Trốn Bố Mẹ, anh em chúng tôi ra đầm Thị Nại bắt cá. Thường vào buổi chiều, thủy triều rút xuống, để lộ ra một giải cát ướt. Nước đọng vào chỗ trũng, tạo thành vô số những vũng lớn, nhỏ.
Chúng tôi đi chân không, chạy ùa xuống bãi. Mỗi đứa cầm sẵn một cái vỏ lon sữa bò để đựng cá. Dễ dàng nhất, là tìm những chú cá bống, nằm thập thò trong khoang các mảnh chén vỡ, gáo dừa lật úp. Con cá chỉ ló ra một phần đầu. Chúng tôi nhanh nhẹn giơ tay chặn trước mặt cá, nó vội thụt vô trong. Thế là chỉ việc ngửa bàn tay, luồn vào tóm gọn lấy nó, bỏ trong lon đã có sẵn nước và một ít rong rêu.
Cá chạy “đường trường” khó bắt lắm. Ít nhất, phải có hai đứa hợp sức bao vây, mới dồn đuổi cá trốn chạy, nép vào một vật gì đó. Rồi mỗi đứa, xòe hai bàn tay theo thế “gọng kìm” sẽ từ từ, khép vòng vây lại. Đôi khi, háo thắng, một đứa chụp vội, thừa thế sơ hở, cá vùng chạy thoát! Nó “khôn” lắm: Vẫy mình môt cái, màu da xám trắng, thoắt đã biến thành từng khoang xám, khoang nâu, khoang đen, khó nhận dạng lắm rồi! Cũng có những con cá, ẩn mình trong đám rong rêu, hoặc một loại cỏ mọc xanh rì, cao khoảng gang tay người lớn. Chúng tôi đưa ngang bàn chân, cầu may, tạt ngược vào bờ. Vui thích lắm, khi nghe tiếng con cá giãy đành đạch trên cạn. Nhưng chơi kiểu này, có lúc cũng rợn người: Lỡ gặp vỏ sò hay mảnh chén vỡ, bàn chân sẽ bị cứa rách một đường dài, tươm máu như chơi!
Ngoài ra, cũng có thể bắt những con “đầu cua đít ốc”, đúng như tên chúng tôi đặt cho nó: Bên trong vỏ là mình ốc, lộ ra ngoài là hình cua. Có người gọi là “ốc mượn hồn”. Chúng tôi cũng chẳng cần tìm hiểu xem: Vốn, Trời sinh nó như thế, hay do lang thang không nhà, nó đã tìm được một chỗ nương thân?
Cả bọn đang mê mải theo dấu những con cá, bỗng tiếng con Thơ kêu ré lên: “Trời ơi! Chết em rồi”! Nó ôm chân, ngồi bệt trên cát ướt, mặt méo xẹo! Thơ vừa bị “cá Mau chích” rất nhức buốt, đã rớm nước mắt! Anh Huân vội nặn máu nơi vết thương, là 1 dấu đỏ dưới lòng bàn chân. Rồi dìu con Thơ đứng dậy. Chẳng ai bảo ai, bọn chúng đành bỏ dở cuộc vui, tiếc rẻ ra về! Lên tới bãi cát khô, đứa nào đưa nấy nhanh chóng vùi chân vào cát, phủi sạch, cho chân khô ráo. Con Thơ còn ráng căn dặn:
- “Nếu ai mách với Bố Mẹ, sẽ… mắc tội trọng đấy”!
Về tới cổng nhà, cả bọn lấm lét nhìn quanh. Thấy yên ắng, từng đứa lẻn nhanh
vào trong sân, tìm góc khuất giấu mấy lon đựng cá. May quá, Bố Mẹ không biết gì (?)
Mọi sự đều trót lọt. Cho đến tối, tiếng con Thơ khóc rấm rứt trên giường ngủ. Mẹ nó hỏi:
- Thơ! Con bị sao vậy?
