Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

MÁI TRƯỜNG XƯA.


                Irene.
        Thương gởi đến chị Nguyễn Thị Hằng khoá 7 SPQN.


          Mùa xuân trôi qua một cách nhẹ nhàng. Ngoài trời, nắng vàng hanh hao gay gắt hơn. Trên cành, những chùm phượng đã lác đác nở. Các chú ve cũng lục đục choàng dậy sau giấc ngủ dài để chuẩn bị cho “ Dàn đồng ca mùa hạ.”
          Từ trường, tôi trở về nhà sau một ngày bận rộn với công việc cuối năm, với việc hoàn tất hồ sơ tốt nghiệp cho học sinh. Bước vào nhà, bất ngờ gặp chị Hằng từ Nha Trang ra thăm…
          Chiều xuống chầm chậm, phố biển trở nên dịu mát nhờ những cơn gió nồm từ biển thổi vào. Hoàng hôn bao trùm cảnh vật. Bóng tối lan dần. Qui Nhơn trở về một sự chuyển biến mới. Thành phố bây giờ còn lại những hình hài đường nét trong cái động và cái tĩnh về đêm.
          Từ đường Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương, chúng tôi hướng về phía trường Sư Phạm.
-Sân bay Qui Nhơn đâu em? Xe đang chạy chị Hằng quay lại  hỏi tôi.
-Dạ, mình đang đi trên con đường mà trước đây là sân bay đó chị.
Tôi vừa nói, vừa lấy tay chỉ một vùng trước mặt và phía sau.
          Chị nhìn quanh rồi dường như không thấy còn sót lại một dấu vết cũ xưa nào. Chị hỏi:
-Em ơi, Eo Nín Thở nằm ở hướng nào?
          Vòng xe lại, chúng tôi đến Eo Nín Thở. Những cơn gió biển thổi vào mang theo cái vị mằn mặn của biển. Không có “cái mùi” mà chúng tôi phải “nín thở” mỗi khi qua lại nơi này. Không còn cái khúc quanh với những hàng rào kẽm gai ranh giới với sân bay Qui Nhơn. Chỗ chúng tôi đứng là những chiếc xe bán nước giải khát, sau lưng là công viên cây xanh…
Mỗi chúng tôi như đắm chìm trong kí ức của một thời. Riêng tôi, tôi thấy tuổi trẻ của mình hiện rõ với những ngày mưa, ngày nắng trên những chuyến xe Lam đến trường hay về nhà. Tuổi thanh xuân phơi phới với bao niềm vui…
          Giọng chị Hằng nhè nhẹ, kéo tôi về với thực tại:
-Bao nhiêu năm nay, chị ao ước có một ngày về thăm lại trường xưa, thăm lại khung trời cũ thân thương, thăm lại con đường …thăm khu nội trú…Nhớ quá đi! Ngôi trường Sư Phạm! Nhớ thầy cô và bạn bè! Nhưng rồi cuộc sống cứ cuốn đi, chị chẳng có dịp. Thế nhưng lúc nào trong tâm thức chị cũng vang lên tiếng vọng từ ngôi trường. Tiếng vọng từ sóng biển, từ tiếng gió vi vu qua hàng dương hay tiếng của ai đó gọi, thôi thúc chị trở về! Rồi chị nghe tin Len mất! Chị bàng hoàng, sững sờ đến lặng người. Chị quyết định trở về thăm lại trường, đi thăm mộ phần của bạn. Cuộc đời này quá ngắn ngủi! Mới đó mà người còn người mất…giọng chị nhỏ dần.
          Chị Hằng là bạn thân với chị tôi. Các chị học khoá 7. Sau khi ra trường, hai chị chọn nhiệm sở Cam Ranh. Mùa xuân 75 mỗi người một phương không nghe tin tức về nhau…
          Thật tình mà nói, tôi ở Qui Nhơn nên có rất nhiều dịp đi qua lại ngôi trường Sư Phạm. Mỗi lần như thế, tôi thường ngoái đầu đăm đắm nhìn thật lâu cho đến khi khuất hẳn. Nhưng chưa bao giờ mạnh dạn bước vào trường thăm lại khung cảnh cũ. Có lẽ tôi sợ lạc lõng, sợ hụt hẩng, sợ một mình bơ vơ giữa cảnh và người… Rồi chiều nay, thật bất ngờ khi chị Hằng từ Nha Trang ra. Chị nói lên điều mong ước và niềm khát khao trong tôi bùng lên. Chúng tôi như đồng cảm! Thế là, tối hôm đó, vội vã về thăm trường.
