Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

TRĂNG LÀ NGUYỆT


                           Irene.
     
Qui Nhơn vào những năm thập kỷ 60 hiền hòa và yên bình. Thị xã nhỏ bé, ít người, nằm bên bờ biển xanh mát rượi quanh năm nghe rì rào tiếng sóng. Đi lên đi xuống cũng chỉ quanh quẩn mấy con đường phố chính: Gia Long, Võ Tánh, Tăng Bạt Hổ, Cường Để, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Bạch Đằng, Trần Cao Vân, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du…
Và dạo đó, Qui Nhơn có rất nhiều chị xinh đẹp. Mỗi người mang một vẻ, thùy mị, dễ thương, sắc sảo, sang trọng hay quý phái…như chị Tố Mai, Vân Nga, Hoàng Hoa, Hồng Ngọc, chị Kim Liên, chị Thùy Hân, chị Bạch Yến, chị Tuyết Hoa, chị Ngọc Minh… 
         Tôi gặp chị lần đầu tiên vào một buổi chiều cuối tuần mùa Thu nắng nhạt. Đi bên cạnh chị là người đàn ông ( chị tôi bảo, đó là chồng mới cưới của chị ấy). Mặt Trời chênh chếch về phía Tây chiếu một mảng nắng vàng nhẹ sau lưng chị. Chị mặc một chiếc áo dài gấm màu vàng nhạt có hoa nhỏ li ti ôm sát thân người đầy dặn với cái eo thon nhỏ. Mái tóc uốn xỏa dài, khuôn mặt thanh tú, nụ cười tươi vui. Cả người chị toát lên nét kiêu sa nhưng không kém phần dịu dàng, duyên dáng. Dáng đi của chị nhẹ nhàng, thướt tha trong buổi chiều tà. Thật là tuyệt!
         Tôi không biết tên của chị nhưng nét đẹp của chị đã thu hút sự chú ý, ngưỡng mộ của tôi, một cô bé mới mười một, mươi hai tuổi học lớp Đệ Thất, đệ lục gì đó?
         Bẳng một thời gian dài…Một buổi chiều mùa Đông, bất ngờ gặp lại chị tại đường Nguyễn Thái Học, lúc đó tôi đang học Sư Phạm năm nhất niên (1972). Chị lái chiếc xe Jeep màu trắng mui trần. Chị mặc một chiếc áo dài màu thiên thanh, khoác ngoài là áo len cánh tay màu trắng, thắt khăn quàng cổ cùng màu và tóc xỏa bay bay. Nhìn chị hiện lên vẻ đài các, sang trọng và quý phái. Tôi thấy có những chiếc xe vespa cố vượt lên để ngắm chị. Một chiếc xe Jeep của pilot rà rà theo sau…còn tôi đứng bên đường ngẩn ngơ nhìn theo…
         Tháng tư năm 1975, Lúc này tôi đã là giáo viên lại được về trường Ấu Triệu giảng dạy. Trong vòng ba tháng tất cả giáo viên phải hoàn tất cho xong chương trình năm học. Riêng tôi vừa dạy vừa phải lo mọi thủ tục cho học sinh cuối cấp để chuyển hồ sơ các em lên lớp sáu.
         Sau đợt học chính trị Hè, năm học kế tiếp trường sẽ nhận giáo viên và học sinh cả nữ lẫn nam, bắt đầu từ năm học 1975-1976, Qui Nhơn không còn có trường dành riêng cho nữ hay nam nữa.
         Một buổi sáng, tôi thấy chị đi vào văn phòng trường và rồi tôi thật sự vui mừng khi biết chị vừa có quyết định được phân về giảng dạy cùng trường và cũng từ lúc đó tôi biết tên chị.
         Không biết như thế nào? Mà chỉ một thời gian sau chị và tôi trở nên thân thiết. Khi quen với chị, tôi mới biết tính tình của chị thật là dễ thương. Chị mộc mạc, dễ gần. Chị đơn giản, chân thật. Chị hoạt bát, vui vẻ. Chị chịu khó, siêng năng, gánh vác không câu nệ, không hơn thua.
