Irene.
Thương gởi đến chị Nguyễn Thị Hằng khoá 7 SPQN.
Mùa xuân trôi qua một cách nhẹ nhàng. Ngoài trời, nắng vàng hanh hao gay gắt hơn. Trên cành, những chùm phượng đã lác đác nở. Các chú ve cũng lục đục choàng dậy sau giấc ngủ dài để chuẩn bị cho “ Dàn đồng ca mùa hạ.”
Từ trường, tôi trở về nhà sau một ngày bận rộn với công việc cuối năm, với việc hoàn tất hồ sơ tốt nghiệp cho học sinh. Bước vào nhà, bất ngờ gặp chị Hằng từ Nha Trang ra thăm…
Chiều xuống chầm chậm, phố biển trở nên dịu mát nhờ những cơn gió nồm từ biển thổi vào. Hoàng hôn bao trùm cảnh vật. Bóng tối lan dần. Qui Nhơn trở về một sự chuyển biến mới. Thành phố bây giờ còn lại những hình hài đường nét trong cái động và cái tĩnh về đêm.
Từ đường Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương, chúng tôi hướng về phía trường Sư Phạm.
-Sân bay Qui Nhơn đâu em? Xe đang chạy chị Hằng quay lại hỏi tôi.
-Dạ, mình đang đi trên con đường mà trước đây là sân bay đó chị.
Tôi vừa nói, vừa lấy tay chỉ một vùng trước mặt và phía sau.
Chị nhìn quanh rồi dường như không thấy còn sót lại một dấu vết cũ xưa nào. Chị hỏi:
-Em ơi, Eo Nín Thở nằm ở hướng nào?
Vòng xe lại, chúng tôi đến Eo Nín Thở. Những cơn gió biển thổi vào mang theo cái vị mằn mặn của biển. Không có “cái mùi” mà chúng tôi phải “nín thở” mỗi khi qua lại nơi này. Không còn cái khúc quanh với những hàng rào kẽm gai ranh giới với sân bay Qui Nhơn. Chỗ chúng tôi đứng là những chiếc xe bán nước giải khát, sau lưng là công viên cây xanh…
Mỗi chúng tôi như đắm chìm trong kí ức của một thời. Riêng tôi, tôi thấy tuổi trẻ của mình hiện rõ với những ngày mưa, ngày nắng trên những chuyến xe Lam đến trường hay về nhà. Tuổi thanh xuân phơi phới với bao niềm vui…
Giọng chị Hằng nhè nhẹ, kéo tôi về với thực tại:
-Bao nhiêu năm nay, chị ao ước có một ngày về thăm lại trường xưa, thăm lại khung trời cũ thân thương, thăm lại con đường …thăm khu nội trú…Nhớ quá đi! Ngôi trường Sư Phạm! Nhớ thầy cô và bạn bè! Nhưng rồi cuộc sống cứ cuốn đi, chị chẳng có dịp. Thế nhưng lúc nào trong tâm thức chị cũng vang lên tiếng vọng từ ngôi trường. Tiếng vọng từ sóng biển, từ tiếng gió vi vu qua hàng dương hay tiếng của ai đó gọi, thôi thúc chị trở về! Rồi chị nghe tin Len mất! Chị bàng hoàng, sững sờ đến lặng người. Chị quyết định trở về thăm lại trường, đi thăm mộ phần của bạn. Cuộc đời này quá ngắn ngủi! Mới đó mà người còn người mất…giọng chị nhỏ dần.
Chị Hằng là bạn thân với chị tôi. Các chị học khoá 7. Sau khi ra trường, hai chị chọn nhiệm sở Cam Ranh. Mùa xuân 75 mỗi người một phương không nghe tin tức về nhau…
Thật tình mà nói, tôi ở Qui Nhơn nên có rất nhiều dịp đi qua lại ngôi trường Sư Phạm. Mỗi lần như thế, tôi thường ngoái đầu đăm đắm nhìn thật lâu cho đến khi khuất hẳn. Nhưng chưa bao giờ mạnh dạn bước vào trường thăm lại khung cảnh cũ. Có lẽ tôi sợ lạc lõng, sợ hụt hẩng, sợ một mình bơ vơ giữa cảnh và người… Rồi chiều nay, thật bất ngờ khi chị Hằng từ Nha Trang ra. Chị nói lên điều mong ước và niềm khát khao trong tôi bùng lên. Chúng tôi như đồng cảm! Thế là, tối hôm đó, vội vã về thăm trường.
Dừng lại trước cổng trường. Cánh cổng đóng im lìm. Ánh đèn đường hắt chéo vào một màu sáng vàng vàng nhưng cũng không soi rõ bên trong. Sau một hồi, chúng tôi lùi lại và tìm lối đi vào trường. Lối đi phía sau nhà thầy Bồn, đi ngang qua nhà thầy Sum, thầy Mẫn ngang qua hàng hoa sứ…Chúng tôi vào được sân trường. Sân trường im vắng chỉ có ba chúng tôi: Chị Hằng khoá 7, chị kề tôi khoá 10 và tôi khoá 11.
