Nguyễn Mỹ Nữ
Tôi gọi cha mẹ mình là cậu mợ và hồi nhỏ, thấy cậu rất quan tâm đến việc học hành của các con nhưng sự lưu ý ấy chỉ dừng lại ở những lời nhắc nhở, răn đe hay là ký vào “thông tín bạ” mỗi cuối tháng. Còn dạy bảo, kiểm tra, kềm cặp nhau thì mấy anh chị em chúng tôi tự lo lấy. Và, cứ răm rắp theo thông lệ là tối đến, tất cả phải ngồi vào bàn chăm chỉ học hành. Nề nếp ấy đã được duy trì ở nhà tôi suốt những năm chúng tôi còn đến trường, chứ cậu tôi mấy khi ngó ngàng đến.
Thế nên, tôi đã rất ngạc nhiên khi, thấy cậu tự nguyện lo liệu tất thảy mọi chuyện học hành của thằng Quân, dẫu biết nó là đứa cháu được cậu tôi thương quí nhất nhà. Một điều mà trước đó tôi không thể nào hình dung ra được. Hồi ấy Quân được sáu tuổi và đang theo lớp một (niên khóa 79-80). Buổi chiều Quân học trường Lê Lợi và được chính cậu tôi chở đi, đón về. Còn buổi sáng, Quân được học trường… “ông nội” ở ngay tại nhà. Nào tôi có dám bịa. Thì, chính cậu tôi điền vào như thế, ngay cái nhãn dán ngoài tập vở. Là trường: Ông Nội đấy thôi!
Hai ông cháu dạy và học trên một cái bàn tròn mặt dán mica, kê ngay đường lên xuống nhà sau và sát với chỗ bày hàng. Chẳng là, vừa để vui tuổi già vừa để có đồng ra, đồng vào cậu mợ tôi có mở một cái hàng bé bé ngay ở nhà ngoài. Hàng quán trông lèo tèo là thế mà chẳng thiếu một thứ gì đâu nhé! Từ trái chuối, quả ổi, bó củi, cây kim cho đến dầu thắp, dầu xức… nên cũng có lắm người mua. Buổi sáng cả hai chị em chúng tôi phải đi dạy, mợ tôi đi chợ rồi về nấu ăn, thế là cậu “đánh vật” với việc bán hàng và việc đứng lớp.
Vào những hôm về sớm, thường xuyên, tôi được thấy cảnh này: cháu vừa học, vừa chơi. Nhẩn nha học, viết, làm tính và nhẩn nha trông ra đường dõi theo một cái gì đó. Còn ông, thì tất tả quay ra hàng bán mấy cái kẹo lại vội vã, quay vào lớp giảng toán rồi lại hấp tấp, quay ra hàng cân ký than rồi lại quáng quàng, quay vào lớp đọc chính tả… Đến là khổ! Chẳng thế, mà có lúc tôi đã nghe, cậu tôi gắt gỏng với mấy ông nhãi ranh luợn qua mua trái ổi, lượn lại mua cái bánh, lượn đi mua trái chuối, lượn về mua bì mía róc… là:“Mua gì thì mua một thể đi, đây chẳng có mà rảnh đâu nhé! Có nhanh lên không thì bảo. Để người ta còn… dạy”. Cứ như thế! Cậu tôi ở giữa những người khách hàng và đứa cháu. Ở giữa những món hàng, những đồng bạc lẻ và những bài toán, bài tập đọc, chính tả… Ở giữa trách nhiệm của ông Bắc (bán hàng) và ông nội (thầy giáo). Trông cậu mới bận rộn làm sao nhưng ngời ngợi niềm sướng vui và hạnh phúc. Không mấy khi, chứng kiến những cảnh tượng thật sống động như vậy mà tôi, lại không thấy mắt mình cay.
Mắt tôi, còn thêm nhiều lần cay sè như thế, sau khi cậu mất và Quân, đi xa. Có những chuyện tưởng là nhỏ nhặt, cỏn con mà sao cứ làm mình cảm động mãi, như là chuyện dạy Quân học của cậu tôi, như những buổi lên lớp… buồn cười như thế của cậu. Như là cái trường “ông nội” thật là lạ lùng ở chính ngôi nhà thân yêu này. Những hình ảnh về gia đình sao mà quá tươi đẹp và ấm áp. Thật may, tôi còn kịp ghi nhận và giữ gìn cho đến tận hôm nay và không ngờ đã có rất nhiều khi, nhờ thế, mà bao ý nghĩ muộn phiền, u ám ở trong tôi đã có thể bị đẩy lùi, nhòa xóa. Tôi tìm lại được sự cân bằng cần thiết cho cuộc sống của mình.
Còn Quân? Cháu đã tốt nghiệp đã đi làm từ lâu và mới cưới vợ, hồi cuối tháng vừa rồi. Suốt quãng thời gian học hành ở Mỹ, chắc chắn, cháu có được nhiều thầy cô giỏi giang? Và, tất nhiên, là cháu đã không quên? Vẫn nhớ đến ông nội và những buổi học ở nhà, thủa nhỏ. Tôi tin vậy. Luôn tin là vậy khi, dõi theo cháu và biết Quân sống tử tế. Chứ, chẳng lẽ người ta có thể sống khác đi sao! Khi, đã có sẵn những nề nếp nhà, một môi trường giáo dục ổn định và trong tất cả, có được trong đời một người thầy đặc biệt như là cậu của tôi.
Nguyễn Mỹ Nữ
Câu chuyện nghe dí dõm ,cuộc sống tuy đơn sơ mộc mạc nhưng ẩn chứa nếp nhà qui củ hiếu học...với bao kỉ niệm thân thương .Đúng là nhờ nó mà ta có niềm tin , biết sống đẹp
Trả lờiXóaChuyện tưởng đơn giản nhưng thật khó !
Cái đặc biệt luôn ở trong cái bình thường. Đièu ngày đã được tác giả viết lại rất rõ ràng cụ thể. Nội dung bài viết cùng với ảnh minh hoạ - một con nghé buộc dây mũi an toàn, một đứa cháu nội đang mở sách ra đọc có ông nội chỉ dẫn - cho thấy ông nội vượt hơn thầy giáo một bậc, nếu con bò nghé cũng là của ông nội. Bỡi thầy giáo chỉ đọc tụng kinh sách của người khác, còn ông nội có của riêng minh, giông như văn sĩ có tác phẩm riêng của minh. Người thầy giáo không nên chỉ truyền thụ kiến thức sẵn có của người khác, nhưng còn phải biết sáng tác ra cái của mình mới có thể tự do làm chủ được. "Khuôn mẫu làm thầy không hề hạn hẹp!"
Trả lờiXóaCảm ơn Nguyễn Mỹ Nữ đã mô tả một trường họp làm thầy rất thực và độc đáo.
Chúc sức khoẻ và hẹn lần sau.
Mot bai viet voi giong van di dom nhung sao da diet qua .Toi rat thich kieu viet van cua ban . No moc mac nhung lai day xuc cam .Bai viet rat sac sao ,cam on ban .
Trả lờiXóa