Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

ÔNG XÃ CỦA TÔI

Tản mạn tiếng lòng (lời tự sự của bà xã) - DiệpThế Thoại
  (Riêng tặng bà xã của tôi - người đã cho tôi còn có được riêng một góc trời để đọc, để viết và để thả hồn theo sợi khói buồn hiu… giữa chốn chợ đời náo nhiệt - T.Diệp)

Tôi thì không biết viết lách (vì trình độ có hạn!), nhưng cái “tình” chất chứa trong tôi thì rất là nhiều - nhất là cái “tình” đối với ông xã nhà tôi. Giả dụ như đến một ngày nào đó không xa trong cuộc trăm năm của kiếp người…mà anh thì mất, tôi thì còn lại cô đơn trong cái dáng liêu xiêu của bóng ngã về chiều thì…thì…thì …(cho phép tôi đừng nghĩ tiếp nữa, sợ lắm!),  để tôi còn biết rằng ít ra trong lúc này đây tôi vẫn còn hiện hữu tôi là tôi (!).
            Thật vậy, chữ nghĩa trên trang viết này không phải là tôi viết mà chính ông xã của tôi đang viết về tôi đấy! Tôi hiểu được rằng: ông xã tôi trong tôi, tôi trong ông xã tôi, đích thực là một tác phẩm vĩ đại mà Tạo hóa đã kiến tạo cho loài người tự thuở hồng hoang để duy trì và phát triển sự sống bền vững trên hành tinh này.
(Xin nhấn vào "Đọc Tiếp" để xem trọn bài...)
            Ông xã tôi học Sư phạm Qui Nhơn khóa 11, ra trường nhận nhiệm sở ở Phú Yên, dạy tại trường Nam tiểu học Tuy Hòa từ tháng 10 năm 1974. Lúc ấy tôi còn là một cô học sinh lớp 9 trường Trung học Nguyễn Huệ (vì chiến tranh nên tôi học chậm mất 3 năm so với tuổi!).  Không biết duyên số đưa đẩy thế nào mà ông xã tôi lại đem lòng yêu mến tôi và tôi cũng tự thấy lòng mình nao nao trong cuộc vần xoay định mệnh ấy…
            Có một lần tan học sớm, bọn con gái chúng tôi liền đánh bạo đi bộ qua trường Nam tiểu học – nơi mà ông xã tôi đang dạy học (trường Nguyễn Huệ cũng ở gần đó). Rón rén bước chân dạo một vòng qua các dãy phòng học để tìm (!?!). Và đây rồi, tôi và  cả bọn con gái cùng đứng nép bên cánh cửa sổ để nhìn cho kỹ vào bên trong một phòng học…Anh đứng đó trên bục giảng với dáng vẻ trang nghiêm mà gần gũi, giản dị mà phong độ…Cái dáng vẻ “tiền hậu như nhất” đó của anh từng đắng ngọt, thủy chung đi cùng tôi đã hơn 36 năm trời. Bỗng một chuỗi cười reo hồn nhiên của học trò  trong lớp đã kéo chúng tôi trở về thực tại. Bọn con gái chúng tôi bước thấp bước cao ù té chạy ra cổng, bỏ lại sau lưng một khoảng trống vắng xuyến xao của buổi chiều mưa bụi cuối thu, còn riêng tôi thì cũng đã bỏ lại nơi này cả một nỗi niềm bâng khuâng của mối tình đầu (!)
            Ngày hôm sau, anh chạy xe đến nhà tôi trong dáng vẻ “bâng khuâng” và chẳng chút rụt rè gì, tỉnh bơ tặng tôi một bài thơ cũng có tựa đề là “bâng khuâng”

…Bỗng dưng em đến bên khung cửa
Lớp học chiều nay quá thô sơ
Lũ trẻ reo mừng như chị đến
Mà riêng anh  thì thật chẳng ngờ…

