Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

CHÚC TẾT



CHÀO MỪNG NĂM MỚI ( GIÁP NGỌ-2014)
Kính chúc: MẠNH KHỎE -AN VUI - GẶP NHIỀU MAY MẮN
TỰ BẠCH ĐẦU NĂM
                                        van sung pham
Giáp Ngọ Xuân này tớ 74
zéro tiền của lẫn danh hư!
Bạn bè đệ tử e còn thiếu
Sách báo địch đàn sợ đã dư!
Thơ-thẩn dăm ba bài tếu táo
Thi ca (1) ba bốn bản ầm ừ!
Quê người: 59 mùa " bạch ốc"(2)
Cố quận 15 tuổi "thảo lư"(3)
Mang nợ vợ con đời cơm áo
Tri ân Tiên Tổ nếp thi-thư(4)
Ngày Xuân kính chúc câu" Khang-Thái"
Năm mới xin mừng chữ "Tỷ-Như"(5)
                                van sung pham

(1) Thi ca: Một bài thơ phổ nhạc, romance
(2) Bạch ốc: Nhà có ít tiền
(3) Thảo lư: Nhà cỏ, nhà tranh
(4) Thi-thư: Kinh Thi và kinh Thư là sách kinh điển của Nho giáo. Nghĩa bóng: Nền học Nho giáo, nền nếp nhà Nho. Ở đây, xin hiểu: Nếp học hành
(5) Tỷ-Như: Lấy từ câu chúc xưa: " Thọ tỷ Nam sơn. Phúc như Đông hải"

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Mùa Xuân Thơ và Nhạc

  Mùa Xuân Thơ và Nhạc                                                                                                    Phương Chi
Hình ảnh minh họa Trang Xóm nhiếp ảnh


Mùa xuân đang về với đất trời.
          Thời tiết trở nên ấm áp hơn. Bầu trời trong xanh, mây trắng, nắng hồng. Cây cối vụt rạo rực đâm chồi nẩy lộc. Hoa đua nhau khoe sắc. Chim chóc cất tiếng hót ríu rít. Ong bướm rập rờn bay lượn…
          Trước sự đổi thay của thiên nhiên, trong sự giao mùa, tâm hồn mọi người trở nên mênh mang nhẹ nhàng, thư thái hòa vui cùng cảnh sắc rồi cảm xúc trước vẻ đẹp tuyệt vời của tạo hóa. Tức cảnh, sinh tình… các thi nhân đã sáng tác ra nhiều tác phẩm ca ngợi về mùa xuân.
Truyện Kiều của Nguyễn Du gồm 3254 câu thơ, có đến 55 lần nhắc đến từ xuân. Tùy theo văn cảnh mà từ xuân có nghĩa khác nhau. Trong số đó có những từ tả cảnh mùa xuân.
          Mùa xuân được mô tả một cách nhẹ nhàng, xinh tươi qua những câu thơ:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu  dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Tả hoa lá mùa xuân:
Cỏ non xanh rợn  chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Nhà Thơ Xuân Diệu nói về mùa Xuân theo cách riêng của mình. Mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ tràn đầy sức sống như trong bài thơ Vội Vàng:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến oanh này đây khúc tình si

Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Với Xuân Diệu mùa xuân luôn bất tận:
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu  yêu
Thế là Xuân, tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng

Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ
Xuân là lúc gió về không định trước.
                             (Xuân không mùa)
Nhà thơ Nguyễn Bính không những rất dung dị, rất “chân quê” mà còn được mệnh danh là thi sĩ của mùa xuân:
          Đã thấy xuân về với gió đông
          Với trên màu má gái chưa chồng
          Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
          Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong. (Xuân về)
Hay:
          Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
          Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
          Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
          Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay. (Mưa xuân)
Mùa Xuân nồng ấm, rạo rực đón chờ:
          Đây cả mùa xuân đã đến rồi
          Từng nhà mở cửa đón vui tươi
          Từng cô em bé so màu áo
          Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười. (Thơ xuân)
Thi sĩ còn đưa chúng ta đắm cả một “Mùa xuân xanh” :
          Mùa xuân là cả một mùa xanh
          Giời ở trên cao, lá ở cành
          Lúa ở đồng tôi và lúa ở
          Đồng nàng và lúa ở đồng quanh
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
          Tôi đợi người yêu đến tự tình
          Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
          Bắt đầu là cái thắt lưng xanh. (Mùa Xuân xanh)
Xuân về Tết đến nhà nhà sum họp. Sẽ mang nặng nỗi niềm quay quắt nhớ thương nếu không về...
          Tết này chưa chắc em về được
          Em gởi về đây cả tấm lòng. (Xuân tha hương)
Cảnh xuân bao giờ cũng làm xúc động lòng người nhất là cảnh chiều về. Nhà thơ Quách Tấn trong Chiều xuân:
          Chim mang về tổ bóng hoàng hôn
          Vàng lửng lơ non biếc đọng cồn
          Cành gió hương xao hoa tỉ muội
          Đồi sương sóng lượn cỏ vương tôn.
Thi sĩ Hàn Mạc Tử tả đan xen tả cảnh và người của mùa xuân đẹp và lôi cuốn:
          Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang. (Mùa Xuân chín)
Mưa Xuân hình ảnh độc đáo rất đẹp, man mác buồn:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời. (Chiều xuân-Anh Thơ)
Và Huy Cận thanh bình với Mưa xuân trên biển:
          Mưa xuân trên biển thuyền yên chỗ
          Tôm cá chất đầy phiên chợ mai
          Sắm tết thuyền về dăm khóm đỗ
          Đảo xa thăm thẳm vệt mưa dài.
Không phải ai cũng mong muốn xuân về? Vì nhiều khi xuân đến dấy lên trong lòng họ bao nỗi sầu lụy. Hãy nghe Chế Lan Viên nức nở:
          Tôi có chờ đâu có đợi đâu
          Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
          Với tôi tất cả như vô nghĩa
          Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
          Ai đâu trở lại mùa thu trước
          Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
          Với của hoa tươi muôn cánh rã
          Về đây đem chắn nẽo xuân sang. (Xuân)
Mùa Xuân về, không thể không nhắc đến những bài thơ hay của Đoàn Văn Cừ.
          Dải mây trắng đỏ dần lên đỉnh núi
          Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
          Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
          Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết. (Chợ Tết)
Hay là:
          Bà tôi ở một túp nhà tre
          Có một hàng cau chạy trước hè
          Một mảnh vườn bên rào giậu nứa
          Xuân về hoa cải nở vàng hoe. (Tết quê bà)

  
Đón xuân người ta cũng thường hoài niệm về những ngày tháng cũ. Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên như là cầu nối thực tại với quá khứ. Để rồi Tết đến mọi người luôn lưu giữ được những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.
          Mỗi năm hoa đào nở
          Lại thấy ông đồ già
          Bày mực tàu giấy đỏ
          Bên phố đông người qua
          …
          Năm nay đào lại nở
          Không thấy ông đồ xưa
          Những người muôn năm cũ
          Hồn ở đâu bây giờ.
 
Ngoài các thi nhân sáng tác rất nhiều bài thơ ca ngợi mùa xuân, còn các nhạc sĩ cũng cho ra đời nhiều tác phẩm đem lại cho mùa xuân nhiều sắc màu, nhiều rạo rực, nhiều xôn xao:
Hãy lắng nghe bài hát Mùa Xuân đầu tiên :
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên….(Văn Cao)

Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em. Bao lần ngồi thâu đêm, nghe mùa xuân vừa đến. em ơi hoa thắm rơi ngập đường, Trời nắng xế vương vương…(Tuấn Khanh)
Xuân về, Tết đến không ai mà không thấy lòng mình rộn vui khi nghe những bài hát thật dễ thương:
Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng, Xuân đến rồi đây nào ai biết không. Mang những hoài mong đi vào ngày tháng. Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa xuân sang…(Cánh thiệp đầu xuân-Minh Kỳ-Hoài Linh).
Hay lắng nghe Câu cuyện đầu năm của nhạc sĩ Hoài An:
Trên đường đi lễ xuân đầu năm. Qua một năm ruột rối tơ tằm. Năm mới nhiều ước vọng chờ mong. May nhiều rủi ít ngóng trông. Vui cùng pháo nổ rượu hồng…
Nhạc sĩ Phạm Duy trong Hoa Xuân:
          Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn. Hoa cười cùng tia nắng vàng son. Lũ ong lên đường cánh tung tròn…
Nhẹ nhàng tình yêu trong mùa xuân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
          Mùa xuân yêu em đồi núi thênh thang. Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng. Ngày ta yêu em màu lá thanh xuân….(Người về bỗng nhớ)
          Thật dễ thương với Gửi người em gái miền Nam:
          Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng. Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ mà chi…(Đoàn Chuẩn Từ Linh)
          Bình yên và nhẹ nhàng khi nghe bài Mùa Xuân trên đỉnh bình yên – Từ Công Phụng.
          Rồi mai, có một lần tôi đưa em, về trên đỉnh yên bình hiền hòa. Một mùa xuân trên cao, hôn lên làn tóc xõa, theo mây trôi bềnh bồng…
          Mùa xuân là mùa của sự đoàn tụ và yêu thương.
          Xuân đã đến bên em. Dáng xuân tuyệt vời. Xuân đã đến bên người. Xin người hãy cùng em vui xuân…(Xuân yêu thương)
          Mùa xuân là mùa của tình yêu. Hãy cùng nhạc sĩ Ngọc Châu Thì thầm mùa xuân:
          Từng chồi non xanh mơn man. Từng hạt mưa long lanh rơi… Mùa xuân. Và trong ánh mắt lấp lánh. Lời yêu thương ai…ngập ngừng. Mùa xuân đã…
          
