Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

ĐỪNG ĐỂ BUỒN LÊN MẮT MẸ !

                                       Hàn Diệu Phương

 Kính dâng muôn ngàn bông hoa tươi thắm lên  má Diệp Quỳnh Anh, người mẹ tuyệt vời của chúng con.
Diệu Phương và Mẹ - những ngày còn ở Qui Nhơn

Chiếc phi cơ của  American Airline rời phi đạo và từ từ cất cánh bay lên cao. Thành phố Toronto xinh đẹp với hồ rộng, cây cối xinh tươi, những tòa nhà cao ngất, xe cộ dập dìu bây giờ chỉ còn là những chấm li ti nhỏ xíu… rồi biến mất. Trước mắt tôi là những tảng mây trắng trôi bồng bềnh trên bầu trời xanh trông tuyệt đẹp. Có đám mây nhìn như những ngôi nhà, những bức tranh vân cẩu, như những đóa hoa trắng trong  vườn nhà tôi …Tất cả đều trắng xóa như tuyết, như mái tóc của má tôi.
Mở Laptop tôi thấy một email mới có những câu thơ :

“ Nhìn bóng phi cơ lẫn bóng chiều ,
Chơi vơi hồn mộng bến cô liêu…
Phương ơi anh nhớ em ghê lắm !
Dù chỉ xa nhau mới một giờ…

À ! thì ra ông xã tôi sửa thơ của ai đó để tặng tôi mỗi lần gấp quá chưa làm thơ kịp. Cưới nhau đã hơn ba mươi mấy năm rồi mà mỗi lần xa nhau anh đều lưu luyến. Lần này tôi chỉ qua New York để dự sinh nhật 83 tuổi của má tôi có một tuần, mà anh ấy cũng nhớ thương. Mỉm cười  trong hạnh phúc đang có và nghĩ đến cuộc đời khổ hạnh của má. Tôi thương má quá đi thôi !. Đóng máy lại, tiếp tục nhìn mây trôi lờ lững tôi thả hồn về dĩ vãng, thuở tôi còn độc thân sống với ba má ở quê nhà.

Sinh ra tại Mỹ Tài, Phù Mỹ nhưng thuở ấu thơ và lớn lên tôi sống ở Qui Nhơn nhiều nhất. Thành phố biển gắn liền với tôi nhiều kỷ niệm với những lời ru,  à ơi ngọt ngào của mẹ vào những buổi tối hay những buổi trưa hè. Những sáng tắm biển với người thân. Buổi trưa hay giờ ra chơi thơ thẩn cùng bạn học tán dóc, ăn quà vặt khi còn học Nữ Trung học, Sư Phạm Qui nhơn. Những lần cúp cua giờ Anh văn đi xem phim miễn phí khi rạp cine Kim Khánh của cậu tôi có phim hay. Những buổi chiều cùng đồng nghiệp, học trò trường Trần Hưng Đạo đạp xe đạp đi vòng quanh thành phố hóng gió, leo núi hát ca , tâm sự... Đi ăn kem “chùa” ở tiệm Thanh Ký của chị họ tôi , hay uống nước đậu ăn bánh nướng (pateschaud) gần trường Bồ Đề. Thỉnh thoảng đi xa hơn một chút để ăn nem chợ Huyện. Đi du ngoạn ở tu viện Nguyên Thiều... Còn nhiều kỷ niệm ở nhiều nơi lắm kể sao cho hết ?...

Qui nhơn trước năm 1975 có những con đường mang tên các vị vua, các anh hùng của nước Việt như: đường Gia Long, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Phan Bội Châu , … và Võ Tánh là một con đường tương đối rộng rãi và đẹp nhất, nhì thành phố Qui Nhơn với hàng cây xanh mướt hai bên đường. Trên con đường này ở số 31 Võ Tánh gần khu Hai ,đường Nguyễn Huệ là ngôi nhà thân yêu mà má tôi đã mua để mấy anh em chúng tôi có thể đi học hai trường Hoa duy nhất trong thị xã, đó là trường Sùng Nhơn và Triều Thuận.( Chỉ trừ tôi là không học chữ Hoa). Đây là nơi có nhiều kỷ niệm thân thương của tôi với gia đình và nhất là với … má tôi.

Nếu có ai hỏi tôi : “Trên đời này  thương ai nhất ?” Tôi sẽ không ngần ngại trả lời, người tôi thương và kính trọng nhất là má tôi – “Người Mẹ Tuyệt Vời “của mười đứa chúng tôi :Hàn Lộc Định, Diệu Phương, Thành Định, Chí Định, Vinh Định, Ngọc Dung, Phương Thảo,Thùy Linh, Mai Chi và Huê Định.

Đã từ lâu, tâm nguyện của tôi và cũng là của anh chị em tôi là sẽ viết một bài viết, làm một DVD ngắn về Má tôi và cuộc đời về cuộc hành trình gian khổ của một “Single mother “ (Người Mẹ không chồng) đem 10 đứa con đến nơi đất khách lập nghiệp. Những khó khăn gian khổ ban đầu của một người vợ không chồng bên cạnh nuôi 10 đứa con nơi xứ lạ, quê người.
Tôi rất muốn làm điều đó để tặng má vào ngày sinh nhật, ngày lễ Mẹ hay mỗi mùa báo hiếu Vu Lan. Nhưng ngày tháng cứ trôi đi. Xuân về, Hạ đến, Thu đi , Đông tàn, rồi năm này qua năm khác, mãi vật lộn những khó khăn để mưu sinh ở xứ người nên tôi không có dịp. Nay thấy má đã già, không rành viết văn nhưng tôi vẫn cố gắng viết tặng má trong lúc người còn minh mẫn mà đọc được.  

Nghe ngoại kể lại thì lúc còn trẻ má tôi là Hoa khôi ở An Thái, Bình Định. Má có vóc dáng mảnh mai, tay chân mềm mại, mủm mỉm, nước da trắng trẻo và khuôn mặt thanh tú, dịu hiền, không đẹp sắc sảo như dì Lạc tôi. Bây giờ đã hơn tám “bó” má cũng còn mặn mà lắm. Thời đó có rất nhiều chàng trai yêu mến theo đuổi má và má có thương một người trong số đó mà ngoại không chịu gả vì chê người đó nghèo và ép gả má cho ba, để có thể giúp đỡ cho ngoại và các cậu vì sau khi ông ngoại mất nhà rất nghèo.
Má tuyệt thực , giả chết với sự giúp đỡ của cậu mợ Đức tôi nhưng cũng không che mắt và thắng được ngoại và phải ưng ba. Dù sống với ba không có tình yêu nhưng lúc nào Má cũng chung thủy và làm đầy đủ bổn phận của một người vợ, người mẹ hiền.
 Khi má dẫn chúng tôi ra nước ngoài (ba tôi không đi vì lý do riêng). Vài năm thì nghe tin ba mất ở VN nhưng má vẫn ở vậy thờ ba cho đến giờ ( dù khi mới qua Mỹ nhiều người thương cái nết na của má và muốn cưới mà má không chịu vì thương con)…
Lúc còn sống ông bà nội và ba tôi vẫn khen má tôi là người “Con Dâu Tốt, Người Vợ tuyệt vời”. Chúng tôi, các con của má cũng nhận thấy quá đúng, không ai thương con, hi sinh nhiều cho con như má tôi …Dùng danh vị :” Người Mẹ Tuyệt Vời “cho Má tôi không sai chút nào.Tôi luôn tự hào vì mẹ tôi mà nói : “ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng… Mẹ tôi ”

“Một mình, mẹ làm tất cả
Bao nhiêu công việc trong nhà
Chịu đựng, âm thầm…vất vả
Không hề than thở kêu ca” (*)
                            
