Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Kỉ niệm dạy học vùng sâu

                                              ( Mến tặng các bạn đồng nghiệp và học trò  cũ của tôi)

Trường THCS Suối Nho
      Ngày  ấy, cách nay đã hơn một phần tư thế kỉ  nhưng kỉ niệm về những ngày đầu bước chân vào nghề dạy học vẫn luôn tươi mới, sống động trong tâm hồn chúng tôi.
      Tháng 8 năm 1984, đoàn giáo sinh tốt nghiệp khóa 7 của trường Sư phạm cấp hai Đồng Nai nhận quyết định của Sở Giáo dục Đồng Nai phân công về huyện Tân Phú. Xe đưa chúng tôi về Phòng Giáo dục Tân Phú. Tại đây, ba thầy giáo trẻ chúng tôi là Hùng, Vinh, Hoài nhận tiếp quyết định của Phòng Giáo dục điều động về công tác tại trường Phổ thông cơ sở Phú Túc C.
      Cầm tờ quyết định trên tay, lòng tôi khấp khởi mừng thầm, nghĩ rằng mình được dạy học gần nhà  (bởi vì nhà tôi ở xã Phú Cường, cách xã Phú Túc chỉ 3km, đều nằm ven quốc lộ 20, đường lên Đà Lạt ). Thế nhưng ai có ngờ đâu, trường PTCS Phú Túc C là tên cũ của trường PTCS Suối Nho (xã Suối Nho mới thành lập nên trường chưa kịp đổi tên mới), cách nhà tôi đến 10km. Ngày đầu tiên cưỡi con ngựa sắt cũ mèm lọc cọc vào trình diện tại trường, lòng tôi thấy ngỡ ngàng và thất vọng. Con đường khá dài, rộng rãi, hai bên đường cảnh vật thoáng đãng, cây cỏ xanh tốt, nhưng toàn một màu đất đỏ bụi mù. Sau này chúng tôi mới thực sự khổ sở với con đường này. Mùa nắng xe tải chở mía từ nông trường mía Suối Nho – Thọ Vực lên nhà máy đường La Ngà, liên tục tung lên những đám bụi mù, sẵn sàng nhuộm màu đỏ thắm cho cả người lẫn xe đi trên đường từ đầu đến chân. Mùa mưa, đất đỏ bazan trở thành một lớp sình dẻo quánh, dính bết vào bánh xe đạp; chúng tôi luôn thủ sẵn một đoạn cây ngắn, đi khoảng chục mét phải dừng lại xoi hết lớp sình dẻo thì mới đi tiếp được. Đoạn đường từ xã Phú Túc vào trường chỉ dài 7 km nhưng với chúng tôi đúng là “con đường đau khổ”, thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt của các thầy giáo trẻ ngày ấy...
      Đến trường, vào trình diện thầy hiệu trưởng Võ Thủ Tịnh, tôi càng ngỡ ngàng hơn nữa khi được biết trường hiện có năm lớp cấp hai (từ lớp 6 đến lớp 9) nhưng chỉ có một giáo viên toán tốt nghiệp khóa 5 của trường Sư phạm cấp hai Đồng Nai, cùng với thầy hiệu trưởng dạy bao choàng tất cả các môn cho cả năm lớp. Chúng tôi cũng thấy mừng vì chính quyền địa phương đang cho gấp rút dựng lên sáu phòng học bằng cây gỗ, mái lợp ngói.
      Tạm thời, chúng tôi phải dạy tại hai phòng học dựng bằng cây rừng, mái lợp bằng lá dừa nước. Chỉ có hai đầu hồi lợp lá còn chung quanh trống huơ trống hoác. Nhìn từ xa, hai phòng học trông giống cái chuồng trâu rộng rãi. Lúc tôi đang giảng văn bên phòng học này thì bên cạnh, cô giáo lớp hai đang dạy các em làm toán. Lời giảng văn cấp hai, toán cấp một cứ đan xen lẫn lộn vào nhau dưới bầu trời lộng gió.
