Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Mưa Đêm


Irene.

Ảnh hưởng cơn bão nào đó mà mấy hôm nay ở đây mưa cả ngày rồi kéo dài cho đến suốt đêm. Mưa rì rào qua hàng cây, mưa tí tách rơi đều trên mái, mưa lộp độp trước hiên nhà và không khí ẩm ướt, lành lạnh bao trùm.
         Qua ô cửa sổ, Vân nhìn xuống đường…Đêm mưa, những con đường nhập nhoạng ánh đèn, những con hẻm vắng vẻ, thưa người…thỉnh thoảng có một chiếc xe máy pha đèn chạy vụt qua hay một ai đó trùm áo mưa chệch choạng đi ngang, bóng đổ dài hắt chéo xuống bên hè.
Một mình trong căn hộ tầng ba của một chung cư khoảng bảy chục mét vuông, những lúc như thế này, Vân thấy căn nhà như rộng thênh thang…

         Mùa Xuân, chiến sự bùng lên! Vân theo gia đình chạy vào Sài Gòn. Sau khi yên bình cả nhà  trở về lại Qui Nhơn. Thoáng chốc, chưa đầy một tháng mà thay đổi tất cả. Vân hụt hẫng…không còn được trở lại trường Sư Phạm để đi học tiếp tục. Ngôi trường vắng bóng thầy cô, bạn bè đi đâu hết? Không còn ai? Hoang mang, lo sợ…
Theo mọi người, Vân đến Ty Giáo Dục nộp đơn và được thu nhận lại. Rồi đi học khóa bồi dưỡng chính trị, chuyên môn… Cuối cùng, được phân làm Hiệu phó một trường mẫu giáo.
         Vừa đi dạy, vừa nghe ngóng tin tức Toàn. Vân và Toàn yêu nhau lúc Vân đang học lớp mười hai của trường Trinh Vương . Bây giờ, anh ấy đang đi học tập cải tạo như bao nhiêu người thanh niên khác đã phục vụ trong quân đội ở miền Nam…
         Trông ngóng qua từng mùa Thu, Đông, Xuân, Hè…và một mùa Xuân năm nào sau đó, rất tình cờ… nghe tin là Toàn đã lập gia đình…và ra nước ngoài?
         Chờ đợi mòn mỏi, muôn vàn khó khăn của cuộc sống, áp lực công việc… thêm một nỗi đau nữa! Lòng nàng bỗng băng giá…và trở nên lạnh lùng, câm nín, thờ ơ…phó mặc…nhưng thỉnh thoảng hình như có gì đó trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn chợt dấy lên nghe mơ hồ mênh mang một nỗi u uẩn  không cùng…      
Ngày qua ngày, lặng lẽ giữa mọi người, cuộc sống cứ tiếp tục trong âm thầm rồi lướt qua tựa như mơ hồ, dường như mong manh, xanh xao, vàng úa… rồi cũng phải gượng dậy để sống, để ăn, để thở, để làm việc…Một ngày của một năm nào sau đó, lập gia đình qua sự giới thiệu mai mối của người bạn. Đối với nàng lúc đó tình yêu như là cơn gió thoảng thổi qua vùng rong rêu bao phủ của số phận con người… Nói như Bùi Giáng:
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm…
Vân tự nói với chính mình, thôi thế cũng là xong một kiếp người.
Mẫn chồng Vân trước đây là giáo viên nay được trưng dụng lại, giảng dạy bộ môn của một trường Trung học cơ sở. Cuộc sống thời bao cấp rất vất vả, thiếu thốn nhất là lúc nàng sinh con. Nhưng dạo đó, mọi người ai cũng thế nên thôi. Chấp nhận và yên phận, chẳng ai nhìn ngang nhìn ngửa hay so bì gì cả. Vân chẳng còn có thời gian để mà nghĩ đến tình yêu nên nhắm mắt như con thiêu thân cứ ảo giác lao vào vùng ánh sáng… 
         Vân có hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn. Ngày ngày bận rộn với công việc trường, về đến nhà thì chăm lo cho con cái cùng gia đình nên nàng chẳng còn có thời gian nào mà suy nghĩ.
         Mẫn hiền lành, chịu khó! Sau giờ đi làm là về nhà lo công việc nhà như chẻ củi, nấu cơm…giặt giụa, tắm gội cho con, chơi với con. Tối đến, Mẫn đạp xe lên miệt Tuy Phước hay Cầu Đôi để đi câu kiếm con cá, con tôm…giúp thêm khẩu phần thức ăn cho gia đình. Những ngày nghỉ cuối tuần, hay nghỉ lễ…Mẫn thường kiếm việc đi làm thêm, bắt cái bóng đèn, sửa hệ thống điện, nước cho gia đình nào đó hay có khi đi sơn cửa sắt, quét vôi… cho rạp hát, cửa hàng hay một cơ quan trường học…có lúc đi viết thuê cho Phường những câu khẩu hiệu…Có dạo Mẫn còn theo mấy người bạn đi buôn các mặt hàng như đường, thuốc lá, thuốc Tây… vào tận Sài Gòn…nói tóm lại, vì gia đình chẳng có một công việc nào mà Mẫn từ nan.
         Thấm thoát Thục Quyên và Thục Hạnh đến tuổi đi học. Ngày ngày, hai vợ chồng thay nhau đèo con đến trường, chăm lo cho con từng li từng tí. Tối đến, cả nhà lại quây quần bên nhau, dạy các con học…
