Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

KL2 - Ý Nghĩa Giáo Dục Trong Phong Cách Kiến Trúc Nội Trú Trường Sư Phạm Qui Nhơn 1969-1975

Vào thời điểm, thứ Ba, 29/11/2011 , tức là 5/11/ Tân Mão (tháng Canh Tý, ngày Mậu Tý, giờ  NhâmTý của năm Tân Mão),đây là một trong hai lúc  chuyển hướng sinh trưởng và tiêu tức của hai khí âm dương trong năm nay, có liên hệ  với nội dung tôi  nói dưới đây.Theo cách ghi âm lịch thì, giờ luôn là Tý.  Trong cách đếm thời gian theo hệ thập nhị phân, dân gian gọi Tý là con chuột, có lẽ do sự tàn phá của nó. và cho nó làm chủ, gốc 12 địa chi(từ Tý, Sửu….đến Hợi), và bắt đầu đếm từ Tý.   Ngày, tháng, năm  thì  đếm bằng  cách liên kết 12 địa chi đi cặp với 10 thiên can (từ Giáp.. đến Quí) là giáp một  vòng. Vì bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60 cho nên chu kỳ của ngày, tháng, năm đều là 60. Người ta  thường nói, đời người 60 năm  đã giáp vòng trời đất.Theo nguyên lý âm dương và sự phát triển  thể chất và tinh thần của con người thì cái chu kỳ   60 năm đặc biệt khác hẳn các thập niên trước. Về thể chất thì con người đã bắt đầu đi vào tuổi già. Công việc và trách nhiệm nhiều lúc chưa hoàn tất nhưng ý chí vẫn còn khỏe mạnh nên dễ gặp trở ngại, do lực bất tòng tâm. Về tinh thần thì đã từng trải kinh nghiệm cuộc sống, đã có quan điểm lập trường rõ  ràng khó ai lung lạc được. Khổng Tử nói, “Người ở tuổi 60 chỉ còn nghe theo trời mà thôi.”(Lục thập thuận thiên). Các nguyên thủ quốc gia thường ít nhất phải đủ 60 tuổi. Tuổi  60 có thể chỉ còn  thích hợp cho cương vị chỉ huy hơn là thừa hành  nên  người ta cũng  cho công chức về hưu ở tuổi  60.
Về tháng âm lịch tính theo chu kỳ Mặt Trăng quay quanh Trái Đất cũng có 12 tháng. Theo sự xếp đặt của kinh Dịch – nguồn gốc  của nó còn có sự bất đồng giữa Việt Nam, Trung Quốc, và Hàn Quốc – theo đó mỗi tháng âm lịch tương ứng với một Quẻ(là một  ký hiệu tổ hợp theo sự biến đổi của hai nguyên lý âm, dương trong vũ trụ). Tháng 11 âm lịch mỗi năm  là thuộc quẻ Phục. Ký hiệu này gồm có 5 vạch đứt  nằm bên trên (hay bên ngoài) và 1 gạch liền ở bên dưới(hay bên trong). Vạch đứt chỉ cho âm tính, vạch liền chỉ cho dương tính (1)
      Gọi tháng 11 âm lịch  thuộc quẻ Phục bỡi  vì trong tháng 10 trước đó 6 vạch đều là vạch đứt, chỉ hoàn toàn thuộc âm tính, đến tháng 11 thì khí dương bắt đầu sinh trở lại nên trong tổ hợp ghi bằng một vạch liền ở bên dưới. Âm lịch gọi tháng 11 là tháng Tý vì nó là thời điểm khởi đầu cho một vòng Sinh-Trưởng-Tiêu-Tức của dương khí trong một năm.  Khí dương là sinh khí, nó kích thích làm tăng trưởng và phát triển sự sống  về mọi mặt được thuân lợi. Người ta thường gieo sạ lúa vụ 3 trong khoảng  cuối   tháng 11 âm lịch, hay  chắc chắn hơn là sau tiết Đông chí, lúc này ngày đã bắt đầu dài trở lại, cây mầm dễ phát triển. Đối với con người về thể chất và tinh thần  cũng có điều kiện thời tiết môi trường sống thuận lợi hơn  những ngày Thu, Đông trước đó.

                     *
      Người ta quan niệm   rằng  tác động giáo dục  không phải là mẹ nào đẻ ra con nấy, nhưng nó giống như vai trò của người hộ sinh giúp bà mẹ đẻ ra đứa con, hay như  người nông phu tạo điều kiện hoàn cảnh tốt  để hạt mầm phát triển thành cây xanh. Liên hệ giữa “thụ mộc “và “ thụ nhân”, giữa trồng cây và giáo dục, nếu phải đề nghị chọn ngày Giáo Dục trong năm thì tôi sẽ chọn ngày Tý đầu tiên của tháng 11  âm lịch trong năm, từ đó đối chiếu với dương lịch mà làm lễ kỷ niệm. Chẳng hạn, năm nay ngày Giáo Dục sẽ là ngày Thứ Ba, 29/11/2011 (tức là ngày 5/11/Tân Mão). Lý do tại sao thì tôi đã nêu ở trên. Có lẽ như vậy thì có cơ sở khoa học về  môi trường sống và phát triển cho giáo dục hơn là chọn một ngày bất kỳ trong 365 ngày theo thủ tục hành chánh.
      Riêng  Cựu Giáo sinh Sư phạm Qui nhơn mỗi năm cũng có  một ngày họp mặt hay “Ngày Hội Ngộ.” Theo nguyên tắc vận hành của thời khí và môi trường sống, nếu phải chọn ngày hội ngộ thì tôi cũng sẽ căn cứ âm lịch chọn vào ngày Ngọ đầu tiên của tháng Năm âm lịch  mà dân gian gọi là tháng Ngọ, từ đó đối chiếu với dương lịch mà tổ chức gặp nhau. Chẳng hạn, năm 2012, Nhâm Thìn này sẽ chọn ngày: Mồng 8 tháng 5 Âm lịch, tức là:  26-6-2012 làm ngày họp mặt. Cơ sở lý do của nó là theo kinh Dịch tháng 5 âm lịch là thuộc quẻ Cấu – ký hiệu tổ hợp gồm 5 vạch liền nằm bên trên chỉ cho khí dương , và một gạch đứt nằm bên dưới, chỉ cho khí âm (2) – Cấu nghĩa là gặp nhau, cấu ngộ tương phùng. Ở thời điểm này khí dương gặp lại khí âm vừa sinh trở lại. Bản tính âm thể hiện ở trí tuệ nhu hòa, nó là hấp lực nên cũng dễ dàng cho sự hội hữu. Nói chung thì mỗi năm âm lịch từ tháng 11 đến tháng 4 thì dương trưởng âm tiêu, và từ tháng 5 đến tháng 10 là âm trưởng dương tiêu. Sở dĩ tôi căn cứ vào kinh Dịch vì đây là một công trình cổ đại Đông phương nghiên cứư về thời gian và sự biến dịch tuần hoàn trong vũ trụ, giúp con người sống thích ứng với thiên nhiên mà không cần can thiệp phá hủy môi trường sống. Tất cả những điều tôi vừa nói đều có liên hệ xa gần đến một trường phái triết học mà người ta thường gọi là quan điểm triết học Nhất  thể lưỡng nguyên. Cũng trong khuôn khổ này bây giờ tôi trở lại với vấn đề chính là tìm hiểu ý nghĩa  giáo dục trong phong cách kiến trúc của hai
khu nội trú trường Sư phạm Qui nhơn  1969 - 1975.