Làm mẹ của 13 đứa con, má tôi cực khổ không bút nào tả xiết. Là đứa con thứ nhì nhưng là con gái lớn nhất trong gia đình,( em gái kế Ngọc Dung cách tôi một con giáp) nên tôi đã thấy cái khổ của má và giúp má rất nhiều trong việc chăm sóc các em. Nuôi má trong bệnh viện mỗi lần má sinh em bé mới .
Gia đình tôi có hai tiệm thuốc Bắc Dũ Hòa, một ở Phù Mỹ do ba tôi làm chủ, tiệm thứ hai ở Qui Nhơn do má tôi trông coi. Ngoài việc đứng bán tiệm, cân thuốc, làm thuốc má tôi còn phải làm đầy đủ bổn phận của một người mẹ như chăm sóc con, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ. Mỗi buổi sáng sớm, má chùi tro hàng đống chén trà dơ dùng để mời khách uống. Má nấu thức ăn sáng cho cả nhà, đánh thức các em dậy, rửa mặt, thay quần áo, cho các em ăn sáng. Buổi trưa má đi chợ, nấu ăn trưa cho cả nhà trên 15 người. Chiều về cũng làm những việc tương tự nhưng thêm là phải sắp hàng hơn chục đứa con dùng gàu múc nước giếng tắm, kỳ cọ từng đứa, thay quần áo cho các con. Tối đến má ru các em ngủ.  Hàng ngày, má giặt mấy thau quần áo dơ to tổ bố bằng nước giếng xách, chưa kể giặt thêm thau tả của một, hai em nhỏ nhất. Thời đó đâu có  máy giặt hay tả diaper dùng một lần rồi bỏ như bây giờ. Việt Nam mình khí hậu nóng bức, bụi bặm, các em tôi chơi vọc đất cát rất dơ nên mỗi lần giặt áo cho các em ngoài bâu áo, cổ áo, má và tôi phải chà mạnh tay áo muốn “gãy” tay mới sạch. Nấu ăn cho vừa miệng ba và các con, hay giặt đồ cho sạch thường phải chính má hay tôi làm chứ người làm không bao giờ làm tốt.  Ngọc Dung là đứa em cưng mà tôi cầu trời phật (?) mới có được vì trước đó tôi có 5 anh em trai mà chưa có em gái để chơi chung. Dung bị bệnh ghẻ đầy mình chữa hoài không hết, má  xức thuốc cho nó mỗi ngày và chăm sóc nó nhiều. Phương Thảo bị bếp dầu đổ phựt cháy phỏng nặng má chăm sóc, bôi thuốc rất nhiều ngày Những dịp nhà có giỗ, má nấu nhiều món ăn đãi họ hàng, Tết làm đủ thứ rim mứt, bánh trái , thịt bò, heo, gà, vịt để đãi khách hàng, bà con trong tháng Tết (vì nhà bán thuốc Bắc rất đông khách đến thăm) Ba má thích ăn bánh in nên Tết nào má và tôi cũng làm thật nhiều chứa trong mấy thùng dầu hỏa. Thịt kho tàu, thịt thưng đủ loại 4, 5 chảo lớn. Bánh chưng, bánh tét đầy nhà .Tôi nhớ nhất là những kỷ niệm với má khi những ngày cận Tết ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét nghe má kể  các chuyện cổ tích VN ,chuyện Tàu như chuyện: Ông Táo , bà Táo, sự tích Bánh dày, Bánh chưng, Hoa Mộc Lan, Võ Tắc Thiên, Hai Bà Trưng, Bà Triệu ,Trọng Thủy, Mỵ Châu, Lạc Long Quân và bà Âu cơ sinh ra 100 trứng v.v…( Sau này nhờ má thuyết phục ba, tôi mới được làm cô giáo Việt và làm dâu “ Con Rồng cháu Tiên).
Má có cả một kho tàng cổ tích mà kể hoài không hết. Là người Hoa má rất thích đọc sách Hoa lẫn sách Việt, chắc nhờ vậy má giỏi tiếng Việt chăng ? Má không những giúp chúng tôi làm bài ở trường mỗi ngày mà còn là thầy dạy ba tôi đọc thông, viết thạo Việt Ngữ nữa. Ngoài nói và viết tiếng Hoa, tiếng Việt rành, má còn biết tiếng Pháp và sau này má còn giỏi tiếng Anh nữa vì mỗi ngày, nhiều năm phải đi học Anh ngữ mới được chính phủ Mỹ trợ cấp  tiền nuôi con...

Thấy má quá vất vả nên tôi giúp má mọi công việc trong gia đình. Chính nhờ được giúp má, được tôi luyện trong một môi trường nhiều anh em nên sau này tôi rất thích trẻ em, làm việc với trẻ em và trở thành một người vợ, một cô giáo tốt, dạy giỏi ở Canada, được  hiệu trưởng các trường, phụ huynh và các em học sinh  mến phục…

Má thường dạy năm đứa con gái chúng tôi : Phụ nữ phải : Công- Dung- Ngôn – Hạnh…Chung thủy…
Má dạy chúng tôi nhiều điều lắm nhất là chuyện tìm hiểu nam nữ trong việc xây dựng gia đình nên sau này các chị em tôi từ Hàn Ngọc Dung, Phương Thảo, Thùy Linh, Mai Chi  và tôi đứa nào cũng dè dặt  tìm hiểu đối tượng ít nhất là 7 năm  trở lên. ( Riêng tôi và ông xã hơn 11 năm mới cưới nhau) Năm người con gái của má đều có chồng rất hạnh phúc. Không biết có phải nhờ chúng tôi áp dụng đúng lời má dạy hay số phần của chúng tôi may mắn ???

Ai nuôi con cũng biết, nếu con khỏe mạnh thì còn đỡ nếu con tật nguyền hay bệnh hoạn, những khi “ trái nắng, trở trời “ thì cha mẹ khổ gấp bội.
“Thương con thao thức bao đêm trường , con đà yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao…”  bài Lòng mẹ của Y Vân có nhiều câu thật đúng với lòng thương con của má tôi. Mỗi lần các em đau má phải thức trắng đêm ngồi bên cạnh để chăm sóc, luôn tay quạt, hát ru con ngủ. Má hát cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt và giọng hát rất ngọt ngào.
Má thường hát bài : Cánh hồng Trung Quốc : Kìa một nàng Trung Hoa , răng trắng tinh như là ngà…
Bài: Lòng mẹ, Ơn nghĩa sinh thành ,Khúc ca ngày mùa …
Má hay đọc sách cho chúng tôi nghe khi ngủ ,hay ầu ơ bài : “Chiều chiều ra đứng ngõ sau , ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều…”
Má khổ và đau buồn nhiều nhất là giai đoạn những đứa em mủm mỉm , xinh đẹp như thiên thần của tôi : em Dũng, em Hạnh, em Út  mất vì bệnh nặng không cứu chữa được, Má như đứt đi từng đoạn ruột, ốm đi hàng chục cân dạo đó.

