Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Thư Ngỏ của Ban Liên Lạc CGS SPQN tại Dalat



                                      THƯ NGỎ

                          Về việc ra mắt Tập san
              “ GIA ĐÌNH SƯ PHẠM QUI NHƠN”
                     sẽ được phát hành tại Đà Lạt.

Kính gởi : Quý Thầy cô giáo cũ và bạn bè cựu GSSPQN .      

        Tập thể Thầy cô giáo cũ và cựu GS Sư phạm Qui Nhơn Việt Nam là một tập thể lớn qui tụ hàng ngàn thầy cô giáo xây dựng nên rất nhiều mẫu hình gia đình SP rất đáng trân trọng .
        Nhân kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập trường xưa, trường SPQN thân yêu của chúng ta. Ban LLCGS SPQN tại Đà Lạt dự kiến sẽ phát hành Tập san đặc biệt với tiêu đề “ Tập san gia đình sư phạm Qui Nhơn ”, dự định sẽ ra mắt quí bạn đọc trong và ngoài nước cũng vào tháng 12 năm 2013, với lễ họp mặt và ra mắt Tập san tại Đà Lạt.
              Mục tiêu chính của Tập san là lưu giữ lại càng nhiều càng tốt các hình ảnh quí có giá trị nhiều mặt về ngôi trường SP QN cũ cùng các bài vở (đa thể loại) sáng tác do Quí thầy cô và bạn bè cựu GSSPQN trong và ngoài nước gởi về .
              Trong điều kiện còn hạn chế về nhiều mặt, song chúng tôi không chịu cảnh “lực bất tòng tâm” nên vẫn hạ quyết tâm phát hành bằng được Tập san Gia đình SPQN  của chúng ta.
           Tha thiết kính mong Quý thầy cô và bạn bè cựu GSSPQN  nhiệt tình hưởng ứng đóng góp ý kiến và gởi hình ảnh, bài vở do chính quí vị có hoặc sáng tác chỉ cần nội dung có liên quan đến SPQN .
           Dĩ nhiên chúng tôi có Ban Biên tập và phát hành tập san theo đúng pháp luật qui định. Các chi tiết khác chúng tôi sẽ đăng rộng rãi trên website mang tên :
“ WWW.giadinhsuphamquinhon.vn ”
Bước đầu xin được phép kính gởi thư ngỏ này đến Quý vị và mong mỏi có sự động viên giúp đỡ các mặt .
          Trân trọng ./-

                             Ban LLCựu GSSPQN tại Đà Lạt.

Ghi chú : Thư từ, hình ảnh, bài vở xin gởi về trước ngày 12/9/2013. xin chân thành cảm ơn và mong mỏi sự hợp tác của Qúy vị .

MỘT CHUYẾN ĐI


                                                Diệu Thơ.

Bây giờ, các bạn đang ở khắp 5 châu. Đời sống đã ổn định. Con cái đã thành danh. Trong chúng ta, rất nhiều người đã trải qua ít nhất là một chuyến đi. Có người đi bán chính thức , lại có người đi theo diện HO hay diện đoàn tụ. Còn có những người đã đi, nhưng không đến được bến bờ!!!
 Tôi ra đi không nằm trong các trường hợp trên. Tôi đã trốn chạy.... Sau bao nhiêu năm trôi qua , có nhiều lúc hồi tưởng lại chút kỷ niệm đó cứ vương vấn trong lòng mình mãi khôn nguôi? Xin hãy cùng tôi tìm lại chút dư âm ngày xưa ấy.
         
