Ythnguyen
11 giờ đêm, chiếc xe đò thả
mẹ con tôi xuống dọc đường. Trời tối đen như mực, có lẽ đã tối hơn lên vì tôi
vừa trên xe đèn sáng bước xuống.
Nhận hai bao đồ, tôi lếch
thếch ôm con ngủ gục trên vai, khó khăn xách đồ chậm bước, trong lòng lo âu,
buồn bã, gọi thầm: - Anh ơi! Anh có biết em đang ở gần anh không? Chỉ còn làm
sao cho qua đêm nay!
Chợt có ánh đèn pin soi lập
lòe, bóng người đàn ông như đang tìm kiếm vật gì. Tôi tiến tới, hỏi thăm: - Ông
làm ơn chỉ giùm, đường vào Long Khánh lối nào? Ông đưa cánh tay bảo:
- Đường này! Cô đi đâu tối
vậy?
Tôi nói giọng hơi nghẹn: - Tôi
ở Quy Nhơn, vừa vào đến đây. Tôi đi thăm chồng, học tập ở Long Giao.
Ông ái ngại: - Làm sao cô vào
Long Khánh giờ này được, giới nghiêm rồi, không có xe cộ gì nữa đâu!
Tôi hỏi lại, như một lời
than, vì đã nghe rất rõ: - Không còn phương tiện nào hết sao ông?
- Chỗ này ít khách, lại khuya
rồi. Cô hãy vào tạm bên đường này đã!
Đây là một cái quán nhỏ, buổi
tối, người ta đã dọn đồ về hết. Chỉ còn cái xác nhà con trống rỗng.
Ông hỏi: - Cô có dám nghỉ lại
đây không?
Tôi trả lời không chút lưỡng
lự: - Tôi không sợ ma cỏ gì cả, chỉ sợ người thôi!
- Cô có giấy tờ gì không?
- Tôi có đủ giấy tờ tùy thân
và có giấy phép đi đường.
Ông xưng danh và bảo cũng là
quân nhân chế độ cũ, vừa được bảo lãnh về hôm Quốc Khánh. Tôi nghe hơi mừng, hơi yên tâm. Hỏi
chuyện một lát, người đàn ông bảo:
- Hay là cô tới nghỉ tạm trên
xe của tôi, xe bị hư, nằm gần đây, không được tử tế, sạch sẽ lắm.
- Vâng xin nhờ ông, miễn có
chỗ dừng chân cho qua đêm nay là quý lắm rồi!
Tôi bế con, theo ông xách đồ
đi trước. Lúc còn ngồi trên xe đò, thấy mấy chiếc “ba lua” nằm dọc đường, tôi
cũng thoáng có ý nghĩ đó.
Ông bảo: - Khá nặng đấy!
- Ông để tôi xách bớt.
- Không sao, tôi nói là cho
cô, có bồng thêm con nhỏ đó chứ.
Tới xe, ông bảo: - Để tôi bỏ
đồ lên xe trước, hãy tính. Bây giờ, tôi nhường cabine cho cô, tôi ngủ sau xe.
Tôi muốn ở gần hai bao đồ,
nên từ chối: - Không dám phiền ông nhiều, chỗ ông ngủ đã quen, tôi xin được ở
sau thùng xe.
- Sương xuống lạnh lắm!
- Dạ được, tôi đã dạn sương
gió!
Sau khi đỡ giùm con nhỏ cho
tôi trèo lên xe, ông cột cho tôi chiếc võng nylon, bảo:
- Cô bế cháu ngồi đỡ.
Chiếc võng sệt xuống sàn xe,
theo sức nặng của mẹ con tôi. Tôi vội đứng lên. Ông bảo: - Phải treo cao hơn
nữa! - Dạ, hơi thấp!
Người đàn ông sửa lại võng
rồi xuống xe, một lát sau, trở lại với chiếu, mền, mùng.
Tôi nói: - Làm phiền ông quá!
- Xe không sạch đâu. Cô có
biết xe chở gì không?
Tôi sờ hai ngón tay xuống sàn
xe: - Hình như là bột, phải không cơ?
- Phân vôi đấy, tôi theo phụ
xe cho ông chú, được gần tháng nay.
- Thế mà lúc đầu, nhìn thấy
người đi soi đèn pin, tôi cứ nghĩ ông là công an.