         Lấy nhau không xuất phát từ tình yêu nhưng con tim người đàn bà cũng đơn giản vô cùng. Thấy chồng chí thú làm ăn, chăm lo cho gia đình thì cảm động lâu ngày thành thương rồi tình yêu đến lúc nào không hay biết?
         Khi các con của Vân bước vào Đại học, hai vợ chồng nàng thu xếp chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Mẫn xin được dạy cấp hai ở một trường tư thục. Vân nhờ có chuyên môn và quen biết nên nàng xin dạy hợp đồng cho một trường mẫu giáo. Gom góp tiền để dành, cộng với hai bên nội ngoại cho nên mua được một căn hộ chung cư …
         Cuộc sống cứ êm đềm lặng lẽ …Các con rồi cũng lần lượt lập gia đình ra ở riêng. Căn nhà hàng ngày đã vắng nay lại càng vắng thêm chỉ có ngày Chủ nhật các con về chơi nhà mới rộn rịp hẳn lên. Rồi không biết tự lúc nào mà hai vợ chồng nàng cũng kiệm lời, không ai nói với ai điều gì…và cũng không biết tấm màn ngăn cách buông xuống giữa hai người lúc nào cũng không hay. Hai người ăn chung, ở chung một nhà nhưng tâm hồn ai thì người nấy biết? Không biết tình trạng như thế kéo dài trong bao lâu? Rồi việc gì đến sẽ đến…
Một đêm mưa… Vân đang nằm đọc sách, Mẫn bước vào phòng và ngồi xuống bên cạnh… Mẫn tằng hắng rồi nói thì thầm nho nhỏ như gió thoảng qua…
         -Chúng mình sống với nhau một khoảng thời gian khá dài…anh đã lo cho các con và cho gia đình…anh thấy rằng thế là đủ…đến bây giờ anh nghĩ mình phải ra đi …
         Mẫn ngập ngừng…rồi không biết anh nói thêm những gì? Và ra khỏi phòng từ lúc nào? nhưng khi Vân mở mắt ra không còn…căn phòng trống trải và nước mắt nàng ướt đẫm cả gối…
         Ngoài trời mưa vẫn rơi rả rích, chốc chốc mưa nặng hạt hơn rồi lại nhỏ dần…một cơn mưa khác lại ào ào đổ xuống và cứ thế kéo dài dai dẳng triền miên…
         Những ngày đầu Vân nghĩ chắc Mẫn đi đâu đó vài ngày nhưng hết tuần này sang tuần nọ, hết tháng này tiếp đến tháng khác…con cái hỏi, nàng đành kể hết mọi chuyện. Các con nàng vội vã đi tìm. Chúng đến mọi nơi, hỏi thăm những người bà con hay những người quen biết nhưng chẳng ai biết tung tích ?
         Vân bắt đầu chới với vì sự trống vắng…Đối với bạn bè Vân nói dối rằng Mẫn về quê để chăm sóc mẹ già… còn đối với những người sống trong chung cư nơi nàng ở, trước đây, nàng ít giao thiệp nay lại càng tránh tiếp xúc. Ngoài cửa vào nhà, Vân vẫn để hai đôi dép…vẫn nghe tiếng Vân gọi mỗi khi đi đâu về hay nói chuyện như nói với ai đó… mà cũng may là mọi người ở trong chung cư không ai chú ý nhiều đến nhau?
         Những đêm mưa lại càng làm Vân buồn nhớ, nghĩ ngợi lung tung… giờ này Mẫn ở đâu? Bên cạnh ai? Chắc là hạnh phúc hơn những ngày sống bên nàng v.v...và v.v…
         Vân mất ngủ triền miên… “Đêm năm canh, ngày sáu khắc” mắt nàng cứ mở trừng trừng vào khoảng không vô định. Các con lo sợ cho mẹ nên đem nàng đến bác sĩ…cứ hễ có thuốc thì ngủ hết thuốc thì mắt lại mở. Chỉ trong một thời gian ngắn Vân bơ phờ tiều tụy xác xơ…
         Nhiều khi Vân nghĩ, mình chẳng có lỗi gì với chồng, với con…sao Mẫn lại như thế! Nàng tức giận vì sự ra đi và cả cách đối xử của Mẫn…nàng nhớ mãi câu Mẫn nói “…thế là đủ…” - Biết thế nào là đủ? Nhiều lần tự vấn lại mình, trong lòng trỗi dậy sự tự ái một cách kinh khủng. Nàng bắt đầu cố tập để quên, để tìm lại sự thăng bằng trong tâm hồn…  
         Vân tìm đến bạn bè, đi chơi, vui đùa… nhưng sau mỗi lần vui chơi  trở về lại thấy buồn hơn, chán chường hơn... Cho nên nàng lại tiếp tục lặng lẽ sống. Những đêm mưa một mình đơn độc trong căn nhà Vân lại càng khắc khoải về cuộc đời mình…
         Rồi Vân có cháu ngoại. Tiếng khóc, tiếng cười của chúng rộn rã cả căn nhà mang đến niềm vui cho nàng. Vân bắt đầu bận bịu suốt ngày với công việc. Hết chăm sóc đứa này, lại lo đến đứa khác… Ôi thôi, không còn có một giây phút nào để suy nghĩ điều gì nữa. Vân quên mất đi sự vắng mặt của Mẫn.
         Giòng sông vẫn êm trôi, các cháu ngoại lớn dần rồi đi học. Nàng tập cho chúng nói, hát… kể chuyện cho cháu nghe. Chia xẻ vui buồn với các cháu…nấu nướng cho chúng những món ăn ...
         Một sáng Chủ nhật, cả nhà đi lễ vừa về đến nhà thì Hoàng bạn Mẫn ở Bình Thuận vào thăm và đưa cho nàng một bức thư…

