“ Một thời để nhớ… ”
Irene Tran.
.… Đường xưa còn đó nắng vẫn lên vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi, mỗi khi nghe… chiều …rơi…rơi…
Dương vừa chấm dứt bài hát : Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ , tiếng vỗ tay hoan hô vang dội cả hội trường. Dương cúi đầu chào, chờ cho chiếc màn từ từ khép lại , cô mới bước vào bên trong sân khấu. Sau hậu trường các bạn đông nghịt đang chờ đến tiết mục của mình. Ai đó nói to :
- Dương ơi, hát hay lắm!
Cô nhìn và nhận ra các bạn ở lớp nhất niên sáu, có cả thầy giáo dạy nhạc, thầy cười :
- Hôm nay, em hát thật tuyệt!
Cô mỉm cười nói lí nhí :
- Cảm ơn thầy ! rồi hấp tấp bước ra ngoài.
Dương đi qua lối hành lang dẫn về khu nội trú , từng tốp các bạn đứng với nhau cười cười, nói nói bàn tán rôm rả xen lẫn tiếng đàn, tiếng trống xập xình ở hội trường vang ra , càng làm cho không khí sôi động. Văn nghệ là phong trào sôi nổi nhất của trường Sư phạm . Năm nào cũng vậy, vào tháng mười một , tháng mười hai là trường lại tổ chức cuộc thi văn nghệ giữa các lớp của hai khóa: nhất niên và nhị niên. Một tháng trước khi diễn ra cuộc thi các lớp chuẩn bị tập dợt ráo riết đủ các thể loại: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca…múa, hoạt cảnh… Toàn trường rộn ràng hẳn lên , đi đến đâu cũng nghe bàn tán về các tiết mục . Mọi hoạt động khác đều dừng lại để nhường chỗ cho phong trào văn nghệ . Văn nghệ làm cho tâm hồn mọi người tươi trẻ, yêu đời xích lại gần nhau , có rất nhiều cuộc tình bắt đầu nảy sinh ra cũng từ đó.
- Chị Dương ! Sao chị không xem nữa?
Cô quay nhìn lại, nhận ra Hải nhất niên một cũng ở trong ban văn nghệ của trường. Cô cười:
- Mình bận chút việc phải về. Vừa nói cô tiếp tục đi.
Leo lên tầng hai của khu nội trú nữ, Dương vội vàng tẩy trang khuôn mặt rồi lấy xách ra về.
Mùa đông lại về, trời đã bắt đầu se se lạnh , mây xám giăng kín cả bầu trời . Vài cơn mưa phùn đầu mùa rơi nhè nhẹ . Sân trường ẩm ướt, hàng thông đứng rủ lặng sướt mướt những giọt nước. Những cây sứ , lá , hoa rụng gần hết chỉ còn lác đác vài đóa hoa sót lại trên cành, hoa rơi rụng đầy gốc làm trắng xóa cả một khoảng sân , đưa hương thoang thoảng trong gió. Những cây bông giấy sẫm màu vì mưa . Trong những vòm lá trên cao bầy chim ẩn nấp đâu đó hót ríu ra , ríu rít…
Đi hết dãy hành lang ra đến cổng . Dương bung chiếc dù, những hạt mưa thấm ướt làm lấm tấm cả hai vạt áo dài trắng của cô . Một tay che dù, một tay ôm cái xách trước ngực , cô vẫn cảm thấy cái lạnh len vào trong cơ thể . Cô đứng nép vào một góc của cổng trường chờ xe. Sáng nay, đang chuẩn bị đến trường diễn văn nghệ thì mẹ bảo:
- Con nhớ về sớm đi chợ , nấu cơm . Hôm nay chị người làm bị cảm còn ba mẹ đi thăm bác Thọ đau nặng .
Nên diễn xong tiết mục của mình , Dương vội về nhà , không được xem văn nghệ thật là tiếc , nhưng biết làm sao được ! Mưa vẫn dai dẳng . Ngôi trường của Dương học nằm ngay trong thành phố và ở một vị trí rất đẹp . Trước cổng trường là một con đường lớn chạy dài từ trung tâm thành phố đến Ghềnh Ráng nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử nằm lại ở đây . Hai bên đường những cây dương liễu xoải dài bóng mát thường xuyên chứng kiến bao cảnh đi về của nhiều lớp giáo sinh ở các khóa sư phạm . Đối diện trường , thấp thoáng sau hàng dừa là bãi cát vàng và biển xanh mênh mông lộng gió , quanh năm rì rào tiếng sóng biển . Hôm nay , sương mù giăng kín nên không thấy đâu là bến là bờ. Chiếc xe lam trờ đến chầm chậm , chầm chậm rồi dừng lại, Dương bước lên xe, xếp lại chiếc dù, vén tà áo cô ngồi dịch vào bên trong. Những ngày mưa như thế này đi học thật cực , mặc dầu đã có áo mưa nhưng có hôm đến trường vừa ướt lại vừa lạnh…xe chỉ có trần che phía trên còn hai bên trống mưa tha hồ tạt vào .
- Chào cô!
Dương giật mình nhìn lên , hai anh chàng nào lạ hoắc , không quen , hình như không học cùng trường với cô và cũng chưa gặp bao giờ , ngồi dãy ghế đối diện . Chưa hết ngỡ ngàng một trong hai anh nhanh nhẩu với giọng miền Nam:
- Chúng tôi bạn của Hải, tôi là Nguyễn Văn Quang , anh bạn đây là Ngô Đình Toàn . Hai anh chàng nở nụ cười thân thiện giới thiệu làm quen. Cô mỉm cười. Hai người đều mặc áo sơ mi trắng , quần dạ sẫm màu . Anh Toàn tiếp lời:
- Xin lỗi, cô tên Dương ? Giọng Huế của anh nhè nhẹ.
“ Sao biết tên mình nhỉ!” Cô sực nhớ ra mình vẫn còn đeo cái bảng tên trên áo, cô gật đầu miễn cưỡng :
- Dạ , Trần Thị Trùng Dương vừa nói cô vừa nghiêng đầu hất
hất mái tóc để che đi cái bảng tên trên ngực .
Điều tối kị của cô và các bạn nữ cùng trường là mang bảng tên ra khỏi phạm vi trường , vì e ngại khi ai đó biết tên của mình , nên vừa ra đến cổng trường là vội tháo cái bảng tên cất ngay .