Người đàn ông mỉm cười. Sửa
soạn xong, ông nói: - Cô cứ tự nhiên nằm ru cháu ngủ. Phần cô, ngồi trên xe cả
ngày, có lẽ cô đã mệt mỏi lắm rồi!
- Dạ không sao, tinh thần tôi
không được vững vàng lắm. Hơi có chuyện gì nghĩ ngợi, hay đi đâu xa là y như
mất ngủ. Tôi có thể ngồi chờ sáng được.
- Cô cứ nghỉ đi, đừng ngại.
Hồi chiều tôi mới uống cà phê với mấy người bạn, nên không buồn ngủ. Tôi ngồi
nói chuyện với cô một lát cho vui.
Tôi ngả mình, dựa sát góc
thùng xe, dỗ con ngủ yên.
- Cô có đau mình không?
Những lằn dọc cấn ngang lưng,
nhưng tôi vẫn bảo: - Dạ được.
Tôi kéo chiếc “poncho light”
trùm kín con nhỏ, chống cánh tay phải, cầm góc mền cho khỏi phủ sát mặt, chỉ sợ
nó bệnh giữa đường. Trước hôm đi, nó đã bị ho và hơi ấm đầu rồi. Nó ngủ thật
say, có lẽ tại mệt quá. Tội nghiệp con bé bỏng!
Người đàn ông nói như tâm sự:
Ông không hút thuốc, chỉ thích di chuyển và không muốn gò bó trong một khuôn
khổ nào. Năm nay 29 tuổi.
Tôi buột miệng: - Bằng tuổi
cậu em tôi ở bên Pháp.
Nói chuyện một lúc, ông nằm
ngả người trên võng. Tuy ông đã nói là sẽ ngủ trước xe, song tôi không tiện
hỏi. Nằm yên lặng một lát, tôi cũng thiếp đi, không biết là bao lâu. Lúc chợt
tỉnh, tôi giựt mình nhớ ra hoàn cảnh hiện tại, liền nhẹ nhàng ngồi dậy, tựa
lưng vào thành xe. Tôi ngồi đọc kinh, cầu nguyện và mong trời mau sáng. Tôi
nghĩ đến chồng tôi: Đi không đúng ngày hẹn vì thư đến trễ, liệu có phải ở chờ
anh không? Em đang ở gần anh trong gang tấc, anh có biết không?
Chợt người đàn ông trở mình:
- Cô không ngủ à?
- Mệt quá, tôi thiếp đi lúc
nào không biết. Bây giờ hoàn toàn tỉnh táo, hết buồn ngủ rồi!
- Cô có lạnh lắm không?
- Dạ cũng vừa phải! Tôi lục
tìm, đưa cho ông miếng vải nhựa:
- Tôi định đem theo mền,
nhưng đồ khá nặng, còn phải bế con nhỏ nữa, tôi chỉ xếp theo tấm mủ này, ông
khoác đỡ vậy.
Ông gọi chồng tôi bằng hai
tiếng “Ông nhà” và đọc cho tôi nghe “Bài thơ của người cải tạo”. Tâm sự của một
người bạn, về người vợ chia cách, ngày cùng học tập với ông. Ông cũng nhắc tới
tập “Mê hồn ca” và “Đoạn trường vô thanh”.
- Chồng tôi cũng có làm thơ,
nhà thơ của riêng tôi, vì chỉ làm thơ cho tình yêu chúng tôi thôi. Ngoại trừ
một bài đăng trong tập san “Lý Tưởng”, được giải nhất trong cuộc thi thơ Không
Quân năm 68.
- Cô yêu thơ và yêu luôn nhà
thơ à?
- Chúng tôi quen nhau, mới
làm thơ. Yêu nhau 3 năm, cưới nhau được 5 năm.
- Và xa nhau 2 năm. Người đàn
ông thêm vào.
- Lúc ông đi học tập, gia
đình đến thăm được mấy lần?
- Tôi chưa có vợ, Mẹ và em
gái đến thăm 2 lần, tôi được về.
Bất chợt, ông hỏi: -Sao cô
dám tin tôi và chịu lên xe ngủ nhờ?