Thật vui mừng như tìm lại những gì thân thương. Trong tâm trí tôi, những kỉ niệm cứ dồn dập ùa về…Tôi nhớ mỗi sáng thứ hai chào cờ ở sân trường, tà áo dài trắng bay bay trong gió. Những khuôn mặt hớn hở vui tươi trong nắng mai…
Đằng kia là sân tập thể dục, tôi nhớ như in tiếng còi của thầy Phan Minh Ba cất lên là chúng tôi nhanh chóng ra sân. Nam nữ ăn mặc gọn gàng, chân mang giày Bata bước đều mạnh mẽ, hiên ngang hát vang: “Đoàn người tưng bừng về trong sương gió. Hồn như đám mây trắng lững lờ. Giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp Bô Ê Miên. Ánh dương lên, một đoàn thanh niên…”
Tôi nhìn sang bên phải, bao nhiêu năm rồi hội trường vẫn còn đó. Dường như văng vẳng âm vang rộn ràng tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát… của những đêm hội diễn văn nghệ hay tiếng khua chén bát hằng ngày vào mỗi bữa ăn của các bạn nội trú…
Cứ thế, chúng tôi đi lần vào bên trong. Tiếng vọng từ dãy lầu phòng học. Tôi thấy mình sáng sáng, chiều chiều lên xuống những bậc thang lầu vào phòng học hay đứng dựa vào góc trụ, lan can lầu…nhìn xuống công viên ghế đá, hoa sứ thoang thoảng đưa hương hay ngắm những đoá hoa hoàng anh vàng tươi khoe sắc. Những giờ học Tâm Lý với thầy Đàm Khánh Hỷ, giờ Giao Tế Xã Hội thầy Võ Sum, giờ Quản Trị Học Đường với thầy Toản, Sư Phạm Lý Thuyết thầy Nở, Giáo Dục Cộng Đồng thầy Bồn, Toán Học Ứng Dụng thí nghiệm cùng với thầy Học…Giờ Nhạc thầy Hoàng Hy, giờ Hội Hoạ thầy Phan Thâm…Tất cả các thầy đã trang bị kỹ càng, đầy đủ cho chúng tôi những tác phong của người thầy, những kiến thức quý giá để sau đó làm hành trang vào nghề, vào đời.
Preo với những giờ Hoạt Động Thanh Niên trò chơi " Làm mèo" hình ảnh bạn Hoàng Phượng khóc thút thít khi bị làm mèo vẫn còn in đậm trong tôi. Mới ngày nào chúng tôi đi vòng hát vang những bài hát thiếu nhi " Kìa con bướm vàng! Kìa con bướm vàng! Xoè đôi cánh, xoè đôi cánh..." hay " Con gì kia nó ngồi là ngồi trong hang. Nó quay cái lưng ra ngoài đó là con cóc..."
Cứ thế, tôi bước đi trong im lặng, trong hoài niệm....
Hành lang dài hun hút dẫn về khu nội trú Nữ. Cả ba ngỡ ngàng vì cửa đóng then cài. Không còn phòng trực với cô giáo sinh trực tà áo dài trắng cây bút và cuốn sổ trên tay miệng tươi cười chào khách lạ. Không còn bãi cỏ xanh với những đóa hoa forget me not tim tím dễ thương hay những cánh hoa cúc dại vàng tươi…và cũng chẳng còn tiếng lao xao rộn ràng của các bạn đi về...
- Các cô hỏi ai ? Một người đàn ông thấy chúng tôi thập thò trước cửa nên bước ra hỏi.
Chị Hằng bộc bạch:
- Chúng tôi là những cô giáo, trước 75 học ở trường này. Nay trở lại thăm trường.
- Mời các cô vào! Vừa nói anh ta vừa mở cánh cửa.
Chị kề tôi nói:
- Lúc xưa chúng tôi học, đây là khu nội trú nữ.
- Vậy hả? Bây giờ, đây là chỗ làm việc của ngành khoa học. Anh giải thích...
Tôi nhìn các bảng treo trên các phòng...Phòng Vật Lí, Phòng Thí Nghiệm Hoá Học…
Chị Hằng chỉ căn phòng lúc xưa chị ở nội trú. Chị đứng đó thật lâu như sống lại thời đôi mươi…
Cứ thế, tôi bước đi trong im lặng, trong hoài niệm....
Hành lang dài hun hút dẫn về khu nội trú Nữ. Cả ba ngỡ ngàng vì cửa đóng then cài. Không còn phòng trực với cô giáo sinh trực tà áo dài trắng cây bút và cuốn sổ trên tay miệng tươi cười chào khách lạ. Không còn bãi cỏ xanh với những đóa hoa forget me not tim tím dễ thương hay những cánh hoa cúc dại vàng tươi…và cũng chẳng còn tiếng lao xao rộn ràng của các bạn đi về...
- Các cô hỏi ai ? Một người đàn ông thấy chúng tôi thập thò trước cửa nên bước ra hỏi.
