Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

MÙA XUÂN ĐANG TRỞ LẠI.

                                                Irene.
 
         Huyền xuống xe, bước vào cổng trường thì gặp ông Hiệu Trưởng :
         -Cô Huyền! Đầu giờ dạy, cô vào gặp tôi một chút, có một vài việc cần trao đổi!
         -Vâng!
         Huyền dắt chiếc xe đạp vào nhà xe rồi bước ra sân trường hướng về phòng Hiệu Trưởng.
         Ông mời cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện và rót chén trà rồi nói luôn.
         -Tình hình kết quả Kiểm tra học kỳ 1 trong khối lớp 5 của cô thế nào?
         -Dạ! Khối chưa tổng kết điểm, nhưng qua kết quả chấm thi thì môn Tiếng Việt hơi thấp.
         -Sao vậy?
         -Có lẽ do các em còn bỡ ngỡ và thiếu thực tế quan sát khi làm văn tả cảnh. 
         -Vậy thì bước sang học kỳ 2 cô cho giáo viên trong khối tăng cường bồi dưỡng và phụ đạo thêm môn Tiếng Việt nhất là phân môn Tập Làm Văn!
         -Dạ!
         -Cô Huyền này! Nhà trường vừa nhận được một lá thư nói về cô Quỳnh…
         Vừa nói ông vừa kéo hộc tủ lấy ra một lá thư trao cho cô. Liếc sơ bì thư…
         -Thư nặc danh?
         -Ừ, cũng vì thư nặc danh và đây cũng là vấn đề tế nhị nên tôi không muốn nhà trường tham gia vào. Vì vậy, tôi giao cho cô với tư cách là Trưởng ban Thanh tra làm giúp việc này. Vả lại, cô là nữ, nữ với nữ dễ nói chuyện với nhau hơn!
         Huyền đang phân vân thì tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào lớp!
         -Thôi, cô lên lớp, cô tìm cách nào đó cho khéo để nói với… Nhớ báo cáo lại cho tôi biết nghen!
         -Chào thầy!
         Rời phòng Hiệu trưởng Huyền bước ra sân. Học sinh lớp Huyền đang xếp hàng cùng học sinh cả trường chuẩn bị tập bài thể dục buổi sáng.
         Mùa xuân lại về! Gió Xuân man mác lùa trong nắng. Cây cối trong sân trường như cựa mình tỉnh giấc, những lộc non hé mắt ra nhìn. Giữa sân, trên cành cây bàng vẫn còn lơ lững lại một vài chiếc lá đỏ úa quắt queo từ mùa Đông. Thế mà trong các cành cây ấy những búp non đã chòi ra mạnh mẽ tràn trề nhựa sống. Cây phượng với những chiếc lá non đầu tiên xếp lại e ấp, non nớt mềm mại…Chim chóc ở đâu bay về đua nhau hót vang …Huyền thấy mình vui vui như hòa vào với cảnh sắc Xuân.

         Huyền rủ Quỳnh vào sáng Chủ Nhật đi uống café và ăn sáng ở một cái quán nằm dọc theo bờ biển. Huyền chọn một chiếc bàn quay mặt ra phía biển. Mưa xuân lất phất bay. Mặt biển phẳng lặng mờ mờ trong sương sớm. Xa xa, những chiếc thuyền chài khuất lấp trong màn hơi trắng đục. Trên bãi, những chiếc thuyền nằm yên lặng lẽ …Cảnh biển sáng Mùa xuân vắng vẻ, yên bình. Huyền và Quỳnh đều kiệm lời như để thả hồn về tận nơi đâu… Quỳnh nhìn đăm đăm ra biển với đôi mắt xa xăm. Bỗng Quỳnh quay lại giọng buồn buồn.
         -Chị Huyền!  Mấy hôm nay em không muốn đi dạy, em mắc cỡ với các chị trong trường!
-Sao vậy? Có chuyện gì vậy Quỳnh?
-Em gặp chuyện chẳng vui… Nói đến đó Quỳnh rươm rướm nước mắt! - Có người nào đó không thích em viết thư nặc danh bôi nhọ em…
         -Mà sao em biết?
         -Hôm qua, thầy Hiệu Trưởng nói với em.
         Thì ra thế! Hiệu trưởng đã làm việc với Quỳnh rồi… Huyền nhìn Quỳnh, khuôn mặt bơ phờ, hai con mắt thâm quầng, nước da nhợt nhạt vì biếng điểm trang. Dấu thời gian như đã in rõ trên khuôn mặt của  người phụ nữ …