Nó òa khóc: - Mẹ ơi! Con bị cá Mau chích, đau nhức lắm!
Rồi xong! Mọi “chiến hữu” đều tuyệt đối im lặng để giữ tròn lời hứa, chính con Thơ bội ước, tự thú nhận tội lỗi mình.
Bố giận mắng: - Cho chết! Ai bảo trốn đi bắt cá?
Rồi Bố vội vã chạy đi hỏi thăm trong số những dân chài giàu kinh nghiệm, là phụ huynh học sinh của Bố. Họ bày cho Bố tới tiệm hớt tóc của ông Hương xin một mớ tóc vụn. Bố hối hả trở về, giục Mẹ Thơ ra chuồng gà, quét gom lấy một ít phân gà khô. Bọn anh chị em nó xúm lại, bưng bếp lò ra, nhen lửa, đốt vỏ bào, bỏ lên một nhúm than hoa, quạt lia lịa. Than vừa bén lửa, Bố cho phân gà vào, đốt cùng với tóc. Khói bốc lên, con Thơ ngồi trên ghế dựa, Bố cầm bàn chân nó, hơ qua hơ lại, hứng lấy làn khói.
Công hiệu như thần! Khói tỏa đến đâu, con Thơ thấy cơn đau dịu đi đến đấy. Mặt nó tươi hẳn lên, lẫn chút ngượng ngùng, xấu hổ. May, nó nhát gan, đã thú tội…trước nửa đêm, khỏi phá giấc ngủ của cả nhà! Chúng quen miệng gọi: “Cá Mau chích”, nhưng thực sự, cả bọn chưa đứa nào nhìn rõ hình dáng con cá Mau ra sao. Chỉ thấy có một đụn cát vun lên, chính giữa là một vòi nước nhỏ trào ra liên tục, như 1 cái giếng phun bé xíu. “Nhà” của con cá Mau đấy! Có lẽ ngạnh hay vây cá đâm phải đó thôi.
Sáng ra, những con cá “chiến lợi phẩm” chiều qua, được nuôi trong lon sữa bò đã chết cứng, nổi phềnh trên mặt nước váng rỉ sắt. Bố bắt cả bọn gom cá lại, rồi Bố lấy mấy lớp lá chuối tươi, gói vuông vức, đem nướng “ối ái” trên than hồng. Con mèo tam thể của Bố được một bữa ngon lành!
Nhà ở góc đường Hàn Thuyên và Bạch Đằng, gần đầm Thị Nại, nên anh em Thơ có thêm nhiều trò chơi. Thủy triều rút: Đi bắt cá, hoặc lang thang trên bãi xem người ta mua, bán, chuyển cá từ khoang thuyền lên. Rất nhiều thứ cá: Nục, Mòi, Dìa, Hố, Phèn, Liệt, Lưỡi trâu, Mú, Hồng, Rựa, Sòng, Bánh đường, Ngân chỉ, Bạc má…Có lần, Thơ thấy dân chài bắt được 1 con cá Đuối, to gần bằng cái nia! Họ xả thịt ngay trên mặt đầm, máu loang đỏ cả một vùng nước. Thơ rất vui thích và cảm thấy mình …vô cùng quan trọng, khi được người ta nhờ, cầm những “Mã số bí mật”, là một lô gồm đủ loại: viên đá, vỏ sò, mảnh chén, khúc cây, vỏ chuối, đoạn mía…bỏ vào từng phần cá đã chia sẵn. Của ai, nấy vui vẻ nhận, thật vô tư và công bằng! Thơ rất khâm phục, ai đã nghĩ ra cách bỏ thăm đó. Lúc thủy triều dâng, anh em Thơ có thể xuống tắm, chống bè chuối, đi câu, đuổi đám còng chạy lông ngông trên bờ, hoặc tìm bắt những con dã tràng hiền lành, màu xám bạc, vẫn chăm chỉ, nhẫn nại, se cát ngày đêm…
Mẹ thường đem chiếu ra đầm giặt. Thơ thấy Mẹ trải rộng chiếu trên mặt nước mặn, dùng bàn chải kỳ cọ khắp mặt trên, mặt dưới. Chải tới đâu, Mẹ cuốn chiếu, gấp dần đến đấy. Rồi Mẹ đem lên mâm giếng công cộng sát trên bờ, xả lại bằng nước ngọt. Mẹ hài lòng bảo: Không còn cách nào có thể giặt chiếu sạch hơn! Chính Bố cũng từng tập cho anh em Thơ bơi lội ở đầm Thị Nại này, trước khi dẵn ra tắm ngoài biển lớn.