- Ông đã biết từ đầu: Tôi
không thể vào Long Khánh với đồ đạc và con nhỏ ngủ trên vai. Dù tôi chỉ định
vào đó, ngồi tạm ở hè nhà thờ thôi. Tôi cũng sợ trộm cướp và chết oan dọc đường,
tuy tôi chẳng có gì, ngoại trừ chút quà cho chồng tôi. Giữa hai cái bấp bênh,
tôi đành phải chọn một.Thế còn ông, đi soi đèn pin để làm gì?
- Đợi một người bạn, thực
tình, tôi đâu biết là cô sẽ xuống xe ở đó,
- Dĩ nhiên rồi! Nếu ông biết,
mới lạ đó! Xin lỗi, tôi hơi tò mò: - Bạn trai hay bạn gái?
- Hẳn là bạn trai. Đàn bà,
con gái nào lại dám tới đó ban đêm! Việc gặp cô, hoàn toàn là ngẫu nhiên! Cô có
sợ tôi không?
- Không, tôi tin vào hoàn
cảnh đau thương của tôi. Tôi an tâm nghe nói, ông cũng mới đi học tập về. Sau
hết, tôi tin: Tôi- không- thua!
Người đàn ông mỉm cười, thách
thức: - Cô dám thử không?
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt
thật to, hơi lộ: - Không ai dại gì đùa với lửa!
- Vàng thật đâu có sợ lửa?
- Vẫn sợ khói và tro bụi!
- Con gái Bắc chiều chồng lắm
phải không?
Cũng tùy, nhưng ông không
nghe câu: “Sư tử Hà Đông” sao?
- Chắc cô yêu chồng cô lắm?
- Đó là điều dĩ nhiên và
ngược lại.
- Tình yêu đôi khi cũng là
một thói quen!
- Tôi không biết, hay đúng ra
là không để ý điều đó. Với tôi, có một điều chắc chắn: Hôn nhân phải là giai
đoạn chín mùi của tình yêu. Ngày xưa, tôi đã rất sợ, có người không quen biết,
tự nhiên nhờ mai mối tới hỏi làm vợ!
- Lạnh quá! Cho tôi cầm tay
cô một chút đi!
Tôi cười: - Ông có biết thành
ngữ “Demander la main” không? Đừng “Xin bàn tay” của tôi! Tôi không có gì cho
ông cả, vì tôi đã cho chồng tôi hết rồi!
- Nếu bây giờ tôi xin …hôn cô
một cái thì sao?
- Ông nói nhảm quá! Đầu óc
ông toàn là những “id’ees noirs”. Ông còn trẻ, tôi đã 33 tuổi rồi! (*) Người ta
nói phụ nữ 30 tuổi đã già, ông không nghe đó sao?
-Thì ra tâm lý học đã lầm khi
nói phụ nữ thích dấu tuổi. Cô trẻ hơn tuổi nhiều lắm!
-Thật sao? Nhưng điều đó
chẳng làm tôi vui. Tôi như một đóa hoa đã tàn để kết trái. Có ai muốn ngửi hoa
tàn? Ông hãy hôn con tôi đây, nó cũng dễ thương lắm chứ?
- Cô nói văn chương lắm!
- Đừng mỉa mai, tôi chỉ nói
lên một sự so sánh, tôi nghĩ là khít khao đó thôi!
Đang ngồi đối diện với tôi,
bên kia phía con tôi đang ngủ, người đàn ông nhích tới, ngồi bên trái của tôi,
dựa lưng vào thành xe. Tôi đổi thế, bồng con lên, ôm gọn trong lòng.
Người đàn ông nói: - Đừng làm
kinh động, để bé ngủ!
- Được ôm trong lòng, nó sẽ
ngủ yên giấc hơn!
Chợt con tôi cựa mình đòi bú.
Tôi quấn lại chiếc mền, ung dung ngồi cho con bú.
- Cô không mắc cỡ sao?
- Không, tôi là Mẹ mà!
Ông ta than: - Trời lạnh quá!
- Ông tháo mùng trùm đỡ đi.
Tôi không ngủ nữa đâu!
- Không sao!
Tuy vậy, tôi vẫn tháo hai
giây mùng ở gần. Ông cuốn tiếp phần còn lại, tựa đầu vào thành xe, mắt lim dim.
- Ông hãy ngủ đi, kẻo ngày
mai lại rủa tôi! Không thì hãy mở lớn mắt, nhìn sao như tôi đây này, đừng mơ
màng như vậy!
