Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

MỪNG NGÀY HỌP MẶT.


                        Irene.

          Sáng chủ nhật 01/07/2012, đường phố Sài Gòn dịu êm, không nhộn nhịp đông đúc như những ngày khác trong tuần. Cơn mưa đêm qua đã tắm gội cây lá làm cho đường phố xanh tươi, sạch bóng. Bầu trời xanh chỉ lởn vởn một vài đám mây trôi nhè nhẹ bồng bềnh. Vì thế, tôi thoải mái tung tăng giữa những con đường.
          Từ quận 7, tôi vượt một chặng đường dài: Đi qua quận 4, quận 1, quận Bình Thạnh. Ngang qua chợ Bà Chiểu, đi dọc con đường Lê Quang Định, xuống Nguyễn Văn Đậu và dừng lại 298 là nhà hàng Trầu Cau. Hôm nay tôi đi dự Đại Hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Sư Phạm Quy Nhơn 1962-2012.
          Cứ tưởng mình đến sớm nhưng không ngờ vừa bước vào cổng đã nhìn thấy các chị ngồi xếp và đóng các bảng tên của các ban và những khóa để giúp cho mọi việc của ngày họp mặt được diễn ra tốt đẹp.
          Nhìn vào bên trong, tôi đã thấy Thầy Dũ, anh Thận, anh  Chúc và vợ chồng anh chị Vân Được chủ nhà hàng cũng đang trang trí và kiểm tra lại. Các anh chị trong ban tổ chức thật sự lo lắng chu toàn mọi việc cho cuộc họp mặt này.
 Anh Dũ đến giao Sổ Vàng cho tôi và Thanh Cảm. Người đầu tiên là anh Lê Tư từ Mỹ gởi về ủng hộ 100USD.  Tôi thật sự cảm động những người bạn từ phương xa vẫn còn nghĩ rất nhiều đến trường lớp, đến bạn bè xưa cũ của thời sư phạm.
Nắng vàng trải nhẹ xuống sân vườn, tiếng chim hót véo von
trong vòm lá như chào mừng ngày họp mặt. Lần lượt mọi người đến! Ai cũng hớn hở. Các chị áo dài, váy đầm… nhiều màu sắc. Các anh áo quần chỉnh tề, lịch sự. Mọi người niềm nở chào hỏi, tay bắt mặt mừng. Nét mặt tươi vui.
Từ khắp bốn phương trời mọi người trở về họp mặt. Các anh, các chị từ Mỹ, từ Úc, từ các tỉnh ở miền Trung hay các tỉnh lân cận ở Sài Gòn đều về tham dự. Các anh, các chị tấp nập đến các bàn của ban tổ chức ghi tên rồi cùng nhau cài lên áo bảng Họ tên… Khóa… Trên tay cầm cuốn Kỷ Yếu Sư Phạm Quy Nhơn kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường…
Mọi người vui vẻ đến ủng hộ sổ vàng tới tấp làm tôi và Cảm làm việc không ngừng tay. Tôi thật sự cảm động khi Nguyễn Thị Vân khóa 11, từ Quy Nhơn vào. Bạn ấy mang trọng trách là đem những tấm lòng của một số bạn ở Qui Nhơn vào Sài Gòn gởi đến Sổ Vàng như bạn Trần Đình Tín, Đông Hơn, Tô Bá Tùng khóa 11.
Tôi rất trân trọng khi các thầy giáo, các cô giáo của trường Sư Phạm không quản ngại đường sá xa xôi hay sức khỏe cũng đến tham dự như Thầy Phan Thâm, thầy Đặng Văn Bồn, Thầy Đặng Văn Tháo, Thầy cô Bùi Thường, cô Hưng, thầy Tôn Thất Tạ, thầy Lê Ngọc Linh , thầy Hồ Sĩ Duy, thầy Nguyễn Lưu, thầy Trần Đình Trắc … Tuy những bước đi của quý thầy cô không còn nhanh nhẹn như xưa nữa nhưng ai cũng đến sớm. Trên khuôn mặt đều thể hiện niềm hân hoan và vui mừng.
Tôi rất xúc động khi thấy trong khách mời có Đoàn Sư Phạm Vĩnh Long, Đoàn Sư Phạm Long An, Đoàn Sư Phạm Sài Gòn. Trong đoàn Sài Gòn có nhiều đại biểu trong đó có các vị giáo sư. Các quí khách tham dự cũng nô nức khi nhận những đóa hoa hồng cài trên áo và nâng niu cuốn kỷ yếu mà Sư Phạm Qui Nhơn kính biếu.
Các anh, các chị trong ban tổ chức: các chị trong bàn thu tiền, ghi phiếu, trao bảng tên, các chị trong bộ phận bán kỷ yếu cũng bận rộn không kém. Mọi người làm việc tích cực và hăng say nên công việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi… Tôi thấy thầy Dũ, anh Chúc, anh Chuyển, anh Chức, anh Đán, anh Thận…đến giúp đỡ, hổ trợ, động viên chúng tôi. Các anh ấy thấy chúng tôi làm tốt nên mỉm cười an lòng.
Anh Bạch Xuân Lộc khóa 11 từ Úc về dự. Anh vui mừng tặng tôi, Cảm và các bạn tập thơ Nước Mát của anh vừa mới xuất bản. Tập thơ in ấn đẹp nhưng điều quan trọng ở đây là tấm lòng chân thành của tác giả. Thật đáng trân quý!