..."Mẹ già như chuối chín cây..."
Làm mẹ ai cũng trải qua giai đoạn mang thai, sinh con đau biết là chừng nào. Sinh hai đứa con, tôi đều được có chồng bên cạnh chia xẻ giây phút đó, nhưng tôi chưa bao giờ tôi thấy ba kề cận bên má lúc sanh con. Ít nhất là 7 lần, người dẫn má đi sinh em và nuôi má khi nằm ở bệnh viện, là tôi . Tôi còn nhớ khi má sinh Ngọc Dung đứa em gái đầu tiên của tôi vào đêm trăng mười sáu. Dưới ánh trăng tròn vành vạnh, tôi dắt má đi qua đi lại trước sân nhà hàng trăm lần vì má đau bụng không thể nằm hay ngồi yên. Không dẫn đi thì phải vuốt lưng cho má đỡ đau hàng chục giờ. Nhiều khi đau quá quên, má bấm tay tôi muốn chảy máu mà tôi ráng chịu đau không dám rên… Má rất thích có con trai. Mỗi lần ngồi bên giường sinh, phụ má “rặn “ nhìn má mồ hôi nhễ nhại, mắt má đầm đìa nước mắt vì đau, tôi thấy tội má quá, khóc theo và tự nhủ mai mốt lớn lên không thèm lấy chồng, sinh con.
 Không biết tại sao má thích có con trai hơn con gái (dù ba má có đến 8 trai, 5 gái không kể 1 em trai sinh non) Mỗi lần má sinh mệt muốn đứt hơi mà nghe tiếng khóc đầu tiên của em bé má đều ráng ngóc đầu lên nhìn và hỏi : “ con trai hay con gái ?“ nếu thấy “ thằng cu” má cười mãn nguyện nếu em gái má nằm im. Có lẽ má sợ sinh con gái nó sẽ khổ như mình chăng !?
            Ba má tôi có quá nhiều con, trái lại cô ba, chị kề ba tôi không  có đứa con nào. Không biết bao nhiêu lần cô dượng tôi năn nỉ má cho cô bớt vài đứa cho nhà cô đỡ hiu quạnh và thừa kế gia tài của cô dượng khi về già, nhưng má thương con nhất định không chia cho cô đứa nào. Phải chi cô nghèo hay ở xa, má sợ con nghèo đói thì không nói gì, đằng này nhà cô cũng bán thuốc Bắc, giàu hơn nhà tôi và cô cũng ở cùng một con đường, chỉ cách nhà tôi vài chục căn.
Khổ về con chưa đủ ,má tôi còn khổ vì em chồng. Về làm dâu ông bà nội không lâu má tôi phải nuôi bốn người em chồng: Cô Thâu, cô Phụng, cô Hiệp, chú Thọ vì ông bà mất sớm. Nghe mọi người kể lúc đó chú Thọ, chú út của tôi còn nhỏ lắm, chú thường nằm chung nôi với anh Lộc, anh đầu của tôi. Thương và chăm sóc em chồng nhỏ như con ruột, nên chú thương chị dâu cũng như mẹ. Má tôi phải chịu không biết bao nhiêu khổ nhọc, để cùng ba tôi nuôi bầy em chồng khôn lớn  rồi gả chồng cho từng người. Những tưởng gả chồng xong cho các cô là hết bổn phận để có thể rảnh tay nuôi bầy con đông đảo của chính mình. Không ngờ các cô lấy chồng nghèo và làm ăn cứ thất bại liên miên nên má tôi phải giúp các cô từ lần này đến lần khác. Bực mình, có khi các cô đến nhà xin xỏ, ba đuổi cửa trước thì má tôi  rước vào cửa sau, dấu ba  tôi giúp các cô vốn liếng làm ăn, cho gạo, tiền. Má đối xử tốt với tất cả hàng xóm, láng giềng và bên chồng nhưng cũng không tránh khỏi bị một vài em chồng nhỏ to nói xấu, hành hạ, như cô Phụng. Má không để bụng sau này qua Mỹ dù ban đầu không dư giả, má cũng thường xuyên gởi tiền về cho cô, cho đến khi cô mất cách đây mấy năm. Có điều má tôi cũng được an ủi phần nào là cô Hiệp và chú Út tôi biết ơn nên thương, không hùa theo các chị ăn hiếp má, và cô Hiệp có giúp đỡ má chăm sóc chúng tôi khi cô còn độc thân.
Là người Hải Nam,Trung Hoa ba má tôi sinh sống bằng nghề bán thuốc Bắc cũng khá giả nhưng sau năm 1975  trong việc đánh đổ “ Tư sản mại bản “ ba phải ở tù …má lại phải lặn lội thân cò nuôi chồng và lo cho chồng …
Má muốn dẫn con ra nước ngoài với cậu, chú  tôi ở New York nhưng ba không bằng lòng. Không thể lay chuyển được ba, nghĩ đến tương lai mù mịt của các con má tôi âm thầm một mình suy tính, nhưng làm cách nào? Làm sao có đủ vàng để lo đi ? và làm sao má dẫn hết một bầy con đông đảo như gia đình tôi đi? Đó là một bài toán khó má không làm sao giải được? Má tôi  càng ngày một gầy hơn và nếp nhăn trên trán mỗi ngày một sâu hơn. Chúng tôi sống lây lất qua ngày trong vô vọng như bao nhiêu người Việt khác lúc bấy giờ.

Rồi năm 1978 chính quyền cho phép người Hoa chúng tôi ra đi . Má tôi lại phải một phen cực khổ đi vay mượn tất cả bà con, bạn bè, bán hết tất cả những gì có trong nhà để có thể đóng đủ vàng cho tất cả gia đình 14  người vượt biển bằng tàu sau khi đã hiến hai căn nhà . Ra đi mà má và chúng tôi  dầm dề nước mắt “ Thôi nhé giã từ ba ! giã từ thành phố biển QN, giã từ trường cũ với một thời áo trắng mộng mơ, bạn bè, học trò , tình yêu đầu đời trẻ dại, giã từ quê hương yêu dấu”, tôi thầm thì trong màn lệ. Ngước mắt nhìn trời cao và nước biển mênh mông tôi nhớ lại một bài thơ ông xã tôi đã tặng :
Nơi chân trời mây bạc,
Lơ lững cánh chim bay.
Đơn chiếc bay về đâu ?
Về chân trời góc bể ?
Nơi góc bể mờ sương
Một con thuyền lơ lững,
Đang trôi dạt mông lung
Trong buồng sương buốt lạnh
…………………………….
Với nỗi lòng xa cố quốc…

Má và tôi thẫn thờ, lo lắng: thuyền chúng tôi có đến nơi được an toàn không? có bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp không? có bị sóng gió đánh tan tành không? Chiếc thuyền nhỏ mong manh của chúng tôi thay vì chứa năm, ba chục người họ nhét đến 154 người. Thuyền khởi hành vào tháng 9 mùa biển động, bão lớn chúng tôi gặp nhiều hiểm nguy trùng trùng trong suốt cuộc hành trình 30 ngày thay vì 3 ngày như dự định. Thức ăn, nước uống mang theo chỉ đủ 3 ngày hay nhiều lắm là 1 tuần. Ai trên thuyền cũng bị say sóng ói mửa tới mật xanh, mật vàng nhưng Má và tôi vẫn phải gắng gượng chăm sóc các em, đói cơm , khát nước má phải ráng nhịn cho các con, hi sinh mọi thứ để tất cả các con được an toàn. Trải qua bao nhiêu sóng gió hiểm nguy, may mắn thay cuối cùng má đã bảo bọc cho các em tôi qua được Hồng Kông rồi định cư ở New York dưới sự bảo lãnh của cậu tôi. Phần tôi tuy chung một danh sách bão lãnh với má và các em nhưng số phận đưa đẩy qua Canada thay vì Mỹ…

          “ Mẹ tôi dạn dày mưa nắng
           Quên mình trong bể trầm luân
           Vun đắp bầy con khôn lớn
           Mặc tình bao nỗi gian truân.” (*)
                                             
Một mình không biết một chữ tiếng nước người, nuôi một bầy con dại ở New York city, một thành phố văn minh bậc nhất nhì ở Bắc Mỹ nhưng cũng nổi tiếng là  hỗn tạp, nhiều tội ác, trộm cắp… Má tôi đã chịu không biết bao nhiêu gian lao, khổ nhọc lúc ban đầu để nuôi con. Cánh tay phải của má là tôi lại lưu lạc ở Canada thay vì ở bên cạnh để chia sớt với người. Ba năm đầu chưa nhập tịch Canada tôi không thể qua thăm. Tôi thương nhớ má và các em vô vàn. Đêm nào cũng thao thức, mỗi lần ăn cơm là chan nước mắt khi nhớ lại những bữa ăn đông đảo, vui nhộn, đầm ấm ngày xưa. Mỗi lần phải lặn lội trong tuyết để gởi con trước khi  đi làm hay dắt con đi học tôi lại nhớ má và không biết má có chịu nổi cái lạnh âm 20, 30 độ vào mùa Đông bên đó không ? Làm sao buổi sáng hay chiều má có thể đưa đón hàng chục đứa em đi học ? Ai sẽ giúp các em làm homework ở nhà nếu má không biết tiếng Anh ? Ngọc Dung thường gởi thư “báo cáo” tình hình bên NY nếu tôi không phôn qua. Nhiều lần nó tâm sự : “Em nản quá chị P. ơi ! ngày nào vô lớp học em cũng không hiểu cô, thầy dạy nói gì ? nên em viết thư cho chị thay vì viết bài.  Tháng này, tháng kia sinh nhật của Thảo, của Linh,  má không có tiền mua quà cho nó nên má phải nhận quần áo về cắt chỉ để thêm thu nhập”… Khi đã chính thức  trở thành công dân Gia Nã Đại việc đầu tiên của tôi là bay qua thăm má và các em. Tôi không cầm được nước mắt khi thấy má mỗi tối phải thức thật khuya đến 1, 2 giờ sáng  ngồi ráp bông tai , đập, ráp ống son môi mỗi thùng hàng ngàn cái mà chỉ được trả 10, 20 đô…
Thật ra là “single mother” má tôi được chính phủ cho tiền ăn, tiền nhà và quần áo cũ của các cơ quan từ thiện cũng tạm đủ ăn, đủ mặc nhưng muốn có thêm tiền giúp đỡ các cô, bà con ở quê nhà , hoặc muốn sắm thêm cái áo ấm, đôi giày bốt mới chống lạnh … cho các con má tôi phải nhận đồ thêm ở các hãng xưởng về nhà làm với giá rất rẻ mạt…Mỗi lần má hay các em bệnh hoạn phải đi bác sĩ, phải liên lạc với nhà trường vì việc học của các con, vì các em bị tụi Mỹ kỳ thị, hiếp đáp má tôi rất khổ tâm vì không rành tiếng Anh…Bên cạnh má còn rất cô đơn và thiếu thốn tình yêu của ba vì không liên lạc với chồng…
             Đó chỉ là một vài cái khổ mà tôi đã thấy mỗi lần viếng thăm, má còn khổ và hi sinh cho con nhiều thứ nữa mà ở xa tôi không biết được, mà có biết cũng làm sao giúp được vì cuộc đời lưu vong của tôi cũng khốn khổ gần như má.