                    *

Hai nội trú của Trường Sư Phạm Qui Nhơn ngày trước, nhìn từ cổng vào thì nội trú Nữ bên phải và nội trú Nam  bên trái . Tức là đứng bên trong nhìn ra biển Đông thì nội trú Nữ bên trái và nội trú  Nam bên phải của
toàn cảnh xây dựng.  Hai  khu nhà nội trú, mỗi khu gồm một tầng trệt và hai tầng lầu, các phòng vây quanh khép kín  như hình quả trứng. Chính giữa là sân cỏ sinh hoạt có lối đi, chỉ có một cổng chính ra vào quay về hướng Đông. Hai khu nội trú này  đối xứng nhau qua một trục theo hướng Đông-Tây đi ngang qua cổng trường và sân cờ. Nếu đứng trên trục nhìn ra cổng trường theo hướng biển Đông thì bên tay phải là một dãy phòng học và văn phòng, đằng sau nó lui lên phía Tây là  nội trú Nam. Và, bên tay trái là một dãy nhà, cũng theo hướng Đông-Tây, dành cho nhà bếp phòng ăn, câu lạc bộ, sân sinh hoạt, phòng ở nhân viên ở tầng trệt,và các phòng học ở hai tầng trên. Đằng sau dãy nhà nầy về phía Bắc là nội trú Nữ. Nối liền hai khu nội trú là một hành lang đi ngang qua hai dãy phòng học, bên trên che bỡi mê đúc nên không bao giờ bị mưa gió làm gián đoạn lưu thông. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là khi tôi mới về dạy ở trường này từ 1970-1971 thì các giáo sinh đã ở đầy trong hai khu nội trú. Chẳng biết do theo qui luật cư trú phái tính hay do tình cờ  mà các Thầy, Cô đã cho giáo sinh nữ ở khu nhà phía Bắc, và nam giáo sinh thì ở khu nhà phía Nam. Đúng  như phương vị của đồ hình Tiên Thiên Thái Cực, tức là nữ hay Ly thì ở bên trái, là phía của bếp lửa và nhà ăn,và nam hay Khảm thì ở bên phải của đồ hình.Tôi hỏi ra mới biết hai khu nội trú này là do một nhà thầu Hàn quốc xây dựng. Văn hóa Hàn quốc vốn không xa lắm  với triết lý Lưỡng nguyên nhất thể và đồ hình Thái cực với các Dịch quải
tổ hợp âm dương mà hiện tại còn thấy trên quốc kỳ của họ. Cho đến nay tại các vùng dân cư Việt Nam, những nơi chưa bị phân lô để xây dựng theo kiểu nhà hộp thời đại, khi từ cửa ngõ  bước vào bất cứ một ngôi nhà cổ truyền nào của người Việt ta đều thấy nhà bếp  ở bên tay phải của ta, tức là bếp lửa ở bên trái của ngôi nhà. Vị trí này trùng khớp với các phương vị mà tôi vừa nêu trên về vị  trí của nhà bếp và nội trú Nữ của trường Sư phạm Qui nhơn, cũng như vị trí của quẻ Ly trên bản đồ  Dịch Quải Tiên thiên. Theo ký hiệu của kinh Dịch thì quẻ Ly ghi bằng ba vạch: hai vạch liền ở hai bên và một vạch đứt ở giữa(3), liền là chỉ cho tính dương, đứt chỉ cho tính âm. Trong bếp nấu cổ truyền của người Việt có ba  trụ bằng gạch, đá, hoặc bằng kiềng ba chân thì hai trụ hai bên cửa là dương hay là hai Ông Táo, và một trụ  giữa là âm hay là Bà Táo. Ký hiệu của  quẻ Ly còn thấy xuất hiện trong các kiến trúc cổ truyền nơi nhà thờ, đình, chùa, nơi thờ phượng dưới dạng Lưỡng long triều  nguyệt, hay Lưỡng long tranh châu, gồm hai ký hiệu dương hai bên và một ký hiệu âm ở giữa. Chẳng hạn ta thấy trên nóc nhà Quốc tử giám Hà nội  vẫn còn biểu tượng này, hình rồng là chỉ cho bản tính dương và mặt trăng chỉ cho bản tính âm.

              *

Trong đời sống nói chung và giáo dục nói riêng thì yêu thương và trí tuệ là hai điều quan trọng nhất. Yêu thương và trí tuệ có chức phận khác nhau nhưng cùng một thực thể trong cùng một con người. Trí tuệ thể hiện ở tính nữ, là tính nội hướng, phân minh nhưng ẩn khuất, cân đối, thường đều, và có hấp lực của cái đúng. Trái lại,  yêu thương hay từ bi,  bác ái thể hiện ở tính nam, là tính ngoại hướng, hiển lộ, mạnh mẽ nhưng bao dung, và dẫn lực của nó là cái thiện. Cho nên người ta nói, thất bại nặng nề nhất của tính nữ là sự sai lầm, và của tính nam là sự trả thù.
Tại sao người ta chú trọng  quẻ Ly như vậy? Một trong các lý do là dấu hiệu quẻ Ly,biểu tượng  trí huệ,  nó chỉ cho sự sáng suốt linh khôn.  Nó  có tính nội hướng giống tính nữ, nó là hấp lực của cái đẹp và cái đúng. Đặc tính của  các công thức, qui luật khoa học là thường đều, ẩn khuất, đúng, và đẹp hay cân đối, ta gọi đó là nữ tính.  Sở dĩ con người ưu thế hơn các chủng loại khác là nhờ ở trí tuệ, linh khôn. Về phương vị thì nó ở bên cánh trái của cá thể.
       Tương ứng ngược lại với Ly là  Khảm, gồm hai vạch âm hai bên và một vạch dương ở giữa(4). Ký hiệu biểu tượng này  chỉ cho nước, cho tình thương, cho sự biến thông vô ngại, nó có tính ngoại hướng, và  là dẫn lực của tính nam. Nó ở về cánh phải của cá thể. Theo qui luật tự nhiên bên phải đưa ra và bên trái nhận vào.
Những gì đã nói - và còn nhiều điều khác  nữa- cho thấy người Việt  không chỉ nói về Âm Dương Thái Cực trên sách vở, nhưng họ thể hiện nó trong mọi sinh hoạt đời sống hằng ngày. Và, nếu dân tộc Việt là một dân tộc có trí tuệ thông minh, hiếu học thì không phải chỉ do kết quả của một thời  đại giáo dục nhất định nào. Thật ra nó đã được định hướng từ lâu, khi  người  ta biết lấy ký hiệu của quẻ Ly, chỉ cho sự sáng của trí tuệ, làm biểu tượng để tôn kính.