Dường như bắt được cơ hội anh nói :
- Cô người Huế ? cô Dương nì ! sao trên bảng tên của cô có số 2? Rồi không đợi cô trả lời, anh tiếp:
- Có phải số 2 là mình học năm thứ hai ?
Đến lúc này thì buộc cô phải trả lời:
- Dạ không phải, số 2 là chỉ lớp còn năm thứ nhất bảng tên
màu trắng, năm thứ hai bảng tên màu xanh. Sang năm , thì năm thứ hai bảng tên màu trắng và năm thứ nhất lại màu xanh .
- Hay nhỉ ! như vậy học hai năm chỉ cần dùng một bảng
tên ?
- Dạ .
Xe chạy vòng qua “ Eo nín thở ” rồi hướng về đường Nguyễn Huệ .
Cô quay mặt nhìn về phía trước vờ như xem xe chạy đã đến nhà mình chưa ? vì hai anh chàng cứ nhìn cô đăm đăm , Dương ngượng ngùng không dám nhìn lại . Sau một hồi , hình như chẳng kiếm được vấn đề gì để hỏi nữa nên hai anh đành lặng im .
Xe đến đường Lê Lợi quen thuộc , Dương ra hiệu cho bác tài dừng lại , cô gật đầu chào hai người mới quen rồi xuống xe đi về dãy phố nhà mình .
Buổi chiều Dương đến trường . Trời không mưa nhưng càng về chiều trời càng lạnh . Chiếc áo len trắng khoác ngoài cái áo dài cũng không làm cô ấm áp . Vội vã bước lên dãy lầu về phía các phòng học , các bạn lớp của cô đang hóa trang để chuẩn bị cho các tiết mục dự thi của lớp . Dương ngồi xuống trang điểm .
Dương cùng các bạn bước vào bên trong hội trường để chuẩn bị trình diễn . Bài hát hợp ca vang lên , lúc lên cao , khi xuống thấp , có đoạn thì hùng hồn , ngân vang , chấm dứt bài hát tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt . Cô tiếp tục hát trong tiết mục múa . Phần dự thi của lớp vừa xong , Dương chuẩn bị rời khỏi hội trường thì Hải đến tìm :
- Chị Dương có người gởi cho chị .
Hải đưa cho cô một tấm danh thiếp .
- Cảm ơn !
Cô cầm và chỉ kịp nhìn sơ qua :
Hải quân - Thiếu úy
Ngô - Đình – Toàn
Dương lật ra phía sau :
“ Chờ cả buổi chiều không gặp , bây giờ phải về tàu ’’
Dương mỉm cười nghĩ thầm : “ À , anh Toàn ! ’’. Thì ra hai anh mà cô gặp lúc sáng trên chuyến xe là Hải quân .
Cất vội danh thiếp vào ví , cô bước vào bên trong tìm ghế ngồi xem văn nghệ .
Lúc chiều các bạn trong đội văn nghệ đi thăm Hải quân .Trường Sư Phạm của cô kết nghĩa với một đơn vị Hải quân , vào những dịp lễ , Tết thường giao lưu thăm hỏi và biểu diễn văn nghệ . Dương bận việc nên không đi được .
Dương được sinh ra trong một gia đình người Huế . Ba mẹ Dương rất khó , ngoài đi học ra , ông bà ít cho chị em cô đi đâu . Trong tuần , ba chị em chỉ được phép đi chơi với nhau vào tối thứ bảy : Những buổi tối đi chơi , chị em cô dạo phố Gia Long , ngắm đường phố với mọi người qua lại , ngắm các cửa tiệm Đại Chúng , Bình Minh , vào Khánh Hưng mua một vài cuốn sách , cuốn truyện có khi một tập nhạc , vòng qua Phan Bội Châu vào ăn kem ở quán Phi Điệp hoặc nếu có phim hay thì vào rạp Tân Châu xem…thế thôi , rồi về nhà trước chín giờ tối , ngoài ra không đi đâu cả . Ba mẹ đều muốn chị em cô theo ngành giáo . Vì vậy , cô chị đã tốt nghiệp sư phạm khóa 8 đang dạy ở Cam Ranh , Dương khóa10 mới vào trường học năm thứ nhất , em cô học lớp mười hai trường Nữ Trung Học và có khả năng nối tiếp các chị . Ba chị em đều có máu văn nghệ .
Mấy hôm nay trời trở rét , từng cơn gió thổi mạnh rít qua khe cửa hắt cái lạnh vào phòng . Buổi chiều không có giờ học , hai chị em nằm lì trong phòng không muốn dậy . Trâm em của Dương nằm đọc sách , Dương thì cuộn tròn trong chăn . Thỉnh thoảng , thằng cháu bước vào phòng mang đĩa củ lang luộc hay gói bắp rang nóng hổi … hai chị em lười đến nỗi không buồn ngồi dậy nằm trên giường vói tay bốc , rồi vừa nằm vừa nhai . Bây giờ có lẽ khoảng hai , ba giờ chiều . Mùa đông ở cái xứ miền Trung này , mưa cũng dữ mà rét cũng không kém . Thế nhưng Dương lại thích thời tiết lành lạnh vì những ngày như vậy , cô thường co ro trong những cái áo len và những chiếc khăn quàng cổ đến trường hoặc lang thang trên con đường đi học , suy nghĩ vẩn vơ , thấy tâm hồn mình bâng khuâng, bay bỗng , lãng mạn hơn …
Thằng cháu mở cửa phòng thò đầu vào :
- Dì Dương xuống nhà có khách !
Dương giật mình hỏi :
- Ai vậy ? nam hay nữ ?
- Dạ , con không biết, nam . Vừa nói nó vừa đi xuống lầu .
Dương uể oải tung chăn ngồi dậy , vừa lầu bầu : ai thế nhỉ ?
Cô khoác cái áo len , chải sơ qua mái tóc…đi xuống nhà.
Bước vào phòng khách , Dương ngạc nhiên khi nhìn thấy một người lạ đang quay lưng lại chăm chú nhìn bức tranh “Đồng quê ” treo trên tường . Nghe tiếng chân , người ấy quay lại , trong ánh sáng mờ mờ của một buổi chiều đông , cô thấy người đó có dáng cao cao , đeo kính cận , mang quân phục hải quân . Anh cười :
- Chào cô ! Dương có nhận ra tôi không ?
Mãi đến khi nghe anh nói cái giọng Huế , cô mới nhận ra .