         Chiếc xe đò chạy mãi, chạy mãi theo con đường Quốc lộ. Suốt cuộc hành trình, Vân tì tay bên cửa sổ, hình ảnh Mẫn cứ lần lượt hiện ra… Những ngày đầu tiên mới gặp rồi cưới nhau… những lúc Mẫn đi dạy, những lúc đi làm thêm hay chăm sóc con hoặc những buổi sáng, buổi chiều cùng Vân và các con đi lễ… anh hiền từ, sống có trách nhiệm trong mọi việc…không làm buồn lòng ai. Mẫn hy sinh cho gia đình nhưng sao lúc đó nàng chẳng thấy, chẳng để ý gì nhiều đến anh. Cả những ngày trước khi anh đi, anh cũng dạy bảo, dặn dò các con là phải thường xuyên về thăm và chăm lo cho nàng… Anh sửa sang lại nội thất, làm cho căn nhà tương đối đầy đủ tiện nghi…anh làm những công việc đó như là làm lần cuối cùng trong đời…nhưng sao lúc đó trong đầu Vân chẳng mảy may nghỉ ngợi một điều gì cả?!
         Sự ân hận dâng lên trong lòng Vân! Tự nhiên nàng chợt nhận ra và thấy rằng, lâu nay chung sống với nhau, nàng không hề chú ý nhiều đến anh ấy? Không bao giờ biết Mẫn nghĩ gì? Và muốn gì? Nàng chỉ sống trong sự bảo bọc, lo toan của chồng…
Hai hàng nước mắt lăn dài trên má… Vân thầm nhủ và tự trách mình là quá ích kỷ. Thì ra lâu nay mình chỉ biết sống cho mình thôi…
-Sao mình không nhìn sâu một chút? Sao mình không quan tâm…cho nên trong suốt thời gian bên nhau, Vân không nhận ra Mẫn có biểu hiện là muốn…
Vân miên man suy nghĩ và trong đầu lại đặt ra câu hỏi “Sao lại như thế?”…và cứ lập đi lập lại nhiều lần nhưng nàng không sao lý giải nỗi? Vẫn biết thế nhưng thật sự Vân không thể tin? Ngàn lần không tin Mẫn như thế?! Sao lại có thể như thế được?...Mình phải gặp… mình phải gặp anh ấy xem sự thể thế nào?
         Mãi đến trưa, xe vào đến bến xe…Nắng và nóng bức…Vân lại lên một chiếc xe đò khác và tiếp tục đi…Con đường xa xôi đầy gió bụi mù… xe dằn xốc lên xuống… cách thị xã Phan Thiết hơn trăm cây số…nàng mệt, bụng cồn cào… nhưng không muốn ăn…Cổ họng khô khốc nhưng không muốn uống…Nàng mong được đến nơi để biết... Xe dừng lại ở phố huyện xa lạ. Vân lại lên một chiếc xe ôm…
         -Khoảng bao lâu thì đến nơi? Vân nôn nóng hỏi thăm người chở.
         -Khoảng nửa tiếng nhưng đường đi hơi vất vả, cô ạ!
         Người chạy xe, liến thoắng :
         -Nhà em ở vùng này, nên cô yên tâm đi, em chở đến nơi.
         Đúng như lời người chở, đi hết những con đường ngoằn ngoèo xa tít tắp... Rồi phải xuống xe đi bộ…đường lên núi dốc đá hiểm trở. Con đường từ chân núi đến nơi dài hơn cây số. Mấy hôm trước có một vài cơn mưa đầu mùa làm cho mặt đất nhão nhoẹt, trơn trợt…Lối lên núi gập ghềnh, khó đi. Mấy lần Vân trợt chân muốn té nhào… người xe ôm vội bẻ cành cây bên đường đưa Vân làm gậy chống rồi cầm tay dẫn lối đi từng bước. Khi đôi chân mỏi rã rời thì từ xa Vân thấy cây Thánh Giá hiện ra trên tháp chuông vươn cao…
         Buổi lễ chiều vừa tan, Thánh Đường rộn rã tiếng chuông ngân…Trời mùa Thu se se lạnh, xung quanh trập trùng đồi cây. Rừng núi Tàpao âm u đầy sương phủ…Vân thấy trong đoàn người thấp thoáng bóng dáng Mẫn…
Chiều xuống thật thấp. Mẫn đứng đó bên những trẻ em khuyết tật với một vài giáo dân. Trong chiếc áo chemise trắng rộng…Anh nở nụ cười thân thiện. Khuôn mặt ngời ngời, thanh thoát…ánh mắt dịu dàng chất chứa tình yêu thương bao la…
         Mẫn viết cho nàng: “…anh rất vui với con đường đã chọn… tham dự tích cực vào cộng đoàn của giáo hội… suốt những năm tháng qua anh tự nguyện đến  sống ở những nơi vùng núi xa xôi làm được nhiều công việc thiện nguyện giúp mọi người với tấm lòng bác ái đối với  tha nhân … ”
         -Có phải người cô cần gặp không cô? Người xe ôm nhìn Vân hỏi.
Vân lắc đầu! Rồi lẩm bẩm một mình: - “Thôi hãy để cho anh ấy làm tròn ước nguyện… không nên gặp lúc này…một ngày nào đó gần đây, nàng sẽ đưa các con, các cháu đến thăm anh…”
         -Không phải, hả cô? Người xe ôm hỏi.
-Ừ, không phải…không phải…
Lòng thanh thản, nhẹ nhàng, nàng vui vẻ  mỉm cười.
-Ta về thôi!
Vân quay người lại đi nhanh. Người xe ôm vội lật đật chạy theo nàng… xuống núi.

