Irene.

Trong đêm dưới ngọn đèn đường hiu hắt những
chiếc lồng đèn xinh xinh đủ màu sắc rực rỡ. Đa số là những chiếc lồng đèn Trung
Quốc chạy bằng pin, gọn nhẹ lại có tiếng nhạc nghe vui tai. Lồng đèn đủ mọi
hình dáng từ những con thú như gà, thỏ, chuồn chuồn, bươm bướm…cho đến anh Tôn
Ngộ Không hay anh siêu nhân…ánh sáng cũng đủ màu: đỏ, vàng, xanh, tím…chớp nháy
liên tục. Thế nhưng bên cạnh những lồng đèn chạy bằng pin ấy, tôi vẫn thích
ngắm những chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng, thắp bằng đèn sáp của một nhóm trẻ
đang đứng ở phía cuối con hẻm. Nhìn chiếc đèn ngôi sao, tôi bỗng nhớ đến tuổi
thơ của mình.
Qui Nhơn những năm cuối thập kỷ 50 yên ổn
và êm đềm. Tuổi thơ của tôi cũng trải qua nhẹ nhàng! Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng tám ta, gần đến Tết Trung Thu
thì ba tôi lại ngồi chẻ những cây tre, vót thành những thanh dài ngâm vào nước
cho mềm mại. Sau đó đạp xe lên phố Gia Long mua những tờ giấy kiếng đủ màu. Mẹ
tôi thì lo lấy bột khuấy hồ dán. Ba tôi bắt tay vào việc làm lồng đèn. Ba cầm
những thanh tre ngắm nghía, đo, cắt làm thành những thanh dài, ngắn rồi ráp
thành cái khung lồng đèn…
Lúc đó tôi còn bé lắm! Tôi thường ngồi một
bên xem. Tôi chỉ thấy ba tôi làm hai loại đèn đó là đèn ngôi sao và đèn bánh ú.
Nhà tôi có ba chị em. Chị lớn tôi học lớp nhất, chị kề tôi lớp ba còn tôi thì
đang học mẫu giáo. Vào những năm đó, Qui Nhơn chưa có điện. Đời sống cũng như
hàng hóa còn rất đơn sơ. Hầu hết mọi người đều tự làm những vật dụng để phục vụ
cho cuộc sống.
Khi đã có cái khung rồi, ba tôi cắt giấy
kiếng để dán các mặt. Mẹ tôi thì phụ cắt. Dưới nền xi măng giữa nhà, hai người
cặm cụi làm lồng đèn ròng rã suốt ngày. Khâu trang trí cũng mất một buổi. Ba
tôi cắt mấy cái hoa dán ở các mặt, cắt giấy trang trí các đường diềm hay để làm
những cái tua thòng xuống ở mỗi góc. Ba còn dùng thép để làm chỗ cắm đèn cầy,
dùng thép để làm cái khoen móc cái cây để cầm… Xong đâu đó má tôi đem ra phơi
nắng cho khô và giấy được căng thêm…
Năm nào cũng thế, chị lớn tôi là được ba
làm cho chiếc đèn đẹp nhất, lớn nhất. Chị kề tôi là lồng đèn nhỏ hơn nhưng cũng
đẹp còn tôi là cái lồng đèn nhỏ nhất. Thấy tôi phụng phịu ba tôi nói: - Con ở
nhà chơi lồng đèn này là được rồi, mấy chị con đi học vì phải nộp lồng đèn để
chấm điểm nên cần phải lấy cái đẹp… Tôi không nói gì nhưng cũng thấy buồn buồn …
Đêm Trung Thu, Mặt Trăng tròn to, sáng vằng
vặc soi rõ khắp cả phố. Chị em tôi cùng với các bạn trong xóm đốt đèn. Những
chiếc lồng đèn sáng lên, đủ màu vàng, đỏ, xanh …đẹp mắt. Người lớn bắc ghế ra
ngồi trước hiên nhà xem con cái vui chơi. Thế nhưng trong xóm có nhiều gia đình
nghèo nên không ít đứa trẻ chẳng có lồng đèn cứ chạy theo loanh quanh ngắm
nghía … Một lát sau ba mẹ gọi chúng tôi, thế là cả bọn chạy đến. Quà cho chúng
tôi chỉ là những viên kẹo lạc, kẹo cà…bánh in hay những trái ổi sẻ củ lang, củ
mì…thế mà cả bọn trẻ vui mừng! Cùng nhau ăn ngon lành…Chúng tôi vừa ăn vừa rước
đèn dưới trăng. Chỉ rước quanh quẩn đi lên đi xuống không dám đi xa… Có năm ba
tôi bồng tôi và dẫn các chị tôi đi lên bây giờ là hội trường Quang Trung. Hồi