          Dừng lại trước cổng trường. Cánh cổng đóng im lìm. Ánh đèn đường hắt chéo vào một màu sáng vàng vàng nhưng cũng không soi rõ bên trong. Sau một hồi, chúng tôi lùi lại và tìm lối đi vào trường. Lối đi phía sau nhà thầy Bồn, đi ngang qua nhà thầy Sum, thầy Mẫn ngang qua hàng hoa sứ…Chúng tôi vào được sân trường. Sân trường im vắng chỉ có ba chúng tôi: Chị Hằng khoá 7, chị kề tôi khoá 10 và tôi khoá 11.
          Thật vui mừng như tìm lại những gì thân thương. Trong tâm trí tôi, những kỉ niệm cứ dồn dập ùa về…Tôi nhớ mỗi sáng thứ hai chào cờ ở sân trường, tà áo dài trắng bay bay trong gió. Những khuôn mặt hớn hở vui tươi trong nắng mai…
Đằng kia là sân tập thể dục, tôi nhớ như in tiếng còi của thầy Phan Minh Ba cất lên là chúng tôi nhanh chóng ra sân. Nam nữ ăn mặc gọn gàng, chân mang giày Bata bước đều mạnh mẽ, hiên ngang hát vang: “Đoàn người tưng bừng về trong sương gió. Hồn như đám mây trắng lững lờ. Giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp Bô Ê Miên. Ánh dương lên, một đoàn thanh niên…”
Tôi nhìn sang bên phải, bao nhiêu năm rồi hội trường vẫn còn đó. Dường như văng vẳng âm vang rộn ràng tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát… của những đêm hội diễn văn nghệ  hay tiếng khua chén bát hằng ngày vào mỗi bữa ăn của các bạn nội trú…
Cứ thế, chúng tôi đi lần vào bên trong. Tiếng vọng từ dãy lầu phòng học. Tôi thấy mình sáng sáng, chiều chiều lên xuống những bậc thang lầu vào phòng học hay đứng dựa vào góc trụ, lan can lầu…nhìn xuống công viên ghế đá, hoa sứ thoang thoảng đưa hương hay ngắm những đoá hoa hoàng anh vàng tươi khoe sắc. Những giờ học Tâm Lý với thầy Đàm Khánh Hỷ, giờ Giao Tế Xã Hội thầy Võ Sum, giờ Quản Trị Học Đường với thầy Toản, Sư Phạm Lý Thuyết thầy Nở, Giáo Dục Cộng Đồng thầy Bồn, Toán Học Ứng Dụng thí nghiệm cùng với thầy Học…Giờ Nhạc thầy Hoàng Hy, giờ Hội Hoạ thầy Phan Thâm…Tất cả các thầy đã trang bị kỹ càng, đầy đủ cho chúng tôi những tác phong của người thầy, những kiến thức quý giá để sau đó làm hành trang vào nghề, vào đời.
 Preo với những giờ Hoạt Động Thanh Niên trò chơi " Làm mèo" hình ảnh bạn Hoàng Phượng khóc thút thít khi bị làm mèo vẫn còn in đậm trong tôi. Mới ngày nào chúng tôi đi vòng hát vang những bài hát thiếu nhi " Kìa con bướm vàng! Kìa con bướm vàng! Xoè đôi cánh, xoè đôi cánh..."  hay " Con gì kia nó ngồi là ngồi trong hang. Nó quay cái lưng ra ngoài đó là con cóc..." 
          Cứ thế, tôi bước đi trong im lặng, trong hoài niệm....
          Hành lang dài hun hút dẫn về khu nội trú Nữ. Cả ba ngỡ ngàng vì cửa đóng then cài. Không còn phòng trực với cô giáo sinh trực tà áo dài trắng cây bút và cuốn sổ trên tay miệng tươi cười chào khách lạ. Không còn bãi cỏ xanh với những đóa hoa forget me not tim tím dễ thương hay những cánh hoa cúc dại vàng tươi…và cũng chẳng còn tiếng lao xao rộn ràng của các bạn đi về...
          -  Các cô hỏi ai ? Một người đàn ông thấy chúng tôi thập thò trước cửa nên bước ra hỏi.
  Chị Hằng bộc bạch:
          -  Chúng tôi là những cô giáo, trước 75 học ở trường này. Nay trở lại thăm trường.
          -  Mời các cô vào! Vừa nói anh ta vừa mở cánh cửa.
  Chị kề tôi nói:
          -  Lúc xưa chúng tôi học, đây là khu nội trú nữ.
          -  Vậy hả? Bây giờ, đây là chỗ làm việc của ngành khoa học. Anh giải thích...
  Tôi nhìn các bảng treo trên các phòng...Phòng Vật Lí, Phòng Thí Nghiệm Hoá Học…
   Chị Hằng chỉ căn phòng lúc xưa chị ở nội trú. Chị đứng đó thật lâu như sống lại thời đôi mươi…
   Sau một hồi tham quan, chúng tôi cám ơn anh ta và quay trở ra.