         Sài Gòn, tháng 9/2013
         Irene.

Thương Nhớ Mười Ba


       
Đi qua gần hết một đời, nhìn lại mình ta tự hỏi từ bao giờ ta đã già lắm vậy? Từ bao giờ tóc ta đã bắt đầu bạc thưa và trí nhớ ta đã chập chờn sáng nhớ chiều quên như thế? Có phải từ khi Ông trưởng ban Người cao tuổi trong xóm đến nhà ghi tên ta để biết ngoài ngày 20/11 hàng năm, ta còn có ngày 01/10 cho các cụ ông cụ bà như ta có thêm một ngày để a lô gọi nhau họp mặt hay để con cháu ta thì thầm bàn nhau mua quà tặng bà kính yêu?
       Vào hội cùng Người cao tuổi, ta lúc nào cũng mang vẻ trầm mặc suy tư, đi đứng thì khoan thai, đĩnh đạc, hát hò cũng chọn bài "nền nã" cho phù hợp với không khí "cao tuổi" xung quanh... Họp mặt 20/11 ở trường cũ, ta càng chững chạc, nghiêm túc hơn, dẫu trong lòng cảm xúc trào dâng nhớ những ngày xưa thân ái cùng đồng nghiệp, học trò... Nhưng phải "cầm lòng" cho nước mắt rưng rưng. Nhìn lớp giáo viên trẻ mới về trường sau này lạ lẫm mà lòng ta se lại...Duy chỉ có những buổi họp đồng môn, đồng khóa thì lúc nào cũng đầy hưng phấn.... Những năm gần đây ta có nhiều dịp hội họp  cùng với bạn bè sư phạm Quy Nhơn. Cái tình đồng môn mười ba khóa học lúc nào cũng dễ thương và cảm động. Bọn ta có người lần đầu gặp lại nhau sau một thời gian dài đằng đẵng mấy mươi năm. Biết bao đổi thay trên mỗi mặt người. Có " cụ bạn trai" háo hức muốn nhìn lại dung nhan " Nàng thơ" của mình ngày ấy bây giờ ra sao. Có "bà bạn gái" hồi hộp tìm trong rất nhiều khuôn mặt quanh mình môt hai "Cụ chàng" ngày xưa  đã từng sớm chiều "theo chân Hoàng Thị " ...? Và khi nhận ra nhau rồi lại ngỡ ngàng nhìn nhau cười phóng khoáng... Những mái đầu cụng vào nhau đau điếng mà thương...  Những cái bắt tay chặt không muốn rời, có khi ôm chầm nhau, mái đầu bạc tóc búi ngã vào  vòm ngực phẳng phiu nghe nhịp tim đập thì thòm... Ngày xưa mến nhau, thèm được như thế mà  có  dám đâu, ngượng chết đi được... Bây giờ già cả rồi, cái cảm giác run rẩy của con tim nóng hổi ngày ấy nào ai còn được, còn  chăng trong ta lòng thương mến thiết tha nỗi niềm đồng  môn sâu nặng... Gặp các anh chị khóa trên, ta mừng lắm, thầm nghĩ năm  bảy năm nữa ta có được như các anh chị bây giờ...vẫn thanh cảnh, lịch sự và  đáng  mến như thế? Thương nhiều những em khóa 12 ,13... như một bài ca dang dở. Không biết các em có khi nào nhớ đến những  câu thơ tình  của nhà thơ Hồ Dzếnh ngày xưa không? " Thư viết đừng xong / Thuyền trôi chớ đỗ / Cho nghìn sau lơ lững với nghìn xưa ..." mà tâm hồn các em cứ đau đáu luyến lưu cái "bức thư tình'' chưa viết trọn… hay một ''bến đỗ" muôn trùng xa ? ...để mỗi lần họp bạn đông môn là các em lại trở về cho tâm hồn bớt nổi "lửng lơ" ?...
          Kỉ niệm không bao giờ quên được. Ta vẫn nhớ hoài chuyện trường lớp, bè bạn, chuyện những chiều thứ bảy sân trường rợp bóng ''tình quân", chị em nội trú hồng má môi duyên dáng, chuyện những đêm dưới ánh điện sáng lòa, bên góc công viên ta cùng nhau học bài, thêu áo, móc  khăn ... trong tiếng sóng biển vỗ êm đềm và tiếng gió vi vu qua vườn dương liễu bên hông dãy phòng học đằng xa... chuyện bạn ta suýt ngất xỉu khi bắt thăm môn dạy Tâp làm văn cuối khóa... Nhắc lại kỉ niệm để cùng góp chung vào ký ức của nhau một đôi điều mà ngày xưa ta vô tình chưa gặp hay đã quên đi... Nhắc lại để thấy lòng thương ơi là thương cái thời Giáo sinh SPQN ...                                                       
         Rồi... hẹn nhau năm sau, năm sau nữa, ở nơi nầy hay nơi khác ta lại gặp nhau, sợ tuổi bọn ta rồi ai còn ai mất, Rồi... dùng dằng chia tay, hò hẹn,.
        Ta đã hát một bài ca về mùa thu trước khi từ giã bạn đồng môn như một lời chia tay ...
Ta về cùng khúc mùa thu
Lá đời đã bạc, lời ru đã già
Buồn tình ta níu ngày qua
Đừng lay ta nhé dẫu là bao dung
Mai tê mốt nọ vô chừng
Theo mùa thu cuối muôn trùng ta đi…