- A ! Anh Toàn , dạ mời anh ngồi .
- Sao anh biết nhà của Dương ?
- Ừ, thì biết . Anh cười cười trả lời ậm ừ .
Dương mỉm cười : “ Chắc có lẽ hôm gặp mình trên chuyến xe lam , lúc xuống xe , hai anh đã đi theo mình về tận nhà đây mà.”. Cô rót nước mời anh .
Toàn bắt chuyện :
- Cô học sư phạm khóa mấy ?
- Dạ khóa mười . Giọng cô nho nhỏ .
- Cô Dương nì ! Giáo sinh trường Sư phạm sau khi tốt nghiệp , thường được bổ nhiệm ở những nơi nào ?
- Dạ , Những năm trước đây nhiệm sở từ Quảng Trị đến Bình Thuận nhưng mấy năm lại đây có trường sư phạm Huế nên nhiệm sở chỉ từ Quảng Tín đến Bình Thuận . Cô trả lời chậm rãi .
- Con gái đi dạy thấy hay hay , mấy người bạn hải quân của anh , ai cũng thích làm quen với các cô sư phạm .
Dương mỉm cười và không nói gì cả .
Cuộc nói chuyện như chùng xuống , mỗi người như đeo đuổi suy nghĩ riêng . Chiều xuống chầm chậm .
- Thường thường khi đọc sách Dương thích đọc truyện loại gì ?
- Dạ , truyện nào hay thì đọc không phân biệt thể loại hay tác giả .
- Anh đọc rất nhiều sách của các tác giả trong nước nhưng thích nhất là truyện của Phạm Công Thiện và truyện dịch . Giọng anh bỗng nhỏ lại thấy ấm áp , gần gũi :
- Em biết không , những ngày lênh đênh trên biển buồn lắm và thời gian dài lê thê , sống xa gia đình , ba mẹ anh ở Nha Trang chẳng biết làm gì nên anh chỉ còn cách đọc sách . Vì thế , về bến là anh đến ngay tiệm sách mua sách đem về tàu . Có lúc anh đọc sách quên cả giờ cơm .
Dương bỗng thấy bắt đầu có thiện cảm với anh Toàn . Sống trong thời chiến , cuộc sống của những người lính rất nguy hiểm . Suốt những năm tháng đi học , cô chưa bao giờ quen với một người lính nào … Anh chợt đứng dậy :
- Thôi , đến giờ anh phải về tàu , tạm biệt em nhé !
Cô đưa anh ra tận cửa, hoàng hôn buông xuống , trời càng lạnh giá . Ngoài đường , mọi người qua lại thưa thớt trong những chiếc áo ấm . Một cơn gió lạnh tạt vào , Dương rùng mình nép sau cửa . Anh kéo cao cổ áo , quay lại mỉm cười với cô , chờ cô khép cánh cửa sắt plại rồi mới bước đi .
Buổi sáng , có giờ học Dương dậy sớm để sửa soạn đến trường . Trời thật lạnh , cô mặc cái áo len dày , quấn cái khăn quàng quanh cổ mấy vòng mà vẫn thấy rét . Dương ôm cặp bước nhanh đến đầu phố nhà mình đón xe . Chiếc xe đưa Dương đến trường . Bước vào cổng trường , vẫn còn sớm , chỉ lác đác một vài người đến sớm đứng dọc hành lang . Các dãy phòng học , cửa vẫn còn đóng im ỉm . Từ trên lầu nhìn xuống , trong công viên trường những chiếc ghế đá lặng lẽ sau một đêm rét buốt , nằm đơn độc bên cạnh những cây liễu rủ . Những khóm vàng anh , một vài đóa hoa vàng tươi lấp ló sau những chiếc lá xanh …
- Xin lỗi , chị có phải là chị Dương ? Cô bạn học cùng khóa Sư
phạm nhưng Dương không biết tên , hỏi .
Dương gật đầu . cô ấy nói tiếp :
- Chị ra cổng trường có người cần gặp .
Cô chỉ kịp cảm ơn rồi hấp tấp đi xuống lầu , nhưng tiếng chuông reo lên báo hiệu giờ vào lớp , cô đành quay lại phòng học . Suốt hai giờ liền ngồi trong lớp đầu óc cô cứ miên man : Ai thế nhỉ ? Rồi giờ chơi cũng phải đến , cô rời lớp học ra đến cổng trường , anh Toàn trong quân phục Hải quân đứng dựa vào cổng trường chăm chú đọc
sách . Suốt mấy giờ liền , anh ấy vẫn đứng chờ . Dương đến sát bên cạnh , anh mới ngẩng đầu lên , thấy Dương anh nở nụ cười rạng rỡ :
- Mấy hôm nay , anh được nghỉ phép về Nha Trang thăm nhà . vừa nói anh vừa đưa cho cô cuốn sách :
- Em hãy đọc !
- Cám ơn anh .
Dương cầm và vội vàng quay đi . Cô không dám nhìn cuốn sách ôm dấu nó vào lòng , đi một mạch lên lầu vào lớp học .
Ngồi trong lớp , Dương nhớ lại ngày đầu tiên gặp anh tự nhiên cô ghi lại cảm xúc của mình trên góc vở :
Mưa bay mù lối đi về
Hàng thông cuốn gió mịt mù dáng em
Cho anh nghìn nhớ thương thêm
Về đêm không ngủ triền miên giọt buồn .
Trùng Dương .
Mãi cho đến buổi chiều , ở nhà , một mình Dương mới dám lật ra xem đó là cuốn : Thuở làm thơ yêu em của Trần Dạ Từ :
Thủa làm thơ yêu em
Trời mưa chưa ướt áo
Hoa cúc vàng chân thềm
Gió mây lưng bờ dậu
…
Dương đọc liền một hơi , bài thơ hay quá làm cho cô choáng ngợp
Trong lòng trào dâng những xúc cảm . Cô lật từng trang , từng trang ,
bài thơ nào lời lẽ cũng nhẹ nhàng . Giữa cuốn là một lá thư gồm tám
trang anh viết trên giấy học trò gởi cho cô với lời lẽ thân thương :
Nha Trang , ngày … tháng … năm .
Dương thương yêu ngàn năm !