 
Sẽ không có bút mực nào mà có thể kể hết các tác phẩm thơ và nhạc về mùa Xuân. Trên đây chỉ là góp nhặt một chút gì chỉ để gợi nhớ lại những tác giả và tác phẩm làm cho mùa xuân thêm xinh tươi, thêm màu sắc. Mùa xuân luôn đem đến bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu điều tốt lành cho tất cả mọi người.
          Và để kết thúc bài viết này, xin hãy nâng ly chúc nhau trong giai điệu dịu dàng bài Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương:
          Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó…há ha ha hà…muôn lòng xao xuyến duyên đời….
          CHÚC MỪNG NĂM MỚI - SỨC KHỎE DỒI DÀO - AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý !

Mùa Xuân 2014.
Phương Chi.





































































































                                                                                                                                                                                                                                                                             

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Chuyện Tết nhứt Năm xưa


                                       


Hình ảnh Trang Xóm Nhiếp Ảnh



                                                                       Phạm Lê Huy

Ở hãng tôi, chừng nửa tháng qua, anh chị em người Hoa người Việt mình chộn rộn lắm, cứ ngong ngóng cái Tết gần kề. Bao nhiêu chuyện Tết Nhứt từ năm xửa năm xưa nay như được dịp tuôn ra ào ào, rôm rả vui tai lắm. Có đủ thứ chuyện để "nhìu chiện" lắm. “Nhìu chiện” một cách say sưa, nghe ấm lòng vô cùng.

Nào là chuyện mua sắm áo quần đẹp cho sấp nhỏ để chúng đi khoe chòm xóm. Mình là bậc cha mẹ thấy con cái nó vui mình cũng vui theo, nhất là khỏi phải tủi hổ với hàng xóm vì mình "hẻo" quá. Gia cảnh mình lỡ có thiếu hụt thì chớ có cho ai hay ai biết. Cũng đừng cho con cái biết làm chi, chúng buồn chúng tủi tội nghiệp.

Nào là chuyện sắm sửa bánh mứt, bánh in bánh tét bánh chưng... , bông hoa nữa, cho xôm tụ. Đánh bóng bộ lư và cặp đèn thờ bằng đồng tới mức soi mặt được mới thôi. Để rồi Tết đến, ông bà trên trước và thân nhân đã khuất về chơi với con cháu khỏi phải buồn lòng vì thấy gia cảnh mình... không "đến nỗi nào". À, còn phải dựng cây nêu treo lá phướn ngoài sân nữa chớ.

Nhà ai có vườn tược thì lo chăm chút mấy chậu bông cho rực rỡ tươi tắn. Đầu năm mới mà rực rỡ tươi tắn thì suốt năm mọi sự mới được hanh thông, ăn nên làm ra, gia đạo êm ấm vô cùng.

Nào là chuyện cúng Ông Táo, phải nhớ "lo lót" sao cho vừa ý ổng mới được việc mình. Nếu lỡ năm qua mình có chuyện gì "không phải" thì ổng lơ cho, không "méc" Ngọc Hoàng làm chi, vì ổng đã "ngậm" của mình.

Rồi ra nghiã trang sửa sang, quét vôi nhổ cỏ, làm sáng sủa lại mộ phần thân nhân đã khuất.

Chiều ba-mươi thì cúng rước ông bà về vui chơi với mình ba bữa Tết cho vui nhà ấm cửa.