         Huyền gặp Quỳnh lần đầu tiên trong một lần đi học lớp Tự làm đồ dùng dạy học do Phòng Giáo dục tổ chức. Lúc đó Quỳnh và Huyền đều còn trẻ lắm chưa đến ba mươi. Quỳnh kém Huyền bốn tuổi. Quỳnh có nét đẹp như Tây. Nhìn xa xa giống như tài tử của Pháp Brigitte Bardot. Dáng người cao, mắt to, sâu, mũi cao thẳng, mái tóc nâu uốn xỏa dài từng lọn ngang vai. Quỳnh mặc một cái áo pull và một cái quần jean…trông Quỳnh tràn đầy sức sống, trẻ trung. Vừa nhìn thấy Quỳnh là Huyền và chị Nguyệt đều bị cuốn hút bởi sức tươi mát, khỏe mạnh của cô ấy. Hai người đến làm quen. Biết Quỳnh đang dạy ở đảo nên rủ, khi nào hết thời hạn dạy ở đảo thì xin về dạy trường tụi mình.
         Không ngờ, năm học sau, Quỳnh có quyết định về đất liền và lại về  giảng dạy ngay trường với Huyền. Thế là từ đó chị em dạy cùng trường và thường đi chơi chung với nhau.
         Quỳnh rất thích thể thao. Cuộc thi cầu lông hay thi bóng rổ do phòng Giáo Dục tổ chức đều có Quỳnh tham gia và đem giải thưởng về cho trường. Tham gia Văn nghệ với học sinh…Nói chung do Quỳnh nhanh nhẹn xốc vác nên Quỳnh thường xuất hiện trong mọi phong trào của nhà trường. Sau này khi có thời gian rỗi rảnh, sau giờ dạy Quỳnh đi đánh tenis. Thỉnh thoảng cuối tuần theo bạn bè đi nhảy đầm ở các hội quán…
         Cũng có nhiều người đến với Quỳnh nhưng rồi như những mùa Xuân. Xuân đến! Xuân đi! Xuân mang đến niềm vui rồi lại đem theo nỗi buồn? Nhưng tuổi xuân thì cứ chồng chất theo năm tháng! Cuộc sống độc thân cũng lắm nhiêu khê! Độc thân thì vui tính! Nhưng vui tính quá thì nhiều khi cũng đem lại nhiều rối rắm, phiền toái cho Quỳnh, như bức thư nặc danh hôm nay… Biết vậy, nhưng cô ấy vẫn không sao tránh khỏi? Nhờ sự lạc quan nên thời gian vẫn cứ trôi đi và Quỳnh vẫn cứ sống, cứ vui chơi với cuộc đời.
         Một lần nọ, vào một buổi chiều cuối năm. Huyền lên nhà rủ Quỳnh đi chợ Tết. Vào nhà Quỳnh đang lúi húi bên nồi bánh tét. Bên cạnh là một thau mứt gừng đang rim trên bếp.
-Chưa nghỉ Tết mà đã tranh thủ làm mứt bánh?
-Chị nghĩ coi, hai mươi tám mới được nghĩ Tết mà năm nay không có ba mươi nên em phải gói bánh sớm, sáng mai hai tám vớt để rồi còn kịp ngày cúng ông bà…
Đó cũng là lần đầu Huyền biết được cảnh nhà của Quỳnh. Một căn nhà tôn lụp xụp nền xi măng. Mẹ mất sớm, mấy đứa em trai có vợ ở riêng. Quỳnh là chị lớn nên chăm lo cha già và một đứa em gái bị tâm thần…Mọi chuyện lớn bé trong nhà Quỳnh đều lo toan. Không hiểu với đồng lương giáo viên ít ỏi như thế mà Quỳnh xoay sở như thế nào cho đủ? Huyền thầm phục Quỳnh gia cảnh như thế, mà Quỳnh lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan yêu đời. Phải là người có nghị lực mới không than thân trách phận, mới vượt lên chính mình để sống…

Thấy Huyền nhìn đăm đăm mình, Quỳnh nói:
-Em không có lỗi trong chuyện này. Cách đây một năm, tình cờ em gặp lại anh ấy nhân một chuyến anh trở về Việt Nam. Anh ấy quen em trước khi anh ra nước ngoài. Bây giờ gặp lại, anh kể với em rằng anh ấy đã li hôn với vợ và muốn làm bạn với em. Em cũng đang lưỡng lự chưa biết thực hư ra sao? Thì đùng một cái có thư đến trường nói em… Chị ở trong ban Thanh Tra chị có biết nội dung thư đó ra sao không?
Thật sự bức thư đó viết từ Việt Nam. Nội dung thư là một người nào đó xưng là người yêu của anh ta tố cáo Quỳnh với những lời xúc phạm hơi nặng nề…nhưng trước tình cảnh của Quỳnh, Huyền không biết mình có nên nói thật về lá thư không nhỉ? Hơn nữa Hiệu Trưởng cũng đã nói sơ qua với Quỳnh rồi. Với lại thấy Quỳnh buồn và lo lắng quá. Cho nên Huyền nhẹ nhàng nói với Quỳnh như một người chị nói với người em:
-Chị cũng biết như em vậy thôi! Không có gì to tát lắm đâu? Theo chị em cứ sống, đi dạy bình thường đừng suy nghĩ nhiều. Em độc thân thì chuyện quen biết bạn bè là bình thường…Nhưng chị chỉ khuyên em nên suy nghĩ thật cẩn thận khi quen biết một ai đó để khỏi mang tiếng…
Rồi chuyện đó cũng qua đi và Huyền cũng không nghe ông Hiệu Trưởng nhắc đi nhắc lại hay hỏi han gì nữa?
Huyền về hưu, cô vào Sài Gòn. Từ biệt mái trường , xa rời tập thể đồng nghiệp… cho nên ít gặp Quỳnh…Thỉnh thoảng về lại Qui Nhơn, mới có dịp gặp nhau rồi lại rủ nhau cùng đi ăn, đi uống café, tâm sự…
Trong một lần về! Huyền nghe tin ba Quỳnh mất. Gặp Quỳnh, Quỳnh gầy rộc hẳn đi! Cô ấy lo tang chay. Một mình chạy ngược chạy xuôi với bộn bề công chuyện.
Quỳnh đã về hưu, một hôm, Huyền nhận được điện thoại của chị Nguyệt ở Bình Thạnh rủ đến nhà chơi. Hôm đó, có Quỳnh từ Qui nhơn vào. Gặp Quỳnh, Quỳnh bây giờ khác xưa nhiều. Cô ấy vui vẻ tươi tắn trở lại…Nghe đâu Quỳnh đã có người yêu? Mọi người đều vui mừng cho Quỳnh…

  Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh giữa đêm khuya
   Hay là em chọn sai màu áo?
Để nắng thu vàng giữa lối đi…(Tương Tư – Nguyên Sa)

Không biết sai hay đúng? Có mấy ai biết trước điều gì xảy đến cho những lựa chọn của mình đâu? Nhưng chắc chắn một điều là hiện tại Quỳnh đang hạnh phúc và đang vui đón Mùa Xuân đầu tiên ở Cali!

Bây giờ, Mùa Xuân đang trở lại! Hương xuân đang tràn ngập khắp nơi nơi! Xuân thổi vào những luồng gió tươi mát. Mùa Xuân là mùa của niềm vui và hạnh phúc. Mùa Xuân làm cho tâm hồn người người trở nên tươi trẻ tràn trề sức sống. Xuân không của riêng ở lứa tuổi nào?  Cho dù Xuân đến với Quỳnh có hơi muộn!