Anh được nghỉ phép , về Nha Trang thăm gia đình , nhớ em anh mượn cây bút của cô em gái vào phòng đóng chặt cửa để chỉ làm một việc duy nhất là nhớ em ! Em biết không ? khi đi biển , một mình anh với đại dương bao la anh rất sung sướng vì lúc nào nhớ em cũng được, còn bây giờ về nhà muốn nhớ em thì phải khóa trái cửa phòng lại mới được yên tỉnh để nhớ ….
Cứ như thế , lời lẽ trong thư mộc mạc , chân thành . Dương đọc từ đầu đến cuối . Xem xong bức thư dài, Dương cảm động đến lặng người,thấy bâng khuâng, xao xuyến , cảm xúc nhè nhẹ lâng lâng, có một cái gì đó êm ái len lén đi vào lòng cô . Những cảm giác này từ trước đến giờ cô chưa từng gặp hay đây là những rung động đầu đời.Tự nhiên Dương thấy lo sợ xen lẫn vui , buồn…cô thở dài thẩn thờnhưng rồi tự an ủi với chính mình : “ Không sao đâu !’’
Rồi sau đó , những lá thư được anh viết trong những ngày tuần tra lênh đênh trên biển lần lượt , lần lượt gởi qua trường Sư Phạm :
“ … Buổi chiều ngồi bên này sông
Thương nhớ vội chắp cánh bay xa …
Lúc trước anh không để ý đến ngày tháng , tàu ra khơi hay về bến cũng chẳng quan tâm . Có nhiều khi tàu cập bến , anh ở luôn dưới tàu đọc sách không lên bờ , nhưng từ khi biết Dương anh trông sao tàu mau về bến để được trông thấy cô dù chỉ một thoáng thôi . Anh thường đến đứng ở đầu ngõ nhà Dương đợi cô đi học hoặc chờ cô đi học về , có nhiều khi anh đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy cô đâu cả . Có lúc anh hồi hộp , tim anh đập nhanh khi thấy bóng dáng của Dương từ xa , mái tóc dài xỏa ngang lưng , thướt tha trong tà áo dài trắng với khuôn mặt hiền đẹp như thiên thần , anh luống cuống trao cô một cuốn sách hay một tập thơ hoặc có lúc chỉ cần trông thấy cho đỡ nhớ , chào nhau rồi anh lại vội vàng về tàu . Sau này , khi đã quen lâu , anh lại thích cùng Dương đi dạo các con đường : Trần Cao Vân , Phan Bội Châu , Lê Thánh Tôn , Nguyễn Huệ , Võ Tánh hoặc ra phố Gia Long … . Qui Nhơn quá nhỏ đi mấy con đường thì hết mà Dương thì tránh hết con đường này đến con đường khác vì sợ gặp người quen .Trùng Dương một người con gái Huế nhút nhát , dịu dàng đã đem lại cho anh một tình yêu nhẹ nhàng. Anh thấy tâm hồn mình bay bổng , yêu đời và thầm cảm ơn mình được đổi về thành phố này , được gặpTrùng Dương và đã có một tình yêu đầu tiên tuyệt vời nhất .
Dương bắt đầu lên năm thứ hai , còn Trâm , cô em út đã vào Sư Phạm khóa 11 . Năm nay , Dương bận rộn hơn , ngoài các môn học , còn phải soạn bài , giảng dạy , thực hành nhiều hơn ở trường Sư Phạm Thực hành , đi thực tập ở các trường Tiểu học , đi thực tế về vùng nông thôn của môn Giáo dục cộng đồng…sưu tầm tài liệu , tranh ảnh làm chủ điểm để thi ra trường . Thế nhưng Dương không thể không có mặt trong phong trào thi đua văn nghệ của trường . Hôm diễn văn nghệ thi đua của hai khóa 10 và 11 thật là vui và rộn rịp . Hội trường đông nghịt . Mở màn là hợp xướng : Trường ca Tổ Quốc ơi ta đã nghe của La Hữu Vang , nhạc cảnh Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn lớp nhất 2 , Vũ khúc Tình tự tin nhị 5 …rất ấn tượng với vũ khúc Tiếng xưa lớp nhất 6 , nhạc cảnh Tình nghèo nhất 4 … Tối hôm đó , Dương tha thiết trong bài hát , Tiếng Dương Cầm của Văn Phụng :
“ Nhớ hôm nào mùa xuân mới sang , muôn bầy chim ca hát vang , tung cánh nhẹ bay la đà… vang tiếng dương cầm thiết tha … ”.
Tiếng hát của Dương vút cao , vút cao ngân vang . Cả hội trường như lặng đi .
Những ngày tháng rét buốt cũng qua đi , nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp tươi đẹp lại về . Mọi người chuẩn bị đón Tết , nhà nhà rộn rịp đón xuân , cả thành phố tưng bừng như khoác chiếc áo mới . Năm nay anh thấy nỗi buồn nhớ nhà vơi đi vì có Dương . Ngày mồng ba anh và Dương đi chơi ở Ghềnh Ráng . Đứng ở cầu Vị Thủy , đến thăm ngôi nhà thờ nhỏ , leo lên nhà nguyện im ắng , thăm nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử .
Anh và nàng nhìn cảnh núi non xanh tươi , đi vòng lại rồi xuống bãi biển ngồi ngắm biển xanh mênh mông …
- Dương ơi ! anh nghe mọi người nói em hát bài : Đường
xưa lối cũ hay lắm ! Em hát cho anh nghe với .
- Anh này lạ chưa , tự nhiên đang đi chơi mà bảo em hát .
Dương lắc đầu nguầy nguậy .
Anh nằn nì :
- Hay là em hát cho anh nghe một câu cũng được .Trước sự yêu cầu tha thiết của anh , Dương xiêu lòng .
“ …. Khi tôi về bồi hồi trong nắng , tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng …Khi tôi về nghẹn ngào trong nắng , tưởng gặp mẹ tôi run run đứng đón con về nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kì …. ’’. Giọng Dương tự nhiên nhỏ lại xúc động .
- Thôi em không hát nữa , buồn quá !
- Ừ , Bài hát có kết thúc buồn quá ! Phải không em ?
Gió từ biển thổi vào mát mẻ dễ chịu . Mùa xuân hiện diện khắp nơi , nó ngự trị trong lòng anh , nó phảng phất trên khuôn mặt của Dương , anh sung sướng quá ! Anh ngập tràn hạnh phúc .