Đêm giao thừa thì đốt pháo tưng bừng. Đủ loại pháo -- pháo tre, pháo điển, pháo bông, pháo chà, pháo chuột, pháo xì, pháo xẹt, pháo thăng thiên (chớ không phải pháo... "lên thẳng" như "máy bay lên thẳng" đâu, trời ạ... !). Đó là nói về những năm xa xưa thôi. Chớ đến những năm chiến tranh ác liệt, súng ống hai bên đì đùng "cắc bùm" nhau từ thôn quê đến thành thị, khắp hang cùng ngõ hẻm thì xin miễn đốt pháo vì có ai phân biệt được tiếng súng với tiếng pháo đâu. Thì cái Tết Mậu Thân 1968 đó, làm sao mà quên được!
Hình ảnh Trang Vnphoto,net

Sáng Mồng Một thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ để được lì xì mà lấy hên đầu năm. Nhớ lâu lắm rồi, thuở xưa hồi còn ở bên nhà thì "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà... ". Dòng họ ông bà nội ngoại ba má và anh chị em tôi là vậy, con nhà nông chính cống mà. Ngày nay, do bối cảnh xã hội đổi khác, nên người ta mới nói trại đi là "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai... cờ bạc, tháng Ba... bán nhà... ". Thiệt... hết biết!

Trong nỗi hoài niệm thật nồng nàn này, tôi nhớ lại bao điều rất thân thương từ khi tôi còn là cậu bé tóc húi cua đá banh bằng nùi giẻ, quanh quẩn trong sân trước vườn sau, lúc thúc bên chân ba má tôi một cách vô tích sự... mà đến giờ chúng vẫn còn đậm nét trong tâm khảm tôi đó.

Nhớ tới ông ngoại tôi, ông là một nông dân vạm vỡ chất phác. Một chiều cuối năm, ông vác cái câu liêm cắt lúa giống như mảnh trăng non hình lưỡi liềm có cái cán dài, với vài động tác thuần thục và chính xác ông phát tém thật gọn gàng thẳng thuốm cái mái nhà của cổng phía sân trước được bắt lượn công phu từ mấy lọn chè dúi săn chắc; từ đó tỏa ngang qua hai bên là hàng rào quanh sân cũng bằng mấy lọn chè dúi xanh um tươi mát, trông đẹp mắt làm sao.
Hình ảnh Trang Xóm Nhiếp Ảnh

Má tôi kể, hồi đó làng tôi bị một tên trộm "tài danh" từ tỉnh bên cạnh đến "kiếm chác". Trộm "tài danh" là một loại trộm võ nghệ cao cường, nhảy chuyền từ nóc nhà này qua nóc nhà kia mau lẹ nhẹ nhàng như mèo. Ấy vậy mà ngoại tôi đã tính kế lập mưu bắt gọn nó bỏ vô bao bố vác lên nạp cho làng xã sau gần mười hiệp tỉ thí với nó. Từ đó làng tôi yên ổn, tiếng tăm ngoại tôi bắt gọn tên trộm "tài danh" đó nổi như cồn.

Tôi cũng nhớ tới ông nội tôi, ông là một thị dân lanh lợi, nói năng nho nhã. Cứ mỗi Mồng Bốn Mồng Năm Tết là ông đi làm trọng tài cho những cuộc tranh tài đánh cờ tướng bằng người thật. Ông ngồi trên chòi cao trông xuống sân cờ tướng rộng lớn được kẻ bằng những lằn vôi trắng. Quan quân hai phe tướng sĩ đều mặc quân phục cổ xưa, trước ngực và sau lưng có mang tên quân cờ, tay cầm gươm giáo. Hai kỳ thủ cũng ngồi trên hai cái chòi cao đối diện nhau mà điều binh khiển tướng bằng những câu thơ Hán Nôm nghe rất dõng dạc hùng hồn. Quân sĩ hai bên cứ múa võ tỉ thí với nhau theo lệnh của "chủ soái" mình. Tôi mê đi coi đánh cờ người đến quên cả ăn quên cả việc.

Lại cũng nhớ tới dì Út của tôi. Hồi đó, đến tám chín tuổi, tôi mới biết là mình có cái răng khểnh, tức là cái răng chó đó. Tôi biết được là nhờ dì tôi cứ khen lấy khen để:

- Cái thằng Cu Cùi của dì có cái răng khểnh "ăn tiền" lắm đó! Cùi cứ cười wài đi cho dì ngắm nghen, dì thích lắm! Mai sau lớn lên cái răng khểnh của Cùi sẽ làm... chết nhiều em lắm đó nghen!