  Vậy mà, thời gian như một phép lạ ! Má tôi đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại nuôi tất cả các con khôn lớn thành tài, trở thành những công dân tốt của nước  Mỹ giữa thành phố New York, ở khu da đen, nơi nổi tiếng về đầu trộm, đuôi cướp, sì ke ma túy, đĩ điếm …gần như bậc nhất trên thế giới. Hai đứa em nhỏ nhất lúc ra đi mới 3 , 4 tuổi là hai em mà má lo cho tương lai tụi nó nhất là  Mai Chi đã thành Dược sĩ, còn út Huê Định đã trở thành Kiến trúc sư.
“Lòng mẹ bao la bát ngát,
Thương con rộng tựa biển khơi.
Ơn dày biết sao đền đáp ?
Đêm ngày ray rức trong tôi.” (*)
                                                         
    Chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ công ơn của má. Chúng con rất biết ơn, kính yêu má ! Cám ơn má ,“ Người Mẹ Tuyệt Vời Của chúng con’”
“Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu,
Công cha như núi Thái sơn , nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”
Bài hát ” Ơn nghĩa sinh thành” năm nao má tôi hát cho chúng tôi nghe vẫn còn vang vọng bên tai tôi. Mỗi năm khi dạy các Lớp Việt Ngữ ở Canada về chủ đề: “Gia đình”, chủ đề : “Mẹ”, tôi vẫn thường dạy học trò và con tôi hát bài này khi có dịp…

Tiếng người tiếp viên hàng không loan báo phi cơ sắp hạ cánh xuống phi trường LaGuardia, New York đưa tôi về thực tại… Nhìn những đám mây trắng, bạc trở nên vàng dưới ánh nắng chiều, rồi trở thành xám, đen trong hoàng hôn, trong đêm tối theo lẽ tuần hoàn của trời đất . Đời người cũng vậy : sinh, lão, bệnh, rồi...tử. Vẫn biết thế nhưng sao tôi vẫn muốn má sống hoài với chúng tôi. Mỗi lần lễ Vu Lan các chùa bên này tổ chức tôi thường đưa các con tham dự và sung sướng được cài một bông màu hồng lên áo.( tôi vẫn còn giữ hơn ba chục hoa vải lẫn hoa thật đã khô) .Bây giờ má tôi đã bắt đầu khó tánh và hay mè nheo con cái vì lẫn (?) vì tủi phận mình, vì các con đã đủ lông cánh lần lượt bỏ mẹ bay đi... Chợt nghĩ đến tuổi già, bệnh hoạn của má mà tôi lo lắng …

“ Mẹ già như chuối chín cây,
Gió lay Mẹ rụng , con phải mồ  côi.”

Các em ơi ! Hãy nhớ mẹ đã ban cho chúng ta tấm hình hài này, đã hi sinh rất nhiều cho chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn với muôn vàn khổ cực… Hãy thương mẹ, hãy ôm mẹ và nói thương mẹ như khi ta còn bé. Đừng trách mẹ khi mẹ già lú lẫn, làm phiền hay trách móc các em những điều gì đó không đúng. Hãy làm những gì có thể làm được khi mẹ  còn sống. Đừng để người mất đi rồi mới hối tiếc thì đã muộn. Lúc đó, mâm cao, cỗ đầy cúng kiến thì cũng chẳng ích lợi gì…
Xin mượn câu cuối của một bài thơ mà tôi đã đọc được đâu đó trong một ngôi chùa để kết thúc bài viết, để nhắn nhủ các anh em tôi và những ai còn mẹ :

Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc ,
Đừng để buồn  lên mắt Mẹ nghe không !”


                              Toronto , Canada mùa Vu Lan 2012
                                                      Hàn Diệu Phương

(*) Mẹ tôi – Thầy Trần Văn Dật

BBT: Nhân bài viết về Mẹ của HDP, và mùa Vu Lan đang đến... BBT xin gởi tặng tất cả những Người Mẹ - là bạn đọc của trang này một nhạc phẩm của Nguyễn văn Chung qua tiếng hát của Hiền Thục... và xin chúc cho chúng ta luôn mãi... còn Mẹ.

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

GỢI GIẤC MƠ XƯA.


                           Phương Uyên.

         Xuống mấy bậc tam cấp, Uyên bước ra sân trường. Buổi chiều tan học, trời dịu mát. Mặt Trời đã lùi dần về dãy núi phía Tây chỉ còn để sót lại những mảng nắng nhạt trên các ngọn cây cao. Bầu trời thì trong xanh, thỉnh thoảng có một vài đám mây trắng trôi lững lờ. Từng cơn gió từ biển thổi vào như đùa giỡn mơn man hất nhẹ mái tóc, chạy lòng vòng rồi nhảy nhót níu kéo tà áo dài trắng của Uyên bay bay luấn quấn…

         Mùa thu lại về ! Mùa Thu của Uyên là những cơn gió heo may quyện vào những chiếc lá phượng nhỏ xíu trên cành rồi cuốn bay đi như những confetti vàng vàng lắc rắc rơi rơi. Mùa Thu là thoang thoảng mùi hương của hoa sứ. Mùa Thu với những cung bậc cảm xúc ngọt ngào và Mùa Thu là những xao xuyến là những bâng khuâng của tuổi mười tám.
         Vừa về đến nhà, ba Uyên đưa một phong thư. Liếc sơ qua tên người gởi, Uyên thấy ghi tên Nguyễn Văn Thắng? Nghe tên quen quen. À! Hình như người gởi thư học cùng lớp với Uyên thì phải? Mới nhập học hơn một tháng nay, mà trong lớp có đến bốn mươi mấy bạn nam cho nên Uyên không làm sao biết mặt hết được…
         -Uyên ơi! Xuống ăn cơm! Tiếng mẹ gọi dưới nhà.
         Uyên vội vàng cất thư vào tập vở. Thay nhanh áo quần, xuống thang lầu… Ngồi vào bàn ăn cơm mà trong đầu Uyên cứ suy nghĩ miên man theo phong thư…
         Mãi đến tám giờ tối khi mọi người về phòng chuẩn bị đi ngủ, Uyên mới một mình tự do mở phong thư ra đọc:
         “…Giọng hát cất lên ngọt ngào… Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại…  làm cho đầu óc mình quay cuồng, bay bỗng… ”
         Uyên nhớ lại cách đây một tuần, Uyên có hát cho các bạn trong lớp nghe bài Tình xa của Trịnh Công Sơn.
Trong thư không có lời xưng hô! Không có lý do viết thư! Lời thư thì lơ lửng viết theo cảm xúc… Thích bài hát? Thích giọng hát? Hay thích người hát ? Cũng không rõ? Thích thì viết! Không cần biết người nhận có thích đọc hay không? Và cũng chẳng cần phải hồi âm.
Nhìn nét chữ nắn nót, Uyên bỗng nhớ đến bài thơ Tình Thứ Nhất của Xuân Diệu:
            Giấy phong kỷ mang thầm trong túi áo
            Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi…
         Uyên nghĩ: Chắc anh nào đây cũng viết đi viết lại nhiều lần mới gởi cho mình. Thoáng chút xao động! Thoáng chút lâng lâng! Và đêm hôm đó những lời vu vơ dễ thương đã đi vào trong giấc ngủ yên bình của Uyên.