Dương vẫn đi học đều đặn như con thoi từ nhà đến trường , từ trường về nhà . Trong lúc , Dương chuẩn bị thi ra trường thì anh Toàn có lệnh đi học khóa Sĩ quan chỉ huy tại Nha Trang . Anh buồn lắm :
- Đi học khóa này về là anh không được trở về lại Quy Nhơn nữa , không ở gần bên em và không biết sau khi học xong anh sẽ đi đâu ?
Nghe anh nói thế Dương rất buồn nhưng vì quá bận rộn với bài vở nên cô cũng chẳng có thời gian nhiều dành cho anh .
Buổi tối trước khi đi , anh đến nhà Dương chia tay để ngày mai lên đường , anh rất buồn ! Suốt mấy giờ liền , anh cứ ngồi thẩn thờ nhìn Dương mà không nói được gì ? Dương tâm trạng cũng rối bời nhưng cô cố gắng làm ra vẻ cứng rắn :
- Anh đi rồi viết thư về cho em , có gì đâu mà buồn .
- Ừ , nhưng hãy cho anh ngồi thêm chút nữa ! anh nói với
giọng tha thiết .
Dương nghĩ : Nếu mình ngồi thêm chút nữa với anh chắc mình sẽ khóc mất , nên Dương cương quyết cầm chiếc mũ anh để trên bàn , đưa anh :
- Thôi , anh về đi ! trời tối rồi , anh về còn sửa soạn mai đi .
Vừa nói cô vừa đưa anh ra cửa . Ngoài đường hoàng hôn đã buông xuống , trong bóng tối chập choạng , anh muốn cầm tay cô , nhìn cô thật sâu nhưng Dương quay đi vội vàng ập cánh cửa sắt lại , lòng cô tái tê .
Dương bước vào nhà , lên phòng mình nằm dài trên giường buồn vô hạn , không biết cô nằm như thế trong bao lâu ? nhưng khi Dương bước ra lan can thì trời đã tối mịt , nhìn xuống đường phố bỗng cô thấy ai đó đứng tựa vào cửa nhà mình lập lòe điếu thuốc , thì ra anh vẫn chưa đi , Dương định chạy xuống đến bên anh theo sự mách bảo của con tim nhưng lí trí giằng lại không cho cô đi . Cuối cùng , lí trí đã thắng con tim nhút nhát cũng vì cái bản tính ấy mà suốt cuộc đời này Dương đã không tìm thấy được một tình yêu đích thực cho chính mình .
.
Dương nhận được lá thư của anh từ Nha Trang gởi về , lá thư viết cách đây một tháng , bây giờ mới đến tay cô trong lúc Dương đã thi ra trường xong . Dương vội hồi âm , khi lá thư đến với anh cũng là lúc cô đến trường chọn nhiệm sở . Dương chọn nhiệm sở Quảng Ngãi . Dương lại nhận được một lá thư , anh báo cho cô biết anh đổi ra Hội An :
Hội An , ngày …tháng …năm
Dương thương yêu ngàn năm !
… Nơi anh đóng quân ở Hội An , một doi cát nằm ven sông Thu Bồn , Mỗi buổi chiều xanh lên phía chân trời . Cuộc sống cô lập , thu hẹp trong hai ngày đi biển và hai ngày trở về …trệu trạo trong nỗi nhớ !
…Thi ra trường xong em làm gì ? anh không hình dung ra được ! Bao giờ thì em chọn nhiệm sở ?…
Dương lên đường đi Quảng Ngãi , ở đây Dương tiếp tục chọn trường . Trường Tiểu Học La Hà huyện Tư Nghĩa cách thị xã khoảng bốn cây số , đó là ngôi trường dạy cho học sinh ở vùng tái định cư , trận bão năm ngoái đã làm sập mái một số phòng học nên trường bây giờ chỉ còn ba phòng học . Học sinh ở đây nghèo lắm ! Đi học không một em nào có dép , có mũ cũng chẳng có cặp . Sách vở thì thiếu trước thiếu sau trông rất tội nghiệp .
Xa nhà đã buồn rồi đoạn đường đi dạy khổ sở , vất vả nhất là những ngày mưa , đường ướt át , lầy lội . Nhớ nhà , nên Dương cứ khóc hoài .
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn , tất cả những người dân ở các vùng ở nông thôn đều đổ dồn về thị xã Quảng Ngãi , trong thị xã thì chẳng biết nơi nào yên bình : Mìn nổ ở quán kem, lựu đạn nổ ở các quán café hay rạp ciné …nhiều người chết trong đó có cả giáo viên . Vì vậy , chẳng ai dám đến những chỗ đông người . Tất cả đều hoang mang , lo sợ , nghi ngại và cảm thấy bất an .
Ngôi nhà Dương thuê số 260 đường Quang Trung , ngay con đường phố chính của thị xã Quảng Ngãi . Ngôi nhà nằm sâu vào bên trong , phía trước là một khu vườn có hai cây ngọc lan lá xanh tươi , hoa nở tỏa hương thơm ngát rụng trắng xóa cả một khoảng sân . Mỗi khi đi dạy về , bước vào sân nhà Dương thường nhẹ gót giày sợ giẫm lên trên những cánh hoa vương vãi mỏng manh ấy .
Chưa có nơi nào đẹp và thơ mộng bằng mùa thu Quảng Ngãi ! Đi dưới những hàng cây dọc hai bên đường hay ngồi trong quán café hay quán chè ngắm những chiếc lá vàng bay lả tả trong gió heo may . Bầu trời thì trong xanh với những đám mây trắng bồng bềnh trôi nhè nhẹ . Nắng nhạt vương vương trên những hàng cây , đủ để nhuộm vàng cảnh vật càng làm cho những tâm hồn của những người xa nhà buồn man mác . Dương thường bắc ghế ngồi trước hiên nhà , khi thì đan áo len hay móc áo , có lúc đọc sách hoặc ngồi lặng yên nghe từng chiếc lá rơi nhè nhẹ xuống sân vườn .
Mùa mưa lại đến , những cơn mưa dai dẳng , dầm dề . Sáng nào đi dạy , trên những chuyến xe Lam , cô cũng co ro trong chiếc áo mưa, lạnh buốt . Đường vào trường thì lầy lội , nhớp nháp Quảng Ngãi thì năm nào cũng lụt lội có nhiều lúc Dương muốn bỏ hết, bỏ hết để về với gia đình . Trong những lúc buồn Dương lại nhớ nhiều đến anh . Lúc còn ở Quy nhơn , bên gia đình , Dương sống trong tình yêu thương của ba mẹ . Bây giờ ra đây , không một người thân bên cạnh cô mềm yếu như con sứa biển . Hơn lúc nào hết Dương muốn có anh để sẻ chia .
