được. Thương mẹ tôi chỉ muốn làm những điều tốt nhất, hay ho nhất để mẹ tôi vui là mãn nguyện lắm rồi .
                   Hai cô con gái tôi quí bà ngoại lắm, cho dù đến nay mẹ tôi mất đã lâu, nhưng  mỗi khi nói về ngoại, các con tôi vẫn nhắc đến kỉ niệm về những  năm tháng sống bên bà với những lời yêu thương và trân trọng. Bây giờ mỗi khi nhớ đến mẹ tôi, tôi vẫn nhớ nhiều đến nụ cười mà theo tôi là đẹp nhất, trên khuôn mặt bà với làn da nhăn nheo. Tôi cũng không thể có lời nào để nói hết hoặc diễn tả hết, hình ảnh mẹ tôi với nụ cười đã thấm đẫm vào tâm hồn tôi .
                     …  Ước gì và ước gì có một khoảnh khắc nào đó, thời  gian quay ngược trở lại để tôi biến thành cô bé ngày xưa ấy có mẹ ở bên cạnh… Được âu yếm nép đầu vào lòng mẹ, mẹ tôi nở nụ cười trên môi, tôi sẽ nũng nịu nói với mẹ rằng: Mẹ ơi! Con thương mẹ nhất trên đời !!!
                                  Giang Lam k10

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tin Buồn

Chiều nay, 28/8/2012, Ban Liên lạc SPQN Sài Gòn thay mặt quí Thầy Cô và Cựu giáo sinh SPQN đã đến viếng tang bà Bùi Thị Thúy Hồng là hiền thê của thầy Đặng Văn Tháo vừa mới từ trần tại nhà riêng, số I 1, đường Châu Thới, phường 15, quận 10.
BBT SPQN xin chia buồn cùng thầy Đặng Văn Tháo và gia đình; cầu chúc cho hương hồn của bà  Bùi Thị Thúy Hồng được siêu thoát và sớm an nghỉ trong cõi Niết Bàn.


Chiều ơi , nhớ Mẹ ! - Thơ - Lại Giang


Hoàng hôn nhẹ gió sang mùa
Vi vu gió thổi bên bờ quanh hiu
Giọt buồn như lắng nghe chiều
Chiều thương, chiều nhớ Mẹ yêu vô cùng
Nhớ về những sáng mùa xuân
Những đêm mùa hạ, những mừng thu, đông
Nhớ lời Mẹ dạy ân cần
Hiếu, trung, hạnh, nghĩa nên thân làm người
Nhớ sao những lúc Mẹ cười
Nhìn đàn con trẻ vui vầy bên nhau
Anh em nhường nhịn trước sau
Bánh ngon của Mẹ sau ngày chợ phiên
Đông con cũng lắm ưu phiền
Mẹ toan tính giỏi truân chuyên của đời
Nợ cơm, nợ áo ôi thôi
Nợ đôi mắt nhỏ đua đòi trẻ thơ
Thương chồng quảy gánh đôi bờ
Thương con Mẹ hát ầu ơ ví dầu
Dạy con nghĩa nặng, tình sâu
Dạy con Việt sử qua câu bài chòi
Tuổi thơ quấn quít Mẹ thôi
Kề bên gối Mẹ theo lời hát say
Mẹ cười ru  gió heo may
Ru đời mật ngọt, ru hồn chơi vơi
Nhưng mà nhớ nhé con ơi
Trời cho chỉ để làm đời con vui
Mai sau sẽ lắm ngọt bùi
Lời ca giọng hát sẽ nguôi tấc lòng
Đời người bến đục bến trong
Bến nào cũng giữ một lòng sắt son
Cuộc đời Mẹ cũng vuông tròn
Bên Ba, Mẹ dạy đàn con nên người .
                         LẠI GIANG

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Thơ - Trần Quốc Dõng


Gửi em
(Người tôi yêu Khóa 12)

Đêm nay ngồi đọc bài thơ
Của em “Hoa cúc”* bỗng mờ đôi mi.
       Phải chăng nhớ tuổi xuân thì,
Phải chăng nhớ lại những gì trao nhau…
Đã hai thứ tóc trên đầu,
              Còn ngồi luyến nhớ những ngày rong chơi:
                      Cùng em ngắm cánh chim trời,
Lắng nghe sóng biển ngoài khơi vỗ bờ…
       Tiếng sóng vỗ tự bao giờ,
Nghe như than thở đợi chờ dáng ai…
       Dường như sắp hết đêm dài,
Sao không ngủ được vì ai hỡi người.
       Phải chăng tại cánh chim trời,
Phải chăng “Hoa cúc” đã rơi mất rồi…
       Thôi thì thôi, thế đành thôi,
Thời vàng son đã qua rồi còn đâu.
       Những gì thuở ấy trao nhau,
Hãy cùng giữ lấy, kiếp sau lai hồi.

