Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

CHO NHỮNG MÙA XUÂN PHAI


Phương Kiều.

         Bụi thời gian có thể phủ mờ tất cả nhưng có những kỷ niệm khó có thể phai nhòa vì nó đã được nằm sâu trong tâm thức…

         Năm 1973, tôi học năm thứ hai trường Sư Phạm Quy Nhơn. Một hôm tôi và các bạn nữ được nhà trường chọn đi choàng vòng hoa chiến thắng ở Pleiku.
         Thú thật nghe nói đến Pleiku là tôi thích lắm! Tôi chưa một lần đặt chân đến đây. Nhưng vùng cao nguyên đất đỏ mù sương này rất hấp dẫn đối với tôi và tôi cũng mê bài hát phổ thơ Vũ Hữu Định: “Phố núi cao phố núi đầy sương, phố núi cây xanh, trời thấp thật gần…”
         Sáng hôm đó, những chiếc GMC đón chúng tôi tại sân trường Sư Phạm rồi khởi hành. Chúng tôi ai cũng náo nức! Đi hết địa phận Bình Định xe bắt đầu lên đèo. Quãng đường đèo Mang Yang không dài nhưng có độ dốc thẳng đứng nên tôi có cảm giác như mình đang đi lên với trời xanh. Hai bên đường là đồi núi cao thấp nhấp nhô xanh mướt. Những khóm dã quỳ vàng tươi khoe sắc. Khí hậu mát mẻ dễ chịu. Càng đến gần thì trời bắt đầu se lạnh. Sương mù trăng trắng giăng giăng thật thấp.
 Đoàn chúng tôi sẽ đến Lệ Minh - Hàm Rồng choàng vòng hoa cho những người lính vừa chiến thắng trận nào đó? Pleime, Dakto, Lệ Minh, Hàm Rồng hay…tôi cũng không nhớ nỗi?
         Khi xếp hàng để chuẩn bị… vì do chỗ tôi đứng hơi hơi nắng gió cho nên tôi đã đổi chỗ cho Tâm người bạn học nhị 9 khóa 11. Trước mặt chúng tôi là những người lính, màu da sạm đen vì nắng gió, áo quần còn vương bụi đất hành quân…
         Sau khi choàng vòng hoa chiến thắng xong, bất ngờ tôi gặp anh Khánh. Anh là phóng viên chiến trường:
         -Chào Ph..! Em cũng có mặt trong đoàn người choàng vòng hoa?
         -Chào anh! Tôi ngỡ ngàng khi gặp người quen.
         -Em đã gặp Tuấn chưa?
         -Dạ chưa?
         -Tuấn cũng có mặt trong đoàn người chiến thắng đó. Thôi, em chờ ở đây! Anh sẽ đi tìm anh ấy!
         Thoáng một lát, anh Tuấn đã đến trước mặt tôi, anh cười cười lộ rõ vui mừng.
         -Gặp em ở đây, anh mừng ghê!
         -Anh cũng được choàng vòng hoa hả? Cô nào choàng cho anh vậy? Tôi vừa cười vừa nói đùa với anh ấy.
         -Cô Tâm học lớp nhị 9, anh vừa mới làm quen với cô ấy.
         Nghe anh nói xong, tôi chợt nghĩ: Nếu mình không đổi chỗ, thì mình đã là người choàng vòng hoa cho anh ấy? Lúc đó tôi chỉ nghĩ thế thôi! Nhưng sau này khi các sự việc liên tiếp xảy đến thì tôi mới thấy rõ rằng: Trong cuộc sống này tất cả mọi việc đều phải có cơ duyên của nó!