          Sydney bây giờ đang là Mùa Hè. Khí hậu nhiều hôm rất nóng lên đến 40 độ C. Thỉnh thoảng có một vài cơn mưa đá hay có lúc còn có nạn cháy rừng.
          Một mình ngồi bên cửa sổ nhìn ra vườn, lòng man mác buồn.
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…”
Tiếng hát Khánh Ly trong bài Biển nhớ của Trịnh Công Sơn từ máy hát nhỏ trong phòng vang lên càng làm cho tôi hoài niệm về một thời ở quê nhà! Rồi gợi lại cho tôi nhớ về một chuyến đi mà đã nhiều năm tôi cứ ngỡ rằng nó đã ngủ yên trong lòng mình.
Vào cuối năm học, trong buổi dự Tổng kết cuối năm để phát thưởng cho các em học sinh giỏi đang diễn ra trên sân khấu của trường. Cô  Hiệu trưởng đang khen ngợi các học sinh xuất sắc và cả giáo viên giỏi nữa.
Ngồi ở cuối góc sân khấu , tôi mơ hồ nghe tiếng chị đang nói nhiều lắm, nhưng tôi không nghe được gì liền mạch vì tâm trí tôi đang tính làm cách nào để trốn ra khỏi hội trường. Chuyến xe hàng đang chờ đưa gia đình tôi rời Sài Gòn để đi xuống Cần Thơ. Hồi còn nhỏ tôi đã nghe tiếng về thành phố có nhiều người đẹp và bến Ninh Kiều thơ mộng. Nhưng lần này, tôi đến Cần Thơ không phải đi du lịch mà là để chờ đợi chuyến tàu đưa tôi rời xa Sài Gòn thân thương.
Một buổi trước ngày đi tôi đã theo một cô bạn dạy cùng trường dẫn đi coi bói. Khi ông thầy bói nhìn thấy mặt tôi. Ông lắc đầu và nói.:
-         Bà đi sẽ bị mắc cạn, hay chết chìm!
Tôi nghĩ có lẽ hồi đó do mặt mày tôi tại mét vì đạp xe mệt mỏi, ăn uống thiếu dinh dưỡng thêm vào đó là sự lo lắng nên mặt tôi khó coi.
Ai trong chúng ta, khi nghe câu nói đó chắc cũng sẽ suy nghĩ lại, hay có thể không đi nữa. Nhưng hồi đó tôi lại nghĩ :
- Không đi cũng không được? Thôi kệ! Đời người chỉ có một lần chết! Chết trên biển hay chết một nơi nào đó cũng thế thôi! Âu cũng là số mệnh?
Cuối cùng tôi vẫn không thay đổi ý định. Quyết định ra đi!
Khi đến Cần Thơ, gia đình tôi gồm 5 người. Chúng tôi được chia làm 2 nhóm. Tôi cũng ba đứa nhỏ cùng một nhóm.
Chúng tôi chờ tại Cần Thơ. Tôi nhớ mãi, cái đêm hôm ấy thật là dài vô tận! Chúng tôi đứng trên đường nào đó?? Không biết tên gì? và chờ đợi! Tôi một tay thì ẵm đứa con, tay dắt hai đứa nhỏ luấn quấn bên chân. Không biết chờ như thế đến bao lâu. Trăng đã lên đỉnh đầu, sương xuống lạnh. Không biết lúc đó là mấy giờ? Tôi nghĩ là khuya lắm rồi! Nhìn ra đường xe cộ qua lại thưa dần. Nỗi thất vọng trong lòng càng tăng. Các con tôi vừa đói lại vừa mệt. Trong túi không có tiền! Do thiếu kinh nghiệm nên khi rời Long Xuyên tôi đã để toàn bộ số tiền còn lại cho người cậu.
Đang đúng lớ xớ bên đường, bỗng bất ngờ xuất hiện một anh cán bộ đi đến và hỏi tôi:
-Sao giờ này bà không đem con về nhà?
Tôi vội vã trả lời một cách thật thà:
-Tôi đứng đây chờ người ta đến để đón đi. May sao cho tôi anh ta đã bỏ đì và không nói gì? Thật là hú vía!.
Thế rồi bốn mẹ con tôi vẫn tiếp tục chờ. Trên đường thỉnh thoảng có một chiếc honda chạy qua. Lấy can đảm, tôi đã chận lại một chiếc xe nào đó. Xe dừng lại, anh ta chào tôi. Tôi nghe phảng phất hình như có mùi rượu? Chắc có lẽ anh ta vừa mới đi dự đám tiệc trở về.
Tôi được anh ta đưa ra bến xe đò. Tôi định cám ơn anh! Nhưng anh rồ ga chạy mất tiêu?
Đêm ở bến xe, trời tối nhập nhoạng chỉ có vài ngọn đèn dầu leo lét của những người bán hàng. Tôi muốn mượn một chiếc chiếu để cho các con ngủ qua đêm chờ ngày mai sẽ trở về Sài Gòn. Nhưng ngặt một nỗi trong túi không tiền. Trong lúc lo lắng trong trí tôi đã nhớ ra nhà của anh dẫn đường. Thế là, bồng ẵm, dẫn dắt con tôi lần mò đi trong đêm khuya đến xin ở tạm.
Sáng sớm hôm sau mẹ con tôi thất thểu mò ra lại bến xe. May thay anh dẫn đường thông báo: - Phải trở về lại Long Xuyên vi tàu đang còn ở đó.
Anh ta đã xin cho tôi một chỗ đứng trên xe. Tôi đã bồng con vịn thành xe để đứng. Hai đứa nhỏ thì ôm chặt hai chân tôi. Bây giờ nghĩ đến vẫn thấy thật tội nghiệp!
Chúng tôi đã lên tàu. Đêm hôm sau, tàu rời bến. Lúc này tôi không biết chồng tôi đang ở đâu? Trong lòng buồn vô hạn!
Đêm trên biển, cả một màn đen bao trùm. Ngước lên nhìn, bầu trời đầy sao lấp lánh. Sau khi dọn một vài chỗ cho các con nằm…Tôi bỗng nghe giọng nói quen thuộc của ông xã hỏi đứa cháu: - Có thím trên tàu không?
Tôi mừng quá ! Lên tiếng, thế là gia đình đoàn tụ! không còn lo lắng gì nữa.
Sau mấy ngày lênh đênh trên biển. Có một đêm, trời chuyển mưa, mưa to lắm! Nước đầy tràn cả vào ghe. Ghe như sắp chìm! Thật là kinh khủng! Tất cả mọi người trên ghe thay phiên nhau tát nước liên tục. “Không lẽ ông thầy bói đoán đúng?”. Tôi vừa múc nước vừa cầu nguyện cho đừng có gì xảy đến! Thế rồi mưa tạnh, trời êm trở lại.
Mấy ngày sau, chúng tôi đã đến được Bidong, là một đảo nhỏ thuộc Mã Lai.
Vừa đến đảo, chúng tôi được phân chia từng khu trại để ở. Gia đình tôi được phân ở trên núi. Nghe tới núi, có lẽ mọi người cho là thơ mộng. Những hồi đó tình trạng ăn ở rất tệ. Chúng tôi không được may mắn như những người đến sau năm 80. Hằng đêm, nằm ngủ trên giường. Gọi là giường nhưng thật tệ hại, đó chỉ là  mấy nhánh cây ghép lại. Có một đều gia đình chúng tôi không bị đói. Gạo phát rất nhiều, chỉ có đồ ăn thiếu thốn vì không tiền để mua.
Đêm đêm khi đèn trên trại sắp tắt. Tiếng hát Khánh Ly cất lên vang vọng khắp đảo. Bài hát Biển Nhớ đã đi vào lòng mọi người và đã để lại trong lòng tôi một nỗi buồn xa xứ không bao giờ quên! Mỗi khi tiếng ca cất lên tôi đã nghĩ: “Ngày mai sẽ có một đoàn người rời trại để đi định cư ở một quốc gia nào đó???
...May mắn là gia đình chúng tôi chỉ ở Bidong vỏn vẹn hai tháng.