* Tên  bài thơ của Xuân Quỳnh mà "người ấy" chép tặng
                      Trần Quốc Dõng 6/11


Như thuở ban đầu

Mỗi lần anh về quê
Ngang qua trường em dạy
Anh như người thuở ấy
Lòng xao xuyến bồi hồi.

Nhớ lại thuở thiếu thời
Đôi ta cùng sánh bước
Với bao lời hẹn ước
Trong ánh mắt tròn xoe.
Những chiều nắng vàng hoe
Cùng ngồi trên bãi cát
Lắng nghe lời biển hát
Bài ca của muôn đời.
Tiếng hát tự xa khơi
Vỗ về bờ cát trắng
Xua tan từng hạt nắng
Mờ dần bóng hình em…

Muốn ghé vào thăm em
Cho vơi đi nỗi nhớ…
Nhưng vẫn còn bỡ ngỡ
Như cái thuở ban đầu…

              Trần Quốc Dõng 6/11

      
      

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

HỌP MẶT CỰU GIÁO SINH SƯ PHẠM HUẾ KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG.







Xin click vào "đọc thêm" để xem toàn bộ ảnh.

BÀI TÌNH CA TẶNG MẸ !


                                                                                       Thanh Cảm

      Mẹ kính yêu! 

      Chiều nay trời Sài Gòn bỗng nhiên trở gió và mây xám rủ về giăng kín cả bầu trời,  chắc là lại sắp có mưa rồi mẹ ạ!
      Mẹ ơi! Hôm nay đã gần đến Trung Nguyên Rằm tháng Bảy, tiết trời đã lập thu và mùa Vu Lan Báo Hiếu hằng năm lại về rồi! Vào trong này con vẫn không quên thói quen đến chùa vào những ngày rằm hay mồng một hằng tháng. Con nhớ, lúc con còn bên mẹ, khi Vu Lan gần về là mẹ nhắc con tháng Bảy cùng ăn chay với mẹ. Mẹ nói, Phật pháp đã dạy rằng: “Ăn chay là thể hiện tình thương dành cho chúng sinh, là trải rộng lòng từ bi đến với muôn loài. Ăn chay để không sanh lòng sân hận và tất cả những gì có sự sống đều thoát khỏi mọi khổ đau…”, và cho đến bây giờ con vẫn còn nguyên thói quen đó mẹ à!
      Ngày đó, cứ vào những ngày đầu và giữa tháng âm lịch hai mẹ con lại hương hoa cùng đi lễ chùa, mỗi khi lên chùa là con nghe lòng mình thật nhẹ nhàng và thanh thản bình yên… Không biết con yêu cái không gian tĩnh lặng mà trầm mặc ở chùa từ lúc nào?  Chỉ biết là từ những ngày còn nhỏ xíu, con mong đến chủ nhật hằng tuần được chạy lon ton theo cậu vào chùa Long Khánh để cùng mọi người nghiêm trang đảnh lễ và sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Kỳ Hoàn. Trong ngành Oanh Vũ, qua tháng ngày con lần lượt vượt qua các bậc Mở Mắt, Cánh Mềm,  Chân Cứng rồi Tung Bay. Khi lớn lên thành thiếu nữ con được các anh chị Huynh Trưởng cho thi chuyển cấp vào ngành Thanh, lúc này mỗi lần đến chùa con vui sướng khi mặc chiếc áo dài màu lam thanh khiết mà con hằng mơ ước. Cũng từ lúc đó, con dần thấm nhuần sự huyền linh trong Đạo pháp, con dần biết từ bỏ những tham sân si của cuộc đời,  biết được sự huyễn mộng vô thường của cuộc sống. Con thấy yêu nét uy nghiêm nơi chánh điện, yêu mùi hương trầm dịu thơm lan tỏa cùng những bước chân nhẹ nhàng rón rén của khách thập phương mỗi lần vào lễ Phật, và con yêu không gian thanh tịnh của ngôi chùa cổ kính nằm giữa lòng thành phố quê mình!