      Thật may mắn, chỉ khoảng một tuần sau đó, qua một  đêm mưa, gió lốc đã xô hẳn hai phòng học nằm bẹp dí trên mặt đất.Thật hú hồn cho thầy trò chúng tôi! Vừa kịp lúc sáu phòng học hoàn thành, bốn thầy giáo cấp hai chúng tôi cùng với hai thầy giáo cấp một được đôn lên cùng chung tay đưa trường học đi dần vào nề nếp. Điều đáng mừng là các em học sinh khá ngoan, vào các ngày lễ lớn như tết trung thu, ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi cũng tổ chức cho các em làm báo tường, vui chơi, cắm trại, liên hoan văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc do chính các em dàn dựng. Ngày ấy chỉ có một vài quán cà phê có trang bị ti vi trắng đen với màn hình chập chờn vì sử dụng điện từ bình ắc quy nên chi khi tiếng đàn ghi ta điện cùng ánh đèn màu sân khấu của trường chúng tôi bật sáng (máy phát điện do phụ huynh có lòng tốt cho mượn) thì ngay lập tức rất đông khán giả nhí và người lớn đổ đến xem. Đối với họ, mỗi dịp biểu diễn văn nghệ như thế này là cả một sự kiện lớn. Khán giả cũng tích cực đăng kí tham gia một số tiết mục với người dẫn chương trình là tôi.
      Rồi cũng từ việc làm báo tường mà tôi có tác phẩm đầu tiên được đăng báo Văn nghệ  Đồng Nai vào khoảng tháng 8/1987. Đó là bài thơ “ Mong cùng thầy đọc mãi những trang thơ”, tôi viết cho tờ báo tường của lớp mình chủ nhiệm.Tờ báo này được anh Phan Trường Luận – một thầy giáo tiểu học được đôn lên dạy Ngữ văn lớp 6 – giúp trang trí rất đẹp. Anh Luận có viết tập thơ “Hương xưa” gồm những bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú với nhiều bài khá hay. Sau dịp này, tôi gởi tặng anh tập giấy và bài thơ “ Nhớ hoài”:
                           Gởi mến thương vào trang giấy đây
                           Đến khi xa cách nhớ nhau hoài
                           Anh hoa thơ cổ còn lưu lại
                           Luận  bàn thế sự để chung soi
                           Tập thơ anh viết bao mùa ấy
                           Giấy trắng đơn sơ ý vẹn lời
                           Nhớ  mãi “Hương xưa”, hồn đồng cảm
                           Hoài âm vang vọng lúc xa xôi.”  
      Ngày tôi chia tay với trường, anh Luận cũng đã trao tặng tôi bài thơ “Yêu mãi những dòng thơ”:
                           Gởi người đồng điệu khúc tình thơ
                           Cho dẫu mai sao có nhạt mờ
                           Hùng dũng, uy nghiêm niêm luật cũ
                           Yêu kiều, duyên dáng điệu vần xưa
                           Mãi thương Chung Tử tình không thiếu
                           Những mến Bá Nha nghĩa vẫn thừa
                           Dòng thác thời gian gầm thét đổ
                           Thơ  bền son sắt thủy chung xưa.”
                                       (Phan Trường Luận)  
      Những ngày đầu, thầy hiệu phó Vũ Hoàng Chương thông cảm, xếp thời khóa biểu cho tôi dạy bốn ngày một tuần. Tôi chủ động thời gian nên không lần nào  đi trễ. Có học sinh thường đi trễ, tôi chỉ  nhẹ nhàng bảo: “Nhà thầy cách trường 10 km mà  thầy vẫn đến lớp đúng giờ thì các em chắc không có lí do gì để đi trễ cả.” Từ đó về sau, rất ít học sinh đi học muộn.
      Sau này, đạp xe đi về mỗi ngày 20 km trên con đường khổ ải đó khiến cho tôi kiệt sức nên tôi quyết  định ở trọ lại trường. Chúng tôi có một căn gác gỗ rộng độ 20 mét vuông cho bốn thầy giáo độc thân (tính luôn thầy Lương Minh Thư – giáo viên dạy tiểu học kiêm nghề hớt tóc, sống xa gia đình). Tầng dưới phân làm đôi, một nửa là phòng học tạm cho lớp một, nửa kia là căn hộ của gia đình thầy hiệu trưởng.