Gia đình của chúng tôi được Nước Úc nhận theo diện nhân đạo và đã cho chúng tôi một cuộc sống êm đềm đến ngày nay.
Bây giờ sau bao nhiêu năm nhìn lại, tôi thấy rằng có những chuyến đi “định mệnh” làm thay đổi cả cuộc đời mình. Có những chuyến đi mà cho đến khi xuôi tay nhắm mắt mình cũng chưa biết được chuyến đi đó có mang đến cho mình niềm hạnh phúc đích thực hay không?
Khánh Ly vẫn nức nở : “…Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rũ buồn. Đèn phố nghe mưa tủi hờn nghe ngoài trời giăng mây luôn…”

Úc Châu, tháng 12 năm 2012.
Diệu Thơ.

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Vài hình ảnh của Qui Nhơn 1965

Hình xin từ Facebook của http://www.facebook.com/dungxdang
Tác giả ảnh: Tim Wright

Nhà thờ Chính Tòa và đường Lê Thánh Tôn

Cửa tiệm trên đường Gia Long

Đường Nguyễn Huệ, bên phải là bờ biển...   
Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn.

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Cách làm bánh bèo chén Quy Nhơn

Xin chào SPQN!
Khi mình làm bài thơ vui về bánh bèo Quy Nhơn có lời còm đề nghị viết về Cách làm bánh bèo! Xin gởi SPQN những gì mình biết và đã làm về bánh bèo QN. Mong có thêm ý kiến từ các" bậc tiền bối " về bánh bèo, một món ăn quê hương của chúng ta.
Chúc BBT SPQN nhiều sức khoẻ, tinh thần an lạc!
ĐO.





Nguyên liệu:

- 1 kí gạo loại nở xốp, hoặc 1kí lô bột gạo khô.
- 100g tôm khô loại ngon, hoặc ½ kí tôm  đất tươi.
- 100g hành tím.
- Hẹ Quy Nhơn xắt nhỏ.
- Bánh mì lạt cắt hạt lưu ( 1 ổ ).
- Ớt ( tuỳ khầu vị ), tỏi ( 1 củ ), đường, chanh để làm nước chấm.
- Nước mắm ngon ( 1 chén ).
- Dầu ăn ( 1 chén )
Vật liệu;

- Chén bánh bèo ( 50 cái ).
- Xửng hấp bánh.

Cách làm:

Pha bột:
 _ Cách truyền thống: 1 kí gạo loại nở xốp ( không phải loại gạo dẻo ngon ) ngâm nước lạnh khoảng 6 tiếng. Thường  khi mình định làm bánh bèo thì tối trước khi ngủ ngâm gạo đến sáng dậy vớt gạo mang đi xay. Pha thêm 1,5 lít nước ấm và 1 muỗng cà phê muối bột. Để khoảng 1 tiếng nữa cho bột nở mới bắt đầu đổ bánh.
  _ Cách hiện đại: Dễ hơn nhưng không ngon bằng cách truyền thống. 1 kí bột khô hoà với 2 lít nước ấm và 1 muỗng cà phê muối bột. Để khoảng 1 tiếng sau mới đổ bánh.
  _ Bánh bèo Huế : có pha thêm 100g bột năng nhưng bánh bèo chén Quy Nhơn thì chỉ với bột gạo nguyên chất.
 Trong khi chờ bột nở làm các khâu sau:

1.   Chiên bánh mì:
Đun nóng khoàng 1 chén dầu ăn. Bỏ bánh mì đã xắt hạt lưu vào, đảo đều tay. Bánh mì vừa đổi màu dùng vợt vớt ra liền. Bỏ trên giấy thấm cho ráo dầu.

2.   Phi hành tím và hẹ:
Hành tím xắt mỏng phơi nắng. Hẹ Quy Nhơn ( cọng rất nhỏ mà rất thơm ) xắt nhỏ. Chảo dầu sau khi vớt bánh mì ra, bỏ hành tím vào, đảo đều tay, khi hành vừa đổi màu bắt chảo xuống, vớt hành ra giấy thấm cho ráo đầu. Hành phi có màu vàng và dòn rụm là đạt yêu cầu. Phần dầu còn nóng bỏ hẹ đã xắt nhỏ vào.

3.   Tôm chấy:
_ Tôm khô: ngâm nước khoảng 2 tiếng cho nở mềm. Bỏ tôm vào cối giã nhuyễn ( hoặc xay bằng máy xay sinh tố loại cối nhỏ để xay tiêu ). Cho vào ½ muỗng cà phê hạt nêm và ½ muỗng tiêu sọ. Bỏ vào chảo đã rửa sạch, nhớ không được cho dầu vào, bắc lên bếp chấy với lửa nhỏ khoảng 10 phút  tôm tơi xốp xốp như  bông là được.
     _ Tôm tươi: Hấp chín, lột vỏ, bỏ vào cối giã nhuyễn. Cho thêm vào ½  muỗng cà phê hạt nêm và ½ cà phê tiêu sọ. Cách chấy tôm tươi giống như tôm khô. Tuy tôm tươi không được tơi xốp như tôm khô nhưng ngon ngọt hơn.
 
4.    Nước chấm:
  Môt chén nước mắm ngon, một chén đường cát trắng( có thể nhiều hoặc ít hơn tuỳ khẩu vị từng nhà ), 2 chén nước sôi để nguội, 1 trái chanh vắt lấy nước cốt. Hoà chung tất cả và bỏ 1 củ tỏi, ớt đã băm nhỏ vào.