xưa, nơi đây chỉ là khoảng đất xung quang nhấp nhô những mô đất ở giữa bằng
phẳng để xem múa lân. Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là múa lân! Một ông
lân đầu lúc lắc gật lên, gật xuống, ngoắc qua, ngoắc lại, nghiêng qua bên này,
nghiêng lại bên kia, nhảy lên, ngồi xuống…miệng hả ra rộng trống hoác, hai con
mắt lồi ra trông rất dễ sợ. Tôi không dám nhìn cứ úp mặt vào người ba tôi. Rồi
đến ông địa khuôn mặt bành ra cười cười, tay cầm cái quạt, quạt lia quạt lịa…
mấy đứa nhỏ xung quanh khóc thét lên! Chị kề tôi cũng khóc đòi về! Thế là ba
tôi dẫn chúng tôi về. Chị nói :
- Ba
ơi! Cái con gì mà đầu nó to, cái miệng rộng răng thì nhọn và lởm chởm. Nhà mình
mà có con đó là con chết liền đó ba! Cả nhà cười ồ lên! Cái ấn tượng đó kéo dài
và cho đến bây giờ, tôi chẳng bao giờ thiện cảm với khuôn mặt ông lân và ông
địa…
Phải một thời gian sau này Qui Nhơn mới có
bánh Trung Thu. Ba tôi lên tiệm Hóa Hưng ở đường Gia Long mua về, cắt ra cho cả
nhà cùng ăn. Dạo đó, bánh nhỏ ít nhân chứ không lớn, nhân nhiều và đủ loại như
bây giờ.
Rồi Trung
Thu qua đi, ba tôi lại treo những cái đèn lên một góc cao để dành cho năm sau.
Và cứ thế, mỗi năm khi tết Trung Thu đến ba
mẹ tôi lại vẫn cứ cặm cụi làm những chiếc đèn cho con.Cho đến năm nào tôi không
nhớ có lẽ khi các chị tôi đã lên bậc trung học còn tôi học lớp nhì hay lớp nhất
gì đó và khi phố Gia Long bày bán những chiếc đèn thì Trung Thu. Năm đó, ba tôi
ra phố mua về một chiếc đèn rất đẹp. Đó là chiếc lồng đèn hình con bươm bướm
làm bằng tre. Hai cánh xòe ra, những đường vẽ cánh bướm rất đẹp lại thêm hai
cái râu trên đầu rung rinh. Ban đêm thắp đèn lên màu sắc rất tuyệt…
Nhưng cũng từ đó, tôi không còn tìm lại
được cái hình ảnh ba mẹ tôi bận rộn lo Trung Thu bên những nan tre để làm lồng đèn
cho chúng tôi nữa!
Có một lần, ba tôi đi Sài Gòn về có mua một
cái đèn. Ba nói với cả nhà đó là đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù. Tôi thấy
chẳng đẹp vì nó giống như cái đèn măng-sông. Nhưng tối đến, khi ba tôi thắp nến
lên treo ở giữa nhà. Cái đèn sáng rực lên và bên trong hiện lên mấy cái hình
chuyển động xoay vòng vòng liên tục. Ngắm kỹ thì tôi thấy có hình con ngựa,
hình người khiêng kiệu, hình các ông quan, hình các cô, các bà mặc áo tứ thân
đội nón quai thao… thấy ngồ ngộ, lạ mắt vô cùng…
Mẹ tôi nói rằng, trong năm Mặt Trăng tháng
tám là to và tròn nhất. Trung Thu lại là rằm tháng tám. Trăng lên cao, tròn và
rất sáng. Trẻ em rước đèn dưới ánh trăng. Người lớn cũng ra sân ngồi uống nước
nói chuyện ngắm trăng. Mẹ còn nói người ta thường ngắm trăng để dự đoán cho
cuộc sống. Nếu trăng sáng vàng thì năm đó trúng mùa, trăng màu vàng cam thì đất
nước yên vui thịnh trị nhưng nếu trăng có màu vàng xanh thì năm đó gặp nhiều
thiên tai hạn hán, lũ lụt…
Riêng tôi mỗi lần nhìn trăng thì lại thấy
một hình đen như hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc rồi cứ tưởng tượng
đến chú Cuội với sự tích Chú Cuội trên cung trăng mà cô giáo thời Tiểu học đã
kể và dù bây giờ biết rằng chẳng có chú Cuội nào cả nhưng cái ký ức đó nó cứ
khắc sâu khó nhạt nhòa trong tâm trí.