( Bich Liên khóa 7)

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

MÙA THU ĐÃ RA ĐI


                                    Irene.

        
Buổi sáng cuối Thu, gió mơn man nhẹ nhàng, bầu trời xanh trong, từng đám mây trắng bồng bềnh trôi. Thư bước xuống nhà dưới chuẩn bị đi học. Trong vườn, cây ngọc lan tỏa hương lan tỏa thoang thoảng trong sương sớm. Dưới gốc, cánh hoa rụng trắng cả mặt đất. Thư nhón chân, đưa tay níu lấy một cành thấp ngắt một nụ hoa vừa mới hé…hít sâu, thật sảng khoái với hương thơm dịu dàng… dừng lại trên bãi cỏ xanh tươi của lối đi, những đóa hoa tim tím bé xíu đang vươn lên xòe cánh… cúi xuống ngắt một chùm Thạch thảo rồi hớn hở đi ra khỏi nhà, tà áo dài trắng bay bay trong gió…
         Tuổi mười chín đẹp như mơ. Tuổi xuân phơi phới. Tuổi trẻ nhìn đời nhiều mộng ước…
         -Thư!
 Người con gái giật mình quay lại. Từ bên đường, một người thanh niên băng vội qua.
         -A! Anh Vinh!
         Thư mừng rỡ reo lên.  Anh tươi cười đến bên cạnh.
         -Em đi học?
         -Dạ! Anh về hồi nào?
         -Anh mới về sáng nay.
         Chiếc xe Lam trờ đến chầm chậm.
         -Thôi đã đến lúc em phải đi học rồi!
         -Cho anh đi học với!
         Không đợi Thư trả lời, anh theo nàng leo lên chiếc xe Lam. Trong xe đã đông, hai người phải ngồi sát tận cửa sau.
         -Anh vừa thi ra trường xong.
         -Vậy đã có kết quả chưa?
         -Chưa treo bảng nhưng anh biết mình đậu rồi.
         Người con gái trề môi với anh như thầm nhủ: -Xạo!
         Cả hai cùng mỉm cười rồi thoáng nhìn nhau ánh mắt rất dịu dàng...
         Chiếc xe chạy từ từ rồi dừng lại ở cổng trường Sư Phạm, mọi người xuống xe.
Nắng vàng nhạt, gió từ biển thổi vào, mơn man lan tỏa mùi nồng nồng của đất và cây cỏ. Hai người đi bên nhau trên lối đi từ cổng dẫn vào sân trường:
-Trường học của em thơ mộng ghê đi! Ồ, có cả một vườn hoa sứ.
Nhặt một bông sứ vừa mới rụng còn tươi tắn, anh trao cho Thư.
-Cám ơn anh!
Thư trao lại cho anh nhành hoa tím đang cầm :
 -Tặng anh!
Nhìn chùm hoa anh thì thầm đọc bài thơ L`adieu của Guillaune Apollinaire.
J’ai cueilli ce brin de bruyere. L’automne est morte souviens. T’en nous ne nous verrons plus sur terre odeur du temps brin de bruyere. Et souviens – toi que  je t’attends…