Rồi tiếp đến những lá thư , trong thư cô kể về ngôi trường , về đường đi dạy về những vất vả , về nỗi buồn xa nhà , cô muốn bỏ dạy về nhà .
Anh nhận được thư , lo lắng cho Dương nhưng cuộc chiến vẫn sôi động , anh không làm sao vào thường xuyên với Dương mặc dù Hội An và Quảng Ngãi cách nhau không xa . Anh muốn trãi hết lòng mình để nói với cô những lời yêu thương nhất. Cuối cùng anh vội vã gởi cho Dương bức thư , trong thư anh viết :
Hội An , ngày …tháng…năm …
Dương thương yêu ngàn năm !
…Xã hội đang cần đến bàn tay em , học trò đang cần đến sự dạy dỗ thương yêu của em . Tay anh đây ! Em hãy cầm lấy để vững tin trong cuộc sống này , để vượt qua những khó khăn trên đường …
Em cứ nghĩ rằng bên cạnh em lúc nào cũng có anh …
Bức thư anh viết với những lời lẽ thương yêu , chân thành , tha thiết, như tiếp thêm sức mạnh ,Dương thấy lòng mình ấm lại vững vàng hơn .
Thư gởi đi rồi , anh vẫn không yên tâm về Dương . Cuối cùng anh lên xe đi Quảng Ngãi . Quảng Ngãi mưa ! Chiếc xe Lam dừng lại trên đường Quốc lộ men theo con đường đất để xuống ngôi trường . Đường đi thì lầy lội , đất đỏ nhớp nháp , mưa dầm dề , gió thổi từ cánh đồng trống trước mặt tạt vào lạnh buốt . Vừa đi anh vừa thương cho cô giáo mới ra trường . Nhìn vào bên trong phòng học , anh thấy Dương thấp thoáng trên bục giảng , anh muốn chạy thật nhanh đến bên cô nhưng anh kìm lại vì … anh chỉ biết nhìn Dương với ánh mắt tràn đầy tình yêu thương . Dương thấy anh vào thăm , cô như vỡ òa mừng mừng , cảm xúc dâng trào đến nỗi nước mắt lưng tròng …
Buổi trưa , trong quán nước anh lắng nghe Dương kể những nỗi khó khăn vất vả , những sợ hãi , những lo lắng rồi những ngày mưa , ngày nắng , những nỗi buồn nhớ nhà … để hiểu , để chia sẻ với người mình yêu . Anh thấy cô hiền lành , mềm yếu , nhút nhát quá !
Quảng Ngãi trời đã bắt đầu lành lạnh , cái lạnh của những ngày chớm đông . Tiết trời rất dễ chịu và cũng rất dễ thương đủ để cho những người yêu nhau nhớ về nhau .
“ Trời không nắng cũng không mưa ,
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung ”
Dương ở trọ cùng với các cô giáo . Các thầy giáo , cô giáo học Sư phạm Qui nhơn ra đây dạy cũng nhiều . Sau giờ dạy hay cuối tuần mọi nơi lại về đây thăm nhau . Mọi người kể chuyện trường lớp cho nhau nghe . Dần dần thời gian làm cho mọi việc trở nên êm đềm và lặng lẽ trôi xuôi . Nỗi buồn nhớ nhà của Dương cũng vơi đi .
Dương vẫn đều đặn ngày ngày đến lớp dạy học , cô bắt đầu hòa nhập với cuộc sống gắn bó với học sinh và vẫn thường xuyên nhận những lá thư từ Hội An .
Cuộc chiến lan rộng , mọi người trong thị xã bắt đầu nghe ngóng , nhốn nháo rồi cuống cuồng di tản . Trong nhà cô ở trọ mọi người cũng vội vã xếp dọn đồ đạc về với gia đình. Cả thị xã hỗn loạn , mọi trật tự bị xáo trộn . Anh Toàn cho người nhắn bảo Dương ra Hội An để anh đưa về nhưng cuối cùng Dương quyết định theo các bạn về Quy nhơn .
Rồi đến Quy Nhơn mọi người trong thị xã càng hốt hoảng chẳng biết phương hướng nào . Về nhà , chưa được bao lâu thì gia đình cô lại xuống tàu . Chuyến tàu chở mọi người từ Quy Nhơn đưa vào Cam Ranh . Khắp mọi nơi , mọi người đều lo lắng … Súng nổ , máy bay dội bom … Một buổi sáng thức dậy thì Nha Trang, Cam Ranh đã giải phóng rồi .
Sau 75 , mọi người lạc mất nhau từ đó . Dương tiếp tục đi dạy , Dương cố gắng hòa nhập với những cái mới để dạy dỗ học sinh và chờ đợi tin tức của anh Toàn …nhưng cuộc sống khó khăn cứ chồng chất , cứ kéo dài không còn ai biết gì về nhau , không ai còn tìm thấy nhau nữa … Rồi Dương nhận được quyết định sang đảo Nhơn Lý giảng dạy .
Có lẽ bây giờ đã khuya , Dương trằn trọc không ngủ được . Trăng chiếu qua song cửa làm sáng cả căn phòng :
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
(Đêm không ngủ - Hàn Mặc Tử )
Tiếng động quen thuộc ở nhà dưới , bà chủ nhà đang kho cá . Ở đây cứ vào đêm khi những chiếc thuyền đánh cá quay trở về mang theo đầy ắp cá tôm . Những rổ cá chuyển lên bờ tươi roi rói . Những người phụ nữ vội vàng lựa cá , kho cá cho các cô con gái gánh cá lên Cát Thử bán cho kịp buổi chợ sáng .
Dương trở dậy , bước ra ngoài , trời về đêm mát mẻ dễ chịu . Trăng sáng tỏ . Hôm nay bao nhiêu âm nhỉ ? Mình đã qua đây bao lâu rồi ?
Ấn tượng của cô về bán đảo Nhơn Lý là một doi cát dài vươn ra biển Đông với hai xóm chài quay về hai hướng : hướng Bắc gọi là bãi Bấc , hướng Nam gọi bãi Nồm , với những bãi cát mịn màng , những động cát dài bất tận , sóng biển vỗ rì rào đêm ngày, gió từ biển thổi vào mang theo vị mằn mặn của muối hòa quyện mùi tôm cá … với những người dân ăn to nói lớn nhưng chân chất thật thà .