Từ khi vào Sài Gòn đến giờ, chưa bao giờ
tôi được ngắm Trăng đẹp và huyền ảo như ở Qui Nhơn. Vào những đêm trăng, khi hoàng
hôn buông xuống, Mặt Trăng đã từ từ nhô lên trên dãy núi Phương Mai. Mặt Trăng
tròn, to như quả bóng quét một vệt sáng vàng lấp lánh xuống một góc của mặt
biển đang sẫm màu. Trời tối, trăng đã lên trên mặt biển, Trăng càng sáng soi rõ
cả bãi cát, thấy rõ những chú dã tràng thập thò nơi miệng hang. Gió từ biển
thổi vào mơn man đùa giỡn trên tóc. Tiếng sóng vỗ rì rầm hòa với tiếng réo gọi
từ khơi xa tạo thành một bức tranh động đêm trăng trên biển đẹp tuyệt vời.
Trăng ở biển là thế! Đêm trăng ở vùng quê
lại càng đẹp vô cùng. Nếu đến nông thôn vào một đêm trăng, tôi mới thấy Đêm
sáng Trăng của Thạch Lam thật tuyệt vời.
Ngày
chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ lên ở chân trời.
Sau rặng tre đen của làng xa, mấy sợi mây còn vắt ngang qua, mỗi lúc một mảnh
dần rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang
thoảng mùi hương thơm ngát…
Mưa bất ngờ ào xuống! Bọn trẻ tản mác ù
chạy về nhà. Tôi cũng vội vã dẫn con cháu vào trong hiên. Mưa càng lúc càng
nặng hạt, con bé buồn xo theo tôi vào phòng…
Ti vi phát ra bài hát Rước Đèn Tháng Tám
quen thuộc:
Tết
Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với
đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn
thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến Cung trăng…
Giữa
cuộc sống bộn bề công việc luôn hối hả với mưu sinh ai ai cũng bận rộn nên đến
Trung Thu ai cũng cố gắng ghé qua một cửa tiệm nào đó mua cho con đầy đủ không
những một mà hai, ba cái lồng đèn đắt tiền. Tuy chiếc đèn đẹp nhiều màu sắc,
nhiều kiểu dáng rất đẹp, rất hiện đại những ngọn nến được thay thế bằng những
ánh sáng lung linh huyền ảo. rồi quẳng cho chúng tha hồ chơi. Ghé một tiệm bánh
mua vài hộp. Những cái bánh nướng bánh dẻo thơm ngon…về nhà bắt chúng ăn đến
phát ngán đến nỗi thấy bánh Trung Thu là thấy sợ… Rất đầy đủ về vật chất nhưng
hình như tuổi thơ của chúng vẫn thiêu thiếu! Có lẽ đó là khoảng trời và ông
Trăng riêng dành cho tuổi thơ.
Những khi Trung Thu đến, dù ở bất cứ nơi
đâu, trong tôi vẫn có những khoảng lặng rất êm đềm, nhẹ nhàng giúp tôi hoài
niệm lại những ngày xưa thân thương và cân bằng những cảm xúc hiện tại để thấy
cuộc sống này vẫn đáng yêu.
Mưa vẫn tí tách rơi đều đều trên mái. Bầu
trời đen thẳm, Ông Trăng trốn đâu mất tiêu chỉ để lại nỗi buồn cho lũ trẻ không được hưởng một đêm Trung Thu trọn vẹn…
Sài Gòn, Trung Thu 2012
Irene.