Tháng một, năm 2013.
Irene.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Tin Buồn

Ban Liên Lạc SPQN kính báo:

Thầy Đặng Văn Bồn sinh năm 1937 (Đinh Sửu)
Nguyên Giáo Sư trường SPQN đến năm 1975
Đã từ trần hồi 1h35 ngày 25  tháng 12 năm 2012, hưởng thọ 76 tuổi
Lễ nhập quan lúc 13g30 ngày 25 tháng 12 năm 2012 
Linh cửu hiện quàn tại B4/11E Võ Văn Vân - Ấp 2 - Vĩnh Lộc B - Bình Chánh - Tp.HCM
Lễ động quan lúc 8g ngày 27 tháng 12 năm 2012
An táng tại nghĩa trang Đa Phước - Bình Chánh - Tp.HCM
 
BLL SPQN cùng BBT trang SPQN thành kính dâng lời cầu nguyện Đức Phật A Di Đà và Chư Phật tiếp dẫn hương hồn Thầy Đặng Văn Bồn về cõi tịnh độ trong muôn vàn kính tiếc của đồng nghiệp cùng những học trò cũ của Thầy...

BLL SPQN Kính Báo 

- Ban liên lạc SPQN tại Thành phố HCM sẽ tổ chức đi viếng tang vào sáng ngày mai (Thứ Tư, ngày 26/12/2012). Do đường đi đến nhà Thầy xa và khó tìm nên Quý Thầy Cô và anh chị em nào muốn đi cùng xin vui lòng tập trung vào lúc 8:00 ngày 26/12/2012 tại Nhà Hàng Trầu Cau Gia Định: địa chỉ số 298, đường Nguyễn Văn Đậu, P.11, Quận Bình Thạnh, TP. HCM. Điện thoại: (08)38060139. 
- Địa chỉ của Thầy Bồn: B4/11E ẤP 2 , Vĩnh Lộc B, Bình Chánh

Email: danglebang@yahoo.com
Điện thoại nhà riêng: 08-54256949
 

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Sáng nay... cà phê một mình

Lê Huy


Như thường lệ, sáng nay... lại cà phê một mình... Một mình không phải ở Sài Gòn, mà là ngay tại nhà ở Los. Los cũng có khi chợt mưa chợt nắng.

Vói tay nhón đại một cái CD nhét vào máy, tình cờ nghe :

Sáng nay café một mình
Sài Gòn chợt mưa chợt mưa
Nhớ em bao nhiêu cho vừa
Em ơi... Em ơi... (*)

Ủa... Sao mà đúng lúc vậy...!? Thích lắm...!

Sáng sớm vào những ngày đi làm thì pha một ly cà phê "mì ăn liền" đánh ực một cái là xong, rồi "đi cày". Cứ thế... cứ thế y như cái đồng hồ. Sáng sớm vào những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ thì trê trễ một chút, phè hơn, pha một ly cà phê phin đậm đà hơn.

Sau điệp khúc, lại nghe lại

Sáng nay café một mình
Sài Gòn chợt mưa chợt mưa
... ... ...

* * *

Em,

Sáng nào anh cũng pha một ly cà phê, nhâm nhi cho tỉnh ngủ. Mà ờ... Ở tuổi này anh ít khi được ngủ yên giấc lắm, cặp mắt như ráo hoảnh suốt đêm. Nhưng khi chợp mắt được một chút thì trời đã sáng rồi, anh bật dậy, pha cà phê rồi loay hoay sửa soạn đi "cày".

* * *

Thấy nhớ lắm, nhớ từng vuông Qui Nhơn làm sao...!

Mình vừa nhâm nhi cà phê vừa nói chuyện con cà con kê nghen em.

Hồi mới sang đây, anh uống toàn cà phê "mì ăn liền" không hà -- vô vị dễ sợ! Tại cái giờ cái giấc nó cứ thúc bên hông mình, mà mình lúc ấy thì đang còn lạ nước lạ cái. Rất thèm rất nhớ cà phê phin.

Rồi nhớ lây đến quán nước Thanh Thanh. Thanh Thanh là tên ghép của L.N.Th. (bạn anh) với H.Th (em gái của Ng.H.K, cũng là bạn anh). Chuyện của đôi bạn này thì đám bạn bè anh khá biết.  Chủ quán này là nhỏ V. (em gái của Th.). Nhỏ V. được tụi anh gọi đùa là "Bé Chủ" với Bàn Tay Ngọc mà tụi anh đã gặp trong một buổi hội chợ Giáng Sinh của trường Trinh Vương vào cuối năm nào đó, quên rồi. Nhớ, "Bé Chủ" có khuôn mặt hơi tròn, hơi trái xoan với làn da trắng hồng mũm mĩm, tươi sáng lắm. Thấy "Bé Chủ" lúc nào cũng tươi tắn xinh xắn, anh nghĩ bụng chắc chắn là "Bé Chủ" sẽ chân sẻ chân sáo mà tà tà tản bộ lo đo theo sau cái tuổi của... chính mình. Hèn chi có chàng lãng tử tên C. (cũng là bạn anh) và cũng có thể có nhiều chàng lãng tử khác đã lật đật vội vội vàng vàng "trồng cây" ngay trước cửa quán, choán cả lối đi của khách vào ra.

Lại nhớ thêm một chút về cái quán cà phê vỉa hè khác. Quán này không treo bảng hiệu nên nó là cái quán... không tên. Nhưng tên của quán lại nằm trên môi trong đầu và trong tim của ẩm khách. Cô chủ quán tên Thảo nên khách quen thường gọi là Cà Phê Thảo.

Một chút chuyện của anh về quán ấy như thế này,
Cứ bảnh mắt ra là ba bốn thằng tụi anh "thất nghiệp nối khố" kéo nhau ra quán cà phê vỉa hè ở góc Tăng Bạt Hổ với Bà Triệu / Quy Nhơn - xeo xéo với toà án trên đường Tăng Bạt Hổ, ngồi từ sớm bửng tới trưa trật, kêu mỗi đứa một ly cà phê phin Số Một Buôn Mê Thuột dẻo nhẹo thơm hết biết, với một bình trà đậm quíu lưỡi, chốc chốc lại: "Thảo...! Cho thim bình trà...! Cho thim bình trà...! Thảo...!". Chẳng biết có lườm nguýt gì không, mà thấy cô chủ quán Thảo mảnh khảnh như tre miễu nhưng vẻ mặt lúc nào cũng tươi tắn đúng theo bài bản "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" và "một điều dạ, hai điều thưa", nhờ vậy mà khách kéo đến nườm nượp ngày càng đông, trả tiền mặt thì tốt mà có "à la... ghi" cũng xong. Biết có tên nào "trồng cây si" ở đây không?
Trong ba bốn thằng tụi anh chỉ có mình anh là dm nhứt vì uống cà phê mà không hút thuốc. Thảo lại nhớ cái "gu" của anh là "cà phê sữa nhiều", nên hễ thấy mặt anh là chẳng cần hỏi : "Anh uống gì?". Đó là chuyện trước năm 1994.
Vài năm trước đây, ông bạn "Thi Sĩ Xuân Diệu" của anh ở bên nhà cho hay, nay Thảo đã mua nhà cách cái góc quen thuộc đó chừng vài căn, và vẫn là Cà Phê Thảo. Vậy là giữa thời buổi kinh tế khủng hoảng này, Thảo đã ăn nên làm ra rồi. “Chúc mừng Thảo... ! Chúc mừng... Chúc mừng...!”.
À… Để khi về anh sẽ ghé quán ấy. Mà biết Thảo có còn nhớ cái "gu" của anh không?