Nắng đã lên, chúng tôi vẫn làm việc miệt mài. Chị Mộng Trâm thấy mồ hôi chúng tôi đã lấm tấm trên trán nên chị đã đem đến những ly café sữa đá và chăm sóc chúng tôi bằng cách phụ làm bớt mọi công việc. Chị còn đùa những câu nói để chúng tôi cười vui tươi.
Các bạn của tôi cứ đứng xung quanh tôi và Cảm rồi những cái máy ảnh của Trần Hữu An, của anh Phan Quang Đán, của các anh chị khác nữa bấm lia lịa như cố gắng lưu giữ những hình ảnh bạn bè và những khoảnh khắc đáng quý. Tôi rất vui vì gặp các bạn Xuân Đài, Vân, Thanh, Liễu, Bích Lệ, Phước Lương…  các bạn cứ lẩn quẩn quanh tôi mặc dầu tôi đang bận rộn. Rồi chợt thấy tôi có rảnh một giây phút nào là các bạn kéo lại đứng bên nhau chụp hình. Các bạn lớp tôi như Phan Văn Thanh, Hiền Tuấn, Tài, Thủ Tịnh, Kim Thạch, Đình Tú, Đào Văn Tuấn… cũng quấn quýt bên nhau.
Đã đến giờ, mọi người tập trung về phòng Họp Mặt. Chúng tôi cũng đã hoàn tất mọi công việc để vào dự.
Căn phòng rộng thoáng mát. Khoảng trên 300 người gổm khách mời, các thầy cô, các anh chị của 13 khóa ngồi theo các bảng chỉ dẫn đặt trên mỗi bàn. Do đông quá cho nên “phóng viên” không thể nói một cách chính xác số người tham dự.
Anh Chúc tuyên bố lý do và nội dung cuộc gặp mặt Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Sư Phạm Quy Nhơn 1962-2012. Sau đó Thầy Dũ đọc Sơ Lược Lịch Sử Trường Sư Phạm Quy Nhơn. Mọi người yên lặng trong giây phút mặc niệm đến các thầy cô giáo, các bạn đã vĩnh viễn rời xa nơi này.
Phần văn nghệ thật hùng hồn với Sư Phạm Quy Nhơn Hành Khúc của thầy Hoàng Song Nhy. Rộn rã, vui nhộn với những tiết mục hát vui hay sâu lắng với những bài hát xưa mà các anh các chị diễn tả và mang nỗi niềm khi nghe Thanh Cảm trong bài Một Thời Quy Nhơn của anh Văn Bình…
Riêng tôi, tôi rất vui mừng khi chị Nguyễn Khoa Diệu Thơ tìm tôi để gặp mặt, người có bút danh Irene với những bài viết trên trang blogspqn về ngôi trường Sư Phạm Qui Nhơn, về những tình cảm bạn bè thời giáo sinh…Nhân đây tôi xin cám ơn chị! Những tình cảm chị dành cho tôi là nguồn động viên rất lớn để tôi tiếp tục viết khi mình còn có thể!!!
Những con tim cùng hướng về nhau, cùng dâng lên muôn ngàn đóa hoa tươi thắm! Những tấm lòng luôn nghĩ về trường Sư Phạm Qui Nhơn, về thầy cô giáo, về các anh chị đồng môn, về bạn bè…đã đem đến cho Đại Hội một sự thành công tốt đẹp.
15 giờ chấm dứt cuộc họp mặt. Mọi người như quyến luyến nhau. Những cái bắt tay siết chặt không nỡ rời như để níu kéo thêm những giây phút bên nhau, các bạn rộn rịp gọi nhau về nhà các bạn ở Sài Gòn để gặp nhau thêm một chút nữa, như nhà anh Tạ Văn Nam, anh Huỳnh Kim Thạch… rồi sau cùng xuống nhà hàng Sông Trăng để mừng vợ chồng anh Phạm Đính từ Mỹ về thăm bạn bè. Các bạn bịn rịn như e sợ không còn nhiều dịp gặp nhau!
 “Xin thêm một lần rồi mãi mãi chia tay”.
Năm mươi năm trải qua một chặng đường dài đáng ghi nhớ! Chúng ta gặp không ít khó khăn, thăng trầm hay lênh đênh trong cuộc sống nhưng rồi tất cả đều đã vượt qua. Bây giờ cuộc sống coi như tạm ổn thì:
 “Nhìn lại mình đời đã xanh rêu”.
Thế nhưng, dù bất cứ lúc nào, ở đâu? chúng ta vẫn  luôn tự hào về ngôi trường mang tên Sư Phạm Qui Nhơn hiền hòa, dễ thương nằm bên bờ biển xanh thơ mộng một thuở nào. Để rồi hôm nay, sau một phần hai thế kỷ ta tìm lại được bạn bè, ta tìm lại được chính mình. Những khuôn mặt thân quen trở gần lại với nhau. Tình bạn bè càng thêm thắm thiết và tâm hồn vẫn mãi tươi trẻ của tuổi hai mươi.
Sài Gòn chiều nay không nắng cũng chẳng mưa chỉ một chút man mác cũng đủ cho chúng tôi nghĩ nhiều về bạn bè về tuổi trẻ của mình.
 Rất mong tất cả luôn”Chân cứng đá mềm” để còn có rất nhiều cuộc gặp mặt cảm động và đầy tình thân như năm nay.

