Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Nghề thầy không bạc bẽo

                                  Truyện Ngắn
                               MANG VIÊN LONG
Năm
Tôi có chuyện buồn nên muốn đi xa năm mười hôm cho tâm trí ổn định, bình thường; và tôi đã chọn nơi tôi dạy học trước kia để dừng chân. Ở đó, tôi có nhiều bạn văn, bạn đồng nghiệp và những người học trò cũ…
 Ngày đầu tiên, tôi quyết định đến thăm chùa P.L nơi thầy Thiện Đạo làm viện chủ, mà đã hơn hai mươi năm tôi chưa có duyên gặp lại. Dự định là chỉ lưu lại với thầy một hai hôm thôi, vì tôi còn phải về thị xã để sống với bạn bè đang chờ. Tuy vậy, cảnh chùa yên tĩnh, xinh tươi – nhất là tình cảm ưu ái của thầy, các cô chú, và quý đạo hữu trong thôn làm tôi cứ nán lại hoài. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được sống ở đây.
  Một buổi sáng, thầy có việc về họp ở tỉnh hội, tôi thả bộ lang thang khắp xóm, hướng thẳng đến khu rừng bạt ngàn phía trước ; chẳng để ý đến thời gian. Bất ngờ, một toán người – có lẽ là dân phòng, chặn tôi lại, hỏi giấy tờ, và lý do tôi đến H.T. Tôi vui vẻ cho biết, tôi đến H.T. không có lý do gì   ngoài việc ghé thăm chùa P.L và thầy Thiện Đạo. Sau một lúc “hỏi thăm” kỹ về lý do – họ mời tôi về trụ sở xã để gặp vị trưởng công an.
 Ở xã, tôi chờ khá lâu, mà người cần gặp lại đi vắng. Tôi cũng không vội vã gì, ngồi ở ngoài hiên trụ sở, hút thuốc; nhìn ngắm quang cảnh mới lạ, bình yên trước mắt; lòng cảm thấy vui vui. Khoảng gần 11giờ trưa, có hai chiếc xe con chạy vào, người du kích bảo vệ vội chạy ra mở cổng. Toàn bộ cán bộ chủ chốt đều có mặt trước thềm để đón. Tôi nghĩ bụng, có lẽ khách quý đến thăm chăng?
Bốn người trên hai chiếc xe bước xuống, đi thẳng vào hiên, trông có vẻ gấp gáp. Tôi lùi lại, định tìm ra ngồi ở một gốc cây phía sau, để tiếp tục chờ.
-Thưa thầy, sao thầy lại có mặt ở đây? Gịong một người đàn ông trạc bốn lăm tuổi lễ phép hỏi.
Tôi quay lại nhìn kỹ, cố nhớ – ngần ngại trả lời:- “ À… tôi xin lỗi, có lẽ là tôi đã quên …”
-Thầy không còn nhận ra em sao?
Tôi chợt nhận ra cái lỗi hay quên của mình, cảm thấy lúng túng, cười: - “ Có lẽ là tôi đã quên thật rồi !”
- Em là N.H.T đây mà!
Tôi niềm nở cầm lấy tay T: - T. đây à? “ T. gầy và hiền nhất lớp ” đây à? Gần ba mươi năm rồi còn gì ! Trông em khỏe hơn xưa nhiều…
 Mấy người cùng đi và cả nhân viên xã đều đứng quanh tôi, nhìn chúng tôi có vẻ lạ lẫm và thích thú. Tôi cho T. biết lý do tôi đến H.T và lý do “bị” ở đây: “Thầy đang chờ ông trưởng công an xã”. T. quay lại, nắm tay một thanh niên khoảng trên ba mươi, cười: “ Đây là thầy cũ của tôi, anh thông cảm để thầy được tự do ở lại H.T đến lúc nào muốn đi thì tùy ý nhé !”. Tiếng người thanh niên “dạ” rất nhỏ. T. chợt cầm tay tôi: “ Hay là thầy chờ em một lát, cùng về T.H với em luôn, để các bạn có dịp đến thăm… Có được không, thưa thầy ?”.
  Tại nhà riêng của T, suốt buổi chiều, những học sinh cũ của tôi đã lần lượt tìm đến. Có người tôi còn nhớ rõ họ tên, có người T. phải “giới thiệu”.
- Có phải đây là Lê Ngọc Trai không?
- Thầy nhớ đúng rồi, nhưng bây giờ là Ngọc Hùng – giám đốc công ty xây dựng cầu đường…