      Thời bao cấp ngày ấy, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Lương giáo viên mới ra trường như chúng tôi, do ở vùng sâu nên được lãnh trọn 55 đồng. Mỗi tháng mua được 16 cân gạo và nửa cân thịt heo mua bằng tem phiếu. Tôi có gia đình ở gần nên thỉnh thoảng mang vào một ít thức ăn. Tội cho hai bạn Lê văn Vinh và Trịnh Thế Hoài, giáo viên hóa sinh phải rời nhà mình tại thành phố Biên Hòa với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt để đến nơi khỉ ho cò gáy này; thức ăn hằng ngày chẳng khác chi thức ăn của các thầy tu khổ hạnh, chỉ có cơm với nước tương và chao mặn. Thỉnh thoảng, vài em học trò đem biếu thầy nải chuối hay quả đu đủ chín thì mới có được chút chất tươi. Tôi còn nhớ một tối nọ, hai bạn đi uống cà phê khuya về đói bụng, lục cơm nguội ra, đổ nước vào nấu thành nồi cháo rồi nêm nếm hành, tiêu, bột ngọt. Bốn anh em ngồi quanh nồi cháo, mỗi người một tô sì sụp húp, vui miệng cười đùa, người tranh gắp cái cánh, kẻ tranh gắp cái đùi gà, cười nói râm ran. Ai ngờ sự đời oái oăm, nhà hàng xóm gần đấy lại mất con gà mái mới vào ổ ấp được hai ngày. Thế là chị chủ nhà cứ chửi xỏ xiên, bóng gió, chúng tôi nghe thấy mà não cả lòng. May thay, vài ngày sau, thằng cháu chị chủ nhà bị bắt quả tang đang ôm con gà khác của nhà chị đi bán. Hắn đã thừa nhận con gà trước cũng một tay hắn ôm đi bán để có tiền chơi bida cùng chúng bạn. Thế là oan tình của chúng tôi được giải.
      Lần khác, trên đường vào trường, tôi được công đoàn phân công ghé cửa hàng lương thực ở  xã Phú Túc để mua thịt heo tiêu chuẩn cho giáo viên toàn trường. Sau khi công đoàn chia thịt xong, bị thiếu mất hai lạng, lòng tôi cứ áy náy không yên, sợ mọi người hiểu lầm mình, nhưng cũng chẳng có cách nào giải thích được. Ai ngờ một tuần lễ sau, nhà tôi ở xã Phú Cường bốc lên mùi hôi thối như mùi chuột chết. Lần tìm theo mùi hôi, tôi phát hiện hai lạng mỡ bầy nhầy dính trong cái giỏ đệm đựng thịt heo hôm tôi mua giúp trường, đã bốc mùi nồng nặc. Thế là lòng lại thấy thanh thản!
       Sinh hoạt cực khổ, thiếu thốn trăm bề: không có điện, không tivi, không phim ảnh, không ca nhạc, không sách báo mới nhưng rồi tình cảm hồn nhiên, thơ ngây của đám học trò nhỏ đã níu chân chúng tôi lại. Ngày ấy, ngoài giờ làm rẫy, chăn nuôi phụ giúp gia đình thì có lẽ trường học là nơi vui nhất của các em nên chẳng có em nào lười học, vô lễ hay bỏ học rong chơi như học sinh ngày nay. Tôi còn nhớ mình đã viết:
                           “Sáng nay sương mù giăng thấp
                           Ba lô, cặp sách lên  đường
                           Một mình một con ngựa sắt
                           Vào với học trò  thân thương.

                           Thương em vùng sâu khát chữ
                           Thiếu sách, thiếu lớp, thiếu thầy
                           Nên chi đến rồi không nỡ
                           Đành lòng nói chuyện rời xa.” 