          Ngôi trường vẫn nhập nhoạng sáng tối trong ánh điện. Đêm trở mình bởi những cơn gió lao xao. Công viên trường là một khoảng tối trước mặt. Vang vọng đâu đây bài hát của đêm mãn khóa 11: Đêm bây giờ đêm mai của TCS. " Ôi! Đêm dài và cơn bão rớt. Trên dãi đất quê hương khô cằn. Ôi! Bom đạn cày trên những xác ... Đêm bây giờ, đêm quá hư vô. Ôi con người mang trái tim khô. Đêm bây giờ thắp sáng âu lo.Hai mươi năm buồn vui hững hờ..."
  Bây giờ ngồi đây sau bao nhiêu năm tôi thấy các thầy chọn bài hát trong đêm mãn khoá 11 thật phù hợp và ý nghĩa với tâm trạng chúng tôi trong bối cảnh lịch sử đất nước. Hai mươi năm từ khi chúng tôi sinh ra (1954-1974) chiến tranh, bom đạn. Tuổi trẻ chúng tôi có gì? Được gì?
  Bài hát cất lên đêm đó như một sự cảm thông như một sự sẻ chia của những người đi trước với những người em đi sau là rồi đây khi các em ra trưòng trên mọi nẻo đưòng đất nưóc biết bao gian khổ, chông gai, hiểm nguy đang đón chờ. Như một lời tiên tri. Con đưòng khoá 11 chúng tôi đi, không bằng phẳng, không suôn sẽ, không yên bình và cũng không phải là thảm nhung với hoa hồng như tuổi trẻ chúng tôi hằng mơ ước mà là bộn bề những vất vã, đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, cảnh chết chóc thê thảm...Sau 75 lại càng …
 
  Chúng tôi ngồi xuống bậc tam cấp nhìn ra sân trường, xung quanh vắng vẻ, quạnh hiu. Nỗi nhớ bùng lên! Thầy cô giờ này ở đâu? bạn bè đâu hết rồi? Một cảm giác lành lạnh trống vắng len vào hồn. Sương đêm xuống, tôi nghe rõ mồn một tiếng xào xạc của gió qua hàng cây, tiếng sóng biển xa xa... tiếng côn trùng rên rĩ...và cả tiếng vọng từ đâu đó gọi người về.
  ".... Các em biết không? Mình cứ ngỡ rằng : Thời gian sẽ gíúp quên đi tất cả nhưng không phải thế! Có những kỉ niệm cứ sống và luôn theo ta cho đến lúc ta xuôi tay nhắm mắt...Chị mong gặp lại thầy cô, bạn bè biết đâu mình chẳng còn cơ hội nữa…" Giọng chị Hằng nghèn nghẹn, tiếng thở dài đầy tiếc nuối.