- Tấn Thả phải không?
- Dạ phải.
T. tiếp lời: “ Bây giờ là Tấn Thoan – phó chủ tịch xã… Còn Lê Hiền đây là phó bí thư kiêm chủ tịch; bỏ chữ “Đức” lót ở giữa…”
Có nhiều điều làm tôi ngạc nhiên, thích thú, và rất mãn nguyện vì những người học trò cũ của mình: gia đình người nào cũng ăn nên làm ra, con cái trưởng thành tốt đẹp, và nhất là vẫn giữ nguyên tình bạn học cũ gần gũi, thắm thiết như xưa.
 Hồng Mai vui vẻ hỏi tôi: - “ Thầy biết anh N.H.T làm gì chưa thầy?”
Tôi nhìn T. , cười: - “ Chưa biết !”
- Bí thư Huyện ủy đó thầy! – Mai hồn nhiên – sắp thăng chức về tỉnh rồi…
Tôi hỏi: - “Còn em ? Làm gì nào ?”
- Lũ em làm “phó thường dân” đó thầy! – Tiếng Mai và cả đám cười giòn.
  Trương Lợi và Nguyễn Viết Chánh bây giờ là hiệu trưởng và hiệu phó ngay ngôi trường đã học lúc tôi về dạy năm đầu tiên. Sen là vợ của Nghệ. Tấn Hiệu là chồng của Ngọc Hương. Hồng Mai đã làm sui hai đám…
  Suốt buổi chiều, bên bàn tiệc, chúng tôi cùng nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ – cùng vui cười, khiến tôi quên bẵng nỗi buồn riêng; cứ ngỡ là mọi chuyện chỉ vừa mới xảy ra đây thôi. Thời gian tuy có qua nhanh, có đổi thay, mà tình người vẫn còn lại mãi mãi…
Năm…
      Đứa con gái út của tôi vừa lên ba tuổi, bị một mụt “bạc đầu” mọc sau ót. Tuy có bị nóng sốt, đau nhức, nhưng nhờ thuốc kháng sinh nên cũng có phần thuyên giảm. Một hôm chạy đi chơi, bị vấp ngã,va đầu xuống nền. Lại đúng vào vị trí cái mụt nhọt. Thế là đêm ấy mụt sưng dần lên, đau nhức, kèm sốt cao. Sáng sớm hôm sau vợ chồng tôi mang cháu đến trạm xá xã.
  Từ xã lên bệnh viện huyện. Cháu lại được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Thời gian gần hết một buổi. Khi được đưa vào phòng cấp cứu thì cháu sốt mê man, có triệu chứng khó thở. Đúng vào giờ nghỉ trưa, nên bác sĩ trưởng phòng vắng. Chúng tôi khẩn khoản xin hai cô y tá trực cho cháu thở oxy – chờ buổi chiều.
Bình oxy được mang đến, nhưng đã gần hết rồi. Một cô sốt sắng chạy đi mượn bình oxy chưa dùng của phòng khác, trong lúc cháu đang có bọt sùi ra ở miệng. Nhờ có bình oxy kịp thời, cháu có vẻ bình yên trở lại…
- Ai đã tự tiện đi lấy bình oxy mới về đây? – Bác sĩ   Nh. hỏi có vẻ nghiêm khắc.
 Tôi tiến lại gần cô bác sĩ trưởng phòng: _ Chính tôi đã nài nỉ các cô giúp cho cháu… Bác sĩ thứ lỗi cho vậy!
 Bác sĩ Nh. cầm lấy bàn tay tái nhợt của con gái tôi, liếc nhìn qua khuôn mặt đã dần chuyển màu xanh sậm, lắc đầu. Tôi chìa hai lọ thuốc hồi sức Solu-cortef mà dì cháu đã bỏ công một buổi đi dò tìm mới mua được, khẩn thiết nói: “Xin bác sĩ cho phép chích cho cháu…”.
 Bác sĩ Nh. chậm rãi đến ngồi vào bàn làm việc, giọng lạnh lùng: - Ông có chích vào cũng vô ích!
Rồi buông thõng câu nói một cách khô cứng: “Phí phạm!”.
 Vợ tôi sụt sùi khóc: - “ Xin bác sĩ hết lòng cứu cháu, chúng tôi không ngại tốn kém !”
Nhìn gương mặt con có vẻ như đang thâm tím dần, ở khóe miệng lại sùi bọt, tôi nóng lòng giục: “Bác sĩ chích hộ gấp cho cháu!”.
- Ông hãy lên xin ý kiến của bác sĩ Phó giám đốc bệnh viện…