      Lạ  một điều, học hành trong hoàn cảnh thiếu thốn như  vậy mà các lớp học sinh đầu đời của chúng tôi vẫn có nhiều em thành đạt. Có em trở thành cán bộ lãnh đạo tại địa phương. Có em trở thành kĩ sư tin  học, kiến trúc sư, bác sĩ. Có ba em đi tu và đã được thụ phong linh mục. Có em nối gót chúng tôi trở thành thầy cô giáo dạy lại đàn em nhỏ ở ngay chính ngôi trường mà các em đã từng theo học. Có em trở thành chủ doanh nghiệp. Có em vẫn bám rẫy bám vườn. Nhưng điều đáng mừng là tất cả các em đều trở thành những công dân tốt trong xã hội. Các em vẫn thường tổ chức họp mặt cựu học sinh, vẫn liên lạc với chúng tôi đều đặn.
      Tôi nghiệm ra rằng đó cũng là hạnh phúc của nghề  dạy học: được tận mắt nhìn thấy những mầm xanh mình ươm trồng ngày nào đã nở hoa, kết trái cho đời.
      Phần tôi, ngoài giờ dạy học và soạn bài 
“ Đèn khuya thức soạn trang giáo án
Bài chấm chưa xong, muội tỏa mờ”, tôi vẫn tự học tiếng Anh bằng cách đàm thoại với anh Lương Minh Thư mỗi tối và mày mò dịch cuốn truyện dành cho thiếu niên: “Con trai John của tôi đi biển” (My boy John that went to sea) của nhà văn James Vance Marshall. Dịch xong, tôi cưỡi ngựa sắt từ trường lên tới Nhà xuất bản Đồng Nai tại Biên Hòa nộp cả bản dịch lẫn nguyên tác tiếng Anh để xin xuất bản. Sau đó, chúng tôi đã có được giấy phép xuất bản do Cục xuất bản – báo chí ở Hà Nội cấp. Nhưng thật đáng tiếc, thời điểm năm 1988, nhà nước không còn bao cấp giấy in sách nữa, thế là bản dịch của tôi đành xếp xó cho đến tận bây giờ.
      Thời gian vẫn vùn vụt trôi đi, rồi cũng có lúc phải nhìn lại để lo cho tương lai của bản thân và gia đình. Sau bốn năm công tác, tôi đã xin thuyên chuyển về Long Khánh để khỏi sống mãi cảnh:
                           “Gác trọ nhìn trăng thoáng lạnh lòng
                           Sương mờ  giăng phủ mảnh trời trong
                           Thương em phố  Khánh giờ chắc nhớ
                           Hai đứa hai đầu mãi ngóng trông.”
      Ngày chia tay, các bạn đồng nghiệp cùng nhau liên hoan với nồi cháo vịt (có thịt vịt hẳn hoi chứ không phải nồi cháo gà đầy cổ cánh đùi cẳng tưởng tượng của ngày nào).
      Tôi cảm khái ghi lại trên vách tường ván của văn phòng nhà trường “Lời giã từ Suối Nho”:
                           “Suối Nho ơi, xin giã từ tất cả
                           Con đường đất, nắng bụi mưa lầy
                           Xin giã  từ bao năm dài vất vả
                           Tôi rời trường, bụi phấn trắng bàn tay.
Đồng nghiệp ơi, xin chúc người ở lại
Niềm tin yêu giữ mãi tròn  đầy
Xin thương lấy đàn em thơ dại
Và yêu nghề, tin tưởng ở ngày mai.” 
      Một phần tư thế kỉ đã qua đi với biết bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống, thầy giáo Vũ Hoàng Chương sau này học tiếp lên và đã lấy  bằng thạc sĩ Giáo dục học, hiện nay đang giảng dạy  ở trường Cao đẳng kĩ thuật tại tỉnh An Giang. Thầy Vinh và thầy Hoài đã chuyển về Biên Hòa. Thầy Vinh trở thành một chủ doanh nghiệp thành đạt. Còn thầy  Hoài, do dư giáo viên cấp hai nên chấp nhận dạy tiểu học từ đó đến giờ. Về phần tôi, tôi phấn đấu học tiếp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, nhận bằng cử nhân Anh văn và chuyển hẳn sang giảng dạy tiếng Anh.