         Những buổi tối, tôi và chị đạp xe lên tận Ghềnh Ráng, đi bộ vào sâu bên trong các xóm nhà dân, ngang qua những ngôi mộ… Sợ ghê hồn! Để dạy bình dân học vụ hay xóa mù. Dạy xong ra về, đêm đã khuya hai chị em lại đạp xe đạp trở ra. Con đường vắng vẻ nhập nhoạng chỉ nghe tiếng gió lao xao qua hàng dương và tiếng sóng biển vỗ ầm ì vào bãi cát. Những lúc bên nhau chuyện trò tâm sự cùng nhau, hai chị em hiểu nhau hơn, nương tựa vào nhau trong giai đoạn mà theo tôi là mới mẻ, lạ lẫm và khó khăn nhất…đối với những người giáo viên miền Nam được đào tạo trước năm 75.
         Tôi thường đến nhà chị. Chị có ba con, đứa đầu năm, sáu tuổi, đứa út hai tuổi…Chồng chị dạy ở Bồng Sơn. Trước đây thầy dạy ở Cường Để, Tuy thầy không dạy Nữ Trung Học trường của tôi nhưng tôi có học thầy môn Lý Hóa luyện thi năm 12.
         Một mình chăm ba đứa con nhỏ, chị vừa dạy dỗ, vừa chợ búa cơm nước…Có một hôm, trời mưa to. Tan trường, tôi theo chị về nhà lấy cuốn sách giáo khoa… Vừa về đến nơi, thấy mấy đứa nhỏ lội ra mưa, ướt lói ngói. Chị vội vàng tay bồng, tay xách mấy đứa nhỏ vào nhà. Vừa vào thì ôi thôi! Quyển giáo án của chị bị xé tan tành để làm thuyền! Chị ôm quyển tập lên mà nước mắt tuôn thành dòng. Ai đã từng đi dạy trong giai đoạn đó chắc cũng đều biết, giáo án là cái “án” của giáo viên, nên khi  bị như thế là “toi” mất đi biết bao nhiêu công sức! Soạn lại không biết có kịp không? vì nhà trường hầu như ngày nào cũng kiểm tra…
         Tuy bận rộn với con cái, với công việc gia đình nhưng khi chị đến trường, bước lên bục giảng chị vẫn thướt tha trong những chiếc áo dài gấm thật đẹp! (Những áo dài này đều may trước 75). Áo thì màu vàng nhạt, vàng đậm, áo màu tím, áo hồng phấn, áo xanh dương, xanh ngọc… Dáng đi của chị vẫn nhẹ nhàng, vẫn sang trọng và thanh tao. Những khi đi lao động thì chị lại mặc giản dị với chiếc áo bà ba màu tím hay màu trắng.
         Chị là khối trưởng khối lớp Một, tôi dạy khối lớp 5. Giờ chơi nào tôi cũng xuống lớp chị. Các giáo viên dạy lớp Một chẳng bao giờ được nghỉ ngơi vào giờ chơi cả vì các cô phải phóng mẩu con chữ hay từ khóa… chấm bài cho học sinh, chuẩn bị đồ dùng dạy học…Do cũng biết vẽ vời đôi chút nhờ học Sư Phạm nên tôi giúp chị vẽ các bức tranh làm đồ dùng giáo cụ trực quan trong các tiết học Toán hay Học Vần. Những lần mà khối chị lên thao giảng hay lên chuyên đề là tôi lại có công ăn việc làm.
         Chị dạy hay lắm! Những năm đó ai cũng biết tiếng chị. Chị lên một tiết dạy mẫu cho chuyên đề Cải Cách Học Vần lớp Một, hàng trăm giáo viên dự, ai cũng ngợi khen. Phong thái chị lên lớp nhẹ nhàng, cách diễn giảng rất nghệ thuật, dễ hiểu và lôi cuốn học sinh.
         Những lần thi văn nghệ trường, tôi lại xuống tập cho khối chị một vài tiết mục. Rồi được chọn, cùng chị dẫn học sinh đi thi Thành Phố, Tỉnh… thế là chị em lại được đi bên nhau.
         Nhà trường giao cho khối chị đăng ký Tổ Lao Động XHCN, chị từ chối nhưng không được. Thế là chị em lao vào ngày đêm lo mọi việc. Chị và các chị trong khối thì lo bài dạy, lo nội dung sổ sách…tôi thì lo vẽ tranh, lo trang trí Hồ sơ sổ sách…rồi cùng cả tổ làm đồ dùng dạy học hay trang trí phòng của tổ.
         Chị bảo với tôi rằng, “Chị em mình yêu nghề giáo nhưng thời buổi này, muốn đứng vững trong nghề thì phải theo con đường “Chuyên môn” em ạ!”
         Nhiều năm liền Tổ của chị là tổ đứng đầu trong nhà trường, trong Thành phố, trong Tỉnh. Nghe lời chị, tôi cũng chuyên tâm giảng dạy học sinh và cuối cùng chị và tôi đều đạt là Giáo Viên Dạy Giỏi .