          Thoắt cái, thế mà đã mười mấy năm trôi qua kể từ cái đêm hôm chúng tôi lặng lẽ về thăm lại trường xưa…Sau đó, cuộc sống đẩy đưa tôi rời xa Qui Nhơn, tạm biệt khung trời kỉ niệm, bỏ lại sau lưng những buồn vui của một thời.
Vào Sài Gòn, những ngày nắng, những chiều mưa hay những lúc thoáng có những cơn gió trở mùa…nỗi nhớ bạn bè, trường lớp lại đau đáu trong tôi. Tôi cố gắng tìm gặp và liên lạc được nhiều anh chị em cùng trường cùng khoá ờ hải ngoại hay trong nước. Tôi nhận ra một điều là: Tất cả chúng tôi, ai đã từng có một thời học dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn (1962-1975) cũng đều ước mong có một dịp nào đó cùng bạn bè nắm tay nhau trở về thăm lại trường xưa. Vẫn biết rằng phải có “nhân duyên” mới “hạnh ngộ” nhưng tất cả chúng tôi đều có cái tâm hướng về nhau, hướng về mái trướng xưa thế nào rồi cũng được toại nguyện.
Và với tâm nguyện ấy! Với niềm mong ước thiết tha ấy! Như một khát khao thôi thúc. Để rồi năm nay, tháng 5 năm 2012, ước mơ đó sẽ thành hiện thực.

Đà Nẵng, 25/03/2012.
Irene.       

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Hương xưa


Bốn mươi hai năm qua rồi mới liên lạc được với các bạn Sư phạm Quy Nhơn, cùng lời hẹn về thăm lại trường xưa.
Bốn mươi hai năm, khoảng thời gian quá dài cho một đời người truân chuyên, nhưng nhìn lại như mới thoáng hôm qua.
Vẫn còn đâu đó những mùi hương, một chuỗi những mùi hương đã trót gắn bó với ta những năm tháng tóc còn xanh.
Những ngày đầu tiên lạ lẫm đặt chân đến trường, ta như choáng ngợp trong hương thơm của gió biển, của thông xanh bát ngát.
Nội trú năm nhất niên với một hành lang dài, để đêm đêm từ đó, ta có thể ngắm nhìn ánh đèn máy bay chớp sáng từ dãy núi xa, hít thở mùi hương của đêm, nồng nàn, tĩnh lặng.
Ta nhớ mùi hương của Mẹ, vòng tay ấm của Cha và khóc một mình.
Nỗi nhớ rồi cũng vơi, những bạn bè đã trở nên rất đỗi thiết thân.
Ta nhớ mãi những buổi Thầy hiệu trưởng lên thăm phòng nội trú, Thầy hiền từ là thế mà sao ta vẫn cứ sợ sợ là, nỗi sợ hãi xem lẫn niềm kính yêu của tất cả giáo sinh thơ ngây như ta ngày ấy. Thầy bảo “hãy học thêm lên, nếu em nào đã có tú tài bán thì học thi toàn, nếu có tú tài toàn thì học thêm đại học, sao cả ngày cứ mãi đan với lát thế”. Các thầy cô mãi mong muốn học sinh mình hoàn thiện hơn.
Những mùi hương quyến rũ của đời làm giáo sinh còn là mùi hương của những mái tranh, mùi rơm rạ, mùi hoa đại của những chuyến đi công tác văn chính xã về các miền quê xa xôi trên những chuyến xe lam khét nghẹt mùi xăng, mùi hương nông nàn của gió biển Cù Lao Xanh.
Lên nhị niên, cuộc sống đã tất bật hơn với những bài vở, với những buổi đi thực tập.
Khu nội trú mới tiện nghi hơn, nhưng ngột ngạt như một hộp diêm khổng lồ. Ta không còn được ngắm biển, ngắm thông vì phòng ta ở tầng thấp nhất, chỉ còn được nghe tiếng sóng biển gầm thét mỗi đêm.
Ta cùng bạn ta đã nhiều lần lén ra khu vườn cổ tích (là nhà thầy hiệu trưởng), lượm những cánh hoa vàng cài lên tóc và ngỡ như được tắm đẫm trong vô vàn hương hoa.
Ngày thi ra trường sắp đến, ta và các bạn vùi đầu vào học thi, có những bạn học ở các cột điện cao áp, ta và các bạn khác vào giảng đường học. Khi điện tắt, đèn dầu được thắp lên. Cần mẫn chăm chỉ như những chú ong thợ, sao mà dễ thương đến vậy, các bạn ta ơi.
Những ngày tháng cuối cùng còn được ở trường, ta vẫn thơ thẩn một mình dọc hành lang giảng đường, những phòng học tối om, những tấm bảng đen câm nín, ta khẽ nói: “tạm biệt, tạm biệt trường ơi, lớp ơi”, lòng rưng rưng muốn khóc.
Không được may mắn như các bạn cùng khóa, vì thời cuộc, ta không còn được tiếp tục đi dạy nữa. Nhưng cho dù năm tháng đã đi qua và bể dâu cuộc đời cùng bao thăng trầm của cuộc sống đã cho ta lắm nổi đa đoan, ta vẫn không thể nào quên chút hương xưa của một thời học làm cô giáo.