Sài Gòn,02/07/2012.
          Irene.

Bài phát biểu của thầy Đặng Văn Tháo trong Đại hội 2012


Kính thưa,
-    Quí vị khách quí
-    Các bạn đồng nghiệp và các em cựu giáo sinh SPQN

Thưa quí vị,
Hôm nay, ngày 01 tháng 7 năm 2012, chúng ta hội tựu nơi đây để họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Sư phạm Quy Nhơn.
Kỷ niệm ngày thành lập là mốc thời gian để chúng ta có dịp cùng nhau nhớ về quá khứ với những dấu ấn buồn vui, ôn lại những gì làm được và những gì chưa làm được mà tìm cách vươn lên hoàn thiện. Bao năm qua, chúng ta trau dồi học vấn. Bao năm qua, chúng ta sám hối lương tâm, nhìn lại sự thăng trầm và hiện tại dọn thân cho đại nghiệp.
Dù chăng đã có những người thầy kính yêu, những bạn đồng môn chung đèn chung sách, ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng đã ra đi vĩnh viễn và nhiều người không có mấy duyên đứng trên bục giảng.
Với những điều kiện hạn chế, các em đã thực hiện được những cuộc họp mặt hằng năm để trao đổi xẻ chia những kinh nghiệm, hiểu biết làm phong phú hóa hành trang giáo nghiệp hoặc tổ chức viếng thăm thầy xưa bạn cũ qua “quan – hôn – tang –tế “. Gần đây, các em đã thực hiện được chuyến về thăm trường cũ với kết quả ngoài mong đợi. Rồi hôm nay tổ chức họp mặt thành công kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Sư phạm Quy Nhơn với tập kỷ yếu.
Trước các thành quả tuy khiêm nhường nhưng rất đáng trân trọng đó, tôi thay mặt các thầy cô đã từng giảng dạy tại Sư phạm Quy Nhơn nhiệt liệt khen ngợi các em, đặc biệt các em trong Ban Liên Lạc, Ban Tổ Chức và cũng không quên hoan nghinh các em quay về họp mặt từ nửa vòng trái đất.
Tôi cũng chân thành cảm ơn Nhà hàng Trầu Cau đã dành nhiều ưu ái cho các lần họp mặt.
Một lần nữa, tôi xin cám ơn tất cả và chúc vui vẻ.