Người đàn ông mỉm cười nhìn
tôi: - Không, mặc tôi, tôi thích thế! Rồi kéo mùng lên tận cổ. Yên lặng một
lát, với giọng nặng trịch, ông bảo tôi: - Cô ác lắm, cô biết không?
- Ở trường hợp tôi, chắc ông
cũng chẳng khác hơn!
Chợt ông hỏi: - Cô có biết
mấy giờ rồi không?
- Không biết, nhưng tôi đã
nghe có tiếng gà gáy. Xin ông nhớ cho là trời sẽ sáng bây giờ. Tôi mong rằng:
Chúng ta sẽ thẳng thắn nhìn nhau, không chút ngượng ngùng!
- Cô thông minh lắm!
- Không có gì lạ! Chồng tôi
cũng đã khen tôi như thế! …Tôi ngưng ngang câu nói, khi bất chợt, người đàn ông
quàng tay lên vai tôi. Tôi gỡ ra:
- “Ranh giới sau cùng, cấm
vượt qua! Bất tuân, binh sĩ sẽ nổ súng”!
- Đừng làm vậy, không ích gì!
Khi người ta muốn, bị chống trả, sẽ thấy muốn hơn!
Tôi nghĩ nhanh trong đầu:
Chẳng lẽ ngồi chịu trận, lại có thể tránh được sao?
Tôi nhỏ nhẹ hỏi lại: - Thế
làm cách nào? Nói giùm tôi đi!
- Không được, nói ra mang tội
“phản quốc”!
Thình lình, ông nhoài người,
ôm tôi: - Cô ác lắm!
Tôi gỡ tay ông ra, nghiêm
giọng bảo: - Để con tôi ngủ!
Y nham nhở: - Tôi sẽ đền cho
cô!
Tôi bắt đầu giận dữ: - Xin
ông nhớ lại: ý tưởng trong sáng lúc ông đưa tôi mượn đèn pin. Đừng làm tôi thất
vọng và đánh mất sự tin cẩn đó!
Y vẫn còn như mê: - Nhưng tôi
yêu cô nhiều lắm!
- Đáng lẽ ông phải gọi tôi
bằng chị! Ông chỉ bằng tuổi em trai tôi thôi!
- Xin “chị” nhớ rằng: Tình
yêu không có biên giới!
- Điều đó đúng lắm, nhưng ở
đây, đâu phải là tình yêu? Ông nghĩ lại xem. Chỉ vì đêm tối và trời lạnh quá!
Ông bình tĩnh lại đi! Phần tôi, tôi chờ đợi giây phút này đã lâu!
- Cô nói sao?
- Vâng, tôi chờ đợi, không
phải để hưởng ứng, nhưng để phản kháng, vì tôi đã có chồng. Đây này, tôi đưa
bàn tay lạnh ngắt ngoài sương đêm cho y:
- Bây giờ, ông hãy cầm bàn
tay tôi xem. Không khác nào bàn tay của xác chết! Ngồi chờ sáng ở đây, song tâm
hồn tôi đã ở cạnh chồng tôi lâu rồi! Tôi mong chồng tôi lắm. Xin lỗi, thực
tình, tôi- không- đợi- ở- ông!
- Tôi dễ ghét lắm sao?
- Không phải thế! Chỉ xin ông
nhớ cho, tôi đã có chồng. Nhất là chồng tôi lại đang học tập. Giá đi …bắt ghen,
may ra. Tôi cười lạt.
- Cô tàn nhẫn lắm!
- Tôi không tàn nhẫn. Chính
ông: Vô nhân đạo!
- Sao cô nỡ nói tôi nặng lời
như vậy? Sao cô lại khóc? Dễ khóc vậy à?
- Ngày xưa thì hay khóc lắm,
nhưng lâu nay, chai đá mất rồi! Nhiều lúc muốn khóc, tôi cứ trơ ra! Sao hôm
nay, tôi bỗng xúc động như thế! Tôi không ngờ: Trước cảnh đau thương của tôi:
Tay xách nách mang, đường xa dặm thẳng, đi thăm chồng còn đang trong vòng tù
tội. Đêm tối lạc loài đi tìm chỗ trọ. Gặp ông, tôi đã mừng. Không ngờ tôi bị
lầm! Ông khinh thường tôi và khinh thường nỗi đau của tôi quá! Tôi tung mền về
phía y:
- Trả cho ông đó. Tôi xuống
cái quán kia!
