Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Guốc Mộc

Giang Lam
          Qui Nhơn đã vào những ngày giáp tết, không khí thật rộn ràng bởi những người đi mua sắm. Đâu đâu cũng toàn cũng toàn người là người khác xa hẳn với vẻ yên bình và tĩnh lặng vốn có của một thành phố trầm lắng ven biển. Người lớn thì bận rộn với sắm sửa ngày tết, trẻ con thì háo hức và nô nức khi theo bố mẹ để được những bộ đồ mới cho ngày tết. Lúc nào cũng vậy, mọi thứ đều phải mới trong ngày tết đối với tết Việt. Từ quần áo cho tới đôi giày, tất cả phải đều mới tinh tươm trong ba ngày tết. Cái không khí ấy như lan truyền qua cho cả tôi, tôi lại nao nao nhớ về tết năm nao theo mạ tôi xúng xính đi mua quần áo và cả đôi guốc mộc mang trong ngày đầu tiên của năm mới. Yêu làm sao đôi guốc mộc mạc, chân chất và dễ thương đến lạ lùng. Tôi truyền cả cái sở thích ấy cho con gái của tôi, nên mỗi khi tôi vào Sài Gòn để thăm con thì cháu lại dẫn tôi ra chợ Bến Thành,để tôi thỏa thích với những gian hàng bán guốc ở chợ.
Khi đến chợ Bến Thành con gái tôi dẫn tới ngay hàng guốc, tôi bị choáng ngợp bị những đôi guốc đủ màu sắc và kiểu dáng. Từ những đôi guốc mộc đơn giản đến những đôi guốc sang trọng sơn mài khẩn xà cừ. Chủ nhân của gian hàng guốc là một phụ nữ vui vẻ,khoảng từ sáu mươi cho tới bảy mươi tuổi đon đả mời chào chúng tôi, giới thiệu những đôi guốc với những câu chuyện thật là thú vị. Tôi và con gái bị thu hút bởi sự lành nghề cùng với tài đóng guốc thiện nghệ của bác ấy. Cả hai mẹ con tôi đã mua tới những bốn đôi guốc,thay vì dự định ban đầu là một đôi, đôi nào cũng đẹp cả.
Tất cả những kỷ niệm ngày xưa về đôi guốc bỗng ùa về trong đôi. Ngày tôi còn nhỏ thì thời đó ai cũng đi guốc cả, các bà,các mẹ và các chị ai cũng đi những đôi guốc mộc đơn giản. Cứ mỗi lần khoảng trước tết một tháng, thì mẹ tôi lại dẫn chị em tôi ra chợ để chọn những đôi guốc cho chúng tôi mang vào dịp năm mới.
Thời đó những đôi guốc dành cho con nít, người ta sơn đủ màu xanh,đỏ,vàng,cam. Những đôi guốc mộc đơn giản không cầu kỳ bằng gỗ nhẹ và sơn tay rồi vẽ  trang trí hoa lá sặc sỡ . Rồi sau đó đôi guốc được hoàn thiện bằng cách đóng thêm một đôi quai màu trắng có hoa văn. Người làm guốc chắc sợ dễ nhầm nên hai chiếc một đôi,người ta đóng bằng một miếng lốp cao su cắt mỏng màu đen. Mùi sơn mới bốc lên làm cho chị em tôi thích thú, cứ dặn nhau rằng sáng mồng một mới lấy ra mang. Dù thích thú lắm nhưng chỉ thử thôi chứ không thể nào đi được, vì nó mắc sợi dây ở giữa. Có đêm chị người làm hù rằng sợ ông tý sẽ tha mất đôi guốc mới, thế là tôi mang theo vào trong giấc ngủ . Và rồi tôi háo hức chờ đợi tới mồng một tết để được mang đôi guốc mới.
Lớn thêm chút nữa, khi tôi vào lớp sáu mặc đồng phục áo dài trắng,thì mẹ tôi dắt tôi ra người bán guốc ở chợ,để mua cho tôi một đôi guốc sơn màu trắng. Người bán guốc cẩn thận đóng quai bằng hai chiếc đinh hờ cho dính để cho tôi thử  vừa chân, khi thử vừa xong họ sẽ đóng ngoài quai thêm một miếng lót và đóng lên đó ba cái đinh đồng,có bọc đầu đinh chuyên dùng cho đóng guốc. Để nó giữ quai guốc được chắc chắn và phía dưới guốc người ta đóng hai cái đế  để đi cho được êm. Người bán guốc đã đóng chắc thế,nhưng chúng tôi đứt guốc là chuyện thường tình. Vì vậy trong cặp các cô gái chúng tôi,lúc nào cũng có đinh và một vài miếng da đóng lót mà lúc đi mua guốc,người ta đã cho chúng tôi đề phòng khi bị đứt quai. Mỗi lần trong nhóm chúng tôi có một bạn đứt guốc, thì bốn năm đứa chúng tôi hỗ trợ và búa được chúng thay thế bằng cách tận dụng những cục đá lượm được ven đường. Cứ thế đóng vào để đi được rồi về nhà tính sau, nếu gặp những hôm trời mưa mà đứt guốc thôi chịu khó làm “người tình đi chân đất”  tay xách guốc. Vào những thập niên sáu mươi, lúc bấy giờ các cô con gái đi những đôi guốc cao gót của hãng Đa Kao. Phần mũi và thân được làm bằng gỗ, những phần gót cao phía sau được làm bằng nhôm. Đôi guốc thật thanh và được sơn bằng máy,tạo dáng cho không biết bao cô gái tóc dài, eo thon, nón lá và đôi guốc cao. Ngày đó thời con gái, bọn chúng tôi thường rủ nhau tới tiệm guốc Hòa Lợi ở đường Gia Long,sể lựa và mua cho mình những đôi guốc vừa ý. Đây là một hàng guốc nổi tiếng và người bán guốc với đôi tay rất lành nghề đã đóng ra những đôi guốc làm đẹp cho chị em chúng tôi ở thành phố Qui Nhơn này.
Tôi yêu những đôi guốc và yêu luôn cả âm thanh của tiếng guốc gõ trên hè phố,nhất là vào những đêm không ngủ được. Ngày xưa ít xe cộ,nên âm thanh của tiếng guốc trên đường vang rõ trong đêm yên tĩnh. Những tiếng gõ lộp bộp của người đi guốc có đế, đến những đôi guốc mòn lẹt có tiếng kêu lẹt kẹt. Tiếng guốc của người đi dở chân khoan thai, đều đặn cho tới những tiếng guốc kéo lê của  người đi trên hè.  Âm thanh của những tiếng guốc vang lên đều đều trong đêm kéo dài đến tận đầu phố , rồi cứ thế âm thanh ấy thưa dần.. thưa dần…đến khi không còn nghe rõ nữa.
Đôi guốc không chỉ là đặc quyền làm đẹp cho cánh phụ nữ chúng tôi, cánh đàn ông cũng mang guốc. Những người lớn tuổi thường mặc đồ bà ba chân đi guốc hoặc áo dài đen khăn đóng tay mang dù cũng thế. Họ đi những đôi guốc mộc to bản kiểu dáng đơn giản hơn,có đóng một quai ngang chứ không đóng quai xéo như guốc của phụ nữ.
Không biết tự bao giờ, hình ảnh của đôi guốc mộc đã gắn với hình ảnh thân thương của mạ tôi. Mạ tôi cũng là một người rất yêu những đôi guốc mộc ấy. Cho nên tôi thường mua tặng bà một đôi guốc nhân dịp ngày tết, mạ tôi vui lắm. Và đến bây giờ cô con gái lớn của tôi cũng rất thích đi guốc,dù nó không thích hợp với tính chất của công việc.
Bây giờ, tôi đã có rất nhiều giày dép với đủ chủng loại. Có những đôi giày được bảo hành thích hợp cho công việc của mình, tuy nhiên khi nhớ về đôi guốc một thời đã theo tôi… Tôi vẫn dành cho nó một kỷ niệm đẹp khó quên về đôi guốc.
“… Về đây nghe em… mặc áo the đi guốc mộc…”
(Bài hát “ Về đây nghe em” – Sáng tác Trần Quang Lộc)
Giang Lam