                                                                         Đặng Văn Tháo

Lời Cám Ơn của Ban Tổ Chức 2012

Kính thưa quí Thầy Cô cùng toàn thể anh chị em CGS  SPQN.

Như thế là kỳ Đại Hội mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN đã kết thúc tốt đẹp. Tất cả có được là nhờ vào sự tham dự đông đủ của quí Thầy Cô cùng bạn bè đồng môn từ khắp các tỉnh thành cũng như từ nước ngoài về; đặc biệt là nhờ sự ủng hộ đóng góp của các vị mạnh thường quân từ trong cũng như ngoài nước. Ban Tổ Chức 2012 chân thành cám ơn tất cả quí Thầy Cô, quí anh chị đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian qua bằng nỗ lực công sức hoặc tài chánh để chúng tôi có thể hoàn thành các công việc được giao phó.
Chúng tôi đặc biệt cám ơn anh chị Vân Được là chủ nhà hàng Trầu Cau Gia Định cùng các vị Mạnh Thường Quân có tên sau đã ủng hộ tài chánh trong ngày 1/7/2012

   - Bạn Lê Tư, K11 ở Mỹ ủng hộ 100 USD
   - Chị Phạm Thị Quỳnh Lâm ở Huế, 500.000 đồng
   - Anh Nguyễn Thành, K10, Saigon, 500.000 đồng
   - V/C Trần Minh Đình K11+Nguyễn Kim Phụng K12,  50 USD 
   - Anh chị Vân Được (chủ NH Trầu Cau Gia Định), 3.000.000 đồng
   - Anh Lê Trung Thận, K12, Saigon, 3.000.000 đồng
   - Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, K2, Nha Trang, 500.000 đồng
   - Anh Phạm Như Vạn, K8,  500.000 đồng
   - V/C Nguyễn Thị Vân, Tô Bá Tùng, K11, Qui Nhơn, 2.000.000 đồng
   - Anh Trần Đình Tín, K11, 2.000.000 đồng
   - Chị Đông Hơn, K11, 1.000.000 đồng
   - Anh Lê Trung Việt, K12, 1.000.000 đồng
   - Anh Võ Thành Chung (Chung Ái), Saigon, 2.000.000 đồng
   - Anh Tạ Văn Nam, K11, Saigon, 2.000.000 đồng
   - Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt , K9, Qui Nhơn, 500.000 đồng
   - Ban Liên Lạc SP Long An, 1.000.000 đồng
   - Thầy Tôn Thất Tạ, 500.000 đồng
   - Anh Trần Hiền Tuấn, K11, Quảng Ngãi, 500.000 đồng
   - Chị Bích Lệ, K11, Saigon, 1.000.000 đồng.

Chân thành cám ơn.
Ban Tổ Chức

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Chùm Thơ của Võ Ngọc Lam - K4

Hương Vị Quê Tôi

Tha hương mãi nhớ đến quê Cha,
Đặc sản quanh năm vị đậm đà.
Chim mía Phú phong, xoài Cát chánh,
Rượu hương Bàu đá, bưởi An hòa.
Nem chua chợ Huyện danh vang dội,
Mắm nhỉ Gò bồi tiếng vọng xa.
Dân Nẫu hiền lành luôn hiếu khách,
Dừa Xiêm tiếp bạn viếng thăm nhà.

                        

HOÀI HƯƠNG

Nhiều năm biền biệt vẫn chưa về,
Ngẫm nghĩ xứ mình lại thấy mê.
Cá lóc, tôm hùm bao kẻ thích,
Thú rừng, thổ sản mấy ai chê.
Quên sao Ghềnh ráng trời thơ mộng,
Nhớ đến Suối tiên chốn hẹn thề.
Bằng hữu trường xưa mong gặp lại,
Không đâu sánh được với tình quê.
                                  
 
 
              MONG HỘI NGỘ

Xa cách ngàn trùng mãi nhớ nhau,
Tháng năm không xóa lại in sâu.
Mang bao kỷ niệm tình chan chứa,
Gợi lại tâm tư nghĩa dạt dào.
Chén rượu tao phùng mong sẽ chóng,
Vần thơ hội ngộ hẹn từ lâu.
Trông về cố quốc buồn da diết,
Chẳng sớm thì chầy, hẹn gặp sau.

                            
 Võ Ngọc Lam

Thông báo quan trọng

Thân gởi quí bạn đọc của trang SPQN.