Chị Hằng bộc bạch:
- Chúng tôi là những cô giáo, trước 75 học ở trường này. Nay trở lại thăm trường.
- Mời các cô vào! Vừa nói anh ta vừa mở cánh cửa.
Chị kề tôi nói:
- Lúc xưa chúng tôi học, đây là khu nội trú nữ.
- Vậy hả? Bây giờ, đây là chỗ làm việc của ngành khoa học. Anh giải thích...
Tôi nhìn các bảng treo trên các phòng...Phòng Vật Lí, Phòng Thí Nghiệm Hoá Học…
Chị Hằng chỉ căn phòng lúc xưa chị ở nội trú. Chị đứng đó thật lâu như sống lại thời đôi mươi…
Sau một hồi tham quan, chúng tôi cám ơn anh ta và quay trở ra.
Ngôi trường vẫn nhập nhoạng sáng tối trong ánh điện. Đêm trở mình bởi những cơn gió lao xao. Công viên trường là một khoảng tối trước mặt. Vang vọng đâu đây bài hát của đêm mãn khóa 11: Đêm bây giờ đêm mai của TCS. " Ôi! Đêm dài và cơn bão rớt. Trên dãi đất quê hương khô cằn. Ôi! Bom đạn cày trên những xác ... Đêm bây giờ, đêm quá hư vô. Ôi con người mang trái tim khô. Đêm bây giờ thắp sáng âu lo.Hai mươi năm buồn vui hững hờ..."
Bây giờ ngồi đây sau bao nhiêu năm tôi thấy các thầy chọn bài hát trong đêm mãn khoá 11 thật phù hợp và ý nghĩa với tâm trạng chúng tôi trong bối cảnh lịch sử đất nước. Hai mươi năm từ khi chúng tôi sinh ra (1954-1974) chiến tranh, bom đạn. Tuổi trẻ chúng tôi có gì? Được gì?
Bài hát cất lên đêm đó như một sự cảm thông như một sự sẻ chia của những người đi trước với những người em đi sau là rồi đây khi các em ra trưòng trên mọi nẻo đưòng đất nưóc biết bao gian khổ, chông gai, hiểm nguy đang đón chờ. Như một lời tiên tri. Con đưòng khoá 11 chúng tôi đi, không bằng phẳng, không suôn sẽ, không yên bình và cũng không phải là thảm nhung với hoa hồng như tuổi trẻ chúng tôi hằng mơ ước mà là bộn bề những vất vã, đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, cảnh chết chóc thê thảm...Sau 75 lại càng …
Chúng tôi ngồi xuống bậc tam cấp nhìn ra sân trường, xung quanh vắng vẻ, quạnh hiu. Nỗi nhớ bùng lên! Thầy cô giờ này ở đâu? bạn bè đâu hết rồi? Một cảm giác lành lạnh trống vắng len vào hồn. Sương đêm xuống, tôi nghe rõ mồn một tiếng xào xạc của gió qua hàng cây, tiếng sóng biển xa xa... tiếng côn trùng rên rĩ...và cả tiếng vọng từ đâu đó gọi người về.
".... Các em biết không? Mình cứ ngỡ rằng : Thời gian sẽ gíúp quên đi tất cả nhưng không phải thế! Có những kỉ niệm cứ sống và luôn theo ta cho đến lúc ta xuôi tay nhắm mắt...Chị mong gặp lại thầy cô, bạn bè biết đâu mình chẳng còn cơ hội nữa…" Giọng chị Hằng nghèn nghẹn, tiếng thở dài đầy tiếc nuối.
Thoắt cái, thế mà đã mười mấy năm trôi qua kể từ cái đêm hôm chúng tôi lặng lẽ về thăm lại trường xưa…Sau đó, cuộc sống đẩy đưa tôi rời xa Qui Nhơn, tạm biệt khung trời kỉ niệm, bỏ lại sau lưng những buồn vui của một thời.
Vào Sài Gòn, những ngày nắng, những chiều mưa hay những lúc thoáng có những cơn gió trở mùa…nỗi nhớ bạn bè, trường lớp lại đau đáu trong tôi. Tôi cố gắng tìm gặp và liên lạc được nhiều anh chị em cùng trường cùng khoá ờ hải ngoại hay trong nước. Tôi nhận ra một điều là: Tất cả chúng tôi, ai đã từng có một thời học dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn (1962-1975) cũng đều ước mong có một dịp nào đó cùng bạn bè nắm tay nhau trở về thăm lại trường xưa. Vẫn biết rằng phải có “nhân duyên” mới “hạnh ngộ” nhưng tất cả chúng tôi đều có cái tâm hướng về nhau, hướng về mái trướng xưa thế nào rồi cũng được toại nguyện.
Và với tâm nguyện ấy! Với niềm mong ước thiết tha ấy! Như một khát khao thôi thúc. Để rồi năm nay, tháng 5 năm 2012, ước mơ đó sẽ thành hiện thực.
Đà Nẵng, 25/03/2012.
Irene.