Chuông reo lên báo hiệu chấm dứt buổi học. Theo các bạn ra về, nhưng các bạn chung phòng nội trú đều ở lại để tập văn nghệ nên Thắng đi theo các bạn quay lại phòng học. Anh bắc một cái ghế ngồi ra xa một chút để xem. Các bạn vào vị trí mỗi bên sẵn sàng. Tiếng hát cất lên:
Hoàng hôn lá reo bên thềm. Hoàng hôn tơi bời lá thu. Sương mờ. Ngậm ngùi xuân xanh. Bâng khuâng, phím loang vương tình…
Thắng chìm đắm trong giai điệu về Huế. Không có tiếng đàn đệm nhưng giọng hát vẫn mượt mà, nhẹ nhàng, sâu lắng man mác một nỗi buồn. Anh thấy lòng mình nhẹ thênh thang…

         Một lá thư nữa đến với Uyên vào một buổi chiều. Ngồi ở nhà một mình Uyên thong thả lấy thư ra đọc. Vẫn nét chữ ấy, vẫn cái giọng mơ mơ màng màng ấy, không xưng hô, cũng chẳng lý do:
“…Lần này giọng hát ấy lại đưa tôi đến một nơi nào xa xưa  Chiều thu nhớ nhung vì đâu, thắm đôi giòng châu tiếc thay tại sao đành lỡ làng man mác khói hương bay dịu dàng…’
         Uyên mỉm cười với những lời lẽ trong thư rồi xếp cất vào hộp.
        
         Cuộc thi văn nghệ của trường đã qua đi nhưng âm vang của nó vẫn đọng lại trong lòng. Văn nghệ đã làm mọi người xích gần nhau hơn. Lớp học vui hơn! Mọi người thân thiện với nhau hơn! Mỗi buổi học, các bạn hát cho nhau nghe. Tiếng đàn guitar của Ngọc Tượng hòa với tiếng hát của các bạn nam làm cho không khí lớp học sôi động hẳn lên.
Trời đã lập đông. Những đám mây xám kéo về nhiều hơn giăng kín bầu trời và xuất hiện những cơn mưa bay bay nghiêng nghiêng qua thành phố… Những buổi chiều học thể dục ở Preo. Mưa bay lất phất. Cả lớp ngồi vòng tròn sát gần lại với nhau. Hát thì thầm cho nhau nghe. Uyên hát :
         Tính ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang. Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt…
         Nhiều cặp mắt mênh mang nhìn Uyên!

         Uyên nhận được lá thơ thứ ba. Văn phong vẫn thế!
         “… Lời bài hát sâu lắng. Giọng hát mang nỗi nhớ …Khi cơn đau chưa dài thì tình như chút nắng. Khi cơn đau lên đầy thì tình đã mênh mông…”
         Đọc xong, Uyên tiếp tục bỏ lá thư vào chiếc hộp cất cẩn thận trong ngăn tủ.

Những cơn mưa đi đâu mất chỉ để lại những vùng mây thấp. Trời u ám và rét mướt. Đêm đêm từ nội trú Thắng nghe tiếng gió hú rít qua khe cửa. Tiếng sóng vỗ từ biển khơi, từ đại dương xa vang vọng như réo gọi! Nỗi nhớ lại quay quắt, mãnh liệt! Thắng muốn có ai đó?  bên cạnh để chia sẽ những buồn vui của người giáo sinh sống xa nhà ( Thắng bỗng nghĩ đến Uyên ). Suốt đêm, trằn trọc không ngủ được mong sao mau sáng. Thế nhưng, sáng hôm sau đến lớp, trông  thấy Uyên, Thắng lại ngại ngần! Uyên hờ hững quá! Uyên xa xôi quá! Hình như Uyên không thuộc về … và cuối cùng anh cũng chỉ đứng từ xa nhìn lại Uyên…
Vẫn biết thế! Nhưng “Con tim nó có lý lẽ riêng của nó mà lý trí…” Cho nên anh vẫn cứ nhớ, cứ mong, cứ chờ và cứ đợi. Từ đó, Thắng thay đổi chiến thuật. Anh chuyển qua “nhìn” Uyên từ xa. Mái tóc ngắn ngang vai. Cặp mắt trong sáng. Cái trán cao cao. Đôi má bầu bĩnh. Dáng đi nhẹ nhàng. Bàn chân tròn trịa với những đôi giày màu… và rồi  độc thoại với Uyên trong suy nghĩ riêng của mình. Thắng có thể ngồi hàng giờ trong phòng, lang thang trong công viên hay thơ thẩn trong sân trường một mình để chỉ nghĩ, hỏi-trả lời về Uyên:
-Sáng mai, trời lạnh Uyên đi học mặc áo len màu gì nhỉ?
-Màu trắng…
-Trời mưa Uyên mặc áo mưa hay che dù?
-Che dù…
-Uyên đi đôi dép màu gì?
-Màu…
Thắng rất vui khi những mẩu chuyện tự đối thoại đó “đúng 50%, 70%...rồi 100%”.
Và anh bất ngờ phát hiện ra một điều kỳ lạ là những đôi giày Uyên mang hàng ngày rất dễ thương. Mỗi ngày Uyên lại thay một đôi giày khác màu và cứ thế quay vòng như theo lịch đã sắp sẵn tuần tự  trong tuần.
Thời gian cứ trôi và Thắng vẫn vui đùa với những đôi giày. Một hôm, cao hứng Thắng thổ lộ với các bạn trong phòng :
- Mình có thể đoán được sáng nay Uyên mang giày màu gì?
Các bạn trong phòng trố mắt nhìn Thắng?!
-Không tin các bạn cứ theo mình ra xem. Hôm nay là thứ hai phải không? Uyên sẽ mang đôi giày màu vàng. Nếu sai mình sẽ bao các bạn một chầu...
Buổi sáng hôm đó, cả phòng đi học sớm! Các bạn đứng dàn thành một hàng ngang trên hành lang để chờ Uyên đến.
Từ ngoài cổng trường Uyên xuất hiện. Uyên thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Cô nàng đủng đỉnh đi vào đâu biết rằng cả nhóm đang nhìn chăm chăm xuống đôi giày dưới chân Uyên.
Một bạn nào đó phát hiện và thốt lên:
-Đúng rồi! Màu vàng!
Hôm sau Thắng lại nói với các bạn một cách chắc chắn như “đinh đóng cột” :
-Hôm nay, thứ ba Uyên mang sẽ giày màu đỏ đậm!
     Cả phòng lại theo dõi và rồi lại đúng như thế!
Thứ tư, giày màu xanh hoa trắng. Thứ năm màu tím. Thứ sáu màu hồng… Thắng như thuộc lòng các màu của những đôi giày mà Uyên mang…

Suốt tuần lễ, cả phòng cùng với Thắng dõi theo các màu sắc vàng, đỏ, xanh, tím, hồng…của những đôi giày Uyên mang và càng phục Thắng “sát đất”! Không ngờ anh chàng đã “để ý” Uyên  kỹ như thế.
Tình cảm của Thắng dành cho Uyên cũng chỉ dừng lại ở đó! Chứ chưa bao giờ anh “dám” trực diện nói chuyện với Uyên. Còn Uyên thì vẫn vô tư không biết rằng hàng ngày có một số bạn đang ngắm những đôi giày của mình. Và cho đến lúc đó, Uyên vẫn chưa biết mặt tác giả của những bức thư để trong cái hộp mà nàng cất trong ngăn tủ là ai?
 Một hôm vì quá tò mò, Uyên quay lại hỏi người bạn nam ngồi phía sau lưng:
-Tài ơi! Tài có biết bạn nào tên là …
Bạn ấy quay nhìn ra phía sau lớp rồi chồm lên nói:
-Thắng là bạn ngồi hàng ghế cuối phía sau, đang cười đó kìa!
     Thế là từ đó Uyên đã biết mặt người bạn cùng lớp, tác giả của “Những bức thư tình lãng đãng nhất thế giới” mà Uyên đang cẩn thận cất giữ.