         Nhờ đứng vững trong chuyên môn nên hai chị em cũng có một chút uy tín với ngành Giáo dục, với đồng nghiệp, trong phụ huynh và trong học sinh.
         Mùa hè năm 1983, hai chị em được Công Đoàn Giáo Dục cho đi tham quan Đà Lạt. Có thể nói đây là chuyến đi Đà Lạt đầu tiên của tôi và là chuyến đi vui nhất của hai chị em. Đà Lạt lúc đó vẫn còn hoang sơ, vẫn còn thơ mộng…và tâm hồn hai chị em lại đồng điệu với cảnh sắc nên thấy lòng mình nhẹ nhàng, vui tươi…
         Trong cách đối xử với mọi người chị lúc nào cũng nhường nhịn, không tranh giành, không hơn thua, không ganh ghét … sống nhẫn nhịn, hòa đồng, bao dung và vui vẻ…
          Những năm đó, đời sống của mọi người dân rất khổ. Tôi cứ thấy thỉnh thoảng có một vài người già đến nhà và chị thường đem đồ ra cho khi thì gạo, thức ăn…lúc thì áo quần, chăn mền... Đi chợ mà thấy mấy bà già buôn bán cực khổ là chị hay dừng lại mua dùm hay hỏi thăm…có khi hôm sau lại đem đồ đạc ra cho…Do đi bên cạnh chị tôi mới biết được tấm lòng của chị đối với những người không may. Sự nhân hậu của chị thể hiện cụ thể qua những việc làm chứ chị không ngồi nói suông.
         Mỗi khi thầy từ Bồng Sơn về nhà, tôi lại thấy chị tất bật hơn. Chị sửa soạn các món ăn và tôi lại được theo chị học các bí quyết về các món ăn đó.
         Có lẽ hai chị em vui nhất là những ngày giáp Tết. Sau những buổi dạy, hai chị em lại đi chợ Tết. Chị lại bày cho tôi cách làm từ những món bánh mứt đến các món mặn …Tôi được học từ chị cách đi chợ chọn thực phẩm tươi sống mà giá lại phải chăng cho đến cái tính tiết kiệm tôi cũng được học từ chị. Cho nên mỗi khi mua sắm hay mua hàng hóa ở chợ tôi cũng đắn đo cẩn thận. Rồi về nhà, chị chỉ cho tôi cách làm. Và Tết đến, nhà hai chị em lại có các món ăn giống nhau.
         Mỗi lần trường có tiệc liên hoan, nhà trường bao giờ cũng giao cho chị đảm nhiệm và tôi lại được ở bên chị đi chợ chọn thực phẩm và nấu nướng. Những năm sau 75 không có hàng quán gì hết gnên chuyện tiệc tùng ăn uống phải “tự biên tự diễn”. Chị nấu bún bò Huế cực ngon, chị nấu bún Riêu thật tuyệt! Bây giờ có dịp đi khắp nơi tôi cũng không bao giờ tìm được tô bún riêu cua chất lượng hay mùi vị thơm ngon của nước bún bò Huế như chị đã từng nấu. 
Nhiều khi tôi nghĩ các chị lúc xưa, chị nào cũng công dung ngôn hạnh như thế chăng?
Quen chị, tôi học ở chị từ đi đứng, cách ăn nói hay cách xử thế, đảm đang trong mọi việc. Nhờ chị tôi cũng biết cách nấu nướng… tôi nấu ăn dần dần khẩu vị cũng dễ ăn hơn…Chị luôn cho tôi những lời khuyên thật hay trước mọi vấn đề. Tuy nhiên cho đến giờ này, có rất nhiều điều mà tôi vẫn không thể học, để làm sao mà cho giống chị được? Hình như đó là thiên phú chỉ cho riêng chị mà thôi.
Bây giờ, hai chị em đều vào Sài Gòn thỉnh thoảng rảnh rỗi tôi lại qua nhà chị, hai chị em lại nấu nướng… cùng nhau ăn, cùng nhau tâm sự…và tôi lại tiếp tục học ở chị…
Nghĩ đến chị, tôi lại nhớ những ca từ trong bài Nguyệt Ca của nhạc sĩ TCS:
Từ khi Trăng là Nguyệt, đèn thắp sáng trong tôi.
Từ khi Trăng là Nguyệt em mang tim bối rối…
Từ khi Trăng là Nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là Nguyệt trong tôi có những Mặt Trời….
Đối với tôi chị Nguyệt như là vầng Trăng. Chị luôn tỏa sáng trong tâm hồn tôi.