* * *

Giờ thì thong thả rồi, anh pha cà phê mỗi sáng để được thưởng thức hương thơm lẫn hương vị của của nó. Vài người bạn của anh từ bên nhà trở lại Mỹ, tặng anh cà phê Trung Nguyên hoặc cà phê Số Một Ban Mê Thuột, thơm ngon hết ý em à!

Lại thấy nhớ lắm, nhớ từng vuông Qui Nhơn làm sao...!

Nãy giờ mình thưởng thức cái hương vị đậm đà của cà phê và ngoài kia thì trời mưa lất phất. Ừa...! Em nhờ quán cho mình nghe nhạc hòa tấu êm dịu không lời đi, anh cũng khoái nghe loại nhạc này lắm, nó bay bổng làm sao ấy !

"... cuộc sống sẽ dịu đi... và ngày mai mọi điều sẽ tiếp tục... nhưng sẽ vui hơn khi nghĩ về hôm qua... ".

Ờ... ! Rồi anh cũng sẽ nhờ quán cho mình nghe nhạc tình cảm có lời, vì có những lúc chính cái tâm tư tình cảm của mình mà mình không thể tỏ bày ra được (do vụng về...? do ngại ngùng...?) thì nhờ lời ca ý nhạc nó thì thầm giùm mình vậy, em há! Chẳng hạn như bài Dư Âm, bài Mộng Dưới Hoa, bài Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, bài... bài... Em thấy anh tham chưa !

Ngoài kia, mưa nhẹ và gió cũng nhẹ. Trong này, quán thì vắng nhưng thật ấm và nhạc lại hay.

Mà chừng nào mình mới chịu rời quán đây, em... ! ?

Lê Huy

(*) Cà Phê Một Mình - Nhạc và lời Ngọc Lễ - Phương Thảo

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

NOEL MỘT MÌNH.

                                    Irene.
        