     Mùa xuân đến! Vạn vật như thay chiếc áo mới. Cây cối đâm chồi nảy lộc. Trên cành, những búp xanh non mơn mởn mở mắt ngắm nhìn. Hoa đua nhau khoe sắc. Hương xuân hòa vào với tuổi trẻ làm bừng bừng sức sống. Tâm hồn Uyên cũng cảm thấy bồi hồi, lâng lâng khi bước vào tuổi hai mươi.
     Uyên đã lên năm thứ hai, chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp ra trường và Uyên sắp thực thụ trở thành cô giáo.
     Buổi chiều, cả lớp di chuyển lên lầu để học giờ Toán Học Ứng Dụng. Lớp trưởng phân công từng nhóm hai người. Run rủi, sắp đặt thế nào mà Uyên và Thắng lại cùng một nhóm. Thắng lúng ta lúng túng suốt cả buổi. Anh loay hoay giải toán trong khi Uyên thì cố tỏ ra nghiêm nghị chỉ yên lặng ghi chép… Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng duy nhất mà trong hai năm học Sư Phạm Uyên và Thắng ngồi đối diện với nhau.
     Có những lần cả lớp đi du ngoạn Thập Tháp…hay đi chơi thì Thắng cũng chỉ đứng đâu đó từ xa đưa mắt nhìn Uyên, rồi thôi!
     Ngày chọn nhiệm sở Uyên chọn Bình Định, Thắng chọn Kontum. Thắng hẹn với lòng mình là sau khi ổn định chuyện dạy dỗ, anh sẽ tìm gặp Uyên.
     Nhưng rồi cuộc chiến 75 đến! Chẳng ai còn biết tin tức gì về nhau nữa?
     Một vài lần có dịp ghé Qui Nhơn, Thắng mong tìm gặp Uyên nhưng chẳng biết đâu mà tìm?
     Uyên cũng đến Tuy Hòa nhưng cũng chỉ là “Người khách lạ đi lên đi xuống” nên không sao gặp nhau được?

         Thế rồi! Gần bốn mươi năm Uyên và Thắng mới gặp lại nhau trong chuyến về thăm trường xưa.
Cả hai đều vui mừng khôn xiết…
Cuộc hội ngộ như gợi lại giấc mơ xưa!
Trong sân trường xưa, Uyên, Thắng và các bạn đi tìm lại kỷ niệm ngày nào. Theo thói quen, Thắng nhìn xuống đôi giày của Uyên, màu đen màu của sự thanh lịch, trang trọng, một cảm giác về chiều sâu! Tự dưng anh bật cười, không biết từ lúc nào anh lại có những suy nghĩ tinh tế về màu sắc như thế ! Còn Uyên thì nhớ lại Thắng với “ những bức thư tình lãng đãng” mà cô đã cất giữ suốt một thời gian khá dài … Uyên khẽ mỉm cười về sự vụng về, ngô nghê của tuổi trẻ.
         Rồi họ chia tay nhau, mỗi người về lại với cuộc sống thường nhật, với bổn phận… Nhưng trong tâm họ luôn dành một khoảng riêng nào đó cho tình bạn.

         Sài Gòn mưa nắng đan xen. Sáng chủ nhật cùng bạn bè nhâm nhi bên ly café trong một cái quán nào đó? Và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa.
         -Uyên ơi! Bạn có biết không? Lúc xưa học sư phạm có một thời gian tụi mình ngày nào cũng dõi theo màu sắc của những đôi giày bạn mang đi học…
         Uyên trố mắt ngạc nhiên! Và Thạch kể …
         Nghe xong Uyên thấy lòng rộn vui. Sau bao nhiêu năm, bây giờ Uyên mới biết! Không ngờ các bạn nam của lớp mình thế mà “đáo để” dấu kỹ quá!? Thời giáo sinh sư phạm sao mà có nhiều chuyện ngộ nghĩnh, dễ thương, đáng yêu đến thế!

         Gió heo may lại về! Mùa thu với những đám mây bàng bạc kèm theo những cơn mưa rây bụi. Lòng buồn buồn khi bất chợt thấy một chiếc lá vàng trên cành đang trở mình rồi rơi theo gió nhẹ… Mùa thu như gợi lại giấc mơ xưa! Như đưa người về với nỗi nhớ của một thời nào xa thật là xa…

Sài Gòn, tháng 8/2012
Phương Uyên.

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Đôi Mắt...


Bảo Anh.

Bao mùa đông đã trôi qua, chúng tôi mái đầu đã bạc.Miền đất năm xưa một thời in những kỷ niệm dấu yêu đã bỏ lại sau lưng nhưng mối tình đơn phương của bạn tôi về mùa đông năm ấy (1972) đã theo tôi suốt cuộc đời.Vì sao ư? Có lẽ vì tình thân giữa hai chúng   tôi gắn liềnvới  mùa đông Pleiku đẹp và buồn với những cơn gió lùa hun hút?
  
         Hơn bốn tháng học tập, những ngày sắp về lại Pleiku ăn tết, Liên căn dặn tôi:! Bảo Anh ơi! Nhớ ghé thăm anh Bân dùm Liên nhé! Bảo Anh nhớ quan sát thật kỹ để về tả lại cho Liên nghe ngôi nhà của anh và tất cả những gì xung quanh nơi anh ấy sống. Vào nhà Bảo Anh thấy người nào có đôi mắt ngựa thì đó chính là anh Bân. Chừng ấy lời dặn dò cũng đủ để thấy Liên yêu anh đến nhường nào!
             Câu nói của Liên khiến cho tôi tò mò về đôi mắt ngựa. Thú thật, từ bé đến giờ tôi đã từng thấy ngựa nhưng chưa một lần quan sát đến đôimắt của nó. Nhưng tôi nghĩ, Liên đã ví đôi mắt của người mình yêu như đôi mắt ngựa hẳn phải là đẹp lắm!
              Tôi không biết họ quen nhau trong trường hợp nào nhưng xem ra vô cùng thắm thiết, nhất là Liên. Tôi tưởng tượng Liên bé nhỏ luôn đi ra phố với chiếc áo dài trắng  bên anh chàng mặc đồ lính: cao, rắn chắc, da rám nắng do những tháng ngày luyện tập ở quân trường thật lãng mạn, dễ thương làm sao!  

                                                      oOo

               Lần đầu tiên sống xa gia đình nên ngày về lại quê nhà, được gặp người thân và miền đất nhớ khiến cho tôi rạo rực cả đêm không sao chợpmắt được. Mới tờ mờ sáng ngày 23-12 âm lịch tôi đã có mặt ở bến xe, mặc dù đến 9 giờ xe mới bắt đầu rời bến. Liên co ro trong chiếc áo lạnh với chiếc mũ trùm đầu trông Liên bé nhỏ, đáng yêu làm sao! Xe bắt đầu lăn bánh, Liên đưa tay vẫy chào tạm biệt với gương mặt rạng ngời, đôi mắt chan chứa vô vàn yêu thương và ước nguyện  
                Khi xe đến dưới chân đèo MangYang, sự khác biệt khí hậu vùng miền rất rõ rệt. Cái lạnh khắc nghiệt bao trùm vạn vật. Những hạt mưa li ti không đủ thấm đất càng làm cho không khí thêm lạnh và buồn. Mùi đất bazan, mùi của núi rừng, mùi của cỏ cây hoa lá quyện vào nhau khiến cho cao nguyên mang môt bầu không khí rất đặc trưng. Tôi đưa tay hé mở cánh cửa để cho khí lạnh lùa vào mà không ảnh hưởng đến người xung quanh. Thật dễ chịu! Xa tít ngoài kia bạt ngàn những ngọn cỏ tranh,  khi gặp cơn gió mạnh thổi qua chúng xô dạt vào nhau, nhấp nhô như những ngọn sóng. Rừng im phăng phắc, không gian u buồn, một cảm giác nhớ nhung mơ hồ xa vắng dấy lên trong lòng tôi
                                                    