         Cách đây ba năm, tôi quen anh rất tình cờ…
         Mùa xuân năm đó tôi mười sáu tuổi, học lớp mười trường Trinh Vương Quy Nhơn. Tuổi mới lớn vô tư, hồn nhiên, nhiều mơ mộng, thích đi chơi. Một hôm, tôi và các bạn nữ rủ nhau đi du ngoạn Tu Viện Nguyên Thiều. Trong lúc chúng tôi đang tung tăng bên nhau vãng cảnh chùa, thì ở đâu không biết xuất hiện “bốn chàng ngự lâm pháo thủ”. Các anh đi theo, làm quen rồi chụp hình dùm… Cuối cùng còn đích thân lái xe Jeep chở chúng tôi về tận nhà. Tôi không biết các cô bạn của tôi sau đó thì sao? Nhưng từ đó bên tôi đã có một người. Anh tên là Ngô Đình Tuấn, Chuẩn Úy Sư Đoàn 22 Bộ binh ngành Truyền tin vừa mới ra trường được 7 tháng. Đơn vị anh đóng quân ở dưới chân Tháp Bánh Ít.
Những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ phép, anh thường đến đón tôi ở cổng trường Trinh Vương hoặc đến nhà thăm…
         Vào thời đó, con gái cũng còn e ấp lắm! Hơn nữa gia đình tôi người Huế nên ba má tôi rất khó khăn với con cái trong lứa tuổi còn đi học. Vì thế, anh phải đến nhà xin phép ba má thì tôi  mới được phép đi chơi. Nhưng cũng chỉ được phép đi trong khoảng thời gian ngắn. Do vậy, mỗi lần đi chơi cũng chỉ đi loanh quanh khoảng nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ rồi về nhà đúng giờ. Nhiều lần anh đến nhà chơi nhưng người tiếp anh là ba tôi chứ không phải là tôi! Anh chỉ liếc nhìn thấy tôi, khi tôi bưng nước ra  mời. Có hôm anh lại đến rồi vui đùa với các em của tôi. Tôi là con gái đầu nên rất đông em. Tôi còn nhớ, cứ vào đầu năm học anh lại mua sách vở cho các em, có khi anh còn dạy cho chúng nó học hành…
         Và như thế anh cứ đi bên cạnh tôi. Còn tôi thì vô tư lắm! Chỉ biết chăm lo học tập, thi cử. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về tình cảm của mình thế nào? hay về tương lai ra sao? và lại càng chẳng chú ý gì đến cuộc sống cũng như đời lính chiến nhiều gian khổ của anh cả?
         Tôi đậu Tú tài và vào Sư Phạm năm 1972…