      Thời gian cùng gia đình với gần hai mươi năm bên mẹ, mẹ chắt chiu tảo tần chăm lo cho mấy chị em con khôn lớn, mẹ gánh nắng gánh mưa, gánh cả bốn mùa sương gió để chị em con no đủ yên lành, rồi con vào Sư Phạm để trở thành cô giáo như ba mẹ hằng mong.  Ngày con ra trường nhận nhiệm sở mới, mẹ đã đưa con đến tận nơi để gởi gắm nơi ăn chốn ở, mẹ dặn dò con nếp sống và nết cư xử ở đời, mẹ lo lắng khi con phải sống xa nhà nơi mà cuộc chiến đang diễn ra đến hồi khốc liệt…Con biết dù có cách xa nhưng mẹ vẫn dõi theo mỗi bước con đi, vẫn hằng đêm nguyện cầu cho con bình yên may mắn, mong cho con chân cứng đá mềm trên đường đời nhiều giông bão. Mẹ âm thầm đứng bên lề cuộc đời nhìn từng bước trưởng thành của con, lặng lẽ dõi theo đôi cánh chấp chới muốn vươn ra bầu trời mênh mông cao rộng và rồi mẹ một mình lặng lẽ khóc cười với những vui buồn đắng ngọt của con.
      Chiến tranh qua đi con lại được trở về bên mẹ, được làm cô giáo trên quê hương mình và hằng ngày xinh tươi áo dài lên lớp, con được ăn những món ăn quen thuộc quê nhà mẹ nấu, được đỡ đần giúp mẹ chăm lo cho đàn em đang tuổi lớn tuổi ăn. Những năm tháng ấy cuộc sống còn khó khăn vất vả nhưng gia đình mình thật hạnh phúc bên nhau mẹ nhỉ? Mẹ luôn là nguồn động viên mạnh mẽ nhất cho Ba có thêm niềm tin và cho các con của mẹ có động lực để bước vào đời. Sáng sáng chiều chiều mẹ bôn ba xuôi ngược để cuối ngày cả nhà mình cùng quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà tiếng cười tràn vỡ những yêu thương!
       Năm con hai mươi lăm tuổi, mẹ âm thầm lau nước mắt khi con phải rời xa mẹ để theo chồng về một nơi xa lắm, nơi mà sau đó có lần tìm đến thăm mẹ phải xót đau lòng khi thấy con gái trong cảnh khó nghèo! Những ngày bên mẹ con vô tư là thế, con hồn nhiên là thế giờ thấy con vất vả mẹ chỉ biết ủi an và khuyên con cố gắng để làm tròn bổn phận dâu thảo vợ hiền dù dòng đời còn lắm bộn bề và bao điều khổ nhọc. Những năm tháng ấy, vì cuộc sống quá đổi khó khăn mà các cháu thì còn nhỏ dại nên con không thể về thăm mẹ thường xuyên, con không giúp đỡ được gì cho mẹ mà lâu lâu nhớ con thương cháu mẹ lại khăn gói lặn lội ra thăm cho dù lúc ấy sức khỏe mẹ đã bắt đầu yếu đi và cho dù đường sá có xa xôi cách trở!
      Rồi con cũng dần vươn dậy, con cũng vững chải tự bay vào bầu trời mênh mông mà con hằng ao ước bằng đôi cánh chấp chới ngày nào, con mạnh mẽ hơn từ ngưỡng cửa lời ru trĩu vương tình mẹ trong những bài học đầu đời, từ khúc hát ngọt ngào ngày còn thơ bé, từ những câu à ơi nghiêng bóng xế chiều bên chiếc võng mẹ ru…
     “Ầu ơ… bài học vỡ lòng
      Mẹ ru con ngủ một dòng sữa thơm…”
      Con may mắn được thừa hưởng từ mẹ đức hy sinh cho chồng con, sự chịu thương chịu khó, lòng nhân hậu thủy chung của người phụ nữ và lời mẹ dạy phải biết mở lòng, phải biết sống với tha nhân bằng một trái tim yêu thương. Mẹ từng dạy con khi gặp khó khăn hãy tin vào bản thân để đừng đánh mất niềm tin, đừng chán nản mà dễ yếu lòng mất đi lòng tự trọng, mẹ từng nhắc nhở con có những lời nói con nên chôn chặt đáy lòng và có những nỗi đau con phải cố lẳng lặng quên đi, những nỗi đau mà khi đã trải qua mới thấy mình trưởng thành, mới thấy mình vững chải. Mẹ nói, cuộc sống là vô thường là luôn thay đổi vì thế con phải biết yêu quí và trân trọng từng ngày…”