                                    oOo

               Không đợi đến tết, khi về đến nhà, chiều hôm sau tôi đến thăm Bân. Liên gửi cho Bân một món quà gì đó tôi không mở ra xem.
               Mùa đông cao nguyên buồn hiu hắt. Đứng trên đồi nhìn ra xung quanh, xa xa các bản làng người dân tộc thấp thoáng trong những tán cây rừng. Những con đường đất đỏ dẫn vào buông, rải rác những người dân tộc địu con, gùi nước trở về làng. Tiếng lục lạc của đàn bò, tiếng chim rừng, tiếng gió lùa trong cây xào xạc như một bản hợp xướng của thiên nhiên. Một ngôi nhà lẻ loi, cửa mở, đàn gà con kêu chim chíp. Tôi hồi hộp không dám vào, tần ngần đứng ở xa ; nửa tò mò, nửa thú vị khi thấy một người mặc pyrama màu xanh như của thương binh đang nhìn tôi từ xa vẻ dò hỏi. Như mô tả của Liên thì đây đích thị là Bân rồi. Tôi bước đến gần và tự giới thiệu mình. Bân lịch sự mời tôi vào nhà. Nội thất trong nhà đơn sơ, mọi thứ toát lên vẻ thanh bạch và ngăn nắp.
           Tôi vừa nói chuyện với Bân vừa quan sát đôi mắt của chàng. A, thì ra mắt ngựa là như thế! Tôi tự nhủ.
          -Anh giống một nhà hiền triết hơn là một quân nhân
          -Sao em nghĩ thế?
          -Vì trông anh vừa trầm tư vừa không mập không ốm !
          -Theo em, những nhà hiền triết đều trầm tư và không mập không ốm hết sao?
          -Em nghĩ thế
         Bân cười, nụ cười của một người từng trải đối với suy nghĩ trẻ con của người con gái mới lớn
         Nước trà sóng sánh ánh vàng, nhấp vào một ngụm nghe ấm cả lòng trong khi bên ngoài rất lạnh, cái lạnh của núi rừng. Những ngón tay anh vân vê trên tách trà như ngón tay  của những nghệ sỹ chơi dương cầm: móng được cắt ngắn, thon thả vừa phải và mềm mại. Anh ít đề cập đến Liên. Ngồi một lát, anh đưa tôi ra ngoài.
          Gió mùa đông hun hút thổi. Ạnh đưa tay quàng lại chiếc khăn quanh cổ tôi và nói một cách tự nhiên như thể tôi là một cô em bé nhỏ:
         -Để anh quấn lại cho, ngoài này lạnh lắm. Riêng anh thì quen rồi. Anh là  thiên nhiên, thiên nhiên là anh! Anh đút hai tay vào túi quần, đứng sát vào tôi mắt nhìn xa xăm …
          Chúng tôi nói với nhau rất ít, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, cái chính là cùng ngắm buổi chiều đang xuống. Một sự rung cảm thật nhẹ nhàng thoáng qua trong tôi. Bầu trời xám xịt, gió thổi từng cơn xô dạt những đám mây nặng nề về cuối chân trời. Tôi nghe đâu đây không khí tết quyện vào trong gió.
            Nắng tắt dần, không gian một màu mờ đục. Ạnh tiễn tôi xuống hết ngọn đồi. Bóng hai đứa đổ dài, lúc chạm vào nhau, lúc tản ra xa. Tiếng sỏi đá lạo xạo dưới chân, sương chiều bảng lảng…

                                    oOo

           Sau những ngày nghỉ tết ngắn ngủi,tôi trở lại Qui Nhơn  mang theo những món quà tết cho Liên và các bạn cùng phòng. Đó là bánh Hồng và Cơm nếp đậu đen, hai món đặc sản do chính Mẹ tôi làm. Sở dĩ tôi gọi nó là đặc sản vì Mẹ tôi đã biết tạo ra hương vị độc đáo cho loại bánh dân dã rẻ tiền mà không ai sánh được.Sau này, bên cạnh cuộc sống ba chìm bảy nổi của tôi, tôi mang theo hương vị của hai loại bánh đó trong suốt cuộc hành trình đầy nhọc mệt. Nó như hơi ấm của Mẹ tôi sưởi ấm cho tôi trong những đêm dài buốt giá dù Mẹ tôi còn sống hay đã ra đi! Một người mẹ suốt một đời cơ cực vò võ nuôi con chưa một ngày được sướng.Cứ mỗi khi gió mùa đông bắc thổi về là Người đã chắc chiu lo gạo nếp để dành làm bánh cho con
           Liên ra tận bến xe đón tôi với gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Trong khi xích lô đưa chúng tôi về nội trú, tôi nói huyên thuyên về Bân

                                    oOo

        Ngày theo tháng tiếp nối qua đi, chúng tôi vẫn miệt mài học tập ;tham gia sinh hoạt cộng đồng, dự giờ, thực hành trên lớp. Chuyện tình giữa Liên và Bân không tiến cũng chẳng lùi.
         Thế rồi mùa Noel năm sau, Liên đi chợ sớm mua đồ nấu ăn giáng sinh. Liên dặn tôi đến dự, không được nhận lời ở đâu. Buổi tiệc được tổ chức tại nhà chú Mai, chú kết nghĩa của Liên. Bạn bè khoảng 15 người ;lớp sư phạm chỉ có mình tôi. Hôm đó Liên không hát mà đọc thơ. Tôi biết đến thơ của Baudelaire từ nơi Liên. Liên rất có tâm hồn. Những cảm nhận của Liên về nghệ thuật, thi ca rất sâu sắc. Tôi hát bài Tiếng xưa của Dương Thiệu Tước, sau đó là bài Nhớ người thương binh  của Phạm Duy
          Đã quá nửa đêm, chúng tôi không đi nhà thờ mà đi bộ về nhà Liên. Sương xuống nhiều, trời se lạnh. Về đến nhà, Liên ngồi bệt xuống sàn, tựa người vào cột khóc lặng lẽ. A, tôi quên nói với bạn là buổi tiệc không có Bân. Liên đưa những ngón tay thon dài, trắng mịn lau những dòng nước mắt lọt qua kẽ tay tuôn rơi lã chã. Thuở ấy tôi chưa có cuộc tình nào nên chưa thấu hết những nỗi đau mất mát. Tôi ngồi xuống cạnh nàng, cứ thế lặng yên không biết nói gì và có lẽ lặng yên trong lúc này là hay hơn cả vì im lặng cũng là một cách sẻ chia. Mọi người trong nhà đều đi ngủ cả. Khi cơn xúc động qua đi, Liên nói với tôi: Bân nói với chú Mai “người yêu không tới mà người không yêu lại tới!” Thế là hết! Tội nghiệp cho Liên của tôi! Tôi cầm tay nàng trong đêm tối. Hai đứa cứ ngồi như thế không biết bao lâu.Bên ngoài chuông nhà thờ đổ một hồi  khiến cho đêm dài càng thêm cô tịch. Trong đầu tôi lởn vởn câu thơ của Baudelaire mà có lần Liên đã đọc cho tôi nghe:
          Đêm đông lạnh, ôi dịu dàng cay đắng
          Ngồi bâng khuâng khói lửa chập chờn bay
          Từ xa xưa nghe dâng tràn kỷ niệm
          Tiếng chuông rung hát giữa khói sương dày
          Trong phiền muộn linh hồn tôi rạn nứt …  
          
                                         oOo

        Sau khi ra trường, Liên nhận nhiệm sở ở Phù Mỹ, tôi về lại Pleiku. Mùa xuân 1975 chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhau. 

     Mùa thu 2008 tôi về lại,Pleiku. Sau bao năm xa cách, thành phố giờ đã đổi thay nhiều,.khu trung tâm Diệp Kính với các con đuờng Hoàng Diệu, Lê Lợi giờ đã đổi tên. Thành phố với những con đường mới mở rộng hơn, khang trang hơn nhưng đâu rồi những hàng cây in bóng những tà áo học trò thướt tha sau những buổi tan trường, tiếng la hét của nữ sinh khi bị sâu bò lên áo là cơ hội cho đám nam nhi ra tay nghĩa hiệp. Tất cả giờ chỉ còn trong ký ức!
         Cao nguyên vào thu không có cái nắng rực rỡ nhưở đồng bằng nhưng bầu trời trong xanh. Dõi mắt theo những mảng mây trắng lững lờ trôi theo chiều gió, tôi chạnh lòng nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng hạc lâu:
             Hạc vàng đi mất từ xưa
             Nghìn năm mây trắng bây  giờ còn bay .

        Tôi trở lại chốn xưa: đồi Plelangba, nơi có ngôi nhà đơn sơ nằm lẻ loi trên đồi, bốn bề gió thông thống thổi. Tôi hồi hộp như thể Bân là người tình của tôi chứ không phải của Liên. Nắng chiều nhạt dần. Lưa thưa vài đụn khói hun phân trâu bò quyện vào không gian một mùi ngai ngái. Tôi cảm thán: mùi của quê hương!
         Tôi đứng đó trong rưng rưng nỗi nhớ. Nhớ ai? Nhớ một thời tuổi trẻ, nhớ Liên, nhớ mối tình mong manh đơn lẻ của nàng. Ngôi nhà vắng lặng, cửa đóng then cài. Người xưa đâu? Ký ức ùa về choáng ngợp tâm trí tôi…

                          Sài Gòn   30-7-2012
                                   Bảo Anh

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Bài ca cho sinh nhật...