Mấy ngày qua nhiều bạn đọc thấy khó khăn khi truy cập vào trang nhà; điều này do bởi hiện nay những nhà cung cấp mạng như VNPT, Viettel, FPT... đang có chính sách ngăn chặn những Blog có tên miền của Blogspot hay Wordpress; Tuy nhiên việc ngăn chặn này không triệt để, mà gián đoạn theo từng thời điểm trong ngày. Do vậy việc truy cập vào Blog SPQN sẽ có lúc được, lúc không!!!
BBT xin thông báo cùng quí bạn đọc để yên tâm, vì hiện nay ngay cả BBT cũng khó truy cập vào trang để post bài mới... Đây là lỗi của hệ thống đường truyền Internet... chứ không phải lỗi từ computer của các bạn, nên xin các bạn yên tâm chờ qua thời điểm này.
Chúc các bạn vui và tiếp tục đến với trang nhà khi có thể!

Thân ái.
BBT SPQN


Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Thư Mời

Kính thưa quí Thầy Cô cùng toàn thể anh chị cựu Giáo Sinh SPQN.


Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN, Ban Liên Lạc CGS và Ban Tổ Chức 2012 trân trọng kính mời quí Thầy Cô cùng các anh chị đồng môn về tham dự ngày họp mặt kỷ niệm, được tổ chức từ 9 giờ đến 15 giờ ngày 1 tháng 7 năm 2012.
Tại địa điểm: Nhà hàng Trầu Cau, số 298 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh.
Kính mong quí Thầy Cô cùng các Anh Chị thu xếp thời gian để cùng tham dự.


Trân trọng kính mời.
BTC 2012

Bản đồ vị trí nhà hàng Trầu Cau. (nơi đánh dấu bằng chữ A)


Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Sư Phạm Qui Nhơn Hành Khúc - Hoàng Song Nhy.

Nhân Đại hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN ngày 1/7 sắp tới, Xin mời các bạn cùng hát:

XE ĐẠP ƠI!


                Irene.

          Khi tôi bước ra khỏi Tứ Bửu Quán, lúc đó khoảng mười giờ. Đêm Quy Nhơn tháng năm trở nên dịu mát. Những cơn gió nhè nhẹ từ biển thổi vào mang theo cái vị mằn mặn và cái man mác của đại dương.
          Tôi đang loay hoay định gọi taxi hay phone để mấy đứa cháu đến chở. Thì Tín nói:
          -Để tôi chở về!
          Nghe tin tôi từ Sài Gòn mới về nên các bạn gọi và hẹn tôi đến để gặp. Cuộc gặp mặt thật đầm ấm gồm các bạn Sĩ Tạo, Bồng ở Quy Nhơn, Thông ở Sài Gòn mới ra, Bùi Văn Tạo, Hiền Tuấn từ Quảng Ngãi mới vào. Tín đang đi đánh tennis cũng vội vàng đến. Tôi rời Quy Nhơn cũng chỉ mới vài năm đây thôi nhưng lúc trước sống trong cùng một thành phố, thường xuyên thấy nhau nhưng dạo đó, ai cũng bận rộn với công việc nên chưa bao giờ bạn bè có một khoảng riêng nào dành cho nhau cả. Bây giờ khi tuổi đã lớn, cái tuồi về hưu, công việc bình ổn, con cái tương đối ổn định… Lúc này lại nghĩ đến thời trẻ! Nghĩ về bạn bè!
 Gặp nhau chuyện trò tâm tình vui vẻ, thân thiết. Suốt mấy giờ liền chúng tôi chỉ xoay quanh những hoài niệm của tháng ngày học sư phạm, cuộc sống khó khăn sau 1975 rồi đến cuộc sống hiện tại… bộc bạch và chân thành. Chúng tôi như tìm lại được chính mình và những niềm vui của thời còn đi học.
          Do là về cùng đường và cũng muốn tâm sự với bạn thêm một chút nữa nên tôi không ngại ngần leo lên chiếc xe đạp và cũng vì thế, hôm đó tôi mới hát bài hát “ Xe đạp ơi!” với những cảm xúc trong tình thân bè bạn.
          …Quay đều! quay đều! quay đều! nhớ hoài những vòng xe
          …Quay đều! quay đều! quay đều! thương hoài những vòng xe…(Xe đạp ơi-Ngọc Lễ)   
 Khi ngồi lên xe rồi mới biết là bagare không có nệm lót, không có chỗ gác chân mà chân tôi thì hơi dài, thôi chịu khó co chân lên! Xe không có chỗ tay vịn, thôi thì lấy hai tay vịn hai bên eo của bạn. Thoáng một chút “ngại ngần” nhưng rồi nghĩ với tuổi này, phải có chỗ tựa lỡ… thì biết làm sao đây?!
Chiếc xe sau phút “chao đảo” lúc đầu. Sau đó, bình yên quay đều chầm chậm trên đường, lướt qua từng hàng cây, ngôi nhà trên phố… Tôi nhớ câu thơ của ai đó rất dễ thương:
Anh chở em đi bằng xe đạp
Thấy phố hôm nay đẹp lạ thường!
          Tôi ngước nhìn lên trên cao, bầu trời có muôn ngàn vì sao nhấp nháy như chứng minh cho tình bạn của chúng tôi. Gió thổi nhè nhẹ đưa hương ngọc lan của nhà ai thoang thoảng dễ chịu. Chiếc xe vẫn quay đều trên con đường Trần Quang Diệu. Con đường này không phải đường phố chính nên hơi tối. Ánh đèn đường vàng leo lét làm cho con đường như dài và sâu hun hút .Tôi bỗng nhớ lại chuyện chiếc xe đạp cách đây mấy chục năm:

          Tôi và Tín học cùng lớp nhất niên 6 khóa 11 Sư Phạm Quy Nhơn. Tôi biết bạn ấy bắt đầu từ cuộc thi văn nghệ. Tôi tập vũ khúc Tiếng Xưa cho lớp, Tín trong đội múa. Một bữa nọ, do mãi mê tập văn nghệ nên ra về thì trời đã chiều tối. Đứng trước cổng trường chờ xe Lam một lúc lâu. Hoàng hôn xuống. Mặt Trăng đã nhô lên trên đỉnh Phương Mai xa xa mà chẳng thấy bóng dáng chiếc xe nào. Không thể chờ thêm được nữa nên tôi quyết định đi bộ. Tôi đi chầm chậm bên lề đường dưới những hàng dương liễu. Tà áo dài trắng bay bay trong chiều. Bỗng Tín rà rà chiếc xe đạp đến bên cạnh, cũng câu nói cộc lốc như hôm nay:
-Để tôi chở về!
Vì mặc áo dài nên tôi phải ngồi một bên. Chiếc xe lại cũ, cứ mỗi vòng xe thì lại phát ra nhiều những âm thanh “vui nhộn” suốt con đường về. Lúc đó tuổi trẻ nên Tín “cầm tay lái” vững vàng đưa tôi về nhà an toàn. Khi xưa chưa có bài Xe đạp ơi! Cho nên, hôm nay nhớ lại, tôi mới hát:
          Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ, dưới trăng khuya… áo ướt đẫm mồ hôi…