Tôi lắng tai cu nghe, rồi tròn mắt hỏi dì:

- Ủa sao lạ dzị! Mắc mớ gì cái răng đó nó làm chết nhiều em, mà nhiều em là gì, hả dì?

Dì ký nựng đầu tôi một cái cốc:

- Để năm bảy năm nữa mới biết, con!

Tôi thở dài vì cái thắc mắc của mình chưa được dì giải thích ngay.

Nhưng tôi không còn cơ hội để chờ đến năm bảy năm nữa; vì năm sau, nghe lời ai không biết, má tôi nói nếu cứ để cái răng đó thêm vài năm nữa nó sẽ mọc dài ra rồi đâm lủng cái môi, giống như mấy người bị sứt môi đó, xấu lắm! Rồi má mướn ông Năm Lượm hành nghề nhổ răng dạo nhổ phắt cái răng khểnh đó đi. Ổng mát tay lắm nhe, nhổ êm ru hà. Tôi mới nhắm mắt hả miệng là cái răng khểnh đó đã theo cái kềm của ổng mà chia tay mấy cái răng kia rồi, chẳng nghe đau đớn gì hết. Tôi có biết gì đâu, chỉ hơi tiêng tiếc thôi - "Sao má hổng chịu chờ sau năm bảy năm nữa mà nhổ cũng được?". Còn dì Út thì cứ tiếc hùi hụi hà! Chú Xuân thợ chụp hình cạnh nhà cứ lẻo đẻo theo sau làm... "cái đuôi" của dì, cũng hùa theo mà tiếc giùm cho tôi.

Ôi thôi, kể ra thì dài dòng văn tự lắm. Nói sao cho hết, nói sao cho vừa nỗi nhớ, nhớ da nhớ diết của mình về Quê Cha Đất Tổ mà hàng triệu người Việt mình đang xa xứ, lòng đau như cắt trên ba-mươi năm rồi.

Nhớ lại cái Tết đầu tiên xa xứ cách đây mười mấy năm, vợ chồng tôi đã khóc, khóc âm thầm khi hai đứa con đã đi ngủ sớm trong đêm giao thừa. Tụi nó có biết đón giao thừa là cái gì đâu. Gia đình tôi lại ở xa khu đông người Việt nên chẳng thấy cái không khí Tết đâu cả, buồn chi lạ !

Phạm Lê Huy

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

SỚ TÁO QUÂN

Sớ Táo Quân 2013

                             Táo Sư Phạm Qui Nhơn



Muôn tâu đức Ngọc Hoàng!




                            Năm Quý Tỵ sắp qua   
                            Giáp Ngọ đã gần về
                            Chúng thần là các Táo
                            Của Sư Phạm Qui Nhơn
                            Nay tháng chạp hai ba
                            Cùng nhau về trình tấu
                            Trước, xin chúc Ngọc Hoàng
                             Long thể mãi an khang
                             Cho trần gian cậy nhờ
                             Sau, chúng thần xin tâu
                             Những điều còn đọng lại
                             Năm hai không mười ba
                             Của Qui Nhơn Sư Phạm!

Dạ! Muôn tâu Ngọc Hoàng!
Từ hai không mười hai
Sau lần về trường cũ
Kỷ niệm năm mươi năm
Ngày trường ta thành lập
Tình thầy trò, đồng môn
Ngày càng thêm gắn kết
Tiếp nối truyền thống này
Sang hai không mười ba
Bạn bè dẫu gần xa
Từ trong hay ngoài nước
Luôn quan tâm kiếm tìm
Và thường xuyên gặp gỡ
Để kịp thời sẻ chia
Niềm vui cùng nỗi buồn
Trong cộng đồng Sư Phạm
 