Kim Liên
Sư phạm Quy Nhơn khóa 7

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Tình Lỡ - Thanh Bình - Lệ Quyên

Tháng 5...lại về. - Thơ - Xuân Đài


Eo gió (Nhơn Lý)
      Lá rơi từng chiếc trong chiều
      Hạ mưa lất phất liêu xiêu giọt buồn.
      Sông trôi ra biển nhớ nguồn
      Sân trường cây đứng, cành buông ngóng chờ....

      Qui nhơn, sóng biển vật vờ
      Ngày xuân lại đến rập rờn người đưa
      Lòng vui với giấc mơ xưa
      Lắng nghe tiếng vọng vấn vương bao tình !!!
      Đêm thâu soi bóng một mình
      Đường đời muôn ngả...tháng năm lại về...

               X. Đài    khóa 11.spqn.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Tin Tức

Một bản tin được đăng trên trang Web RFA đề cập đên một nhân vật mà BBT thấy... có vẻ như quen, xin được dẫn link ở đây để mọi người vào đọc và cho nhận xét. Nếu đúng đây là bạn ThiênÁi - là con trai của Thầy HT Trần văn Mẫn - người đã từng vào thăm trang SPQN và để lại comment... SPQN mong nhận được phản hồi từ bạn Thiên Ái cũng như bạn bè đã từng biết rõ về gia đình của Thầy HT.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-nominated-tp-immigr-canada-03212012131358.html
Anh Trần Thiên Ái chụp tại Ottawa năm 2011. 
Anh Trần Thiên Ái chụp ngày tốt nghiệp Đại học Mc Gill ở Canada.
Tự hào về một người Việt vào giải chung kết "25 di dân hàng đầu của Canada", và sẽ thêm tự hào nếu Trần Thiên Ái đúng là con trai của Thầy Trần Văn Mẫn, nguyên Hiệu trường trường SPQN.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Hôn Ước của Tình Yêu - Thơ - Đàm Khánh Hỷ

Hôn ước  của tình yêu
Cho ta không  cô độc.
Trải cùng trời giáp đất
Chưa hết một chữ  tình.
*
Cây cỏ đổi màu xanh,
Mặt trời thay màu sáng.
Chật chội trong vô hạn,
Tỉnh thức trong si mê.
*
Phút gặp gỡ   tình cờ
Cũng đã thành duyên nợ.
Trăm năm tình gắn bó
Bỗng như áng mây trôi!
*
Đôi cánh  của tình yêu
Nối liền trời  giáp đất,
Hạnh phúc với đau thương,
Thiên đường với địa ngục,
.             *
Những gì còn, gì mất
Hôn ước của tình yêu?
Ta đọc lại đôi điều
Còn đây chưa  ráo mực,
*
-Trải cùng trời giáp đất
Chưa hết một chữ tình.
Cây cỏ đổi màu xanh,
Mặt trời thay màu sáng.
*
Tâm nghe  như vô hạn,
Cùng nhịp thở  muôn loài.
Hôn ước tự ngàn đời:
“Tình  Yêu Là Sự Sống.”

                            Đ. Khánh Hỷ

Trở Về.