Có một phụ nữ trung niên ở bên Phước Lý, thường chèo thuyền, chở gạo qua chợ Quy Nhơn bán. Mẹ Thơ là “mối” của bà. Mỗi tháng bà Quý đem gạo cho Mẹ Thơ 2 lần. Cập bến Thị Nại, bà cầm sợi giây ở mũi thuyền, neo quấn vào cây sào vừa dụi cắm xuống lòng cát. Bà nhanh nhẹn cắp bao gạo ngang hông, miệng nhai trầu đỏ thắm, tươi cười khoe: - Đợt gạo này ngon lắm, tui để dành cho chị Hai đó!
Ngon hay không, anh em Thơ chẳng để ý. Chỉ nhớ, gạo bà Quý rất nhiều sạn. Không thể dùng rá vo, nhưng đãi sạn bằng một chiếc thau nhỏ. Gần cuối, sạn lanh canh dưới đáy thau. Phải rất cẩn thận, lỡ sót trong nồi cơm, sạn lớn còn thấy, nhặt ra được. Sạn tấm, nhai trúng thật ghê răng! Mỗi lần Mẹ đong gạo, anh em Thơ thường vây quanh, đếm hùa theo, có đứa lén vọc gạo, lại còn nói chuyện ồn ào. Đếm lộn, Mẹ phải đong lại, bắt ngồi yên, không cho đếm phụ nữa! Thuở ấy còn bé, Thơ chẳng hiểu được câu chuyện thỏa thuận giữa Mẹ và bà bán gạo: Ký sắt (cân) và ký tay (đong lon) là gì!
Chúng tôi mến bà Quý lắm, nhất là chiếc thuyền con của bà! Một lần anh Hưng đánh liều hỏi mượn. Không ngờ, bà vui vẻ bằng lòng ngay. Thật là một cơ hội…bằng vàng! Đám anh em Thơ thi nhau chạy ra đầm, mạnh ai nấy leo lên. Con thuyền nhỏ tròng trành, suýt đắm! Rồi chúng tôi cũng đã trèo được vào thuyền và hối hả bơi, chống, bằng bất cứ thứ gì tìm thấy: Mái chèo, cái thau, mảnh ván, cây sào…Chiếc thuyền xoay vòng vòng, nghiêng ngả vì mất thăng bằng rồi lật úp! Cả bọn cười như nắc nẻ. Nước cạn, chỉ ngang ngực, đâu có sợ gì? Chúng tôi xúm lật thuyền lại, tát nước ra, tiếp tục chèo nữa! Cả một đám dở hơi, nghịch phá, có đứa nào biết chèo chống gì đâu! Tội nghiệp con thuyền và chắc đã đau lòng bà Quý! Từ đó, Bố Mẹ cấm, không cho chơi chống thuyền nữa. Vì nếu có hỏi mượn, chắc bà Quý cũng sẵn sàng cho! Thật là một người phụ nữ hiền lành, dễ mến. Bao năm rồi, Thơ vẫn nhớ về bà bán gạo cùng với nụ cười thật tươi, hàm răng đen lánh, có quết trầu đỏ ở hai bên mép.