Kiếp trước Tổ tiên ở chẳng hiền
Nên trời bắt anh làm giáo viên
Làm công việc chăn đàn em nhỏ
Mà trong tay không được chút quyền
                 …………
Chiều nay vào lớp buồn chi lạ
Trong lòng còn mang nhiều xót xa
Bước đường đời băn khoăn nghìn nẻo
Mà lũ học trò cười tươi như hoa

Em đến thăm anh buổi chiều nay
Trong khi bên ngoài có mưa bay
Anh đã làm thầy như em thấy
Không hiểu rồi đây có đổi thay!
(Trích bài Bâng khuâng – thơ T.Diệp)
            Bài thơ này thì hơi dài nhưng không thuộc loại dài dòng. Tôi có nhận xét là anh  thấy gì thì viết nấy, viết rất là đúng thực tế, đọc lên nghe êm êm, hay hay…nhưng giả như anh không có được 4 câu thơ cuối cùng để kết thúc cái nỗi niềm “bâng khuâng” ấy thì có lẽ chiếc thuyền tình của tôi sau đó vẫn cứ còn muốn bồng bềnh trên sóng nước, chầm chậm trôi đến miền viễn xứ để ngắm nhìn “biển rộng trời cao”, chứ chưa bao giờ lại chịu “neo đậu bến quê”(!). Khổ thơ cuối ấy tôi đã thuộc lòng và mãi trân trọng bên mình như là một bảo chứng của tình yêu từ đó đến giờ:
…Nhưng cám ơn em - chiều nay
Đã cho anh đầy ý nghĩa một ngày
Vẫn biết tình ta theo ý Chúa
Nên lòng rộn rã những men say!
(Trích bài Bâng khuâng – thơ T.Diệp)
            Tháng năm chồng chất tuổi đời, nặng nợ áo cơm, nhưng trong tôi anh vẫn chưa chịu chấp nhận cái vóc dáng già sọm đi so với tuổi tác của mình. Sống giữa cơ chế thị trường này, tuy không thuộc tầng lớp “béo bụng đen râu, trắng da dài tóc”… nhưng cái sức sống mãnh liệt và nhất là cái vóc dáng “phong độ” của anh vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Tôi thì không có thói quen nghe nhạc trên máy (mặc dù ngày nay có rất nhiều phương tiện nghe nhìn rất tiến bộ), nên mỗi khi rảnh rổi công việc nhà, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, cảnh vật nên thơ…tôi thường “ra lệnh” anh hát cho tôi nghe. Ôi tiếng hát của tuổi 60 sao mà nghe vẫn còn thương mến lạ: “Trăng sáng ngời trên môi hoa, trăng xua bóng tối trong lòng ta. Sáng lên trăng, sáng lên trăng…Ôi thương quá ánh trăng Việt Nam” (lời bài hát “Thương quá Việt Nam”ghi  theo trí nhớ). Lại có những buổi chiều nhạt  nắng bên mái hiên nhà đã xanh sắc rêu thềm năm cũ, đôi lúc cao hứng anh cũng “rót” vào tai tôi khúc ru:”Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu. Sợi buồn con nhện giăng mau…Em ơi hãy ngủ…” (lời bài hát “Ngậm ngùi” ghi theo trí nhớ)…
            Đó là tôi nói về những “khả năng” phổ thông của anh mà tôi từng yêu quí, chứ cái điều mà tôi nể phục – nói chính xác là kính phục – anh là ở chỗ anh biết tự tạo nên sức sống cho mình và cho cả gia đình. Ví dụ để an ủi mình và cũng tự mình tìm ra được một lối thoát khỏi những dằn vặt, đắng cay nghiệt ngã của hoàn cảnh, anh tự nhủ:”Trong bùn càng giãy càng lún. Bị đè càng giãy càng đau”… (Tư tưởng về cuộc sống – T.Diệp) và vợ con còn “học” được từ nơi anh  nhiều điều hơn thế nữa…