 BBT: Hôm nay là một ngày đặc biệt: ngày sinh của bạn Phương Dung - 8/8 - BBT xin đăng ở đây một bài thơ của Ph. Dung, bài thơ viết như một "nhìn lại" quãng đời đã qua... Nhân dịp này BBT xin gởi đến Ph.D lời chúc mừng sinh nhật; chúc cho Ph.D có một sinh nhật thật vui và hạnh phúc bên những người thân yêu của mình, mong tiếp tục được được sự góp mặt của Ph.D trên trang SPQN này...


tặng sinh nhật tôi, tháng tám

  Tháng tám Mẹ ru bài ca bú mớm
Vỗ giấc nụ cười tiếng khóc trẻ thơ
Nắng sớm hương đêm ru hồn bỡ ngỡ
Em ngậm cuộc đời sữa mẹ ngọt thơm

   Tháng tám đi qua gót hồng trẩy hội
Từng bước vào đời ấm áp mẹ cha
Như bước chim non du cơn gió nổi
Em ôm nụ cười , ôm tiếng ê a

   Tháng tám ru em đến mùa sách vở
Vai Mẹ nhọc nhằn , Cha gánh âu lo
Tung bước hồn nhiên nụ hồng chớm nở
Mắt môi rạng ngời theo tiếng chim ca

   Tháng tám hạ về thắm mùa phượng vĩ
Em vuốt nụ cười trên sợi tóc ngoan
Ép cánh hoa tươi ép đời mộng mị
Như cơn mưa phùn , như nắng hương thơm

   Tháng tám mưa qua nhẹ cơn gió thổi
Đẹp áo xuân thì đẹp gió tung bay
Sợ bước chân ai dài theo lối nhỏ
Áo trắng em cười nón lá nghiêng vai

   Tháng tám đi qua ru đời thống khổ
Sách vở , học trò , bút mực ngã nghiêng
Mơ ước mong manh trên con sóng dữ
Em cười thật buồn tìm chốn bình yên

    Tháng tám Sydney giọt dài giọt ngắn
Giọt mừng cuộc đời , giọt nhớ mẹ cha
Mái ấm Quê hương giờ đây xa vắng
Nhớ nắng ru êm chờ bước chân xa

   Tháng tám tha phương niềm thương nỗi nhớ
Hạnh phúc vuông tròn từng giọt chắt chiu
Tiếng khóc bé thơ nụ cười con trẻ
Ru giấc bình an như áng mây chiều

     Tháng tám mưa đông dài cơn gió lạnh
Nhìn lại cuộc đời một thoáng qua nhanh
Dẫu có gian nan dẫu khi lận đận
Như giấc mơ qua còn chút an bình .

                       Phương Dung nhị2/K11


Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Thư của BBT.


Cùng các bạn đọc rất thân mến của trang SPQN:

Những ngày gần đây trang nhà của chúng ta có vẻ khởi sắc lên do sự góp mặt thêm của vài cây viết mới, cùng với sự đóng góp lời bàn của nhiều khách thăm mới... như các bạn: Diệu Phương, V. Cường, Tự Tín, H. Anh, H. Hoa K6, Phú Nguyễn, M. Thang 10/11, Thanh Nhân, N. Ph 5/11, T. Lan K9, N. Mai, Dzung Nguyen, huyhoang, Khách tha hương, K. th, B.Lspqn, Người Quảng Ngãi, Diên Tào - Hành Nhân, Pv, spqnQ.ngãi, Bien, Bao Anh, mt10/11... cùng rất nhiều các bạn khác nữa!
Để chào mừng và cám ơn sự cộng tác của các bạn;- hôm nay cũng là ngày cuối tuần - BBT xin gởi tặng những thành viên mới một nhạc phẩm của Quốc Dũng, do Quang Linh hát... bài hát này BBT cũng xin mạn phép thay mặt các bạn:  V. N. Thạch, T. H. Tình , Đ. T. Tùng , Sĩ … (những "cái đuôi" ngày ấy...) dùng như một "lên tiếng" với tác giả của "Tình Xa" nhé! Chúc các bạn một ngày cuối tuần thật vui và hạnh phúc bên người thân của mình...
Rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác nhiều ưu ái của các bạn cho trang nhà SPQN trong thời gian tới.

Thân ái.
BBT SPQN 

 

Ngại Ngùng

 Em đã biết cong môi từ chối những điều anh muốn nói,
Em đã biết xa lâu thì nhớ, lần lửa chi mắc cỡ
Ôi nụ cười, mắt liếc chua ngoa,
Ta về bên ấy buồn ba bốn ngày, buồn ba bốn ngày..

Em đã biết phố đông nhiều ngõ, đường yêu đương trắc trở
Ai lắt léo chi từng câu nói, cho ngày sau nên nỗi...
Để bây giờ chim cá bặt tăm,
Ta về bên ấy buồn năm sáu ngày, buồn năm sáu ngày..

Xưa đội nắng chung đường lá đổ, tim trai tơ nín thở,
Biết bao giờ gặp lại em yêu, lòng bất chợt buồn thiu,
Chuyện tưởng đã nhiều năm xa lắm, bỗng tràn đầy trong mắt,
Xào xạt đưa chiếc lá bay xa, ngồi mà nhớ người ta,
Anh đã biết yêu đương từ đó, mà ngại không dám nói,
Để bây giờ chim cá bặt tăm, ta về bên ấy buồn xong vẫn buồn

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Phóng sự ảnh: Đằng sau những tấm huy chương Vàng Olympic của Trung Quốc.


Chịu bao đau đớn để... (???)


Một em bé tập luyện cho Olympics bị người huấn luyện đứng lên chân (nguồn dailymail.co.uk)

Trẻ em Trung Quốc "trong trung tâm huấn luyện" (nguồn dailymail.co.uk)
trung tâm huấn luyện hay "trại tập trung"???

Bằng mọi giá - Nguồn dailymail.co.uk/news

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

TÌNH XA.


         Pauline Phương.



 Viết tặng các bạn  một thời học ở Sư Phạm Qui Nhơn và cho những người tình xa…



Tác giả... ngày ấy.
Vào mỗi buổi sáng cuối tuần, tôi thích ngồi xích đu đọc sách, chấm bài và lắng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cây phong hay cây anh đào trong vườn. Thỉnh thoảng đưa mắt nhìn các chú sóc ngoạm mấy củ tulip leo nhanh lên cây rồi ngồi nhấm nháp nhai. Mùa hè ở Toronto-Canada khí hậu mát mẻ dễ chịu. Hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa anh đào…nở  rực rỡ đang khoe sắc trên bãi cỏ xanh tươi. Khu nhà tôi ở rất yên tĩnh đến nỗi tôi có thể nghe tiếng gió thở dài. Tiếng cựa mình của những chiếc lá. Tiếng con chim nào đó nhảy nhót chuyền cành cất tiếng hót lảnh lót rồi bay vút lên bầu trời xanh. Thỉnh thoảng lắm mới có tiếng xe chạy vào.

Ba mươi mấy năm xa xứ mà cứ mỗi lần nghe bài hát “Tình xa” tôi vẫn thích. Bài hát gợi cho tôi nhớ đến Ren, cô bạn học cùng lớp ở trường Sư Phạm Qui Nhơn thường hát bài này cho chúng tôi nghe.

“ Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ. Lời hẹn thề là những cơn mưa…”

Lời bài hát đưa tôi về lại thời con gái với những mối tình thơ dại …

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Kỷ niệm 50 năm SPQN

BBT xin giới thiệu đến quí bạn đọc những hình ảnh về nhà trường SPQN qua một slideshow rất đẹp của chị Nguyễn Thị Thảo, Lớp Nhị 8, K10 SPQN đăng trên Youtube. Rất cám ơn chị Thảo đã dành thời gian để thực hiện một clip rất tuyệt vời... 


Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Tin Buồn

BBT trang SPQN vừa nhận được tin buồn: Bạn Trần Sỹ, nguyên giáo sinh lớp Nhị 5 _ Khóa 11 vừa qua đời tại Tuy Hòa, Phú Yên. Lễ đưa tang sẽ được tổ chức vào 16 giờ ngày 27/7/2012.
BBT trang SPQN xin thông báo đến bạn bè xa gần và chân thành chia buồn cùng tang quyến; cầu xin cho hương hồn bạn Trần Sỹ được sớm siêu thoát nơi miền Cực Lạc.

Thành kính phân ưu.





LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...