Mùa đông lại về! Từng đợt gió Mùa len lõi qua từng góc phố chênh vênh, qua từng tâm hồn quạnh hiu để lại những sự giá buốt và lạnh lẽo. Mấy hôm nay đi dạy Uyên phải thắt khăn quàng mặc áo ấm choàng ngoài chiếc áo dài mà vẫn thấy cái rét len vào cơ thể. Càng đến gần Noel thì trời lại càng băng giá hơn.
Giờ chơi, ngồi một mình trong lớp học, Uyên lơ đễnh nhìn xuống sân trường. Trong sân, mấy cây me tây rụng gần hết lá, cành trơ ra nứt nẻ, khẳng khiu. Mấy cây bàng, màu vàng của lá đã chuyển sang sắc đỏ. Cây sứ cũng chỉ còn sót lại một vài cái lá nằm chót vót ở đầu cành…
-Chị Uyên ơi! Uyên quay lại. Thì ra Hạnh, cô giáo dạy cùng khối.
-Gì vậy em?
-Chị qua lớp em chơi! Có các thầy cô đang chờ ở bên đó!
Uyên vội vã theo Hạnh. Ngoài hành lang, một luồng khí lạnh thổi tạt vào làm Uyên run lên cầm cập. Nhìn vào bên trong phòng học của lớp Hạnh đã có đầy đủ các thầy giáo, cô giáo trong khối lớp 5. Không khí bên trong thật ấm áp. Hạnh nói:
-Ngày hôm qua, về giỗ ba em. Em  đem xuống ít quà quê mời các anh chị cùng vui.
Uyên thấy trên bàn bánh, trái cây dọn ra. Rất đầy đủ như là cho một bữa tiệc. Mọi người vừa ăn vừa  bàn đến chuyện đi chơi Noel. Không khí giáng Sinh tràn ngập và rộn ràng.
-Tối nay, mời các anh chị đến nhà em dự Christmas Party! Thanh Trúc đứng lên mời. Trúc và Hạnh là hai cô giáo trẻ trong khối.
Khối lớp 5 của Uyên có đến 13 lớp, có 13 thầy cô giáo chủ nhiệm và một số giáo viên chuyên trách các bộ môn như Nhạc, Họa, Thể Dục, Anh Văn. Các thầy cô giảng dạy chính đa số là Giáo học bổ túc được đào tạo trong trường Sư Phạm Qui Nhơn trước 75. Người lớn nhất là khóa 5, người nhỏ nhất là khóa 11. Tất cả đều giảng dạy và chủ nhiệm lớp rất tốt. Đến trường bao giờ Uyên cũng thấy vui và ấm áp vì tình cảm chân thành của đồng nghiệp vì tình yêu thương, kính mến, lễ phép của học trò.
Hai mươi phút ra chơi nhanh chóng. Mọi người quay trở lại lớp của mình để dạy tiếp những tiết cuối trong ngày.
Uyên thu xếp sách vở trên bàn ra về vì được nghỉ tiết cuối. Học sinh của Uyên hôm nay học tiết Thể dục với giáo viên chuyên trách.
Ngoài đường trời lạnh. Uyên đạp xe chầm chậm trên đường ngang qua Nhà Thờ, Nhà Thờ treo cờ, trang trí nhiều màu sắc…Bây giờ chưa đến 4giờ chiều mà trước cổng những người bán hàng với những chiếc  bong bóng xanh, đỏ, vàng, tím… đủ hình các con thú. Người người xe cộ  qua lại đông vui. Vì hôm nay là Noel mà…
Về đến nhà, mở cửa ra là Uyên thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn, một cảm giác trống vắng! Vì hôm qua đi dạy về thấy mảnh giấy của ông xã để trên bàn, vỏn vẹn vài chữ :
 Má đau, phải về quê!”.
 Chồng Uyên người Bình Định mà người Bình Định thì thường nói năng nghe “cộc lốc”! Câu cán thường dùng là những câu rút gọn hay lược bỏ bớt chủ ngữ và vị ngữ và có khi bỏ luôn trạng ngữ? Không cần dài dòng văn tự. Nghĩ sao nói vậy! Ai muốn hiểu sao đó thì hiểu? Lúc đầu nghe thật khó chịu nhưng ở lâu riết rồi cũng quen. Được cái là tính tình sống với nhau rất chân chất, thật thà…
Uyên đóng cổng lại, nhìn vào bên trong căn nhà vắng vẻ và nói một mình :
-       Đêm nay Noel mình lại một mình!
Cứ theo thói quen, Noel năm nào Uyên cũng chuẩn bị một chút thức ăn gì đó? Cả nhà đi chơi rồi về quây quần bên nhau nhâm nhi. Từ khi hai đứa con đi học Sài Gòn thì hai vợ chồng cũng vẫn giữ cái thói quen ấy. Chiều xuống, chồng Uyên chở đi dạo các con đường phố, ghé vào Nhà Thờ Qui Đức, Nhà Thờ Hòa Ninh, Nhà Thờ Chánh Tòa…đến khuya mới  về nhà. Sau đó, bày ra ăn uống xem như bữa tiệc Reveillon. Không khí gia đình thật ấm cúng và hạnh phúc.
         Bây giờ, không có anh ấy nên Uyên chẳng buồn nấu nướng. Ăn một chút gì đó lót lòng rồi bưng li nước ra phòng khách ngồi vừa uống vừa nhìn ra khoảng sân nho nhỏ trước hiên nhà. Mấy chậu Hồ Điệp đã lác đác ra hoa. Phía bên góc tường có chậu Vanda nở một chùm hoa tím trắng thật đẹp…
         Chiều xuống thấp dần và nhường cho những mảng tối lan tràn. Căn phòng chìm trong ánh sáng mờ mờ. Uyên vói tay thắp một cây nến. Ánh nến vàng sáng lên, làm cho mọi vật như xích gần lại và ấm áp hơn. Uyên ngồi bó gối một góc trên chiếc ghế salon trong căn nhà rộng thênh thang.
         Cho tới lúc này, Uyên chưa bao giờ có khái niệm về cô đơn. Bởi vì từ bé chung quanh Uyên bao giờ cũng có gia đình, họ hàng thân thuộc. Khi lớn lên lập gia đình thì bên cạnh lúc nào cũng có chồng, có con…Đến trường thì xung quanh có đồng nghiệp, có học trò… có khi nào một mình đâu mà suy nghĩ? Rồi đến một ngày khi con cái lớn, ngôi nhà trở nên vắng lặng vì chúng đi học xa. Lúc đó,  thì Uyên mới thoang thoáng một chút gì đó về sự trống vắng nhưng vẫn không thấy buồn chán vì những khi một mình sau những giờ dạy bận rộn ở trường Uyên thấy thời gian vô cùng có ý nghĩa bởi đó là khoảng lặng của tâm hồn để Uyên được sống trong thế giới của riêng mình hay có khi nó làm cho Uyên đối diện với chinh bản thân để rồi xem xét và tự hoàn thiện mình.
Một lần nọ, Uyên đọc một câu chuyện gì đó quên mất tên của Marguerite Dumas tác giả có nêu lên một quan niệm làm Uyên suy nghĩ mãi :
“…Chính khi ở trong nhà là lúc người ta cảm thấy cô đơn. Và không phải ở ngoài mà ở trong nhà. Trong công viên có chim, có mèo. Và một lần còn có cả một con sóc, một con chồn hương. Người ta không cô đơn khi ở trong công viên. Nhưng khi ở trong nhà, người ta cô đơn đến nỗi đôi khi người ta lạc lối…”
         Và bây giờ, tối nay, Uyên rơi vào tình huống một mình, có trải nghiệm thì mới thấm thía, hiểu ra… và Uyên thấy mình lại cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
         Để đừng suy nghĩ nhiều về việc Uyên đang là một mình vì như thế vô tình Uyên đã làm cho khoảng trống cô đơn trong tâm hồn mình như rộng thêm ra và để gạt ngang những suy nghĩ không vui đó, Uyên vội đứng dậy bước vào phòng trong sửa soạn và đi ra khỏi nhà.
         Ngoài đường trời quá lạnh! Nhưng đâu đâu cũng có người. Uyên đi qua những con đường ánh đèn vàng hiu hắt, những dãy phố nhập nhoạng sáng tối... Những cặp tình nhân hạnh phúc tay trong tay, tiếng nói, tiếng cười vang vọng. Từ những cô cậu trẻ đến những người lớn, hình như ai ai cũng rạng ngời niềm vui.
Mọi người vui, tự nhiên Uyên cũng vui lây. Uyên tìm vui với cảnh vật xung quanh. Nàng thấy rằng, tối nay mình đi một mình giữa phố của một đêm đông giá buốt mà vẫn thấy lòng mình ấm biết bao. Một mình không có nghĩa là cô đơn. Cô đơn chỉ là do tự mình nghĩ, tự mình tạo ra mà thôi. Cô đơn thường lấy đi sức mạnh của con người và làm cho mình cảm thấy mềm yếu, buồn chán có thể đưa đến tuyệt vọng…cho nên hãy bỏ nó ra khỏi tư tưởng của  mình…Uyên quyết định đến nhà Trúc!
Khi Uyên đến nhà Trúc dự tiệc thì mọi người đã đến đông đúc. Tiếng nói, tiếng cười hòa với tiếng nhạc Giáng Sinh…làm cho không khí nhộn nhịp vui vẻ. Ai ai cũng hớn hở, vui vẻ đón chào đêm Giáng Sinh.
-Chị đi một mình? Còn anh đâu? Phượng đến bên và kéo Uyên ngồi xuống chiếc ghế gần đó.
-Ừ, ảnh đi về quê.
Phượng là người bạn dạy cùng trường. Cô ấy chỉ thua Uyên hai tuổi mà vẫn còn độc thân vui tính. Nghe đâu lúc trước Phượng cũng có vài mối tình nhưng trắc trở sao đó và cô ấy ở vậy luôn. Tiền lương giáo viên ít ỏi như vậy mà Phượng một mình nuôi người cha già và một đứa em bị tâm thần. Thế mà Phượng luôn vui vẻ lạc quan yêu đời. Phượng thích thể thao, thích văn nghệ…Sau giờ dạy, Phượng đi đánh tenis, thỉnh thoảng đi hát karaoke. Cuối tuần đi nhảy đầm hay đi chơi với bạn bè…
Trúc đem hai ly rượu vang nhẹ đến mời Uyên và Phượng, tươi cười:
-Chúc hai chị Giáng Sinh vui vẻ !
-Chúc Giáng Sinh an lành!
Mọi người đến bên nhau chúc tụng rồi lần lượt hát cho nhau nghe. Giọng hát Phượng nồng ấm thiết tha…
“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa Sinh ra đời…Rồi mùa đông trước qua mùa Đông tiếp theo sau này…” (Mùa sao sáng-Nguyễn Văn Đông).
Tiệc tan, cũng đã gần mười hai giờ đêm. Ngoài đường sương xuống lạnh. Gần đến khu vực Nhà Thờ Chánh Tòa người người càng đông vui, Từ già cho đến trẻ, ai cũng hân hoan chào đón giây phút Chúa ra đời!  
Một tốp các em nhỏ đi ngược chiều trông thấy Uyên : - Em chào cô! Uyên mỉm cười với chúng. Có một vài người lớn cũng gật đầu chào Uyên. Hình như họ là phụ huynh học sinh?
Khu vực nhà thờ Lớn là nơi địa bàn của trường Uyên nên đa số học sinh ở đây đều học trường của Uyên đang giảng dạy. Có em học từ đời cha, mẹ rồi sang đời con…Nhiều khi cũng buồn cười, người cha dẫn con đến gặp cô giáo chủ nhiệm lớp con mình thì mới biết đó là cô giáo khi xưa dạy mình. Người cha chào cô, người con cũng chào cô… Dạy từ đời cha đến đời con mà không biết có “nên” không?  Uyên bỗng bật cười với ý nghĩ của mình.
Khoảng sân phía trước Nhà Thờ, mọi người đang đứng lễ rất đông, Uyên chọn một chỗ sát hàng rào, vòng tay rồi đưa mắt nhìn quang cảnh xung quanh. Tiếng hát thánh ca vang lên rồi bài giảng của Đức Cha…Trong giờ phút thiêng liêng của đêm Giáng Sinh Uyên bỗng thấy mình chẳng đơn độc. Uyên nghĩ đến những người thân thuộc, những người ở quanh mình, những người sống khắp mọi nơi trên hành tinh này…