Đây là lần đầu tiên anh đến thị xã này và lại đến vào những ngày đầuThu, không khí mát mẻ dễ chịu…
-Thư ơi! Anh thấy Qui Nhơn đẹp và yên bình quá.
Thư mỉm cười như thầm bảo: -Đương nhiên rồi! Quê hương của em mà.
Vinh nhớ lại lần đầu tiên gặp Thư tại sân trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn số 17 đường Duy Tân, khi cô bé đang tìm cách để đăng ký ghi danh học. Thư có khuôn mặt tròn trĩnh, nụ cười hiền hậu. Cô bé còn có đôi mắt to, đen. Giọng Huế nghe như gió thoảng nhẹ nhưng mãi sau này anh mới biết cô ấy là người ở Qui Nhơn.
Còn Thư lần đầu tiên vào Sài Gòn nên ngơ ngác, sợ sệt với sự đông đúc của xe cộ và người. Gặp anh, lúc đầu Thư cũng dè dặt nhưng sau khi nói chuyện rồi nhìn khuôn mặt với giọng miền Nam tự dưng Thư cảm thấy an tâm. Cuối cùng thì Thư cũng biết anh ấy quê ở Phan Rang.
Sau khi hoàn tất xong thủ tục ghi danh, anh còn tận tình đưa Thư ra cổng trường và cùng đứng chờ cho đến khi người nhà của Thư đến đón về. Khung cảnh của trường Đại Học, những cơn mưa lất phất bay bay, những hàng me cùng những con đường ở Sài Gòn lúc đó đã in sâu vào trong tâm trí Thư cho đến bây giờ không bao giờ quên.

Chàng luật sư ra trường đổi lên Đà Lạt làm việc và thơ thẩn với thành phố sương mù, đồi thông, thác bạc, ngàn hoa…xa nhà, cảnh buồn nên những lúc nhơ nhớ hái vội cánh hoa penssé, mimosa… ép gởi về …
Thư ra trường rồi đi dạy ở một miền quê xa xôi… chiến tranh ngập tràn khói lửa …suy tư hay mơ mộng…cũng bị át đi bởi tiếng súng, tiếng đại bác ầm ì…Thỉnh thoảng có nhớ nhung vu vơ cũng chỉ thổ lộ với nhau qua một vài bức thư với hàng chữ gởi gắm nỗi niềm…
Mùa Xuân, khói lửa bùng lên…loạn lạc khắp các nơi rồi sau đó cuộc chiến chấm dứt…Tất cả có người trở về lại, có người ra đi, có người lưu lạc phương trời nào không rõ. Dường như mọi thứ đã đổi thay…

Thư và Vinh không ai biết tin tức gì nhau từ dạo đó. Có hỏi thăm nhưng chẳng ai biết ở phương trời nào …thế là biệt vô âm tín…
Lo lắng - Nghe ngóng - Chờ đợi … rồi một hôm nhận được hung tin, anh ấy đã vĩnh viễn ra đi trong một buổi chiều… tại một vùng đồi núi heo hút…
Người thân của anh trao cho Thư chiếc phong thư đựng những cánh hoa ép màu tím và lá thư viết dở dang…
Nước mắt rưng rưng…bao nhiêu kỷ niệm…bao nhiêu dự định…
Vẫn biết rằng, dù chưa một lời hứa hẹn…nhưng như thế không có nghĩa là  … Thư bàng hoàng tiếc thương, đau xót một … quá ngắn ngủi1
Mỗi lần nhớ đến anh, Thư mở hộp ra xem…chùm Thạch Thảo theo thời gian sậm dần và màu mực lá thư cũng phai mờ… duy nhất chỉ có hình ảnh của anh là vẫn sống mãi trong ký ức của Thư theo những hoài niệm…

Từ đó bao nhiêu Mùa Thu đến… nhưng đối với Thư Mùa Thu đã ra đi từ dạo ấy…
Tiếng hát nức nở của người ca sĩ vang lên trong buổi sáng yên ắng…
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho Mùa thu đã chết rồi
Mùa Thu đã chết em nhớ cho
Mùa Thu đã chết em nhớ cho
Mùa thu đã chết, đã chết rồi em nhớ cho
Em nhớ cho đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này, trên cõi đời này.
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau…(Mùa Thu chết-PD).

Mới ngày nào đây, mùa Thu ngấp nghé về! mà bây giờ mùa Thu lại sắp sửa ra đi…Trời cứ  chuyển mùa, chuyển tiết... cứ xoay vần theo ngày tháng…thế cũng đủ làm xao động lòng người.
Buổi sáng mờ sương, trong những ngày cuối Thu se lạnh. Bầu trời xam xám, những đám mây trắng đục bàng bạc trôi. Trên cành cây, gió vẫn mơn man đùa…lá tiếp tục cựa mình rơi rơi từng chiếc cuối cùng để lại cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Thiên nhiên tiếp tục khoác lên mình chiếc áo mới với những gam màu u ám hơn báo hiệu cho những ngày tàn Thu.
Trong sân, một nhành lan tím vừa mới nở. Bên chậu cây, nụ thạch thảo sau cuối, cố gắng xòe cánh hoa nhỏ xíu mong manh màu tim tím chấp chới trên khóm lá xanh thẫm. Một chút lãng mạn từ sắc tím đưa lại làm cho Thư chợt bâng khuâng, thoáng chốc ngậm ngùi…nhớ!