Sài Gòn tháng sáu/2013
Irene.

36 nhận xét:

  1. Trần Quốc Dõnglúc 05:42 22 tháng 6, 2013

    Những con người yêu nghề-mến trẻ thật đáng kính phục. Bây giờ tìm đâu cho thấy!!!trong thời buổi kinh tế thị trường. Tôi rất muốn gặp người chị được mô tả trong bài Trăng là Nguyệt tác giã ơi. Cầu chúc cho chị Nguyệt luôn mạnh khỏe và vui vẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào có dịp vào Sài Gòn, mình sẽ cùng bạn đến nhà chị Nguyệt thăm chị. Chị và thầy rất hiếu khách.

      Xóa
  2. Ở Quy Nhơn vào dạo đó, ai mà không biết chị Nguyệt . Em được dự chị ấy dạy một lần ở trường Trung Học Sư Phạm . Thậy là hay ! Chị ấy nhẹ nhàng sang trọng quá chị nhỉ ?
    Cám ơn chị Irene một bài viết gợi nhớ ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các giáo viên trường mình thường xuyên dạy các Chuyên Đề cho trường Trung Học Sư Phạm. Chị Nguyệt thường dạy trong các tiết mẫu của Cải cách Giáo Dục ở Khối lớp Một.
      Bây giờ chị ấy vẫn sang trọng như thế!

      Xóa
  3. Mot nguoi phu nu o trong giai doan 1960-1970 , day du cac duc tinh Cong , Dung , Ngon , Hanh .
    O My toi co gap chi Bach Yen , chi ay bay gio van dep va duyen dang
    Cam on Irene ve bai viet

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm trước chị Bạch Yến có về Sài Gòn, chị ấy vẫn xinh đẹp như xưa.
      Cám ơn huyhoang, chúc vui!

      Xóa
  4. Tuổi nhỏ tụi mình vui quá , con gái mà cũng mê cái đẹp của thiếu nữ nữa Irene nhỉ , nhất là các cô giáo của mình .
    Ren viết cho một người chị thân quen rất chân tình hẳn chị ấy đọc sẽ cảm động .
    Chúc luôn vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc xưa mình cũng ngưỡng mộ cô Ngọc Anh dạy lớp tụi mình môn Lý Hóa ở trường Nữ Trung Học.
      PD nói đúng! Sáng nay chị gọi điện đến và chị nói "khi đọc xong bài em viết chị cảm động lắm không ngờ bao nhiêu năm mà R vẫn nhớ những kỷ niệm của một thời gian khó..."

      Xóa
    2. Lúc xưa còn học NTH mình cũng ngưỡng mộ cô Ngọc Anh dạy tụi mình môn Lý Hóa đó Dung, cô đẹp và sang trọng.
      Dung nói đúng đọc xong chị Ng gọi điện đến mình mà cảm động đến nghẹn ngào.
      Chúc bạn vui khỏe!

      Xóa
  5. Chị viết về chị Ng.. em đọc thật xúc động , lúc Phượng còn ở Việt nam thinh thoang vao Sai Gòn em cũng có ghé , chị Ng.. lúc nào cũng vui vẻ và hiếu khách

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi Thái Lan về vui không? Trường mình năm nay đi du lịch đông không?
      Chị Nguyệt cũng thường hỏi thăm Long. Hôm nào vào SG ghé thăm chị nghen!
      Chúc Long vui khỏe!

      Xóa
  6. Ren ơi , với bài viết này nhất định chị Nguyệt sẽ "tặng " Ren một nồi bún bò hay nồi mỳ Quảng (nhớ gọi mình với nha )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình có đọc "lời còm" của Th.Bình cho chị Nguyệt nghe, Chị nói Bình đã nấu được mỳ Quảng chưa? Nếu thích hôm nào chị sẽ nấu dành riêng cho Bình.
      Nhưng món Mỳ Quảng chưa ngon bằng chị nấu món Cao Lầu của HỘi An rất ngon và công phu. Vật liệu chị gởi mua tận Hội An đem vào. Để hôm nào chị nấu hai đứa mình rủ nhau qua nhà chị nghen.