  Tôi cầm lọ thuốc chạy qua hai dãy nhà, lên tầng lầu, đẩy cửa phòng bác sĩ phó giám đốc: “Xin bác sĩ cho phép chích lọ thuốc để hy vọng cứu sống cháu…”.
  Bác sĩ ngước lên nhìn tôi giây lâu. Tôi chợt thấy áo bluse trắng có thêu tên “BS. Lê Kim Quang”. Tôi kêu lên: -em là Lê Kim Quang phải không?
- Thầy! – Quang đứng dậy ôm choàng lấy tôi.
Tại phòng cấp cứu, Kim Quang nói với bác sĩ Nh: “ Người nhà có yêu cầu, tôi đồng ý cho chích, cô thông cảm giúp …”. Bước lại gần con tôi đang nằm bất động, đang có triệu chứng co giật, Quang quay lại bảo cô y tá mang cho anh ống tiêm, tự tay chích thuốc cho cháu…
  Anh viết toa, nhờ y tá lên phòng dược nhận thuốc gấp. Anh dặn bác sĩ Nh: “ Cô truyền thuốc cho cháu, tôi sẽ quay lại để hội chẩn…” .
  Con tôi đã qua được hai ngày nguy kịch, đang hồi tỉnh dần. Cháu có thể uống được chút sữa. Một buổi sáng, một nhân viên bệnh viện mang đến cho tôi hai bình Serium một trắng, một vàng, nói là của bác sĩ Phó giám đốc gởi. Tôi vui mừng mang hai bình Serium đến bàn bác sĩ Nh.
- Thưa bác sĩ, nhờ bác sĩ giúp cho cháu…
- Ông muốn truyền bình nào?
- Thưa, tùy bác sĩ quyết định. Tôi có biết gì về thuốc men đâu!
- Ông nói vậy chứ không phải vậy đâu!
  Tôi im lặng, quay về chỗ ngồi. Từ ngày có Quang thường xuyên lui tới thăm cháu, Bác sĩ Nh. có vẻ không bằng lòng. Sáng nào Quang cũng đến sớm thăm cháu, góp ý với bác sĩ Nh. về cách điều trị,có khi mang theo sữa và cam cho cháu nữa. Tôi rất biết ơn Quang nhưng chưa biết phải làm gì, nói gì để Quang hiểu được. Vợ tôi giục nên đến thăm Quang với quà cáp.Tôi không làm thế. Tôi hiểu ý học trò mình, Quang nhiệt tình cứu con tôi không phải vì vậy. Có món quà nào xứng đáng dành cho những tấm chân tình cao quý như thế đâu?
  Ngày con tôi được chuyển qua phòng hồi sức để chờ ngày xuất viện, tôi quyết định nói rõ mối quan hệ giữa tôi và Quang cho bác sĩ Nh. để tránh ngộ nhận. Một sự hiểu lầm không tốt cho Quang – người học trò cũ thật chí tình, đã mang lại cho gia đình tôi niềm vui lớn, và cho riêng tôi nguồn an ủi vô tận.
- Thưa bác sĩ, tôi thay mặt gia đình hết sức cám ơn bác sĩ đã cứu sống cho con tôi…
- Ông nên tìm bác sĩ Quang mà nói…
- Bác sĩ à, Lê Kim Quang là học trò cũ của tôi, hơn 20 năm rồi, tình cờ gặp lại… Quang xưa kia rất hiền, tốt bụng, và nhất là học rất giỏi: bây giờ cũng vẫn vậy!
  Tôi im lặng giây lâu, Bác sĩ Nh. thoáng ngước lên nhìn tôi – như thể chưa nhìn thấy tôi lần nào trước đây. Tôi nói như tâm sự:
- Quang đã tự nguyện đến thăm cháu, cho thuốc, cho quà, chớ chúng tôi không hề có yêu cầu… Lúc này, tôi không thể khước từ lòng tốt của Quang; tôi mong bác sĩ thông cảm cho!
  Bác sĩ Nh. lại nhìn tôi, giọng trở nên thân mật: - “ Không có gì đâu, thưa thầy! Cháu cũng có những người thầy học cũ. Nếu có gì sơ suất, hy vọng thầy sẽ tha thứ cho cháu !”
- Xin tạm biệt và cám ơn cháu nhiều nhé!
Bác sĩ Nh. đứng dậy, tiễn tôi ra khỏi phòng.
Hai cô y tá cũng nhìn theo chúng tôi, mỉm cười. 

MANG VIÊN LONG

1 nhận xét:

  1. Tịnh Võ: Rất đồng cảm với Thầy ! Nhưng có cái gì đó cứ nghèn nghẹn nơi cổ họng rất khó nói với ý của Thầy xưa ...

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...