            Tuy là con người “hay mộng hay mơ” nhưng anh sống rất là “bài bản”, điều độ và cần mẫn. Mỗi khi rảnh rổi tôi thấy anh thường xuyên đọc truyện Kiều, viết lách và làm bạn với cái bàn phím máy tính nhiều giờ liền (cũng nhờ anh chỉ cho mà tôi đã biết tự lên mạng để tìm kiếm thông tin,  để coi trọn phim bộ Hồng Kông, Hàn Quốc, chơi game trực tuyến …theo sở thích và có lẽ tôi sẽ còn tiếp tục cho tận đến khi con mắt mình hết còn hiệu lực!). Dạo này tôi thấy anh thường xuyên làm thơ. Mỗi bài thơ sau khi làm xong anh thường đọc bản nháp cho tôi nghe. Thường thì tôi nghe mà không có ý kiến, đôi lúc cũng bị tôi chê là “dở ẹc”. Tính tôi là đàn bà nhưng rất thẳng thắn (xin lỗi đây là cách nhận xét bình dân mà rất là thật lòng, ngay cả những bài thơ của người khác đã được in trên sách báo đàng hoàng nhưng  nếu tôi đọc thấy không hay, không có hồn thì vẫn cứ chê như vậy!).
            Vừa rồi anh có sáng tác một bài thơ  tựa đề “Khúc ru sợi buồn” và gửi đăng trên trang mạng SPQN. Chính bài thơ này đã làm anh trăn trở suốt một đêm ròng và khiến tôi trong đêm hôm đó cũng bị lâm vào một giấc ngủ chập chờn(!). Bài “Khúc ru sợi buồn” đã được đăng và chính tôi lên mạng đọc trang thơ ấy trước anh. Tôi đọc lại  một lượt từ đầu đến cuối thấy quả là “hay”, và điều làm tôi thích nhất là những hình ảnh minh họa sống động cho bài thơ của Ban biên tập như: Con đò chiều, bến sông xưa, mây trời lang thang
“…Rêu thềm năm cũ, úa màu thời gian. Hoa tàn mấy độ, khóc người sang ngang…
Chuyến đò viễn xứ, em - người đi qua. Ta - thân lữ thứ, dặm đường còn xa…”(trích Khúc ru sợi buồn - thơ T.Diệp)
Nào là:”…Rượu lòng men nhạt, đâu rồi cơn say. Hương trầm ngày cũ, sợi buồn khói bay……”(trích Khúc ru sợi buồn - thơ T.Diệp) với bức hình minh họa: hình ảnh một ông rất bệ vệ mặc veston, thắt cà vạt, ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế bành sang trọng…một tay điếu xì gà bốc khói lơ mơ, một tay chiếc cốc thủy tinh sóng sánh rượu vơi đầy… Tôi liền gọi ông xã và khoe:
-Này anh, coi thật giống anh chưa? Minh họa tuyệt vời đấy!
-Bà đã đọc kỹ đoạn thơ ấy của tôi chưa?
-Đọc nhiều lần rồi. Thích lắm, hay lắm!
-Hay là hay thế nào?
-Hay như bức hình minh họa đấy!
            -? ? ?
Và thật là bất ngờ vì đây là  lần đầu tiên ông xã tôi không “hát “ cũng không “nói” mà lại say sưa “bình phẩm” thơ cho tôi nghe. Qua phút giây đó,  tôi đã hiểu được thế nào là nỗi lòng của anh muốn gửi gắm vào những dòng thơ, mới hiểu thế nào là “rượu lòng men nhạt”, thế nào là “sợi buồn khói bay” …. Lần đầu tiên qua những câu thơ của anh tôi thực sự hiểu anh theo cách riêng trong tình nghĩa vợ chồng, còn anh thì như đang đăm chiêu nhìn về một góc  trời riêng xa xăm nào đó... Anh thường vẫn vậy. Bỗng tự nhiên anh nói to như ra lệnh:
            -Thôi, đã đến giờ tôi tập thể dục đây. Nói vừa dứt câu, anh liền “xuống tấn” tại chỗ, hai cẳng chân khuỳnh rộng ra vuông góc như chân của chiếc ghế đẩu, còn hai tay lúc thì dang ngang, lúc thì nắm chặt lại đấm thẳng về phía trước, tiếng nghe huỳnh huỵch, lúc thì móc trái, lúc thì móc phải năm ngón tay đã lên gân choãi choãi  ra phía sau lưng trông rất dữ tợn! Tôi còn đang mãi mê cận cảnh trong những điệu bộ rất “bài bản” và “điêu luyện” ấy thì bất chợt anh đã kết thúc bài tập bằng một động tác dứt khoát rồi đứng thẳng dậy mà nói:
            -Bà biết không, đây là một miếng võ rất lợi hại dùng để phòng thân và cũng là một bài tập thể dục có lợi cho sức khỏe đấy. Các thao tác vận động này  được gọi là “liên hoàn thập lục thủ” của môn phái Tây Sơn Bình Thái Đạo hay còn gọi là võ Bình Định. Chính võ sư Chưởng môn Diệp Bảo Sanh đã trực tiếp truyền cho tôi và các bạn cùng khóa hồi còn học tại trường Sư phạm Qui Nhơn đấy. Ngày ấy học “văn” mà phải còn học “võ” nữa bà có biết không!
            Chuyện của ông xã tôi là như vậy đó. Chuyện kể về anh thì biết bao giờ mà cùng. Có chuyện kể ra thì làm mọi người cười khì mà cũng có chuyện kể ra làm người ta phật ý. Nhưng đối với riêng tôi bao giờ anh cũng là thần tượng, bỡi lẽ đơn giản là khi đến với cuộc tình trăm năm này tôi đã chọn anh vì anh đã xuất  thân từ  trường Sư phạm Qui Nhơn cũng như chấp nhận  để đi suốt cuộc đời này anh  không hề muốn rời xa bảng đen phấn trắng. Cám ơn trường Sư phạm Qui Nhơn đã trang bị cho tất cả các khóa sinh cũng như riêng anh gánh hành trang “Luân lý chức nghiệp”. Hành trang ấy tuy nặng oằn vai nhưng là dấu chỉ phẩm giá của nghề nghiệp mà mình đã chọn. Tôi không biết làm thơ nhưng bất chợt cái hứng khởi của sự viên mãn trong cuộc sống gia đình cũng thốt được lên mấy câu để tặng anh:
…Ngày xưa em yêu anh vì anh làm thơ tặng em đẹp như mùa thu lá bay…
Nay càng thêm yêu anh vì anh vẫn còn đủ sức sống làm thơ thả theo sợi buồn khói bay…
Sợi khói không vướng vào mắt em

Nhưng sao vẫn cứ cay cay…

Xin hẹn khi khác tôi sẽ kể tiếp!


                                               Viết xong  tại “lầu thơ xóm vắng”
                                                       lúc 0 giờ ngày 26/9/2011
                                                          T.Diệp – K11 SPQN

1 nhận xét:

  1. Mình đọc qua là cảm nhận được cái không khí của bài ông viết.Những dòng thơ đó, hình ảnh Trinh đó một thời mình đã biết. Mình cũng đã từng viết mấy câu thơ cảm hoài mối tình của ông, ông còn nhớ không: "Gọi tên em trong dêm. Viết tên lên gối mềm. Thương nhau không tròn nớ. Em vẫn là riêng em". Ngày xưa mình đã đọc cho ông nghe. ông còn nhó không?
    Đọc bài viết của ông xong lòng thấy bùi ngùi. Chợt nhớ đến một thời thơ dại. Bây giờ làm sao tìm lại được! HỒ MINH KHOÁCH-SPQN, K.11

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...