Những mùa Giáng Sinh nối tiếp sau đó, Uyên vẫn đón Noel một mình, nhất là từ khi chồng Uyên đã vĩnh viễn nằm lại ở quê nhà. Cuộc sống thì vẫn luôn trôi đi và Uyên cũng đã quen dần theo năm tháng vì không có một khoảng lặng nào mà Uyên lại thiếu đi những giây phút một mình. Nhưng Uyên không còn mang nỗi niềm bi lụy hay buồn bã mà xem cô đơn là chuyện bình thường của một kiếp người.

Tiếng hát Mỹ Tâm nhẹ nhàng:
“ Mùa Đông vừa sang sáng nay, chợt thấy cô đơn ùa về…Mùa Đông qua cơn gió lạ, tình đôi ta như chiếc lá. Nhẹ rơi xuống rơi lững lờ, cùng dòng sông biết về đâu?...”

Bao mùa Giáng Sinh đến rồi đi! Đi rồi đến! Vẫn cái rét, vẫn cái lạnh giá, vẫn cái không khí tấp nập ngoài phố… Bao Mùa Giáng Sinh vẫn thế! Uyên vẫn vui vẻ khi Noel chỉ có một mình. Và Uyên luôn mang cái thông điệp ở bên mình :
Khi mình muốn hạnh phúc thì cách tốt nhất là mang hạnh phúc đến cho mọi người - Hãy gởi yêu thương và thiện ý đến với họ!”
Tiếng chuông Nhà Thờ vang vang! Một mùa Noel nữa lại về! Uyên ấm áp, an lành biết bao khi bên cạnh mình có những người thân thuộc, có những bạn bè…và Uyên hạnh phúc trong tình cảm thương yêu của tất cả mọi người dành cho mình.
Uyên ngước nhìn lên bầu trời đêm:
 -Chúc tất cả mọi người một Giáng Sinh an lành, vui vẻ và hạnh phúc!

Mùa Noel năm 2012.
Irene.

Bỗng Dưng Vui...

-->
Cát.

Ông bà ta thường nói “có tài có tật”. Câu này không biết có đúng không, nhưng với Cát thì thấy sai bét. Cát chẳng có tài gì nhưng lại nhiều tật. Chẳng hạn như tật sợ con gái. Gặp con gái là miệng ngậm tăm như thóc chẳng biết nói gì nhất là đứng trước người trong mộng mặt cứ đờ ra chân tay luống cuống thừa thãi hết đút túi quần lại lôi ra vò đầu nhổ tóc. Bạn bè Cát đứa nào cũng có số đào hoa, bồ bịch rủng rỉnh. Cát hỏi một tên: Ê sao mày đào hoa quá vậy? Tao thấy mày xấu trai, răng hô, mắt lồi trán bóng mà còn lun huyền lùn nữa…mà sao có nhiều em bám mày quá. Thật khó hiểu. Không hiểu nổi. Hắn cười ngạo nghễ “đần như mày làm sao hiểu được”. Cát đau quá khi bị xỉ vả nhưng ngẫm nghĩ lại thấy mình đần thật. Hai mươi sáu tuổi đời mà vẫn chẳng có một em nào lận lưng làm vốn. Có thằng bạn trong một lần bù khú nói “như thằng Cát côi cút nghỉ phép về phố lang thang một mình hoài. Tội nghiệp. Buồn không mày?’ “ Buồn ư? Có nhưng ít thôi…”Wê một cục” thì nhiều hơn. Hắn cười sau khi tu hết chai 33, bọt bia dính đầy mép “ theo thày học đạo đi con”. Hừ theo mày học thì còn ra thể thống gì. Cát thầm nghĩ như thế.