                                                                           *
Các cựu giáo sinh  trong thời gian theo học tại trường SPQN từ 1969-1975 đã ở nội trú có thể biết rõ hơn những điều tôi vừa nói. Nhưng điều muốn nhắc lại là các anh, chị em đó trong quãng đời đi học của mình,phải
xa nhà, ít ra cũng đã có được một thời gian sống, ăn ở, học hành, đi chơi, rồi về ngủ nội trú, nhưng nhìn lại vị trí khung cảnh giống như tại nhà  mình ở thôn quê: Cũng bếp lửa, phòng ăn, và chỗ ở của chị em gái ở bên trái; văn phòng làm việc, thư viện sách vở học hành, và chỗ ở của anh, em trai bên phải. Với các thầy, cô, giám thị hay la rầy quở trách nhưng không ngoài mong muốn cho mình  có được tương lai vững chắc. Tuy tại nơi phố thị  ồn ào  nhưng chẳng khác gì ở tại ngôi nhà truyền thống nông thôn với người thân của mình. Đó có lẽ là một trong các căn do làm cho anh, chị  em cựu giáo sinh SPQN tuy đã trải qua nhiều thập niên, mỗi người ở mỗi phưong xa, nhưng khi nhắc nhớ  đến tên, hoặc gặp nhau thì họ chợt nảy sinh một tình cảm giống như ngưòi trong một nhà. Đó  chính là  điểm khác biệt của trường Sư phạm Qui nhơn ngày xưa, còn mọi thứ khác thì  bất cứ chỗ nào, trường nào cũng có thể có được.
Nói về mình là chuyện ít ai muốn làm, nhưng, thật ra qua phong cách kiến trúc các khu nội trú và sự xếp đặt cư trú theo phái tính trường Sư phạm Qui nhơn đã thể hiện phần nào đặc điểm của triết lý “Nhất Thể Lưỡng Nguyên” của Đông phương  vốn đã ăn sâu trong nền văn hóa Việt Nam.Nó đã đưa  cách sống của người dân Việt  và tình thương  của gia đình vào học đường.Và nó  đã đem lại  cho gia đình, xã hội những con  người –ngoài các kỹ năng nghệ thuật làm thầy – bất cứ nơi đâu,dẫu dạy học hay làm nghề khác- đều nổi bật hai phẩm tính là, trí tuệ biến thông, và tình thương yêu hợp nhất. Cho dù vào lớp tuổi nào và ở đâu họ vẫn thể hiện bản sắc  văn hóa Việt  qua  cách ăn mặc, và hành vi ứng xử theo phong cách làm thầy.Đó là những đức tính thuận lợi cho sự an sinh tiến bộ xã hội,và làm cho dòng lịch sử tinh hoa văn hóa Việt giữ được bản sắc quí giá của mình.

                                     *
Người ta nói, có duyên  mới gặp, nhưng phải có nợ nần trói buộc mới ăn ở lâu dài. Và nếu giáo dục là kế hoạch trăm năm, khi đã chọn nghề dạy học là ta đã bước lên trên con đườngđi cả  trăm năm. Thực ra sau 1975, một số Thầy, Cô đã rời nghề dạy học; một số còn ở lại tiếp tục đi cho hết quãng đường. Dù là đường thẳng hay ngả rẽ, với thời gian  xấp xỉ 50 năm, nếu còn đứng trên mặt đất, chúng ta cũng đã rã rời tóc bạc, da nhăn Nhưng, cái phong cảnh thiên nhiên của Sư phạm Qui nhơn ngày xưa vẫn không đổi, ba bề Bắc-Tây-Nam dáng núi non bao bọc,  núi  đá nhúng vào nước biển giống như đôi bàn tay từ đất liền  dang ra ôm lấy biển Đông vào lòng mình. Phong cảnh  này  như nhắc nhở cho các thế hệ bài học về tình thương đất Mẹ trong các cuộc chia ly, cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ ngàn năm của người dân Việt.

Tuy Hòa, tháng Hai, 2012
     Đàm Khánh Hỷ

Ghi Chú:
Quẻ Phục
Quẻ Cấu

Quẻ Ly

Quẻ Khảm

20 nhận xét:

  1. Cho phép con có vài lời : Con nhiều lần đọc kinh dịch , nhưng rất mơ hồ . Đọc bài viết của thầy con vỡ lẽ một số điều . Những lời Thầy , con nghiệm lại mình , sao mà đúng quá . Thật diễm phúc cho con được học trường Sư phạm Qui nhơn , được học các vị Thầy , Con suốt đời ngưỡng mộ và nguyện noi theo . Biển học mênh mông , tiếc rằng hiểu biết của chúng ta quá giới hạn. Theo Tôi , nếu được Anh ,em chúng ta nghe lời Thầy , chọn lại ngày họp mặt , thuận theo ý trời . Anh , em SPQN chúng ta , tôi cảm nhận ,lòng muốn đến để gặp nhau trong ngày họp mặt lắm , nhưng không hiểu sao , lại không đến được !!! Vì cơm , áo , gạo , tiền ... không phải ? vì thiếu tình yêu mến nhau ... không phải ? Tuổi đã xế chiều rồi ! nhưng tại cái gì ? mà chúng em không đến gặp được ? Xin Thầy dạy tâm lý em ngày xưa ! Tư vấn giúp em . Cảm ơn Thầy trước . Xin Thầy viết nhiều về mảng nầy , Em rất thích đọc , đọc để tìm ra nguyên nhân , tại sao như vậy , mà không phải là như thế kia . Chúc Thầy và gia đình hạnh phúc .Mọt học trò nhỏ của Thấy .