      Mẹ kính yêu của con!
      Những lời mẹ dạy, những câu dặn dò của mẹ con luôn mãi nằm lòng để từng bước hoàn thiện lấy mình. Trên mỗi bước đường con đi dù có chông chênh, dù phải gập ghềnh với trăm ngàn thay đổi thì trong con vẫn luôn hiện hữu bóng hình của mẹ, hình bóng ấy là nghị lực là ý chí cho con vững tin bước qua những ghềnh thác cuộc đời…
     “Mẹ ơi, dài rộng nghĩa tình
      Vắt khô bầu sữa nên hình hài con…”
      Mẹ ơi!  Với hơn chín tháng mẹ tần tảo cưu mang, mẹ ấp ôm trong lòng và sinh ra con khi mẹ mới tròn hai mươi tuổi, mẹ vắt kiệt bầu sữa ấm lành để con lớn lên từng ngày bên đời mẹ. Rồi những bước chân chập chững đầu tiên in dấu cuộc đời, biết bao lần con vấp ngã mẹ đã dạy con tự đứng lên và tiếp tục bước đi, và từ đó con dần cứng cỏi hơn, vững vàng hơn trong chở che tình mẹ, trong cao rộng ơn cha.
      Thời gian trôi qua với muôn trùng bể dâu cùng năm tháng, mẹ là mạch nguồn yêu thương mang về cho con dòng sông ngọt mát, mẹ gánh nắng cõng mưa cho con an nhiên yên ấm giữa cuộc đời. Giờ tóc con có đôi sợi bạc mà mẹ thì mái tóc đã pha sương, giờ mẹ như trái chín trên cành lắt lay qua ngày tháng, như ngọn nến dần lụn tắt mong thắp sáng tương lai cho chị em con. Kể từ khi Ba bỏ Mẹ ở lại trần gian này để đi về nơi ấy mẹ càng hắt hiu quạnh quẽ, con thì mỗi năm chỉ về với mẹ được một vài lần, các em con cũng đa đoan bộn bề nên thi thoảng mới về bên mẹ thế nhưng lần nào hỏi thăm mẹ cũng hiền hậu trả lời:  “Mẹ vẫn vui, con à. . . ”, con nghe mà muốn rơi nước mắt, nghe mà thương lắm mẹ ơi!
      Vẫn biết rằng thời gian không hề chờ đợi, vẫn biết rằng cứ mỗi lần thu qua đông đến là càng gần ngày con xa mẹ muôn trùng. Vẫn biết rằng năm tháng cứ như gió như mây lặng lẽ vô tình trôi bên đời mẹ nhưng con thật hạnh phúc biết bao khi con còn có mẹ trên đời để mỗi mùa Vu Lan trở về con lại tự hào với bông hồng đỏ thắm tỏa hương cài trên ngực áo!
      Mẹ ơi! Vu Lan năm nay đã về rồi đó mẹ! Từ ngày ngoại mất đi, Vu Lan nào mẹ cũng đến chùa và nhận một cành hồng màu trắng rồi sau đó mẹ để lên bàn thờ ngoại, bao nhiêu cành là bấy nhiêu năm mẹ không còn có mẹ trên đời! Con lo sợ cái ngày trên áo con phải cài bông hồng màu trắng như mẹ, con thật sự sợ lắm mẹ có biết không?
      Hôm nay, trong hương khói Vu Lan trở lại con tâm thành nguyện cầu cho mẹ mãi được bình an, nguyện cầu cho mẹ thêm dài rộng tháng ngày để con biết rằng con còn mẹ,  để mỗi mùa Vu Lan, mùa của yêu thương đáp đền ân nghĩa, mùa của sự trở về con lại được cài lên áo đóa hoa hồng đỏ thắm tình yêu của mẹ và để cho con được hát lên bài tình ca ngọt ngào tặng mẹ, người mẹ, người phụ nữ yêu kính nhất của cuộc đời con!
      “…Một bông hồng cho em…một bông hồng cho anh
        Và một bông hồng cho những ai…
        Cho những ai đang còn mẹ…đang còn mẹ…
        Để lòng vui sướng hơn…Rủi mai này…
        …Rồi một chiều nào đó…con về…
         Nhìn mẹ yêu…nhìn thật lâu…
         Rồi nói…nói với mẹ rằng…
         Mẹ ơi…mẹ ơi…mẹ có biết hay không?
         Biết gì? . . . Biết là…biết là… con thương mẹ không…? ”* 