Đổ Bánh:
Đổ nước vào xửng hấp bánh khoảng 2/3 nồi. Bắc lên bếp để nước thật sôi . Xếp chén vào xửng. Để thêm khoảng 2 phút cho chén nóng đều. Bột phải quậy thật đều không được để phần lắng bột đặc ở dưới. Dùng bình nước hoặc ca có vòi để dễ chế bột vào chén.  Khi chén đã nóng chế bột đã quậy đều vào từng chén khoảng ½  chén bột, đừng đổ đầy quá bột còn nở ra thêm là vừa. Đậy kín nắp. Khoảng 5’ là bánh chín. Tiếp tục đổ bánh cho đến hết bột.


Ăn Bánh:
Bánh đã chín và các phần đã chuẩn bị xong, ta bắt đầu ăn khi bánh còn nóng. Thoa một lớp dầu hẹ trước rồi đến một lớp tôm chấy. Sau đó rắc hành phi và  bánh mì chiên lên trên. Chan nước chấm vào dùng phi đao tre ( nếu có ) hoặc muỗng cà phê để xắn bánh ra làm tư và … ùm,… ùm,…Ái chà! Quá đã! Quá đã!!!

Ghi Nhớ:
Bánh  chín phải xoáy tròn ở giữa mới đạt.
Dùng đồ gắp để gắp chén bánh ra chứ đừng dùng tay mà phỏng tay và làm bể chén! ( Mình đã bị phỏng rồi Hihihi! ). Bánh vớt ra cho úp mặt chén xuống mâm để bánh ráo mặt.
Thường xuyên canh chừng mực nước phải nhớ châm thêm cho đủ nước ( Mình cũng đã bị quên rồi! Hihihi )
Có thể làm sẵn bỏ tủ lạnh để ăn sáng! Khi ăn bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lại ăn rất ngon!
Nếu thích loại bánh khuôn nhỏ như đồng xu thì dùng loại chung nhỏ ( loại mấy ông uống rượu ) để đổ bánh. Loại bánh này mình đặt tên là bánh bèo đồng tiền, vì nó nhỏ và xoáy tròn ở giữa như đồng tiền, ăn cũng rất ngon! ( xem hình ).

Chúc các bạn thành công và hứng thú khi làm món bánh dân dã đậm đà hương vị Quy Nhơn này!

Trần Đông Oanh

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

THU VIỄN XỨ NHỚ QUÊ - Thơ - Hàn Diệu Phương


Kính BBT,

Mấy tuần trước bệnh , Phương không đi dạy được nhìn qua khung cửa thấy lá rơi trong mưa Thu đẹp quá , P lấy máy ra chụp hình Ông xã đang quét lá và cảm hứng hai đứa làm hai bài thơ Thu gởi BBT và các bạn xem cho vui. Phương cũng có nhờ Ông Anh họ làm slide show cảnh Thu nhà Lộc Phương và hình hai đứa hồi trẻ và bây giờ... ( cộng thêm 1 số hình Anh Họ ghép từ Internet) - Sẽ gởi sau -
Giờ Phương gởi hai bài thơ "Thu cảm" ( của Lộc Phương ) và "Thu viễn xứ nhớ quê " (của Hàn Diệu Phương ) để các bạn xem trước...
Rất cám ơn BBT và chúc trang nhà SPQN của mình luôn khởi sắc, vững mạnh.