             Dạ ! Tâu lên Ngọc Hoàng!
             Nổi bật trong năm này
             Là những lần gặp mặt
             Của Sư Phạm chúng thần
             Hải ngoại có xa xôi
             Cũng thường niên tổ chức
             Trong nước khắp mọi miền
              Rộn ràng ngày họp mặt
              Sài Gòn ấm phương Nam
              Đến cao nguyên lạnh giá
              Đà Lạt vẫn chẳng quên
              Tháng mười hai gặp gỡ
               Daklak cuối năm này
               Hội quán vừa thành lập
                                                                                                            Bạn bè lại thường xuyên                                                              Cafe sáng tối chiều
Miền Trung tuy khắc nghiệt
Mưa nắng có thất thường
Nhưng Huế rồi Đà Nẵng
Cùng Quảng Ngãi, Qui Nhơn…
Thường niên vui hội ngộ
Riêng Sài Gòn, tháng bảy
Cái nắng đất phương Nam
Càng thêm phần ấm áp
Tình đồng môn chúng thần
Ngoài gặp gỡ hằng năm
Mỗi chủ nhật đầu tháng
Cựu giáo sinh Sài Gòn
Cùng về với «Trầu Cau »
Chung thủy và nghĩa tình
Như một lời hẹn ước!
 
Dạ! Muôn tâu! Muôn tâu!
Thần xin thưa cùng Ngài
Năm hai không mười ba
Chúng thần tuy gần xa
Vẫn cố công nhắn tìm
Cùng nhau về họp lớp
Khóa Mười các anh chị
Ở khắp các mọi nơi
Rộn ràng ngày kỷ niệm
Bốn mươi năm rời trường
Thắm nồng tình đồng môn
Mong hai không mười bốn
Khóa Mười một chúng thần
Sẽ cố gắng noi gương
Như các anh các chị
Có một ngày gặp lại
Bạn cũ và Thầy xưa
Bên ngôi trường yêu dấu
Kỷ niệm bốn mươi năm
Ngày xa thầy rời bạn !

Dạ! Muôn tâu! Muôn tâu!
Còn đôi điều trăn trở
Thần không dám giấu che
Xin mạnh dạn tấu bày…
Gần ba năm thành lập
Cùng biết bao tâm huyết
Của Admin trang nhà
Với ước mong trang mạng
Nơi tâm sự sẻ chia
Nơi buồn vui san sớt
Và cũng là khu vườn
Tình đồng môn ươm ngọt
Để mỗi sáng mỗi chiều
Thong thả và bình yên
Chúng thần cùng dạo bước
Nhưng, hai không mười ba
Tưởng không thể bước qua
Bao nhiêu điều phiền muộn
Của trang mạng chúng thần
Nạn nặc danh vẫn còn 
Vô tình gây bão táp
Nhưng, chúng thần gần xa 
Cùng Thầy Cô kính mến
Ủng hộ và động viên
Admin vững tay chèo
Và trang nhà Sư Phạm
Lại ngọt ngào tỏa hương
Chào đón bước chân quen
Cựu thần dân Sư Phạm!

Dạ! Muôn tâu Ngọc Hoàng!
Năm hai không mười ba
Đôi lần phải chia xa
Thầy Cô và bạn bè
Đi về nơi miên viễn
Mong hai không mười bốn
Một năm thật bình yên
Và một năm hạnh phúc
Cả muôn dân chúng thần
Mã đáo luôn thành công
Như tinh thần Giáp Ngọ
Không đan xen muộn phiền
Không mắt nhìn hờn giận
Nghĩ về nhau ấm nồng
Tình đồng môn Sư Phạm!

Dạ! Muôn tâu cùng Ngài!
Sớ thần cũng đã dài
Mắt thần cũng đã mỏi
Cuối cùng chỉ xin Ngài
Mong Ngọc Hoàng ban ân
Cho Qui Nhơn Sư Phạm
Dù nơi nao, chốn nào...
Cũng đoàn kết, yêu thương
Cũng ấm tình, thắm nghĩa
Và luôn nghĩ về nhau
Như lời Thầy đã dạy...
Thần xin được cáo lui...

                             Ngọc Hoàng vạn vạn tuế!
                             Ngọc Hoàng vạn vạn tuế!

                                                           Tháng chạp 2013
                                           Táo Sư Phạm Qui Nhơn                                                                    kính tấu

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

TIN BUỒN


TIN BUỒN
BLL lớp Nhị 6 Khóa 11 SPQN   Xin thông báo đến anh chị em đồng môn SPQN :
Anh : NGUYỄN KIM THINH sinh năm 1952(Nhâm Thìn)

Cựu giáo sinh lớp 6 Khóa 11 SPQN đã từ biệt chúng ta để về cõi vĩnh hằng vào lúc 01 giờ ngày 19 tháng 1 năm 2014 tại Bồng Sơn – Bình Định
Hưởng thọ 63 tuổi
-Nhập quan : 20 giờ ngày 19 tháng 1 năm 2014
-Lễ viếng bắt đầu : 21 giờ ngày 19 tháng 1 năm 2014
-Động quan : 13 giờ ngày 20 tháng 1 năm 2014.
-An táng lúc 14 giờ cùng ngày tại nghĩa trang thị xã Bồng Sơn
BLL lớp Nhị 6 Khóa 11 SPQN xin thay mặt thân hữu đồng môn thành kính phân ưu cùng gia quyến bạn Nguyễn Kim Thinh. Cầu mong vong linh bạn sớm được
siêu thoát.