        Mẹ kính yêu!
        Trong muộn màng hôm nay và trong chân thành tâm tưởng con viết cho mẹ, xin cho con một lần nữa được ôm lấy mẹ, được ngã đầu vào vai mẹ như những ngày còn thơ dại trong nôi và để nói với mẹ rằng…“Cảm ơn Mẹ đã sinh thành ra con! Cảm ơn Mẹ đã cho con hình hài sự sống! Cho con cảm ơn tình yêu muôn đời của Mẹ và xin Mẹ hãy tin rằng con vô cùng yêu Mẹ, yêu suốt đời và mãi mãi… Mẹ ơi…! ”

                                                                    Sài Gòn, mùa Vu Lan Báo Hiếu 2012
                                                                                       Con của mẹ,
                                                                                   Châu Thanh Cảm

(*) Bông Hồng cài áo – Phạm Thế Mỹ
     
    "Ví mà tôi đổi thời gian được...
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười..." ( Thơ Trần Trung Đạo)
Chú ý: Clip bị lỗi ở 1':43'', xin vui lòng dịch thanh trạng thái qua phải một chút ở 1':50'' để được xem tiếp... rất tiếc là không có bản nào tốt hơn, nên mong tất cả thông cảm.
     

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Vài dòng tản mạn ... nhớ bạn...


                               Thương nhớ về Cao Thị Ngọc Bảo...                 Xuân Đài 

" B. nghẹn đi mất khi viết vào vào luu bút cho Đ... Chóng ghê nhỉ, mới đây mà đã 2 năm hoc rồi, tháng ngày qua mau như một cơn lốc, hạ này đến tâm hồn ta thật bâng khuâng, trống vắng thống thiết ghê nơi!!!
...

Làm sao ta níu kéo được giây phút này, nó xa vời tầm tay với...hay chỉ đành đếm bước thời gian, măc cho thời gian ngân dài mệt mỏi, dầu đó chỉ là một bóng khói không tên.
...???

 Có một hôm nào đó...ta chấp cánh yên nghỉ một giấc thật yên bình, măc cho tất cả, dù cho là vó ngựa vồn vả hay thời gian réo gọi, có phải trong ta muốn nhìn thấy cả một khoảng sương mù của một vùng đang yên giấc, bất chấp cả tiếng khua động của đất trời..."


    Buổi sáng, nơi tôi ở thật yên tĩnh...tiếng nhạc sâu lắng  "...anh mong chờ mùa thu...thu nay vì đâu nhớ nhiều, thu nay vì đâu tiếc nhiều...đêm đêm nhìn cây trút lá... ngỡ bóng ai về..."  Bạn có bao giờ trở về nữa !!! cùng bạn bè nơi đây N.Bảo ơi!!!

    Ngày ấy B. viết cho tôi những dòng lưu bút sao...như một lời từ biệt mãi mãi trươc khi vĩnh viễn chôn sâu dưới lòng đại dương...bạn đã yên giấc " bất chấp cả tiêng khuya động của đất trời"

    Và bây giờ những dòng lưu bút ấy mãi mãi theo tôi để nhớ về cô giáo sinh sư phạm NB. một người bạn dễ thương của lớp nhị 8.khoá 11.các bạn ạ.
CTN. Bảo (đội mũ)

Xuân Đài - Nhị 8 - K11

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...