Hàn Diệu Phương





THU VIỄN XỨ NHỚ QUÊ.
                            Hàn Diệu Phương 

Toronto trời cuối Thu                                 
Nơi xóm vắng Farley                                  
Mưa phùn rơi nhè nhẹ                                 
Trong gió lạnh heo may                              
Lá phong đẹp bay bay                                 
Cam, nâu, đỏ, tím, vàng                              
Phủ ngập đầy lối đi…
Kìa nhà ai khói tỏa
Trong nắng chiều chơi vơi
Sưởi ấm lòng lữ thứ ?...
Trên cây sầu thưa lá
Chim buồn thôi không hót
Vọng nhớ hè đã qua …                            
Âm thầm lá vẫn rơi                                     
Là đà hôn trên tóc                                       
Một người bước đơn côi                             
Xạc xào trên lá chết                                    
Nghe lòng bâng khuâng buồn …               
Nhớ lại mùa Thu xưa                                  
Quê hương mình yêu dấu                          
Nơi phố biển Qui Nhơn                               
Dưới rặng thùy dương xanh                      
Ta cùng nhau dạo bước                             
Hạnh phúc tay trong tay                             
Trao nhau nụ hôn đầu.                                
Ì ầm nghe sóng vỗ                                       
Dệt mộng ước tương lai                              
Mai sau ta thành đôi…
             ***
Rồi chính biến bảy lăm                                
Bao vật đổi sao dời…                                  
Ta xuống thuyền rời nước
Lưu lạc nơi xứ người
Qua trắc trở, gian nan
Mộng đẹp đà thành tựu
Tuổi già vẫn bên nhau
Nơi mái ấm Farley
Vùng Etobicoke…
Thu Canada tuyệt đẹp
Không bút nào tả xiết !…
           ***
Chiều nay anh quét lá
Em ngắm lá mộng mơ
Tập làm thơ “ Thu nhớ”
Thu người tuy có đẹp
Vẫn nhớ mãi Thu quê…
Hẹn năm sau trở lại
Cùng ngắm mùa Thu ta
Nhìn hàng me Võ Tánh
Rải lá vàng trong mưa
Nơi xưa mình hò hẹn
Anh trễ hẹn, em chờ
Dỗi hờn trong ánh mắt…
Me “vàng” vương đầy áo
Anh bảo: “quà” anh trao…
Thăm lại chùa Long Khánh
Quì gối bên Phật đài,
Quan Thế Âm Bồ Tát…
Mình cùng nhau khấn nguyện
Thăm lại cánh đồng xanh
Ngạt ngào hương lúa chín
Chia xẻ trái vườn ai…
Thăm Sư Phạm trường xưa
Cùng bạn bè thân quí
Ôn lại thuở Giáo sinh…
Thăm lại Gành Ráng xưa
Dưới chân Mẹ Maria
Nơi ngày xưa thề ước…
Thăm lại mộ phần cha
Thắp nén hương tưởng niệm
Trở lại mái nhà xưa
Có Mẹ già tóc bạc
Mòn mỏi đợi mong con
Mỉm miệng cười móm mém
Vui mừng gặp lại con !

Toronto, Cuối Thu 2012
(Tặng H.L,“Tình gần” của tôi )

 
                                      THU CẢM
                                                      Lộc Phương

                       Thu về lành lạnh, mưa bay
                       Phong vàng rơi ngập Farley Crescent
                       Đường về lá quyện đôi chân
                       Xạc xào đếm bước bao lần Thu qua
                       Lá vàng vương mái tóc hoa
                       Thì ra mình đã tuổi già còn chi
                       Thu về, rồi Thu lại đi
                       Đã gần “sáu bó”, còn chi không già ?

HOA HỒNG VÀNG CHO TÌNH BẠN.

                                             Irene.