Thay mặt BLL lớp Nhị 6 Khóa 11 Huỳnh Kim Thạch

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

XUÂN ĐẾN

                                                                    HOA XUÂN   

                   Vân Anh.                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Tôi ở Sài Gòn cũng đã khá lâu, thế mà năm nay là năm đầu tiên tôi cảm nhận rõ rệt nhất về khí hậu của Mùa Xuân ở đây đang đến.
Những ngày cuối năm trời Sài Gòn bỗng se lạnh. Buổi sáng gần bảy giờ mà sương sớm vẫn còn mờ mờ bàng bạc khắp nơi. Chim muông bắt đầu hót ríu rít trên mái nhà, trên các vòm lá. Gió thổi rì rào qua hàng cây. Mọi người lục đục trở dậy chuẩn bị công việc cho một ngày mới. Tiếng xe của những người đi làm, của học sinh đến trường… tất cả vội vàng rồi để lùi lại sau lưng những ngôi nhà cửa đóng im lìm. Bây giờ trong xóm chỉ còn lại những người phụ nữ nội trợ, người già và em bé.
          Xóm nhỏ trở nên im ắng. Thế nhưng, thỉnh thoảng lâu lâu có một vài tiếng rao bán hàng ăn sáng. Một lát sau, tiếng xe máy của người bán hoa quen thuộc thường ngày chạy ngang qua rồi đỗ xịch lại ở cuối hẻm.
          Trên chiếc xe máy đời cũ, phía sau yên là một rờ-mọc chở đầy hoa. Phải là trên chục chậu hoa, vài cây kiểng lớn nhỏ. Mỗi ngày một vài loại cây, loại hoa. Hôm thì những chậu hoa hồng, tiểu muội đủ màu: trấng, hồng, cam, đỏ…những chậu bông giấy hồng, đỏ, tím, cam…Có hôm thì những chậu tắt, trái sum sê quằn cả những nhánh cây. Có ngày thêm một vài chậu đỗ quyên, đồng tiền. Nổi bật giữa màu xanh tươi của lá là màu đỏ tươi tắn của những chậu trạng nguyên, mào gà, bông trang…nhưng thú thật “đẳng cấp” nhất trong các loài hoa phải kể đến những chậu lan đủ loại, đủ màu sắc đang vươn lên khoe sắc.
          Lúc đầu chỉ có dăm ba người lớn tuổi ra đứng ngắm nghía. Nhìn tới, nhìn lui rồi đắn đo, suy nghĩ…chọn lựa mua một vài chậu cho vui nhưng rồi ngày qua ngày lại thú chơi hoa tăng dần và thế là lại tiếp tục mua. Rồi mỗi ngày, mỗi ngày lại có thêm nhiều người đến xem. Già, trẻ, các em bé… từ đó, mỗi nhà số hoa cũng tăng dần lên còn người bán hoa thì phấn khởi ra về một cách vui vẻ, hứa hẹn ngày mai sẽ đến và mang theo nhiều hoa hơn.
Không khí xóm tôi ở như khởi sắc. Không như thời gian trước đây, hầu như nhà nào biết nhà nấy, ít qua lại thân thiện với nhau. Thế mà, từ ngày có người chở hoa vào xóm để bán thì chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn. Sáng nào cũng xúm xít chung quanh xe chở hoa, trao đổi, góp ý…trong câu chuyện lại hỏi thăm nhau về sức khỏe, về cuộc sống …Sau đó lại đến nhà nhau xem hoa và biết thêm gia cảnh…Cái xóm vốn đã yên lành nay lại càng hiền hòa thân thiết gắn bó với nhau nhiều hơn.
 Tôi cũng bị cuốn hút vào các loài hoa. Lúc đầu tôi chỉ định mua một vài giò lan thôi  nhưng rồi sau đó, cứ như “ghiền” mua thêm, mua thêm…và thế là số cây và hoa trong sân nhà cứ tăng dần, tăng dần lên.