Ngoài mấy anh em Huân, Hưng, Khanh, Thơ, còn có 1 đứa bạn hàng xóm: Thằng Hới, quê Đông Hà. Nó có biệt tài bắn chim. Chúng tôi có bổn phận làm đạn: Đất sét được vo thành những viên bi nhỏ, đem phơi khô. Trưa nắng yên ả, mấy con chim đáp xuống sân tìm thức ăn. Thằng Hới nheo mắt, kéo căng gọng ná thun: “Phạch”! Con một con sẻ nằm quay trên đất! Bọn trẻ có việc làm: Chúng xúm lại làm món “cặp chả”: vặt lông, mổ bụng, moi ruột, ướp chút hành tiêu, bột ngọt, nước mắm, kẹp vào vỉ sắt, đem nướng. Thơm ngào ngạt! Ôi chao! Cả một bầy, chia nhau từng miếng thịt chim nhỏ xíu! Nhưng có lẽ, đó là miếng ngon nhất trong đời!
Một lần, thằng Hới súc mực, lau rửa cái bút máy hiệu “Visor”. Loại này, ráp ngòi vào khó lắm, thường bị tréo ngoe: Lưỡi gà, ngòi bút một nơi, ống bút một ngả! Anh Khanh giành sửa, làm nứt ở chỗ tay cầm, mực bị rịn ra. Thằng Hới cằn nhằn: “Cây viết tau đang ngon lành, tụi bây làm hư rồi”! Bọn “Bắc kỳ” (mới di cư vào Nam) chúng tôi tròn mắt, ngạc nhiên: Cái bút, ăn được hay sao, mà nó nói “ngon lành” cơ chứ?
Thơ không biết ai đã… chủ mưu vụ lấy trộm trứng chim ở trên vòm nhà thờ Chính tòa Quy Nhơn hôm ấy. (Tiếng bình dân quen gọi: “Nhà thờ nhọn”). Chỉ còn nhớ: Sau Thánh lễ, một buổi chiều Chúa nhật, mấy anh em nó không về nhà ngay như thường lệ, nhưng leo cầu thang hình xoắn ốc, lên bao lơn, chỗ Ca đoàn đứng hát lễ. Chúng lẻn vào trong mái vòm của nhà thờ. Ánh sáng buổi chiều tà từ các ô kính màu không đủ sáng. Chúng đưa tay lần tìm trong các kẽ cột đá và vì kèo: Vô số tổ chim, vô số trứng! Túi, mũ, áo ngoài...tất cả đều được trưng dụng để đựng trứng chim. Cả bọn mải mê lùng sục, quên cả thời gian. Mãi tới khi hết chỗ đựng, mới tính tới chuyện ra về! Nhưng về làm sao được, khi cửa lên bao lơn và cả ba cánh cổng lớn, cổng nhỏ ngoài sân, đều đã khóa kỹ! Từ chỗ bao lơn của ca đoàn, nhìn qua ô kính ra ngoài đường: Ai kìa? Trời ơi! Đúng là Mẹ rồi! Dáng Mẹ vội vàng, hớt hải. Qua song sắt của cánh cổng đã khép kín, Mẹ đứng nhìn vào khoảng sân trước cửa nhà thờ, không còn một bóng người! Rồi Mẹ tất tả bước đi. Tội Mẹ quá! Hẳn Mẹ đang lo lắng lắm! Làm sao có thể gọi với theo, thật to:
- Mẹ ơi! Chúng con đang bị mắc kẹt ở trên gác chuông đây!