      Xóa
  7. Các chị ở thế hệ đó đều hiền hậu và đẹp như vậy cả . Đọc bài viết của em mà chị nhớ dạo đó ở Huế cũng có rất nhiều chị con nhà dòng dõi trâm anh thế phiệt nổi tiếng đài các , quí phái , sang trọng ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị Nguyệt cũng gốc Huế đó chị thuộc dòng Tôn Nữ...
      Vừa rồi nghe nói chị có đi Quảng Ngãi? Chuyến đi vui không?
      Chúc chị luôn khỏe!

      Xóa
  8. Một bài viết đầy hồi ức ngọt ngào. Cảm ơn cô Irene đã cho chúng con thấy một góc nhìn khác về Me và Grandmum của tụi con. Me ơi, Bà Ngoại ơi, we all are so proud of you.
    With love from Canberra.(Hoàng-Như & Michelle/Queenie/Dylan).

    P/S: Queenie nói rằng(nguyên văn tiếng Anh): The one thing in the story that I am sure is true about Bà Ngoại is our Grandmun cooks Bun Bo Hue very well. . . hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô thật sự ngạc nhiên khi thấy lời comment của cả nhà cháu Hoàng-Như ở Úc.
      Sao cuộc sống của các con bây giờ thế nào? Hôm ra đi cô quá bận bịu nên không dự bữa tiệc chia tay.
      Các cháu Michelle, Queenie, Dylan chắc lớn lắm nhỉ? Cô thích nhất là câu nói của Queenie, ...our Grandmun cooks Bun Bo Hue very well
      Chúc cả nhà vui vẻ!

      Xóa
    2. Dạ, tụi con cảm ơn Cô Irene. Tụi con cũng đã tạm ổn. Tụi nhỏ lớn nhanh, và yên tâm nhất là việc ăn học rất tốt. Mấy đứa nhỏ nhà con đều thương Ông Bà Ngoại, nhưng có lẽ Queenie là có tình cảm đặc biệt với Bà Ngoại nhất, nên nó mới có comment hồn nhiên và tếu lâm vậy.
      Con có xem qua vài bài viết khác của Cô. Tất cả đều thật dễ thương. Blog này thật hay. Chúc Cô viết thêm nhiều bài hay nữa. Con, Hoàng-Như

      Xóa
  9. Sao mình thấy đa phần những ai tên Nguyệt đều thật là dễ mến, mình cũng có một chị bạn ngày xưa cùng dạy ở Hải Cảng tên Nguyệt, chị cũng đẹp và dễ gần!
    Cảm ơn R và cảm ơn Trăng là Nguyệt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ! Đúng vậy, những ai tên Nguyệt đều sáng như Trăng rằm.

      Xóa
  10. Minh Anh (23/6/2013)
    Tôi chẳng thể nào quên tiết dãy mẫu ở Quảng Ngãi năm 1982 của Cô Nguyệt từ Qui Nhơn ra với chiếc "vali dạy học" nỗi tiếng của Cô. Tôi học lớp Một và chỉ được học với Cô một tiết thôi. Cô dạy tuyệt vời đến nổi đêm về cứ nhắm mắt lại là thấy hình ảnh sinh động xinh đẹp của cô giáo. Cám ơn tác giả đã viết một bài đơn sơ nhưng gợi lại trong tôi một kỹ niệm rất đẹp. Ước gì Cô N. còn dạy ở SG tôi sẽ gửi con đến học.

    Trả lờiXóa
  11. Cám ơn Minh Anh! Bạn nhắc lại một chi tiết tuyệt vời!
    Ngoài các tiết dạy Mẫu, chị Ng còn làm ra ra những đồ dùng dạy học có tính khả thi, một trong số đó là chiếc "Vali dạy học" và đồ dùng này được nhân rộng lên giúp các giáo viên khắp nơi tiện lợi trong việc giảng dạy. Đồ dùng này cũng được giải thưởng của BGD.