      Sự  nghiệp giáo dục của xã Suối Nho ngày nay cũng phát triển vượt bậc. Từ ngôi trường phổ thông cơ  sở xập xệ ngày nào, bây giờ xã Suối Nho có một trường THCS Suối Nho bề thế với 39 lớp gồm 1336 học sinh và 87 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trường Tiểu học Võ Thị Sáu với 25 lớp gồm 632 học sinh và 34 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Nhà nước còn đầu tư 13 tỉ đồng để xây dựng ngôi trường Tiểu học Suối Nho mới trên nền trường cũ cùng với 2 tỉ đồng đầu tư cho trang thiết bị.
        Tôi đã đến thăm và vô cùng ngạc nhiên, thích thú khi liên tưởng ngôi trường cũ là  cô bé lọ lem, qua phép mầu của thời gian, công sức của nhân dân đã hóa thành nàng công chúa kiêu sa rực rỡ đến vậy. Tôi không quá lời đâu! Tôi đã đến nhiều ngôi trường nhưng chưa từng thấy ngôi trường nào được thiết kế đẹp đẽ, hiện đại và hài hòa như thế với cảnh quan môi trường thực sự xanh, sạch, đẹp. Trường có 23 phòng học và các phòng chức năng với 35 lớp và 55 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, đang phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia.
Thầy HT Võ Thủ Tịnh cùng các học trò
      Tôi nghĩ rằng thầy hiệu trưởng Võ Thủ Tịnh xứng đáng là một chiến sĩ văn hóa –  giáo dục với đầy đủ ý nghĩa của từ  này, bởi lẽ các lớp học sinh cấp hai đầu tiên của xã Suối Nho sẽ mãi biết ơn thầy vì thầy đã dám không tuân lệnh cấp trên buộc giải tán các lớp cấp hai, thầy vẫn cố gắng duy trì để chờ chúng tôi về chung tay góp sức. Nếu thầy tuân lệnh, chắc chắn 5 lớp học sinh cấp hai ngày ấy sẽ không có được cơ hội thành đạt như hôm nay. Ngồi trò chuyện với thầy trong phòng hiệu trưởng được bài trí trang nhã, với các phương tiện làm việc hiện đại, tiện dụng, nhìn ra sân trường rộng rãi, thoáng đãng, ngập tràn ánh nắng ban mai, tôi cảm nhận bầu nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục vẫn còn cháy bỏng trong tâm hồn của một người thầy đã dành trọn cuộc đời mình cho công việc trồng người.
      Tạm biệt thầy, cầu chúc thầy sức khỏe để hoàn thành ước nguyện xây dựng trường Tiểu học Suối Nho thành trường chuẩn quốc gia trước khi về nghỉ hưu, tôi ngắm nhìn lại ngôi trường một lần nữa, lòng rưng rưng hoài niệm về cảnh cũ, người xưa, về một quãng đời thanh xuân với biết bao kỉ niệm buồn vui trên mảnh đất này. Tôi cảm thấy mừng vui trước sự đổi thay kì diệu của Suối Nho ngày hôm nay. Chiếc xe máy của tôi bon bon trên con đường nhựa phẳng lì, “con đường đất nắng bụi mưa lầy” của ngày xưa đã lùi vào dĩ vãng, những ngôi nhà tranh tre nứa lá ngày nào đã biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố với các kiểu dáng kiến trúc khá đẹp. Bầu trời mùa thu xanh thẳm một màu, nắng thu như vàng hơn và làm thắm hơn màu đỏ của những chiếc khăn quàng trên vai đàn em nhỏ lúc tan trường. 

Long Khánh, 04/10/2010.
      Lê Đình Hùng
     Giáo viên Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ Long Khánh.

1 nhận xét:

  1. Một thầy giáo trẻlúc 22:52 13 tháng 12, 2011

    Đọc bài viết tôi thật sự xúc động! Trải qua những ngày khó khăn như thế! Phải thật sự yêu nghề, tâm huyết với nghề giáo mới không rời bỏ bục giảng. Những người thầy ngày xưa ấy bây giờ tóc đã bạc nhưng họ mãi là tấm gương cho con cháu noi theo. Tôi là một nhà giáo trẻ. Tôi xin cúi đầu ngưỡng mộ trước đức độ của những đồng nghiệp đi trước.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...