 Hôm về phép mẹ Cát hỏi:
-       Sao con ? Đã có cái đ…uôi nào chưa? Mẹ kéo dài chữ “đuôi” âu yếm.
-       Đuôi gì má?...
-       Cái thằng khờ này . Đuôi là đã có cô nào theo chư…a!
-       Làm gì có đuôi…Má làm như con là …con khỉ…con làm đuôi người ta thì có…
-       Là con thằn lằn cụt đuôi. Rõ khỉ, gần ba chục tuổi đầu rồi vẫn không kiếm được cái xương sườn của mình …
-       Thì tại má .
-       Tại má? Trời đất ! Con họ Lê không phải họ Đỗ đâu nha …
-       Tại má …Hồi nhỏ vẫn dạy con ra đường phải lễ phép, kính trên nhường dưới, đàng hoàng với phụ nữ, nên con đâu biết tán tỉnh ai mô… Cũng có vài cổ dường như thích con nhưng con nhường cho bạn hết…
Cát cười thật to làm bà mẹ cũng cười theo. Bà với tay têm miếng trầu, mắt mơ màng xa xăm “Thôi đừng có lo, ngày xưa ba cũng đâu có tán tỉnh gì má đâu. Cưới má về mấy ngày rồi mà ba con vẫn còn thẹn thùng không dám nắm tay má …Vậy mà con cái cũng đầy nhà” … Như vớ được cái phao giữa chiều biển động, Cát thì thầm “à ra thế, có yếu tố di truyền trong vấn đề này.

Biết rằng bị di truyền nhưng Cát vẫn không cam tâm. Anh quyết chí vươn vai làm Phù Đổng trong vấn đề chinh phục con gái. Một hôm trong quán bánh bèo đường Tăng Bạt Hổ, Cát để ý một chàng “công tử hào hoa”. Anh chàng xà tới một bàn có bốn tà áo trắng thướt tha. Bốn cái miệng đang thì thầm như những búp hoa chớm nở. Anh chàng ngồi xuống tỉnh bơ và tự nhiên Cát thấy không khí của bàn ấy vui nhộn hẳn lên. Cát lắng tai nghe “Hôm nay ở Kim Khánh có phim hay lắm, đi xem phim nha. “Đi không mày?”. Các cô hỏi nhau. “Thôi tao còn hai giờ toán”. “Tao phải về phụ mẹ…”. Tao có hẹn rồi “. Và ba cô đứng lên điệu đàng bước ra khỏi quán cười khúc khích. Cô còn lại bẻn lẻn không trả lời, nhưng rồi họ đứng dậy sánh vai như đôi uyên ương. Mặt anh chàng công tử nở một nụ cười đắc thắng …Cát thầm phục tài. Chiêu này coi bộ dễ à nghen. Đang nghĩ suy lung tung về “hoạt cảnh” mới xảy ra  thì có hai bóng dáng yêu kiều , cặp ôm trước ngực từ tốn bước vào, quán sáng lên một “vùng như thể cây quỳnh cành dao”. Tim Cát đập bồi hồi. Cát thẫn thờ nhìn đờ con mắt. Ôi người đâu mà đẹp thế. Cát quyết định thực hành bài học vừa qua. Cát liếc nhìn qua bàn của hai cô gái. Anh nhổm lên rồi lại ngồi xuống đến mấy chục lần mà đôi chân sao nó run rẩy không bước đi được. Bàn bên kia hai cô gái lại kêu thêm hai dĩa bánh bèo . Úi giời ơi con gái …ăn chi mà ăn nhiều thế. Anh lại nhớ lời mẹ dạy đứa em gái “ là con gái khi ăn phải ăn như mèo, đừng ăn như heo kẻo người ta tưởng mình …đói ăn”. Ôi ai đói đâu mà mẹ lo. Thích ăn thì cứ thoải mái. Ngắm hai cô ăn thấy thương, thấy yêu thì có …Do dự đến gần nửa tiếng đồng hồ mà vẫn không nhấc nổi chân lên, cuối cùng Phù Đổng Cát lấy hết sức bình sinh hít thật sâu vươn vai, rút ra một điếu thuốc Capstan cầm sẵn trên tay, nhổ neo, chiếc ghế anh ngồi đổ kềnh vì đôi chân lập cập gây tiếng động làm mọi người đổ dồn những cặp mặt về anh. Anh để ý thấy hai cô nhìn anh bụm miệng cười, làm anh càng lúng túng. Anh cúi xuống nâng chiếc ghế lên muốn ngồi xuống nhưng đã lỡ rồi anh thầm đếm một, hai, ba, bốn…bài học tập bước trong quân trường làm anh tỉnh táo hơn. Anh bước tới trước mặt hai cô bé “cho anh ngồi chung với nhé”. Hai cô bé nghiêm sắc mặt có một chút ngỡ ngàng. Kệ cứ ngồi. Anh kéo ghế ngồi xuống “cho anh làm quen nha…Anh là Cát…”. Biết rồi. Trông anh “giúng” đất hơn là Cát. Đất cũng được Cát cũng được. Cho anh biết tên đi. Im lặng một lúc, cô bé có nụ cười má lúm đồng tiền nói “em tên Đông Nhi, bạn em Thanh Hoà..”. Ôi hai cái tên đẹp làm sao. “Hôm nay rạp Kim Khánh chiếu phim Người Tình Không Chân Dung mình đi coi phim nha. Bốn con mắt của hai cô bé trợn trừng, cùng loạt xô ghế đứng lên. Thanh Hoà nguýt anh một cái dài như thanh gươm của nữ tướng Bùi Thị Xuân, hai cô vùng vằng bước ra khỏi quán, anh còn nghe vang vang tiếng nói của Hoà “dzô dziên”. Anh ngồi thừ ngượng ngùng, mặt đỏ như Quan Công, rút quẹt Zipo mồi thuốc, khói thuốc bốc lên lờn vờn như nhạo báng, rồi bước về bàn kêu tính tiền. Cô chủ quán tính tiền dĩa bánh bèo của anh và hỏi “Xếp trả tiền cho bàn kia luôn chứ?”. Cát giật mình …Ơ…ơ…OK…
Cát bước ra khỏi quán với tâm trạng não lòng. Thật không phải dễ, ở chiến trường dưới làn tên mũi đạn, giao cho anh tiến chiếm mục tiêu, anh làm gọn gàng ngon lành, ấy thế mà với đàn bà chẳng có bom có mìn mà sao anh không tài nào chinh phục được. Anh kể chuyện này cho Ninh người bạn thân và cũng là một sát thủ tình trường nghe. Ninh cười nói; “Mày phải đá long nheo trước , khi nào thấy người ta chịu đèn pha rồi như đi săn nai ấy mà …nai chịu đèn rồi mới bóp cò, bảo đảm trúng đích …99%...”.