    Trả lờiXóa
  12. Đọc những dòng Ren mô tả về chị ấy mình thấy chị ấy tuyệt vời quá , mình rất ấn tượng cảnh chị ấy lái xe reep trắng và một số người bám theo chỉ để chiêm ngưỡng . Nếu có dịp dắt mình xuống thăm chị ấy với nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình sẽ cùng với baoanh đến thăm chị một ngày Chủ nhật đẹp trời.

      Xóa
  13. Ren viet bai hay qua ! Chi la chi My Hoa day !

    Trả lờiXóa
  14. Nguyet va Ren la hai trong nho'm gia'o vien dan em rat than thuong cua chi , tu Quy Nhon vo den Sai Gon va den mai bay gio ....va mai mai ve sau .
    chi My Hoa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị Hòa thân mến!
      Tuần trước, Chị Nguyệt có chuyển cho em mấy tấm hình của chị ở Mỹ đẹp và tươi tắn quá! Chúc chị đoàn tụ gia đình ấm áp thân tình.
      Cho em gởi lời thăm Ly cô học trò năm 75, Ly trẻ trung xinh đẹp so với tuổi.

      Xóa
  15. Thật là quý khi ta có những người bạn đồng cảm như vậy phải không R?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Tr nhiều! Mong gặp lại vào tháng 7 này. Chúc vui!

      Xóa
  16. Thật ngưỡng mộ chị ...Trăng.

    Trả lờiXóa
  17. Máy của Phương vẫn không mở được một số bài trên trang sp. Nhờ người bạn forward nên Ph đọc được và nhờ bạn "còm" dùm với nội dung sau :
    Cám ơn Irene đã cho mình thưởng thức một bài văn hay về tình bạn, về Một Người Phụ Nữ Việt Nam, Một Cô Giáo Tuyệt Vời ... Cho Phương gởi lời thăm chị Nguyệt nhé!
    Thân mến!

    Trả lờiXóa
  18. KIM LIEN Bồng Sơn 25/6/2013
    Tôi không ngờ một bông hoa quí của Qui Nhơn lại ra dạy ở trường Tiểu học Trung Lương Bồng Sơn sau tháng 9/1975. Tuy chỉ dạy ở trường này có một tuần thôi mà Chi Ng. đã làm cho giáo viên và cán bộ phòng GD Hoài Nhơn ngưỡng mộ, về phong cách cũng như tài năng. Chị lại về Qui Nhơn và sau này còn gặp Chị nhiều lần dạy mẫu. Tôi đã học tập ở Chị nhiều điều và không bao giờ quên Chị. Cám ơn Irene.

    Trả lờiXóa
  19. Cô Giáo Hoài Xuânlúc 15:18 25 tháng 6, 2013

    Lâu quá rồi không gặp Chị Nguyệt, nay có người nhắc nhở lại với những nhận xét không sai chút nào. Cám ơn Irene và chúc Chị Nguyệt hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  20. Nhan sắc rồi cũng tàn phai. Công việc cũng đã lùi sâu trong quá khứ. Bây giờ chỉ còn tồn tại một tình bạn thân thiết trải dài hơn bốn mươi năm với nhiều kỷ niệm kể từ lúc ta chưa quen biết. Cám ơn Irene đã gợi cho Chị nhớ những kỷ niệm ngọt ngào. Cám ơn Irene về bài viết TRĂNG VÀ NGUYỆT. Nếu Chị được "thổi phồng" thì đó cũng là ly HỒNG SÂM dành cho người cao tuổi phải không Irene! Cám ơn các bạn trẻ đã đọc, đã gửi comment thăm hỏi và đặc biệt có nhiều cảm tình với Chị.

    Trả lờiXóa
  21. Nghe mọi người cho biết trang sư pham ma sao mo hoai khong được nó cứ ra trang su pham ở hải ngoại .
    Viết đúng lắm hồi đó mình cũng là giáo viên ở quy nhon đi dự giờ chị Nguyệt nhiều lần và rất phục về tác phong lên lốp nhẹ nhàng của chị . Dạo đó giáo viên nghèo lắm chỉ có vài đồng lương và tem phiếu nhưng rất vui vì tình cảm dành cho nhau quý lắm .
    Huỳnh thị Hoa giáo viên hưu trí

    Trả lờiXóa
  22. Một bài viết về cô Nguyệt rất chân tình với lối tả rất thật . Tôi cũng rất ngưỡng mộ cô ấy . Trong bài có nhăc đến Hoàng Hoa , Hồng Ngọc không biết bây giờ các cô đó ở đâu ?

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...