    Trả lờiXóa
  2. Trần Đức Lượng Nhị 4 khóa 11lúc 16:25 8 tháng 3, 2012

    Thưa Thầy! Thầy viết bài này hay quá, dễ hiểu quá! Thầy vận dụng kinh dịch chỉ ra được nhiều lẽ khiến em và có lẽ nhiều bạn rất ít cơ duyên hiểu kinh dịch như Thầy mặc dù đọc rất nhiều để tìm biết quy luật âm dương, ngũ hành trong đời hàng ngày. Rất mong được đọc và học ở Thầy nhiều hơn. Kính chúc Thầy cùng gia quyến vạn sự như ý.

    Trả lờiXóa
  3. Xin chào Tịnh Võ và Trần Đức Lượng,
    Xin lỗi, thật ra tôi không am tường Kinh Dịch lắm nên có thể có nhiều chỗ không phù
    hợp với các tác giả khác. Nhũng điều tôi trình bày chỉ là cảm nghiệm cá nhân mà thôi. Bỡi vì chính tôi cũng đã ở trong nội trú Nữ 3 năm cùng với gia đình nên có những cảm giác kỳ lạ về lối kiến trúc của nó.
    Về Kinh Dịch thì tôi cũng chỉ biết đại cương mà thôi bỡi nó có liên hệ đến một phần trong triết học Trung quốc với các tác gia về ngũ hành âm dương. Còn Việt Nam trên mặt lý thuyết sách vở hầu như chưa có một hệ thống triết học nào, ngoại trừ một vài tác giả như Kim Định và Toan Ánh đã nói đến các giá trị của văn minh Việt Nam.
    Tuy nhiên các tinh hoa văn hóa Việt Nam tôi cũng đồng ý với một số tác giả là phải tìm trong dân gian, trong văn học bất thành văn thì chứng cứ phong phú hơn.Bỡi vì một số lớn dữ kiện thành văn đã bị phá hủy hay xuyên tạc bỡi các chế độ thống trị trong các thời kỳ đất nước bị đô hộ. Chẳng hạn trong bài ca dao:
    1. " Người ta đi cấy lấy công,
    2. Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề:
    3. Trông trời, trông đất trông mây,
    4. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm,
    5. Trông cho chân cứng đá mềm,
    6. Trời im biển lặng mới yên trong lòng."
    Chỉ một bài ca dao ngắn như vậy cũng đã bao hàm rất nhiều nội dung triết hoc đã hòa nhập vào sự sống hằng ngày của người dân Việt như thế nào rồi:
    1-2: Tư thế làm chủ không thích lệ thuộc nô lệ
    3-4: Vận dụng nguyên tắc kinh Dịch "Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình"
    5-6: Xác định cương giới lãnh thổ sống của người Việt gồm cả núi non Trường Sơn và Biển Đông chứ không phải chỉ mấy cánh đồng mà thôi.
    Và gọn nhất, tuy trí tuệ như vậy nhưng cuối cùng vẫn là cái tâm phải được bình yên, đó chính là sự sống.
    Cảm ơn Tinh Võ và Đức Lượng đọc bài và khuyến khích, tôi nghĩ trong số anh chị, em đã trải qua SPQN cũng có người rất am tường về vận hành của Thái Cực Âm Dương trong áp dụng thực tiễn nên cùng nhau trao đổi là tốt.
    Chúc sức khỏe và hẹn gặp lại,

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Xin chào Hữu Mai,Đức Lượng, Tịnh Võ,
    Xin lỗi lại phải nói thêm vài điều:
    1) Bài viết của tôi cũng dễ gây ngộ nhận về việc coi ngày, coi giờ.Chẳng hạn Tịnh Võ bảo nghe lời tôi chọn lại ngày. Tôi không dám bảo lãnh chuyện này đâu nhé. Nó không phải là mục đích của bài viết.
    2) Còn mô hình xây dựng hai khu nội trú sau cùng là theo thiết kế của ai, muốn chắc chắn thì hỏi thầy hiệu trưởng Mẫn, hay các thầy , Cô đến trước tôi thì chắc đúng hơn.
    Nếu nó không có liên hệ đến Hàn Quốc thì xin quản trị viên cho xóa chỗ đó di.
    3) Cảm ơn anh Hữu Mai nhắc lại thời điểm lịch sử đó cũng là điểm đặc trưng của SPQN
    ít có trường nào có được, ngoại trừ các trường Tiểu học vùng quê.Tại sao ba bề bốn bên trong cảnh chiến tranh, bom rơi đạn nổ
    sinh hoạt đường phố đầy bất trắc ra ngoài luật lệ qui củ lại có một ngôi trường dạy những điều mô phạm hòa bình với tình thương và tôn trọng nhân cách con người như vậy? Cả đến việc làm thầy mà
    dùng roi đánh học trò ngỗ nghịch cũng không được phép? Anh, chị,em nghĩ lạithử mình có giống như một đứa con sinh giữa mặt trận? Một nụ hoa hồng nở trên gai? Một hoa sen trên đầm lầy? Hay một hoa mai nở được trong mùa đông giá rét?
    4) Về Kinh Dịch thì tôi nghĩ không nên coi thường và cũng không nên đam mê, quá lệ thuộc vào nó. Trẻ đọc sách già đọc kinh đó là chuyện tốt. Kinh sách có hay, lời thầy
    có đúng cũng là của người khác chứ không phải tự tâm mình phát ra. "Từ trong ra ngoài"
    là một trong các nguyên tắc SP mà chúng ta đã học gần nửa thế kỷ nay, bây giờ thì ổ khóa cửa cũng do người bên trong mở ra, người bên ngoài chỉ gõ cửa mà thôi.
    Cảm ơn Ban BT cho đăng bài và các anh Tịnh, Lượng, Mai góp ý.
    Chúc sức khỏe và hẹn gặp lại.