Thất bại là mẹ thành công. Thua keo này ta bầy keo khác. Thấy bạn bè ai cũng có kè kè bên cạnh một khúc xương sườn. Cát ráo riết lao vào những cuộc săn lùng để nhất định tìm kiếm cho ra khúc xương của mình. Theo lời khuyên của Ninh anh đã nhiều lần “nhấp nháy” đôi mắt nhưng không hiểu tại sao nai cứ bỏ chạy.
Trời xứ Bồng hôm nay cao thật cao, trong vắt, không một bóng mây. Lòng phơi phới hân hoan, Cát bước ra khỏi “chòi” đứng nhìn thơ thẩn về phía chân cầu. Con sông Lại giang hiền hoà uốn khúc. Bên kia bờ sông, những hàng dừa cao lênh khênh như ngạo nghễ với trời xanh. Lẫn trong tiếng xe giọng cười tươi vui của mấy cô gái phát ra từ chiếc quán đối diện. Cát lơ đễnh đưa mắt nhìn qua. Một mái tóc, nhìn từ phía sau: Jacqueline Kennedy. Kiểu tóc thật đẹp, thật quí phái mà anh hằng mơ thích. Anh không còn lơ đễnh mà bắt đầu chăm chú. Trong một động tác tự nhiên, cô gái hất nhẹ mái tóc quay mặt nhìn qua. Anh bủn rủn chân tay... Một khuôn mặt khả ái, một dáng dấp rất Tây phương. Anh tự nhắc nhở mình “mình là thợ săn chứ không phải con mồi”. Chưa vào rừng mà đã bị mũi tên bắn ngay tim .Một vài ngày sau thì anh hiểu, đó là một trong những cô giáo mới ra trường, mới về thị trấn nhận nhiệm sở. Cát lên kế hoạch tác chiến, bài bản đàng hoàng…
Sáng hôm sau Cát dậy sớm, uống ly cà phê cho tỉnh táo, mặc vào bộ quần áo mới ủi hồ thẳng cứng, không quên đội chiếc mũ rừng che nửa khuôn mặt cũng có nghĩa là che bớt cái xí trai của mình, anh ra đứng trước cổng. Chờ.
Bảy giờ rưỡi. Hai cô giáo bước ra khỏi nhà trọ. Cát vào “nhiệm sở chiến đấu”. Anh kéo cái mũ lên cao hơn một chút để hai mắt dễ dàng trong tư thế “nhấp nháy” đá long nheo. Anh tằng hắng  cho hai cô chú ý rồi mắt anh nhìn hai cô chớp lia chớp lịa. Khoảng cách rất gần, một cô bước đi bình thản, một cô thì mất tự nhiên thấy rõ, chân bước luống cuống, nhưng cuối cùng hai cô cũng đi qua cái bẫy giăng ngang bằng mắt của Cát. Ngày nào cũng vậy, kéo dài cả nửa tháng Cát vẫn không biết có ai chịu đèn chưa. Cát gọi điện cho Ninh tìm tư vấn. Ninh phán rằng:
-       Cô bước đi bình thản vì đã có “bồ” rồi, không quan tâm tới ai khác …
-       Vậy là cô kia chưa …Tao hy vọng chứ. Đúng không?
-       Còn tùy mày…có thiện xạ hay không. Mà có lần nào cô nàng cười mỉm lại không ?
-       Ơ … cái này tao cũng không nhớ
Thật ra Cát nói huề vốn vậy thôi chứ có cô nào mỉm cười gì đâu. Cô đi bình thản thì nhìn thẳng, cô cuống quit đôi chân thì quay mặt đi chút nữa thì vấp té…Cát không biết đá long nheo xong rồi bước kế tiếp phải làm sao. Theo như binh sách Tôn Tử thì khi đã dàn quân xong là a la xô xung phong …Nhưng trường hợp này xung phong thế nào đây. “Hàng sống chống chết”, hàng sống chống chết, có mà ăn tát tai chứ chẳng chơi đâu.
Nhiều đêm nằm suy nghĩ vẫn không tìm ra giải pháp. Ninh gọi điện bảo
-       Mày làm người ta sợ.
-       Sao mày biết?
-       Loan nói vậy…
À …Có vậy mà không nhớ Loan là bạn của cô giáo “sợ” đó mà. Cát chấm dứt màn pha đèn mà Loan gọi là “hù” vì sợ làm Jacqueline té, muốn đổi qua chiến thuật nhờ bạn gái Ninh làm mai …Kế hoạch này thì hơi ẹ nhưng phải chịu thôi.” Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”,chưa bắt đầu thì đã tan bầy xẻ nghé.

Sau bốn mươi năm ngồi ôn lại thấy mình bất tài vô tướng nhưng Cát không buồn. Biết ra sao ngày sau nếu như ngày đó …Hiện tại bây giờ bạn bè gặp lại nhau chuyện trò vui vẻ, kể lại những chuyên “bây giờ tôi mới kể”, nói theo kiểu của Thanh Cảm, để cùng vui, cùng buồn với nhau một thời quê hương khói lửa. Đông Nhi ơi, Thanh Hoà ơi, Jacqueline ơi, các bạn ơi, hôm nay Cát bỗng dưng vui.

Cát

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Hai Mùa Noel - Tâm Đoan

Thông Tin Nhanh

Trang SPQN vừa nhận được tin từ anh Chí Hải - K8:

Thầy Đặng Văn Bồn vừa chuyển bệnh nặng... hiện đang nằm ở phòng Hồi Sức Cấp Cứu bệnh viện PHẠM NGỌC THẠCH. Quận 5, giường số 8, cổng Ngô Quyền
Tình trạng : nguy kịch
Giờ thăm bệnh : Từ  16 giờ 30  đến  18 giờ 00
Số điện thoại liên lạc  :  0122 795 1792
Nhờ BBT thông báo 
 
BBT SPQN xin thông tin đến quí Thầy Cô cùng các bạn hữu. Cầu chúc cho Thầy sớm vượt qua cơn bệnh này.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...