         Đêm Cao Nguyên tối đen mịt mùng. Gió thổi lồng lộng tràn xuống những lũng thấp. Sương bắt đầu xuống nhiều. Khí trời lạnh cóng. Mùi hương thoang thoảng của núi đồi, bãi cỏ của đất đỏ Bazan nồng nồng. Đâu đây có tiếng suối chảy róc rách và có cả âm thanh réo gọi của đất trời…
         -Em mặc phong phanh thế này thì thế nào cũng bị cảm mất? Anh nhìn tôi ái ngại! Khi thấy tôi lạnh run trong chiếc áo dài trắng mỏng manh.
         -Lúc đi em đã đem theo áo lạnh nhưng không hiểu sao khi trèo lên xe, rồi xuống xe chiếc áo rơi đâu mất?
         Anh đi đâu một lát và đem ra cho tôi một chiếc áo len cổ lọ. Do quá lạnh nên tôi chẳng ngại ngần chút nào? Cầm áo mặc vào ngay! Thế mà vẫn chưa thấy ấm. Thấy vậy, anh choàng thêm cho tôi chiếc áo khoác lính của anh.
         Lửa trại được đốt lên! Ánh lửa hồng bập bùng tí tách tỏa sáng trong đêm. Tiếng đàn thùng cùng tiếng hát trầm trầm của các nữ giáo sinh Sư phạm vang vang làm ấm lòng mọi người. Chúng tôi ngồi vòng tròn gần bên nhau. Những ánh mắt sáng ngời nhìn nhau Tôi ngồi co ro bên lửa ấm bên những bạn bè vừa gần gũi lại vừa xa lạ. Ôi, Cao Nguyên đêm nay sao nghe chơi vơi, chơi vơi như say men bên hương rượu cần. Văng vẳng bên tai, từ xa có tiếng súng vọng về. Thỉnh thoảng vài đóm hỏa châu lóe sáng bùng lên giữa cao nguyên mênh mông mịt mù...
         Sau chuyến đi Pleiku, tôi mới lờ mờ hiểu rằng cuộc sống của anh là vô cùng gian khổ và hiểm nguy. Tôi cũng chưa một lần nào “tra vấn” về tình cảm của mình đối với anh ấy như thế nào? Không biết sao lúc đó tôi vô tư như thế nhỉ? Tôi chẳng hề bận tâm về điều gì cả? Và thế là tôi cứ hồn nhiên vui chơi rong ruỗi theo tháng ngày.
         Hai năm học sư phạm qua nhanh rồi ra trường. Tôi chọn về dạy ở một ngôi trường Sơ Cấp Nhơn Mỹ-An Nhơn-Bình Định. Trường có ba lớp mà có đến sáu giáo viên nên mỗi tuần tôi chỉ dạy ba buổi. Thuận lợi hơn nữa là trường lại gần nhà nên sáng đi dạy trưa về nhà.
         Khoảng thời gian này anh ấy vẫn đều đặn đến thăm. Lúc này ba má tôi dễ dàng hơn, có lẽ vì tôi đã là cô giáo!? Chúng tôi thường đi dạo phố vào quán café Lệ Đá ở đường Võ Tánh hay café Dung ở đường Phan Bội Châu-Lê Lợi…. Nhưng thú thật cũng chỉ là đi chơi, nói chuyện vơ vẩn thế thôi! Chứ chưa bao giờ anh thổ lộ tình cảm bằng lời. Anh ấy luôn quan tâm chăm sóc, nhắc nhở tôi. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng hình như anh ấy xem mình như một người em gái.
         Rồi anh được cử đi học Đại Đội Trưởng ở Vũng Tàu. Một hôm, tôi dọn dẹp nhà cửa. Tình cờ tôi đọc được một bức thư anh gởi riêng cho ba tôi. Nội dung trong thư anh nói rằng, anh đã về Hội An thưa với ba má về chuyện anh với tôi và xin phép ba má tôi Mùa Hè năm 1975, anh sẽ đưa ba má anh ra thăm nhà…
         Đọc xong lá thư tôi ngạc nhiên! Bây giờ thì tôi mới biết gia đình anh ở Hội An và lại càng ngỡ ngàng khi anh thưa chuyện với ba má tôi. Tôi nghĩ : “Sao chuyện “đại sự” như thế mà anh ấy chẳng nói, chẳng rằng với tôi nhỉ?”.
         Tôi đem chuyện đó nói với ba thì ba tôi gạt phăng:
         -Nó nghĩ đến chuyện “xây dựng” điều đó cho thấy nó là đứa đàng hoàng. Nó đã thưa với gia đình rồi thì đây là chuyện “lớn”. Con không nên nói lui, nói tới!
         Tôi vẫn “hậm hực”! Nên sau đợt học anh trở về, tôi đem chuyện lá thư nói với anh, anh bảo:
         -Lúc trước thì em nói rằng để em học và thi cử xong đã. Bây giờ, em có nghề nghiệp ổn định thì anh xin phép hai bên gia đình tiến đến!
         Thấy anh nói có lý nên tôi cũng không biết phải nói làm sao? Vả lại, lúc đó tôi chẳng có khái niệm gì về việc lập gia đình? Chắc bởi vì tính tình của tôi sao cũng được nên chẳng biết đồng thuận hay dứt khoát như thế nào cả? và rồi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cho mệt?
        