    Trả lờiXóa
  6. Kính gởi quản trị viên Blog SPQN,
    Không nên tự ý xóa nhận xét của thành viên, nếu mạnh tay kiểu này không khéo dẫn tới Blog này, mất hết ý nghĩa của nhà giáo chân chính. Bởi lẽ phạm trù của NHẬN XÉT là nêu lên những đồng ý và cần thẳng thắn bày tỏ những bất đồng, những sai trái của bài viết, chứ không phải chỉ cần cúi đầu vỗ tay là tốt, "thẳng mực Tàu đau lòng gổ", nhà gáo là luôn luôn nói đúng, nói thẳng, nếu lỡ nói sai phải biết lắng nghe. Nhớ lại lời dạy của cố giáo sư Đoàn Nhật Tấn, Thầy luôn luôn nêu lên "Những ưu điểm nên phát huy, những khuyết điểm cần khắc phục". Do vậy diễn đàn của ta cần trân trọng nâng niu những ý kiến bổ sung. Các bạn thử hình dung, nếu mất dân chủ kiểu này người ta đăng chỗ khác, liệu quản trị viên có xóa được không? Tôi đề nghị: Nếu thấy có nội dung phương hại đến Blog như phạm chính trị, nói xấu cá nhân, bôi nhọ danh dự của SPQN, thì cần bàn bạc với tập thể trước khi xóa. Nội dung "GÓP Ý BÀI VIẾT CỦA THẦY Đàm Khánh Hỷ" chỉ những cựu giáo sinh khóa 4, khóa 5 mới biết, còn những khóa sau không thể biết được đâu. Tôi rất thông cảm với ban điều hành của ta, đa số là những bạn trẻ, nên tưởng nhầm nội dung góp ý ấy là sai, nên đã vội vàng xóa ngay. Dù sao tôi cũng trân trọng cám ơn thái độ hết sức tích cực của quản trị viên, vì muốn bảo vệ uy tín của diễn đàn chúng ta, nên đã vội vàng có hành động thiếu cân nhắc. Chúc diễn đàn chúng ta phát huy tốt thế mạnh sãn có, xin gởi lời chào thân thịên. Góp ý nầy cần được duy trì. Xin bắt tay các bạn thật chặt.

    Trả lờiXóa
  7. Xin chào Hữu Mai Và Ban Biên Tập,
    Xin lỗi, tôi được trao đổi vói Hữu Mai đôi điều và nhờ Hữu Mại một việc.
    1) Rất may là tôi có đọc lướt qua nhận xét của Hữu Mai và có đến đ/c được giới thiệu
    thì đúng như vậy. Chúng ta không nên quá lạm dụng và lệ thuộc vào việc chọn ngày lành tháng tốt, hoặc hở một tí là đem Kinh Dịch ra nói thế này thế nọ. Cũng có người say mê đến nỗi người ta nói đùa, ông đó đã bị "mắc Dịch" rồi! Cũng như Game Online ngày nay
    trong giới thanh thiếu niên chúng cũng nói đùa: "cái mặt nó lơ lơ như cái mặt vi tính!" Tuy nhiên về cơ sở triết lý của Kinh Dịch thì ta phải thận trọng khi mà khoa học hiện còn đang dùng hệ nhị phân, tế bào sống cơ thể còn phân liệt nhị phân, năng lượng điện còn ký hiệu tích điện (+) và (-), hoặc ở mức độ ion cũng vậy. Cũng như ngày nay ta không thể nào không dùng máy điện toán mà giải đáp được khối lượng lớn công việc.
    2) Về ngày tháng thì mục đích bài viết của tôi không nhằm coi ngày tốt ngày xấu, nên tôi cũng nghĩ không nên theo đề nghị của anh Võ Thu Tịnh ở trên. Ban Tổ Chức cứ nên tiến hành mọi chuyện theo chương trình của mình là tốt. Mục dích tôi đưa ra hai thời điểm đó chỉ muốn nhắc lại, giáo dục là phục sinh, và hội hữu là gặp lại văn vẻ nhu hòa. Việc người Tây Phương không coi ngày giờ không phải là điều kiện đủ cho sự phồn vinh của họ, bỡi họ có thể nhờ chuyện khác. Cũng như người ngồi trong xe không đội nón nhưng không bị nắng hại da. Vậy phải xét lại chỗ này.
    3) Về thiết kế mô hình hai khu nội trú SPQN sau cùng thật ra đến niên khóa 1970-71
    tôi mới có ở đó. Mọi chuyện tôi chỉ hỏi lại những người trước mà thôi. Vậy muốn rõ ràng thì anh, chị em cứ hỏi lại những người trước tôi thì chắc hơn. Nếu mô hình thiết kế không liên hệ gì đên Hàn Quốc thì đề nghị quản trị viên xóa bỏ chỗ đó đi, hoăc cứ xóa đi cũng được.Thực ra ngày trước tôi có hỏi chứ không phải thấy vậy là tôi suy diễn đâu.Rõ ràng là phải ưu tiên cho giáo sinh nữ ở trước, nhưng khu nội trú nào, phía Bắc hay phía Nam, hoàn thành trước để cho nữ giáo sinh vào ở?
    4) Cảm ơn anh Mai nhắc lại thời kỳ " dầu sôi lửa bỏng" ở Qui nhơn lúc đó. Đây cũng là một điểm đặc trưng của SPQN, ít có trường nào có được, ngoại trừ các trường tiểu học hẻo lánh. Ba bề bốn bên xe cộ, quân binh, rào gai lô cốt; sinh hoạt đường phố nhiễu nhương, dữ nhiều lành ít, pháo rơi đạn nổ, đầy bất trắc như vậy lại có một ngôi trường dạy những điều đạo đức hòa bình của hiền triết, thánh nhân, với tình thương và sự tôn quí giá trị con người, cho đến việc làm thầy mà cầm cái que roi đánh học trò ngỗ nghịch cũng không được phép? Nó có giống với đóa hoa hồng nở trên gai góc?
    Cánh hoa sen nở trên đầm lầy? Hoa mai vàng nở được giữa mùa Đông giá rét?
    Mục đích của tôi là chỉ muốn tìm hiểu giá trị đặc trưng của SPQN có thể có được. Bỡi phải biết mình trước rồi mới nói chuyện người khác, chỉ như vậy thôi chứ không nhằm đề cao SPQN làm gì.Đây chính là điểm mà tôi muốn nhờ anh Mai nếu được có thể nên khai triển điểm này theo chiều hướng tích cực thì rất tốt. Tuy đây là Diễn Đàn của Cựu GSSPQN nhưng truy ra thì tôi cũng có liên hệ đến cộng đông đó nên tôi có ý muốn tham gia xây dựng mà thôi. Các khóa đàn anh thì có thể hứng chịu cảnh bom rơi đạn nỏ, các khóa đàn em nhất là khóa 13 - Tự Thành, thì phải chịu cảnh chia ly "sẩy nghé tan đàn"! SPQN giống như một đứa con sinh ra giữa mặt trận, nó lớn lên trong khói lửa, và cũng tham gia giải quyết trận chiến nhưng không phải bằng hận thù hiếu sát mà là bằng tình thương hiếu sinh và khai mở trí huệ cho con người.
    Xin lỗi tôi nói đã khá nhiều, thấy có gì dùng được thì để lại, có gì chưa đúng hay không tốt cho người khác thì xóa bỏ đi. Trí tuệ con người cho dù ở tuyệt đỉnh cũng không thể biết được chỗ sai của mình. Tôi rất cảm ơn anh chị em.
    Mong tình yêu thương luôn giúp anh, chị, em trong sự thống nhất.
    Chúc sức khỏe và hen gặp lại
    Đ. Khánh Hỷ