Con tàu cuộc đời … vẫn chạy mãi miết. Cứ mỗi lần dừng lại ở sân ga, có một số người xuống…lại có một vài người lên nhưng riêng người thanh niên ra đi từ dạo mùa Thu ấy đã vĩnh viễn rời tàu và không bao giờ quay trở lại…

Sài Gòn, cuối Thu…
Irene.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Từ Khúc - Thơ - Huỳnh Kim Thạch


Thương Giang Đầu

Thương Giang đầu ly biệt
Trong đục cách đôi bờ
Chẳng ai mong dòng đời hai ngả
Nhưng sao tình hững hờ
Bước chân đi sao nỡ
Người ở lại bơ vơ
Dõi mắt trông theo buồn lữ thứ
Biết người tỉnh hay mơ

Giờ cạn ly tiễn biệt
hẳn quên bận tương phùng
Nước mãi trôi nhưng sầu vẫn đọng
Bao giờ thôi nhớ mong
Ngày thôi không nghe tiếng
Đêm lặng lẽ cô phòng
Mộng đã tan và tình đã mất
Phận...Một đời long đong.


Ngựa Hồng Mỏi Gối

Ráng chiều vương Ải Bắc
Nhạn lạc tiếng kêu bầy
Trăm năm một khúc buồn xa xứ
Người về đâu có hay
Mộng ngày xưa xáo động
Đời lạc bước bèo mây
Ngựa hồng mỏi gối... hoàng hôn khuất
Lệ tràn lên mắt ai

Đêm dài ôm gối đợi
Người vẫn mãi bên trời
Đêm xuống sương giăng mờ bóng nguyệt
Nhạt phai luôn dáng người
Cành liễu buồn ủ rũ
Đời đâu bỗng dưng vui
Ngày sau rồi đến ngàn sau nữa
Biết ai buồn hơn ai!

Huỳnh Kim Thạch

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Tôi Với Em...


 Qui Nhơn

I – Chú và Cháu.



-       Này chú!
-       Cái gì?
-       Chú có bạn gái không?
-       Có!
-       Ai đâu! Chỉ cho cháu biết đi!
-       Là em đó!
-       Cháu là cháu mà… đâu phải là bạn của chú đâu?
-       Đến đây tôi nói cho nghe này, em cứ tưởng em còn nhỏ lắm hả? cứ một điều cháu, hai điều cháu; người ta nghe họ cười cho…
-       Cười gì?
-       Cười em muốn “cưa sừng làm nghé!”...
-       Nhưng bạn bè cháu chúng nó cũng gọi chú như cháu mà…
-       Chúng nó khác, dù cùng tuổi nhưng chúng nó trẻ hơn… đâu có già như em!
-       Hả!!!
-       Đây này, đuôi mắt đã có chân chim; da mặt đã dày lên với nhiều vết nhăn rồi này…
-       Hứ! cách nhau cả 20 tuổi, không gọi chú xưng cháu thì gọi bằng gì?
-       Gọi bằng gì cũng được, nhưng gọi nhau chú cháu nghe kỳ lắm… giá như em 10 còn tôi 30… hay em 20 còn tôi 40  thì ra một nhẽ… đằng này em đã 40 rồi…
-       Cháu đã 40 đâu?
-       Ôi trời! thì còn mấy... năm nữa… tính kỹ nhỉ!
-       Thôi dẹp đi, chú nói với phụ nữ như thế đó hả??? thô lỗ! bực cả mình…

II – Trống không.



-       Ngồi chờ thay đồ rồi ra ngoài ăn nhe!
-       Ai chờ? Ai thay đồ?
-       Dẹp đi, lại bắt đầu lý sự rồi đấy…
-       Em nói một câu phải có chủ ngữ, vị ngữ để anh còn biết là có phải em nói với anh không chứ!
-       Vớ vẩn…
-      
-       Xong rồi, đi!
-       Khoan đã, đứng lại anh xem nào!
-       Nhìn gì khiếp thế! Cái mặt gian quá đi!!! Không được lợi dụng đâu đấy…
-       Ban đầu anh cũng định thế! Nhìn từ trên xuống xem có cái gì đáng để lợi dụng không, nhưng chẳng có gì… nên thôi!
-       Đồ… đồ thô lỗ! hồi mới gặp cứ tưởng là ăn nói khéo lắm… Ai ngờ…  Thôi! đi!

III – Anh và Em.



-       Anh! Em hỏi thật nhá!
-       Em hỏi đi!
-       Hồi đó anh thấy em già lắm hả?
-       Không! Em trẻ nhất trong đám bạn của em…
-       Da mặt em dày, có nhiều nếp nhăn lắm hả?
-       Đâu có đâu, da em mịn và sáng lắm…
-       Vậy sao hồi đó anh nói…
-       Hồi đó anh nói thế nên bây giờ mới có anh và em nè…
-       Đồ… đồ…
-       Đồ gì?
-       Đểu…!!!
Qui Nhơn

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Qua Chốn Xưa Bỗng Nhớ... - Thơ - Vũ Hải Châu





Phố chiều vàng trong nắng
Mây chiều về ghé qua
Hỏi em, tà áo trắng
Về đâu, phương trời xa

                *
Sân trường giờ mưa rơi
Khúc nhạc buồn chơi vơi
Thương em, tà áo trắng
Lạnh không, giữa dòng đời

                  *
Lại Giang bao năm gọi
Nước chân cầu lao xao
Nhớ em, tà áo trắng
Qua cầu, chiều hôm nao

                   *
Lại Giang bao năm gọi
Nước chân cầu lao xao
Nhớ em tà áo trắng
Sân trường chiều hôm nao

                   *

Phố xưa vẫn ngóng trông
Trường xưa vẫn chờ mong
Sông xưa hoài vẫy gọi
Em ơi ! Em về không ?