Thanh Cảm

      Sài Gòn nắng! Cái nắng đầu hạ hanh hao từng con phố,nắng thắp đầy trên những mái ngói cao tầng loang loáng như những sợi tơ giăng,nắng trắng xóa cả một bầu trời trong vắt không gợn chút bóng mây. Nắng như một màng sương mờ lảng đãng, lững lờ phủ xuống mặt sông vào những trưa lặng gió.Từ ô cửa nhỏ trên cao,có thể ngắm nhìn những trưa Sài Gòn vào hạ huyền ảo và nhẹ tênh,nhẹ như từng cánh lá úa rời cành rơi vào mùa hè thung sâu những bông hoa màu nắng,những bông hoa nắng lung linh mang tôi trở về vùng ký ức nào đó xa xăm với một miền quê hương bốn mùa thay lá, với hạ vàng biển xanh, với ngây thơ vụng dại một thời và với những hoài niệm ngọt ngào dưới ngôi trường quanh năm rì rào nghe sóng hát!
      Tháng tư, quê tôi đã vào hè.Thành phố nhỏ đã râm ran tiếng ve mời gọi, hoa phượng đỏ ối trên những hàng cây thấp thoáng nắng chiều.Qui Nhơn quê tôi bốn mùa yêu dấu, mùa nào cũng đẹp, cũng đáng nhớ đáng yêu,mùa nào cũng mang lại cho tôi những cảm xúc yêu thương tuyệt vời. Nếu nắng Xuân mang nồng say ấm áp đến với cuộc đời, mang hoa thơm quả lành đến cho trần thế thì Thu sang, những con đường ngập lá vàng bay đã quyến rũ, đã dẫn lối cho bao con tim yêu thêm tha thiết đắm say! Đông đến cho người tìm về bên nhau, xích lại gần nhau để quên đi cái giá lạnh se cắt thịt da,quên đi những cơn mưa quất buốt tim người thì gió Hạ lại vơi đầy gợi ta nhớ về bao kỷ niệm dấu yêu bên thầy cô, trường lớp,bạn bè! Mùa hạ để ký ức tôi trôi về ngày cũ,những mùa hạ của một thời hoa mộng ngày xưa!

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Thương Quá Bé Ơi!

ĐẾN MANH QUẦN CŨNG THIẾU...

Chạy từ Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) về Hà Nội, đến địa phận huyện Yên Minh (Hà Giang), đạp phanh gấp để ghi lại hình ảnh 2 bé trai lếch thếch cùng mẹ ven đường. Cả 2 anh em còn bé tý nhưng cu anh 3 tuổi đã phải đeo chiếc chiếu, giúp cho mẹ dắt em. Xót xa bởi cả xe quần áo đã trao đủ cho toàn bộ 202 trẻ em Mầm non - Nhà trẻ xã Ma Lé, không có cái quần dự trữ nào cả. Đành cho 2 đứa trẻ gói kẹo cuối cùng và phóng nhanh khuất 3 mẹ con, trong đầu cứ văng vẳng lời của Bác, khi trả lời các Nhà báo nước ngoài, năm 1946 , trên cương vị Chủ tịch nước VNDCCH: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Gần 70 năm trôi qua rồi, vậy mà... Tại sao đến cái quần mặc cũng không có?... (Nguồn : Blog Mai Thanh Hải http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2012/03/en-cai-quan-cung-khong-co.html)

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Về tính Nhân Văn của Công Lý.

 BBT: Mời các bạn cùng đọc câu chuyện sau đây để thấy một xã hội pháp trị dù vẫn đảm bảo tính nguyên tắc nhưng vẫn không bỏ qua tính nhân văn... Thần Công Lý cũng đôi khi cũng phải nhỏ lệ...
Cám ơn bạn Lanle đã gởi bài viết này.
(Đây là 1 câu chuyện có thật tại Indonesia)

Trong phòng xử... án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bênh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.
Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài và nói :” Xin lỗi, thưa bà...” Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp
“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”Nói xong , ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.
Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.

 

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Thơ - Bạch Xuân Lộc


Vô Đề 1

Một mai mai một không cùng,
Vô ưu trỗ giữa một vùng đất sâu.
Tiếc xuân xuân tiếc bạch đầu,
An nhiên hóa giữ nhịp cầu tĩnh tâm .


Vô đề 02.

Chiếc lá khô rơi động,
Nước mặt hồ lăn tăn,
Lá mùa thu rơi động,
Gọi nhau lòng nhớ nhung.

Lá nằm trên mái ngói,
Trong trạng thái an nhiên,
Không gây chút lụy phiền,
Thảnh thơi hồn tự tại.

Gío hiu vờn lá nhẹ,
Bay la đà khoảng không,
Ta nhìn theo chiếc lá,
Tâm có vờn động không?

An nhiên lá cứ rơi,
Bình thản trong làn hơi,
Tịnh tâm phút giây ấy,
Là Thiền ngộ đến rồi.

Bạch Xuân Lộc

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...