         Cuộc chiến bùng nổ! Đầu tiên ở Cao Nguyên, anh rất bận rộn với những cuộc chiến đấu! Rồi Tây Nguyên thất thủ! Chiến tranh cứ mỗi ngày một lan rộng!
         Khoảng cuối tháng ba, một hôm anh đến nhà tôi. Khuôn mặt anh buồn buồn đầy lo lắng! Anh bảo:
         -Ph…đi lãnh lương đi!
         Anh chở tôi đến Ty Giáo Dục. Bước vào tôi thấy người đông quá! Chờ một lúc, tôi quay ra:
         -Thôi, về anh! Đông quá, chiều đến lãnh cũng được!
         Anh bảo tôi đứng chờ anh, rồi anh quay vào nộp thẻ một lát sau là đến phiên tôi.
         Tình hình Quy Nhơn bắt đầu hỗn loạn! Mọi người trong thị xã nhốn nháo! Thỉnh thoảng anh đến và bàn bạc ba tôi để đưa cả nhà đi vào Sài Gòn.
         Một buổi chiều anh đến để đưa gia đình tôi di tản bằng tàu thủy đến nơi yên bình. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy anh ấy! Ba tôi cũng theo đơn vị ở lại. Những ngày sau đó nghe đâu anh và ba tôi thường xuyên liên lạc với nhau bằng điện đàm.
         Chuyến tàu đưa gia đình tôi đi, không thể vào Sài Gòn mà phải ghé lại Nha trang. Quy Nhơn giải phóng rồi Nha Trang giải phóng… Chúng tôi đành trở về! Mới chỉ có vài ngày mà Quy Nhơn bây giờ là một thị xã tang hoang. Đường phố, nhà cửa vắng vẻ hoang tàn. Bãi biển thảm thương với xác người, xe cộ và áo quần.... Kết quả cho một cuộc chiến chấm dứt!
         Gặp lại ba tôi, ông cho biết trước một ngày Quy Nhơn giải phóng, ông còn gọi liên lạc được với anh Tuấn nhưng sau đó gọi mãi mà không ai trả lời rồi bặt vô âm tín luôn. Tôi và ba má tôi đều nghe ngóng, hỏi thăm tin tức về anh nhưng chẳng ai biết? Không biết anh còn sống hay đã chết? Nghĩ đến cảnh người chết la liệt trên bãi biển mà tôi và ba má tôi đều cầu nguyện cho anh được mọi sự an lành.
         Gia đình tôi lúc đó có ý định đưa tôi vào Sài Gòn nhưng nhìn thấy cảnh ba má, các em còn nhỏ dại nên tôi không chịu đi. Nếu lúc đó ra đi thì biết đâu tôi đã gặp anh ấy!? Âu cũng là duyên số!
         Mọi người trong thị xã vẫn cứ lo lắng, chờ đợi, trông ngóng và…Một tháng sau giải phóng Sài Gòn…
         Tôi trình diện và đi dạy lại…
Phải sau mấy năm, tôi mới biết một chút tin tức về anh qua lời bà cô của tôi ở Vũng Tàu. Bà kể :
         -Giải phóng Quy Nhơn thằng Tuấn nó chạy vào Sài Gòn. Sau đó nó xuống Vũng Tàu tìm và ở với cô. Ngày nào nó cũng hỏi thăm tin tức của gia đình mình. Nó thường ra bến tàu xem những chuyến tàu chở người di tản từ miền Trung vào có ai là gia đình mình không? Trông bộ dạng của nó thất tha thất thểu trở về! Mỗi khi chẳng thấy ? Thiệt là tội nghiệp! Sau đó, một ngày trước khi Sài Gòn… Nó tạm biệt cô và nói với cô là nó phải đi. Và đêm hôm đó, nó xuống tàu…Nghe đâu trên chuyến tàu đó còn có mấy ông Tướng của Sư đoàn 22 Bộ binh…

         Từ đó, biết bao nhiêu Mùa Xuân phai đi rồi Mùa Xuân lại quay trở lại. Một năm, hai năm…năm năm…mười năm…và cho đến bây giờ gần bốn chục năm…vẫn chẳng thấy tin tức của anh ở nơi nào!!!

         Một Mùa Xuân lại về! Cái rét nhẹ nhàng hòa quyện với cái nắng ấm của Mùa Xuân làm cho không khí trở nên tươi mát. Hương xuân như tràn ngập khắp nơi nơi. Thổi vào hồn tôi một vài hoài niệm. Nhìn những nụ mai vàng đang phô sắc tôi bâng khuâng nhớ lại chuyện xưa… Tôi nghĩ rằng mình phải viết để nói lên lời tạ ơn! Vì trong cuộc đời của mỗi người chúng ta có những người đi qua mà mình vẫn còn “mắc nợ” một lời cám ơn hay xin lỗi. Tôi xin khắc ghi và luôn trân trọng những tình cảm đẹp đẽ và trong sáng của anh ấy. Trong thời gian năm năm quen biết, anh ấy đã mang đến cho tôi và gia đình tôi những mùa Xuân vui tươi và dịu dàng những tháng ngày êm đẹp. Gia đình tôi luôn xem anh như một người thân thuộc trong gia đình. Còn riêng tôi xin mãi mãi tri ân và xin cảm tạ tấm chân tình của anh đã dành cho tôi trong cuộc đời này!

Quy Nhơn, Đầu năm 2013.
Phương Kiều.