Y vội vàng phủ lại mền trên
vai tôi: - Đừng, lạnh lắm! Cô đắp lại mền, cứ rủa, tôi nghe!
- Tôi chẳng dám rủa ai. Tôi
chỉ xót thương thân tôi mà thôi!
Tôi vẫn tung mền ra: - Thực
tình là tôi hết lạnh rồi!
Y nài nỉ: -Tôi thành thật xin
lỗi cô. Cô nhanh đắp mền cho cháu đi. Sương xuống, bé sẽ bệnh cho coi! Xin cô
yên tâm. Phút chênh vênh ấy đã qua rồi! Đêm tối dễ đồng lõa với tội lỗi là vậy.
Xin phép cho tôi được nói chuyện, trong khi cô chờ sáng.
- Giá ông tử tế như vậy từ
trước!
Y cười: - Xin lỗi đã làm cô
sợ và nổi giận, thực tình, lúc đầu tôi cũng tưởng xa chồng hơi lâu, có thể, cô
sẽ “lãng mạn” đôi chút. Song tôi đã thua, không hiểu là vì sao?
- Hồi nãy, ông có biết tôi
ngồi một mình, không ngủ để làm gì không?
- Sao biết được, hãy nói cho
tôi nghe đi!
- Tôi cầu nguyện với Thánh
Maria Goretty và linh hồn Bà Cố của tôi!
- Xin cô nói rõ hơn, tôi
không hiểu.
- Maria Goretty là tên một
thiếu nữ, đươc phong Thánh, vì đã liều chết để bảo toàn trinh tiết. Sau đó lại
sẵn sàng tha thứ cho kẻ đã đâm mình hàng chục nhát dao! Tôi theo Đạo và tin Đạo
lắm! Còn câu chuyện Bà Cố của tôi, ông có muốn nghe không?
- Vâng, tôi đang chờ cô kể.
- Lúc sinh thời, Bà Cố của
tôi rất xinh đẹp, nổi tiếng trong vùng. Chẳng may Ông Cố mất sớm, trong lúc Bà
Cố còn đầu xanh tuổi trẻ, đang nuôi con thơ. Nhiều người tìm cách theo đuổi,
trong số này có một người có chức vị lớn trong làng xã. Hắn săn đón hoài, song
đều bị cự tuyệt. Một lần, hắn đón đường, thình lình chụp vào một bên ngực của
Bà. Bà âm thầm rịt bên ngực đó lại, chỉ cho Bà Ngoại tôi bú một vú bên kia.
Khi Bà Ngoại được đầy năm, Bà
Cố làm tiệc mời đông đủ họ hàng tới. Cả tên đó cũng được mời. Giữa buổi tiệc,
Bà Cố tôi rành rẽ kể lại câu chuyện mờ ám ngày nào cho mọi người nghe. Bà kết
luận:
- Sở dĩ lâu nay tôi phải nín
nhịn, vì con tôi còn trứng nước, cần sự chăm sóc của tôi. Nay cháu đã có thể
rời vú mẹ, tôi xin cậy nhờ Cha Mẹ chồng nuôi dưỡng. Nói rồi, Bà giơ gươm, chiếc
gươm của Ông Cố ngày nào, cắt liền bên vú đó. Mọi người thất đảm kinh hồn. Song
không kịp trở tay! Và nếu kịp, chưa chắc đã ngăn nổi ý chí ấy. Bà Cố tôi đã
chết sau đó!
- Câu chuyện của cô nghe ghê
quá!
- Vâng, tôi lớn lên trong
tinh thần đó và giáo lý Công Giáo. Cho nên, tôi dám nói chắc với ông: Tôi-
không- thua, là vậy.
Y cười: - Cô có em gái không?
- Chi vậy? Ông muốn làm em
tôi thật à? Rất tiếc, tôi toàn em trai, chỉ có con gái. Tôi chọn tên Thánh cho
cháu là Maria Goretty. Ông có chờ được 15 năm không? Tôi đùa.
Y nói: - Để thử xem! Trời
cũng sắp sáng rồi! Sương xuống ướt sũng. Cô đã thấy trời lạnh ghê chưa? Thú
thật với cô, tôi đã quen nhiều cô gái đẹp. Cô đã có chồng, lại muốn lớn hơn
tôi. Nhưng tôi rất thích nói chuyện với cô. Đây là lần thứ hai tôi thua cuộc!