Nhìn thấy cuộn giây chão nối liền với quả chuông, còn rất dài, cuốn thành nhiều vòng, nằm trên sàn của bao lơn. Anh Hưng đề nghị sẽ xuống bằng lối này. Nhưng đâu phải tất cả đều có thể sẵn sàng tuột giây? Anh đành xung phong xuống một mình, đi tìm ông Bảy, xin ông “giải thoát” cho đồng bọn! Không thể có người hiền hòa, đằm tính hơn thế: Ông Bảy cười độ lượng, kiếm tìm trong chùm khóa nặng trĩu, chiếc chìa khóa cửa lên cầu thang và bình thản mở khóa. Không một lời trách mắng, Ông chỉ ôn tồn bảo:
- Về lẹ đi! Chắc ở nhà Ba Má nóng ruột rồi!
(Chúng con rất biết ơn và quý mến Ông, người Bõ già giản dị, phúc hậu chất phác. Tứ thời, luôn mặc bộ đồ bà ba đen, đi chân đất, bàn chân chai cứng, các ngón chân bè ra, vẫn bước lẹp xẹp, lẹp xẹp trong nhà thờ)!
Mấy anh em Thơ rảo bước về nhà. Trứng chim đầy túi, đầy mũ và vạt áo, nhiều vô kể, (có cái đã bị vỡ, dính chẹp nhẹp). Nhưng sao lòng cảm thấy không vui, lo lắng vì viễn ảnh rất gần: Nắm chắc, cả bọn sẽ bị quỳ úp mặt vào tường, sau khi đã lãnh một số roi đòn từ Bố, tỷ lệ thuận với số tuổi của mỗi...tội nhân. Bụng làm dạ chịu, nào còn dám kêu ai! Dù Mẹ, cũng chẳng bênh nổi khi Bố nóng giận!
Ngoài trường, con Thơ nhút nhát và ít nói. Lúc thư thả, Giáo sư môn Văn lớp Đệ
Thất 2 (mọi người quen gọi: “Thầy Bài Nhỏ” để phân biệt với Thầy Đinh Thành Bài), thường kêu nó lên, đứng bên cạnh bàn Thầy, đọc các câu chuyện ngắn trong tập Anh Phải Sống cho cả lớp nghe: …“Nhưng còn Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé…Không! Anh phải sống”...! Hoặc những đoạn văn hay:…“Sinh hé miệng cười, chàng vừa nghe tiếng chim hót, một tiếng chim quen. Cứ mỗi mùa Xuân trước, lang thang dưới những lùm cây, chàng thường lắng nghe tiếng ca vui của giống chim Gi, giọng trong và nhọn hoắt, điệu kỳ quặc: Lúc đầu 3 tiếng dài lơi nhịp rồi bỗng tiếng hót đổ hồi… Chàng yêu chúng lắm, gần như ta yêu bạn đồng tâm, bởi mỗi khi Xuân về, chúng lại ca mừng, để hợp điệu với niềm rộn ràng, vui sướng của lòng chàng”… (Nắng mới).
Giọng “Bắc kỳ” lanh lảnh! Nó bé người nhưng to tiếng như…con ễnh ương! Thơ cũng được Giáo sư dạy Pháp văn thương lắm. Một bạn, có vẻ rành rẽ bảo:
-Thầy Lữ có cô con gái trạc tuổi nó, còn kẹt lại ngoài Bắc (?).