19 nhận xét:

  1. Lời tâm sự trải lòng . Rất chân thật và có tình . Đọc bài viết tôi biết ngay bạn là người rất thành thật có sao nói vậy không che dấu những suy nghĩ của mình . Phải không P.K ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn H.Hoa đã hiểu PK.Nẫu mal có sao nói zậy thôi .chúc bạn vui vẻ nhé

      Xóa
  2. Cang doc lai cang rat nho den thang ngay xua . Khi ta tre ta it co nhung suy nghi sau xa thường vo tu voi cuoc doi . khi ve gia nhin lai thi ...nhin lai dơi minh da xanh reu ... mat roi . Cam on Phuong Kieu ve bai viet mang nhieu niem tam su !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. H.Hoàng nè như lời bạn nói làm mình nhớ lời bài hát .Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại ...khi ta còn mãi nơi đây.Sao hồi ấy mình vô tư thật chứ không phải vô tâm đâu,may là bạn đã hiểu mình.

      Xóa
  3. Ph..ơi! Sao hồi đó mình và Hoài Thanh không có mặt trong chuyến đi lên Pleiku? Đoạn bạn tả cảnh đêm cao nguyên rất tuyệt! Hãy tiếp tục nhớ lại để viết nữa đi nghen!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. IRen ơi.Lâu quá mình không nhớ năm ấy lớp mình có những ai đi nửa không ?R với HT không có mặt chắc hai nàng ngại tiếp cận lính chứ gì.Đêm năm ấy Pleiku lạnh buốt đầy sương.Bọn mình quây quần quanh đống lửa ,nhưng vẫn lạnh .Ban đêm không có nắng nhưng có cái gió không quên đâu người ơi.

      Xóa
    2. PKieu oi "con mot chut gi de nho, de thuong"...biet dau con gio thoi mang den cho nguoi ay doc duoc bai van xuc cam nay va thi tham..."nguoi di qua doi toi kg nho gi sao nguoi"...co bao gio kh ho PKieu ?
      HThanh voi Ren luc ay sao kg du "tieu chuan"vay ho cac ban nu Nhi 6? Kg biet Ren thi sao chu HThanh tiec oi la tiec......

      Xóa
    3. HT ơi,mình cũng mong có cơn gió thổi để người ấy hiểu ,không biết người có còn hiện hữu để nhớ gì không người.

      Xóa
  4. Hàn Diệu Phương nói rằng bạn ấy có mặt trong chuyến đi ấy và bạn cũng có một câu chuyện muốn tâm sự với chúng mình. Chờ bài viết của H.D.Phương nghen!

    Trả lờiXóa
  5. Chào PK!bài viết chân thật và cảm động lắm PK ạ
    tất cả đều do ông trời sắp đặt phải không?viết ra được rồi giờ chắc là nhẹ nhõm nhiều, thôi thì bây giờ PK hãy nghe bài hát nhạc phim Mùa hoa cải bên sông trong đó có câu"ai cũng bảo phải quên em đành bước sang ngang,gửi mùa xuân ở lại,gửi con tim cháy mãi cho người mình chờ mong"PV tin mong rằng ở một nơi nào đó anh Tuấn của PK vẫn bình yên và hạnh phúc http://mp3.zing.vn/bai-hat/Mua-Hoa-Cai-Thanh-Tam/ZWZAO9AD.html
    PK nghe nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PK nghĩ còn một chút gì để nhớ nên viết để cám ơn người ấy.Điều gì cũng qua đi theo dòng chảy thời gian bạn nhỉ ,cám ơn HPV mình sẽ nghe bài hát bạn gởi.

      Xóa
  6. http://mp3.zing.vn/bai-hat/Mua-Hoa-Cai-Thanh-Tam/ZWZAO9AD.html
    BBT ơi! PV muốn gửi bài hát này cho PK nghe làm phiền BBT giúp với nhận xét hồi nãy nó chốn mất tiêu rồi BBT tìm về dùm nhé
    Cảm ơn BBT nhiều