Ngày nào cũng vậy, công việc đầu tiên của tôi trong ngày là chăm sóc tỉa lá bắt sâu, tưới nước cho những cây và hoa. Xong đâu đó ngồi xuống chiếc xích đu ăn sáng và nhâm nhi ly trà nóng…ngắm nhìn những giò phong lan đủ màu: Những vòi trắng phơn phớt chút hồng, chùm xanh ngọc pha vàng, tím hoa cà với những đường vân trắng…Những chùm vũ nữ xòe váy vàng vàng, nhánh hồ điệp tim tím…Những chậu tiểu muội hoa nở trắng muốt, hồng cam, hồng tươi. Chùm hoa khế tim tím rập rờn ong bướm. Những hoa mào gà đỏ tươi êm mượt như nhung. Những nụ cúc mơn mơn bụ bẩm có búp đã lộ ra những cánh hoa vàng vàng bé xíu. Hoa đỗ quyên màu hồng tươi đan xen bên những búp non va lá xanh rờn…Miên man ngắm các sắc màu rồi đắm chìm vào vẻ đẹp của các loài hoa mới yêu mến cây cối, mới thấy sự tuyệt vời của vạn vật, mới thấy được sự kỳ thú của thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng…và tôi đã nghe thấy nhiều điều tâm tình dễ thương từ các loài hoa…Hoa Mào Gà nói với tôi về mùa xuân tươi đẹp… Hoa Lan ca tụng Mùa Xuân trẻ trung, ấp ủ một tình yêu trong sáng, tha thiết và chân thành… Hoa Cúc thì thầm với nhau trong sự hân hoan vui vẻ, chân thực, trong trắng, một Mùa Xuân mang bao điều về lòng kính yêu, quý mến... Hoa Hồng e ấp mong ước một tình yêu nồng nàn đến thật đẹp, thật dịu dàng…Đỗ Quyên chúm chím mong Xuân mãi đừng tàn…Hoa Mai vàng rực trong Mùa Xuân với bao ước vọng…Chùm khế thỏ thẻ kể chuyện tình thơ mộng và lãng mạn. Hoa giấy mỉm cười phơi phới lạc quan trước gió. Hoa Cẩm Tú cầu chúm chím ngả đầu vào nhau cười rúc rích…Nguyệt Quế nói chuyện ngòn ngọt với hương thơm…tất cả đều hớn hở và rực rỡ tươi vui chào đón một Mùa Xuân mới.
Bây giờ thì tôi mới cảm nhận được thú yêu thiên nhiên cây cối. Lúc còn trẻ, tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình có những lúc rảnh rỗi như thế này để ngồi chuyện trò hoặc nghe và hiểu hoặc tâm tình cùng cây cối …Cây và hoa đã cho tôi những giây phút an nhàn. Tâm tôi thật tĩnh lặng và đầu óc thật thư thái trong một cõi an nhiên tự tại và rồi tôi thấy cuộc đời này thật đẹp và đáng yêu vô cùng.
Mùa Xuân đang về với đất trời, với mọi người…một Mùa Xuân mới mang bao điều tốt đẹp, bao nhiêu niềm hy vọng…Mùa Xuân sẽ làm mờ dần đi bao nỗi buồn phiền, khổ lụy...trong lòng.
Cầu mong Mùa Xuân mới sẽ đem lại cho mọi người, mọi nhà thật nhiều niềm vui, những sự an lành và tràn đầy hạnh phúc!

Những ngày cuối năm.
Vân Anh.   

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

              Đón Xuân Phố Biển NHA TRANG về đêm với Anh Nguyễn Thọ _ K 4 Sư Phạm Quy Nhơn .









Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Thông Báo

Trang SPQN xin thông báo:

Qua buổi làm việc cùng BLL SPQN tại Sài Gòn ngày 5/1/2014, trang SPQN hiện đã có người Quản Trị và Ban Biên Tập mới: 
  1. Anh Trần Hữu An, K11 (Quản Trị viên)
  2. Trần Thị Ren (Biên Tập viên)
  3. Châu Thị Thanh Cảm ( Biên Tập viên)
Admin và ban BT sẽ cùng làm việc trong những ngày tới để tiếp tục đăng bài đã tồn lại trong thời gian qua.
Mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và cộng tác của quí Thầy Cô cùng quí anh chị đồng môn.

Thân ái.

SPQN

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...