                *
Ta bao năm vẫn đợi
Ta bao năm ngóng chờ
Lang thang về chốn cũ
Mình với mình bơ vơ.

Vũ Hải Châu

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Tin Buồn

Nhận tin Cụ Bà Điền Thị Ích là thân mẫu của anh Nguyễn Dũ - Trưởng ban Liên lạc Cựu Giáo Sinh SPQN - vừa tạ thế lúc 18:20 ngày 11 tháng 10/2013 tại Sài Gòn (nhằm ngày 07 tháng 9 năm Quí Tỵ).
BBT trang SPQN chân thành chia buồn cùng anh chị Nguyễn Dũ và toàn tang quyến; xin thành kính nguyện cầu cho hương hồn Cụ Bà được siêu thoát nơi miền Tịnh Độ.
BBT trang SPQN cũng xin thông báo đến quí Thầy Cô cùng toàn thể anh chị CGS SPQN để biết, hầu chia xẻ cùng anh chị Nguyễn Dũ trước nỗi mất mát to lớn này.

BBT SPQN

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em - Vũ Thành An - Nguyễn Hồng Ân

 


Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Đôi môi đó đêm nào còn nồng
Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Rồi thiên thu sẽ là nhung nhớ

Giòng đời nào đưa Em đi về đâu
Sao không thấy qua đây một lần
Giòng đời này đưa Em đi về đâu
Những bến bờ xưa cũ đã mờ

Ôi mái tóc mây bay
Giờ còn không? 

Tiếng nói thơ ngây
Giờ còn không? 

Em có vui không?
Hai má còn hồng?

Tuổi xuân qua mau quá, tôi ngỡ như ngày nào
Đôi mắt Em như sao, soi thấu tâm hồn nhau
Giờ đời tôi đã úa, tay cố với tình người
Tim cố nuôi thân tôi?
Đôi mắt quầng thâm rồi

Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Nghe Em nói tôi vui một lần
Một lần nào cho tôi gặp lại Em
Còn chút tình đốt hết một lần...

Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa - Vũ Thanh - Quốc Khanh


...Thủa ấy ta biệt ly
Biển hát đưa người đi
Đêm chia tay Qui Nhơn đầy nước mắt


Từ khi tàn khúc hát chia phôi
Sân trường quen vắng lặng tiếng cười
Nụ hôn đầu chưa dám trao môi
Em giờ đây cách biệt phương trời
Lặng lẽ trên đường xưa
Ngày nắng hay ngày mưa
Em xa xôi... ta cũng bỏ trường xưa ...

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Gia Chánh: Cách Trồng Giá Đỗ Bằng Đất Nung...


Xin gửi tặng "phe ta" cách làm giá đỗ xanh vừa  nhẹ nhàng, vừa sạch sẽ.
Ky thinguyen

-         Bước 1: Rửa sạch những viên đất nung cho hết đất cát, bụi bặm.
-         Bước 2: Trải đều đất nung vào hộp nhựa hoặc thau, chậu ( không thủng đáy) dày khoảng 3cm
-         Bước 3: Đậu xanh sau khi chọn lựa, bỏ hết những hột chai cứng , bể…vo kỹ, ngâm nước qua đêm. Trước khi gieo xả lại 1 lần nữa cho hết nước chua.
-         Bước 4 : Đổ nước ngập 1/3 đất nung, rải đều đậu xanh lên ( rải hơi dày).
-         Bước 5 : Đậy kín mặt đậu bằng 1 bìa cứng, rồi chằn lên bìa này mấy chai nhựa đổ đầy nước, để giá được to , mập( không chằn quá nặng, giá khó ngóc đầu lên).
-         Bước 6 : Phủ  kín bằng 1 bao nilon đen, để yên trong chỗ tối  từ 2 ngày rưỡi đến 3 ngày , tùy thời tiết mưa, nắng.
-         Bước 7 : Thu hoạch, rút từng chùm giá lên, gỡ  bỏ những viên sỏi bám vào rễ, những vỏ đậu còn dính, xong  không rửa, cất vào hộp, đạy kín, để trong tủ lạnh ăn dần. ( 30gr đậu ủ được 90gr giá. Nếu chọn được hạt giống tốt,năng suất sẽ cao hơn )
-         Bước 8 : Đất nung trong hộp xả nước vài lần cho trôi hết cặn, rác, rồi đổ ra rá, phơi khô để tiệt trùng. Lần sau xài tiếp.

Ky thinguyen




LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...