         Tôi thường check mail lần cuối cùng trong ngày là vào lúc mười giờ đêm trước khi đi ngủ.
         Tối nay, chỉ vỏn vẹn một email của Đình Chúc gởi : Gặp mặt Phương Dung! Với nội dung là Phương Dung đang ở Sài Gòn muốn gặp mặt các bạn trong buổi sáng mai trước khi Dung về lại Bình Tuy vào buổi chiều…
         Phương Dung là cô bạn học của tôi suốt những năm liền ở trường Nữ Trung Học Quy Nhơn. Phải nói rằng mãi đến năm lớp mười một chúng tôi mới thân thiết nhau. Chúng tôi thường ngồi tâm sự hay hát cho nhau nghe. Phương Dung hát nhạc Trịnh rất hay! Tôi thích nhất là nghe Dung hát bài Còn tuổi nào cho em.
 Đậu Tú Tài, chúng tôi lại vào học Sư Phạm Quy Nhơn. Mới đây trong bức hình ở Bậc Tiểu Học đăng trong bài viết Ngôi Trường Mến Yêu, chúng tôi lại nhận ra nhau và biết rằng mình cũng đã từng học chung ở bậc Tiểu Học.
         Năm 1974, sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm chúng tôi lên đường đi dạy. Rồi biến cố lịch sử 75 đến! Mỗi người một phương cho đến nay, tôi chưa một lần nào gặp lại Phương Dung.
         Một hôm, trên trang blog spqn tình cờ chúng tôi biết tin tức của nhau. Rồi qua email chúng tôi thư từ qua lại và biết Phương Dung đang định cư tại Úc.
         Lần này Dung về Việt Nam thăm mẹ ở Bình Tuy. Dung điện thoại cho tôi. Chúng tôi quyết định sẽ gặp nhau một sáng Chủ Nhật nào đó? Thế mà hôm nay không phải Chủ nhật…
         Thật tình mà nói, tôi rất bận rộn! Tuy đã về hưu, đáng lẽ được nghỉ ngơi thì phải trông con bé cháu ngoại. Con bé chưa được một năm cho nên suốt ngày phải quanh quẩn bên nó. Chăm sóc, cho ăn, cho bú, tắm, ru ngủ… Nhiều lúc mệt vô cùng, định thuê người giúp việc nhưng nghĩ lại “Thương con, thương cháu” nên thôi!
         Suy nghĩ một lát, tôi vội trả lời thư : Các bạn cứ gặp nhau đi! Nếu sắp xếp được mình sẽ có mặt cả hai bà cháu.
         Trả lời xong, tôi đóng máy đi ngủ!
         Tôi trằn trọc mãi không ngủ được! Tôi tha thiết muốn gặp Phương Dung! Chia tay nhau lúc hai mươi tuổi. Gần bốn mươi năm sau mới gặp lại nhau! Bây giờ đứa nào cũng xấp xỉ sáu mươi, Đời người còn lại là bao? Không gặp lần này biết bao giờ gặp lại? Nhưng ngày mai không biết đi đến gặp các bạn như thế nào đây? Khi mà còn “kẹt” con cháu ngoại. Trong đầu tôi đưa ra nhiều cách giải quyết : - Hay là mình gởi nhờ cô Năm hàng xóm giữ hộ con bé? Nhưng mà ngày mai không biết cô ấy có rảnh không? Với lại con bé Kiwi nó có chịu cô ấy không? Thôi mình gọi ông xe ôm trong xóm chở hai bà cháu qua gặp Phương Dung một chút rồi ông ấy chở hai bà cháu về! Nhưng mà đi xe ôm giữa trưa nắng và bụi bặm của đường phố Sài Gòn, con bé chịu sao nỗi! v.v…và v.v…
         Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm! Cả đêm không ngủ được nên người mệt mỏi nhưng nghĩ đến gặp mặt bạn, tôi thấy phấn chấn hẳn lên!
          6giờ 30phút, tôi nhận được điện thoại của Đình Chúc báo địa điểm và thời gian gặp nhau. 7giờ, các con tôi đều đi làm. Tôi nhanh nhẹn cho cháu ăn, uống sữa và cho ngủ giấc sáng…Tôi sữa soạn mọi thứ vật dụng đem theo cho cháu bé. 9giờ rưỡi hai bà cháu leo lên taxi từ quận bảy qua quận tư đến quận một rồi quận Bình Thạnh…và đến nơi.
         Chúc ra tận nơi, Tay xách, đón hai bà cháu vào. Tính của Chúc là vậy! Rất nhiệt tình với bạn bè!
Gặp Phương Dung tôi mừng vô hạn. Trời ơi! bao nhiêu năm rồi bây giờ mới gặp, mới thấy mặt nhau! Cái nét trên khuôn mặt vẫn vậy! Nụ cười quen thuộc vẫn thế! Cảm động quá! Cũng may là còn khỏe mạnh để có ngày tao ngộ! Chứ có khi “vắn số” thì làm sao thấy lại nhau ở cái “cõi tạm” này? (Nói cho vui thế thôi! Chứ không đến nỗi bi lụy lắm đâu?)
         Tôi ngồi xuống, con cháu bé nó cũng ngồi yên để cho bà ngoại vui chuyện “trùng phùng” với bạn bè. Bây giờ tôi mới nhìn các bạn trong bàn : Phương Dung, Thanh Cảm, Xuân Đài, Đình Chúc, Huỳnh Kim Thạch, Phạm Thanh Hà rồi Nguyễn Ngọc Việt, Trần Đức Lượng, Thanh Bình.