          Vòng xe vẫn quay đều trên đường phố và giọng Tín đều đều mang nỗi niềm : “ Lúc còn  đi học Sư Phạm, nhà  mình rất nghèo. Đến nỗi không có tiền để đi xe Lam. Mượn ông chú chiếc xe đạp để đi học. Một hôm, không biết ai lẻn vào nhà lấy trộm đi chiếc xe “cà tàng”. Đã nghèo lại gặp cái eo. Thế là từ đó, suốt cả năm học nhị niên mình phải cuốc bộ đến trường”.
          Tín vẫn hì hục đạp xe. Bây giờ tuổi đã cao cho nên không biết bạn ấy có đưa tôi về bình yên không? Tôi nghe hình như có tiếng thở gấp:
          -Bạn có mệt không? Tôi hỏi.
          -Ồ! Không sao đâu! Mình đạp xe là để tập thể dục mà.
          Hết con đường Trần Quang Diệu, xe vòng qua đường Trần Phú. “Con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng hôm nay bỗng dưng thấy lạ? Cảnh vật chung quanh tôi như có sự thay đổi lớn. Vì hôm nay, cả hai đã ở tuổi sáu mươi mà vẫn còn chở nhau bằng xe đạp.” (Ý của Thanh Tịnh)
          Đường Trần Phú có nhiều cửa hiệu nên ánh điện từ các shop sáng rực cả con đường. Mùi hoa sữa nồng nàn bay suốt cả dãy phố dài, quyện cả vào áo quần, sộc cả vào mũi chúng tôi. Trên đường, Xe ô tô, xe máy vẫn còn qua lại đông đúc. Nhưng khi thấy có sự xuất hiện chiếc xe đạp của” người cao tuổi” nên xe cộ vội tấp vào lề như để nhường đường. Vì thế, vòng xe vẫn quay đều đặn trên đường đêm và Tín lại bộc bạch:
          -R… biết không? Sau 75 mình tưởng đâu cuộc sống mình khá hơn vì mình thuộc gia đình liệt sĩ. Ai có ngờ đâu mình cũng gặp không ít thăng trầm! Dạy mấy năm ở thành phố rồi bị đổi qua đảo dạy. Những năm bao cấp ở đảo thật là khổ sở thiếu thốn đủ thứ. Cuối cùng trụ không nỗi với nghề, mình bỏ dạy. Mình lập gia đình rồi theo con đường mua bán…
          Tín nhắc lại làm tôi nhớ lại khoảng thời gian đó. Tôi rưng rưng:
          -T… ơi! Mình còn nhớ mỗi lần đi dạy gặp Tín là không lúc nào mình không ngùi ngùi thương cảm. Lúc đó cả hai chúng mình đều đã lập gia đình. Mình nhớ thời bao cấp cuộc sống mọi người đều rất khổ. Dạo đó Tín đã nghỉ dạy. Hàng ngày, trên con đường Tăng Bạt Hổ mình thường đi bộ đến trường, mình gặp Tín ngồi bên lề đường bán áo quần. Ngày nắng thì không nói gì. Những ngày mưa nhất là vào những lúc mưa phùn gió bấc, thêm cái rét buốt ở miền Trung. Thấy bạn mà mình ngậm ngùi. Đi qua không dám ngoảnh đầu nhìn lại…
          -Ừ! Hồi đó đời sống khó khăn ghê R nhỉ?
          Đến ngả tư Tín dừng xe lại! Tôi thầm cám ơn “đèn đỏ”giúp  bạn của tôi nghỉ mệt được một lát rồi chở “ nửa tạ” tiếp tục cuộc “hành trình”.
 Vòng xuống con đường Tăng Bạt Hổ ngang qua Sân Vận Động. Con đường này đa số là những hiệu giày, đèn điện sáng trưng. Bỗng bên đường một phụ huynh cũ nhận ra tôi (hình như quen cả Tín nữa). Cô ấy reo lên:
          -Cô về hồi nào?
          -Mới về sáng nay! Tôi nói vói lại rồi lẩm bẩm với bạn:
- Thành phố nhỏ xíu, đi đâu cũng gặp người quen.
-Ừ, nhỏ xíu xìu à!
          Vòng xe vẫn quay đều, tiếng bánh xe lạo xạo trên đường khuya.
-Tín có nhớ dạo Tín dạy đảo Cù Lao Xanh không? Tuần nào Tín cũng về đất liền. Và Tín thường đến trường mình, chờ tan học.  Rồi hai đứa đi bộ thong thả bên nhau trên con đường về nhà .
-Ừ, mình nhớ!  
Dạo đó, Tín có điều gì đó muốn nói với tôi nhưng e ngại nên để nằm yên luôn trong lòng mà có lẽ như thế lại hay! Bây giờ mới có dịp chở nhau trên xe đạp…
Nghĩ đến đó tôi bật cười. Tín ngạc nhiên:
-Cười gì vậy?
-Ồ không có gì! Tín cho mình xuống đây!
Chúng tôi chia tay ở ngả tư Lê Lợi-Tăng Bạt Hổ và hẹn gặp nhau vào chiều mai trong cuộc về thăm trường xưa.
 Đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ được. Đến gần sáng mới chập chờn. Trong mơ, tôi thấy những vòng xe vẫn cứ quay đều, quay đều lăn cả vào trong giấc ngủ .
           