3 nhận xét:

  1. Chị Giang Lam ơi!ngày xưa,những năm Đệ nhị,Đệ nhất bọn em cũng đã biết làm duyên với tà áo dài điệu đà bên đôi guốc mộc rồi đấy,cũng biết e ấp nhẹ nhàng ôm cặp vở đi trên đôi guốc gỗ nho nhỏ xinh xinh, vậy mà lúc cần cũng không ngại ngần cho nó vào gốc cây nào đấý, áo dài cột gọn gàng
    lại rồi chạy nhảy vô tư trong sân trường.Giờ nhớ lạị, em thấy...

    Trả lờiXóa
  2. Chị Giang Lam ơi! Bài viết Guốc Mộc của chị dễ thương quá làm em nhớ lại thời đi học. Hôm đó, tan trường, trên đường về nhà, có một cái "đuôi" theo sau. Đang thướt tha "làm duyên" bỗng trật cái chân đứt guốc. Mắc cỡ quá! nhưng cũng phải đành ngồi xuống mở cặp lấy "đồ nghề" ra, đang loay hoay tìm cục gạch thì một bàn tay chìa "cục gạch" trước mặt.Em lí nhí cám ơn rồi làm bộ "tỉnh bơ" đóng guốc. Xong vội vã đi về nhà không dám quay đầu nhìn lại trong lòng run ơi là run...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giang Lam xin lỗi vì mấy bữa nay cái máy bị trục trặc không comments trả lời TC và Irene được.
      Năm mới chúc TC,Irene cùng gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc !
      Giang Lam rất mong hai bạn sáng tác thật nhiều để trang Sư Phạm càng ngày càng phong phú hơn.
      Giang Lam rất mong tiếng nói của các anh chị, các bạn đồng môn góp mặt trên trang SP nhiều hơn nữa.

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...