         Chúng tôi hỏi thăm nhau. Chuyện trò rôm rả. Nói như chưa bao giờ được nói. Nhìn nhau như chưa bao giờ được nhìn và vui như chưa bao giờ được vui!
         Tôi cảm thấy ấm áp trong tình bạn bè. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì bên mình có những người bạn chân thành.
         Phương Dung kể lại khoảng thời gian đi dạy sau 75…
Những lần đi học chính trị Hè, học căng thẳng nên mọi người đề nghị Phương Dung lên hát giúp vui. Mà lúc đó mấy ai biết được nhạc cách mạng mà nhạc trước đây thì bị cấm. Suy nghĩ hoài Dung hát bài Thảo Nguyên Xanh nhạc Nga lời Việt cho bản nhạc Sad Romance.
“…Thảo nguyên gió vẫn lay, hoa vẫn cười nhưng vắng người…còn đâu tuổi thơ êm đềm? Còn đâu thảo nguyên xanh?...”
Cả hội trường hoan hô vang dội. Có lẽ giọng ca mượt mà bay bỗng mà cũng có thể giúp mọi người giải tỏa sự căng thẳng của buổi học.
Một lần khác, người ta đề nghị Dung hát. Dung không biết hát bài hát nào? May sao Dung nhớ lại là cứ mỗi sáng cái loa phóng thanh trước nhà Dung cứ phát bài hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây thế là Dung hát:
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”
Cả hội trường lại vỗ tay khen ngợi! Nhưng hôm sau một anh cán bộ GD đến và bảo rằng giọng hát của Dung ủy mỵ quá!
Thế là Dung chuyển sang ngâm thơ không hát nữa?! Dung lại lên hội trường ngâm bài thơ Quê hương của Giang Nam. Cả hội trường như “chùng” xuống
“…Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
    Có những lần trốn học bị đòn roi
   Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
   Có một phần xương thịt của em tôi…”
         Vỡ òa ra theo cảm xúc của giọng ngâm. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng không ngớt! Nhưng rồi vẫn có người đến phê bình giọng Dung. Từ đó, Dung lại chuyển sang hát Dân ca cho yên.
         Nghe Dung kể xong chúng tôi ai cũng nhớ lại những chuyện vui buồn của khoảng thời gian sau 75.
         Thấy không khí hơi trầm, Trần Đức Lượng kể một câu chuyện “vui” thế là mọi người lại vui cười hồn nhiên.
         Cô bạn Thanh Cảm của tôi lúc nào cũng ít nói và thường trầm ngâm lắng nghe. Thế nhưng lúc Lượng nói là cô nàng lại chăm chú dõi theo câu chuyện. Sau đó “chốt” vào một câu làm anh chàng “chưng hửng”. Thế đó, nhưng nếu cuộc gặp mặt nào mà không có hai bạn thì niềm vui giảm đi một nửa.
         Phạm Thanh Hà người bạn cùng khóa lần đầu tôi gặp cũng vui vẻ, hòa đồng.
         Huỳnh Kim Thạch luôn luôn là người bạn rất có tình, có tâm đối với bạn bè. Thỉnh thoảng cũng nhắc lại những kỷ niệm xưa. Thạch nhớ rất nhiều và nhớ rất rõ từng bạn học các lớp Sư phạm. Bạn ấy còn đọc vanh vách cả số điện thoại nữa kìa! Thế mới thấy bạn ấy rất trân quý bạn bè.
         Anh Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Việt ngồi thanh thản bên bạn bè. Hình như ở trường công việc làm bạn ấy “căng thẳng” nên gặp lại bạn bè niềm vui rạng ngời thấy rõ trên khuôn mặt bạn.
         Xuân Đài vẫn dễ thương với nụ cười xinh xinh, hình như bạn ấy chẳng “già” đi chút nào?
         Thanh Bình vẫn trẻ, vẫn duyên dáng hơi chút “điệu đàng” dưới con mắt của Trần Đức Lượng.
         Còn tôi thì khỏi phải nói các bạn cũng biết rồi! Bồng cháu ngoại chưa “thôi nôi”, mà dám vượt bao nhiêu cây số, bao nhiêu con đường giữa phố xá Sài Gòn đông đúc. Mệt “bở hơi tai” để đến gặp bạn bè!!!

         Chia tay các bạn ra về, tôi cứ ngùi ngùi xúc động! Tôi xin gởi đến các bạn bè tôi những bông hoa hồng vàng tươi thắm tượng trưng cho tình bạn để chuyển tải cảm xúc ấm áp, ngọt ngào này.
Màu vàng tươi thắm của hoa, tôi xin gởi đến bạn bè tôi một thông điệp của J. Churchil về tình bạn là :
         “Hãy đối xử với bạn bè như đối với một bức tranh, nghĩa là hãy đặt họ ở góc độ có nhiều ánh sáng nhất”

Sài Gòn. 28/11/2012.
Irene

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...