Cuộc sống luôn có nhiều thay đổi. Tín người bạn nhị 6 của tôi, sau khi bỏ dạy, chọn con đường kinh doanh và đã rất thành công. Bây giờ anh đã có những ngôi biệt thự sang trọng ở bên Mỹ. Chuyện lái xe hơi chở bạn đi là chuyện thường vì anh có thể mua cả máy bay nữa kìa!?
Nói vui thế thôi! Chứ với tôi, Tín lúc nào cũng giản dị như thời còn hàn vi cái thời đi học trong túi rỗng tuếch và tôi thích như vậy! Vẫn thích bạn ấy chở tôi trên chiếc xe đạp “trành trành” để tôi có những giây phút bên bạn bè đúng nghĩa. Tín vẫn mãi là người bạn rất chân thật, ít nói. Trải qua mấy chục năm mà bạn ấy vẫn thế! vẫn giữ được cái bản chất cố hữu của mình là với bạn rất chân chất, không xa cách, hòa đồng, đơn giản không phô trương.
 Riêng đối với bạn bè từng học dưới mái trường Sư Phạm Quy Nhơn khi gặp nhau thì giữa chúng tôi lại càng không có ranh giới của sự giàu nghèo, chức tước hay địa vị… Nhờ thế, tình bạn của chúng tôi trong veo như pha lê, dịu dàng như dải lụa, mềm mại như áng mây chiều…
Bây giờ thì cuộc sống của chúng tôi không biết còn lại được bao nhiêu “vòng xe” nhưng tôi mong rằng: Chung quanh tôi lúc nào cũng có nhiều người bạn chân thành luôn nghĩ về nhau với những tình cảm rất thật, rất tha thiết.
Sài Gòn chiều nay mưa. Ngoài trời lành lạnh còn trong lòng tôi thì ấm áp khi nghĩ đến những người bạn. Ngồi bên cửa sổ ngắm mưa! Những giọt mưa rơi đều đều tí ta tí tách trên lá và tôi hát một mình:
          Xe đạp ơi! Đã xa rồi còn đâu….

Sài Gòn, 15/06/2012
          Irene.

BBT: Nhân có bài "Xe đạp ơi" của bạn Irene, BBT xin tặng thêm bạn Tín và bạn Irene 2 hình ... nữa!!! với chủ đề: "Ngày ấy... Bây giờ..."

Ngày ấy...

Bây giờ...

Chùm Thơ của Trần Hiền Tuấn - K11

Lắng sâu
Hôm nay trời trở gió…
Cái lạnh se se người
Thấm vào hồn tê tái
Nhớ lại chuyện năm xưa.
Chuyện một buổi chiều mưa
Muời tám năm về trước
Bên bãi biển Quy Nhơn
Từng giọt mưa thấm ướt.
Một buổi chiều kỷ niệm
Ta bên nhau êm đềm
Vọng lên lời từ biệt
Của sóng biển ru êm.
…Người xưa nay còn nhớ
Những buổi chiều hẹn hò
Những Chủ nhật rong chơi
Ta cùng nhìn biển khơi
Bên bờ eo Nín Thở
Chân mộ Hàn Mặc Tử
Hay ghế đá sân trường
Tất cả còn vấn vương.
…Mười tám năm qua rồi
Có còn mơ, còn nhớ
Cũng chỉ để mơ thôi
Còn lại gì trong tôi
Hai tiếng “Cộng Quỳnh ơi!!!”
                 


Qua rồi
                   Qua rồi cái tuổi ngây thơ,
          Qua rồi cái tuổi mộng mơ thuở nào.
                   Qua rồi tuổi ngắm trăng sao,
          Qua rồi cái tuổi uước ao đủ điều.
                   Qua rồi tuổi ngắm mây chiều,
          Vầng trăng lơ lững, cánh diều hoàng hôn.
                   Qua rồi lữ khách cô thôn,
          Bước từng bước một ru hồn về đâu.
                   Qua rồi tuổi ngắm mưa ngâu,
          Chờ xem Ngưu-Chức gặp nhau Ngân Hà. . .
                   Bây giờ còn lại mình ta,
          Nhớ nhung cảnh cũ cho qua tháng ngày.
                   Rượu không uống, thế mà say,
          Say cho quên hết những ngày đã qua.

                                      Trần Quốc D õng
                             (Trần Hiền Tuấn – Nhị 6-K 11)

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Thông Báo

Kính thưa quí bạn đọc, trong một tuần nữa sau ngày hôm nay, BBT trang vì lý do riêng phải vắng mặt, không thường xuyên post bài... do vậy xin quí bạn đọc thông cảm, và nhất là những thành viên gởi bài về trong dịp này sẽ thấy chậm trễ để lên trang. Và để tạ lỗi cùng tất cả, xin gởi tặng các bạn một bài hát của Minh Kỳ do Bảo Yến hát, bài hát "Chuyến Tàu Hoàng Hôn"... Hẹn gặp lại các bạn sau.

Thân ái.


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...