Lần trước, khi tôi còn là sinh viên. Tuổi trẻ thật tàn nhẫn, hành động mà không
cần biết đến hậu quả việc làm của mình! Lúc đó, bọn tôi gồm một băng 4 đứa. Khi
nhìn cô nào vừa mắt, chúng tôi sẽ bốc thăm để tấn công. Những đứa khác, có bổn
phận phải hết mình làm nổi vai trò của đứa đó với người đẹp.
Bữa đó tới phiên tôi. Cô ta
đã chịu đi ăn, đi chơi với tôi. Chỉ còn giai đoạn chót. Xin lỗi, cô đã có
chồng, tôi xin được nói bạo một chút: Tôi đã rủ được cô ta về phòng. Tôi ngạc
nhiên hết sức. Sự ham muốn cũng sụp xuống rất nhanh, khi tôi rờ tới người, cô
ta vẫn lạnh băng, không hề phản ứng gì!
Tôi cười, cắt ngang: - Bây
giờ ông mới chịu mang tội “phản quốc” đó sao?
Y cười trừ, kể tiếp: - Mãi
tới khi tôi cởi bỏ gần hết y phục, cô ta vùng đứng dậy, nghiêm mặt, lên lớp
tôi, vừa cài lại nút áo:
- Lâu nay, tôi vẫn tưởng anh
là người tử tế. Hôm nay tôi mới biết rõ con người thật của anh! Anh đã cho tôi
một bài học. Cám ơn anh lắm!
Tôi chết sững trong cảnh bất
ngờ đó. Nhưng, câu cô “lên lớp” tôi hồi nãy, có lẽ nặng cân hơn nhiều! Sao cô
không la lên, hay dọa sẽ la lớn như thường tình?
- Không có ai để nghe! Nếu có
người nghe, càng không tốt đẹp gì cho ông và cho tôi! Tôi chỉ muốn kêu gọi lương
tâm con người có học của ông thôi! Nhưng đối với kẻ thất học, có lẽ tôi cũng
phải xử sự như thế!
Y cười: - Cám ơn cô và cuộc
“Bích Câu kỳ ngộ” này!
Tôi xếp đồ và bảo: - Tôi cũng
cám ơn ông, đã cho trọ một đêm trên xe, dù không được an toàn lắm!
Y lảng: -Nếu xe không hư, tôi
sẽ đưa cô tới Long Giao.
- Nếu thế, tôi sẽ mách với
chồng tôi!
- Cô có định kể lại cho ông
nhà không?
- Chưa tiện, thì giờ ít ỏi
lắm! Nói không đầy đủ, rành rẽ, sẽ làm cho chồng tôi lo buồn thêm!
Trời mờ sáng, con tôi đã thức
giấc. Nó hồn nhiên, tươi cười thật dễ thương. Y chỉ cho nó cách bật đèn pin,
trong khi tôi lấy lược, chải lại mái tóc. Sắp xếp xong, tôi bảo: - Con cám ơn
chú đi, rồi mẹ con mình đi tới Bố.
Y hôn trán con trai tôi và
nói: - Cho tôi gởi lời hỏi thăm ông nhà. Chúc cô vui!
Y chuyển đồ xuống và bảo đón
xe giùm. Song tôi từ chối. Hai tay xách hai bao đồ, tôi đi thật thong thả, chờ
những bước chân nhỏ của con tôi.
Trời sáng thật rồi! Tạ ơn
Thánh Maria Goretty đã gìn giữ con nguyên lành. Cảm tạ cả con trai bé nhỏ của
mẹ! Tôi mỉm cười nghĩ đến câu chuyện Ba tôi đã kể và “Bà Cố” trong trí tưởng
tượng của tôi. Tôi định nhìn lại số xe, nhưng không quay lại nữa! Tôi đang
mường tượng ra cảnh, lúc tôi gặp được chồng tôi. Ước gì, người ta sẽ bảo với
tôi:
-Anh H. đã học tập tốt và có
thể cùng về với mẹ con chị, hôm nay!
Ythnguyen.
*(Lúc ấy mẹ 29, con 2 tuổi)
|
Ảnh: Tác giả và con trai. |