    Trả lờiXóa
  8. @ huumai.
    Chúng tôi cám ơn bạn đã gởi lời phản hồi đến quản trị viên blog. Chúng tôi lưu giữ phản hồi của bạn ở đây và sẽ có ý kiến với bạn khi trở lại làm việc. Cám ơn việc bạn đã vào thăm và để lại nhận xét...
    SPQN

    Trả lờiXóa
  9. Thân chào bạn huumai.
    Về hai nhận xét của bạn trong bài “KL2 - Ý Nghĩa Giáo Dục Trong Phong Cách Kiến Trúc Nội Trú Trường Sư Phạm Qui Nhơn 1969-1975” của Đàm Khánh Hỷ, chúng tôi xin có vài lời cùng bạn như sau:
    1/ Trang blog SPQN là diễn dàn của cựu GS SPQN, nơi gởi gắm tâm tư, tình cảm qua những bài văn, bài thơ… nhằm tạo mối dây liên kết giữa thầy xưa, trò cũ; giữa bạn bè đồng môn… Do vậy nội dung bài viết cùng không khí sinh hoạt, trao đổi trên diễn đàn dựa trên nền tảng thân ái, hòa nhã và tôn trọng lẫn nhau. Trang SPQN không phải là một chuyên trang về các vấn đề học thuật và vì thế không cần thiết phải có nhưng tranh cãi về chân lý, khoa học…
    2/ Về lời bàn thứ nhất bạn gởi đi ngày 9/3, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn:
    HuumaiMar 9, 2012 04:56 PM
    Gởi thầy Đàm Khánh Hỹ, đọc bài viết của thầy, tôi xin trao đổi đôi điều
    1. Hai khu nội trú nam và nữ có lễ không phải do một nhà thầu xây dựng (như thầy đã suy đoán), bởi lẽ năm 1967 thì khu nội trú nữ trông đã cũ đi rồi và đã được giáo sinh nữ ở từ trước, mãi đến năm 1969 nội trú nam làm chưa xong.
    2. Việc bố trí nam nữ ở nội trú không theo ý đồ "Âm dương bát quái" gì cả, mà do bối cảnh xã hội ở Qui nhơn giai đoạn đó rất phức tạp, có nhiều người đã dùng cụm từ "Bụi, đĩ, Mỹ, tiền" khi nói về Qui nhơn, nữ giáo sinh không giám ra đường đơn lẽ, việc quá cần thì có 2 cách, một là đi đông người và phải mang áo dài, cài thêm phù hiệu Sư phạm, hai là ngồi vào xe reep của các sĩ quan bạn, do vậy việc ưu tiên cho nữ ở nội trú là việc làm đúng đắn. Vì thời gian đó chỉ mới có một đãy dài duy nhất nên dành cho nữ, sau đó mấy năm mới có kinh phí để xây dựng thêm.
    3. Mong thầy vào Google đọc 2 bài "Ngày lành tháng tốt MHL" và "Ngày lành tháng tốt BÀI GÓP Ý", để điều chỉnh lại bài viết của thầy. Chào thầy
    - ở mục 1, điều bạn viết không có gì mâu thuẫn với nội dung mà ĐKH đã cung cấp, điều dễ hiểu là khu nhà nội trú dành cho Nữ là một khối nhà khác, không cùng chỗ với 2 khu nội trú sau này…
    - ở mục 2, bạn đã vẽ nên hình ảnh một Qui Nhơn thời đó u ám, bẩn thỉu và bất ổn, điều này không đúng và dễ xúc phạm đến tình cảm của nhiều người. Trong giai đoạn chiến tranh ta thường thấy những hình ảnh như lính tráng, lô cốt, rào kẽm gai… nhưng điều đó không có nghĩa là Qui Nhơn bất ổn, mất an ninh.
    - ở mục 3, bạn đã tỏ ra cực đoan và trịnh thượng khi yêu cầu người khác phải dùng Google để tìm đọc những bài viết mà bạn ưng ý trong khi bạn không thèm dẫn link(!), điều tệ hơn nữa là bạn muốn người khác đọc bài của bạn để sẽ thay đổi quan điểm và nhận thức của họ… Bạn đứng ở đâu để cho rằng 2 bài viết ấy là chân lý???
    Bạn huumai thân! Đúng ra nếu có địa chỉ Email của bạn, thì chúng tôi sẽ trao đổi với bạn qua mail thì hay hơn, nhưng rất tiếc là từ khi vào thăm trang Blog, bạn chưa hề xưng danh, do vậy đến bây giờ chúng tôi vẫn không biết liệu bạn có đã từng học SPQN hay chỉ là thân hữu của trang SPQN mà thôi… nhưng qua phản hồi thứ hai của bạn, bạn có nhắc đến thầy Đoàn Nhật Tấn nên chúng tôi đồ rằng bạn cũng là đồng môn với chúng tôi. (?)
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  10. 2/ Về lời bàn thứ hai, hiện vẫn còn thể hiện trong Nhận Xét:
    Lý do xóa lời bàn 1 của bạn thì ở phần trên chúng tôi đã nói rõ, thực ra, nếu bạn thể hiện phản biện của bạn qua một bài viết với một văn phong khoan hòa, đúng mực thì hẳn chúng tôi rất hân hạnh để được post lên trang, nhưng rất tiếc đã không như vậy.
    Ở phản hồi thứ hai, bạn lại tỏ ra quá tự tôn và trịnh thượng khi nói: “Nội dung "GÓP Ý BÀI VIẾT CỦA THẦY Đàm Khánh Hỷ" chỉ những cựu giáo sinh khóa 4, khóa 5 mới biết, còn những khóa sau không thể biết được đâu. Tôi rất thông cảm với ban điều hành của ta, đa số là những bạn trẻ, nên tưởng nhầm nội dung góp ý ấy là sai, nên đã vội vàng xóa ngay” … xin thưa với bạn rằng trang Blog này được lập ra để làm sân chơi cho toàn thể cựu GS của 13 khóa học, nếu bạn đánh giá là hơn một nửa giáo sinh của chúng ta không hiểu điều bạn nói thì việc gì bạn phải đem lời bình của bạn vào trang này??? Bạn cũng nói “Các bạn thử hình dung, nếu mất dân chủ kiểu này người ta đăng chỗ khác, liệu quản trị viên có xóa được không?” hẳn nhiên là như thế rồi bạn huumai ạ! Và việc bạn đăng ý kiến của bạn ở đâu đó thì việc gì chúng tôi phải quan tâm?, nhưng với trách nhiệm hiện tại, chúng tôi cần phải làm tốt để hướng đi của Blog SPQN đúng với tiêu chí đã đề ra.
    Công việc đầu tuần thì nhiều, tranh thủ viết vài dòng trao đổi cùng bạn, chúc bạn cùng thân hữu và gia đình một tuần mới thật vui.