Những đêm trăng ở Nhơn Lý thật đẹp ! Trăng chiếu sáng cảnh vật , mặt biển sáng rực lên , trông rõ lấp lánh từng con sóng vỗ lăn tăn , nhè nhẹ liếm vào bãi cát rồi rút nhẹ ra xa . Trăng chiếu sáng từng mái nhà , từng lối ngõ . Cả xóm chài sáng rực dưới ánh trăng .
Sống và lớn lên ở thành phố . Đây là lần đầu tiên trong đời Dương được ngắm vẻ đẹp thiên nhiên của trăng , giữa một khoảng không gian bao la của vũ trụ , trăng lộ rõ ra giữa bầu trời :
Ô kìa ! bóng nguyệt trần truồng tắm .
( Hàn Mặc Tử )
Dương bước chân lên đồi cát , cả một động cát vàng sáng tỏ dưới ánh trăng . Đứng dưới dốc cát nhìn lên , Mặt trăng như treo lơ lững trên đồi . Cô bỏ đôi dép ra , cát mịn màng dưới chân . Dương ngước nhìn trăng . Ồ ! đẹp quá ! huyền ảo quá ! Cô như say cùng trăng , cùng đất trời quay cuồng . Bây giờ thì cô không còn ngạc nhiên vì sao Hàn Mặc Tử có những bài thơ về trăng hay đến thế ! Có đau khổ đến tột cùng cảm xúc mới bộc phát mạnh mẽ đến như thế ! Dương bật lên đồng điệu với nhà thơ :
Ha ha ! Ta đuổi theo trăng
Ta đuổi theo trăng
Trăng bay lả tả ngã trên cành vàng
( Rượt trăng – Hàn Mặc Tử )
Chạy mãi , chạy mãi lên trên dốc cát cao , mệt quá ! Dương ngã mình nằm xuống , cát êm êm dưới lưng , cát lùa qua gáy , lùa qua cánh tay trần…thoải mái quá ! êm dịu quá ! Cô ngửa người há miệng uống trăng :
Cả miệng ta trăng là trăng …
( Hàn Mặc Tử )
Dương nằm như thế không biết trong bao lâu , cô có thiếp đi hay không ? nhưng khi tỉnh giấc , phía đằng đông , trời đã rạng dần .
Biển đẹp ! thơ mộng ! lãng mạn ! Có những lúc biển phẳng lặng hiền hòa , cũng có những ngày u uất , trầm buồn , lại có những ngày tươi vui , bừng sáng nhưng cũng có khi giận dữ , gào thét , hung tợn . Rồi những ngày biển động kèm theo gió và cát như muốn vùi lấp tất cả .
Khi mới nhận quyết định sang đảo , Dương muốn đi ngay vì tuyệt vọng với sự tìm kiếm , vì mòn mỏi đợi trông nên cô muốn quên , muốn xa cái thành phố với những con đường đầy ắp những kỉ niệm với những ngày tháng cũ nhưng khi qua đây rồi , những buổi bình minh , ngồi một mình trên bãi cát ngắm mặt trời ló dạng ở đằng đông hoặc thơ thẩn dọc theo Eo Gió lúc hoàng hôn bao trùm xuống cảnh vật hay những đêm trăng sáng huyền hoặc như hôm nay Dương mới thấy rằng mình không thể quên bởi vì tiếng réo gọi của gió , tiếng cuồn cuộn , gào thét của sóng biển , tiếng trăn trở của đại dương …làm nỗi nhớ trong cô lại bùng cháy lên dữ dội nhưng Dương sẽ phải cố quên đi ! quên đi ! sẽ vùi lấp cuộc tình này vào sâu trong cát …Rồi theo thời gian sóng sẽ cuốn trôi ra biển hòa vào đại dương bao la… Dương nhìn ra khơi và thấy xa tít phía chân trời một vầng ánh sáng đang từ từ mờ dần ,
Sài Gòn , tháng năm 2011
Irene.
Cám ơn Irene về truyên ngắn còn "nóng hổi" của mình , đã ưu ái dành cho trang SPQN... Mong mọi người đón nhận với sự vui thích và ưu ái.
Trả lờiXóaSPQN
Đọc xong truyện tự dưng bao kỷ niệm tràn về! Cám ơn Irene đã khơi gợi nhiều hình ảnh thân thương về trường Sư Phạm Qui Nhơn ngày nào. Tâm trạng háo hức, vui buồn trong những đêm văn nghệ dường như còn phảng phất đâu đây. Tiêt mục "Hoạt cảnh Tình nghèo" lớp Nhất Niên 4 năm ấy do mình dàn dựng đã để lại một chuyện tình lơ lửng của đôi diễn viên tài sắc...mà tác giả có nhắc. Ôi, càng nghĩ lại mình càng thấy nhớ...Nhớ từ tiếng đệm đàn điện vụng về lóng ngóng đêm ấy vì không quen chơi nhạc Modern, chỉ biết chút ít nhạc classic...rồi mọi chuyện cũng qua đi. Cái tuổi không lớn cũng chẳng nhỏ (vì bắt buộc làm Thầy) sao mà ngu ngơ, khờ khạo quá, giá như...và bây giờ cũng chỉ: "Một Thời Để Nhớ".
Trả lờiXóaĐọc "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" bao kỷ niệm đẹp thời xa xưa ùa về trong tôi!
Trả lờiXóaXin cảm ơn và chúc tác giả AN VUI!
ĐTT
Ethene!
Trả lờiXóaKhi chị đọc những dòng này thì bài đã đăng rồi ! Cám ơn chị ! Đã kể cho em nghe và em cũng đã từng chứng kiến . Mặc dầu , vì thời cuộc , cuộc tình chẳng đi đến đâu ? Bây giờ , khi tóc đã bạc , em nghĩ em cần phải viết để gợi cho chị nhớ lại một thời thơ mộng đã qua và thêm niềm vui cho cuộc sống
Irene.
Doc bai cua ban minh rat cam dong. Hinh nhu co mot cai gi do rat dong cam voi minh. Cam on Irene da viet mot truyen ngan that hay, minh mong duoc doc them nhieu truyen ngan cua Irene.
Trả lờiXóaTruyện hay và cảm động, làm mình nhớ Quy Nhơn và Trường Sư Phạm thật nhiều! Cám ơn chị Irene.