    Trả lờiXóa
  7. Hàn Diệu Phươnglúc 00:47 7 tháng 1, 2013

    "Bụi thời gian có thể phủ mời tất cả nhưng có những kỷ niệm khó có thể phai nhòa vì nó đã nằm sâu trong tâm thức..."
    Phương Kiều ơi, đồng ý với bạn về ý nghĩ trên và chào mừng bạn đã góp bài với trang nhà.Bài rất chân thật,cảm động... P rất thích vì mình cũng là chứng nhân trong câu chuyện...
    PK biết không,năm ấy HDP cũng có mặt trong buổi "Ủy lạo chiến sĩ" và từ đó không còn "sợ" hay "ghét" lính nữa mà càng hiểu rõ những nỗi gian khổ, hi sinh, mất mác của những người con trai đất Việt trong mấy chục năm nội chiến của đất nước mình... Sau khi choàng vòng hoa chiến thắng và sinh hoạt văn nghệ với các anh chiến sĩ, đêm đó mình đã được làm quen mới một người lính trẻ ngồi lẻ loi khóc ở dưới một tàng cây... và sau nầy Anh ấy trở thành một người Anh, một người bạn rất thân của DP...Mình có ý tìm kiếm Anh mà gần 40 năm rồi không tin tức. Anh tên Đào Thế Giang, nếu Anh có đọc được những dòng chữ này xin liên lạc với P liền nhé. Nhân tiện cũng nhờ trang SPQN và đọc giả, các bạn nếu ai biết tin về Anh Đào Thế Giang xin mách dùm P với,rất cám ơn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vây là HDP cũng có kỉ niệm khó quên với chuyến đi năm ấy.Với cái tên Đào Đức Giang mình nghe quen quen sẽ cố gắng hỏi thăm dùm bạn nhé.

      Xóa
  8. Thời gian đã xóa nhòa đi tất cả, có còn chăng là những ký ưc không thể nào quên được phải không Phương Kiều. Đọc "Cho những mùa xuân phai" cũng thấy được điều này. Tuy phai nhưng không mất.
    Minh chỉ mong có một thời gian vô tình nào đó anh Tuấn đọc được những dòng ký ức này và hiểu được ở nơi nào đó trong sâu thẳm có người con gái(bây giờ tóc đã muối nhiều hơn tiêu) vẫn còn nhớ đến. Niềm hạnh phúc nào hơn.
    Mong Phương Kiều một ngày nào đó nhận được tin vui từ người mà gần 40 năm xa cách.
    Mùa xuân nữa lại đến, sắc xuân vẫn luôn tươi, Kính chúc BBT,mọi người trong gia đình SPQN luôn vui vẻ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Ký ức buồn PK cũng rất mong điều ấy đến có chăng là phép mầu.

      Xóa
  9. Nhìn những nụ mai vàng đang phô sắc , tôi bâng khuâng nhớ lại chuyện xưa...Tôi nghĩ rằng mình phải viết để nói nên lời tạ ơn ...
    Bạn thân mến , chỉ những lời này thôi cũng đủ nói lên tâm tình của P. Kiều dành cho người ấy .Đọc bài văn hay của bạn cũng làm Dung nhớ nhiều những ngày xưa cũ , ngày đó Dung ở trong ban văn nghệ nên lần ủy lạo nào hình như cũng có mặt, lúc ấy trường Sư Phạm của chúng ta đỡ đầu cho hai Binh chũng : Sư đoàn 42 (Sư đoàn trưởng là Đại tá Thông ) đóng ở Hàm Rồng và Binh chũng Hải Quân Quy Nhơn đóng ở Hải Minh . Đêm Hàm Rồng lạnh thật như bạn kể Dung có dem áo lạnh nhưng khi lên sân khấu hát thì hổng lẽ mặc áo lạnh dày cui nên phải gởi áo lại khi nhận áo thì về nhà mới biết mình bị mất bảng tên phải đi khắc lại . Kỷ niệm khó quên vì không biết ai là thủ phạm ? thôi thì gởi gió cho mây ngàn bay ....
    Mong được đọc thêm bài của bạn

    Trả lờiXóa
  10. Bạn viết như một lời tự tình ,tri ân một chàng trai quá tuyệt vời , như trong truyện tiểu thuyết ...Trường SPQN đào tạo ra nhiều cô giáo viết văn không kém nhà văn chuyên nghiệp ...Mong đọc tiếp những bài viết của PK...

    Trả lờiXóa
  11. Các bạn ơi ! cho xin đính chánh nha ( Trung doàn 42 chứ không phải sư đoàn 42 , và Trung đoàn trưởng .... ) đã quá lâu nên quên tới quên lui thật đáng trách phải không ? Chúc vui

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...