    Trả lờiXóa
  11. Vừa vào trang, phát hiện ra có 2 phản hồi của thầy ĐKH bị hệ thống hiểu lầm và đưa vào Spam, đã phục hồi và thể hiện... xin lỗi cùng thầy.

    Trả lờiXóa
  12. 1.Kính gởi thầy Đàm Khánh Hỷ: Tôi đã bằng lòng với những nội dung Thầy phản hồi, mọi chuyện xin được bỏ qua. Nhưng thưa Thầy tôi vẫn còn áy náy, e không nên đưa nội dung mang tính huyền bí vào Blog này. Thành thật xin lỗi Thầy.
    2.Kinh gởi Ban biên tập: Tôi rất vui mừng vì có được BAN BIÊN TẬP hết sức trách nhiệm, đầy đủ tâm huyết, có dư khả năng hùng biện, tất cả vì danh dự, vì uy tính của SPQN. Nhưng cũng đề nghị cần mang tính công tâm khi luận giải, cần cân nhắc đúng sai
    Thôi thì mọi chuyện xin được bỏ qua, đến đây thì tùy ý của Ban biên tập, nếu muốn để lại những phản hồi này thì để, hay xóa hết tất cả những phản hồi có liên quan đến Huumai thì hãy xóa đi cho NHẸ* Blog. Thân chào, Xin được bắt tay các anh thật chặt.
    Ghi chú: NHẸ*: Nhẹ nhàng, không phải nặng nhẹ. Để mọi người khỏi vấn vương, khỏi hiểu nhầm tính đoàn kết, tình thân ái của Blog SPQN.

    Trả lờiXóa
  13. Cảm phục tư cách của những người Thầy ! khi bị xúc phạm ???...!!!

    Trả lờiXóa
  14. Kính thầy Khánh Hỷ cùng các anh chị đồng môn!
    Vừa qua TC hân hạnh được đọc bài viết của Thầy Hỷ và những phản hồi của các anh chị đồng môn trên trang nhà qua bài viết của Thầy.Xin phép cho TC được có mấy ý như sau:
    -Thứ nhất:TC nghĩ bài viết của Thầy mang tính chất bổ sung kiến thức cho chúng ta,những gì Thầy biết mà lứa giáo sinh chúng mình chưa biết.Chúng ta đọc để tự hào hơn,để yêu hơn ngành nghề của chúng ta cũng như thêm quí hơn ngôi trường đã cho ta nhân cách sống.Như tiêu chí của trang nhà đã nêu,SPQN là nơi để anh chị em đồng môn chúng ta gửi gắm tâm tư tình cảm,những ưu tư,những nổi niềm muốn sẻ chia với bạn xưa Thầy củ...thế thôi!Xin thưa có cần thiết lắm không khi chúng ta gay gắt trong từng câu nói,trong từng suy nghĩ,vì đích đến của BBT trang nhà là chỉ muốn cho chúng ta một sân chơi mang tình thân ái,hòa nhã trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.Nếu trong bài viết của Thầy có đôi chỗ nhầm lẫn,đôi chỗ nhớ quên,chúng mình nên góp ý một cách trân trọng vì tác giả bài viết là Thầy của chúng mình!
    -Thứ hai:Qui Nhơn đã gắn liến với tuổi thơ cũng như cả một thời thiếu nữ của mình ở đó nên TC cũng phần nào biết được bối cảnh của quê hương mình thời đó,nó không đến nổi bi đát như bạn huumai diễn tả lắm đâu.TC và các bạn nữ vẫn sống thong dong,vẫn ngày ngày đến lớp một cách bình thường vì Qui Nhơn lúc ấy tương đối yên bình so với các vùng miền khác lúc bấy giờ.Con gái bọn mình cũng không đến nổi ra đường phải ngụy trang thế này thế kia vì tuy là trong chiến tranh,cũng rào kẽm thép gai,cũng nhan nhản ngoài đường lính tráng qua lại nhưng Qui Nhơn không đến nổi bất ổn và mất an ninh như bạn nói,không như cụm từ mà bạn huumai đã bi quan,nó làm cho bọn mình hơi đau lòng đấy!
    -Thứ ba:Trong tình thân ái và cũng là tiêu chí của trang nhà,TC xin phép được nói lên suy nghĩ của mình,mong chúng mình sẽ luôn là những anh chị em đồng môn thân thiết cùng với BBT từng ngày đưa trang nhà chúng mình đến với mọi người bằng nhịp cầu thân ái và gắn kết yêu thương!Những góp ý,phản hồi nếu có cũng nên nhẹ nhàng,đúng mực trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau,thiết nghĩ chúng mình lúc nào cũng là những người giáo viên chân chính cả,và trang nhà của chúng mình cũng thế!
    Mấy lời mạn phép,kính cảm ơn bài viết của Thầy,cảm ơn BBT đã cho chúng mình có cơ hội gặp gỡ để sẻ chia,để tâm sự, và mong lắm những góp ý khoan hòa để trang nhà chúng ta ngày càng thu hút khách viếng thăm.
    Trân quí!

    Trả lờiXóa
  15. Nhận xét này chỉ dành riêng cho TC11, Xin lỗi thày Đàm Khánh Hỷ, xin lỗi Ban biên tập, đừng bận tâm việc này nữa.
    Thân gởi TC11,
    Đáng ra khi đọc nhận xét sau cùng của Huumai, TC11 không nói gì thêm thì tốt hơn, vì với nội dung ấy chắc các bạn đã thừa hiểu Huumai đã "Rửa tay gác kiếm rồi". Đàng này TC11 lại nói hơi nhiều. Đã vậy thì vầy:
    1.Nếu TC11 học từ khóa 5 trở về sau thì không đáng trách, vì bối cảnh Qui nhơn mà Huumai viết là từ khóa 4 trở về trước, thời gian sau hiện tượng ấy hết rồi, chỉ có điều cần trách nhẹ là, chưa có mặt mà đã làm "nhân chứng".
    2.Nếu TC11 học từ khóa 4 trở về trước mà nói vậy thì thiếu thật lòng, vì con trai thời đó đi học trời nắng vẫn mang áo mưa để hạn chế bụi vào người.
    Duy trì kỷ niệm là chánh đáng, bảo vệ tuổi thơ là tốt, nhưng cũng nên gắn liền "Tình thương" và "Lẽ phải"
    Thân chào.