Trả lờiXóaCám ơn tdluong,DTT,thuy tien, Đông Oanh đã có lời khen khích lệ để mình thêm niềm vui .
Trả lờiXóaHồi đó,mình đạo diễn vũ khúc Tiếng xưa của nhất niên 6 . Khi tập thì không có đờn , khi hát theo đàn thì các bạn múa không được . Cuối cùng mình cứ hát cho các bạn múa còn ban nhạc thì "bó tay".Bây giờ nghĩ lại thấy vui ơi ! là vui !
Ren.
Chao iren
Trả lờiXóaDoc bai Ngay thang cu ...lam minh nho Bong Son qua. Minh khong la dan SP, nhung minh tung o doi dien nha tro cua Iren va Cam, va cung doi lan ngoi "tam" voi Nhi, Nu va...co Iren, co ca Cam...Minh biet het cac nhan vat co ten trong "Ngay thang cu". Nho Ngay thang cu qua..
Chuc vui
Quan
Có thể con chưa trải qua tình yêu như trong truyện ngắn này. Nhưng con cũng tìm thấy được một chút gì đó để biết yêu chân thành hơn. Cảm ơn Bà Ren.^^
Trả lờiXóaCảm ơn dì Irene đã truyển tải câu chuyện này thành một truyện ngắn rất hay.. Đã không biết bao lần được nghe câu chuyện này từ một trong những nhân vật chính trong truyện kể và gần như mình thuộc lòng từng tình tiết của câu chuyện nhưng mà khi nó dưới ngòi viết của dì Irene thì nó trở nên sinh động một cách lạ thường.. Tuổi trẻ của một thời và cả những tình yêu của một thời tuổi trẻ.. Bao giờ nó cũng đẹp cả...
Trả lờiXóaDì cám ơn con đã đọc bài viết! Dì nghĩ rằng câu chuyện về người thân đã sưởi ấm cho con phần nào cái giá lạnh của Toronto. Chúc con hạnh phúc,gặp mọi điều tốt lành trong cuộc sống.
Trả lờiXóaMoi mot bai viet cua Irene la gom day nhung ky niem ma nguoi doc tim thay minh trong do , Ren dien dat hay qua giong van nhe nhang dua cau chuyen tinh do dang vi thoi cuoc cua nguoi chi that la cam dong . Chuc Ren vui va viet nhieu nhieu hon nua de lam man ma them cho trang nha
Trả lờiXóaCám ơn Phương Dung với một lời khen mang đến cho mình một niềm vui, một sự động viên thôi thúc mình tiếp tục viết.
Trả lờiXóaChúc PD vui vẻ, hạnh phúc! Hẹn có ngày gặp lại, tay cầm tay. Thân ái!
Hồi cô giáo Dương ngắm trời thu Quảng Ngãi thì mình còn phải vật lộn với bài vở ở Trần Quốc Tuấn để chuẩn bị cho kỳ IBM sắp tới nên thiệt tình không biết mùa thu đến lúc nào, huống hồ "Nàng Thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng, tà áo thước tha chân không có tiếng..." Chị Irene thân! chị thi Y nên chắc là dân ban A chứ không phải dân ban C nhưng chị viết hay quá. Nhắc hoa ngọc lan, bây giờ TP Quảng Ngãi đường sá nhiều hơn nhưng không có đường nào trồng hoa ngọc lan mà thay vào đó là các loại khác, trong đó có cả hoa sữa (chắc mấy nhà qui hoạch là dân Hà Nội) nên hương ngọc lan dường như ít đi. Rất vui khi chị đã khen mùa thu Quảng Ngãi. Mong chị khỏe, chào thân ái.
Trả lờiXóaNăm 1974 mình ra thăm chị ở 260 Quang Trung Quảng Ngãi sát bên photo Kim đối diên với trường Trần Quốc Tuấn mà TNT học. Quảng Ngãi lúc đó gần gũi và hiền hòa( trừ súng đạn và chiến tranh). Hồi đó chưa có "sự nóng lên của toàn cầu hóa" cho nên mùa thu ở QN nó rõ nét.
Trả lờiXóaTNT đoán rất đúng! Mình là dân ban A, suốt ngày ôm cuốn Vạn Vật mà "tụng".
Cám ơn TNT đã ghé đọc!
Irene oi! Toi nay minh moi doc duoc bai "Mot thoi de nho" cua Irene. Sao ma ban tai the, moi co tham quang ngai thoi gian ngan thoi,va cung dung that, ngoi nha ay co may cay ngoc lan rat lon, khi con di hoc Tran Quoc Tuan minh cung hay vao day de nhat nhung bong hoa roi rung, bo vao tui, mui huong thoang thoang de chiu.Irene ve mua thu o Quang ngai, minh thay xau ho qua di thoi, vi minh la dan QNai ma khong cam nhan duoc no thoi ay. Khi ra truong ve QNgai day, minh co biet may chi o do nhung chua bao gio gap. Co the cho minh biet chi Duong bay gio ra sao khong Irene.TNT o quang ngai ma o dau vay ta, co the cho minh biet ro hon duoc khong?
Trả lờiXóaMong Irene viet nhieu hon nua. Chuc vui khoe.
Hiền Tuấn Thân! Khi mình viết câu chuyện này, mình có xin phép chị ấy nhưng vì e ngại nên chị không cho mình lấy tên thật của chị nhưng HT hãy đọc kỹ những lời comments thì sẽ nhận ra thôi.
XóaTrừ tên nhân vật còn tất cả đều là thật. Lúc đó Quảng Ngãi rất đẹp dưới trời thu và cả những cơn mưa lúc chuyển mùa. Đường Quang Trung, nhất là khoảng đối diện với trường Trần Quốc Tuấn lúc đó toàn là những ngôi nhà cho giáo chức thuê nên đi đâu cũng gặp Giáo Học Bổ Túc. Chủ nhật mọi người ở các nơi kéo đến thăm nhau rất vui. Cám ơn HT đã đọc và khích lệ mình.
Irene oi! Bay gio nha minh o chi cach noi ky niem do ma Irene den quang ngai 500m thoi va truong minh day la sat truong TQT do(Truong Nam tieu hoc ngay xua do). Minh hoi la de hoi thoi chu phan nao cung hieu duoc Duong la ai? Con ban TNT o QNgai chua thay noi gi. Chuc Irene khoe, viet khoe.
Trả lờiXóa