Năm lên Đệ Lục, nhóm con gái chúng tôi đi nhặt quả điệp rơi đầy sân trường Cường Để cũ. Cặm cụi, tỉ mỉ đập ra lấy hột. Con Thơ lãnh phần đem về rang. Buổi chiều đi học sớm, cả đám xúm lại cắn hột điệp giòn thơm, ngay trên hành lang, trước cửa Văn Phòng còn đóng kín. Đang chuyện trò huyên thiên, bỗng cánh cửa xịch mở! Cả bọn xanh mặt, nhìn thầy Hiệu trưởng Đinh Thành Chương bước ra với nét giận dữ. Chẳng ai dám thưa lại lời nào, khi nhìn mớ vỏ hột điệp xả bừa bãi trên vỉa hè! Khi ấy mới sực tỉnh: Hết chỗ hay sao, lại “nhóm chợ” trước cửa VP?! Đâu ngờ: Thầy Hiệu trưởng còn đến sớm hơn và đang làm việc trong đó. Thầy vào lấy Sổ Điểm, tặng mỗi đứa: “2 con ze’ro gạch đít”, môn Toán! Nguyên một hàng dài, chữ ký của Thầy... (dài không kém)! Cả bọn ngán ngẩm: Tháng này đội sổ là cái chắc! May sao, qua hôm sau, Thầy gọi lại, tuyên bố tha bổng. Thầy… “đập” hết mấy tá trứng vịt, bằng 2 gạch chéo và ký tên. Hú vía! Chúng con tạ ơn Thầy! Lâu quá, không còn nhớ…đồng bọn có những ai? Các bạn hiền! (Sẻ, Huệ, Ái Liên, Liễu, Ngọc Bội…, có tham gia “trận” này không vậy? Tình cờ bạn nào đọc đến, hãy… tự giác, liên lạc với Thơ, chúng ta cùng làm kiểm điểm, tạ tội nhé)!
Một lần¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬, sau giờ chơi trong năm Đệ Ngũ. Giáo sư dạy Pháp văn: “Bà Lê Huy Huyến”, (ai cũng gọi theo tên chồng của Cô). Cô kêu Thơ lên trả bài Re’citation đầu tiên. Mặt con Thơ còn đỏ bừng, mồ hôi dính những sợi tóc mai lòa xòa vào má. Nó “mệt bá thở”. Vừa đọc, vừa thở dốc! Cô giáo ngạc nhiên, hơi cúi đầu, ngước mắt nhìn nó, qua khe hở của đôi kính viễn thị. Một bạn nhanh nhảu lên tiếng:
- “Thưa cô, giờ chơi các bạn ấy nhảy dây dữ lắm”!
Nhưng có lẽ Cô còn chưa thấu hiểu giùm: Chơi nhảy dây “1 ra, 1 vào”, chạy theo hình số 8. Nhóm con Thơ chỉ vỏn vẹn 5, 6 đứa. Hai đứa đã quay giây, nên bọn nó phải cột túm hai vạt áo dài lại cho đỡ vướng víu và chạy… tốc lực, để khỏi bị đứt khúc. Bỏ lỡ nhịp quay, không vào kịp, là thua! Tuy vậy, Cô vẫn mỉm cười, thông cảm và bao dung:
- “Cho em về chỗ. Sẽ trả bài sau”!
Chẳng hiểu tại sao, nhóm 10-12 đứa học sinh lớp Đệ Nhị A hôm đó, lại cả gan rủ nhau trốn học, đi Tu viện Nguyên Thiều chơi như thế! Lâu năm lâu tháng, Thơ không nhớ hết tên các “tội phạm”. Nhưng chắc chắn, trước hết phải có mặt anh Trần Nhâm Thân. Vì hôm đó, chúng tôi đã ghé chơi nhà anh. (Anh đừng… trừng mắt chứ)! Tiếp theo: đủ mặt 4 đứa: Minh Hưng & Thy Tứ, Thu Ba & Xuân Trang. Anh Nguyễn Đôn Toại (?) và …hình như có anh trưởng lớp Lê Đức Thọ nữa! “Tội qui đầu trưởng…lớp”! (Hẳn anh phải…chịu trách nhiệm về vụ này rồi)! Cũng không biết là ai đã có “sáng kiến” ôm Sổ Điểm Danh đi theo cho…chắc ăn! Chơi đùa mãi đến trưa, xe Lam ghé lại trường: Đã tan học! Một bạn luồn cuốn sổ qua khe cửa, trả lại VP. Rồi mạnh ai, nấy vội vã về nhà mình. Hình như gần dịp Tết hay sắp nghỉ hè gì đó, nên vụ “trốn học có tổ chức” ấy đã không bị đem ra… xét xử. (Quá hên)! Còn nhớ mãi, những hàng cây vú sữa trái căng bóng, sai oằn cành, trồng bên mương nước ở quê nhà anh Trần Nhâm Thân. Rất tiếc trái còn đang sức lớn, chưa ăn được! Phải chi là ổi, mỗi đứa sẽ hái đầy bọc rồi!