    Trả lờiXóa
  16. Trần Đức Lượng Nhị 4 khóa 11lúc 10:23 13 tháng 3, 2012

    Thưa Thầy, cùng các bạn!
    Trước tiên em thầm cảm phục nhân cách khoan hòa dịu ái của Thầy! Em đã được đọc hầu hết những bài Thầy viết đều có dấu ấn từ văn phong đến chiều sâu của vấn đề Thầy muốn nói. Nhưng rất tiếc thay vì cảm nhận, học hỏi trong số môn đồ có người phản hồi với lời lẽ, ngôn từ khó nghe đi ngoài tiêu chí khuôn khổ của diễn đàn vì vậy việc gỡ bỏ nhận xét của BBT là phù hợp...Sau khi qua lại và có nhận sai sót, em thiết nghĩ nên để mọi việc trở lại yên vị, mọi cái cũng tìm lại chỗ đứng đúng nghĩa, đừng bàn cải thêm không chừng Thầy sẽ buồn, bạn bè mất vui, giảm tuổi thọ.
    Chào thân ái!

    Trả lờiXóa
  17. Kính thầy Đàm Khánh Hỷ, các bạn huumai, Tịnh Võ, TC11 và Trần Đức Lượng:Rất cám ơn Thầy cùng các bạn đã quan tâm đến trang nhà SPQN để gởi bài cùng gởi các phản hồi đến trang.Với sự việc vừa qua (bàn về bài viết của thầy ĐKH) BBT nhận thấy những gì các bên cần nói thì đã nói hết, những trao đổi thẳng thắn từ mọi ngừoi cho thấy tất cả đều khởi đi từ thiện ý của từng thành viên SPQN chúng ta... Qua việc này BBT cũng sẽ nhìn lại công việc của mình một cách nghiêm túc hơn, để có thể xứng đáng với niềm tin yêu của các bạn đã gởi gắm... Và đến đây BBT xin đóng lại phần tranh luận, một lần nữa BBT xin cám ơn các bạn huumai, Tịnh Võ, TC11 và Trần Đức Lượng cùng toàn thể các bạn trong thời gian qua đã đồng hành cùng trang SPQN... Đặc biệt xin cám ơn bạn TC11 đã đồng ý cùng BBT để dừng lại các phản hồi từ đây...
    Gần đến một năm, kỷ niệm ngày ra mắt của trang Blog SPQN, hy vọng từ nay đến đó, BBT trang SPQN sẽ có dịp tâm sự và chia xẻ với các bạn về công việc của người quản trị trang - việc mà giống như "Làm Dâu Trăm Họ" vậy (!!!).
    Thân ái chào Thầy cùng các bạn, mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các bạn trong thời gian tới; kính chúc Thầy cùng các bạn những ngày mới vui, khỏe và luôn yêu đời.

    Thân ái.
    SPQN

    Trả lờiXóa
  18. Kính gởi BBT, Kính thưa các Thầy cô giáo và các bạn:
    A. Những phản hồi về bài viết của Thầy ĐKH, đúng đúng, sai sai, nhớ nhóa, quên quên, và nhất là hoàn cảnh xã hội Qui nhơn lúc bấy giờ, cũng diễn ra có sự khác biệt từng thời điểm (Nên tôi có ghi nhận xét này chỉ khóa 4, khóa 5 mới biết, vô tình làm mất lòng BBT). Nhận định thiếu xuyên suốt là lẽ thường, thôi thì ai ở vào giai đoạn nào thì nhận định theo giai đoạn đó. Tất cả đã qua rồi, tất cả hết rồi, chỉ còn lại tình Thầy trò và bè bạn, chúng ta hãy cùng nhau lưu giữ ... "Để nhớ lại một Qui nhơn, nơi ta đã thả trôi tuổi đời mộng mị... Sóng muôn đời xóa sạch vết chân, để lại thời gian ơ hờ tóc bạc. Sông đã trôi đi bao lời hẹn ước, nhưng trong ta chỉ có một thời. Một thời và chỉ một thời thôi. Đã qua đi cùng với bao người. Tạ ơn đời cho ta còn cơ hội, mãnh trời xanh cũ vẫn rong chơi...". Với suy nghĩ vậy, tôi đồng ý xóa hết những phản hồi liên quan đến Huumai.
    B.KÍNH ĐỀ NGHỊ: Không biết đề nghị này có làm khó cho BBT không? Tôi cứ trăn trở mãi, thôi thì mạnh dạn trình bày: Nhân chuyến về thăm trường cũ, xin dành vài ba phút thắp hương tưởng niệm thầy cô và bạn bè những người đã mất, có lẽ không ai thống kê đươc, mỗi người ở một góc trời, mỗi người có một số phận riêng... Nhưng có 3 vị tôi nghĩ nhiều bạn biết và còn nhớ. Tôi xin nêu sự kiện, còn chi tiết quá lâu rồi, nếu có lẫn lộn mong được tha thứ:
    1. Giáo sư Đoàn Nhật Tấn, vị thầy mà tất cả giáo sinh thời đó kính mến và tôn làm thần tượng, thầy lâm trọng bệnh, đi điều trị ở Mỹ về, thầy mang y phục cổ truyền (Áo dài khăn đóng) đến thăm trường, giáo sinh ùa ra cõng thầy lên vai. Rồi sau đó tôi không biết gì thêm.
    2. Nữ giáo sinh Tiếu Lan (? Kiều Lan), 3. Nữ giáo sinh Bích Hà: Thi hài hai Chị, quàn tại Trường SPQN, gác 2 phòng đầu tiên của dãy phòng học, phía phải phòng Hiệu trưởng (Tính từ ngoài vào), cách chân cầu thang khoảng 3 mét. Đêm hôm sau toàn thể giáo để tang và tiễn đưa 2 linh cửu ra phi trường ... Cũng trong đợt này còn một Chị bị tàn phế, còn sống, giáo sinh chăm sóc ... Hết tin. Nên tổ chức gọn nhẹ, nếu có khó khăn thì nói vài câu và dành 1 phút mặc niệm. Trân trọng cám ơn. Thân chào

    Trả lờiXóa
  19. ĐÍNH CHÍNH: Xin cáo lỗi với mọi người, và mong nhờ BBT sửa lại:
    + Giòng 3 (Trên xuống)nhớ nhớ (Ghi nhầm là nhớ nhóa).
    + Giòng 3 (Dưới lên) ... toàn thể giáo sinh để tang ... (Thiếu chữ sinh, nhờ viết thêm chữ sinh sau chữ giáo)

    Trả lờiXóa
  20. @huumai.
    Đề xuất của huumai là một ý tưởng hay, BBT sẽ chuyển ý kiến này đến ban tổ chức 2012. Cám ơn bạn đã góp ý. Thân ái.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...