Có lần, chẳng cần ai “rủ rê, xúi giục”. Hai đứa T. & H. cũng “dám” khiêng chiếc Velo-Solex của Giáo sư Cố vấn lớp nó, từ gầm cầu thang lên trên lầu. Chúng còn cẩn thận lấy phấn, “lễ phép” ghi trên yên xe: “Chúng con cất kỹ giùm Thầy”! May sao, không có ai phát hiện ra. Trong lớp, chúng cũng không nghe Thầy Cố vấn… than phiền gì!
Giáo Sư Cố vấn Trần Xuân Lộc hiền lắm! Thầy luôn luôn cười mỉm. Chắc Thầy sẽ rất …kinh ngạc, khi biết “tội nhân” năm đó, không phải con trai, lại chính là 2 đứa nhóc gái! Trông hiền lành mủ mỉ, ít nói, vẫn chăm chỉ làm hết phần bài tập trong sách Giáo khoa môn Lý Hóa của Thầy. Bài nào không giải được, chúng đến xin Thầy giảng dạy cho. (Nhưng…than ôi)!!! Chúng con biết tội rồi! Xin hãy tha thứ, Thầy ơi! (Đúng nghĩa là 2 con nhóc, trong khi đa số các bạn nữ cùng trang lứa với hai đứa nó đã biết … làm dáng, trông ra vẻ… yểu điệu thục nữ lắm rồi)! H ơi! Bọn T, cả vợ chồng anh Trình, chị Mai, trông tìm H. Đã hỏi thăm nhiều người từ lâu lắm rồi, vẫn mù mịt tăm hơi! H. ở đâu? Hãy mau lên tiếng đi!
Thơ chợt nhớ mấy câu trong bài Học thuộc lòng, năm lớp Nhất ở trường Ấu Triệu:
…“Thầy ơi! Thầy khổ đã bao lần,
Mái tóc sương pha đã mấy phần.
Có những chiều tà mưa phủ trắng,
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”…
GSCV TRẦN XUÂN LỘC. |
Chúng con luôn ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của Bố Mẹ. Công ơn giáo huấn của Thầy Cô. Không bao giờ chúng con lại là những kẻ vong ân! Nay, một lần hồi tưởng, một lần xin ăn năn hối tiếc về muôn điều dại dột trong “Những trò tinh nghịch tuổi thơ”!
Càng đi xa càng nhớ. Mái tóc điểm sương càng luyến tiếc tuổi hoa niên dưới mái trường CƯỜNG ĐỂ thân thương ngày ấy! Thơ muốn cất tiếng gọi thật to, trong mưa mù, giá lạnh mùa Đông: “Trường xưa! Lớp cũ! Bằng hữu mến yêu ơi”!...
Ythnguyen
GA - Feb. 2013
"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba...học trò" "Những kỷ niệm khó quên" của Ythnguyen thật là dễ thương... làm P nhớ lại thời tuổi nhỏ ở Qui Nhơn của mình cũng nghịch ngợm không thua gì Chị (? ) Chúc Chị luôn vui khỏe. Mến , DP
Trả lờiXóaNhững nét hồn nhiên,thơ mộng của thời chúng mình,thật đáng yêu và trân trọng .Và với cây bút của Cô Thy Tứ mới
Trả lờiXóalột tả hết sự chân thưc,mỹ miều ấy Tôi rất thích giọng văn tự nhiên và hấp lực của Cô Chúc Cô ThyTứ vui,khỏe và
viết nhiều bài nữa nhé Hạc ngàn